Pages

Thursday, April 14, 2011

'Hàng Việt ơi, muốn được yêu chớ có điêu'

'Hàng Việt ơi, muốn được yêu chớ có điêu'

Vũ Thế Long
Ăn quá vỉa hè Hà Nội-hình minh họa 
 
Ăn hàng ở Việt Nam là thói quen phổ biến của người dân
Ngày xưa theo mẹ đi chợ, có lần mẹ bảo "Mụ này bán điêu lắm nên chẳng ai mua, hàng hóa ế xưng ế xỉa. Buôn bán như thế chỉ có mà lỗ chỏng gọng".
Thuở ấy còn nhỏ, nghe mẹ nói vậy thì biết vậy. Mẹ bảo, "Mụ này có cái cân gian lắm. Mua 1kg thịt của bà ấy về nhà cân lại thì chỉ còn có già 8 lạng thôi!"
Sau này ra ngoài đời, tôi mới thấy có muôn vàn kiểu điêu khác nhau. Thời bao cấp, có cô mậu dịch viên bán dầu hỏa theo tem phiếu, cô nàng đã gian giảo đập cái đáy ca đong dầu lõm ngược lên và khi đong thì cho cả bốn ngón tay vào trong ca dầu.
Cứ thế mỗi lít dầu cô lại ăn bớt một chút về sau bị nhân dân khu phố phát hiện, phải ra kiểm điểm trước dân. Nghe nói cánh bán magi xì dầu theo tem phiếu ở Ô Chợ Dừa thời ấy dám cả gan pha cả nước bẩn vào magi bán cho dân cũng bị phát hiện.
Có người kháo chuyện đi tàu Thống Nhất vào Nam, qua một ga nổi tiếng hay bán gà ở miền Trung cho khách ăn trên tàu.
Mặc cả ngã giá con gà luộc xong với giá rẻ bất ngờ, tàu sắp chạy, người mua trao tiền, người bán vội chạy theo đưa con gà luộc qua cửa sổ toa tàu. Khách vừa nắm được cái cổ gà thì tàu chạy. Ôi thôi, trong tay chỉ còn cái cổ, thân gà ở lại với người bán. Thì ra đầu cổ gà được ghép với thân bởi một que tre! Trăm ngàn kiểu gian dối khác nhau.
Có những kiểu gian dối đã thành tập quán khó mà thay đổi. Khi đem gà đem vịt ra chợ, ai nấy cũng tọng vào diều gà cả đống bánh đúc trộn đất sét cho cân thêm nặng.
Lợn trước khi xuất chuồng cho uống thuốc Rimiphông để tích nước, pha mì chính để chúng ăn kễnh bụng rồi mới gọi lái đến cân. Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn. Cánh lái lợn vờ đến xem xong bỏ thuốc làm lợn chê cám. Chủ lợn lo sốt vó đành phải bán tống bán tháo kẻo lỗ to.
Hàng quà hàng bánh cũng dở đủ trò bịp khách. Chiếc bánh chỉ nhỉnh hơn cái lưỡi mèo nhưng khi gói thì độn cả một cục lá chuối to tướng. Người mua cứ tưởng bánh to lắm, trông sướng mắt thật nhưng mở ra có độc miếng bột bé tẻo tèo teo.
Biết bao lô hàng trong nước xuất ra nước ngoài kém phẩm chất phải trả về đem bán tống bán tháo cho người tiêu dùng Việt thì làm sao mà yêu được những hàng Made in Vietnam kiểu ấy?
Vũ Tiến Long
Tiền nào của ấy. Vốn biết giá một con gà con vịt căng diều hay cái bánh độn lá khi bán người ta tính trừ đi cả. Biết vậy mà vẫn cứ làm vậy. Nó thành cái thói quen mất rồi.
Điêu thời hiện đại
Sang thời hiện đại, nước ta đã mở cửa giao thương với cả thế giới, vậy mà cái thói điêu ấy cũng không hề giảm mà còn có chiều hướng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Bán bia hơi cho khách thì pha nước pha cồn. Cái cốc thì đúc ngày càng dầy thành dầy đáy trông vẫn to, bia ít bọt nhiều.
Tàu bay dồn khách để kiếm lời thì đổ thừa cho thời tiết, cho kĩ thuật bắt khách chầu chực cả ngày ở sân bay. Cây xăng hay xe taxi đem lắp trộm thêm con chip để ăn cắp xăng dầu, ăn gian cây số.
Tôm xuất khẩu thì cắm đinh vào đầu để cân cho thêm nặng. Xuất đi rồi lại bị trả về, lỗ chỏng gọng…
Biết bao lô hàng trong nước xuất ra nước ngoài kém phẩm chất phải trả về đem bán tống bán tháo cho người tiêu dùng Việt. Làm sao mà yêu được những hàng Made in Vietnam kiểu ấy?
Cửa hàng ở Việt Nam-hình minh họa Niềm tin vào hàng Việt ở đâu khi mà các cửa tiệm vẫn nhấn mạnh nguồn hàng ngoại để hút khách
Lần giở lại mấy trang từ điển thì thấy thời xưa các cụ hay dùng từ “điêu” để chỉ những kẻ làm ăn gian dối, buôn bán gian dối, ăn nói gian dối. Cân điêu, nới điêu, tính điêu, tố điêu… Bây giờ từ này ít dùng mà dân trong Nam hay dùng từ hàng dỏm (rởm) để nói về những hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.
Gần đây những tay anh chị lại hay dùng từ "đểu”. Hàng đểu, buôn bán đểu, nhìn đểu…
Thực ra nghĩa chữ “đểu” thời xưa chỉ để chỉ những người làm nghề khênh vác hàng hóa. “Đểu cáng” bản thân nó cũng chẳng có nghĩa gì xâu về mặt ngôn từ cả nhưng dùng mãi nó quen đi. Nói hàng điêu thành ra hàng đểu cũng như nhau.
Các cụ dạy làm ăn buôn bán phải thật thà. Tôi cũng chẳng hiểu sao các cụ lại bảo "Thật thà là cha qủy quái".
Hồi nhỏ tôi hỏi mẹ "Sao cha nó là người thật thà tử tế mà lại đẻ ra lũ con quỷ quái là cái nghĩa lí gì hả mẹ."
Mẹ chỉ cười mà chẳng biết nói thế nào cho tôi hiểu. Bà bảo "lớn lên con sẽ biết."
Tôi chỉ thấy đó là chuyện bất thường. Nay đã già, nghĩ lại câu hỏi ngây ngô ngày nào tôi thấy các cụ nói thật chí lí:
"Thật thà là cha quỷ quái!"
"Khôn ngoan chẳng lọ thật thà..."
Và tôi chỉ muốn thêm vào một câu:

“Hàng Việt ơi ! Muốn được yêu chớ có điêu!”
.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.