Wednesday, May 2, 2012

Trung Quốc tụt hậu

image


Chiến lược chủ động công nghiệp hoá qua vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đã thất bại thê thảm...

Những sai lầm trong chánh sách kinh tế

Bảo rằng Trung Quốc đang tụt hậu thì nhiều người khó tin, nhất là sau khi xứ này vừa vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để thành nền kinh tế hạng nhì thế giới trong khi cả ba khối công nghiệp hoá là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu vẫn chưa ra khỏi bốn năm suy trầm với nhiều khó khăn chồng chất. Và từ năm ngoái, thiên hạ còn được dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trong mươi mười lăm năm nữa. Hão huyền!

Nhưng sự thật kinh tế ở bên trong Trung Quốc lại không được như vậy, và đây là hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam, vốn dĩ vẫn cứ đi dưới bóng rợp của nước láng giềng anh em.

Chúng ta phải vượt qua nhiều nghịch lý trên bề mặt thì mới thấy sự thật kinh tế và xã hội ở bên dưới....

Trong hai quý cuối cùng của 2011, sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã giảm sút đáng kể, và đây là một điều hay!

Tháng Ba vừa qua, sau kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa 11, Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng) Ôn Gia Bảo thông báo chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là 7,5% và đề ra một số đường hướng cải cách. Nói cho dễ hiểu, lãnh đạo xứ này muốn cỗ xe chạy chậm lại để có thể quẹo cua mà không lật vì biết là phải chuyển hướng. Vì vậy, nếu đà tăng trưởng có giảm thì không hẳn là điều dở. Nhưng với điều kiện là để có thể cải cách.

Sự thật là lãnh đạo thì tính như vậy, nhưng các tỉnh vẫn cố rồ máy tống ga nên Trung Quốc vẫn sẽ có đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu, như thực tế của mọi năm trước, trong khi vẫn chất chứa những nhược điểm, xuất phát từ sai lầm về chính sách. Chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện đó ở đây.

Trước hết, khi kinh tế toàn cầu còn bị suy trầm, đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn cứ bị hiểu lầm và được ngợi ca. Nếu kinh tế thật sự tăng trưởng với phẩm chất tốt đẹp thì cỗ máy tạo ra phép lạ ấy là các doanh nghiệp tất nhiên là phải phát đạt hơn. Nếu vậy, tại sao thị trường chứng khoán xứ này – và cả Việt Nam – vẫn cứ èo uột?

Thật ra tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất mà thừa lãng phí.

Một cơ thể mà được bồi dưỡng quá nhu cầu và một cách vô ích thì dẫn tới nạn mập phì. Trong lãnh vực kinh tế, nạn mập phì đó là lạm phát.

Khi nạn tổng suy trầm toàn cầu nổi lên từ năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc ráo riết tăng chi và bơm tín dụng vào kinh tế để nâng mức đầu tư hầu phần nào bù đắp sự hao hụt của xuất cảng vì ba thị trường nhập cảng lớn là Âu-Mỹ-Nhật đều co cụm. Biện pháp kích thích kinh tế đó lớn bằng 40% tổng sản lượng, cỡ 2.000 tỷ Mỹ kim, tương đương với 5.800 tỷ nếu cũng được áp dụng tại Mỹ!

Một cơ thể được bơm vào một lượng thuốc bổ bằng 40% sức nặng thì tất nhiên dẫn tới hiện tượng dân ta nôm na gọi là "phì lũ", béo vì bệnh. Bệnh đó là nạn bong bóng đầu cơ và lạm phát.

Cả một nền kinh tế hay cơ thể mà bị lệ thuộc vào thuốc bổ thì mới vận hành là điều nghịch lý.

Nó thể hiện ở nạn lạm phát thực tế còn trầm trọng hơn những con số thống kê biểu kiến. Và nó dẫn tới sự lầm than của dân nghèo. Đa số người dân Trung Quốc vẫn chưa có mức lợi tức trung bình có
bốn đô la một ngày.

Mà ưu thế tăng trưởng ngoạn mục trên bề mặt, như 10% một năm trong hai chục năm liền, đang hết dần vì cái vựa người đã cạn: nhờ chính sách mỗi hộ một con, dân số Trung Quốc hết giảm và đã sớm bị lão hóa, doanh nghiệp bắt đầu thiếu người.

Muốn gia tăng sản xuất, người ta có thể nâng cao bốn loại nhập lượng là đất đai, tiền bạc, nhân công và kỹ thuật. Khi nhân công hết còn tăng mạnh mà kỹ thuật không cải tiến để nâng cao hiệu năng của lao động thì người ta chỉ còn đất và tiền. Hãy nói về đất và tiền.

Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng do đảng và nhà nước quản lý và phân bố - chủ yếu là cho doanh nghiệp nhà nước và thân tộc của đảng viên các cấp. Nhu cầu tăng trưởng chỉ tính theo lượng mà bất kể tới phẩm tất nhiên dẫn tới nạn cướp đất, là chuyện đã xảy ra tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, với hậu quả bong bóng địa ốc khiến giá nhà tăng vọt trong khi nhu cầu gia cư vẫn không được thoả mãn.

Một thí dụ cụ thể là thông thường, giá trung vị (median price) của một ngôi nhà bằng ba hai năm năm lợi tức trung bình của cư dân – theo định nghĩa của Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới – thì được coi là bình thường. Tại Trung Quốc, trái bóng địa ốc khiến người dân bình thường phải cầy mất 12 năm, hoặc tại Bắc Kinh là 27 năm, thì mới có thể mua nhà! Đó là về đất và bóng.

Về tiền thì khi nhà nước tiếp tục bơm tiền như nhồi thuốc bổ vào một cơ thể có bệnh, lạm phát tất nhiên bùng nổ, như cả Trung Quốc và Việt Nam đều bị.

Khi vật giá leo thang, mà các doanh nghiệp vẫn được tài trợ dễ dãi thì tính sao? Họ ra sức mua vào nguyên nhiên vật liệu và sản xuất rất mạnh – lại vượt chỉ tiêu – rồi cất hàng vào kho. Vì vậy, chính sách bơm tiền kích thích kinh tế không chỉ thổi lên trái bóng địa ốc hoặc trái bóng thương phẩm – là các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu và nông sản – mà còn dẫn đến hiện tượng tồn kho chất đống. Nghĩa là hàng ế, phố hoang, cửa hàng vắng khách.

Một trong các tiêu chuẩn thẩm định xem kinh tế đã ra khỏi suy trầm hay chưa là ngó vào lượng tồn kho.

Nếu tồn kho giảm thì kinh tế bắt đầu ra khỏi chỗ trũng và sẽ phát đạt khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất thêm và tuyển lại người. Các doanh nghiệp chủ đạo của Trung Quốc đã đầu cơ bằng tồn kho, lại còn được ngân hàng tài trợ thêm, hoặc du di các khoản nợ đáo hạn để có sổ sách gọi là quân bình.

Cho nên việc điều chỉnh tồn kho nghĩa là bán cho hết hàng ế, vẫn bị trì hoãn, bị đẩy lui. Nghĩa là người ta không giải quyết vấn đề mà chỉ đánh bùn sang ao. Và gây ấn tượng hoành tráng cho những kẻ thiếu hiểu biết – khá đông tại Hà Nội – rằng kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh, vẫn có đà tăng trưởng cao.

Bây giờ, chúng ta hiểu vì sao Ôn Gia Bảo muốn hạ chỉ tiêu tăng trưởng – mà có khi không nổi!

Vấn đề chính ở đây là Trung Quốc phải cải thiện năng suất của bộ máy sản xuất. Năng suất mà không cải tiến thì càng bơm tiền kích thích kinh tế sẽ càng gây lạm phát. Yêu cầu chuyển hướng và cải cách kinh tế mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng đề ra năm ngoái và Quốc hội công bố năm nay chính là để nhắm vào chuyện năng suất đó.

Nhưng cũng sẽ không thành!

Lý do là bộ máy nhân sự điều khiển bộ máy sản xuất đó không thấy nhu cầu!

Cho đến nay, các đại gia có quan hệ tốt với đảng viên cán bộ các cấp từ trung ương và các thành phố lớn đến các tỉnh và địa phương vẫn cứ ăn nên làm ra. Vì vậy, họ không cần cải tiến cái cơ chế ưu đãi và còn ra sức phá hoại nỗ lực cải cách. Điều ấy không là một suy đoán có ác ý mà nằm ngay trong ngân sách năm nay. Thay vì giảm thuế cho doanh nghiệp thì lại tăng chi, thêm 14% cho tài khoá 2012.

Về chuyện thuế, doanh nghiệp Trung Quốc bị đè dưới gánh nặng thuế khóa. Người ta tính ra là 45% phí tổn về nhân công chính là gánh thuế phải nộp cho chính phủ, một tỷ lệ cao hơn các nước công nghiệp hóa, kể cả Hoa Kỳ của Barack Obama.

Vì yêu cầu tăng trưởng "bằng mọi giá", doanh nghiệp Trung Quốc có mức doanh lợi cực thấp trong suốt một chuỗi sản xuất từ trên xuống dưới và càng làm gia công ở dưới thì tỷ lệ lợi nhuận càng thấp. Họ bù lỗ bằng chế độ bóc lột nhân công được hợp pháp hóa, định chế hóa bởi chiến lược "nhân công rẻ".

Nhưng bộ máy đàn áp công nhân có thể dẹp được biểu tình chứ không thoát khỏi quy luật kinh tế. Lãnh đạo Trung Quốc lãnh hai hậu quả xã hội và kinh tế nghiêm trọng như nhau.

Về xã hội là nạn khiếu kiện tập thể và biểu tình lan rộng, về kinh tế là sự phá sản hàng loạt các tiểu doanh thương tư nhân nằm ở công đoạn thấp nhất của chu trình sản xuất. Kết quả chung cuộc là lợi tức quá thấp của người dân không nâng cao được số cầu của thị trường nội địa, qua sức tiêu thụ của dân chúng, nên kinh tế vẫn lệ thuộc vào đầu tư của nhà nước và vào xuất cảng.

Khi các nước nhập cảng đều gặp khó khăn như hiện này, nhà nước lại càng ra sức đầu tư, tăng chi để đầu tư, các địa phương đi vay để đầu tư. Mà càng đầu tư vào bộ máy kém hiệu năng thì càng thổi lên bong bóng và lạm phát.

Sau kỳ họp của Quốc hội tháng trước, người ta chỉ chú ý đến vụ khủng hoảng tại Trùng Khánh và những hành vi mờ ám của gia đình Bạc Hy Lai.

Nhưng nếu chịu khó nhìn thêm vào ngân sách được Quốc hội ban hành, ta còn thấy một sự việc khác: chính quyền nói đến cải cách mà vẫn làm như cũ. Không cải cách vì không thể cải cách. Vụ điều tra về thành tích biểu kiến của Trùng Khánh dưới quyền lãnh đạo của Bạc Hy Lai từ năm 2007 cho đến khi bị cách chức vào Tháng Ba cho thấy một hiện tượng chung: các địa phương có thể qua mặt trung ương mà làm bậy và Trùng Khách mắc nợ quá nhiều.

Các lãnh tụ địa phương mà có thần thế ở trung ương còn có khả năng tác động vào chính sách kinh tế quốc dân ở cấp cao nhất! Họ dẫn xứ sở vào cái "bẫp xập của cải cách", nghĩa là hết dám cải cách, như nhiều trí thức trong bộ máy nhà nước đã công khai than phiền từ đầu năm nay.

Cơ chế kinh tế chính trị xứ này tạo ra các nhóm quyền lợi, những trung tâm cản trở nỗ lực cải cách mà chẳng ai biết vì báo chí không có tự do và xứ sở không có dân chủ.

Bây giờ, ta hãy nhìn rộng ra ngoài.

Các tổ hợp quốc tế bước vào làm ăn tại Trung Quốc đều nhìn ra nhược điểm này. Và tận tình khai thác. Họ tìm ra đòn bẩy là mối quan hệ giữa các đại gia, các tập đoàn nhà nước với lãnh đạo ở trên và kiếm lời rất khỏe. Họ đều biết thủ thuật ăn cắp công nghệ của Trung Quốc nên phải thủ rất kín, đôi khi thất bại khi ăn cắp hoặc ăn cướp tác quyền trí tuệ được coi là quốc sách. Nhưng đa số thì vẫn thành công, vì vậy họ vẫn ở lại!

Họ thành công khi trao cho doanh nghiệp Trung Quốc những công đoạn thấp nhất của tiến trình sản xuất và giữ lấy cho mình phần có giá trị nhất. Trong tiến trình hợp tác đó, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ làm gia công và ra sức bóc lột công nhân bằng lương thấp bổng kém để đạt mức doanh lợi cao hơn cũng theo hình tháp, là càng ở dưới thì càng ít lời mà cần nhiều nhân công.

Nhìn cách khác, Trung Quốc làm thế giới khâm phục hoặc hãi sợ khi ồ ạt sản xuất hàng gia dụng hoặc tiêu dùng hạng sang, kể cả xe hơi hay máy điện toán. Nhưng khác với các tổ hợp quốc tế Âu, Mỹ, Nhật và cả Đại Hàn, doanh nghiệp Trung Quốc chưa tiến lên trình độ quyết định về giá cả - hoặc có khả năng "làm giá", kinh doanh học gọi là "pricing power" – mà vẫn chỉ loay hoay với chiến lược bán rẻ để bán nhiều.

Đó là ưu thế của một nước lạc hậu!

Khi nhìn cả tiến trình mở cửa và hợp tác như một cái tháp, các doanh nghiệp quốc tế ở trên đỉnh vẫn giữ phần hơn. Họ thực tế chỉ đạo hoặc khống chế các khu vực chiến lược và béo bở nhất của kỹ nghệ Trung Quốc và thải xuống những phần xương xẩu cho các doanh nghiệp Trung Quốc ra sức giành nhau, trên lưng của công nhân.

Vì vậy, trên các thị trường quốc tế, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ có tiếng chứ không có miếng và chưa thể cạnh tranh với những Samsung, Hyundai của Nam Hàn, hay HonHai của Đài Loan. Người ta cứ la trời rằng trong cái iPad có đầy cơ phận thực ra là "chế tạo tại Trung Quốc". Nhưng đó chỉ là "made in China", chưa thể là "products of China"!

Các nước tiên tiến thật ra vẫn nắm dao đằng chuôi, doanh nghiệp của họ cũng vậy. Trong khi cả kiến trúc vĩ đại của Trung Quốc với các tập đoàn công nghiệp hay ngân hàng của nhà nước chỉ đứng phất cờ, thổi lên bong bóng, gây ra lạm phát. Và còn được nhà nước yểm trợ để làm ra cái trò huê dạng này.

Chính sách phát triển tư bản nhà nước của Trung Quốc chỉ phát triển ra hệ thống "tư bản thân tộc" – crony capitalism - và chế độ "quần đới quan hệ" (nepotism) là khi một người làm quan cả họ được nhờ. Mà quần đới là gì? Thưa là cái dải quần!

Chiến lược chủ động công nghiệp hoá qua vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đã thất bại thê thảm. Trung Quốc tụt hậu là trong ý nghĩa đó. Theo sau là Hà Nội lúp súp ôm lấy cái dải quần mà không dám buông tay.

Vì vẫn chưa thoát khỏi cái định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.