Pages

Friday, April 15, 2011

'Tôi đã nhầm về Trung Quốc'

'Tôi đã nhầm về Trung Quốc'

image
John Humphrys
BBC, Trung Quốc
Khi bạn đã là phóng viên từ rất lâu như tôi, bạn bắt đầu nghĩ mình đã chứng kiến tất cả, chẳng còn gì có thể làm bạn ngạc nhiên. Tôi đã tường thuật ở mọi nơi trên thế giới trong 52 năm làm công việc kỳ lạ này.
Tôi đã tường thuật chiến tranh và các cuộc cách mạng, chứng kiến các quốc gia mới ra đời và một số quốc gia cũ bị hủy diệt. Tôi đã phỏng vấn các lãnh đạo thế giới từ Nelson Mandela cho đến Ronald Reagan và số lượng thủ tướng thì tôi không đếm nổi nữa.
Tôi đã bị bắn, bị bom, bị cầm tù bởi những nhà độc tài điên rồ, và rất hiếm hoi, lại được đưa qua các đường phố trong vinh quang khi đài BBC được người ta xem là đã ủng hộ phe chính nghĩa trong một cuộc chiến tranh vừa kết thúc.
Tôi đã lặng lẽ khóc trước những khổ đau từ động đất, nạn đói, và đã kinh ngạc trước sự dũng cảm và lòng vị tha của những con người liều mình cứu đồng loại.
Tôi tưởng mình đã chứng kiến tất cả.
Vì thế khi Ceri Thomas, chủ biên của tôi ở chương trình Today, nói tôi nên có vài tuần ở Trung Quốc để tường thuật sự thay đổi của nước này, nói thực là tôi hồ nghi.
Tôi trả lời tôi biết Trung Quốc. Tôi đã đến đó từ hơn 30 năm và chẳng thể nào có thể làm công việc tường thuật đúng nghĩa tại đó.
Anh cần phải sống tại chỗ, làm thân, thiết lập mạng lưới riêng để có thể nói chuyện với người dân mà không bị cái gọi là "người giám sát" quấy nhiễu.
Chúng tôi đã thường phải bực dọc. Không người có quyền hành nào lại nói chuyện với chúng tôi và chúng tôi không thể đến gần giới bất đồng chính kiến.
Chúng tôi sẽ rời khỏi đất nước mà chẳng khôn hơn chút nào. Trung Quốc sẽ vẫn là một bí ẩn lớn cho người ngoài như lâu nay vẫn thế.
Tôi đã đúng ở một điểm và sai lầm ở mọi chi tiết khác.
Tôi đúng khi tôi nói chẳng ai lại có thể ở đây vài tuần mà trả lời được những câu hỏi căn bản nhất: đất nước này đang đi về đâu và tham vọng của nó là gì?
Nhưng nói thế cũng chẳng có gì sâu sắc. Tôi đã nói chuyện với những người sống ở đây nhiều năm chứ không phải nhiều tuần, và họ cũng không trả lời được.
Tôi đã sai lầm tột độ ở chỗ là chúng tôi đã không trải qua thời gian ở đây với cảm giác bực dọc. Hoàn toàn ngược lại.

Tác giả muốn gặp vợ ông Lưu Hiểu Ba mà không được
Tôi được tự do đi đâu thì tùy, khi nào cũng được, nói chuyện với hầu như bất kể ai mà tôi muốn mà chẳng có ai ngăn chặn.
Đất nước này đã mở cửa theo cách mà tôi chẳng thể hình dung.
Không có người giám sát. Không hạn chế đi lại, tất nhiên ngoại trừ Tây Tạng. Không phiền nhiễu. Với một phóng viên kỳ cựu, đất nước này đã được chuyển hóa. Gần như là thế.
Có một người tôi rất muốn nói chuyện là Lưu Hiểu Ba, nhà phản kháng nổi tiếng nhất của nước này. Ông được trao giải Nobel Hòa bình vì cách ông chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc. Nhưng ông đang trong tù - 11 năm vì "kích động chống đối".
Tôi đã cố gắng nói chuyện với vợ ông, nhưng điện thoại của bà bị ngắt. Và khi tôi đi đến căn hộ của bà ở Bắc Kinh, bảo vệ không cho tôi đi qua hàng rào. Họ có thể chuyển lời của tôi cho bà hay không? Không được.
Họ chỉ cho tôi thấy tấm biển gắn ở cổng vào tòa nhà: "Không phỏng vấn".
Tôi được cho hay, theo cách lịch sự nhưng cương quyết, rằng tôi phải ra đi và khi tôi rời khỏi đó, hai bảo vệ đi theo tôi xuống phố. Khi tôi gọi taxi, họ ghi lại biển số xe.
Nhưng đó là sự phiền nhiễu duy nhất tôi gặp.
Liên lạc duy nhất còn lại của tôi với công an là ở Trùng Khánh.
Đây là thành phố tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, nơi mà ô nhiễm tệ đến mức ta hầu như chỉ thấy đỉnh các tòa nhà cao tầng được dựng lên năm phút một lần, và có những ngày ta hầu như không thở nổi.
Trong đêm thứ hai của tôi ở đấy, một công an đến khách sạn chào đón và chúc chúng tôi có chuyến thăm vui vẻ. À, và khi chúng tôi nói chuyện với dân địa phương, xin nhớ là nhiều người không học hành nhiều và có khi không hiểu câu hỏi của tôi, vì thế xin tôi đừng làm họ xấu hổ? Thế thôi. Chúng tôi không còn gặp anh ta nữa.

Trùng Khánh phát triển nhanh đến chóng mặt
Đó là một thay đổi to lớn. Ngày xưa người nước ngoài - đặc biệt là phóng viên nước ngoài - bị đối xử như đe dọa tiềm ẩn cho Nhà nước, bị theo dõi suốt ngày, nay thì họ được chào đón.
Những tự do mới này dường như cũng được áp dụng cho chính người Trung Quốc.
Tôi đã nói chuyện với một quan chức cao cấp người thành thật thừa nhận rằng ngày xưa, đất nước này quá hà khắc. Khi ông ta còn là sinh viên, ông ta bị trông thấy đang nói vài chữ tiếng Pháp với khách du lịch - chẳng có gì nhiều ngoài "bonjour" và "comment ca va?"
Quay lại trường, ông bị hiệu trưởng cảnh cáo không được làm thế nữa, và nói ông thật may mắn không bị bắt.
Nay, ông nói, người dân Trung Quốc được khuyến khích nói chuyện với người nước ngoài vì chính phủ muốn dân biết về thế giới bên ngoài.
Dù điều đó có thật hay không, thì rõ ràng người Trung Quốc dễ dàng đi du lịch trong nước hay lấy visa đi nước ngoài. Trừ phi, dĩ nhiên, họ bị xem là bất đồng chính kiến. Khi đó thì khác.
Họ có vẻ thực sự khó hiểu khi tôi cứ bảo rằng tự do tối thượng là tự do lật đổ những người cầm quyền nếu ta không thích họ.
Một người bất đồng chính kiến, nếu ta tước bỏ đi ngôn ngữ chính thống, là người muốn nhân dân Trung Quốc có thể bỏ phiếu cho một chính phủ khác và dám nói như thế công khai.
Khi những nhân vật trong ban lãnh đạo Trung Quốc nói về dân chủ, họ không hàm ý nói về dân chủ kiểu phương Tây.
Khi họ nói về "các đảng khác" được phép hoạt động và gửi đại diện đến Quốc hội, họ không nói về những đảng chính trị có thể chống đối đảng Cộng sản. Đó chỉ là những cơ quan tham vấn.
Nhưng điều đáng nói là đa số người dân bình thường tôi gặp cũng không quan tâm lắm đến dân chủ kiểu phương Tây. Ngay cả một nhóm sinh viên trẻ thông minh, mà một số đã du học nước ngoài, kể cả ở Anh.
Họ hoàn toàn vui sướng với tự do và muốn cải cách chính trị tiếp tục. Và họ cũng muốn đất nước trở nên giàu có hơn.
Và chừng nào Đảng Cộng sản còn làm được tất cả điều đó, họ không thấy có lý do đi tìm một hệ thống khác.
Họ có vẻ thực sự khó hiểu khi tôi cứ bảo rằng tự do tối thượng là tự do lật đổ những người cầm quyền nếu ta không thích họ.
"Quý vị cứ làm chuyện đó suốt ở đất nước của quý vị," một người nói với tôi. "Và không có vẻ gì là có khác biệt nhiều. Điều chúng tôi muốn là ổn định - và chúng tôi có nó."
John Humphrys, sinh năm 1943, là một trong những người dẫn chính của chương trình phát thanh Today trên đài Radio 4 của BBC. Ông đã giành nhiều giải thưởng báo chí lớn của Anh.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.