Pages

Thursday, April 14, 2011

Tin và không tin

Tin và không tin

Joyce Anne Nguyễn
Blogger từ Na Uy
Hải Di, hình trong bài lấy từ trang blog của tác giả
Khi viết bài này trong chuyến tàu đi từ Prague đến Warsaw, tôi không có hy vọng sẽ tạo nên một sự thay đổi về quan điểm của người đọc, không hy vọng lớp trẻ VN đang sống tại VN có thể có cách nhìn khác hơn về hệ thống xã hội VN, đơn thuần là tôi viết chỉ để viết, viết quan điểm và cách nhìn của tôi. Tôi đã cố gắng để không bị xem là phiến diện nhưng quan điểm cần rõ ràng hoặc bên này hoặc bên nọ, không có thói quen đứng dạng chân cùng lúc 2 quan điểm.
Tôi sinh ra ở Sài Gòn, và lớn lên ở Sài Gòn. Và tôi rời Sài Gòn ngày 22/4/2009, đến Na Uy ngày 23/4. Tương đối đủ để hiểu về cuộc sống của con người tại VN, để thấy những ngóc ngách khía cạnh khác nhau của xã hội VN mà nhiều người VN sinh tại nước ngoài chỉ về một vài lần không thể thấy hết được. Trong cách nghĩ của tôi, sống trong một thời gian dài và ghé thăm vài lần, mỗi lần vài tuần là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Những người sống trong nước có thể không biết nhiều về chính trị nhưng thấy rõ những mặt xấu và hạn chế trong môi trường mình đang sống.
Ở đây tôi nói về việc tin và không tin trong xã hội VN.
Khi tôi sinh ra và bắt đầu đến trường, tôi đã được dạy về Bác Hồ, được dạy đó là vị Thánh sống hoàn hảo không vợ không con cả đời hy sinh vì quốc gia dân tộc, không một xu trong tay rời khỏi nước tìm đường cứu nước.
Tôi đã được dạy xã hội VN tốt đẹp tự do và tôn trọng con người ra sao.
Tôi đã được dạy về những điều vỹ đại siêu việt của chủ nghĩa Marx- Lenin tôi phải học trong môn triết tại trường, được dạy về chiến tranh, về tinh thần đấu tranh bền bỉ bất khuất của con người VN đánh đuổi ngoại xâm.
Khi ấy tôi vẫn còn nhỏ và tôi tin những gì tôi đã học tại trường. Tôi không nghĩ ta có thể lừa gạt con nít và nhồi nhét những điều dối trá cho trẻ thơ. Tôi đã nghĩ dân tộc VN là dân tộc hào hùng không bao giờ nhún nhường trước bọn xâm lược. Tôi đã nghĩ những điều ấy thật tuyệt vời và đáng tự hào. Tôi đã nghĩ…
Nhưng rồi tôi được đến nước ngoài. Tôi sống tại Na Uy, tôi đi qua Pháp, qua Đức, qua Tiệp Khắc và sắp tới sẽ là Ba Lan. Tôi phải tự hỏi, nếu chế độ này hoàn mỹ đến thế, tại sao nó lại sụp đổ ở hàng loạt các nước Đông Âu và trên thế giới?
Tác giả tại khu tưởng niệm Do Thái ở Ba Lan
Bài viết là những suy nghĩ trên chuyến đi xuyên châu Âu sang Ba Lan
Ở những nước Đông Âu đã từ bỏ chế độ cộng sản, tôi có thể thấy rõ cuộc sống của họ trở nên tốt hơn rất nhiều so với trước kia. Con người không dễ dàng bằng lòng chấp nhận số phận thụ động mà chủ động đứng lên đấu tranh vì nhân quyền và tự do dân chủ, khi họ được quyền đến sự thật thay vì những lời tuyên truyền dối trá và được phản kháng và cất lên tiếng nói của mình.
Xã hội VN hay TQ có thể tiếp tục tồn tại vì họ từ lâu đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội ban đầu - cái xã hội lý tưởng không giai cấp, và đi theo nền kinh tế tư bản. Rất nhiều người đã nói với tôi về công nghiệp hoá, hiện đại hoá định hướng xã hội chủ nghĩa và đất nước ta đang đi theo con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, thế nhưng họ đã bênh vực mù quáng mà không nhìn lại một chút để nhận ra sự tương phản 180 độ giữa mô hình chủ nghĩa xã hội và những gì nhà nước đang thực hiện. Kêu gọi công nghiệp hoá, hiện đại hoá và khuyến khích mọi người làm giàu, ấy là tư bản. Đó là lý do TQ, VN có thể tồn tại.
Yêu nước?
Tôi đã được dạy về tinh thần yêu nước không khuất phục của con người VN. Nhưng khi cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra chống đối TQ liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, họ bị đàn áp và bắt giữ. Mẹ tôi cũng đã bị bắt vì biểu tình chống TQ. Chỉ vì yêu nước.
Những công an bắt giữ mẹ tôi và những người khác nói rằng mẹ tôi bị bắt vì lý do tụ tập không xin phép (không dùng từ “biểu tình”), nhưng không nói được muốn tụ tập phải xin phép ở đâu. Và từ sau đó họ bắt đầu chú ý đến gia đình tôi. Họ đọc mail, họ nghe điện thoại, họ theo dõi.
Khi mẹ tôi bắt đầu viết blog, tình hình trở nên khác đi. Đôi khi công an đến nhà tôi và hỏi về giấy tờ và hộ khẩu, một cách bất thường. Và đôi khi công an gọi mẹ tôi thuyết phục, bảo biểu tình như thế là ảnh hưởng đến an ninh, đến quan hệ ngoại giao của VN và TQ. Một người công an khi ở quán cà phê cũng nói thẳng, thật ra những gì mẹ tôi viết là không có gì sai, nhưng không nên viết trên blog như thế cho người khác thấy, nếu bức xúc mẹ tôi có thể viết nhật ký.
Tình hình không đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến việc học của tôi. Tôi vẫn được đến trường như bình thường và cũng không ai xuất hiện để dạy dỗ và gây khó dễ. Tôi cũng không nghĩ họ có nói gì với các giáo viên hoặc nhân viên trong trường.
Nhưng mẹ tôi không thể tiếp tục làm việc. Công việc đang làm dở bị ngưng nửa chừng, không một lý do rõ ràng, chỉ vài lời giải thích nhập nhằng mơ hồ khoả lấp. Có giai đoạn mẹ tôi hoàn toàn không có việc làm, và nợ càng lúc càng dồn. Mỗi khi mẹ tôi đến nơi làm mới, họ đều đến nói đôi lời với tổng giám đốc để dặn dò.

Yêu nước là gì?
Có lẽ người khác sẽ không tin và cho rằng đó là điều dối trá. Trong xã hội VN, người ta có câu “Một điều dối trá nói trăm lần, ngàn lần sẽ trở thành sự thật.” Những điều nhà nước bắt ta phải tin, dần dần ta tin không cần đắn đo suy nghĩ để kiểm chứng mức độ xác thực. Ta tin vì ta đang sống trong xã hội này, ta tin vì ta đang ở dưới chế độ này. Ta tin để tiếp tục sống. Còn nhiều điều khó tin rút cuộc lại là sự thật. Những điều tôi vừa kể, nếu được nghe từ ai đó xa lạ, có lẽ tôi sẽ không bao giờ tin. Nhưng vì đó là những chuyện đang thực sự xảy ra và tôi đã tận mắt có mặt, chứng kiến và trải qua.
Tôi cũng đã thấy họ bôi nhọ danh dự mẹ tôi cùng những người khác bất đồng chính kiến bằng những lời bôi xấu trước báo chí hoặc trên chính báo chí. Tôi đã được học trong chính nền giáo dục VN về xã hội phong kiến khi người phụ nữ không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đặt câu hỏi thắc mắc và phản kháng. Nhưng ngày nay rút cuộc trong chính xã hội hiện tại, không chỉ phụ nữ mà tất cả mọi người nói chung không được phép tự do nói lên cách nghĩ của họ, không được phản kháng và biểu tình chống đối.Nhìn ra ngoài

Bây giờ tôi đang sống trong một nước khác và thời gian vừa qua may mắn tôi đã có cơ hội đến thăm một số nước tại Châu Âu. Tôi đã nhìn, đã thấy, đã quan sát và so sánh.
Tôi thấy họ tôn trọng mạng sống, tôn trọng dân họ. Tại Na Uy, người thất nghiệp không thể tìm việc làm, dân tỵ nạn, người điên, chậm phát triển, tàn tật, người già… đều được nhà nước cấp tiền nuôi. Có những trường hợp người bệnh, nhà nước bỏ tiền đưa người mẹ từ nước khác sang săn sóc con. Họ cấp tiền cho người tâm thần mua rượu và thuốc lá, nghe có lẽ hơi kỳ lạ, nhưng theo cách họ nghĩ, đó là nhu cầu bình thường của người tâm thần. Tôi đã từng cười việc họ thổi phồng, viết báo và phỏng vấn con gái một người đàn ông bị tù 3 ngày trong Thế chiến thứ 2, nhưng rút cuộc nó chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân: họ tôn trọng dân họ, từng cá nhân trong đất nước họ, và số lượng người chết quá ít.
Tại một nước Bắc Âu, một lần một thị trưởng phải đứng lên xin lỗi nhân dân trong thành phố vì một con đập mở ra và đóng lại đều đặn mỗi ngày, một lần sớm hoặc trễ vài phút chẹt chết một con thiên nga, ảnh hưởng đến sinh thái.
Tại Pháp, mỗi khi giá cả xuống thấp, nông dân đi biểu tình và nhà nước đền bù một số tiền nhất định cho họ.

"Tôi đã nhìn, đã thấy, đã quan sát và so sánh"
Tại Đức, một lần các ôtô đều được thông báo về việc có trẻ con trên tuyến đường dành riêng cho xe ôtô chạy tốc độ cao, đây là một cậu bé 9 tuổi trễ xe buýt quyết định tự đi bộ đến trường, sau vài phút xe cảnh sát đến và đưa thẳng cậu bé đến trường học.
Tại VN. Cháy nhà. Sập nhà khi vừa thi công công trình. Lũ và dự báo thời tiết sai. Sập cầu. Cây đổ. Dây điện rớt. “Lô cốt” chắn đường. Tai nạn giao thông. Ung thư vì thức ăn kém vệ sinh và môi trường ô nhiễm. Vướng vào cột điện và ngắt điện quá trễ… Người ta có thể chết vì hàng trăm hàng nghìn cách khác nhau.
Nói sự thật
Ở đây tôi không muốn chê bai chỉ trích đất nước tôi và vọng ngoại tâng bốc nước ngoài. Đơn thuần tôi chỉ nói lên sự thật. Nói lên những gì tôi đã nhìn thấy, đã quan sát tận mắt.
Và tôi tự hỏi, một nhà nước có tốt không khi mạng người xem như cỏ rác, bao nhiêu người chết họ không quan tâm, đôi khi vì số lượng quá lớn họ phải đứng ra nói vài lời sáo rỗng cho qua và đền bù vài triệu cho xong? Một nhà nước có tốt không khi họ đàn áp từ công nhân đến nông dân, từ Công giáo sang Phật giáo? Một nhà nước có tốt không khi họ phải theo dõi, bôi xấu, vu khống, chặn đường kinh tế, đàn áp và bắt giữ những người bất đồng chính kiến ?
Tôi đã đi, đã gặp và trò chuyện với rất nhiều người Việt ở Đông Âu, và họ đều chỉ muốn về chơi chứ không muốn về sống. Và rất nhiều người VN tôi biết không muốn trở về.
Nói thẳng thắn, tôi cũng không muốn về. Tôi không về được và cũng không muốn về. Đó không phải là không yêu nước. Đó không phải là không muốn góp phần xây dựng đất nước. Mỗi người chúng ta đều muốn làm gì đó cho đất nước, nhưng rút cuộc công sức sẽ chỉ tan thành tro bụi và đổ sông đổ biển vì bạn có thể xây dựng được gì trong xã hội một thằng xây 9 thằng phá này ?
Đây không phải là xã hội chủ nghĩa như cái họ đang rao giảng nhồi nhét tuyên truyền cho mọi người, khi có những người làm việc cực khổ, nợ nần chất đống đến độ phải tìm những công ty môi giới tìm cách sang các nước Đông Âu làm việc cho nhà máy (tôi đã gặp họ). Trong khi có những người có thể bay một chuyến từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ để ngủ một đêm để đổi không khí, có những người đồng hồ 800 đô mỗi tuần thay một cái và đến sinh nhật tặng bạn bè mỗi đứa một cái.

Và tôi tự hỏi. Tại sao chúng ta lại phải cam chịu chấp nhận? Tại sao chúng ta không thể lên tiếng phản đối? Tại sao chúng ta không thể đứng lên đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn? Tại sao chúng ta không làm gì đó cho đất nước, thay vì chịu đựng hoặc bỏ sang nước ngoài và không cần quan tâm đến VN nữa?
Trung tâm thương mại Việt Nam ở Ba Lan
"Tôi đã gặp và trò chuyện với rất nhiều người Việt ở Đông Âu"
Tại Ba Lan công nhân đình công và thổi bùng cách mạng với sự dẫn dắt của Giáo Hoàng. Quân cờ domino đổ đầu tiên dẫn đến hàng loạt các quân cờ khác đổ một loạt tại các nước Đông Âu. Người dân biểu tình hoà bình vì nhân quyền và tự do dân chủ, và người lính hạ súng từ chối bắn vào nhân dân họ. Tại Đức, khao khát tự do người ta tìm cách vượt qua bức tường từ Đông sang Tây (như dân VN trước đây hàng loạt kéo nhau vượt biên gây chấn động Thế Giới) dẫn đến kết quả cuối cùng là giật đổ cả bức tường.
Họ đã đứng lên. Nổi dậy. Phản kháng. Cất lên tiếng nói và đòi hỏi cho tự do dân chủ.
Nhưng liệu nhân dân VN sẽ tranh đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn hay tiếp tục cam chịu những mục ruỗng thối nát của chế độ với quan niệm đánh đồng yêu quê hương Tổ quốc và yêu nhà nước và suy nghĩ an ủi xã hội đang dần dần phát triển?
Nhà nước này và những người tự nhận mình yêu nước hơn người khác chỉ vì bênh vực Đảng và chế độ luôn tìm ra cách giải thích và biện minh cho mọi sự kiện và vấn đề, nhưng tại sao thay vì tìm cớ, tìm cách giải thích khoả lấp cho qua chuyện, chúng ta không tìm giải pháp và làm gì đó để cải thiện những mặt không tốt ấy?
Tại sao thay vì chờ đợi cho một điều không bao giờ đến - sự can thiệp của một nước khác, chúng ta không tự quyết định cho số phận của chính mình?
Tại sao thay vì cam chịu sống cùng những mục ruỗng lũng đoạn của xã hội và những lời giải thích khập khiễng, chúng ta không đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn?

Những điều tôi đã nói, các bạn không tin và hỏi tôi bằng chứng thuyết phục đâu, thế các bạn đã bao giờ thắc mắc và nghi vấn về những điều các bạn đã được dạy dỗ bao lâu nay chưa?
Các bạn có bao giờ nghi ngờ tính xác thực của những điều ấy hay trong quan niệm của bạn, nhà nước không thể tuyên truyền áp đặt dối trá cho dân chúng? Và rằng bạn sống trong đất nước này, các bạn cần phải đặt lòng tin tuyệt đối vào nhà nước này và bạn tin (hoặc thuyết phục bản thân phải tin) rằng ban lãnh đạo đều đang cố gắng hết sức mình để làm những điều tốt đẹp nhất cho xã hội Việt Nam?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống cùng gia đình ở Na Uy.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.