Pages

Friday, April 15, 2011

Chuyện một xóm đạo

image

Boong ! Boong ! Boong ! Tiếng chuông Nhà Thờ lan xa trên ruộng lúa, trên bờ kênh, trên các mái nhà, lan xa trong không gian u tịch của chiều quê. Tiếng chuông ngân lên rồi tỏa vào hư vô, như nhắc nhở cái hữu hạn của người đời. Bao giờ cũng vậy, nghe tiếng chuông là nước mắt tôi giàn giụa trên má. Tôi lớn lên trong một gia đình Phật giáo lâu đời, lớn lên giữa thành phố đông đúc ồn ào và rực rỡ ánh đèn. 20 tuổi, vì tình yêu, tôi vượt qua bao trở ngại của gia đình để theo đạo rồi kết hôn với anh và về đây làm dâu.

Quê chồng tôi là một xóm đạo heo hút, thuộc diện "chó ăn đá, gà ăn muối", một làng quê chưa có ánh điện, 6 tháng nước ngập trắng đồng, chung quanh tôi là những người đã từng bảo chồng tôi là: "Lấy kẻ ngoại đạo thì dễ lạt lòng mến Chúa lắm đấy con ạ !" và còn ngụ ý nói về tôi: "Con gái dân Nam nó chỉ biết ăn diện mà không biết làm, biết nay mà không biết mai đâu đấy !" Nhưng đó là chuyện của 4 năm về trước, khi mà...

Thế rồi, giờ đây, nếu phải xa lâu cái xóm ấy, tôi lại nhớ da diết, nhớ bố, nhớ em, nhớ xóm giềng, nhớ sân phơi lúa, nhớ bờ tre, nhớ tiếng chuông ngân, nhớ giòng kênh nhỏ... Ở nơi đây tôi đã thật sự lớn lên, sự lớn lên của tâm hồn. Ở nơi đây người ta sống có tình có nghĩa, có trước có sau, gắn bó và trung thực. Xóm tôi không có trộm cướp, đi ruộng đi rẫy cửa nhà cứ mở toang cũng không hề mất thứ gì !

Từ ngày mẹ chồng tôi mất, bố chồng tôi bị bệnh tim, hay ngất. Mỗi lần như thế là bà con xóm giềng lại xúm đến đổ thuốc thang cho ba tỉnh dậy. Sau đó, người thì mang đến con cá, người thì đem tới miếng thịt, đưa ra sau bếp bảo tôi:"Con nấu cho bố con ăn nhé !" Tôi biết có khi hôm nay nhà họ chỉ có rau luộc chấm mắm, vậy mà họ vẫn sẵn sàng chia sẻ.

Một lần nữa đêm tôi lên cơn sốt, chồng tôi sang gọi cửa nhà hàng xóm, bà con liền lấy xuồng chở tôi đi suốt 12 cây số trong đêm đen rét buốt để đến trạm xá... Nhà bác Tông ở cuối xóm có con gái đi lấy chồng xa, con trai lại bị tai nạn bất ngờ, cả xóm kéo tới giúp đỡ từ lúc gieo mạ đến lúc cất lúa vào bồ... Nhà cô Lài trong một đêm gió bão thổi mất cả mái nhà, sáng ra, không ai bảo ai, mỗi người đem đến tấm tôn, cây tre, và mái nhà đã được lợp lại chắc chắn... Người già yếu neo đơn không ai phải đói cơm thiếu thuốc...

Cả xóm cứ như là anh em ruột thịt. Không hề có cảnh con mắng cha, vợ chửi chồng, thậm chí, không bao giờ có chuyện ly hôn. Nhà nào vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" thì cha Hoàn đến để mang lại sự hòa giải và bình an. Mọi người ai cũng yêu kính cha sở, không chỉ vì ông là Linh Mục, mà còn vì ông đầy lòng nhân ái. Ông đã gắn bó với miền đất heo hút này suốt mấy mươi năm rồi. Với chiếc áo chùng đen sờn cũ, với lối sống thanh bạch giản dị, ông là một phần linh hồn của nơi đây.

Dân xóm tôi biết trọng chữ hiếu, trọng chữ nghĩa và trọng cả việc học. Một năm 6 tháng nước ngập, trẻ em vẫn đến trường đều đặn. Những đứa bé, từ 3 giờ sáng đã cơm nắm, lặn lội 12 cây số đường trơn trượt đến trường. Có những đoạn ngập sâu, người dân xóm cắt phiên nhau đứng trực, ẵm từng đứa qua vũng nước.

Nhà ông giáo Chúc trong xóm đã mấy thế hệ làm nghề giáo, không có ruộng rẫy nên cuộc sống khó khăn. Những em học sinh đêm đêm vai mang túi gạo, túi khoai, lựa lúc tối trời lẻn vào chái bếp nhà thầy, len lén đặt xuống rồi lại len lén chạy về. Sáng ra, ông giáo thấy một lô những bao bị có đính kèm mẩu giấy"Kính biếu thầy" được viết nắn nót trang trọng nhưng không bao giờ ghi tên người tặng. Những món quà giản dị ấy khiến cả ông giáo, lẫn con trai con gái của thầy luôn đứng vững trên bục giảng qua những ngày tháng khó khăn nhất. Hai người con của thầy học sư phạm ra trường là về ngay ngôi trường của quê hương, dù họ có đủ cơ hội và khả năng chuyên môn để ở lại thành phố. Những người già trong xóm hễ ra ngõ mà gặp cô Nữ, thầy Nhơn con ông giáo Chúc là lại trìu mến"Chào cô giáo, chào thầy giáo".

Năm ngoái, xóm tôi có điện về. Những nhà tương đối khá giả cố mua cho được cái ti-vi. Gia đình nhà chồng tôi chỉ mua được cái ti-vi "nghĩa địa", thế mà người trong xóm vẫn cứ hay sang xem nhờ. Các người lớn tuổi vừa chờ chương trình thời sự vừa uống trà, bàn chuyện lúa má, chuyện cưới gả và thời tiết nắng mưa. Ðiếu thuốc lào chuyền nhau đi vòng quanh cứ reo vo vo. Ngoài sân, cô út nhà tôi đang tập họp bọn trẻ lại dạy múa hát...

Xóm tôi vui lắm. Một lần, chồng tôi mời được hai thầy giáo của anh về quê ăn lễ Noel xóm đạo. Một thầy là nhà văn, một thầy là nhạc sĩ. Cái nét đằm thắm, chân thật và sự ấm áp tình người ở đây đã níu giữ hai thầy lưu lại cả tuần không muốn trở về thành phố. Sân nhà tôi cứ mỗi tối lại trở thành nơi tụ hội các thiếu nữ trong xóm, họ quây quần bên cây đàn ghi-ta hát say sưa. Ông thầy nhạc sĩ lấy làm ngạc nhiên sao họ lại hát hay và đúng nhạc lý đến thế. Còn ông thầy nhà văn thì cảm động về tấm lòng mến khách và cởi mở của người dân xóm Ðạo. Tuy là miền quê heo hút ngập mặn, nhưng họ nhận xét là ở đây không hề có sự u mê và nghèo đói. Ngày phải chia tay, hai người đi mà bàn tay vẫy, mà ánh mắt cứ lưu luyến mãi...

Hôm nay, vợ chồng tôi có việc phải đi xa khỏi khu xóm nhỏ thân thương của mình. Nhớ lắm làn khói lam chiều, nhớ lắm con kênh xanh nước chảy hiền hòa, nhớ lắm mái nhà, ruộng lúa và tiếng chuông ngân... Ừ, chỉ một tiếng chuông thôi mà tôi nghe nay đã khác. Bố chồng tôi có lần bảo: "Lòng người là hương hoa trái, con ạ". Hôm qua, trong câu chuyện qua điện thoại, bố cho biết mọi người trong xóm đã bàn nhau gom góp tiền cứu trợ miền Trung đang lũ lụt. Tôi bỗng nhớ lại người dân xóm tôi, những mái tóc cháy nắng, những gương mặt đen sạm nhọc nhằn và những bàn chân nứt nẻ. Họ làm ra đồng tiền trên miền đất 6 tháng nước ngập ấy đâu phải dễ. Thế mà, họ vẫn sẵn lòng san sẻ cho người khác, và họ cảm nhận niềm hạnh phúc vì sự san sẻ ấy. Bố ơi, bố nói đúng, lòng người chính là hương hoa, nhưng là hương thơm kỳ diệu nhất bay ngược gió.

LÊ THÚY BẢO NHI, khu xóm kênh B2, Thốt Nốt, Cần Thơ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.