Friday, March 30, 2012

Chuyện chẳng có gì hết

image

Chợ chồm hổm – Tranh sơn dầu của tác giả , Còn nét gì VN hơn chợ chồm hổm? Chỉ cần một khoảnh đất, một góc phố….để đặt rổ hàng rồi ngồi bên cạnh, vậy là thành chợ với đầy nón lá và…đàn bà! (Lời tác giả)

Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác, những người Việt Nam cũng lưu vong như tôi, có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng…

…Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn mua, một danh sách mười mấy món, tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người nào cũng đầy ăm ắp.

Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước ! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại di động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi : ” Hôm qua mày đi với thằng nào ? … Super… Ừ ! Ừ !… Thằng Alex hả ?… Génial ! … Ừm ! Ừm ! … Génial ! … Rồi mày làm sao ?…Ừm ! Ừm !…”. Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy : ” Ố ! Ố !…Super ! Super ! Génial !… Ờ… Thôi ! Mày gọi lại tao há ! Bye ! ” Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động ! Có vài người nhìn nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp ! Coi như chuyện bình thường…

image
Hình minh họa

Tôi thì tôi không chịu được ! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy ! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn !
Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói tiếng Việt Nam : ” Sophie ! Đừng làm như vậy ! Mẹ nói đừng làm như vậy !”. Ngạc nhiên, tôi nhìn lại : đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói với đứa con :
” Mẹ dạy con làm sao ? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước. Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì ?” Đứa bé đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn :
” Sophie ! Nhìn vào mắt mẹ nè !” Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm trong caddie : ” Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ ! Đừng làm cho mẹ giận, Sophie !” Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt : ” Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…”

Ngạc nhiên, tôi nói : ” Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô !”. Mẹ nó cười tươi : ” Dạ, lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói tiếng Pháp”. Rồi cô ta quay qua nói với con : “Chào ông đi con”. Con bé khoanh tay cúi đầu : “Dạ chào ông”. Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng “Giỏi” rồi nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách ? Từ lâu, rất lâu, có lẽ cũng gần ba mươi năm, tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quí nhất của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…

Trả tiền xong, tôi quay lại nói : “Thôi ! Chào cô nghen ! Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô biết không ?”. Cô ta cười : “Dạ ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà bác. Dạ ! Chào bác”. Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá !

image

Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ tuổi đó và thấy quí những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm mà quí. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.
Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi vượt biên. Rồi cũng định cư ở Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…

Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã. Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhất lớp, cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, “hách” ghê lắm ! Bây giờ, tuồng chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.

image

Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói : “Không ! Ba muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết, nó cứng ngắt, vô hồn…”

image

Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó “mất gốc” đến độ như vậy ! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng Việt Nam ! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…

Đó ! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho cùng, chắc nó có mang một “cái gì đó” chớ không phải “không có gì hết”. Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không “nói” lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn ?
Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cúi đầu chào của cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật. Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu thị thì làm sao nói mất quê hương ? Quê hương còn nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa : mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta : “Dạ ! Có gì đâu ? Mình là người Việt Nam mà bác !”. Và tôi tin chắc : một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương !
Bây giờ thì tôi thấy “câu chuyện không có gì hết” thật sự không phải không có gì hết !



Tiểu Tử

Nhác việc nước, nhếch việc nhà

image


Căn bệnh “ù lì,  nhếch nhác việc Nhà, bôi bác việc Nước  là tệ nạn đã do đảng và nhà nước  Cộng sản Việt Nam  nuôi dưỡng để tồn tại nên dù bây giờ có xây dựng, chỉnh đốn  mới theo tinh thần Nghị quyết 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng khó mà thành công.

Trước nhất, hãy nói về chuyện xuống dốc của nền kinh tế.

Trong bài viết ngày 28/03/2012, Tác gỉa  Anh Quân của  Thời báo kinh tế Việt Nam  trích lời Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM (Sài Gòn) Lâm Nguyên Khôi cho biết: “Trong quý 1 năm nay, địa phương này có tới 931 doanh nghiệp đã khóa mã số thuế để giải thể, theo tổng hợp của cơ quan thuế. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là 526 đơn vị, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng số doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế Tp.HCM còn lớn hơn nhiều lần, đến 5.012 doanh nghiệp. Con số chi tiết được diễn giải: 1.725 đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản; 1.198 doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích; 1.136 đơn vị tạm ngừng có thời hạn… Riêng con số đăng ký tạm ngừng hoạt động với Sở kế hoạch và Đầu tư tăng gấp 4,6 lần năm ngoái.”

Vẫn theo tờ báo thì : “Báo cáo lên Chính phủ hôm 25/3, Bộ (Kế họach và Đầu tư) cho biết, tính đến 21/3 số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% về lượng và 12% về vốn đăng ký so với cùng kỳ, tương ứng đạt trên 15,3 nghìn doanh nghiệp và 74,6 nghìn tỷ đồng.

Nhưng đáng chú ý hơn, đã có trên 2,2 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và trên 9,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bộ cho biết, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.”

Chuyên gia kinh tế, Bà Phan Chi Lan còn cho TBKT biết thêm là: “Số doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất khó khăn, chưa đăng ký thôi nhưng khó vượt qua nếu cứ thế này”.

TBKTVN kết luận: “Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà chỉ rõ: tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, lãi suất còn khó khăn để doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến sử dụng được, nên sản xuất tăng thấp.

Nhìn về phía nhập khẩu, dù lạc quan với thâm hụt thương mại thấp, ông Hà cũng lưu ý rằng, với đặc thù nền kinh tế Việt Nam phải nhập khẩu nhiều thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất thì tình hình như hiện nay đang phản ánh sản xuất trong nước trì trệ.

“Đầu tư của khu vực tư nhân khó khăn, thi trường bất động sản sụt giảm, công nghiệp chế biến khó cả đầu vào và đầu ra nên nhập khẩu đầu vào máy móc thiết bị giảm.”

Về mặt Nhà nước, Thông cáo kỳ họp tháng 2 nhìn nhận  tình hình kinh tế: “Còn nổi lên những khó khăn, tồn tại: Lạm phát đã được kiềm chế nhưng hiện vẫn còn ở mức cao; lãi suất cũng còn ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.  Sản xuất công nghiệp tăng chậm và tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, hàng hóa tồn kho gia tăng, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa đông xuân và chăn nuôi.  Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng ở nhiều địa phương. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.  Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.”

Trong khi đó vật giá leo thang nhanh hơn tiền lương được tăng của công nhân khiến nhiều gia đình lao động khốn đốn, dù tình hình lạm phát không tăng nhanh như cuối năm 2011 Nguyễn Nga của Báo Đại Đòan Kết (28-03-012)  viết rằng : “Tháng 3 năm nay, những thay đổi liên tiếp của giá gas, giá xăng cùng những thông tin về chất tạo nạc trong thịt lợn đã khiến giá thực phẩm trên thị trường có nhiều biến động, gây khó khăn cho đời sống người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của PV (phóng viên) tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Long Biên, chợ Mai Động, chợ Đồng Tâm... sau hơn 20 ngày giá xăng tăng, giá thực phẩm đã có những thay đổi nhất định. Chị Huyên (tiểu thương tại chợ Mai Động) cho biết, trong tháng 3, giá rau đang biến động thất thường, song đều đã tăng từ 2.000-3.000 đồng. Hiện, rau cải xoong có giá 6.000 đồng/mớ, rau muống 10.000 đồng/mớ, rau cải ngọt 8.000 đồng/kg, cà chua 12.000-15.000 đồng/kg, bắp cải 4.000-5.000 đồng/kg, su hào 2.500-3.000 đồng/củ... Lý giải điều này, chị cho biết, vừa qua, thời tiết thay đổi, nồm, mưa phùn kéo dài đã làm rau khó lên, nguồn cung không ổn định lại thêm chi phí vận chuyển tăng lên đã khiến giá rau phải lên theo.”


NGƯỜI TẦU-HÀNG TẦU

image

Với tình hình kinh tế như thế mà đảng và nhà nước không tập trung nỗ lực giải quyết mà còn làm ngơ cho thương lái Trung Hoa mở  các kho hàng bán trực  tiếp hàng của họ cho người buôn và khách hàng tại Sài Gòn.

Cách làm ăn này không những chỉ giết hàng sản xuất của các công ty người  Việt mà còn đe dọa “Bắc Kinh hóa nền kinh tế Việt Nam”, sau khi nhà nước đã hòan toàn bất lực không ngăn chặn được các nguồn cung cấp hàng nhập lậu từ Trung Hoa.

Cách làm ăn mới  này của thương lái Trung Hoa có theo luật  thương mại, đóng thuế như một công ty nước ngòai và luật lao động của Việt Nam hay không thì bài báo dưới đây không nói tới.

Bài viết của Bích Nga trên báo Sài Gòn Tiếp  Thị ra ngày 28-03 (2012) nói rằng: “Các doanh nhân Trung Quốc đã đưa hàng hoá của họ đến gần hơn người tiêu thụ, bằng cách trực tiếp lập kho hàng, phân phối hàng hoá ngay tại TP.HCM. Cách làm ăn năng động và sự có mặt của họ tại thành phố là điều rất đáng suy nghĩ.

Trong một căn nhà tại quận 5 TP.HCM, với bề ngang chừng 4m, sâu chỉ khoảng 11 – 12m, phía trước bày bán như một shop thời trang, trông khá chán với một vài bộ quần áo thời trang bám bụi treo trên móc, vài chiếc túi xách màu cũ kỹ bán giảm giá 30 – 50%, nên khách đi ngang hầu như chẳng có ai ghé vào. Còn khách quen đến cửa sẽ có người dắt tiếp vào trong, hàng hoá trưng bày còn hơn cả siêu thị chuyên bán túi xách, với vài ngàn chiếc đủ màu đủ kiểu, được trưng bày thành từng kệ, từng sào và xếp kín mặt bằng từ tầng dưới lên tầng trên.”

Có thể thấy, hàng Trung Quốc đang thay đổi diện mạo, cũng như cách tiếp cận với giới kinh doanh ở TP.HCM. Những kiểu bán hàng trên mẫu, trên catalogue, rồi chờ khách mua đến đâu, gửi hàng vào đến đấy đang bị thay đổi. Nhà kinh doanh hàng Trung Quốc đang phải đầu tư vốn lớn hơn cho mặt bằng trưng bày, cho đội ngũ nhân viên bán hàng – giao hàng – theo dõi hàng trên quầy kệ như trong siêu thị, cũng như các phần mềm quản lý hàng hoá… để đáp ứng nhu cầu muốn có mẫu mới thật nhanh của người bán lẻ. Họ đáp ứng nhu cầu đa dạng mẫu của khách theo kiểu “bán sỉ mà như bán lẻ”. “Muốn lấy mười áo, mỗi áo một màu hoặc hoạ tiết khác nhau cũng được đáp ứng”, bà Kim, chủ sạp bán sỉ quần áo may sẵn ở chợ Bình Tây cho biết.

Theo một số chủ sạp, tính đến nay có hơn mười kho hàng, mà cũng có thể gọi là siêu thị chuyên bày bán các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, như quần áo lót, hàng thủ công mỹ nghệ, túi xách thời trang, đồ chơi trẻ em… trong các căn nhà có diện tích đất hơn 100m2 ở quận 5, quận 6, Tân Bình nhưng lại có đến 4 – 5 tầng lầu để bày hàng.

Vốn là doanh nghiệp chuyên nhập sản phẩm dùng trong gia đình của Trung Quốc về bỏ mối, bà Nguyễn Thị Thanh, một doanh nghiệp ở Tân Phú đang xoay xở tìm mặt bằng, dự kiến mở “kho trưng bày” với diện tích cả ngàn mét vuông. Bà chia sẻ: “Đối tác ở Trung Quốc đã đồng ý cùng tham gia, tức tôi tìm thuê mặt bằng, họ đầu tư hàng”.

Nhưng đây chẳng phải là cách làm ăn duy nhất của người Trung Hoa trên lãnh thổ Việt Nam. Các thương lái Trung Hoa đã vào Việt Nam từ lâu để  gom mua Vải thiều, Heo (lợn), Thủy Sản, thuê đất trồng Khoai Lang ở đồng bằng Cửu Long, mua hàng loạt cây Ngâu ra hoa 2 mùa (tháng 4 và tháng 8 ânm lịch) ở Bình Định, cây hoa qúy truyền thống  Hải đường ở Hải Phòng.

Người Tầu đã mua hàng với giá cao rồi cũng chính họ tìm cách hạ giá xuống qua mánh lới của Chính phủ Trung Hoa  thay đổi các tiêu chuẩn kiểm soát hàng ở các cửa khẩu khiến nhiều nhà buôn Việt Nam bị thua lỗ, mắc nợ thương lái Tầu. Bài học hàng trăm xe vận tải chở dưa hấu phải xếp hàng qua cửa khẩu trong thời tiết nóng làm hư thối phải đổ đi là một bằng chứng.

Chưa hết, tại nhiều vùng biển trong nước, tiêu biểu như Khánh Hòa còn có tình trạng Thương lái Tàu dùng người Việt làm trung gian mua hải sản để tránh thuế và kiểm soát của chính quyền địa phương.

Bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 20/02/2012 cho biết: “Hiện thương lái Trung Quốc thường hoạt động dưới hai dạng: một là mua trực tiếp, thuê người vận chuyển đưa về xí nghiệp ký hợp đồng gia công.

Tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đang có nhiều thương lái Trung Quốc mua hải sản trái phép. Thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay, chưa tìm được giải pháp thích hợp để xử lý tình trạng này…”

“….Phó ban quản lý cảng cá Vĩnh Lương, ông Nguyễn Thanh Hậu, cho hay một số thương lái Trung Quốc về quê ăn tết chưa quay trở lại, nhưng hiện mỗi ngày cũng có vài người vào cảng mua cá. “Sau khi báo chí phản ánh, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát nên các thương lái Trung Quốc cũng hạn chế xuống cảng. Khi có tàu vào cảng, họ xuống xem hàng nhanh rồi về, mọi việc còn lại đều do người Việt đảm nhận, thanh toán... tức mua bán thường thông qua người Việt Nam”, ông Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Minh Sô, chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường tỉnh Khánh Hoà, pháp luật Việt Nam không cấm thương lái Trung Quốc mua thuỷ hải sản, nhưng họ phải đăng ký, đóng thuế... đầy đủ. Họ thu mua hải sản trái phép không chỉ gây thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Thương lái Trung Quốc mua trái phép gây bức xúc cho các doanh nghiệp khác, bởi nó tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng”, ông Sô nói.

Ông Sô cũng cho rằng, hiện thương lái Trung Quốc thường hoạt động dưới hai dạng: một là mua trực tiếp, thuê người vận chuyển đưa về xí nghiệp ký hợp đồng gia công. Trường hợp này có chứng cứ rõ ràng, xử lý được. Trường hợp còn lại rất phổ biến là người Trung Quốc xem hàng, người Việt Nam đứng ra thu mua. Đây là dạng “núp bóng”, cơ quan biết nhưng không có đầy đủ chứng cứ để xử lý…”

Ngoài các thương vụ nổi, có đến 90% dự án xây dựng kinh tế đã rơi vào tay các công ty người Tầu đến từ Trung Hoa, trong số này có nhiều công ty không đủ khả năng và  vật liệu cung cấp thường trễ hạn đã gây trì trệ nhiều công trình và nhà máy gây thiệt hại cho phía Việt Nam.

Đã thế, hàng chục nghìn công nhân người Tầu đã được các công ty Trung Hoa đem thẳng vào Việt Nam làm việc, vô số trong họ là những lao động thường không có giấy phép đã lấy mất việc làm của công nhân Việt Nam.

Nếu được thu vào làm việc thì tiền lương của công nhân Việt Nam luôn luôn thấp hơn lương công nhân Tầu, dù làm cùng một việc như nhau.

Riêng tại hai nhà máy Bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) có khỏang 1,500 chuyên viên và nhân công người Trung Hoa, căn cứ theo tin phổ biến ngày 08/09/2011 của Tập đòan Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Tổ chức này cũng nói số công nhân Việt Nam, hầu hết là những nhà thầu phụ, luôn luôn ngang bằng với số công nhân người Hoa tại hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ.

Phía Việt Nam chỉ nhìn nhận có khỏang 35 ngàn công nhân người nước ngòai đang làm việc ở Việt Nam, nhưng không nói rõ có bao nhiêu công nhân người Tầu.

Báo chí Việt Nam đã có lần nói đến con số khỏang 75 ngàn người và Chính phủ Việt Nam cũng không có lời cải chính về con số này.


XÂY DỰNG ĐẢNG CÁCH NÀO ?

image

Bước sang lĩnh vực chính trị, từ đầu năm 2012 đảng CSVN đã dồn mọi nguồn lực vào công tác thi hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”  công bố ngày 31/12/2011.

Công tác này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho ba  cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương do Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu; Ban Tổ chức Trung ương, dưới quyền điều khiển của Ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rưá và Ban Thanh tra Trung ương do Ủy viên Bộ Chính Trị  Ngô Văn Dụ cầm đầu.

Trong “Hướng dẫn việc triển khai công tác tư tưởng” thi hành Nghị quyết 4, Đinh Thế Huynh chỉ thị cán bộ ngành tư tưởng, báo chí trong cả nước  phải:”Củng cố niềm tin trong Đảng, trong nhân dân; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân để tích cực thực hiện Nghị quyết.”

Huynh ra lệnh: Nói đi đôi với làm, đem lại hiệu quả thực tế. Chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; phê phán những nhận thức và việc làm lệch lạc trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết…..Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin, luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc nội dung, hạ thấp mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 cũng như những biện pháp triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống.”

Tô Huy Rưá thì đưa ra thời biểu phải làm cho xong từ nay đến cuối năm 2012, theo thứ tự :
-Bộ Chính trị, Ban Bí thư: hoàn thành kiểm điểm trong tháng 7-2012.

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng thực thuộc Trung ương: tiến hành kiểm điểm trong tháng 7 và tháng 8-2012.

- Cấp trên cơ sở và tương đương: tiến hành kiểm điểm trong tháng 8 và tháng 9-2012.
- Cấp cơ sở và đảng viên: tiến hành kiểm điểm trong các tháng 9, 10, 11 năm 2012.

Riêng Ngô Văn Dụ lập lại 19 Điểm quy định những việc đảng viên không được làm, tuy được làm mới hơn vài điểm, nhưng hầu hết vẫn là nội dung của Quy Định 115-QĐ/TW ban hành ngày 07/12/2007  nhưng không ai làm theo.

Như vậy, nếu công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng đã làm từ khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng Bí thư,  quy định trong  Nghị quyết 6 (lần 2) vào tháng 2/1999 về “một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” mà chưa thành công để 13 năm sau Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư khóa đảng XI phải lập lại trong Nghị quyết 4, sau 10 năm làm Tổng Bí thư của Nông Đức  Mạnh thì lỗi tại Tổng Bí thư hay tòan đảng ?

Đó chính là lý do tại sao Nghị quyết 4 đã viết như trăn trối của kẻ sắp trút hơi thở cuối cùng rằng : “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”

Điều cốt lõi  “lâm nguy”  của đảng CSVN là do bây giờ vẫn còn : “ Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Vì vậy mà lực lượng duy nhất có thể bảo vệ đảng khỏi “tan rã” mau chóng lúc này là Quân đội cho nên vào sáng ngày 27/3(2012), tại Bộ Quốc phòng, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân về “tình hình công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội”.

Theo tường thuật của báo chí trong nước, Trọng đã nói: “Công tác Đảng trong quân đội, trước hết là Tổng cục Chính trị rất quan trọng. Tổ chức Đảng, các tổ chức gắn kết với nhau. Quân đội ta là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy quân đội là vũ khí, lá chắn, chỗ dựa hết sức tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân, của cả hệ thống chính trị.”

Theo Báo Quân đội Nhân dân thì Trọng còn nói thêm : “ Cần coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền báo chí để loại hình này thực sự là mũi nhọn xung kích của Đảng trong quân đội nhằm đấu tranh với những quan điểm, việc làm sai trái của các thế lực phản động, thù địch. Trong những năm qua, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã làm khá tốt nội dung này và cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới và những năm tiếp theo.”

Về phần mình, Ngô Xuân Lịch, Thượng tướng,Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hứa với Trọng: ”Tổng cục đã tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, củng cố, tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.… Để thực hiện có hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong thời gian tới, Tổng cục Chính trị xác định tiếp tục xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Chủ động tiến công trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình và phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch.”

Như vậy rõ ràng là “diễn biến hòa bình” và “các thế lực phản động, thù địch”  là hai lực lượng không những đang đe dọa đảng mà đe dọa cả quân đội.

Nhưng “ai chủ mưu” diễn biến hòa bình và “thế lực phản động, thù địch” đến từ đâu hay đang nằm ngay trong lòng đảng và ngồi trên lưng quân đội để “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” làm suy yếu một lượt cả hai tổ chức ?

Biết đâu kẻ chủ mưu chẳng  là anh hàng xóm phương Bắc là người đang muốn làm suy yếu đảng CSVN để dễ bắt nạt ?

Nghi vấn này hy vọng là điều huyễn hoặc khó tin, nhưng ở đời nhiều khi chuyện khó tin lại là thật.

Chẳng hạn như báo chí Trung Hoa đã đồng loạt đưa tin Trung Hoa đang vẽ lại hình “Lưỡi Bò”, hay còn được gọi là “Đường 9 Đọan” để xác nhận chủ quyền ở Biển Đông.

Đường “Lưỡi Bò” hiện nay của Trung Hoa bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Các báo Tầu trích lời ông Zhang Yunling, giám đốc viện Nghiên cứu quốc tế thuộc học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Đa số các vùng biển tranh chấp đã từng được chúng tôi nghiên cứu, vẽ lại bản đồ”.

Theo ông Zhang thì việc thăm dò và vẽ lại bản đồ được phối hợp bởi 13 cơ quan, trong đó có cả bộ Công an, bộ Ngoại giao và bộ Thương mại, nhằm “tuyên bố lập trường của Trung Quốc về lãnh thổ”.

Báo Trung Hoa còn  viết rằng ông Zheng Zemin là  một nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại đảo Hải Nam nói  thông qua việc vẽ lại bản đồ, chính quyền có thể làm rõ các địa điểm cụ thể của “đường lưỡi bò” bằng cách thiết lập kinh độ và vĩ độ của các địa điểm này. Hơn thế nữa, khảo sát giúp xác định vị trí của các đảo và rặng san hô thay đổi liên tục trong thập kỷ qua.

Bản đồ mới còn được xem là ấn phẩm trong chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền, được chính phủ xem là ưu tiên khảo sát và xuất bản trong năm nay.

Vậy Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN có biết “tin nóng” này chưa hay cứ loay hoay chuyện nội bộ mà không biết giặc đã vào đến nhà?

Còn Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngọai giao thì sao ? Đại sứ CSVN ở Bắc Kinh đã báo cáo về chuyện “Luỡi Bò”  chưa  hay thầy trò vẫn bình chân như vại để đấu tranh chủ quyền Hòang Sa và Trường Sa với Tầu bằng nước bọt ?

Rõ ràng là chuyện đất nước lâm nguy trước mắt thì không lo bảo vệ  mà chỉ lo sợ mất chỗ ngồi.

Nếu nước mất thì đảng có còn không ?



Phạm Trần

Phải làm gì khi đơn xin thẻ xanh bị từ chối?

image


Từ trước đến nay, khi Sở di trú Hoa Kỳ từ chối một hồ sơ xin Thẻ Xanh, ta có thể đoán ngay hồ sơ này liên quan đến một ngoại kiều đã kết hôn với một công dân Mỹ và sau đó nộp đơn xin Thẻ Xanh kèm theo một đơn bảo lãnh xin chiếu khán di dân. Sở di trú đương nhiên nghi ngờ những hồ sơ tương tự và họ sẽ tìm kiếm những chỉ dấu cho thấy cuộc hôn nhân này hiện hữu chỉ vì mục đích di trú mà thôi.

Trong tiến trình đưa đến kết luận từ chối đơn xin Thẻ Xanh, bước đầu tiên là Sở di trú sẽ gửi cho đương đơn một Thông Báo Ý Định Từ Chối. Thông Báo này bao gồm những lý do tại sao Sở di trú nghi ngờ mối liên hệ vợ chồng là giả mạo. Trong một thời gian cho phép rất ngắn, đương đơn phải đưa ra sự phản bác thuyết phục với nhiều bằng chứng hỗ trợ đầy đủ.

Chẳng hạn như trong một hồ sơ, Sở di trú không thoả mãn về cách giải thích của hai người về lý do tại sao họ không sống chung với nhau trong vài tháng; tại sao họ lại có nhiều chương mục riêng tư khác, ngoài một chương mục ngân hàng có tên chung; tại sao họ lại trả lời không giống nhau về việc ai ngỏ lời cầu hôn; tại sao họ trả lời khác biệt về việc sống chung với nhau trước khi cưới; tại sao người chồng ngoại kiều không thể nhớ tên nhà thờ làm nghi lễ hôn phối ở thành phố Las Vegas; và tại sao họ lại trả lời khác nhau về vị trí khi ngủ trên giường?, v.v...

image

Nếu đương đơn không thể đưa ra sự phản bác thuyết phục trong Thông Báo Ý Định Từ Chối, Sở di trú sẽ gửi thư Từ Chối chính thức, và cho phép đương đơn điền mẫu đơn EOIR-29. Đơn này sẽ được Sở di trú gửi đến Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú để phản đối quyết định của một viên chức di trú có thẩm quyền. Đương đơn sẽ phải đóng lệ phí 110 Mỹ kim kèm theo mẫu đơn EOIR-29.

Nếu Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú không đồng ý với quyết định của văn phòng di trú thụ lý hồ sơ này, Hội Đồng sẽ yêu cầu văn phòng này tái duyệt xét lại. Nhưng nếu Hội Đồng đồng ý với quyết định của văn phòng di trú sau khi duyệt xét hồ sơ EOIR-29, đơn xin Thẻ Xanh chính thức bị từ chối, và những bước kế tiếp là đương đơn phải nộp đơn I-290B, tức đơn Thông Báo Phản Đối hoặc đơn Kiến Nghị, với lệ phí 630 mỹ kim. Mục đích của tờ đơn này là thông báo cho Sở di trú biết qúy vị nộp đơn kiến nghị để xin tái mở hồ sơ hoặc xin tái duyệt xét quyết định của văn phòng di trú liên hệ, hay qúy vị phản đối quyết định không đúng liên quan đến hồ sơ của mình. Nếu việc phản đối này không thành công, hồ sơ này chỉ còn một cơ hội sau cùng là nhờ đến một luật sự di trú nhiều kinh nghiệm giúp đỡ.

image

Nỗ lực thuyết phục Sở di trú về mối liên hệ vợ chồng trong sáng có thể phải trải qua một thời gian rất mệt mỏi, vô vọng. Chúng tôi được biết đã có một cặp vợ chồng đã hết hy vọng hồ sơ của họ được chấp thuận và đã trở về Việt Nam sinh sống với nhau. Nhưng sự việc này không thể được xem là cách đề nghị giải quyết vấn đề.

Với những đôi vợ chồng đang ở trong tình trạng này, chúng tôi xin góp ý như sau:
1- Đừng quá tự tin khả năng của mình khi đọc những hướng dẫn trên đơn của Sở di trú. Qúy vị cần sự giúp đỡ ngay từ đầu từ những chuyên viên về lãnh vực di trú giàu kinh nghiệm.

2- Sở di trú khi đưa ra những quyết định, họ chỉ dựa trên sự kiện và bằng chứng. Phản bác bằng tình cảm không bao giờ thành công.

3- Ở lại Mỹ luôn luôn là cách tốt nhất để thực hiện tiến trình kháng cáo với Sở di trú. Không nên nghe lời khuyên trở về Việt Nam để giải quyết vấn đề này.

image

Hỏi Đáp Di Trú:

- Hỏi: Tôi là một sinh viên du học có chiếu khán J-1 và đã kết hôn với một công dân Hoa Kỳ. Vợ tôi sắp sinh đứa con đầu tiên của chúng tôi. Việc kết hôn và con của chúng tôi sẽ không thể cho phép tôi ở lại Hoa Kỳ, mà không cần thi hành luật ràng buộc phải trở về quê hương 2 năm hay sao?

- Đáp: Bạn sẽ phải chứng minh với Sở di trú rằng sẽ rất khó khăn cho bạn, vợ của bạn và cháu bé nếu bạn phải trở về Việt Nam trong 2 năm. Tuy nhiên, Sở di trú ít khi chấp thuận điều bạn cho là "tình trạng khó khăn" vì bạn đã biết rất rõ về quy định đòi hỏi bạn phải  trở về nước trong 2 năm trước khi bạn đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị trục xuất, bạn nên quan tâm đến việc nộp đơn I-601 xin miễn thực hiện điều luật này để giúp bạn có thể ở lại Hoa Kỳ.

image

- Hỏi: Nếu Sở di trú luôn tin rằng một cuộc hôn nhân thường không thành thật, liệu có nên trở về Việt Nam để tham dự cuộc phỏng vấn xin chiếu khán di dân tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn không?
- Đáp: Chẳng có bằng chứng nào cho thấy tiến trình duyệt xét hồ sơ của Lãnh sự sẽ dễ dàng hơn cách làm việc của Sở di trú. Nếu một hồ sơ bị từ chối trong cuộc phỏng vấn ở Việt Nam, có thể sẽ phải chờ đợi từ 6 đến 12 tháng để Lãnh sự có quyết định sau cùng. Nếu họ quyết định rằng mối liên hệ không thành thật, đơn bảo lãnh sẽ bị trả về Sở di trú ở Hoa Kỳ để tái duyệt xét, mất thêm từ 6 đến 12 tháng nữa. Không nên trở về Việt Nam để phỏng vấn, mà nên nộp đơn xin chuyển diện Thường trú nhân với Sở di trú tại Hoa Kỳ.


Robert Mullins International

Thursday, March 29, 2012

“Mùa Xuân Bất Hạnh”

Sau 37 năm "giải phóng" chỉ có đảng là vinh quang...còn người dân?

image




image










image

image

image
image
image
image
image
image
image
image
image
image

BM