Hình minh họa
Xóm tôi có một nhân vật đặc biệt mà từ đứa trẻ nhỏ cho chí người lớn tuổi, ai cũng kêu là "chị Tám lại cái” hay "bà Tám lại cái".
Đã là chị, là bà sao lại còn kêu là “lại cái” ?
Nhìn dáng bên ngoài, chị đích thị là một một người đàn ông trăm phần trăm.
Đó là một người đàn ông có nước da ngăm đen, dáng cao lớn, gân guốc. Anh có một khuôn mặt xương xương. Hai lưỡng quyền nhô cao. Cục Adam nơi cổ họng chạy lên, chạy xuống, trông rất rõ khi nói chuyện. Hai tay và hai chân đầy lông lá. Những khi anh cong lưng đẩy xe phở đi xuống cuối xóm để bán thì những bắp thịt ở chân, tay và bắp vế nổi lên cuồn cuộn. Anh luôn mặc quần đùi, áo thun và đi chân đất. Hai bàn chân to bè. Da gót chân dày cộm, nổi màu xanh đục.Đã là chị, là bà sao lại còn kêu là “lại cái” ?
Nhìn dáng bên ngoài, chị đích thị là một một người đàn ông trăm phần trăm.
Cái điều khác đàn ông là tiếng nói của anh ta lúc thì ồ ề, lúc thì eo éo. Tóc anh để dài, hoe hoe vàng vì cháy nắng, tuy lưa thưa nhưng cũng đủ vấn thành một củ tỏi sau ót. Anh lại đeo bông tai và đánh phấn đỏ hai gò má giống như hai con dấu ịn lên.
Những ngày nghỉ bán phở, anh diện bộ đồ bà ba bằng lụa, màu xanh đọt chuối non, rất chói mắt. Anh độn ngực phình lên bằng cặp xú chiêng có đệm mút. Anh đi ỏng ẹo trên đôi guốc sơn hình hoa bướm, màu lòe loẹt.
Những điều khác biệt dị hợm đó, thời gian cách đây ba, bốn mươi năm về trước, người xóm tôi gọi là “lại cái”. Có nghĩa là “một nửa đàn ông là đàn bà”.
(Mãi về sau, người ta gọi là “đồng bóng”. Cuối thế kỷ 20, văn minh hơn gọi là “đồng tính luyến ái”)
Tôi không biết anh ta từ đâu lưu lạc đến xóm tôi và đến từ hồi nào ?
Xóm tôi là nơi qui tụ dân tứ xứ.
Đa số đều là cùng khổ, phải bỏ nơi chôn nhau, cắt rún, đi tìm chỗ có thể kiếm miếng cơm, manh áo.
Đó là làng Xóm Cồn. Làng Xóm Cồn tôi chỉ là một dải đất nhỏ, gọi là một rẽo đất thì đúng hơn. Nó nằm cạnh Tòa Tỉnh Nha Trang, giống như một ngón tay mọc thêm của bàn tay sáu ngón ông Cai Kềm trường Nam Tiểu học. Mặt hướng đông là biển. Mặt hướng tây là sông. Ba bề đều là nước. Nước sông và nước biển.
Cái rẽo đất ấy là phù sa do dòng sông Cái mang theo, chảy từ thượng nguồn ra cửa biển, bị sóng biển chận lại mà thành.
Nhưng hằng năm cứ đến mùa biển động, tức từ tháng mười đến tháng hai âm lịch, cũng do sóng biển xâm thực, cái rẽo đất ấy mất dần, teo tóp lại, chỉ còn một nửa. Những con sóng lớn, nhỏ, lúc rì rào, lúc ầm ầm, suốt ngày đêm vỗ vào bờ, lôi đất ra lại biển. Những luồng sóng bắt đầu từ thềm cừ Lầu Ông Tư, đúc bằng bê tông, chạy đến đến đuôi cồn. Mỗi sáng thức dậy, lại có thêm mấy chục căn nhà sắp sập vì đất dưới nền nhà đã biến mất, còn trơ lại hàng trụ cột cao lênh khênh. Phải dỡ nhà. Hết muà biển động, đất lại bồi, Xóm Cồn tôi dần dà hình thành như cũ. Đặc biệt những năm có lụt lớn, phù sa về đục ngầu cả dòng sông hằng nửa tháng, thì diện tích xóm tôi phình ra, dài ra, to gấp đôi hay gấp ba.
Những năm ấy là những năm thần tiên của tuổi thơ chúng tôi. Chúng tôi có thể chạy ra tận giữa biển để thả diều, trên một doi đất đã mọc thêm ra từ đuôi cồn. Doi có dáng cong cong hình trăng lưỡi liềm, ảnh hưởng bởi dòng nước từ sông tuôn ra, cát trắng phau phau, nhờ sóng biển giặt rửa nhiều ngày, dài hơn nửa cây số, rộng hơn năm chục thước bề ngang.
Những cuộc thi thả diều là nguồn vui đầy hấp dẫn và say mê vô tận của hầu hết trẻ con xóm tôi. Những cánh diều làm bằng giấy nhựt trình, dán bằng cơm nguội trên cái khung tre hình cánh cung, nối liền bằng những khúc giây nhợ chắp nối, xin được của những người vá lưới, bay bổng tận trời xanh. Chúng tôi thi nhau thả coi diều ai cao hơn, bay đẹp hơn và có gởi thơ được không !
Những lần ấy, tôi lén lấy cắp của Má tôi những tờ giấy ngũ sắc dùng để cúng cô hồn, các bác, bán trong quán, đem ra biển, cắt thành những tờ to bằng cái bì thơ, xoi một lỗ chính giữa, xỏ vào dây diều thành những phong thơ đầy màu sắc. Thơ theo gió bay vun vút lên tận trời cao, mang theo nhiều điều mơ ước của tôi thầm cầu nguyện.
Cột dây diều vào ngón chân cái, nằm ngửa trên cát, hai tay vòng ra sau ót gối đầu, tôi khoan khoái ngắm nhìn chiếc diều của mình chao liệng giữa trời xanh mênh mông. Những chiếc đuôi diều làm bằng rẽo giấy, dài hàng thước, bay lồng lộng, phất phới trong gió. Vừa ngắm diều, vừa lắng nghe tiếng sóng vỗ đều đều, rì rào xung quanh, đôi lúc tôi chợp mắt ngủ lơ mơ thấy mình đang cưỡi lên cánh diều như Thái Thượng Lão quân cưỡi hạc xuống trần gian phá trận đồ Hổn Ngươn để cứu Tôn Tẩn trong truyện Phong Thần. Mãi đến khi thấy kiến bò trong bụng mới luyến tiếc thu diều về nhà.
Cư dân xóm tôi độ hơn ba trăm nóc nhà nằm thưa thớt trên một diện tích chưa đầy hai cây số vuông. Đầu xóm giáp Lầu Ông Tư Yersin. Cuối xóm, hay gọi là đuôi Cồn, giáp với cửa biển.
Nhìn qua bên kia về hướng Bắc, là Xóm Bóng, Tháp Bà.
Xóm Cồn và Xóm Bóng giao nhau thành cửa biển Nha Trang. Điểm xuyến cho phong cảnh thêm phần nên thơ và kỳ vĩ, thiên nhiên đã đặt phía trong cửa biển, dưới chân Tháp Bà, một tảng đá có tên là “Hòn Đá Chữ”, tròn, to chừng mười người ôm, cao chừng năm thước, nổi hẳn lên giữa dòng sông như cái cột đồng của Phục Ba Mã Viện trong sự tích “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Ngoài cửa biển chừng năm trăm thước là Hòn Rùa nằm yên tĩnh, ngẫng đầu nhìn về hướng Hòn Chồng, Hòn Vợ hình như để xem chừng cặp vợ chồng này khi nào về Trời.
Đứng trên Tháp Bà phóng tầm mắt ra biển mới thấy hết cái vẻ đẹp của làng tôi. Phần đông dân cư trong xóm sống về nghề chài lưới. Một ít đi làm mướn và buôn bán lặt vặt. Ngoại trừ vài nhà phú hộ, có của ăn của để, cơ ngơi to lớn. Kể từ Lầu Ông Tư trở xuống theo thứ tự , bên trái là nhà ông Phán Liên làm công chức Tòa tỉnh, đối diện bên phải là nhà Cậu Ba tôi, nhân viên phòng thí nghiệm Sở Thuốc (sau kêu là Viện Pasteur). Xuống giữa cồn là nhà Hương bộ Phẩm, Hương bộ Kiểm. Tận đuôi cồn là nhà Xã Tả, nhà Xã Thanh.
Những nhà của các ông Hương, ông Xã, có từ đời nảo, đời nao, xây bằng gạch, với vôi trộn mật đường, mái ngói âm dương, rất bề thế, rộng lớn. Bây giờ chúng đã quá cũ kỹ, rêu phong. Nhìn vào bên trong, tối mờ mờ. Nhà Cậu Ba tôi và nhà ông Phán Liên xây theo kiểu tân thời. Mái ngói đỏ. Tường gạch, xi măng. Có nhiều cửa sổ, chấn song bằng sắt, rất sáng sủa.
Khi tôi hơn mười tuổi thì chỉ nghe nói lại chớ không biết mặt các ông Hương, ông Xã. Các ông ấy đã về chầu tiên tổ từ lâu, để lại cơ ngơi cho vợ và con. Tôi chỉ thấy có mấy người còn sống như ông Hương bộ Phẩm và ông Xã Thanh, ông Phán Liên. Ông Phán Liên là ba thằng Bông, học cùng lớp với tôi. Hồi đó tôi cứ thắc mắc: Tại sao ba thằng Bông làm ông Phán mà nó học dốt quá trời vậy ?
Còn có cậu Ba tôi nữa. Cậu luôn chững chạc trong bộ đồ tây trắng. Cậu đi làm bằng chiếc xe đạp hiệu “Bờ Rô” màu đen, lúc nào cũng láng bóng. Tôi thích nghịch cái chuông kêu kính coong, mỗi lần tới chơi nhà Cậu.
Nhà Xã Tả bây giờ chỉ còn bà vợ chuyên làm bánh ít lá gai, nhưn đậu xanh, bánh ít nếp nhưn dừa, bỏ mối ngoài chợ Đầm. Cháu bà là chị Cang có sạp vải ở chợ Đầm. Chị chỉ bán buổi sáng. Buổi chiều chị ở nhà cho thuê truyện Tàu. Tủ sách Tín Đức Thư Xã của chị, tôi nhìn ngợp mắt. Có lẽ tôi phải đọc cả đời mới hết. Ấy vậy mà khi má tôi sanh đến đứa em thứ bảy, tôi đã ngốn hết bao nhiêu sách trên kệ tủ của chị.
Má tôi mỗi năm “nằm nơi” một lần. Mỗi lần từ một tháng tới hai tháng. Má tôi sanh năm một. Mỗi lần Má tôi có mang, Ba tôi lại chửi thằng cha thầy bói Hột ở Xóm Mò O, bói bậy. Khi mới cưới Má tôi, ông lên cúng tiền cho thầy và xin một quẻ về đường gia đạo. Thầy bói Hột, đốt nhang, rờ mu rùa, gieo ba đồng tiễn kẽm xong phán rằng:
- Chú mày số không có con nối dõi.
Nghe Ba tôi kể lại, Má tôi khóc mấy ngày đêm. Ai dè năm sau bà có mang, sinh ra tôi. Tiếp liền mười hai năm, bà sinh ra một loạt mười hai anh em chúng tôi, bốn trai, tám gái. Ba tôi chạy gạo hụt hơi cũng không đủ đút vô mười hai cái miệng ăn như hổ xà. Nhà tôi nghèo mạt rệp cũng bởi mười hai cái miệng ăn không biết no này.
Mỗi lần sanh gọi là nằm nơi, bà sai tôi đi xuống nhà Xã Tả mướn truyện. Khi bà ngủ quên, buông cuốn truyện xuống giường là tôi sè sẹ chớp lấy, đem ra sau hè đọc ngấu nghiến. Có khi bà đọc mau quá, tôi chưa kịp đọc mầy hồi chót, bà kêu tôi đi đổi cuốn tiếp theo. Tôi dạ dạ rồi ôm cuốn truyện dông ra biển, đọc cho hết mới đem trả, lấy cuốn tiếp. Khi về phải tìm cách nói láo (dối):
- Chị Cang bữa nay về trễ quá trời Má à ! Con phải ngồi đợi lâu muốn chết !
- Nó có tính tiền thêm nửa buổi không con ?
- Dạ không má à !
Thế là êm. Má tôi không hề thắc mắc. Tôi là thằng con ngoan mà ! (?) Nhờ vậy bao nhiêu truyện Thuyết Đường, Phong Kiếm Xuân Thu, Thất Hiệp Ngũ Nghĩa, Tiết Nhơn qúi chinh Đông, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Càn Long du Bắc, du Nam, Ngũ Hổ bình Tây... chui tọt trong bụng tôi hết. Nhưng mê nhất vẫn là bộ Tây Du ký. Tôi sống trong mộng mơ ngày đêm với ba nhân vật Tề Thiên Đại Thánh, Trư bát Giái và Sa Tăng. Buồn vui, khóc cười cùng ba nhân vật này. Còn cái ông Tam Tạng, tôi ghét cay, ghét đắng. Người đâu mà khờ ơi là khờ! Không phân biệt được ai nịnh, ai trung.
Lúc nào cũng hàm hồ. Cà ngơ, cà ngáo. Vô tích sự suốt bộ truyện. Cơ ngơi ông Xã Thanh bây giờ là nhà thùng, làm nước mắm. Những đứa con ông Xã Thanh, trai gái đều cao lớn, dềnh dàng, nước da trắng trẽo, đẹp gái, đẹp trai nhất xóm. Nhưng mỗi lần đi đổi truyện cho Má tôi, đi ngang nhà Xã Thanh là tôi phải bịt mũi, không chịu nổi cái mùi mắm thúi. Có lẽ ảnh hưởng lây, tôi cũng không ưa mấy đứa con nhà Xã Thanh. Thật ra thì chúng chẳng bao giờ thèm chơi với chúng tôi, lũ con nhà nghèo dơ bẩn.
Chỉ còn ông Hương bộ Phẩm ở gần nhà tôi, chiều chiều ông tới quán Má tôi, uống một ly rượu trắng, trả một đồng bạc Đông dương có vẻ hình người đàn bà gánh dưa là tôi có cảm tình. Ông Hương bộ Phẩm là người ký giấy “ắt đờ nét xăng“ cho tôi. (Act de naissance = Giấy khai sinh)
Tới bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc vì sao cái xóm nhỏ xíu, vỏn vẹn hơn ba trăm nóc gia mà có nhiều ông Hương, ông Xã vậy? Còn có cả ông Hào Hai nữa !
Phải chăng đó là những hư vị của kẻ giàu có bỏ tiền ra để mua chút phẩm, chút hàm để tăng thêm địa vị xã hội của mình ?
Ngoài những cơ ngơi mái ngói âm dương, tường gạch xây bằng gạch trộn vôi với đường mật của những nhà giàu kể trên, còn lại đều là nhà cửa tạm bợ. Nhất là về phía mé biển. Toàn là nhà tranh, vách lá. Cột kèo làm bằng tre hay lồ ô. Đến mùa biển động, sóng bổ ầm ầm, nước tràn cả vào nhà, chạy ra tận đường cái thì họ dỡ nhà, xếp đống, gửi nhờ những nhà ở mé sông, chờ cho đến hết tháng hai, biển êm, đất bồi, thì đem ra cất lại.
Về phía mé sông thì an cư hơn. Nhưng phải là những người có chút tiền để mua những vật liệu mắc tiền như cột (lọai cây to chặt từ rừng) để làm trụ đà, ván để lót sàn. Đó là loại nhà sàn trên sông. Loại nhà tạm bợ trên sông gọi là chồ . Người khá hơn một chút thì mua đá san hô từ hải đảo về xếp thành một cái hộc, gọi là cừ. Gánh đất đổ đầy cái cừ ấy thành một cái nền nhà. Cất nhà trên ấy là vĩnh viễn, không di dời hằng năm như mé biển.
Nhà tôi ở mé sông là loại nhà này. Ba tôi kể lại, ông phải mượn hai bà cô tôi, cô Hai Trà, cô Ba Lá, con ông nội Mười, từ Hòn Khói, Bình Tây vào gánh đất giúp cả tháng mới hoàn thành.
Dân tứ xứ trôi dạt về đây mang theo nhiều thổ ngữ và âm sắc của địa phương mình nghe rất lạ tai. Tụi trẻ con chúng tôi cứ theo nhái giọng để chọc ghẹo mấy đứa con nít bằng tuổi để làm trò vui. Đầu tiên và chiếm đa số là người Quảng Nam và Quảng Ngải. Ông bà ngoại tôi là người Quảng Nam. Hai ông bà dắt díu nhau vào đây từ hồi nào không rõ. Đến đời các cậu, các dì và má tôi thì không ai nói “lòm en” (làm ăn) nữa. Khi tôi được năm tuổi thì ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời, nên tôi không còn nhớ giọng Quảng của ông bà ra sao. Chúng tôi chỉ biết giọng Quảng của đám người tụ nhập sau này. Cái câu thường thường được đem ra nhái chọc là:
- “en không chịu en, đổ chó en, tét đèn đi ngủ” (ăn không chịu ăn, đổ chó ăn, tắt đèn đi ngủ).
Hay:
- “Chu choa, nghe nói cái đất Nhoa Troang lòm en được, bèn boán hết nhà cửa, mua cái vé xe Phi Long, để đi vô. Khi xe qua đèo Cù Meong, cây kim hén cứ ghét một trem, một trem thiệt dễ sợ”.
(Chu cha, nghe nói cái đất Nha Trang làm ăn được, bèn bán hết nhà cửa, mua cái vé xe Phi Long, để đi vô. Khi xe qua đèo Cù Mông, cây kim (tốc độ) hắn cứ gát một trăm, một trăm thiệt dễ sợ)
Người Bình Định, Phú Yên thì hay nói “nẫu” và “dẫy na các ông”. Và giọng nói thường đi lên. Lắng nghe hai bà Bình Định, Phú Yên trò chuyện:
- Chị Bảy à ! Bữa nay đi chợ, chị có nghe “nẫu” đồn cái gì không ?
- “Nẫu” đồn cái gì ? Tui chớ nghe gì hết !
- “Nẫu” đồn là vài hôm nữa xóm mình sẽ mở lớp “bình dân học vụ” ban đêm đó !
- Dẫy !
- Nghe “nẫu” nói sẽ có giăng dây đầu xóm để đố chữ nữa ! Chắc tụi mình phải xách đèn đi học quá !
- Dẫy na các ông !
Năm 1954, Ba tôi tìm gặp lại được bà nội tôi và chú Bảy tôi, trôi tán thất lạc từ năm 1930, đem về nhà ở chung. Bà nội tôi và gia đình chú Bảy, thím Bảy cùng các con nói rặt “nẫu và dẫy na”. Họ ở tận làng Gò Duối, Phú Yên. Vì vậy, người xóm tôi gọi họ là dân “nẫu”.
Người Huế hay còn gọi là dân “trọ trẹ”. Điển hình là bà mợ dâu tôi. Suốt ngày, trên cái lưỡi thè ra của bà đều có dính một điếu thuốc cẩm lệ, hôi nồng nặc, vấn hình sâu kèn, to bằng ngón tay cái. Bà nói “suột gìa” thay vì quét nhà.
Bà hay ăn quà vặt nhưng dấu cậu tôi. Có lần bà bị bội thực, thở không được. Cậu tôi lo lắng hỏi:
- Sáng giờ bà có ăn cái gì bậy bạ không ?
Mợ tôi tay vuốt ngực, miệng thều thào:
- Mai chừ chưa ăn chi hệt !
Cậu tôi lấy dầu cù là xoa ngực và lấy lông gà thọc vô cổ họng cho bà ói. Bà hộc ra toàn là hột vịt lộn chưa tiêu hóa được. Ói ra được, nhẹ người, bà thở cái phì. Cậu tôi thấy vậy hứ một tiếng, quăng cái lông gà:
- “Dị” mà nói “mai chừ chưa ăn chi hệ...ệệệt” ! Ông kéo dài giọng để cho đã nư.
Mấy bà trong xóm thường ghẹo mợ tôi cái câu:
- Chị Sáu ơi ! Ôm ông nội lội qua sông đi ! (Ôm ống nổi lội qua sông)
Muốn nhái giọng Huế, người ta cứ đánh dấu nặng trong mọi chữ, mọi lời là xong.
Người Quảng Bình, Quảng Trị trôi tắp vào làng tôi trên những chiếc ghe khá lớn, có những cánh buồm bằng vải nâu. Trên ghe có mui cong vòng. Cả gia đình vợ chồng, con cái đều sống chung trên ghe và chui rúc trong cái mui đó. Người xóm tôi gọi họ là dân “nốp” (cái mui ghe). Họ sống bằng nghề cất vó. Trước mũi ghe có một cái cần làm bằng thân tre già, dài chừng sáu thước, chìa ra khỏi ghe. Đầu cần là một tấm lưới hình vuông, mỗi bề độ bốn thước, được căng ra bởi bốn thanh tre, xếp thành hình chữ thập. Ban ngày họ ngủ hoặc làm việc khác. Ban đêm họ chong ngọn đèn dầu chai, sáng tù mù trên đầu cần tre và hạ vó xuống nước. Chừng mười lăm hay hai mươi phút, họ cất vó lên một lần. Hay khi nhìn thấy có cá tụ lại giỡn đèn, họ vội vàng kéo lưới lên. Những con cá bạc mắc lưới, nhảy lăn tăn, búng lên, búng xuống tanh tách, trông rất vui mắt. Nhiều bữa, Ba tôi thèm cháo cá, ông đứng ở trên sàn nhà kêu vói ra, mua cá:
- Ông nốp ơi ! Có cá đối không ? Bán cho tui ít con !
Tiếng trên ghe trả lời văng vẳng:
- Cọ ! Cọ ! Ông chờ chụt ! (Có ! Có ! Ông chờ chút !)
Có tiếng mái chèo khua trong nước. Chốc lát chiếc “thúng” bơi lại gần sàn nhà. Một người đàn bà đưa rổ cá đối lên bán. Những con cá đối to bằng cườm tay còn tươi roi rói, nấu cháo trong đêm là món ăn tuyệt vời. Vừa béo, vừa ngọt nước. Thịt cá dai và thơm, quyện với mùi hành, ngo, ụ tiêu, nước mắm thật không còn gì bằng. Má tôi chê mắc gấp hai lần ngoài chợ. Ba tôi cười giải thích:
- Bà không nhớ câu “đắt đồng ế chợ” sao ? Tuy mắc một chút mà cá tươi, cá chợ sao bằng?
Bọn trẻ chúng tôi thì cứ vỗ tay hát:
- Con cá đối nằm trong cối đá ! Con mèo cụt nằm mút đuôi kèo !
Mấy ông già khi lai rai ba sợi hay bình phẩm người Quảng Bình, Quảng Trị là dân keo kiệt:
- Tụi “nốp” là tụi “cá gỗ” !
Họ kể rằng “tụi nốp” hà tiện đến nổi không dám lấy cá thiệt để nấu ăn. Tụi nó lấy gỗ đẽo thành hình con cá, treo trên nốp, rồi ngày nào cũng nhìn con cá gỗ mà ăn cơm. Cũng có người nói, con cá kho nấu nhiều lần, chỉ ăn nước mà không dám ăn cá, nên lâu ngày con cá cứng như gỗ. Lúc đó, tôi không rõ hư thật như thế nào. Nhưng sau này, ông nhạc tôi là dân Quảng Bình, nói giọng rất nặng, nhiều khi tôi nghe không kịp, phải nhờ vợ thông ngôn lại, đã là tay xài sang có tiếng ở Qui Nhơn một thời.
Đến năm 1954, làn sóng di cư từ Bắc vô, nơi nào cũng có người Bắc đến ở. Xóm tôi cũng dung nạp một số. Đa phần họ làm nghề bán xôi. Xôi bắp rắc nhưn đậu xanh. Xôi đậu đen ăn với cốt dừa già bào thành sợi. Đàn bà, con gái mặc váy sồi. Đầu tóc vấn trần hoặc bọc trong cái túi vải hay nhung, quấn xung quanh đầu, trên thò ra một cái đuôi gà vắt ngược. Cách họ đi tiểu lạ lắm. Họ không ngồi. Họ đứng xổm. Hai đầu gối khuỳnh xuống. Tay kéo cái váy xê tới trước một chút để khỏi dính nước tiểu. Rồi cứ thế mà... xè...xẹ
Bọn trẻ con chúng tôi thường rình coi mấy đứa con gái đi đái để cười hô hố. Một lần nọ, nghe cô con gái chạy vô mét, bà mẹ ra đứng trước cửa, một tay chống nạnh, một tay xỉa xói, miệng chửi sa sả:
- Bố mẹ tiên sư nhà chúng mày ! Con nhà mất dạy ! Con bà đi giải mà chúng mày lén, chúng mày nhòm. Bà mà bắt được tay, vây được cánh, bà cho chúng mày liếm qua, liếm lại !
Chúng tôi đâu có hiểu được bà đang chửi cái gì.
- Tiếng Bắc Kỳ nói, nghe hổng được.
Chúng tôi bảo nhau như thế, rồi cùng cười phá lên, càng làm cho bà tức điên người. Cái đuôi gà càng vỗng ngược.
Đại để xóm tôi là như vậy. Nhưng dù là người miền nào, nói giọng nào, phong tục tập quán nào đi nữa, một khi đã thành dân xóm tôi, họ đều trở thành thân cận, hàng xóm, đùm bọc, giúp đỡ nhau rất tận tình những khi tối lửa, tắt đèn. Họ thường nói chữ nghĩa thánh hiền với nhau khi có dịp giúp đỡ qua lại:
- Nhứt cận thân, nhì cận lân mà !
Nhất là sau những vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Tất cả làng đều trắng tay. Cháy nhà đã xảy rất nhiều lần. Lần nào cũng điêu tàn, ra tro cả xóm. Cháy không chữa được. Nhà tranh, vách la,ù mùa hè khô hanh, bén lửa cháy bừng bừng tạo ra gió. Gió giúp lữa cháy càng dữ. Chỉ còn kéo nhau chạy ra bờ biển tránh lửa. Đứng nhìn bà hỏa thiêu rụi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt trong phút chốc mà đau lòng. Mặc dù ba bề bốn bên đều là nước. Nạn cháy nhà thường xuyên đến nổi người dân trên Đầm (dân ở phố) kháo nhau, mỗi lần kéo nhau đông nghịt xuống đứng ở Lầu Ông Tư coi cháy nhà:
- Xuống Cồn coi lửa ! Mau mau xuống Cồn coi lửa !
Họ vừa nói thật, vừa nói lái để đùa.
Các thổ ngữ và âm sắc của các dân tứ xứ như thế, còn giọng nói của dân Xóm Cồn thì sao ? Những người từng lang bạt kỳ hồ khắp nơi đã dừng chân lại làng tôi, xem như chỗ đất lành chim đậu, đã lập vợ, lập chồng, sinh con đẻ cái, bầy đàn, thê tử. Họ cưới qua, gả lại con cháu cho nhau, dần dà những âm sắc dị biệt đã tự lúc nào hòa lẫn vào nhau tạo thành một âm ngữ riêng biệt, vừa ngọng nghịu, vừa chả chớt rất khó nghe. Cái âm giọng này thường nghe ở các làng chài lưới ven biển từ Vạn Giả Tu Bông cho đến Cam Ranh, Cà Ná.
Họ không nói được vần “r”, vần “tr”, vần “v”, và vần “a”.
Chẳng hạn cái rổ, cái rá họ nói thành “cái giổ, cái giá”. Cái tràn, cái trẹt họ nói thành “cái chàn, cái chẹt”. “Đi về” họ phát âm thành “đi dìa”. Đi vô thành “đi dô”.
Tụi trẻ con chúng tôi có đi học, nhờ thầy, cô uốn giọng nên nói được “đi về nhà ăn cơm” thì những đứa trong xóm không đi học, lại nhái chọc chúng tôi là:
- Tụi nó nói “tiếng vó” bay ơi ! (nói giọng có gío) Thay vì chúng nói “đi dìa nhà ăn cuôm”.
Dân Nha Trang chính cống, đa số đều nói: Cơm thành cuôm. Người ta thành ngừ ta. Cười thành cừ. “Đừng nói ăn cuôm, ngừ ta cừ ụ” (Đừng nói ăn cơm, người ta cười) Nhưng dù các thầy, cô có ra sức uốn lưỡi, uốn giọng cho chúng tôi cách mấy cũng đành bó tay, bất lực trước vần “a”. Chúng tôi đều nói thành “e”.
Một anh bạn, người Miền Nam hỏi tôi:
- Anh Hai ! Anh ở Nha Trang sao nói giọng không giống mấy người ở chung trại tị nạn với tui. Họ cũng là dân Nha Trang mà nói nghe lạ lắm. Họ nói:
- Bữa nay không có học ke. Trại bữa nay phát ké, không có phát ghè.
(Bữa nay không có học ca. Trại bữa nay phát cá, không có phát gà)
Nghe hỏi, tôi chợt nhớ ra hơn năm mươi năm về trước, tôi là một nạn nhân đau khổ của chữ “a” này. Số ba tôi cứ nói thành “số be”. Hồi còn lớp Ba, thầy Thanh đã bỏ nhiều thì giờ cố tập cho tôi nói cho được “số ba, nước đá” mà tôi cứ gân cổ hét lên “số be, nước đé”. Rõ ràng là tôi nói số ba, nước đá mà ! Thầy ác quá ! Thầy muốn chọc con. Tôi nói trong nước mắt.
Bây giờ nhớ lại, tôi phì cười, bảo người bạn:
- Không phải dân Nha Trang nói như thế đâu ! Mấy người đó là dân biển. Họ ở mấy làng chài, có ghe, vượt biên, nên mang theo giọng biển, chớ không phải giọng Nha Trang đâu. Tao hồi xưa cũng nói y chang như họ vậy. Nhờ sau này lưu lạc khắp nơi nên mới sửa được giọng đó chớ. Chắc chắn họ là những người đã ở một trong những làng này: Bình Tân, Cửa Bé, Chụt, Cầu Đá, Xóm Cồn, Xóm Bóng, Lương Sơn, Đại Lãnh...
Chị Tám “lại cái” (bây giờ tôi phải gọi theo mọi người trong xóm cho đồng nhất) có lẽ cũng “lê gót giang hồ” nhiều nơi trước khi “cắm sào” tại xóm tôi, nên tôi không thể nhận ra chị ở địa phương nào. Thứ nhất là cái giọng ồm ồm, eo éo của chị. Thứ hai là trong một câu chị lai vừa Quảng, vừa Bình Định, Phú Yên và cả giọng miền Nam. Nó trộn hầm bà lằng có “nẫu”, có “lòm en” và cả “chèng đéc ơi” nữa.
Bây giờ nghĩ lại, tôi lấy làm tiếc, hồi đó sao tôi không đánh bạo ngồi trò chuyện với chị lâu lâu một chút để “phỏng vấn” chị đôi điều cho thỏa tính tò mò. Thật ra, hồi đó, ít ai dám làm bạn với chị vì đa số dân làng đều có đầu óc đầy mê tín, dị đoan và nặng thành kiến với chị. Họ rỉ tai nhau hoặc công khai nói ra rằng:
- Cái thứ “lại cái” đi tới đâu là mang theo tai họa chết người tới đó. Ai mà dây với nó là gặp điều xui xẻo.
Cả một xóm đều nói như vậy. Mọi người đều nhìn chị bằng cặp mắt e dè, ngại ngùng. Như thế thì có ai mà dám lân la với chị.
Chị tứ cố vô thân. Không một ai là họ hàng thân thích, bạn bè. Chị sống thui thủi và lặng lẽ. Nhiều lần tôi thấy chị nhe răng cười với mọi người để làm quen, nhưng đáp lại sự niềm nở là những cái nguýt xéo hoặc tảng lờ.
Những năm đầu chị làm mướn cho mấy bà “rổi”. Chị có sức khoẻ dẻo dai. Hai tay chị có thể bưng một rổ rổi cá nặng cỡ ba, bốn mươi ký lô. Chị bơi ào ra ghe đậu giữa sông để bưng những rổ cá như thế vào bờ cho mấy bà “rổi” ở nhà quê thuê chị. Ai muốn trả công cho chị bao nhiêu thì cho. Chị không đòi hỏi nhiều ít. Dành dụm được mấy năm chị mua được một xe hàng phở. Chị không bưng cá mướn nữa. Chị bán phở. Cái chuyện chị bán phở là duyên may cho chị mà cũng là điều bất hạnh cho người khác...
Xóm tôi có nhiều người bán hàng ăn, quà vặt cho cư dân trong xóm và bạn hàng “rổi” từ quê xuống, đón chờ mua cá từ mành ở biển về. Nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có mấy món “cây nhà lá vườn” như bánh căn, bánh xèo, bánh canh, cháo lòng. Thỉnh thoảng đổi món như bún bò, mì quảng, bún cá, bún sứa...
Không một ai biết nấu phở. Ngay Má tôi được mọi người xưng tụng là “Dì Bảy nấu đám” cũng không biết cách nấu ra sao. Lâu lâu Má tôi cũng nấu một nồi phở để gia đình đổi khẩu vị. Nhưng khi ăn, ngon thì có ngon, vẫn không cảm thấy mùi phở. Má tôi nấu phở giò heo. Nấu phở bò, mùi mỡ bò nồng nặc, ăn không vô. Muốn ăn phở, phải lên chợ Đầm, vào quán phở hiệu “Bình Dân”, trong cái ki ốt đầu tiên, đối diện với trụ sở Phường Đệ Nhứt Xương Huân, làm một tô ba đồng, mới thưởng thức cái mùi phở nó hấp dẫn làm sao !
Trong số những gia đình người Bắc di cư vào “cắm dùi” ở xóm tôi có gia đình anh Xuân Thủy là người đầu tiên nấu và bán phở xe.
Anh Thủy người tầm thước, trắng trẽo, đẹp trai. Tuổi khoảng hai mươi lăm. Anh có gương mặt sáng sủa, lộ vẻ thông minh, khác hẳn với người trong xóm đều đen đúa, chai sạm. Anh cùng người bố già, cứ quãng sáu giờ chiều là đẩy xe phở từ đuôi cồn đi lên, vừa rao, vừa bán. Mùi nước phở bay ra lẫn theo trong gió thơm ngào ngạt, thoang thoảng có mùi thuốc Bắc, khiến ai cũng thèm ăn, đúng lúc cái bụng đang chuẩn bị buổi cơm chiều. Chưa ăn mà cái miệng đã ứa nước miếng. Trong đầu đã hình dung ra tô phở nóng hôi hổi, bốc khói với bánh phở trắng ngần, loang loáng nước béo, với những miếng thịt bò tái đỏ tươi trên mặt, điểm thêm mấy cọng hành xanh có cả củ, cộng thêm mấy khoanh ớt đỏ với mấy cành rau quế tươi rói.
Ôi chao ! Phải nuốt nước miếng đánh ực một cái.
Từ đuôi cồn đến đầu cồn, tức Lầu Ông Tư, anh bán liên tục tới chừng chín, mười giờ đêm là hết sạch. Ngày nào biển động, mành không ra khơi được, dân mành không tiền ăn, phở ế, bố con anh phải đẩy lên tận đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, xóm Mò O để rao bán.
Được chừng vài năm, gia đình anh khắm khá thấy rõ. Con cái anh ăn mặc tươm tất, gọn gàng. Hai đứa con gái anh đã ngày ngày ôm cặp đến trường Nữ Tiểu Học Nha Trang. Đứa học lớp Tư, đứa học lớp Ba.
... Không biết vì ganh ăn, ghét ở hay vì lý do nào khác tôi không rõ, bỗng có tin đồn rỉ tai chuyền đi mau lẹ trong xóm, đầu làng, cuối ngõ đều biết:
- Cha con thằng Bắc kỳ Thủy bán phở thịt chó !
- Chao ôi ! Thịt chó ! Sao mà gớm ghiếc vậy !
Hầu hết dân xóm tôi là người Lương. Một số nhà có bàn thờ Phật. Họ rất sùng đạo. Họ nghe lời các Thầy hơn là tin Phật. Lấy thịt chó làm nhưn bánh bao cho các Thầy ăn, bị tội sa vào địa ngục thứ mười hai, ngồi bàn chông, đầu đội chậu máu là chuyện Mục Kiền Liên ai ai cũng thuộc nằm lòng.
Chó là con vật dơ bẩn chuyên ăn c...
Trong xóm nhiều nhà nuôi chó, không phải để giữ nhà, canh cửa. Có chó gì mà canh với giữ ! Họ nuôi chó với mục đích bắt chó dọn vệ sinh cho những đứa bé ị ra nhà và liếm đít khỏi lau chùi. Vậy mà, bấy lâu nay cứ ăn phở thịt chó của thằng cha Thủy Bắc kỳ !
Mấy bà già chấp tay, lim lim mắt, miệng niệm Phật, mỗi khi anh Thủy cùng bố đẩy xe phở đi ngang:
- Thiện tai ! Thiện tai ! Nghiệp chướng ! Nghiệp chướng !
Lũ con nít thì chạy theo xe hò la:
- Bắc kỳ ăn thịt chó con ! Ăn nhằm chó dại chết cha Bắc kỳ !
Trong xóm có anh Bảy Phết là tay ba trợn, ngổ ngáo. Anh vô công, rồi nghề. Nhưng anh sống thong dong như một ông hoàng con. Ngày ngày anh rong chơi hay ôm gà đi khắp xóm để đá làm vui. Anh ăn nói bạt mạng, hành động lỗ mãng với những kẻ anh không ưa. Nhưng anh rất được lòng bà con trong xóm, nhờ cái tính mau mắn, nhặm lẹ giúp đỡ bà con của anh. Ai cũng biết anh là loại “ăn bám gấu quần đàn bà” nhưng họ cười dễ dải, xởi lởi khi nói về anh. Mấy anh thanh niên đồng trang lứa chép miệng thòm thèm:
- Tao mà được như thằng Bảy Phết cũng sướng một đời. Người ta nói “của to” không lo gì đói, đúng quá xá là đúng !
Tính ra, lúc ấy, Bảy Phết có tới cả thẩy năm bà vợ. Nhưng Bảy Phết vẫn ở một mình. Năm bà kia không biết ở đâu. Người ta thấy mỗi ngày, một bà thay phiên nhau đến ở với anh, hầu hạ anh hết mực. Từ ăn uống phủ phê, coi cải lương, hát bóng, sắm đồ đạc, đồng hồ, cà rá, quần áo... nhất nhất đều đầy đủ. Cơm no xong thì bò cỡi.
Sáng hôm sau ra đi, nhường cho bà khác tới tiếp tục bổn cũ soạn lại. Bảy Phết chuyên ở trần để phô trương bộ ngực nở nang và thân hình đầy những bắp thịt rắn chắc. Anh mặc chỉ có mỗi cái quần đùi rộng ống. Anh ôm gà đi từ đầu làng tới cuối xóm. Cái “của quí” to và dài như cái chày đâm tiêu lủng lẵng giữa háng, đánh qua, đánh lại hai bên bắp vế theo nhịp đi của anh. Những lúc anh ngồi chồm hổm theo dõi con gà mình đang đá, thằng nhỏ của anh cũng thò cái đầu bóng lưỡng ra khỏi ống quần để xem ké. Thiên hạ lúc này bỏ coi đá gà quay qua chiêm ngưỡng cái “vưu vật” hiếm có trên đời này. Đến lúc phát hiện ra chuyện lạ, Bảy Phết đỏ mặt, đứng vụt dậy, kéo ống quần xuống, cười bẽn lẽn nhưng cũng đầy vẻ tự hào.
... Một buổi chiều, trời mưa lâm râm suốt ngày, mới hơn sáu giờ mà đã tối mịt. Xe phở của bố con anh Thủy vừa đẩy đến giữ xóm, cách nhà tôi độ năm chục thước thì bị Bảy Phết ở đâu xộc ra chận lại. Mặt anh đỏ tía, chắc đã vô vài xị rồi. Anh hùng hổ vung nắm tay chỉ mặt bố con anh Thủy hét lớn:
- Ê ! Thằng Bắc kỳ ! Sao mày dám bán phở thịt chó cho xóm tao ăn hả ? Hả ?
Anh Thủy cùng bố run lẩy bẩy thanh minh: - Đâu có anh Bảy ! Chúng em đâu có bán thịt chó ! Anh đến mà xem này ! Thịt bò đấy chứ ạ !
- Thịt chó mày dấu trong thùng nước lèo chớ đâu ! Bảy Phết này biết ráo trọi !
- Làm gì có anh Bảy ! Anh cứ đến xem ! Nếu có cứ đánh chết chúng em đi !
Lúc này trẻ con, người lớn, túa tới bu coi mỗi lúc mỗi đông. Tiếng con nít hò la:
- “Bắc kỳ ăn thịt chó”! càng lúc càng lớn, khiến Bảy Phết càng hăng máu, càng hừng chí. Anh xăm xăm xáp lại gần xe phở. Bố con anh Thủy càng run lập cập lùi ra xa. Bảy Phết đưa tay giở nắp thùng nước xúp, thò mũi vào hít hít mấy cái, rồi lấy cái giá trụng bánh phở khua khua trong thùng một lúc, bỗng la lớn lên:
- Nè bà con, cô bác, có cái đầu con chó trong này nè !
Mọi người ồ lên một tiếng thật to. Đám con nít sợ xanh máu mặt. Bảy Phết lui một bước, co chân đạp chiếc xe phở một cái thiệt mạnh. Xe phở lật nghiêng, ngả chỏng gọng. Thùng nước lèo đổ ào ra đất lẫn với thịt bò, xương bò, hành lá, rau é, giá sống, ràu xà lách, tô chén bể lổn nhổn. Trong cái đám hỗn tạp ấy có một cái vật gì giống như một cái đầu chó đen thui, nằm chỏng chơ, lồ lộ trong cái ánh sáng nhá nhem của ngọn đèn dầu lửa tù mù. Tiếng la hét, chửi bới của dân làng càng vang động. Cái không khí hung hăng muốn đánh người càng kích thích, khiến bố con anh Thủy hốt hoảng, quơ vội đồ nghề quăng vào xe và lật đật đẩy về nhà, đóng cửa im ỉm.
Ba ngày sau, gia đình anh Thủy dọn nhà trên một chiếc xe ba gác, đẩy ra khỏi xóm đi mất biệt. Không ai biết anh dời đi đâu. Và mọi người mau chóng quên lãng chiếc xe phở cùng gia đình anh Thủy bán thịt chó.
Mãi mấy năm sau, Má tôi học được cách nấu nước xúp bằng xương bò mà không bay mùi mỡ bò để bà bán bún bò và cả phở nữa. Lúc đó tôi mới biết là gia đình anh Thủy bị cái oan Thị Kính. Cái vật đen đen nằm chỏng chơ năm xưa, trong cái ánh sáng nhá nhem dưới ngọn đèn dầu tù mù kia chỉ là cái túi vải, trong đó chứa cái bí mật nhà nghề để nấu phở bò mà anh Thủy đành ngậm đắng nuốt cay ra đi, nhất định không chịu mở ra để thanh minh với bà con.
Trong đó có gì bí mật ? Theo lời dặn dò của Má tôi, anh em chúng tôi sau này đừng theo nghề Má tôi nữa để khỏi khổ cái thân. Má tôi nói:
- Các con nên kiếm ít chữ nghĩa để cái thân đỡ cực !
Vì vậy, chúng tôi không sợ cạnh tranh nghề nghiệp mà dấu bí mật làm chi. Ai thích nấu phở bò thì cứ theo như vầy... như vầy... mà làm ! (Chữ nghĩa trong Tín Đức Thư Xã) Xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ !
Chỉ mấy tháng sau khi gia đình anh Thủy dọn đi, chị Tám bỗng khai trương một xe phở mới toanh. Cách trình bày trên xe y hệt của anh Thủy. Cũng miếng thịt bò đỏ tươi treo tòng teng bên cạnh bó hành xanh ngắt và miếng thịt ba chỉ luộc chín, béo ngậy. Một rổ rau é quế, giá sống, xà lách, ngò gai xanh mướt. Lẫn chính giữa là mấy chùm ớt chín đỏ. Tương đỏ, tương đen, xì dầu, nước mắm, chanh tươi đều có cả. Mùi nước xúp thơm phưng phứt không thua gì mùi phở của anh Thủy. Ai cũng ngạc nhiên tự hỏi không biết chị Tám đang vác mướn cho rổi mà học được nghề nấu phở Bắc hồi nào vậy!
Cách nhà tôi một căn, một gia đình người Bình Định được thơ nhà từ Đập Đá gửi vô nhắn mau mau về lại làng cũ. Thơ nói, bây giờ “nẫu” đang phục hồi nghề dệt vải tám, có ăn lắm. (Đập Đá là làng dệt vải nổi tiếng rất lâu ở Bình Định). Gia đình này bán nhà cho chị Tám để về quê. Nói là nhà chớ thực sự chỉ là một cái chồ xập xệ bên mé sông. Thế là chị Tám thành chòm xóm của gia đình tôi và gia đình chị Tư Ngỗ.
Xe phở của chị đặt ngay trước cửa nhà. Hôm nào ế quá chị mới đẩy xuống đuôi cồn bán khuya. Chị bán rẻ hơn anh Thủy nên bà con ngày nào cũng chiếu cố nồng nhiệt. Giá nào chị cũng bán. Trẻ con không đủ tiền, một đồng cũng ăn được một tô nhỏ. Tụi tôi, tối tối, cũng ra kêu vài tô đem vô nhà ăn chớ không ngồi chồm hỗm trên con ngựa chị đặt trước xe. Má tôi nếm thử nước xúp, chép chép miệng mấy cái rồi nói:
- Toàn là bột ngọt ! Hèn gì bán rẻ là phải ! Tụi mày ăn nhiều sẽ mõng bao tử đó !
Rồi bà thì thầm dặn:
- Nghề làm ăn của người ta! Các con chớ nói tùm lum ra ngoài mà tội nghiệp !
... Hai năm liên tiếp, sáu mươi, sáu mốt, ghe mành mất mùa, ngày nào ghe cũng về lưới khô. Những bầy cá cơm, cá nục, cá sơn, cá chuồn, cá suốt... không biết biến đi đâu hết. Đầu nậu (chủ ghe) lỗ tiền sở hụi, đành phải đậu ghe ở nhà vài tuần chờ hy vọng. Lái phụ, bạn nghề, bạn qua lồ trơ mỏ. Gia đình vợ con xơ rơ, xác rác. Ba tôi thường nói:
- Cái nghề biển là nghề bạc đãi ! Tiền bọt biển, có nay, chưa chắc có mai. Ngày nào hòn dái nhúng nước là ngày đó có tiền ăn uống thả dàn. Ngày nào hòn dái khô là ngày đó trơ mỏ.
Nhưng hai năm liền, ngày nào dái cũng nhúng nước, mà vẫn không đủ cá để chia cho bạn ăn, nói chi tới chia tiền. Thế thì còn tệ hại hơn nhiều ! Nhiều người phải năn nỉ đầu nậu xin lấy tiền “khống” ăn trước, hẹn trả lại mùa sau. Tiền “khống” giống tiền bán lúa non ở nhà quê.
Mấy người già cả thiếu ăn, bệnh tật không tiền mua thuốc, lần lượt nối gót nhau về trời. Có tháng đưa đám đến hai, ba người. Nhưng dân trong xóm không chịu tin người chết vì tuổi già và bệnh tật. Họ đổ riệt cho “thằng cha lại cái” đã đem lại xúi quẫy cho xóm. Chị Tư Ngỗ thì thầm:
- Tại thằng “lại cái” đó chớ không ai hết. Hồi giờ làng mình đâu có chết nhiều dữ vậy !
Thím Đảm, vợ chú Đảm thợ may, ở đối diện phụ họa:
- Tui đã nói mà ! chỗ nào có “lại cái” là chỗ đó xui tận mạng !
Vợ Ngô Thuẩn ở nhà xéo bên, phân vân:
- Làm sao bây giờ ? Chẳng lẽ đuổi nó đi ? Nó ở đây đã mấy năm rồi, đâu có chuyện gì ?
Bà Đấu già có cục bứu to ở cổ, vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa than thở:
- Trời phạt, trời hành, khó mà tránh được. Ráng mà ăn chay, niệm Phật mới mong tránh khỏi tai ương!
Nhưng mấy bà chỉ xầm xì với nhau chớ không dám nói ra lời trước mặt chị Tám. Nhiều buổi xê xế, bóng mát nhà tôi vừa ngả xuống sân xi măng chừng ba thước, các bà tụ trước nhà tôi, người này đè đầu ngươì kia, bắt chí cho nhau, thành mấy dây dài. Vừa bắt chí, vừa nói chuyện râm ran. Tiếng cắn chí trong miệng lụp bụp lẫn tiếng hành, tiếng tỏi, chê người nọ, bai người kia, một hồi cũng quay sang chỉa mũi dùi vào chị Tám. Tôi ngồi học bài trong cửa sổ, ngứa miệng nói leo:
- Mấy Bác à ! Mấy người chết trong xóm mình tại họ già quá mà bị bịnh nữa. Chớ đâu phải tại chị Tám ! Nói vậy tội cho chị.
Nói chưa dứt câu đã có tiếng một bà nào đó át đi:
- Mầy nhỏ biết gì mà nói ! Mầy nói mấy người đó già thì chết, chớ sao mấy đứa nhỏ tắm sông cũng bị chết đuối ?
Có người lại ác khẩu:
- Hay là thằng “lại cái” cho mày ăn phở không lấy tiền nên mày bênh nó !
Tôi biết là nói không lại một đám đàn bà lắm mồm, lắm miệng đó nên đành nín thinh. Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết. Huống hồ là tôi, một thằng con nít. Huống hồ là chị Tám, thân cô, thế cô.
Chị Tám biết hết. Chị đã nghe hết. Nhưng chị giả bộ để giả dại qua ải. Chị cần phải sống. Nhưng nào chị được có yên cái thân. Chị lại phải đương đầu với Bảy Phết.
Mới bảy giờ tối, mùa hè trời còn sáng rực đằng sau dãy núi, Bảy Phết đã chân nam đá chân xiêu, đứng trước nhà chị Tám kêu réo, chửi rũa sòm:
- Ê ! Thằng cha Tám “lại cái” ra đây tao biểu ! Đ.M mày ! Từ ngày mày tới đây tới giờ, xóm tao chết biết bao nhiêu người rồi, mày biết không ?
Bảy Phết vừa chửi tục, vừa gục gặt cái đầu đỏ ké, miệng hôi nồng mùi rượu đế. Đám con nít bu đông trước cửa. Đàn bà, con gái cũng túa ra. Nhiều người đứng chân trong, chân ngoài ở nhà mình, ngóng chờ xem pha gay cấn sắp xảy ra giữa Tám lại cái và Bảy Phết y như chuyện anh Thủy Bắc kỳ lần trước. Bảy Phết đứng ngoài chửi rủa. Đám con nít đứng sau lưng hò reo trợ oai. Chị Tám thủ trong nhà không dám ra. Hồi lâu, Bảy Phết hăm dọa:
- Đ.M mày không ra hả ? Tao vô, tao đốt nhà mày !
Đám con nít hò theo:
- Đốt nhà bà lại cái ! Đốt nhà bà lại cái !
Chị Tám hoãng hồn lật đật chạy ra, hai tay chắp lại, lạy Bảy Phết lia lịa:
- Anh Bảy ơi ! Làm ơn, làm phước tha cho em đi anh Bảy ! Em lạy anh trăm lạy, ngàn lạy, tha cho em, đừng đốt nhà em mà. Em nào có tội tình gì !
Không biết vô tình hay quên trong lúc đang xắc thịt, chị Tám trên tay vẫn còn cầm con dao bầu bén ngót, khi lạy, con dao cứ đưa lên, đưa xuống, ánh dao loang loáng dưới ánh đèn làm Bảy Phết phải lùi xa khỏi cửa. Có lẽ Bảy Phết cũng nhợn cơ trước thân hình lực lưỡng của chị Tám không thua gì mình và cả con dao bầu nữa.
Bảy Phết tuy ngà ngà, cũng ơn ớn, sợ chị Tám làm liều:
- Thằng “lại cái” này nổi điên cũng dám chém ẩu lắm nghe !
Bảy Phết nghĩ thầm trong bụng rồi giả đò say hung, xiêu qua, xiêu lại vài cái, lảm nhảm chửi thêm một hồi nữa rồi chệnh choạng bỏ đi. Đám đông tiu nghỉu, không coi được màn chót hấp dẫn. Ai nấy đều tiếc hùi hụi, tản hàng.
... Thời gian trôi qua, mọi việc rồi cũng êm. Ghe mành lại trúng biển. Cá lại đầy khoang. Mành Thường, mành Si, mành Bông, mành Diệu... nói chung tất cả ghe mành khác trong xóm đều “khẳm”. Dân làng tôi lại sung túc, dồi dào. Hàng quán mọc ra rất nhiều. Sòng cờ bạc nổi lên cũng lắm. Thiên hạ đua nhau sắm sửa đồ đạc trong nhà, đi coi hát bóng, coi cải lương, ăn quà vặt suốt ngày. Kinh tế trong làng theo nhau mà khá lên. Xe phở chị Tám lại đắt khách hơn bao giờ hết. Có hôm mươì hai giờ khuya mà xe phở chị vẫn còn đông khách. Chị Tám vui vẻ trò chuyện rôm rả với mọi người. Miệng nói, tay làm. Trụng bánh phở, xắt thịt, múc nước lèo, thêm chút nước béo, rắc chút tiêu, vắt thêm miếng chanh... Ai xin thêm cái gì chị cũng xởi lởi, vui vẻ theo yêu cầu.
Quả thật, khi trong túi đầy tiền, người ta bỗng thành Tiên, thành Phật. Bây giờ mọi người trong xóm bỗng rộng rãi, dễ dải, khoan dung. Không còn ai nhắc đến chuyện tai ương, xúi quẩy nữa. Mọi người đều vui vẻ. Chị Tám cũng cảm thấy lòng mình càng thơ thới, hân hoan. Dạo này chị nghỉ bán ngày mùng một và ngày rằm để đi chùa cúng Phật. Buổi sáng chị sắm sửa nhang đèn lên chùa. Sâm sẩm tối, chị chưng diện đi dạo phố. Chị mới “ráp” một chiếc xe đạp hiệu “Ta Bo” cáo cạnh, chỉ đi trong hai ngày nghỉ. Chiếc xe chị o bế kỹ lưỡng nên lúc nào nước sơn cũng bóng lộn. Chị đánh một bộ đồ bà ba bằng vải “xoa” màu nâu non. Chân đi dép “Lào” chớ không mang guốc gỗ như trước. Má đánh phấn hồng. Môi bôi tí son. Cục tóc củ hành được giắc thêm một cái bông cúc vàng làm bằng vải. Chị dắt chiếc xe ra khỏi nhà, thót lên yên nhanh nhẹn như một kỵ sĩ nhà nghề. Chiếc xe “Ta Bo” nhẹ nhàng chạy vun vút.
Mấy bà lại xầm xì:
- Con mẹ Tám rượng đực !
Mấy ông nhóc nhóc chêm vô:
- Tụi tui thấy bả đi xuống biển kiếm “bồ” !
Một buổi xế nọ, Bảy Phết cùng mấy ông bạn đá gà xong, kéo tới xin Ba tôi được ngồi trước thềm xi măng nhà tôi để nhậu. Ba tôi cũng vui lòng. Bảy Phết kêu vói qua xe phở:
- Em Tám ! Múc cho anh dĩa xíu quách nhậu chơi !
Tiếng chị Tám dạ một tiếng nghe ngọt xớt như trong tuồng cải lương.
Khi chị Tám bưng dĩa xương bò đầy tú hụ qua thì đám Bảy Phết đã “lỳ tới ba lam” rồi. Rượu trắng “công xi” bốn mươi lăm độ bắt rất mau. Mỗi người thò tay bốc một cục xương bò gặm từ ngoài vô trong, sạch sẽ không còn một chút thịt dư. Xong, họ chu mỏ hút tuỷ trong ống xương nghe chụt chụt.
Diã xíu quách vơi đi một nửa thì lít đế cũng vơi theo hai phần ba. Rượu vào lời ra càng rôm rả. Mặt nào cũng bắt đầu đỏ gay và tranh nhau, mạnh ai nấy nói, ồn ào như cái chợ xổm. Chẳng ai nghe ai. Thình lình Bảy Phết dơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Mắt liếc liếc qua chị Tám. Ngón tay chỏ để ngang bụng cứ chỉ chỉ về hướng xe phở. Mọi người đều ngưng nói nhìn Bảy Phết đang có vẻ bí bí, mật mật chuyện gì.
Mấy cái đầu chụm về phía Bảy Phết thì thầm:
- Chuyện gì anh Bảy ? Nói ra bọn này nghe thử !
Bảy Phết cũng nhỏ giọng: - Để tao kêu dĩa xíu quách nữa đã, rồi kể cho tụi mày nghe chuyện động trời của thằng cha “lại cái”. Tụi mày sẽ cười bể bụng luôn !
- Thiệt hả anh Bảy !
- Hồi nào “dị” !
- Chà ! Anh Bảy “dị” mà cũng rành “bà Tám” sáu câu chớ !
Cả đám nhậu lao xao, háo hức nghe chuyện có phần hấp dẫn. Vài người nôn nóng đưa tay vói chai rượu giữa sòng nhậu rót thêm cho mình ly nữa, đánh ực một cái, cái ly hết sạch, đưa tay chùi mép, chồm sát tới Bảy Phết hối thúc:
- Lẹ lẹ đi anh Bảy ! Anh làm bọn này nóng ruột quá !
Bảy Phết hắng giọng gọi to:
- Em Tám ! Cho anh dĩa nữa với lại ít hành củ, thêm mấy trái ớt xiêm nữa nghe! Xíu quách của em bữa nay ngon tận mạng đó em Tám à !
Chị Tám lại dạ một tiếng ngọt hơn mía lùi. Chữ dạ kéo dài, phần sau âm hưởng càng đi lên nghe mùi như hát bội. Đám nhậu cười phá lên như giặc. Chị Tám bưng sang một tô xương và một dĩa hành ớt. Miệng cười chúm chím, mắt liếc Bảy Phết ra vẻ tình tứ lắm.
Chờ cho chị Tám về lại xe phở, Bảy Phết bắt đầu:
- Nè ! Dô một ly nữa rồi nghe chuyện mới đã!
Ly nào cũng tràn đầy. Năm sáu cánh tay cùng giơ lên cụng ly cốp cốp, rồi cùng nhau ngửa cổ đánh “trót” một cái, cạn tuốt. Người thì khè, người thì khà một tiếng thiệt là đã.
Bảy Phết bắt đầu, giọng nho nhỏ vừa đủ nghe:
- Rằm tháng trước, cách đó một ngày, tao ngồi ăn phở một mình, vắng không có ai, thằng “lại cái” gạ gẫm tao đi chơi với nó. Nó nói:
- Anh Bảy à ! Tối mai anh đi nhậu bia với em được không ?
Nghe nói uống bia là tao biết trúng mánh rồi, nhưng làm bộ nói không có tiền. Nó nói:
- Em bao mà ! Lâu lâu em bao anh một lần không được sao !
Tao khoái chí tử trong bụng. Tao hỏi đi làm sao ? Nó nói:
- Đúng bảy giờ, em đạp xe đi trước, đợi anh ở Lầu Ông Tư, anh đạp xe đi sau để khỏi ai thấy hai đứa mình đi chung. Rồi mình lên chỗ khách sạn Đông Nam Á nhậu phá lấu với bia. Xong mình ăn mì hoành thánh. Nghe tới đó là tao chảy nước miếng rồi nên gặt (gật) đầu ừ đại.
Bữa đó tao nhậu thả dàn. Bia con cọp tao làm năm chai. Đi đái mấy lần. Nè ! Phá lấu ở Đông Nam Á ngon hết xảy nghe tụi mày. Mì hoành thánh, tao làm hai tô. No nê xong, thằng chả rủ tao xuống biển ngồi hóng mát, nói chuyện tâm sự chơi.
Tới đây, Bảy Phết ngừng lại, bốc một cục xíu quách, nhe răng gặm. Hết bên này, trở qua bên kia, mút nghe tóp tép. Chùi hai tay vào ống quần, từ từ rót thêm một ly nữa. Nhón một củ hành bỏ vô miệng, thêm trái ớt xiêm, Bảy Phết nhai rào rạo trong miệng. Hớp nửa ly, rồi đặt xuống, mắt ngó qua chị Tám.
Chị Tám nãy giờ đứng bán mà cái tai hình như cố vểnh về phía đám nhậu, để ráng nghe họ nói cái gì, mà cứ thấy hết người này, đến người kia, nhìn mình rồi cả đám cười rộ lên.
Bảy tám cặp mắt thò lõ nhìn Bảy Phết chờ đợi, sốt ruột. Bảy Phết cứ lờ đi. Lại bốc thêm cục xương nữa. Ba Thuẩn thò tay ra chận lại:
- Nè anh Bảy ! Tụi tui nhường hết tô xương này cho anh đó. Nhưng anh khoan ăn đã ! Đến cái hồi gay cấn mà anh ngưng lại, hết ăn rồi uống. Hết uống rồi ăn. Sao anh chơi ác vậy ? Đù quả con cóc ! – Ba Thuẫn vưà năn nỉ vừa văng tục. Đám nhậu lại lao nhao đồng tình. Bảy Phết cười khục khục trong cổ họng:
- Nãy giờ tao lo kể, không ăn được miếng nào, uống ly nào ! Tụi bay vừa nghe chuyện, vừa ăn, vừa uống, sướng thấy mẹ, còn đòi gì nữa !
- Thôi thôi ! Tụi tui dành phần cho anh đó! Được chưa ! Kể tiếp đi !
- Ừ ! Kể thì kể ! Để tao làm hết ly này đã ! Bảy Phết tủm tỉm cười kể tiếp:
- Nó rủ tao xuống ngồi ở bãi cát gần Ty Bưu điện, sát mực nước. Trăng lên cao khỏi hòn Yến, sáng lắm. Nó nói Nam Tào, Bắc Đẩu lung tung. Tao ngà ngà. Gió mát hiu hiu muốn ngủ. Thình lình nó quay qua ôm tao chặt cứng. Nó nói nó thương tao từ lâu rồi. Nó trách tao vô tình không để ý tới nó. Tao ngồi chết cứng, cố gỡ mà không ra khỏi hai cánh tay nó. Nó hun chùn chụt lên mặt tao. Nó biểu tao thương nó. Nó lo hết cho. Tao cứ việc ăn đi chơi líp ba ga. Có tiếng bụm miệng cười hộc hộc trong cổ. Có tiếng khoèo hông:
- Chắc anh Bảy chịu cái rụp chớ gì ! Sướng quá tay mà !
Bảy Phết trợn mắt nhìn về anh chàng vừa nói:
- Sướng cái con khỉ khô ! Mày muốn không ? Tao “bát sê” cho mày !
- Thôi, thôi ! Hổng được đâu ! Nói giỡn với anh chơi chút mà ! Kể tiếp đi anh Bảy ! Rồi sao nữa !
Bảy Phết đánh trót một ly nữa, chùi mép, kể tiếp:
- Tao trân mình chịu trận. Nó tưởng tao chịu nó như nai chịu đèn nên càng làm tới. Nó đè ngửa tao ra. Nó thò tay trong lưng quần tao lẹ như mấy thằng móc túi, nắm cứng thằng nhỏ của tao.
Tiếng cười phá lên rần rần. Có người vừa ngụm hớp rượu trong miệng, cười hộc lên, phun ra như mưa vải xuống đầu những người ngồi đối diện.
Tiếng xuỵt xuỵt bắt im lặng của đám đông, tiếng hối thúc cho mau đến hồi gay cấn:
- Sao nữa anh Bảy ! Tôi chịu anh ở chỗ này đa !
Bảy Phết cười sặc sặc lẫn chửi thề:
- Đù má ! Thằng nhỏ của tao tụi mầy biết rồi chớ gì ! Vậy mà lúc nó nắm, tao vừa nhột nhạt vừa nổi da gà, nó teo lại bằng ngón cẳng cái chớ mấy. Tao giựt tay nó ra khỏi quần rồi đứng dậy đạp nó một đạp té ngửa. Trong khi nó hả họng, trợn to mắt nhìn tao, tao dắt xe chạy lên đường nhựa, dông tuốt về nhà. Tao còn nghe nó kêu vói sau lưng “Anh Bảy ! Em thương anh thiệt mà”.
Bảy Phết chấm dứt câu chuyện bằng một câu gọn lõn:
- Thương cái mụ nội tui, chớ thương cái đách gì !
Ba Thuẫn chưa thoả mãn:
- Anh Bảy lúc đó sao không mò lại coi thử nó là con chim hay là cái bẹp ?
- Tao nổi da gà đầy mình, lo dọt lẹ chớ ở đó mà mò !
Lúc này mọi người mới bật ra cười hả hê. Ba tôi ngồi uống trà bên trong cũng lắng tai theo dõi câu chuyện kỳ thú, ngẵng đời của Bảy Phết. Ông bước ra vừa cười, vừa ngầy Bảy Phết:
- Phết à ! Mầy cũng quá đáng ! Tội nó chớ ! Nó đãi mầy ăn uống thỏa thuê, nó có rờ đôi chút cũng chẳng mất mát gì, sao mày đạp nó một cái quá mạng vậy?
Bảy Phết gãi tai phân bua:
- Chú Hai à! Chú không biết đâu ! Nó nhột nhạt và ghê ghê thấy mẹ ! Hổng tin, bữa nào chú Hai để nó rờ thử một cái là biết liền hà !
Ba tôi cũng phì cười cái cách nói bổ bả của Bảy Phết. Ông giải tán đám nhậu:
- Tầm bầy, tầm bạ cái thằng này ! Thôi nhậu đến đây đủ rồi ! Bọn bây hốt hết mớ xương liệng xuống sông để ruồi khỏi đánh hơi bu lại.
Đám nhậu vừa dọn dẹp mâm nhậu vừa cười khoái trá. Tôi không thấy ai trả tiền hai tô xíu quách mà cũng không thấy chị Tám đòi.
... Năm sáu mươi hai, tôi rời làng đi học xa. Rồi đi làm việc. Năm bảy mươi, tôi được thuyên chuyển về Nha Trang, nhưng ở trên phố. Thỉnh thoảng chở vợ con về xóm, thăm Ba, Má tôi. Tôi gặp lại chị Tám và cũng đôi lần ngồi ăn phở của chị. Mặc dù bây giờ so với những nơi khác tôi đã từng ăn qua, phở của chị không sánh bằng, cả chất lượng lẫn vệ sinh. Nhưng tôi vẫn cảm thấy một tình cảm thân thương, gần gũi, đậm đà trong tô phở chỉ có vài miếng tái lèo tèo không gân, không sụn, không nạm, không gầu... Tôi ăn tô phở của chị ngon lành hơn bao giờ hết, dù vẫn biết nước lèo chị nấu “toàn là bột ngọt” như lời Má tôi nhận xét.
Có lẽ chị biết tôi bây giờ là thầy giáo (duy nhất trong làng) nên đặt biệt tỏ ra quí mến hơn. Chị kêu tôi bằng anh Hai chớ không kêu chú Hai như trước nữa. Vợ tôi nghe tôi kể chuyện về cuộc đời của chị, nên thỉnh thoảng cũng đùa chị vài câu:
- Chị Tám à! Chị bán rẻ đặc biệt cho ảnh coi chừng lỗ vốn chị đó nghe !
Chị Tám cươì ngoản ngoẻn:
- Dạ đâu có chị Hai! Lâu lâu anh chị về thăm hai Bác, ăn dùm em tô phở, em cám ơn. Thêm vài miếng thịt cho anh Hai, đâu có nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Tình cảm anh em trong xóm mới quí mà ! Phải không anh Hai ?
Vợ tôi được thể, đùa dai: - Đó, đó ! Chị Tám thương anh rồi đó !
Chị Tám lật đật xua tay:
- Hổng có đâu ! Anh Hai là người có học mà ! Anh Hai là người đứng đắn ! Chị Hai đừng có nghi oan cho ảnh mà chén bay, dĩa bay, em hổng có chịu trách nhiệm đâu à nhe !
Chúng tôi muốn cười phá lên trước câu nói của chị mà ráng nín không dám cười.
... Thời gian sau, tôi thấy chị có nuôi một bé gái mấy tháng tuổi. Má tôi cho biết con Tám mới xin đứa con lai của ai ở trên phố. Không biết con “nhím” nào lấy Mỹ, đẻ con, rồi bỏ lại nhà thương. Chị thương con bé lắm. Cái cách thương con, càng muốn làm mẹ của chị cũng là một trò vui cho cả xóm cười nhạo chị. Chị cho nó bú bằng bình nhưạ có núm cao su. Nhưng chị cũng giả bộ vạch áo ra, ấn đầu con bé vào ngực, cũng giả bộ ù ơ:
- Ờ, ờ ! Con ngoan ! Má cho con bú nghen! Ngoan ngoan ! Bú đi con !
Rồi chị rung rung con bé trên tay, ru nó ngủ bằng cái giọng ồm ồm:
Âuử ơ... Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Âuử ơ... Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra,
Âuử ơ... Bậu ra cho khỏi tay ta, cái xương bậu nát... âù ơ... Cái xương bậu nát,
cái da... ầu ơ... cái da bậu mòn...
Bảy Phết đi ngang chửi đổng:
- Tổ bà thằng lại cái ! Vú móm đâu cũng bày đặt vạch áo, bú đi con, bú đi con! Con ! Con cái con c... tao đây nè !
Chị Tám xua xua tay ra hiệu cho Bảy Phết đừng nói lớn tiếng làm con bé thức dậy:
- Anh Bảy làm ơn ! Em nó đang ngủ !
Rồi chị lại rung rung con bé hát tiếp. Mắt thì ngó Bảy Phết ra vẻ hờn trách:
Ầu ờ... ơ Gió đưa bụi chuối sau hè,
Ầu ờ... ơ Anh mê vợ bé... Ầu ờ... ơ... Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ !
Bảy Phết chắp tay sau đít đi tuốt.
Mấy năm sau con bé lớn dần, chị làm giấy khai sanh cho nó và đặt tên là Nga. Hàng xóm thắc mắc:
- Nó là Mỹ lai, sao mày không đặt tên là Mỹ, mà lại đặt tên Nga vậy Tám ?
- Bây giờ người ta đi làm sở Mỹ nhiều. Đi làm đĩ cũng nhiều. Đẻ tưới hột sen ra, bỏ đó, thất nhơn thất đức. Tui đặt tên nó là Mỹ, người ta cho tui là lấy Mỹ sao ? Cho nên tui đặt nó là Nga khỏi sợ hiểu lầm !
Chị lý giải gọn ơ. Chị cũng không thèm để ý đến mấy bà đang quay mặt chỗ khác cười chúm chím. Con bé là nòi Mỹ trắng, nên nó có mái tóc vàng mềm mại. Đôi mắt xa lơ. Làn da trắng trẻo. Nhưng nó không giống như trẻ con Mỹ trong xi nê, mập mạp, tròn trĩnh, hồng hào, mà ốm tong ốm teo. Hai cánh tay, hai ống chưn như cây sậy. Đặc biệt là cái miệng nhọn hểu. Hai cái môi cứ chu lại khi nói chuyện, giống như cái mỏ diều hâu. Trẻ con trong xóm không kêu nó là Nga mà cứ gọi xách mé là con Diều Hâu. Từ đó chết cái tên Diều Hâu.
Con Diều Hâu càng lớn càng làm biếng và hỗn xược. Suốt ngày nó rong theo đám con gái trang lứa ra bờ biển, chun xuống mấy cái chồ (sàn nhà) để chơi “chắt nẻ” hoặc đánh bài tứ sắc. Chị Tám không nhờ cậy gì được nó. Đến bữa, nó mới mò về ăn ba hột no bụng rồi dông thẳng. Chị Tám bận bịu với xe phở không đi đâu được và cũng chẳng có thì giờ dạy dỗ nó. Nhiều lúc cần cấp điều gì, chị ra giữa đường réo:
- Bớ ba hồn, chín vía con Diều Hâu ! Mày ở đâu, về đây tao biểu chút !
Chị phải réo hơn chục lần mới thấy mặt nó ló ra khỏi đường luồng nhàụ thím Đạm thợ may. Chưa thấy nó mà đã nghe tiếng nó tru tréo, chửi lại chị Tám:
- Bà “lại cái” ! Bà kêu réo tui cái gì ?
Chị Tám tức điên người, quát rống lên:
- Con Hà Bá ! Mày dám nói tao vậy hả ! Mày về đây ! Tao vặn họng mày, tao xé xác mày, cho mày chừa cái thói hỗn xược !
- Bà vặn họng bà đi ! Bà “lại cái” ! Bà qủi sứ Lô Bô, Chàng Năm, Ngũ Vị !
Nó trả treo, chửi lại chị bằng những tên thần linh dưới nước mà dân biển thường dùng để rủa nộp lẫn nhau khi có hiềm khích. Chị Tám vớ lấy cây chổi chà xông tới, chưa kịp giơ lên, nó đã như con chạch, luồn vào đường luồng biến mất. Tối mịt mới về nhà. Lúc này chị Tám cũng đã nguôi giận. Lại má, má, con con ngọt ngào tình mẫu tử.
Năm bảy lăm, cách mạng về, giải phóng hầu hết dân làng tôi. Ai ở đâu thì phải về quê nấy. Lần này dỡ nhà ra đi vĩnh viễn, chớ không còn chờ mùa Xuân, biển bồi, cất nhà trở lại. Ai không muốn về quê mình thì Phường cho xe chở đi lập nghiệp ở Nhiễu Giang, xây dựng đời sống mới, văn minh. Gọi văn hoa là đi “kinh tế mới”.
Chị Tám, không quê quán để về, nên ưu tiên “trúng tuyển” trong danh sách đợt đầu. Chị khóc bù lu, bù loa khi hay tin mình được trúng tuyển. Chị ôm con Diều Hâu khóc ngất lên từng hồi. Chị không chịu dỡ nhà theo lệnh du kích. (Mấy thằng nhóc con du thủ, du thực, xé vải đỏ quấn ở tay, lượm súng M16 ngoài đường, mang trên vai, đi nghênh ngang xưng là du kích phường) Chị khóa cửa lại, giao chìa khóa cho chị Tư Ngỗ, nhà bên cạnh, nhờ coi chừng dùm. Chị dắt con Diều Hâu lên xe “boa lua” cùng đám người trong xóm. Ai nấy đều nước mắt, nước mũi ròng ròng.
... Sáu tháng sau, chị cùng một số người, bỏ vùng kinh tế mới trốn về lại. Chị tuyên bố thà chết tại đây chớ không đi lên đó nữa. Chị kể lại bằng giọng uất ức:
- Đ. M. nó chớ. Nó gạt mình đi kinh tế mới. Nó nói Đảng, Nhà nước lo hết trơn, hết trọi rồi. Có nhà cửa, trường học, trạm xá, chợ búa. Lên đó chỉ cùng nhau lo sản xuất thôi. Gạo Nhà nước sẽ phát không cho sáu tháng. Đến nơi, nó thả mình xuống một đám rừng mịt mùng rồi phát cho mỗi người một cây rựa, biểu đi chặt cây làm nhà. Mọi thứ nó hứa không thấy đâu hết. Nào muỗi, nào vắt. Còn sợ beo hùm, rắn rít nữa chớ. Mấy bà coi nè ! Mới mấy tháng mà ghẻ đầy mình. Không có thuốc xức. Hái bậy mấy cái lá đắp lên cho đỡ ngứa.
Chị vừa nói vừa xăn ống quần, tay áo lên cho mọi người coi ghẻ. Con Diều Hâu bây giờ ốm nhom như con cò ma. Nó đứng lủi thủi trước cửa nhà, mặt mày ngơ ngác.
... Năm tám mốt tôi cải tạo về, không nhà cửa, nên phải về lại Xóm Cồn, tá túc nhà cha mẹ một thời gian. Tôi gặp lại chị Tám. Chị tiếp tục bán phở như xưa. Hỏi thăm chị. Chị bảo:
- Ông vua cũng thua thằng liều. Anh Hai biết không ? Tui liều mạng với tụi Ủy ban Phường. Tui nói muốn chém, muốn giết gì cứ việc. Nhất định tui không lên trển nữa. Tụi nó hăm dọa cho tui đi cải tạo. Tui chịu liền với điều kiện giao con Diều Hâu cho Phường nuôi. Tụi nó túng thế phải chịu cho tui ở lại chớ.
Rồi chị hạ giọng:
- Anh Hai mới ở tù về nên không biết ! Bây giờ cái tụi làm ẩu hồi VC mới vô bị đuổi hết rồi. Hai cái thằng du kích bắt anh đó, con thằng Chấn cụt giò, cái nhà xéo xéo trước mặt đó chớ ai ! Anh bị bắt mấy tháng thì hai thằng con lão Chấn bị công an bắt về tội hiếp dâm con gái người ta ngoài bờ biển rồi giết chết phi tang. Tòa án xử bắn thằng anh, thằng em ở tù chung thân. Qủa báo nhãn tiền mà ! Đáng đời, đáng kiếp quân chó má!
Chị Tám càng kể, càng hăng. Tôi thì mới thoát từ địa ngục ra nên hãy còn run sơ trước lũ đầu trâu, mặt ngựa chực chờ nên chỉ lắng tai nghe, không có ý kiến. Chị Tám mắng nhiếc một hồi rồi sực nhớ ra điều gì lại kể tiếp:
- Anh Hai còn nhớ cái đống nhà họ Ngô phía trước nhà anh không ? Cái đống Ngô L..., Ngô C..., Ngô Thuẫn, Ngô Bánh, Ngô Bột đó. Đống đó có thằng chú là Ngô Bền đi tập kết mấy chục năm ở ngoãi, tưởng đâu chết tan thây rồi, ai ngờ lão lù lù xuất hiện dẫn theo con vợ Bắc kỳ môi vẩu, răng hô về.
Chị Tám thấy tôi chăm chú nghe nên càng cao hứng, chị múc thêm nước xúp nóng cho tôi rồi nhắc:
- Anh Hai cứ ăn cho nóng ! Để tui kể chuyện cái lão khốn nạn Ngô Bền cho anh nghe. Hồi lão mới về, đầu đội nón cối, chưn đi dép râu. Đi đâu cũng kè kè cái “bị dết” bằng vải ka ki Nam Định, chớ không phải xắc cốt bằng nhựa đen Trung Quốc đâu. Lúc nào lão cũng nói: “Ơn Bác, ơn Đảng” ở cửa miệng giống như mấy bà xóm mình đi chùa nói mô Phật, mô Phật vậy. Xóm mình ai ai cũng ngán lão. Thấy lão láng cháng lại gần là người ta lánh xa.
Lão vô nhà ai cũng tự tiện đi tuốt ra đằng sau, giở lu gạo ra coi rồi phê bình nhà này tư bản, nhà kia tiểu tư sản, phải cho đi cải tạo hết mới được. Nhà bác Hai ở bển cũng bị lão ra sau giở lu gạo ra coi. Lão còn nói nhà Bác Hai bữa nào cũng ăn cả ký lô thịt bò với lại bốn năm cái giò heo.
Chị lại chép miệng chửi:
- Cái đồ khốn nạn ! Ngu như con chó! Nó biết Bác Hai bán bún bò giò heo hằng ngày chớ đâu phải mua về ăn mà nó phê bình là tiểu tư sản bóc lột.
Rồi chị toét miệng ra cười kể tiếp, lúc nào bắt đầu chị cũng lặp lại câu: Anh Hai biết không ? - Anh Hai biết không ? Lúc đầu lão mới về, đống nhà họ Ngô, anh em thằng Thuẫn, thằng Bánh, thằng Bột xun xoe, hí hửng cái mặt hất lên trời, ra vẻ ta đây có người nhà làm cách mạng. Xí ! Cách mạng gì cái thứ đó ! Cách cái mạng thằng cha nó thì có!
- Mới ngày đầu, anh em đống nhà Ngô đón tiếp ông chú rình rang, om xòm cho cả xóm biết, để ra oai với người trong làng. Chu cha! Tụi nó đãi đằng ông chú, bà thím dâu Bắc kỳ răng hô với đám con nít mất dạy nào gà, nào vịt, ăn uống phủ phê. Lão Bền còn được uống bia Con Cọp nữa chớ ! Anh em thằng Thuẫn, Bánh, Bột hớn hở cái mặt thấy mà ghét. Tụi nó cứ bu theo lão Bền hỏi hết chuyện này đến chuyện nọ, như đi theo Bác Hồ ra sao, đến chuyện vượt Trường Sơn đánh Mỹ cứu nước ra sao theo cái kiểu mới học lóm được trong mấy bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà mấy cái loa ở Phường ngày nào cũng ra rã điếc con ráy.
Đến đây, chị bỗng ngưng lại, cười hộc lên một tiếng thật to, có vẻ khoái chí điều gì sắp xảy ra bất ngờ. Chị lại:
- Anh Hai biết sao không ? Trong lúc anh em thằng Thuẩn cứ hỏi lung tung thì lão Bền cứ ngồi xỉa răng làm lơ, không trả vốn, trả lời gì cả. Cuối cùng khi ra bàn uống trà, lão kêu hết cả nhà ba anh em thằng Thuẩn, Bánh, Bột đứng sắp hàng trước mặt lão. Ai cũng tưởng lão sắp đem cho quà cáp gì quí giá từ ngoài Bắc vô.
Ai dè lão phê bình: - Nhân dân ta mới đánh Mỹ xong, đang còn nhiều khó khăn. Chúng mày ăn gà, ăn vịt như thế là không tốt. Đầu óc hãy còn tư bản, tiểu tư sản. Từ rày phải kham khổ với nhân dân. Như thế mới học tập theo gương Bác, sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính. Ối ! Lão nói có pho, có phách, giăng, có dấm, có văn, có vần đến nỗi nước miếng đóng cục hai bên mép. Vợ chồng con cái nhà anh em thằng Thuẫn đứng há miệng, mở mắt to ra, sững sờ trước sự ngược ngạo lạ đời của lão chú mắc dịch. Tui nghĩ chắc là tụi nó tức ói máu chớ không phải chơi.
Chị lại cười to thành tiếng:
- Tui nghe cái giọng nói của thằng chả cũng thấy ghét. Cái thứ đồ ngu dốt mà hay bắt chước. Cái gì thằng chả cũng nói đệm đàng sau chữ “tốt” hay “không tốt”. Lão giả giọng Bắc kỳ “tốt” thành “toát”. “Thế là toát đấy” “Thế là không toát”. Thiệt nghe mà ứa gan. Nhìn cái bản mặt bì bì của lão mà muốn loi một loi cho sặc máu.
Thấy tôi vừa ăn xong, chị đưa tay đỡ lấy cái tô và trao cho tôi ly nước trà nóng rồi nói tiếp. Lần này có lẽ là đoạn hấp dẫn hay sao mà chị có vẻ khoái trá ra mặt:
- Anh Hai biết kết cục ra làm sao không ?
- Làm sao tôi biết được chị Tám !
- Ờ há ! Tui quên mất là anh đi ở tù biệt tăm chớ !
- Chị cứ kể hết đi ! Tôi nghe hay lắm. Bây giờ lão còn ở đây không ?
- Còn ở đây ! Nhưng không phải ở trong nhà thằng Thuẫn nữa. Tụi nó đưổi lão đi rồi !
- Ủa, sao vậy chị Tám ?
- Chuyện thắc cười lắm ! Anh Hai uống trà đi ! Từ từ tui kể cho nghe.
Chị kể tiếp:
- Sau lần bị phê bình như tát nước vô mặt, bọn thằng Thuẫn, Bánh, Bột nghĩ cách trả thù cho hả tức. Mấy ngày liền sau đó, khi ăn cơm, chúng dọn cho vợ chồng con cái lão chú một mâm riêng ở trong nhà. Tụi nó ăn mâm riêng trước thềm. Mâm tụi nó thì cơm trắng, cá thịt đầy đủ. Còn mâm lão Bền thì chỉ có rau muống luộc, dĩa cà pháo muối mặn, ăn với cơm độn khoai lang khô. Chỉ hai lần ăn, là mụ vợ răng hô của lão chửi toáng lên. Cái giọng Bắc kỳ của mụ to như cái loa Phường, cả xóm đều nghe hết. Mụ lôi thằng chồng ra mà chửi:
- Tiên sư nhà anh ! Anh là cái chó gì ! Anh chỉ là thằng “anh luôi” “về hiêu”. Anh là cán bộ gì mà bày đặt đi phê bình người ta. Cháu “ló” quí anh, quí gia đình ta, chúng nó tốt như thế, chúng nó đãi ta như thế mà không biết cám ơn “nại” còn đi phê với bình. Tư bản với tiểu tư sản. Anh dốt bỏ mẹ đi ! Biết chó gì đường “nối” với “nị” Bác Hồ mà “lói”.
Nói đến đây, chị không giả giọng Bắc nữa, mà trở lại giọng ồ ề:
- Té ra lão chỉ là thằng đi chợ nấu ăn cho một đơn vị nào đó. Họ gọi là “anh nuôi”. Hồi xưa lão hoang đàng chi địa, bị gia đình đánh đuổi, lão mò vô Hố Dâu sau Tháp Bà đi theo Việt Minh rồi tập kết ra Bắc hồi năm tư. Lão dốt không biết chữ A chữ B nên người ta cho lão đi chợ nấu ăn. Ở đó một thời gian lão lấy mụ vợ răng hô này, mụ cũng là “chị nuôi”. Mụ xấu quá, đã đen lại còn môi vẩu, răng hô nữa, nên không ai thèm. Gần bốn mươi, cực chẳng đã, mụ mới “đăng ký, quản lý” đời lão Bền. Lão Bền sợ mụ một phép. Mụ chửi lão suốt ngày hôm đó. Mấy đứa con càng dòm ra mâm cơm của bọn thằng Thuẫn, thèm thuồng bao nhiêu, mụ càng lồng lộn chửi lão bấy nhiêu. Lão im thin thít. Chưa hết ! Một tuần sau, tụi thằng Thuẫn tuyên bố, chú thím tự đi chợ nấu ăn, tụi nó không đãi nữa. Mụ vợ phải móc hầu bao ra, mụ càng chửi hung.
Lão Bền ức lắm mà không biết phải trả thù bằng cách nào. Một hôm mụ vợ tru tréo:
- Bố tiên sư anh là cái đồ láo khoét ! Anh khoe với tôi rằng là nhà của anh trong Nam xây bằng gạch Tây, to lắm. Về tha hồ mà ở. Hóa ra nhà là nhà của người ta. Anh chỉ là cái thứ lông bông, ma cà bông, ma cà chớp, chẳng cái sự tích gì. Lấy anh chỉ là vớ thứ của nợ bao nhiêu năm giời !
Nghe vợ chửi đến đây, lão sực nhớ ra là, nhà này lão cũng có phần, do cha mẹ để lại. Thế là lão kêu mấy thằng cháu ra, lão đòi chia phần. Ai dè lão đụng phải kiến lửa. Lão bảo:
- Nhà này ngày xưa là của cha mẹ tao, tức là của ông bà nội tụi mày, để lại. Cho nên tao là chú của tụi mày, tao phải có phần. Tụi mày phải chia cho tao một gian để ở.
Nghe đến đây ba thằng cháu nhảy dựng lên:
- Ông nói cái gì ? Tụi tui nghe không rõ !
- Tao nói là nhà này tao cũng có phần ! – Lão gằn giọng - Tao được quyền ở đây ! Bác Hồ nói “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Bây giờ độc lập, thống nhất đất nước rồi. Tao có quyền tự do về nhà tao ở ! Tụi mày nghe rõ chưa ?
Thằng Bánh em kề thằng Thuẫn, được đi học tới lớp Nhứt, có văn hóa hơn thằng Thuẫn và thằng Bột, nên ăn nói nghe trơn tru:
- Á à ! Ông nói là nhà này là của cha mẹ ông để lại hả ? Ông còn nhớ cái nhà đó không ? Nó chỉ là một cái chồ bằng tranh, bị sóng cuốn đi từ tám đời vương rồi. Bây giờ ông muốn đòi thì ra biển kêu Hà Bá mà đòi. Còn cái nhà này ba anh em tui làm lụng cực khổ mấy chục năm trời, dành dụm mới cất được mấy năm nay. Ông đi mất thây mấy chục năm không giúp được gì cho ông bà nội. Bây giờ về đây mới có mấy ngày, tụi tui đãi vợ chồng, con cái ông ăn uống mập thây. Đã không biết điều thì chớ, còn bắt chước cái đồ cán bộ ngày tối đi phê bình. Bây giờ còn đòi chia nhà, chia cửa ! Ông nói mà không biết mắc cỡ cái lỗ miệng.
Thằng Bánh nói một hơi, đỏ mặt tía tai. Thằng Thuẫn, thằng Bột đứng sau lưng, vỗ tay đôm đốp, chêm vô: - Phải, phải ! Lão Bền ngồi cứng họng. Hồi lầu lão xuống nước giả lả:
- Ừ ! Thì chú nói vậy mà ! Các cháu thông cảm cho chú. Chú đi làm cách mạng bao nhiêu năm cũng vì nước, vì dân. Nay cách mạng thành công, thắng lợi vẽ vang, chú mới được về quê cha đất tổ để thờ phụng ông bà. Các cháu cũng thương mà chia cho chú một gian để chú có nơi thắp hương cho ông bà nội các cháu chớ.
Lần này thằng Thuẫn lên tiếng:
- Mới ngày đầu ông đem vợ con về đây, ông đã trách tụi tui sao không mua hình Bác Hồ để lên bàn thờ mà thờ. Nay ông nói thờ là thờ ai ? Bàn thờ ông bà nội tụi tui có đó, ông không thấy sao ? Ông còn đòi gì nữa ? Nói thiệt ông biết ! Ba anh em tụi tui bữa nay nhứt định không cho ông ở trong nhà này nữa. Ông có công đi làm cách mạng cho nước, cho dân gì gì đó thì lên Nhà Nước mà đòi nhà, chớ ở đây một miếng tranh tụi tui cũng không mắc nợ ông đâu.
Thằng Bột chạy vô buồng lôi hết mấy cái giỏ lác với hai cái ba lô không biết chứa thứ gì bên trong căng phồng ra ném phịch trước cửa nhà. Cả ba thằng đều nói một rập:
- Mời ông bà chú thím ra khỏi nhà tụi tui ngay bây giờ ! Nếu không tụi tui quăng hết xuống sông thì đừng có trách !
Mụ vợ ôm đầu kêu lên:
- Giời ơi là giời ! Thế có khốn nạn thân tôi với các con tôi không cơ chứ ! Bây giờ thì mẹ con tôi biết đi đâu bây giờ hỡi lão Bền ! Cái đồ chết giẫm !
Lão Bền ngồi chết cứng, không há miệng ra được.
Chị Tám kết thúc câu chuyện có hậu y như tuồng hát bội trên rạp Thạnh Xương:
- Hôm sau lão Bền đội nón cối, mang dép râu lên Phường khóc lóc, xin Phường giúp đỡ. Anh Hai còn nhớ năm bảy sáu, bảy bảy, bảy tám, xóm mình vượt biên gần hết, bỏ lại nhà cửa thiếu gì. Phường cho gia đình lão một căn nhà tôn gần lầu Ông Tư. Bây giờ cha con lão hết hoạnh hoẹ rồi. Ngày tối ngồi nhà xỏ mành trúc. Còn mụ vợ thì lăn ra chợ ngồi ở gốc cây bàng, gần hàng cá, bán rau, dưa, hành ớt trên cái mẹt. Có ai nhắc lại hồi xưa vợ chồng lão hồi mới về, thấy bà con trong xóm bán đồ ăn lặt vặt thì trề môi, nhún mỏ chê là cái thứ trây lười lao động, chỉ biết bán buôn phe phẩy, sao bây giờ mũ cũng lăn ra chợ kiếm ăn, thì lão cúi gằm mặt mà đi.
Nghe xong câu chuyện, lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Quả thật chuyện đời như một trò hề trên sân khấu. Màn trước, màn sau đã thay đổi một kiếp người. Chợt nhớ đến con bé Diều Hâu mà ngồi suốt buổi nghe chuyện tôi vẫn không thấy bóng dáng nó. Tôi hỏi chị:
- Sao tôi không thấy con Nga, con của chị ?
Đang vui vẻ, chị bỗng sa sầm nét mặt:
- Thôi anh Hai ơi ! Đừng hỏi chi tới con ngựa “thú đú”, con voi “hà nàm” đó làm gì ! Bà con trong xóm ai cũng cho tôi là vô phước, vô phần. Tưởng đâu nuôi đứa con để sớm hôm mẹ con hủ hỉ có nhau. Tưởng đâu nó cũng đỡ đần tay chưn đôi chút. Ai dè càng ngày nó càng quá tệ. Anh Hai thấy đó. Bảnh mắt ra là nó đi mất đất. Đồ cái thứ ngựa rượt, trâu bằm.
Chị thở dài, đưa tay lên chùi nước mắt sắp sửa rơm rớm. Tôi thấy không tiện hỏi thêm sợ chị càng đau lòng rồi xổ ra hàng tràng rủa sả bằng những từ đặc biệt chỉ có Xóm Cồn và các làng chài lưới mới có.
... Những năm sau đó, tôi lo vật lộn ứ hơi với miếng ăn, ít có thì giờ về Xóm Cồn để thăm cha mẹ, nên cũng không có dịp ngồi ăn phở, nghe chị Tám kể chuyện nữa. Cũng đáng tiếc. Vì xe phở của chị là “trung tâm tin tức” của mọi chuyện ngoài đường. Hình như giữa năm tám chín thì phải, một hôm tôi về thăm nhà. Vừa thấy mặt tôi, chị Tám ngoắc tay lia lịa. Tôi xuống xe đạp, đến gần hỏi chị chuyện gì. Chị dáo dác ngó xung quanh rồi nói nhỏ:
- Anh Hai vô thăm hai bác xong, lát ra đây em đãi anh tô phở rồi anh giúp cho em việc này nhe !
Thình lình bữa nay chị đổi cách xưng hô. Chị lại xưng em với tôi. Tính ra chị lớn hơn tôi cả chục tuổi. Chị đang có toan tính gì đây. Tôi vụt nhớ tới chuyện Bảy Phết. Nhất định tôi sẽ không màng mấy chai bia với dĩa phá lấu Đông Nam Á của chị đâu. Tôi nhủ thầm.
Nói chuyện thăm hỏi một lúc với Ba, Má tôi xong, tôi ra hàng phở chị ngồi. Chị làm cho tôi một tô tú hụ. Một lúc vắng khách, chị chồm qua xe cho gần chỗ tôi ngồi đối diện, thì thầm:
- Anh Hai giúp em làm đơn đi Mỹ được không ? Mấy tháng nay em chờ anh hoài à !
- Chị mà đòi đi Mỹ ? Chị giác ngộ cách mạng hồi nào mà bắt chước Bác Hồ đi tìm độc lập tự do ? - Tôi tưởng chị giỡn nên cà rỡn hỏi lại. Nhưng chị xuỵt xuỵt mấy cái, mắt lắm lét ngó xung quanh.
- Em nghe người ta nói ai có con lai thì được đi Mỹ. Em có lên chỗ văn phòng gần khách sạn Hoàng Yến coi thử. Thấy người ta bu ở đó đông lắm. Em hỏi thăm mấy người đứng ở ngoài. Họ nói phải có mấy “cây” mới vô trong được. Em dốt không biết chữ nên sợ người ta gạt. Anh Hai giỏi chữ nghĩa giúp dùm em chuyện này đi. Tình hàng xóm với nhau em tin tưởng anh Hai.
Quả tình tôi không biết chuyện này. Suốt ngày đầu tắt mặt tối với ba cái chỉ, sợi. Hết giặt sợi, hồ sợi, phơi khô. Rồi quay chỉ, dệt mùng màn. Tôi nào biết ngoài cửa nhà có gì xảy ra. Tôi nói để tôi đi xem thử có đúng như chị thấy không rồi trả lời sau. Trong ánh mắt chị có vẻ tin tương ở tôi lắm. Sáng hôm sau tôi đến chỗ xưa kia là khách sạn Hoàng Yến trên đường Độc Lập, nay bị trưng thu làm cửa hàng cà phê quốc doanh, dơ dáy, ồn ào như cái chợ chồm hổm. Thiệt không ra làm sao cả. Bên cạnh đó là văn phòng đặt tên là Bùi thị Xuân, đặc trách hồ sơ con lai. Ai có con lai muốn xuất cảnh đi Mỹ thì làm thủ tuc tại đây. Té ra là có thiệt. Tôi đứng đọc và ghi chép hết một lô thông cáo, rồi đạp xe xuống Cồn kể lại cho chị Tám biết. Xong tôi kết luận:
- Chị chỉ bỏ ra năm trăm đồng, mua bộ hồ sơ, về tôi điền cho rồi đem lên Phường xác nhận. Xong đem lên đó nộp. Đích thân người có con lai mới được mua và nộp hồ sơ. Tôi không giúp được chị chuyện mua đâu. Chị gục gặt cái đầu lia lịa, cái miệng toét ra cười co ùvẻ sung sướng lắm.
Tuần sau mọi hồ sơ hoàn tất. Chị bắt đầu hy vọng, chờ đợi.
Và chờ đợi.
Thời gian chị đợi chờ được đi Mỹ trong hy vọng bao nhiêu thì chị bị con ngựa bà Diều Hâu, hành hạ, làm khổ, làm sở chị bấy nhiêu. Con Diều Hâu càng lớn càng ngựa. Mấy bà già xầm xì qủa không sai. Nó càng lúc càng lộng. Hai vú nở căng thầy lẫy. Hai cái mông vổng cao, đánh bên này, đánh bên kia theo nhịp bước. Nó bắt bồ một lúc hai ba, thằng. Bây giờ là tụi trai trên phố. Xe Hon da buổi sáng một chiếc chở đi. Xe Suzuki buổi chiều một chiếc rước mất. Nhiều đêm ngủ luôn, không về nhà. Chị Tám kêu trờì, than đất không thấu mà không dám nói động một tiếng. Có la chửi nó thì nó dọa bỏ nhà theo trai, không đi Mỹ. Chị Tám lại xuống nước năn nỉ. Nó đòi sắm bông tai, có bông tai. Đòi nhẫn vàng y, có nhẫn vàng y. Quần áo xoa, lụa, mút xoa lin, mỗi thứ năm ba bộ. Nhất nhất thứ gì nó đòi là được. Chị Tám cắn răng chìu chuộng nó. Bao nhiêu tiền dành dụm, không dám tiêu xài bấy lâu, bây giờ xót ruột, xót gan, mà moi ra hết.
Đùng một cái, mấy tháng sau nó hôi cơm tanh cá, nôn oẹ suốt ngày. Ban đầu chị Tám tưởng nó bệnh trúng gió. Chị vội vàng nhờ chị Tư Ngỗ cắt lễ, nấu nước lá sả để xông mồ hôi. Vẫn không khỏi. Chị Tám lo rầu. Chị Ngỗ kêu nói nhỏ:
- Chị Tám à ! Tui nghi con Diều Hâu có bầu quá !
Chị Tám trợn tròn muốn nổ tròng con mắt:
- Thiệt hôn chị Tư ! Sao mà chị biết nó...
Chị Tám bỏ lửng câu không dám nói tiếp cái điều ghê gớm đó. Cái điều mà nó có thể làm tiêu tan nguồn hy vọng và cả cuộc đời chắt bóp, tảo tần cực khổ của chị nữa. Nhưng chị Ngỗ vẫn thiệt thà:
- Tụi sanh sáu mặt con với anh Ngỗ, tui rành quá mà ! Chị cứ để ý cái thóp cổ họng thì biết.
Nó cà giựt, cà giựt như mặt trống. Nét mặt thì xanh mét, xanh ẻo. Tui dám chắc nó có phải hơn tháng rồi.
Không biết mặt con Diều Hâu xanh cỡ nào mà khi nghe chị Ngỗ nói tới đó mặt chị Tám xanh lè như tàu lá chuối, tay chân run lẩy bẩy. Y như chị đang có bầu bị bắt qủa tang. Mấy hôm nay để ý, con Diều Hâu nằm vật, nằm vựa ở nhà đắp mền, không lồng lên như mọi ngày, chị đã sanh nghi mà không dám nghĩ đến cái chuyện động trời ấy. Bây giờ nghe nói trúng tim đen, chị chết sững. Thôi rồi! Tiêu tan hết rồi ! Bao nhiêu điều mơ ước và tiền bạc, một tay con ngựa thú đú, con voi hà nàm đổ xuông sông, xuống biển hết rồi. Trời ơi là trời ! Chị kêu trời trong bụng. Chị ngồi bó gối, mặt buồn hiu, hết xanh đến trắng bệt. Chị mếu máo :
- Chị Tư ơi ! Tội tui quá chừng ! Chị nghĩ cách làm sao giúp dùm tui chị Tám. Tui đội ơn chị cả đời.
Chị Ngỗ liếc quanh một vòng không thấy ai ở gần, rồi kề tai chị Tám nói nhỏ:
- Tui nói chị nghe ! Bây giờ nhà nước cho đi phá thai thả dàn. Mà nó ác đức quá. Tui không dám bày chị. Chuyện này do chị quyết định. Chị suy nghĩ cho kỹ lưỡng. Khi chị quyết định xong thì chị cứ việc dẫn nó lên phòng y tế khoa phụ sản ký giấy. Họ làm chừng một tiếng đồng hồ là xong.
Mắt chị Tám sáng lên. Chị nghiến răng, quyết tâm phải giải quyết chuyện này mới được. Nó là con voi chà, ngưạ đạp. Mới bây lớn mà rượng trai quá chừng. Hết thằng này tới thằng nọ. Bây giờ biết thằng nào mà níu lưng. Tối hôm đó chị Tám dỗ ngọt, con Diều Hâu vừa khóc, vừa thú thiệt có chửa mà không biết tác giả là thằng nào. Có đêm nó ngủ một lượt hai, ba thằng. Chị Tám giả vờ vừa xoa lưng nó vừa an ủi, vừa rủa thầm trong bụng:
- Con ngựa rượt ! Con chó đ... mà !
Sáng hôm sau chị dẫn nó đi tới phòng phụ khoa.
... Con Diều Hâu nằm lì trong nhà hơn một tuần lễ mới thò mặt ra đường. Mấy thằng trời đánh, thánh đâm vừa xồ xe Honda tới trước cửa, đã bị chị vác chổi chà rượt đánh. Thấy cái tướng hung dữ của chị Tám, bọn trai lơ, đá cá lăn dưa chạy trối chết, không dám bén mãng tới lần thứ hai. Bây giờ thì chị Tám ra sức canh giữ con Diều Hâu ngày đêm như canh giữ của qúi.
... Gần một năm im ru, bà rù. Không thấy có tin tức động tĩnh gì. Chị sốt ruột và nhờ Má tôi nhắn tôi xuống hỏi thăm. Tôi vừa đến, chưa kịp xuống xe, chị đã chạy ra nắm ghi đông xe lôi tôi vào nhà chị. Giọng chị lo lắng:
- Anh Hai ơi ! Sao mà giấy tờ tui lâu quá vậy ? Không biết có gì trục trăc không ? Tui lên trển mấy lần dò hỏi đám người bên ngoài, họ nói muốn mau phải có vài cây là xong ! Có mấy người họ lãnh lo cho tui, họ chỉ nhận tiền trà nước đại khái thôi. Còn cây thì nộp cho ông sếp. Anh Hai coi thử chuyện này chắc không, để tui lo. Kệ, mấy cây cũng được. Miễn đi được thì thôi.
Chị làm một hơi, tôi theo không kịp thở. Chắc cái lo lắng dồn nén lâu nay bây giờ mới có dịp xả xú bắp. Tôi gạt phắt mọi chuyện và trấn an chị:
- Nhà nước đã có ký kết với Mỹ rồi. Một bên nhận tiền. Một bên nhận con rơi. Giấy tờ chính tay chị đi nộp. Nếu có trục trặc, họ đã trả lại cho chị bổ túc. Chị thấy người ta nộp hồ sơ không ? Mỗi ngày có hàng trăm người. Họ giải quyết từng hồ sơ theo thứ tự. Chị nộp sau người ta, đương nhiên chị phải chờ.
- Biết chờ bao lâu ? Lỡ họ thình lình ngưng lại thì sao? Bởi vậy mới có người chạy lo lót cho mau ! Anh Hai không biết đó, chớ nhiều người nói với tui là lo hai cây là có hộ chiếu liền.
- Cái đó tôi không biết ! Nhưng chị coi chừng cái đám lưu manh cò mồi nó gạt người ta nhiều lắm. Còn lo lót là chuyện của chị, tôi không có ý kiến. Theo tôi, nếu chính sách trao trả con lai có thiệt thì chị nằm ngủ ở nhà tụi nó cũng dựng đầu chị dậy, bắt đi. Còn không, chị có chạy chục cây vàng cũng bị gạt mất toi.
- Chà anh Hai nói vậy tôi không biết phải làm sao bây giờ ?
- Làm sao hả ? Chị cứ bán phở, làm ăn bình thường. Khi nào giấy báo tin cho chị đi thì chị đi. Vậy thôi. Mà chị ở đây cũng sướng rồi. Cần gì đi Mỹ cho mệt.
- Anh Hai nói vậy chớ, ai lại không muốn đi Mỹ. Anh không thấy hình Bác Hồ giơ năm ngón tay ra hiệu là muốn đi Mỹ phải nộp năm cây vàng đó sao ?
- Ai nói với chị chuyện “phản động” đó ? Công an mà nghe được thì chị rục xương đó nghe ! Ít ra là sáu năm tù như tôi đó.
- Thì cái vụ Ba Tàu xuất khẩu bán chính thức đó ! Cả nước ai lại không biết !
- Chuyện này xảy ra lúc tôi đang cải tạo nên không nghe.
Tôi an ủi thêm vài câu cho an lòng chị và nhấn mạnh là không nên lo lót gì hết. Và cũng hứa ẩu một câu cho chị nuôi thêm nhiều hy vọng:
- Có lẽ hồ sơ của chị sắp tới rồi. Cả năm rồi còn gì !
- Dạ ! Cả năm rồi ! - Chị lặp lại một cách yếu xìu.
Lời hứa ẩu của tôi ngẫu nhiên lại ứng nghiệm. Tháng giêng năm chín mươi, chị nhận được giấy báo của văn phòng xuất nhập cảnh Nha Trang. Chị mừng quýnh, ba chân, bốn cẳng, chạy tới khoe với tôi ngay ngày hôm đó.
Tiếp theo mấy tháng sau, chị vào, ra Sài Gòn liên tục để khám sức khoẻ, phỏng vấn, chích ngừa... Cuối cùng chị nhận được ngày hẹn lên máy bay. Đâu khoảng tháng sáu năm chín mươi.
Trước ngày đi ba ngày, chị đi mời hết bà con, chòm xóm đến nhà ăn một bữa cơm chia tay. Nói ăn cơm cho đúng cách chớ thiệt ra chị đãi một bữa phở. - “Phở đặc biệt”. Chị tuyên bố. Hôm ấy ai cũng hả hê ăn uống vui vẻ. Có người làm thoải mái đến tô thứ ba. Các bà được uống Xá xị con cọp. Các ông được đãi rượu Công Xi Nhiêu Bá. Chị Tám cùng con Diều Hâu chạy ra, chạy vào, phục vụ bà con ần cần, sốt sắng. Bà con cũng đáp lại ân tình bằng cách ăn uống thiệt tình nồng nhiệt chớ không khách sáo. Bây giờ con Diều Hâu phải gọi là cô Nga mới đúng điệu. Cô Nga giờ đây đã mười tám tuổi, cao lòng khòng, vẫn ốm như xưa. Duy chỉ có bộ ngực và cặp mông thì to tổ chảng. Mặt trổ tàn nhang y như Mỹ con. Nhưng tính tình thị ngựa hết nước.
Bắt thằng này, buông thằng kia như thay áo. Trai trong xóm nhiều đứa khoe là đã qua tay nó. Mấy bà già xầm xì: - Cái thứ lai nó dâm lắm ! Cái con ngựa trời Diều Hâu này thì phải tay cỡ Bảy Phết mới trị nổi.
Nhưng hôm nay mấy bà quên hết chuyện đó rồi. Mấy bà xúm vô khen chị Tám thiệt là có phước, có phần. Ai dè nuôi con nuôi mà lại được hưởng phước. Hồi nẫm biết vậy tui xin về nuôi vài đứa. Mấy bà lại xoay qua cô Nga, khen nức nở:
- Con Nga mầy trổ mã con gái đẹp hết xảy! Chà đôi bông tai mới sắm hả con ?
Chắc mắc tiền lắm phải hôn ? Còn sợi giây chuyền nữa ! Ít ra là cả lượng !
Mấy bà xúm nhau, cầm tay con Nga, mân mê, vuốt ve ra vẻ yêu thương, trìu mến lắm. Mọi người đều xụt xùi, thi nhau nói một câu chúc tụng, dặn dò:
- Con đi qua Mỹ, Bà nhớ con lắm. Con đừng quên bà nghen.
- Cháu Nga ra đi, thím thiệt buồn. Nhưng mà thím cũng chúc con thượng lộ bình an. Qua bển nhiều tiền, nhiều bạc, nhớ viết thơ về thăm thím và bà con lối xóm nghe.
Trong lúc hăng say tỏ tình thân ái với mẹ con chị Tám , cái tình nồng thắm, keo sơn đời đời bền vững như mối tình môi răng Trung Quốc Việt nam, ai ai cũng dặn dò viết thơ mà quên mất mẹ con chị Tám không biết chữ và các bà cũng mít đặc. Về phía đàn ông thì có lẽ tình cảm dấu kín, không nước mắt, nước mũi như cái đám đàn bà con gái, nên ít nói, cứ ngồi gặm xíu quách, uống tì tì.
Chị Tám cũng thực sự cảm động trước sự yêu thương yêu, trìu mến của bà con, xóm làng dành cho chị, chị mở một chai xá xị, hai tay giơ lên cao mời mọi người cạn ly với chị “chăm phần chăm”. Chị nói:
- Tui thiệt tình cám ơn bà con đã đến chung vui hôm nay với mẹ con tui. Tui cũng muốn ở đây với bà con, chớ không muốn đi đâu hết. Mình đã ở với nhau mấy chục năm rồi còn gì. Nhưng vì hoàn cảnh (?) phải đứt ruột ra đi, bỏ bà con ở lại thiệt tui không nỡ.
Nói tới đó chị nghẹn ngào, xụt xịt khóc. Chị kéo vạt áo bà ba lên chùi mắt. Mấy bà cũng xụt xịt theo, vén ống quần đen lên, lau mắt theo. Không biết phải vì cảm động lời của chị Tám hay vì mấy trái ớt xiêm cay quá. Bảy Phết từ lúc mới nhập cuộc đến giờ chỉ nín thinh, ngồi ăn phở, gặm móng heo, uống rượu tàn tàn, bỗng lên tiếng như tuồng cải lương đến hồi mùi mẫn, phựt đèn màu:
- Em Tám ơi ! Em đành đoạn ra đi sao em ! Em qua xứ Mỹ giàu sang, bỏ anh ở lại cô đơn, chiếc bóng sao...ơ...ơ... đành!
Cái không khí đang xụt xịt nước mắt bỗng cười lên rần rần với cái tài diễu cợt của Bảy Phết. Bữa nay chị Tám đang cao hứng nên cũng mồm miệng dẻo quẹo:
- Cái đó là tại anh Bảy ! Anh Bảy không thương em ! Anh Bảy chê em, hắt hủi em, anh Bảy đạp em một cái như trời giáng. Bây giờ anh Bảy chịu bỏ năm bà vợ mà lấy em, em thề xé bỏ giấy đi Mỹ để theo anh Bảy suốt đời liền.
Thiên hạ lại phá lên cười rần rần. Thiệt là một ngày vui như Tết.
Trước khi chia tay, chị Tám hứa nhất định sẽ có ngày về thăm bà con.
... Chị Tám đã giữ lời hứa thiệt. Một năm sau, chị trở về Việt Nam, trở về cái Xóm Cồn quanh năm đói khổ, để thăm bà con. Thăm lại cái đám người bình bồng chi xứ như chị, đã trôi dạt về đây, cùng nhau lập thành làng xóm, ăn ở với nhau, như tình bà con ruột thịt. Mặc dù cũng có những lúc mưa bấc, gió nồm. Mới một năm mà chị Tám đã thay da, đổi thịt. Chị mập ra, trắng trẻo ra. Tóc chị nhuộm màu nâu vàng và uốn dợn dóng. Mắt chị kẻ chì xanh thẫm. Môi chị tô son đỏ chót. Móng tay chị để dài và cũng sơn đỏ chót. Chị mặc aó thun vàng dài tay. Trước bộ ngực độn vú giả (ai cũng biết) in hàng chữ đỏ “California Little SaiGon”. Quần “gin” xanh ôm cứng mông đùi. Chị đi giầy cao gót cũng màu đỏ. Vai đeo bóp đầm thả dài tận thắt lưng. Đám đàn bà, con nít bu quanh chị như đi coi hát xiệc sơn đông mãi võ hồi xưa. Họ tíu tít nắm tay chị, rờ rẫm quần áo chị, mân mê vòng vàng chị đeo hực hở trên cổ, trên tay. Họ hỏi thăm chị đủ thứ chuyện bên Mỹ, làm như chị biết hết, rành sáu câu hết. Nhưng đại để những câu chị có thể trả lời được trước sự ngạc nhiên há hốc miệng của đám đông. Không ngờ mới một năm mà chị Tám giỏi thiệt. Lâu lâu chị lại nói tiếng Mỹ ngon lành. Để cho không khí “hồ hởi, phấn khởi” ban đầu lắng dịu bớt, chị kể chuyện bên Mỹ cho bà con nghe. Đám đông nghểnh cổ, vểnh tai, há miệng ra nghe như say, như mê, theo chuyện chị kể:
- Hồi mới xuống máy bay ở Ca li, Tám sợ hết hồn. (bây giờ chị xưng là Tám) Toàn là Mỹ không hà. Tám đang đứng lớ ngớ, lo sợ thì có một ông Mỹ già độ năm, sáu chục tuổi, tay cầm tờ giấy cạc tông to như bốn cuốn tập, trên đó có dán hình Tám và con Nga. Ổng đến gần nói xí xô, xí xà một hồi. Tay chỉ vào ngực ổng rồi chỉ vào hai mẹ con tui. Rồi chỉ ra chiếc xe hơi. Tám cũng biết ổng muốn giúp Tám. Thấy Tám gật đầu, ổng xách dùm mấy cái va li ra xe và chở mẹ con Tám về nhà ổng. Không biết bao xa, thấy xe chạy ào ào. Hai bên xe là xe. Toàn là xe hơi không hà. Không có xe đạp, xe Honda, xe xích lô, xe ba gác như bên mình. Đâu độ chừng tiếng đồng hồ thì tới nhà ổng. Trời đất quỉ thần ơi! Cái gì mà to, mà đẹp quá chừng. Mà nó sạch trưng hà, không có một chút bụi. Tám với con Nga không dám bước vô. Ổng ngoắc vô. Tám bảo con Nga tụt giầy ra, ổng không cho, cứ biểu vô. Ông chỉ xuống cái ghế êm như bông gòn, dài thoòng, bốn năm người mình ngồi cũng còn rộng, biểu hai mẹ con Tám ngồi xuống. Sau này Tám biết cái ghế đó kêu là “xô pha”. Ổng đi quay điện thoại, nói líu lo một hồi rồi úp xuống.
Thím Đảm sốt ruột cắt ngang:
- Tự nãy giờ, mày với con Nga, nín thinh như người câm hả ? Lỡ ông Mỹ đó chở đi vô núi giết chết lấy tiền bạc thì sao ?
Chị Tám ngưng kể để trả lời thím Đảm:
- Thì thím cũng biết là tui đâu có biết tiếng Mỹ mà nói gì ! Với lại tui đâu có tiền bạc gì mà sợ ổng cướp. Mà tui cũng có coi giò, coi cẳng ổng, thấy bộ hiền lành tử tế, tui mới đi theo chớ. Hơn nữa ổng có sẵn hình tui, tui nghĩ chắc có ai quen giới thiệu nên mới yên tâm đi theo chớ. Tám này đâu có dại mậu gì ! Phải không thím Đảm ?
Vợ ba Thuẫn cũng háo hức xen vô:
- Chị Tám à ! Chị mới đi có một năm mà sao giàu mau dữ vậy ?
Chị Tám nhoẻn miệng cười hớn hở, coi bộ thấm ý câu hỏi “chí mạng” mà ai cũng sẽ hỏi. Chị thủng thẳng trả lời:
- Để Tám kể có đầu, có đuôi cho bà con, cô bác nghe !
- Ờ phải đó ! Để con Tám kể rành mạch nghe mới đã cái lỗ tai. Con ba Thuẫn mày nóng ruột gấp gáp quá! - Bà Đấu già cắt ngang mấy câu hỏi.
- Một lúc, tui thấy có một chiếc xe hơi khác chạy vô nhà, - chị Tám kể tiếp - trong xe bước ra là một người mình, tui mừng như lượm được tiền. Tui với con Nga chạy ra chào hỏi. Té ra ông đó là bạn của ông Mỹ. Ông Mỹ kêu ổng lại để thông ngôn dùm cho tui.
Mấy bà lại ồ lên:
- Thiệt là may há ! Con Tám mày thiệt là may! Tao đã nói mà ! Hễ ăn ở hiền lành là đi đâu cũng được quới nhơn phù hộ ! Rồi làm sao nữa Tám ?
- Hai người nói qua nói lại một hồi. Ông người mình quay qua giải thích với tui. Ông Mỹ là “bông xo” cho gia đình tui. Ổng ở trong hội “U ết xi xi”. Hội cho ổng hình mẹ con tui, chớ hổng phải có ai quen giới thiệu. Ổng sẽ lo hết mọi chuyện cho tui và con Nga. Từ chỗ ăn ở cho đến đi học “i ết eo”.
Chị Tư Ngỗ ngứa miệng không cầm được vụt hỏi, bà Đấu già không kịp chận lại:
- Chị Tám nói cái gì mà “bông xo” với lại “i ết eo” tui hổng hiểu !
Có tiếng trả lời thay:
- Chị Tám nói tiếng Mỹ mà, chị Tư làm sao hiểu được !
- Con Tám giỏi thiệt ! Mới đây mà nó được tiếng Tây, tiếng Mỹ ! - Đâu đó có vài tiếng lào xào khen ngợi.
Chị Tám không vội giải thích, cứ thong thả kể:
- Ông người mình là người Sài Gòn, tên ổng là Hướng mà tui nghe ông Mỹ cứ gọi là Huông. Ông Hướng cho biết ông Mỹ “bông xo” tên là Tôm. Nghe tên Tôm tui cười ré lên. Ông Hướng nghe tui cười lấy làm lạ hỏi sao lại cười. Tui nói:
- Xóm tui làm nghề chài lưới nên thường lấy tên cá tôm để đặt cho con như Hanh, Dìa, Sạo, Ngừ, Bè, Thu, Ngao, Sò, Ốc. Các thứ rau nấu canh như ngỗ, é, me, hành, ớt. Còn ở Mỹ mà cũng đặt tên Tôm Cua giống xóm tui quá. Ông Hướng nghe tui nói xong cũng cười ngất. Ổng bảo không phải như chị nghĩ đâu. Ông Tôm này tên là Tô Mát, gọi thân mật là Tôm, chớ không phải là tôm, cua như chị tuởng đâu. Lần đầu tiên tui làm lanh bị trật chìa. Còn tên tui là Tám mà ông Tôm cũng gọi thân mật là Them. Tui nghe nó kỳ kỳ. Mà thôi kệ ! Muốn kêu gì cũng được.
Mấy người nghe chị kể chuyện tửng tửng cũng cười theo ngặt nghẽo. Chị Tám lại tiếp tục:
- Mấy ngày sau, ông Tôm chở tui và con Nga đi làm giấy tờ để lãnh tiền “queo phe” và “phút tem”. Mỗi tháng Nhà nước gởi tới tận nhà cho tui với con Nga mỗi người bốn trăm năm chục đô la và hai trăm năm chục đồng “phút tem”. Ông Tôm biểu tui cứ cất tiền mà xài. Còn tiền “phút tem” thì để ổng chở đi chợ mua đồ ăn. Ổng nói tiền này chỉ mua đươc đồ ăn thôi. Mua thứ khác người ta không bán.
Thím Đảm lại cắt ngang:
- Mấy trăm đô là bao nhiêu chỉ vàng vậy Tám ?
- Cả cây lận đó thím chớ không phải mấy chỉ đâu !
- Hèn gì mày đeo vàng đỏ người ! Cha ! Làm sao mà mày xài cho hết ?
- Nói vậy chớ ở đâu xài theo ở đó thím Đảm à ! Bữa đi chợ đầu tiên tui thấy bó rau muốn nhỏ xíu, định mua về luộc ăn. Ai dè hỏi bao nhiêu, nó nói ba đô rưỡi. Trời đất qủy thần ơi ! Cái thứ bên mình dành cho heo ăn không hết mà qua đây một bó tính ra gần năm chục ngàn đồng bạc. Tui quăng trả lại cái bạch.
- Ờ mày kể cái chuyện đi học “i ết eo” gì đó cho bà con nghe chơi được không? - Bà Đấu già cũng tò mò.
- Dạ đó là đi học tiếng Anh mà họ gọi là “i ết eo”. Tui với con Nga học một lớp. Được vài bữa, thấy khó quá mà cũng kỳ nữa. Mình già mà học chung với con nít thiệt dị hợm quá chừng. Tui trốn học luôn. Mà tiếng Anh đâu có khó bằng tiếng mình. Ông Tôm bày tui thì tui nói được. Tui bày ông Tôm nói tiếng mình thì ổng nói trẹo họng cũng không nói được. Mà cũng kỳ, ở bển, già trẻ bé lớn, ông bà, cháu chắt gì cũng xưng hô “du, mi” với nhau tuốt luốt. Không phân biệt lớn nhỏ. Ai, tụi nó cũng kêu bằng tên. Cha nó, ông nội nó cũng kêu bằng tên, chớ không có vòng tay thưa ông nội hay thưa bà ngoại như bên mình. Thiệt là cái đồ mọi rợ.
Câu chuyện đi Mỹ một năm, chị Tám kể mấy ngày đêm không hết. Chuyện nào cũng lạ lùng, cũng hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Vừa nghe vừa cười nôn ruột. Chị tư Ngỗ kết thúc câu chuyện:
- Bây giờ chị làm gì ở bển ? và con Nga ra sao ?
- Ông Tôm biểu tui làm “gơn phen” với ổng, ổng lo cho suốt đời. Tui chịu liền. Ngày tối ổng chở tui đi chơi không hà. Ổng nói ổng hồi xưa có qua Việt Nam đánh mấy ông cách mạng ở Bình Định. Bây giờ ổng lãnh tiền hưu. Con Nga đi học một năm, có việc làm rồi. Nó cũng có “boi phen”. Tụi nó đi ở riêng.
Chị ba Thuẫn còn thắc mắc:
- Ở bển xin nhập hộ khẩu có khó khăn như bên mình không chị Tám ? Khi chị đi chơi chỗ nọ chỗ kia có xin phép tạm trú, thường trú Phường cấp không ?
Chị Tám vùng cười ngất:
- Mỹ là cái xứ tự do mà chị Thuẫn ! Từ ngày qua Mỹ tới giờ, tui chưa gặp công an cảnh sát lần nào hết. Muốn ở đâu thì ở. Muốn đi đâu thì đi. Hổng có xin phép ai hết. Không có ba cái vụ nhập hộ khẩu, hộ khiết, tạm trú, tạm vắng lôi thôi khó khăn như bên mình đâu. Ở bển, tui mới thấy Bác Hồ nói đúng “không có gì quí hơn độc lập tự do”.
Chị ở chơi ba tuần lễ. Ngày nào nhà chị (bây giờ có người cháu họ xa của chị ở) cũng đông vầy khách khứa, không được đãi ăn, cũng được đãi uống thỏa thuê.
Hôm tôi về Xóm Cồn thăm cha mẹ thì chị sắp về lại Mỹ. Gặp tôi, chị mừng rỡ vô cùng, ân cần mời mọc và luôn miệng cám ơn tôi đã giúp chị làm giấy tờ. Nhất là việc ngăn cản chị trong chuyện lo lót, khỏi mất mấy cây vàng.
Khi nghe nói, tôi cũng đang làm giấy tờ đi Mỹ, thì chị lại càng vui hơn. Chị mong ước:
- Mai mốt anh Hai qua Mỹ, anh em mình gặp lại nhau chắc vui lắm !
- Ờ, tôi cũng mong được như vậy. - Tôi đáp lại mà lòng không chắc. Trời đất mang mang, biết đâu mà gặp.
... Chị về lại Mỹ hồi nào tôi cũng không hay.
Cuối năm chín mốt, gia đình tôi định cư ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Nhìn bản đồ nước Mỹ, từ chỗ tôi ở, đến nơi chị cư ngụ, có tên là Little SàiGòn, xa lắc xa lơ. Một đầu là cực Bắc. Một đầu là cực Nam. Cách nhau mấy chục ngàn dậm đường. Làm sao có cơ hội gặp lại nhau ? Đúng là trời đất mang mang ! Thỉnh thoảng có người quen ở Cali gọi điện thoại nói chuyện, tôi cũng có hỏi thăm có gặp chị Tám “lại cái” không , ai cũng trả lời là không gặp. Những thư từ gửi về thăm nhà, tôi cũng có nhắc và hỏi chị Tám có còn về thăm Xóm nữa không, cũng không. Đã gần mười ba năm, tôi không một tin tức gì về chị Tám. Ngồi ngẫm lại chuyện làng, chuyện xóm, có lúc tôi buồn bã, âu sầu vì nỗi nhớ nhà. Có lúc bất giác tôi bật lên tiếng cười khan một mình, vì nhớ lại những chuyện ngộ nghĩnh, éo le trong xóm. Trong đó có chị Tám, một nhân vật gây nhiều sóng gió và cũng là người chịu nhiều hoạn nạn, ba đào đổ xuống trên cuộc đời hẩm hiu của mình. Giờ đây, tôi tin rằng chị đang hạnh phúc ở đâu đó với ông “bông xo” tốt bụng. Và nhất là chị sẽ không còn mặc cảm cái số phận bất hạnh “lại cái”. Cái bất hạnh không ai muốn mang vào mình. Nước Mỹ đã có đạo luật bảo vệ nhân phẩm và quyền làm người cho những kẻ bất hạnh ấy. Họ được tự do luyến ái và kết hôn với nhau như những người được trời cho bình thường. Có điều... chị cũng như tôi, những cánh chim không còn tổ ấm để mà về nữa !
Xóm tôi đã bị người ta san bằng, xóa sạch, di dời dân đi kinh tế mới hoặc đến một nơi khác. Lầu Ông Tư đã bị ủi sập từ lâu, để xây lên một nơi nghỉ mát cho bộ Công An. Đó là một di tích lịch sử của Nha Trang Khánh Hoà và cũng là di tích của cả nước và cũng có thể là của thế giới nữa. Ông Yersin là một danh nhân thế giới. Phòng thí nghiệm đầu tiên ông xây dựng tại làng Xóm Cồn. Nơi đây ông đã tìm ra phương thuốc chữa trị bệnh ôn dịch (đậu muà) và bệnh chó dại. Họ đã không cần bảo tồn di tích lịch sử thì cái xóm nhỏ bé của tôi có nghĩa gì khi họ cần bắt ngang qua một cái cầu cho ông Tây ba lô, bà Đầm túi bao tử, đi du lịch, để kiếm đô la ! Hơn một trăm năm trước, ông bà ngoại tôi đành bỏ quê nghèo, cũng như các cư dân khác từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đành bỏ nơi “đất cày lên sỏi đá” đi tha phương cầu thực, đã cùng nhau trụ lại đây mà thành xóm, thành làng.
Cái tên Xóm Cồn tuy mộc mạc, thô lậu, mà sao nghe thân thương, gần gũi qúa đổi. Ôi ! Xóm Cồn yêu dấu của tôi ! Ông bà tôi, cha mẹ tôi, rồi tới anh em tôi cùng bao nhiêu họ trong làng đã một đời tắm biển mặn, uống nước chè hai sông Cái, lăn mình trong cát trắng, giăng lưới, thả câu nơi biển xanh, ăn từng con cua, con cá ở Xóm Cồn mà lớn lên thành người. Nay phải đành đoạn cắt ruột mà ra đi. Một trăm năm sau, đến thế hệ chúng tôi, dứt áo ra đi không phải vì miếng cơm manh áo, mà bỏ xóm, bỏ làng. Chúng tôi cần không khí trong lành để thở. Đất nước tôi bị gió độc từ đâu thổi đến làm ô nhiễm cả không gian. Mây độc, gió độc tràn lan phủ cả bầu trời. Hàng triệu người phải liều mạng ra đi dẫu biết rằng mười chết, một sống. Đám dân lành như đàn chim tan tác trước cơn gió dữ, đã trôi dạt khắp bốn phương trời. Đàn chim đã tìm được nơi đất lành để đậu. Họ cũng quần tụ nhau lại để lập xóm, lập làng. Như trăm năm trước dân Xóm Cồn tôi đã làm. Giờ đây, họ giỏi hơn cha, ông ngày trước nhiều. Họ làm vẻ vang cho dân tộc bằng những hình ảnh hào hùng trong con mắt thế giới. Thế giới đã kinh ngạc vô cùng khi thấy rằng chưa đầy một phần tư thế kỷ, khắp năm châu đều có những thành phố Việt Nam, làng Việt Nam của những người xưa kia chạy nạn với hai bàn tay trắng. Không nói chi những thành phố to lớn, huy hoàng như Tiểu Sài Gòn, hay Thung lũng Hoa Vàng ở Cali, mà ngay chỗ tôi cư ngụ đây, một nơi cực Bắc, sáu tháng mùa đông, người Việt tị nạn, đủ mọi thành phần trong xã hội, cũng quần tụ nhau lại, mà lập nên những thành phố, mang những cái tên Việt hóa, nghe rất Việt Nam như phố Đọt (Dorchester), phố Lô (Lowell), phố Mê (Methun), phố Rốt Lên Đèo (Roslindale)... Nhưng bây giờ, dẫu cho ai cũng đều nhà lầu, xe hơi, (một mơ ước ngàn đời của đân tộc tôi) tôi vẫn tin chắc rằng trong tâm tư sâu kín mỗi người tha phương đều mơ về một lũy tre xanh, một dòng sông nhỏ, một cánh diều bay, một bóng cò trắng liệng trên lưng trâu, có em bé ngồi thổi sáo... để mà nhớ thương, luyến tiếc,ngậm ngùi. Không nơi đâu có được hình ảnh dễ thương và đáng yêu này. Chỉ quê hương tôi mới có: Việt Nam.
Quê hương mình ngàn đời vẫn đẹp hơn cả !
...
Chuyện chị Tám đến đây là hết. Không có đoạn kết để các bạn biết rõ thêm sau này, cuộc đời chị Tám sẽ thế nào ? Trôi nổi về đâu ? Tác giả kể chuyện cũng không biết thì làm sao các bạn biết được! ! !
Xin đành cáo lỗi !
Nhưng khi đọc xong, có người sẽ hỏi:
- Còn hai nhân vật có ít nhiều dính líu tới đời chị Tám là Bảy Phết và anh Thủy Bắc kỳ bán phở, tác giả bỏ quên trong câu chuyện, tính cho chìm xuồng luôn chắc ? Nếu vậy thì tác giả xin mở thêm dấu ngoặc đơn để nói về Bảy Phết và anh Thủy Bắc kỳ bán thịt chó, mỗi người một chút cho trọn tình, trọn nghĩa !
... Năm bảy mươi, tôi được thuyên chuyển nhiệm sở từ Bảo Lộc, Lâm Đồng về Nha Trang.
Cô vợ Bắc kỳ của tôi nhờ tôi chở dùm cô ta đến bến xe Nguyễn Hoàng, Xóm Mới để thăm người bạn cũ, lâu năm không gặp. Xe ngừng trước một căn lầu hai tầng, bên ngoài có tường vây. Vợ tôi bấm chuông. Hai cô gái ra mở cửa. Ba người ôm nhau mừng rỡ, nói cười tíu tít. Tôi dắt xe vô nhà mà trong đầu hình dung ra hai khuôn mặt quen quen. Nhớ là đã gặp ở đâu rồi. Tôi bấm vợ, nói nhỏ ý nghĩ của mình. Vợ tôi nguýt lại:
- Ai mà anh không thấy quen !
- Không phải ! Anh thấy quen thiệt mà !
Lúc an vị ở phòng khách, nhìn thấy tấm ảnh người đàn ông toàn thân cỡ lớn treo trên tường, tôi ngạc nhiên và tin chắc rằng trí nhớ mình không lầm. Người đàn ông trong hình chính là anh Thuỷ năm xưa. Anh mặc veston, cà vạt sang trọng và oai nghiêm. Hậu cảnh là trụ sở Phường X... Quận Hai Nha Trang. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi hỏi hai cô bạn vợ tôi:
- Hồi trước gia đình hai cô có ở dưới Xóm Cồn phải không ?
Hai người cùng trả lời:
- Dạ phải ! Mà lâu lắm rồi ! Cách đây mười mấy năm. Hồi ấy tụi em còn bé tí xíu à !
- Ba em tên Thủy phải không !
- Dạ phải ! Sao anh biết rõ vậy ? Anh có quen Ba em không ?
- Hồi ấy anh cũng còn nhỏ xíu làm sao quen Ba các em được ! Anh chỉ biết thôi ! Còn ông nội các em đâu ?
- Dạ, ông nội chúng em mất cách đây mấy năm rồi. Ba em bây giờ hết làm Phường Trưởng. Ông về hưu hai năm rồi.
Tôi ngạc nhiên, trong lúc hình dung lại cảnh hai bố con anh đang gò lưng đẩy chiếc xe phở trong một buổi chiều mưa lâm râm bị Bảy Phết ngang tàng đạp đổ. Hai khuôn mặt thất sắc, đầy vẻ kinh sợ.
- Ba em làm Phường Trưởng hồi nào ?
Cô chị liếng thoắng kể:
- Hồi hết ở dưới Xóm Cồn, Ba em dọn nhà về đây lập hiệu phở để bán. Một năm sau, Ba em gia nhập Đoàn thể Thanh niên Cọng Hòa trong Phường. Sau đó, nhờ tài ăn nói và có chút học thức nên được đề cử lên dần dần các chức vụ trong quận. Sau cùng thì được quận đưa ra ứng cử chức Phường Trưởng. Ba em trúng cử và làm luôn từ năm sáu ba cho đến năm kia thì về hưu.
Thì ra chuyện Tái Ông thất mã cứ diễn đi, diễn lại hoài trên cõi đời này.
Trên đường về, tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho vợ nghe. Cô ta ngồi sau xe cứ cười khúc khích, lấy làm thú vị lắm.
Còn Bảy Phết ?
Cuối năm chín mốt, vợ chồng tôi sắp đi định cư ở Mỹ, nên lần lượt đi một vòng Nha Trang, ăn những món ăn quen thuộc, để ghi nhớ những mùi vị thân thương, sợ rằng nơi đất khách quê người không có. Và cũng sợ rằng sẽ không có dịp trở về cố hương nữa. Vào một buổi xế chiều, chúng tôi vào ăn quán hoành thánh mì tại góc đường ngã ba Lý thánh Tôn – Quang Trung và Yersin. Phía bên kia rạp xi nê Tân Quang. Vào đến nơi thì chợt thấy Bảy Phết cùng một người đàn bà đang ăn ở đó tự lúc nào. Người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, nước da đen nhẽm, ốm dong dõng. Dáng điệu có vẻ quê mùa. Bảy Phết bây giờ không còn phong độ như xưa. Anh cũng đã già trước tuổi và gầy hơn trước. Tóc đã hai màu tiêu muối.
Tôi chọn bàn cuối để ngồi. Khi đi ngang, tôi giơ tay chào anh. Anh đứng dậy đi đến gần, gật đầu chào vợ tôi, tay anh đặt lên vai tôi, nói giọng vui vẻ:
- Chú Hai ! Thím Hai ! Mạnh không ? Tui nghe nói chú bị tù mấy năm ở ngoài Phú Yên cực khổ lắm phải không ? Bây giờ lại nghe nói chú sắp đi Mỹ nữa ! Chừng nào đi vậy ?
- Có lẽ cuối năm nay đó anh Bảy ? Còn anh ra sao ? Con cái mấy đứa rồi ? Bà này là bà thứ mấy ?
- Ồ ! Mừng cho chú ! Tui cũng vậy vậy thôi ! Ngày hai bữa, tắm rửa hai lần ! Chú hỏi con mấy đứa, thình lình tui hổng tính kịp. Đâu chừng mười lăm, mười sáu đứa gì đó, tui không chắc lắm !
- Dữ dằn vậy sao ? Làm sao anh nuôi nổi một bầy như một đại đội lính vậy ?
- Tui đâu có nuôi đứa nào. Mẹ tụi nó nuôi hết. Con bà nào bà nấy nuôi mà ! Còn bà này là bà thứ bảy đó chú Hai !
Tôi kề tai anh nói nhỏ cho vợ tôi khỏi nghe:
- Sao anh chọn bà này đã đen thui mà còn ốm nhôm, ốm nhách vậy ? Kiếm bà nào mỡ màng, mát mắt một chút cho ngon lành chớ !
Bảy Phết lắc đầu cười cười:
- Thì chú cũng biết mà ! Từ xưa tới giờ, mấy bà chọn tui, chớ tui có chọn bao giờ đâu ! Bà nào thích xáp vô thì tui cụp ! Bà này làm nghề đốt than ở kinh tế mới Nhiễu Giang. Một tuần chở than về Nha Trang bán một lần.
Tôi đùa anh:
- Vậy là bao nhiêu than nạp mạng cho anh hết ?
- Đâu có chú Hai ! Tui nạp mạng cho bả thì có !
- Coi bả ốm nhôm vậy làm sao địch lại anh ?
- Ý ! Chú lầm rồi ! Chú không nghe ông bà mình nói “mình dây là thầy...” hả. Tui chịu đời hổng nổi với bả đó. Ba chai bia với hai tô mì vừa ăn xong, chút tối, nạp lại cho bả hết ! Hai anh em tôi cùng cười.
Đó là lần cuối cùng, tôi gặp Bảy Phết.
Nguyễn Thanh Ty
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.