Trong hàng ngàn ý kiến về phiên tòa xử án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, có lẽ bài viết 'Về sự sợ hãi' của Giáo sư Ngô Bảo Châu được chú ý và bàn luận nhiều nhất.
Nhưng ở một góc nhìn khác, GS Ngô Bảo Châu xứng đáng để được nhận một cành hoa hồng cho thái độ “bất thường” đáng nể của ông.
Sự “bất thường” đáng được nêu lên ở đây là GS Châu, một nhà khoa học trẻ tuổi, nổi tiếng thế giới, và được chế độ CSVN "đặc biệt hâm mộ”, lại lên tiếng về một sự kiện được xem là vô cùng nhạy cảm trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Thái độ và nhận định của ông có lý lẽ riêng, chứa đựng những ý kiến sâu sắc đáng chú ý. Vấn đề có lẽ là cách nói của ông đã không tạo được sự đồng tình của nhiều người đang "đặc biệt hâm mộ" Tiến sĩ Hà Vũ.
GS Ngô Bảo Châu đã thể hiện ý kiến theo lối riêng của ông, vì không muốn đi theo lề phải hoặc trái. Đó là, thay vì lên tiếng một cách thật chừng mực, hay nói theo dư luận, thì ông đã thể hiện những điều ông muốn nói theo cách riêng.
Đây là một thái độ đáng làm gương cho những người trẻ ở trong nước.
Trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay và vị trí xã hội khá tế nhị mà GS Châu đang đứng, thái độ rõ nét như vậy là một điều đáng trân trọng và tuyên dương.
Nếu như mấy mươi ngàn người trí thức trẻ đã từng đi du học ở các nước Tây Phương cũng đều có một thái độ tích cực nào đó trong suốt thời gian qua, thì chắc chắn là cục diện xã hội Việt Nam đã có được điều kiện đổi mới rất nhiều.
Những nhận định của GS Châu đúng hay sai, rất khó để đo lường chính xác được, vì đó là tư tưởng, là quan điểm. Điều cần nói là, trên tiến trình đấu tranh dân chủ hoá đất nước, chúng ta cần khuyến khích để những ý kiến khác biệt nhau cùng được thể hiện; và những hướng đấu tranh khác sách lược nhau cũng được tôn trọng.
'Cùng khác vọng của dân'
Tôn trọng sự khác biệt là nguyên tắc, đồng thời cũng là một trong các yếu tố cần và đủ, để thể hiện và xây dựng Dân Chủ.
Ngày nào nỗi khát khao Dân Chủ của những người gốc Cộng sản và gốc Cộng hòa có thể chan hoà cùng khát vọng của toàn dân, thì ngày đó sự đoàn kết đấu tranh mới có cơ thực hiện.
Đất nước đang cần có một sự hoà đồng để tạo nên yếu tố đoàn kết dân tộc -- một yếu tố vô cùng quan trọng để tháo gỡ các bế tắc đang cản trở con đường giải trừ nạn độc tài, tham ô và bất công ở quê nhà.
Trong chiều hướng đó, những ý kiến khác biệt, tương tự như trường hợp của GS Ngô Bảo Châu, cần được nhìn một cách phóng khoáng hơn.
Nhưng cùng lúc đó, những sự phê bình đứng đắn đối với GS Châu cũng cần được tôn trọng.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã dám mạnh dạn lên tiếng thay cho hàng triệu người Việt Nam – những người muốn nói mà không có điều kiện hay lòng can đảm cần thiết. Ông thật sự xứng đáng với niềm tin của nhiều người. Nhờ vậy, Tiến sĩ Hà Vũ đang nhận được sự thương yêu, yểm trợ một cách sâu rộng ở trong và ngoài nước.
GS Ngô Bảo Châu có thể cũng đang phản ảnh suy nghĩ của nhiều người đang có quan tâm sâu xa đến hiện tình đất nước, đặc biệt là vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ vào đầu tháng 04/2011.
Ít nhất, điều mà chúng ta có thể thấy được là người giáo sư trẻ tuổi tài cao này đã không giữ thái độ im lặng như hàng triệu trí thức khác, mà đã dám lên tiếng bày tỏ ý kiến đối với một vụ án chính trị to lớn, phức tạp và vô cùng nhạy cảm.
Ông đã thể hiện nhận định, quan điểm của ông một cách công khai. Dưới một cách nhìn nào đó, ông không chọn thái độ đi theo lề phải, hoặc trái, mà đi theo tiếng gọi con tim và lương tâm của chính ông. Thái độ này đáng được hoan nghênh và khích lệ.
Trong tinh thần đó, xin mến tặng GS Ngô Bảo Châu một cánh hoa hồng cho thái độ “bất thường” đáng nể của ông.
Hoà giải những vấn đề tồn đọng của Việt Nam là một bài toán khó với nhiều ẩn số.
Hy vọng rằng ông sẽ không thay đổi để chọn cách đi theo một lề nào đó, mà sẽ giữ bước theo cái lề của sự thật, bằng tất cả niềm tin và sự chân thành của ông.
Mong sao thời gian tới sẽ có thêm nhiều người trí thức mạnh dạn đứng lên bày tỏ ý kiến, quan điểm và nguyện vọng của mình một cách thẳng thắn; và không nhất thiết phải đứng về phía này hay phe nọ. Chỗ cần đứng là tinh thần trách nhiệm của những người trí thức có tinh thần tri thức.
Lê Nguyên Bình
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.