Saturday, February 25, 2017

Chất độc giết Kim Jong-nam là gì?

image
Tư liệu- Chất độc thần kinh VX được bảo quản trong 1,269 thùng chứa bằng thép tại Ấn Độ, ngày 18 tháng 11 năm 1997.

Ngày 24/2, cảnh sát Malaysia công bố chất hóa học giết chết ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, là chất độc thần kinh VX. Vậy VX là gì? Nó được sử dụng ở đâu?

Khi bị nhiễm VX thì phải làm sao? VOA tổng hợp các thông tin liên quan đến chất độc này.

VX là gì?

image

VX là chất lỏng nhờn, không mùi, không vị, có màu hổ phách và “bay hơi rất chậm”. V trong VX là ký tự đầu của từ tiếng Anh “venom” (từ gốc La Tinh “venenum”), có nghĩa tiếng Việt là nọc độc hay chất độc. Chỉ cần một lượng 10 mg VX là đủ để giết chết một người khi độc chất này làm tê liệt hệ thần kinh của nạn nhân. Chất độc này có thể tác động vào người bằng tiếp xúc qua da, mắt hoặc do hít vào. Trong vụ giết ông Kim Jong-nam, giới hữu trách Malaysia nói chất độc này đã được tìm thấy trên mắt và mặt của nạn nhân.

VX được coi là một trong những hóa chất nguy hiểm nhất trên thế giới. Liên Hiệp Quốc đã liệt VX là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ai tạo ra và ai sở hữu VX?

image 

Đầu thập niên 1950, nhà hóa học Ranaji Ghosh làm việc cho công ty hóa chất Imperial Chemical Industries (ICI) của Anh quốc đã tìm ra hợp chất organophosphates có thể sử dụng làm thuốc trừ sâu rất hiệu quả. Năm 1954, ICI đã tung ra một trong số các hợp chất này dưới tên thương mại là Amiton. Nhưng loại hóa chất này đã bị thu hồi ngay sau đó vì nó quá độc, không an toàn để sử dụng. Tuy nhiên độc tính của nó lại không được chú ý mấy. 

Một số mẫu hợp chất đã được gửi đến các cơ sở nghiên cứu của quân đội Anh để đánh giá. Sau khi đánh giá xong, một số trong nhóm hợp chất này đã trở thành một nhóm mới được gọi là các chất V.

Nổi bật nhất là VX.

image

VX không có trong tự nhiên, nó chỉ được biết đến trong chiến tranh hóa học. VX rất có thể đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Tin từ AP nói các lực lượng của ông Saddam Hussein đã sử dụng VX trong cuộc tấn công bằng khí độc vào thành phố Halabja của người Kurd tại miền bắc Iraq vào năm 1988, giết chết hàng ngàn người.

Thập niên 1960, Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất VX. Chỉ có Hoa Kỳ và Nga thừa nhận có trữ VX nhưng nhiều quốc gia khác như Iraq và Syria cũng được cho là đang trữ nhiều tấn hóa chất này.

image

Nếu Bắc Triều Tiên thực sự sử dụng VX để ám sát ông Kim Jong-nam, thì sự kiện này sẽ cho thấy một bước tiến mới của quốc gia Cộng sản về khả năng sử dụng vũ khí hóa học, chuyên gia quân sự Hàn Quốc Kim Dae Young nhận xét với AP. Ông nói: “Họ có thể đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm để có được một lượng chuẩn để giết ông Kim Jong-nam, nhưng lại không làm hại các sát thủ hay những người đứng gần đó tại một phi trường đông đúc”.

image

Bắc Triều Tiên đã sản xuất vũ khí hóa học từ thập niên 1980 và ước tính hiện nước này đang trữ khoảng 5.000 tấn vũ khí hóa học. Quốc gia bị cô lập này được xem là một trong những kho trữ vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng có khoảng 12-13 loại vũ khí sinh học, AP dẫn lời nhà bình luận quân sự ở Seoul, ông Lee Illwoo, cho biết.

Nguy cơ phơi nhiễm

VX có thể tác dụng lên người qua tiếp xúc da, mắt, hoặc hít phải.

Người bị dính VX lên quần áo có thể khiến người khác bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với họ. Chính vì điều này mà xác suất phơi nhiễm qua không khí và quần áo tại phi trường Kuala Lumpur sẽ khá cao nếu thực sự hai nữ nghi phạm đã sử dụng VX để giết ông Kim Jong-nam.

Cảnh sát Malaysia hôm 24/2 cho biết nước này sẽ tiến hành tẩy rửa phi trường quốc tế Kuala Lumpur, nơi ông Kim Jong-nam bị sát hại hôm 13/2, để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Triệu chứng sau khi phơi nhiễm VX

image

Các triệu chứng xảy ra cho người tiếp xúc với VX tùy thuộc vào khoảng thời gian và mức độ phơi nhiễm với chất độc thần kinh này.

Nếu tiếp xúc với VX ở dạng hơi, các triệu chứng thường xuất hiện trong một vài giây đến tối đa là 18 giờ. Còn nếu tiếp xúc ở dạng chất lỏng mà mắt người có thể nhìn thấy được thì có thể dẫn đến tử vong.

Tác dụng gây giết người của VX là nó vô hiệu hóa một loại enzyme có tác dụng như một công tắc tắt mở các cơ và các tuyến trong cơ thể. Nếu không có công tắc này, các cơ và các tuyến trong cơ thể sẽ làm việc liên tục và kiệt quệ, không thể duy trì nổi ngay cả chức năng thở.

Phơi nhiễm VX ở liều lượng thấp đến trung bình có thể dẫn đến tăng huyết áp, ho, tiêu chảy, đổ mồ hôi và buồn nôn. Chỉ một giọt VX trên da có thể gây co giật và rối loạn nhịp tim.

Phơi nhiễm cao có thể gây bất tỉnh, tê liệt và suy hô hấp.

image

Cảnh sát Malaysia hôm 24/2 nói một trong hai nữ nghi phạm vụ ám sát ông Kim Jong-nam (một người Việt và một người Indonesia) có biểu hiện bị phơi nhiễm chất độc thần kinh VX, “bị nôn vài lần do tiếp xúc với nó (chất độc)”, nhưng từ chối tiết lộ người đó là ai trong hai nữ nghi phạm.

Cấp cứu cách nào?

image

Cách tốt nhất để cứu người bị phơi nhiễm VX ở mức độ thấp đến trung bình là tiêm thuốc giải độc ngay lập tức. Tại một số quốc gia như Mỹ, chất giải độc VX được cung cấp cho quân đội dưới dạng có thể tự tiêm ngay được.

Ngoài ra, cần phải cởi bỏ quần áo của người bị phơi nhiễm VX, đưa họ ra nơi thoáng khí, nhanh chóng tắm rửa toàn thân bằng xà phòng và chăm sóc y tế.

image

Những người luôn trễ giờ là mắc bệnh về tâm thần?
Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 qua các con số
Khi nào có thể chuyển chỗ ngồi trên máy bay?
Vì sao khó nhìn vào sự thật?
Viết cho những người không có đạo – như tôi
Chưa có quốc tịch Mỹ và nguy cơ trục xuất
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Nền giáo dục không biết xấu hổ
Người Đông và Tây suy nghĩ rất khác nhau?
Giấy bút có còn quan trọng?
Đừng vội kết luận thủ phạm giết Kim Jong-nam
Ông Trump nói gì về đảng cộng sản VN
Loa phường 'bị tấn công'
Anh trai Kim Jong-un bị giết ở Malaysia
Tâm sự xe ôm thời khủng hoảng
Nước Mỹ làm tôi xấu hổ
Phim: Nỗi buồn sông Gianh
CSHN_Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!
Người Nữ Tu Hát (Sr Sourire)
Ðặng Thị Ngọc Dung: dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ 2017

Thursday, February 23, 2017

Những người luôn trễ giờ là mắc bệnh về tâm thần?

image
Thú thật, tôi là người hay trễ giờ. Trên thực tế, tôi đã liên tục trễ hạn nộp bài viết này.

Tôi không phải là trường hợp duy nhất. Tất cả chúng ta đều từng bắt gặp một người như vậy: Một người trông trẻ thường xuyên đến trễ, một đồng nghiệp luôn lỡ tất cả thời hạn được giao, dù chỉ là vài tiếng, hoặc một người mà bạn luôn phải hẹn trước 30 phút so với giờ mà bạn muốn gặp.

Không có thói quen nào dễ làm người khác khó chịu bằng thói quen trễ hẹn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người bạn và đồng nghiệp của bạn là những người ích kỷ.

Nghiên cứu về tâm lý đối với những người thường xuyên trễ hẹn cho thấy đây là dấu hiệu cho thấy một chức năng nào đó của não bộ đang không hoạt động bình thường. Thế nhưng bệnh này cũng có nhiều cách chữa.

Những người trễ hẹn không phải là thô lỗ hoặc lười biếng

Những định kiến về người trễ giờ thường là tiêu cực, ngay cả khi chúng không hoàn toàn chính xác.

"Rất dễ để xem họ là những người vô tổ chức, bừa bãi và không coi ai ra gì,” Harriet Mellotte, một chuyên gia về tâm lý tại London, nói. “Tôi thường rất khó chịu trước những người đi trễ.”

image

Thế nhưng nhiều người đi trễ vẫn rất có đầu óc tổ chức và muốn làm hài lòng bạn bè, gia đình cũng như sếp của mình. Những người thường xuyên đi trễ cũng hoàn toàn ý thức được rằng thói quen của họ có thể tác động xấu đến những mối quan hệ, sự nghiệp và thu nhập của mình.

“Dù có những người thích làm người khác phải đợi, đa số đều không muốn bị muộn,” Diana DeLonzor viết trong cuốn sách của mình, ‘Never Be Late Again’. “Thế nhưng bạn vẫn tiếp tục trễ giờ.”

Giải thích rồi lại giải thích

image

Những lời bào chữa cho việc đi muộn thường dễ được chấp nhận - ví dụ như là tai nạn hoặc bị ốm. Thế nhưng một số lý do khác lại khó chấp nhận hơn.

Có những người hay trễ giờ thường hay lý giải là do mình xem trọng những vấn đề to lớn hơn là đúng giờ, hoặc do có đồng hồ sinh học của loài cú - thích sống về đêm.

Joanna, một giáo viên ở London, nói bà nổi tiếng là đi muộn, nhưng điều này đôi khi là do sự khác biệt về nhận thức. “Một người bạn hẹn tôi là ‘hãy đến sau 7 giờ,’" bà nói. “Thế nhưng khi tôi đến lúc 8 giờ hoặc muộn hơn, họ sẽ khó chịu.”

Việc trễ hẹn thường xuyên có thể không phải là lỗi do bạn, mà rất có thể kiểu tính cách của bạn nó thế. Các chuyên gia cho rằng những người hay trễ giờ thường có cùng một số cá tính như lạc quan, khó tự chủ, hay lo lắng hoặc hay có thói quen tìm kiếm cảm giác mạnh. Những sự khác biệt về cá tính có thể tác động đến cách chúng ta trải nghiệm thời gian.

Vào năm 2001, Jeff Conte, một giáo sư về tâm lý tại Đại học Bang San Diego đã thực hiện một nghiên cứu trong đó ông phân loại những người tham gia thử nghiệm thành hai loại, Loại A (nhiều tham vọng, thích cạnh tranh), và Loại B (sáng tạo, thích khám phá, biết nhìn nhận).

Ông đã yêu cầu họ phán đoán một phút kéo dài trong bao lâu mà không cần đồng hồ. Những người thuộc Loại A cảm nhận 1 phút đã trôi qua sau 58 giây. Những người thuộc loại B cảm thấy một phút đã trôi qua sau 77 giây.

Bạn là kẻ thù của chính mình

image

Những người hay trễ giờ thường “tự đánh bại chính mình”, Tim Urban, một diễn giả trên TED và là người tự nhận mình hay trễ giờ, viết vào năm 2015.

Tất nhiên có những lý do khác khiến bạn trễ giờ, nhưng nhiều lý do trong số này là do chính bạn gây ra. Ví dụ như một số người thường chú ý quá nhiều đến chi tiết nhỏ, ví dụ như Joanna khi phải viết báo cáo ở trường.

“Tôi chưa bao giờ nộp báo cáo đúng hạn, và điều này làm người ta nghĩ rằng tôi không quan tâm,” bà giải thích. “Thế nhưng tôi dành hàng tuần để làm báo cáo, và tôi cố gắng viết một cách chi tiết nhất có thể về từng học sinh. Vậy nhưng điều này không được xem trọng khi báo cáo đến muộn.”

Đối với một số người, sự trễ giờ là “một biểu hiện cho vấn đề về tâm thần hoặc các hội chứng về thần kinh”, Mellotte nói.

“Nhiều người bị mắc bệnh hay lo lắng thường cố gắng tránh một số tình huống,” Mellotte nói.

“Những người không tự tin về mình thường đánh giá thấp công việc của mình và họ hay bỏ ra rất nhiều thời gian để kiểm tra chất lượng công việc.”

Điều chỉnh não bộ

Tiến sĩ Linda Sapadin, một nhà tâm lý học tại New York và tác giả cuốn How to Beat Procrastination in the Digital Age nói một số trường hợp hay trễ hẹn là do "có vấn đề trong cách suy nghĩ".

image
Có nhiều lý do khiến ta trễ giờ, nhưng những lời giải thích phân trần ít khi được thông cảm

Bà cho biết những người này thường tập trung vào mối lo ngại gắn liền với một sự kiện hoặc một thời hạn nào đó. Thay vì nghĩ ra cách để vượt qua nỗi lo này, họ lại biến chính nỗi lo đó thành nguyên nhân bào chữa. Ví dụ như khi bạn tự nhủ với mình rằng “tôi muốn tới sự kiện đó đúng giờ nhưng tôi lại không biết mặc gì; tôi muốn viết một bài luận nhưng tôi sợ rằng các đồng nghiệp sẽ không nghĩ là nó đủ tốt”, bà giải thích.

“Cái quan trọng là những gì đến sau từ ‘nhưng’ đó”, Sapadin nói. Bà hay đề nghị người khác hãy đổi từ ‘nhưng’ sang từ ‘và’.

Từ ‘Nhưng’ đại diện cho sự đối nghịch và chướng ngại, từ ‘Và’ đại diện cho sự kết nối và giải pháp, bà giải thích. "Điều này giúp các nhiệm vụ trở nên ít khó khăn hơn, và mối lo ngại không trở thành chướng ngại.”

DeLonzor đã bắt đầu học cách đúng giờ bằng việc xác định và thích nghi với điều làm bà đi trễ.

Bà nhận ra rằng bà thích cảm giác bị trễ và nhận ra rằng bà cần thay đổi điều mà mình thích.

image
Một nghiên cứu hồi 2001 nói rằng những tính cách khác nhau có thể khiến ta nhận thức về thời gian khác nhau

“Trong lúc cố gắng trở nên đúng giờ hơn, tôi bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc trở thành một người đáng tin cậy,” DeLonzor nói. “Vì vậy, tôi bắt đầu ưu tiên phát triển khía cạnh đó của chính mình.”

Bên cạnh đó, cũng có những người bạn hoặc những người thân cảm thấy thói quen này là không thể chấp nhận. Một số khách hàng của Sapadin đến gặp bà sau khi người thân của họ không thể chịu đựng thêm nữa.

Đối với những ai đang phải chờ đợi những người hay trễ giờ, bạn vẫn có thể kiểm soát tình hình.

“Thay vì giận dữ, bạn nên đặt ra những giới hạn,” bà nói. “Hãy nói với người kia rằng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không đúng giờ.”

Hãy nói với người bạn hay trễ giờ rằng bạn sẽ đi xem phim mà không có họ nếu họ trễ hơn 10 phút. Hãy nói với người đồng nghiệp luôn trễ hạn nộp bài rằng phần đóng góp của anh ta sẽ không được kèm trong dự án, và sếp của bạn sẽ được thông báo về điều này.

Bản thân tôi đã thay đổi sau khi nhận phải phản ứng từ một người bạn tốt. Tôi đã đến trễ một tiếng cho cuộc chạy bộ chung trong công viên. Bà nói sẽ không lên bất kỳ một kế hoạch nào khác với tôi nữa. Và với quyết định đó, bà đã buộc tôi phải có trách nhiệm và tìm cách xác định những vấn đề dẫn tới cho sự trễ nải liên tiếp của tôi.

Có những thói quen vô cùng khó bỏ. Thế nhưng nếu tiếp tục trễ hẹn với ai đó, tôi sẽ cố gắng nhìn lại suy nghĩ của mình và tìm cách thay đổi nó, dù chỉ là một chút.



Laura Clarke

image

Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 qua các con số
Khi nào có thể chuyển chỗ ngồi trên máy bay?
Vì sao khó nhìn vào sự thật?
Viết cho những người không có đạo – như tôi
Chưa có quốc tịch Mỹ và nguy cơ trục xuất
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Nền giáo dục không biết xấu hổ
Người Đông và Tây suy nghĩ rất khác nhau?
Giấy bút có còn quan trọng?
Đừng vội kết luận thủ phạm giết Kim Jong-nam
Ông Trump nói gì về đảng cộng sản VN
Loa phường 'bị tấn công'
Anh trai Kim Jong-un bị giết ở Malaysia
Tâm sự xe ôm thời khủng hoảng
Nước Mỹ làm tôi xấu hổ
Phim: Nỗi buồn sông Gianh
CSHN_Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!
Người Nữ Tu Hát (Sr Sourire)
Ðặng Thị Ngọc Dung: dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ 2017
Những lợi thế đặc biệt của người hói đầu

Wednesday, February 22, 2017

Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 qua các con số

image

Sau cuộc chiến đẫm máu năm 1979 cho đến nay hai nước Trung Cộng và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn bộ các con số thương vong, theo giới quan sát quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều tài liệu của các học giả Phương Tây đã đề cập đến độ tàn khốc của cuộc chiến ngắn ngày này, gồm cả số quân tham chiến, số thương vong trong binh sỹ và thường dân Việt Nam bị giết.

SỐ QUÂN THAM CHIẾN

image
Đội khiêng cáng của dân quân Quảng Tây ngày 22/02/1979 chờ vượt biên giới sang Việt Nam đưa thương binh về.

Peter Tsouras viết trên Military History Magazine:
Trung Cộng đã tập trung 200 nghìn quân thuộc 20 sư đoàn, cùng 400 xe tăng và 1.500 khẩu pháo. Lực lượng của Quân Giải phóng (PLA) lên tới 70 nghìn quân chỉ ở vùng giáp Lạng Sơn.

Sư đoàn Sao Vàng của Việt Nam bảo vệ Lạng Sơn bị Trung Cộng đẩy lui. Trong vòng vài ngày sau, quân Trung Cộng bao vây, xóa sổ sư đoàn này và biến Lạnh Sơn thành bình địa.

David Dreyer trong bài 'The 1979-Sino-Vietnamese-Conflict':
PLA chuẩn bị cho cuộc tấn công với 300-400 nghìn quân và khoảng 1.200 xe tăng cùng pháo binh, hỏa tiễn và các loại vũ khí hỗ trợ.

Ngày 17/02/1979, vào lúc 5 giờ sáng, chừng 100 nghìn quân Trung Cộng vượt biên giới vào Việt Nam sau các đợt pháo kích cấp tập.

Đối mặt với quân Trung Cộng ban đầu chỉ là 75-80 nghìn bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.

image
Có kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, phía Việt Nam chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích chống lại quân xâm lăng.

Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông. Phía Trung Cộng không tiến nhanh như họ muốn và phải trì hoãn kế hoạch đánh chiếm Cao Bằng.

SỐ THƯƠNG VONG

image

Không bên nào công bố số thương vong chi tiết.

Peter Tsouras viết:
Trung Cộng chỉ thừa nhận có 7.000 quân tử vong và 15 nghìn bị thương nhưng các nguồn Phương Tây ước tính có 28 nghìn quân Trung Cộng bị giết và 43 nghìn bị thương.

image
Phía Việt Nam không nói số thương vong trong quân đội nhưng nói nhiều về số 100 nghìn thường dân bị thiệt mạng.

Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica:
Quân Trung Cộng chiến đấu vô cùng tồi tệ chống lại dân quân tiền tuyến của Việt Nam.

Sau ba tuần giao tranh với con số thương vong 45 nghìn (Việt Nam nói là gây ra cho phía Trung Cộng) Quân Giải phóng đã phải rút về.

image
Nghĩa trang quân đội Trung Cộng sau cuộc chiến với Việt Nam 1979

Sam Brothers trong bài 'The Enemy of My Enemy: The Sino-Vietnamese War of 1979 and the Evolution of the Sino-American Covert Relationship' viết:
Phía Trung Cộng, theo một ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 thương vong trong khi phía Việt Nam, dù số liệu còn mù mờ, là khoảng từ 35 nghìn đến 50 nghìn.

Nhưng cuộc xung đột chỉ xảy ra trong 27 ngày, với đúng 17 ngày giao tranh, mà đã tạo ra con số thương vong như vậy cho thấy sự man rợ (savage) của nó.

LIÊN XÔ ĐÃ LÀM GÌ?

Sam Brothers:
Liên Xô có các chuyến bay TU-95D từ Vladivostok về phía Nam để theo dõi tình hình.

Một tàu tuần dương lớp Sverdlov và một tàu khu trục lớp Krivak cũng được cử đến tham gia đơn vị hải quân gồm 17 tàu đã có mặt tại bờ biển Việt Nam.

Moscow cũng cử sáu chiếc phi cơ vận tải Antonov-22 đến Hà Nội ngày 23/02, và có hai chuyến bay Liên Xô và Bulgraia từ Calcutta tới Hà Nội ngày 26/02/1979.

image
Tuy thế, Liên Xô không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến dù đã ký hiệp ước phòng thủ với Hà Nội.

CĂNG THẲNG HẬU CHIẾN

Trang GlobalSecurity.org:
Cho đến cuối thập niên 1980, phía Việt Nam biến vùng biên giới thành các 'pháo đài thép' và dùng các đơn vị dân quân được huấn luyện tốt để phòng thủ trước Trung Cộng.

image 
Bộ đội Việt Nam ở chiến trường Lạng Sơn

Ước tính 600 nghìn người được điều động vào các chiến dịch sẵn sàng chiến đấu để ngăn ngừa Trung Cộng tiến sang lần nữa...gây phí tổn tiền bạc lớn cho Việt Nam.

Giới quan sát nước ngoài cũng đánh giá rằng "các cuộc va chạm ở biên giới tiếp tục xảy ra trong suốt thập niên 1980, nổi bật là trận tháng 4/1984, khi quân Trung Cộng lần đầu tiên dùng vũ khí mới, súng Type 81 (AK-47 của Trung Cộng).

Hai nước phải đến 2007 mới hoàn tất việc ký kết xong hiệp định biên giới trên bộ, theo các bản tin quốc tế.

image

Dù cuộc chiến 'phản kích tự vệ' của Đặng Tiểu Bình nhắm vào Việt Nam là thất bại quân sự, Sam Brothers trong bài viết cũng trích lời ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore bày tỏ cái nhìn khác:
"Báo chí Trung Cộng coi hành động trừng phạt Việt Nam của người Trung Cộng là một thất bại nhưng tôi lại tin rằng nó đã thay đổi lịch sử vùng Đông Á."

image


Khi nào có thể chuyển chỗ ngồi trên máy bay?
Vì sao khó nhìn vào sự thật?
Viết cho những người không có đạo – như tôi
Chưa có quốc tịch Mỹ và nguy cơ trục xuất
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Nền giáo dục không biết xấu hổ
Người Đông và Tây suy nghĩ rất khác nhau?
Giấy bút có còn quan trọng?
Đừng vội kết luận thủ phạm giết Kim Jong-nam
Ông Trump nói gì về đảng cộng sản VN
Loa phường 'bị tấn công'
Anh trai Kim Jong-un bị giết ở Malaysia
Tâm sự xe ôm thời khủng hoảng
Nước Mỹ làm tôi xấu hổ
Phim: Nỗi buồn sông Gianh
CSHN_Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!
Người Nữ Tu Hát (Sr Sourire)
Ðặng Thị Ngọc Dung: dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ 2017
Những lợi thế đặc biệt của người hói đầu
Chọn rượu hay cà phê để mời khách?

Khi nào có thể chuyển chỗ ngồi trên máy bay?

image
Nếu có một ghế trống và danh sách cập nhật cũng trống thì hành khách ở khoang khác có chuyển đến đó được không?

Hành khách say rượu và thùng rác đầy ắp có thể là những thứ rất khó chịu mà tiếp viên phải xử lý. Nhưng có những thứ còn tồi tệ hơn đó là trộm cắp, lẻn trốn và chuyển chỗ ngồi.

Mặc dù chúng không luôn là điều rắc rối nhưng chắc chắn chúng có thể gây đau đầu cho phi hành đoàn.

"Phần lớn các tiếp viên không quan tâm nếu hành khách chuyển chỗ ngồi," Micheal, tiếp viên của một hãng hàng không lớn của Mỹ, nói. Là nói trường hợp chuyển chỗ trong cùng hạng ghế.

Ngay cả như vậy cũng có một số ghế là ngoại lệ.

Tất nhiên việc này cũng tùy thuộc vào hãng hàng không, hãng Southwest Airlines và easyJet cho phép hành khách chọn ghế ngồi một khi vào máy bay. Nhưng ở tất cả những trường hợp khác, ngồi không đúng ghế đã dành cho mình có thể nhanh chóng gây ra hỗn độn.

image
"Sẽ có rắc rối khi một hành khách muốn chuyển đến hàng ghế ở nơi thoát hiểm," Micheal nói, những ghế này không bị vướng chân. "Phần lớn hãng yêu cầu hành khách trả thêm 50 USD vào lúc đặt vé để ngồi những ghế này. Sẽ là không công bằng nếu tiếp viên chuyển hoặc để hành khách chuyển đến những ghế đó trong khi người khác phải thêm trả tiền. Nếu là tôi thì tôi không cho hành khách ngồi ở đó trừ khi không có một ai ngồi ở hàng thoát hiểm này."

Ngoài việc đó, việc muốn ngồi cạnh bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp là điều thông thường.

Nhưng chuyển chỗ ngồi không phải lúc nào cũng dễ dàng.

"Đôi khi hành khách cứ tự mình ngồi vào ghế mình thích," Micheal nói. "Đối với tiếp viên chúng tôi, cách dễ dàng là để họ ngồi đúng chỗ quy định cho tới khi người được dành để ngồi ghế đó xuất hiện. Khi họ tới mà thấy ai đó ngồi ghế của họ thì sẽ có rắc rối, và các hành khách cố tự giải quyết nên gây ra hỗn độn.

Nhưng không phải luôn là việc muốn ngồi cạnh người mình thích. Nếu họ muốn chuyển từ chỗ ngồi hạng thấp sang hạng sang thì sao? Nếu có một ghế trống và danh sách cập nhật cũng trống thì hành khách ở khoang khác có chuyển đến đó được không? Không đơn giản thế đâu.

Ở giữa hạng phổ thông và hạng thương gia còn một hạng nữa gọi là hạng phổ thông đặc biệt (premium economy). Đôi khi bay trên những máy bay lớn của những hãng lớn, ta thấy rõ những khác biệt của sự ưu đãi về độ rộng, về ghế nhung có thể duỗi thành giường. Ngoài sự thoải mái, những ưu ái khác có thể gồm check-in sớm, ghế rộng, bữa ăn tốt hơn, và đôi khi có cả rượu coctails không mất tiền hoặc phụ kiện như vải che mắt hoặc bàn chải răng. Ở máy bay nhỏ bay cự ly ngắn thì ưu đãi thông thường nhất (cho một số khách, trông thấy ngay) là ghế có nơi để chân rộng hơn 2-5 inch. Số lượng ghế này là tùy thuộc từng hãng.

image
Ngay cả sự di chuyển của một người dọc theo lối đi giữa cũng được nhận biết ở hệ thống kiểm soát và sẽ có sự điều chỉnh nhỏ để giữ máy bay được cân bằng

Thế còn điều ước mơ là chuyển hạng ghế? Phần lớn các tiếp viên sẽ chứng thực rằng ghế hạng nhất đã có khách.

Nếu còn các ghế trống thì nhân viên ở cổng ra máy bay sẽ nâng hạng ghế cho khách bay thường xuyên. Ai là người được ưu đãi này? Những khách bay thường xuyên rõ ràng được chọn đầu tiên, sau đó là đến khách đã mua vé bằng voucher và sẽ cập nhật vào chuyến bay sau.

Ngoài việc nâng hạng, cũng có vấn đề khoa học trong việc phân bổ tải trọng. Vấn đề quan trọng này được gọi là tải trọng và cân bằng, và tùy thuộc vào kích cỡ máy bay (đặc biệt là máy bay nhỏ) hành khách có thể được yêu cầu chuyển chỗ, ít nhất cũng ở lúc cất cánh. Chúng tôi đề nghị phi công giải thích.

image
"Tất cả máy bay đều hoạt động trong khuôn khổ ổn định. Để luôn luôn ở trong khuôn khổ này (từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh) thì tất cả tải trọng và vị trí của chúng phải được tính đến," Darren Patterson, một phi công của hãng vận tải Mỹ, nói. "Nếu ta buộc một dây vào đầu máy bay và treo nó lên, thì trọng tâm là điểm ở đó có sự cân bằng trọng lượng. Như 2 trẻ em chơi ván bập bênh," ông giải thích.

Những hành khách nghĩ rằng trọng lượng của mình không tác động gì lên máy bay có thể sẽ ngạc nhiên khi nghe điều này.

"Trọng tâm này di chuyển liên tục (tuy chậm) suốt trong chuyến bay khi có sự di chuyển tải trọng," Patterson nói. "Ngay cả sự di chuyển của một người dọc theo lối đi giữa cũng được nhận biết ở bộ phận kiểm soát và sẽ có sự điều chỉnh nhỏ để giữ máy bay được cân bằng. Sự giảm trọng lượng lớn nhất trong bất kỳ chuyến bay nào là của nhiên liệu bị đốt cháy. Do vậy có cả điểm cân bằng ban đầu lúc cất cánh và điểm cuối lúc hạ cánh. Nếu cả 2 điểm này nằm trong phạm vi thuộc khuôn khổ này thì máy bay luôn ổn định."

Đã bao giờ bạn thấy tiếp viên đếm số hành khách trước khi bay chưa? Một số máy bay có phần mềm đọc sự phân bổ tải trọng và tính tự động các con số cho việc cất cánh, trong khi ở chuyến bay khác phi đoàn phải tự đếm.

Nếu bạn đã từng đi máy bay nhỏ và phi công phải chuyển hành khách sang chỗ ngồi khác, thì điều đó nghĩa là cần phân bổ lại tải trọng cho an toàn.

"Máy bay càng nhỏ thì ảnh hưởng của việc chuyển tải trọng càng lớn." Patterson giải thích. "Trên máy bay lớn và rộng, một người có thể chuyển chỗ 10 hàng nghế mà tác động về cân bằng là không đáng kể. Nếu như người đó chỉ chuyển vài hàng ghế trên một máy bay vùng hoặc máy bay tua bin cánh quạt thì tác động là lớn hơn nhiều; có thể vượt ra khỏi ranh giới cân bằng và ổn định này."

image
Nhờ sự tiện lợi của kỹ thuật mới, một số hãng có thể giúp hành khách nâng hạng ghế ngay tại chỗ bằng cách quẹt thẻ tín dụng khi đã lên máy bay. 

Đúng vậy, chính là máy nhỏ cầm tay mà tiếp viên sử dụng để bạn trả tiền mua ly rượu hoặc nước tăng lực nay có thể dùng để nâng cấp cho hành khách.

image
Thời gian thích hợp nhất để chuyển chỗ ngồi là làm qua mạng trước khi đến sân bay, sau đó gặp người làm vé hoặc nhân viên cổng ra máy bay trước khi lên máy bay. Khi thấy có các ghế trống thì ta muốn chuyển chỗ, nhưng có thể các hành khách còn đang chưa tới. Một khi đã trên máy bay thì tiếp viên là người cuối cùng để ủng hộ bạn, do vậy chúng tôi khuyên nên bám theo châm ngôn 'dùng mật ta bắt được nhiều ruồi hơn là dùng dấm'. Nghĩa là bạn hãy đề nghị một cách mềm mỏng và bạn sẽ có được chỗ ngồi đáng mơ. It nhất thì cũng ở hạng phổ thông.



Beth Blair

image

Vì sao khó nhìn vào sự thật?
Viết cho những người không có đạo – như tôi
Chưa có quốc tịch Mỹ và nguy cơ trục xuất
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Nền giáo dục không biết xấu hổ
Người Đông và Tây suy nghĩ rất khác nhau?
Giấy bút có còn quan trọng?
Đừng vội kết luận thủ phạm giết Kim Jong-nam
Ông Trump nói gì về đảng cộng sản VN
Loa phường 'bị tấn công'
Anh trai Kim Jong-un bị giết ở Malaysia
Tâm sự xe ôm thời khủng hoảng
Nước Mỹ làm tôi xấu hổ
Phim: Nỗi buồn sông Gianh
CSHN_Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!
Người Nữ Tu Hát (Sr Sourire)
Ðặng Thị Ngọc Dung: dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ 2017
Những lợi thế đặc biệt của người hói đầu
Chọn rượu hay cà phê để mời khách?
Xã hội dễ bị lừa gạt bởi những lời dối trá?