Pages

Thursday, April 14, 2011

Vì đâu nên nỗi

Vì đâu nên nỗi

image
Hình chụp cách nay 3 năm của hai mẹ con bà Nguyễn Thu Nương và con trai Nguyễn Lam Sơn.

Những chuyện hục hặc giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình người Việt sống trong nước hay ở hải ngoại thật ra không phải là chuyện gì mới lạ, tuy rằng nhiều người có thể nhận xét rằng tình trạng này có lẽ phổ biến rộng rãi nhiều hơn ở các nước Âu Tây do bởi ảnh hưởng của nền văn hoá các nơi này tôn trọng quyền tự do cá nhân của mỗi con người, và do đó dễ dẫn đến những tình huống con cái trong gia đình không tôn trọng ý kiến của cha mẹ và dễ đưa đến tình trạng gây gỗ hay xung đột.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời điểm trước năm 1975 khi chưa có tình trạng bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản, trong nhiều gia đình vẫn luôn xảy ra nhiều cảnh xung đột nội bộ giữa cha mẹ và con cái do bởi sự xung khắc giữa hai thế hệ luôn là đề tài muôn thưở tạo ra những cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” ở mọi nơi và trong mọi thời đại. Có khác chăng là xã hội thời trước không nhiều thì ít cũng mang tính chất bảo thủ nhiều hơn, và ít có ai chịu khó suy nghĩ đến hạnh phục thực sự và quyền căn bản của những con người mang phận làm con trong gia đình, do bởi ảnh hưởng nặng nề của tinh thần Nho giáo hủ lậu và cực đoan buộc con cái phải hết dạ trung thành với cha mẹ, tương tự như con dân phải trung thành với vua chúa một cách mù quáng theo kiểu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.  Nhưng có lẽ ít có sự xung khắc nào giữa hai thế hệ cha mẹ và con cái lại dẫn đến một kết quả thương tâm và thảm khốc như trường hợp đã xảy ra cho một gia đình người Việt cư ngụ tại thành phố Garden Grove ở vùng Orange County thuộc miền nam California, nơi được coi như là thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản trên thế giới.

Tờ nhật báo lớn nhất trong vùng là tờ Orange County Register đã có một bài phóng sự khá dài phân tích tỉ mỉ vấn đề cũng như nêu được nhiều chi tiết lý thú phản ảnh đúng tình cảnh của nhiều gia đình cũng lâm vào cùng cảnh ngộ, tuy rằng không dẫn đến một kết cục bi thảm như trường hợp của mẹ con bà Nguyễn Thu Nương đã bị người con trai cả trong nhà là anh Nguyễn Lam Sơn bóp cổ nghẹt thở tại tư gia trong ngày 21 tháng Chạp năm 2008. Tác giả bài viết là ký giả Rachanee Srisavasdi dường như cũng biết tìm hiểu kỹ lưỡng về tâm lý và thói quen có tính truyền thống của nhiều người Việt, nhất là những bậc làm cha mẹ, để diễn tả những tình tiết xung đột trong tâm cảm mà có lẽ ít có độc giả người Việt nào phủ nhận được.  Ðó là bài phóng sự đề ngày 2-2 vừa qua nói về một vụ án chắc chắn sẽ tạo nhiều chấn động trong các cộng đồng người Việt khắp nơi liên quan đến một người con trai bị cáo buộc tội giết chết mẹ ruột của mình.  Nhưng liền sau đó, phiên toà đã bị đình hoãn lại vì lý do sức khoẻ đặc biệt liên quan đến tình trạng tâm thần của bị đơn.

Theo lời của công tố viên Cameron Talley thì dường như các bác sĩ đã lo ngại rằng anh Sơn đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng với nhiều dấu hiệu muốn tự sát, và do đó đã quyết định chăm sóc và theo rõi bệnh nhân kỹ lưỡng hơn. Tin tức mới nhất trong tuần này cho biết là phiên toà xét xử được dự trù sẽ bắt đầu vào ngày 2 tháng Ba sắp tới. Trong buổi ra hầu toà vào ngày thứ Năm 18-2 vừa qua, anh Sơn đã xác nhận với thẩm phán John Conley rằng các bác sĩ đã cho anh uống thuốc để giúp lấy lại quân bình và anh có thể đủ tỉnh trí để tham dự phiên toà.

Ðó là vụ xét xử về anh Nguyễn Lam Sơn, 31 tuổi cư dân tại Garden Grove đã bị cáo buộc tội bóp cổ giết chết mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thu Nương 71 tuổi tại tư gia. Vụ án thương tâm này gây chấn động vì nó phản ảnh một sự xung đột giữa hai thế hệ rất tiêu biểu trong các gia đình người Việt khi các bậc cha mẹ vì quá mong muốn một số điều theo lý tưởng của mình nên đã tạo nên nhiều áp lực lên con cái mà không nghĩ đến những hậu quả tai hại của những áp lực này.
Anh Sơn đã khai với cảnh sát tại Garden Grove rằng anh và mẹ anh đã cãi nhau kịch liệt vì anh không muốn trở lại học ngành y khoa như ý muốn của bà mẹ. Ðiều đáng nói là anh Sơn được coi như là một người con ngoan ngoãn và gương mẫu, lúc nào cũng vâng lời mẹ mình và suốt đời chưa bao giờ dám lớn tiếng cãi lại mẹ cho đến khi xảy ra chuyện anh lại xuống tay bóp cổ mẹ mình khiến nghẹt thở. Trong khi đó bà Nương là một bà mẹ hết lòng thương đứa con trai lớn trong nhà để sẵn sàng hy sinh mọi thứ hầu săn sóc và lo lắng cho con với ước nguyện rằng con mình có thể học thành công để trở thành một bác sĩ y khoa cho nở mày nở mặt với bè bạn. Vì thế nên tất cả mọi thân bằng quyến thuộc và bạn hữu xa gần đều ngỡ ngàng và chấn động khi hay tin chính anh Sơn lại là kẻ đã xuống tay giết chết mẹ mình.
Sơn đã khai với cảnh sát rằng anh đã siết cổ mẹ mình. Nhưng câu hỏi được đặt ra, và bồi thẩm đoàn trong phiên toà sẽ phán quyết, là phải chăng anh thực sự có ý định giết mẹ mình. Nhưng một câu hỏi lớn hơn và chắc chắn không có câu trả lời được đưa ra sau khi phiên toà kết thúc, lại vang to trong đầu óc của tất cả những bậc làm cha mẹ trong các gia đình người Việt lúc nào cũng mong muốn mọi điều tốt đẹp cho con cháu nhưng vẫn thường bực mình mỗi khi không được như ý nguyện: đó là vì sao một cậu con trai ngoan hiền như anh Sơn lại có thể bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” để đưa hai bàn tay sát nhân của anh bóp nghẹt cổ mẹ mình. Bà dì của anh là Marie Nguyễn chỉ biết ngậm ngùi đưa ra một nhận xét xác đáng nhưng không giúp tìm ra câu trả lời: “Tôi biết là cháu nó thương mẹ nó lắm, và mẹ nó cũng thương con lắm. Nó là một đứa con ngoan.”
* * *
Vợ chồng bà Nương rời Việt Nam để sang định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1983 và chọn thành phố San Diego để lập nghiệp khi Sơn chỉ mới lên 5 và có một người em trai là Hải chỉ mới có 2 tuổi. Bà Nương hành nghề dược sĩ tại Việt Nam và có ông chồng tên Thịnh kém bà đến 16 tuổi. Theo lời kể lại của bà Marie Nguyễn, cư ngụ tại Los Angeles và thỉnh thoảng đến thăm gia đình chị em trong những dịp lễ lạc, thì gia đình bà Nương sống có vẻ rất hạnh phúc. Ông Thịnh có công ăn việc làm là thợ điện và hai đứa con ngoan. Bà Nương lúc nào
cũng hãnh diện khoe về cậu con trai luôn mang về điểm tốt trong trường học. Bà rất tự hào về sự thông minh của cậu con trai và luôn nói rằng nó sẽ trở thành một vị bác sĩ.
Người em kế của Sơn là Hải cũng nói rằng mẹ mình là một người mẹ luôn chăm sóc và thương yêu con cái. Thế nhưng bà ta chỉ có một cái “tật” không hoàn hảo, đó là bà thường hay muốn mọi việc xảy ra theo đúng với ý muốn của mình. Anh Hải nói rằng niềm say mê hạnh phúc của mẹ anh đã biến bà thành một người muốn tô vẽ tạc tượng những người con của mình.
Mọi sự bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt từ năm 2000 khi hai vợ chồng bà Nương quyết định ly dị, tuy rằng họ vẫn chưa ly thân ngay lập tức. Sự chia tay này để lại nhiều đau buồn cho Sơn. Anh đã thuật lại cho cảnh sát nghe rằng đây là thời điểm mà anh đã được khám nghiệm hai lần để chữa trị bệnh tâm thần. Anh thường hay buồn rầu và giận dữ mỗi lần nghe được cha anh nói chuyện qua điện thoại với những người bồ mới của ông ta.  Khi hai vợ chồng thực sự chia tay và dọn ra ở riêng, Hải quyết định theo sống với cha trong khi Sơn ở lại với mẹ.

* * *
Vì Hải không làm theo ý muốn của mẹ mình để đi học y khoa và trở thành bác sĩ, và cũng không muốn học dược khoa để hành nghề dược sĩ như mẹ nên bà Nương chỉ còn cách dồn mọi chú tâm vào người con trai lớn để trở thành một vị bác sĩ làm rạng danh cho gia đình. Anh Hải cũng học đại học và đang đeo đuổi cấp bằng cao học về ngành tâm lý. Nhưng anh nói rằng mẹ của mình bao giờ cũng mơ ước đạt được một vị thế cao hơn trong xã hội và bà đã đặt áp lực nhiều hơn lên người con cả.  Thoạt đầu, Sơn ghi danh tại trường đại học UC ở Irvine để lấy bằng cử nhân về sinh hoá. Sau đó, anh học tiếp hai năm tại trường Ðại học Dược khoa ở tiểu bang Massachusetts. Và rồi, anh lại quyết định ghi tên theo học y khoa tại trường Ðại học Ross ở đảo quốc Dominica thuộc vùng Caribbean. Bà Nương có lẽ rất hài lòng trước quyết định này nên cũng sẵn sàng hy sinh và dọn nhà sang đảo quốc này để sống gần cậu con trai cả. Bà cũng bỏ tiền ra để giúp đỡ cho con mình trong việc ăn học tuy rằng anh ta cũng nộp đơn xin vay tiền để trang trải học phí rất tốn kém. Hai mẹ con sống bên nhau êm đềm hạnh phúc trong một căn chung cư trước mặt trường đại học. Ðột nhiên, đến mùa thu năm 2008, anh Sơn quyết định tạm ngưng thôi học và hai mẹ con lại dọn trở về Garden Grove để sống ở Quận Cam.
Ðến năm 2008, anh tạm rời trường và trở về sinh sống tại Garden Grove và sau đó không lâu thì xảy ra vụ tai nạn thảm thương trong gia đình. Hồ sơ toà án cũng cho biết là anh Hải sẽ ra làm chứng bênh vực cho người anh trai của mình.
Về sau này, Sơn đã khai với cảnh sát rằng đây là khoảng thời gian mà anh cảm thấy áp lực nặng nề nhất của bà mẹ cứ nhắc nhở anh chuyện bà muốn con mình trở thành bác sĩ. Anh nói với người thẩm vấn: “Trong văn hoá của chúng tôi, thông thường cha mẹ đều muốn con cái phải làm đúng theo những gì họ đã nói ra. Nếu như con cái biết vâng lời cha mẹ thì điều đó đem lại danh dự cho gia đình. Còn nếu cãi lại thì coi như là những đứa con bất hiếu đem lại ô nhục cho gia đình.”


image

Anh đã kể lại chi tiết trong đêm ngày 21 tháng Chạp khi đang ngồi viết email trên máy điện toán thì bà mẹ tiến đến gần anh. Tuy không nói ra, nhưng anh đã cảm nhận rằng bà mẹ vẫn còn giận dữ và dường như muốn đối diện anh để hạch hỏi cho ra lẽ. Bà tiếp tục nói rằng bà mong muốn thấy con trở lại trường y khoa trong lúc anh nói rằng mình chỉ muốn trở lại học ở trường dược vì anh chỉ còn có thêm một năm nữa là tốt nghiệp. Bà mẹ
nhất định không chấp nhận ý kiến này, và nói rằng anh phải nhận thấy cái niềm hãnh diện khi học ra bác sĩ để trở thành khá hơn những người con của bạn bà.
Cuộc tranh luận giữa hai mẹ con bỗng trở nên khá kịch liệt và gay gắt khi mẹ anh nói:
- Tại sao con không nắm lấy cơ hội đang có trong tầm tay để vượt qua những đứa bạn khác?
Sơn cảm thấy hết kiên nhẫn, và bắt đầu lớn tiếng, và bà mẹ cũng lớn tiếng hét trả lại:
- Tao là mẹ mày. Không có đứa con đàng hoàng nào mà lại bất kính la hét vào mặt mẹ mình như vậy.
- Tại sao mẹ lại không để cho con làm những gì mà con muốn? Ðối với mẹ, điều gì là quan trọng, phải hay
hơn những đứa con bạn của mẹ, hay là nghĩ đến hạnh phục của con mình?
Bà mẹ của anh lại tiếp tục kể lể, giảng bài đạo đức và nói rằng anh cần phải làm gương tốt cho em Hải noi theo. Ðến lúc này, dường như Sơn hết còn chịu đựng được. Anh bắt đầu lấy hai tay ôm đầu. Và rồi, đột nhiên, anh lên cơn tức giận và đưa hai tay bóp vào yết hầu bà mẹ. Sơn nói lại với cảnh sát rằng sau đó khoảng chừng 6, 7 giây thì anh buông tay ra và nghe có tiếng bà mẹ ho
khục khặc. Anh liền rời bỏ căn phòng và ra ngủ qua đêm ngoài xe. Ðến sáng hôm sau khi trở vô nhà, thì mới phát giác mẹ mình đã tắt thở. Anh liền gọi báo cho cảnh sát biết và sau đó đã bị bắt giữ và tống giam vào bót.

* * *
Nếu Sơn bị bồi thẩm đoàn phán quyết kết tội cố sát cấp một hoặc cấp hai, anh có thể lãnh án tù chung thân. Luật sư biện hộ Rob Harley nói rằng Sơn không đáng để bị kết tội cố sát bởi lẽ đây là một vụ tai nạn xảy ra bất ngờ giữa lúc đang lên cơn xúc cảm bốc đồng không tỉnh trí để kiểm soát được hành động của mình.  Vị luật sư này dự định sẽ mời một chuyên gia tâm lý hiểu rành về văn hoá để ra khai trước toà nhằm thuyết phục cho các bồi thẩm viên có thể hiểu được phần nào một nét văn hoá đặc thù của người Việt, trong đó nhấn mạnh đến việc con cái cần phải vinh danh cha mẹ bằng cách cố ăn học để lấy cho bằng được cấp bằng đại học tại Hoa Kỳ. Và chính cái áp lực tinh thần này đã đè nặng và ám ảnh anh Sơn cần phải theo học y khoa.
Luật sư Harley giải thích rằng anh Sơn đã bị đè đầu với ý nghĩ rằng “việc thoả mãn để đem lại niềm vinh hạnh cho bà mẹ là điều quan trọng nhất mà anh cần phải làm, hơn cả sự hạnh phúc cho chính cá nhân anh.”  Dĩ nhiên, Phó Biện Lý Cameron Talley trong vai trò công tố viên đại diện cho nhà nước để giữ gìn an ninh trật tự công cộng thì không thể nào chia sẻ tinh thần cởi mở và rộng lượng như luật sư biện hộ cho bị cáo. Theo
luật, công tố viên phải truy tố bị đơn ra toà về tội cố sát. Luật sư công tố Talley phát biểu: “Vụ này không phải là một tai nạn. Không phải bất cứ lúc nào chúng ta giận dữ là chúng ta đưa tay ra để bóp cổ người khác. Chúng ta có thể giang tay tát vào mặt hoặc đấm vào vai. Tôi nghĩ rằng anh ta đã giận dữ và thật sự muốn giết chết người mẹ mình.”
Không ai biết trước phán quyết của toà sẽ ra sao. Chỉ biết là trong phiên toà này, em trai của Sơn là Hải cũng sẽ ra làm nhân chứng trước toà để bênh vực cho anh mình. Riêng bà dì Marie Nguyễn cũng sẽ có mặt, cũng như đã thường xuyên thăm viếng cháu của mình hai lần mỗi tuần tại nhà tù ở Orange County. Cả hai gần như không bao giờ nói về những gì đã xảy ra, bởi vì nói như lời bà Marie nhận xét: “Ðây là một điều quá đau đớn cho cháu, và cũng quá đau buồn cho tôi. Tôi rất yêu mẹ của cháu nhưng giờ đây bà đã không còn nữa.
Chúng tôi chỉ còn biết chú tâm vào cuộc sống của cháu Sơn mà thôi.”  Theo tinh thần công lý đúng nghĩa tại Hoa Kỳ, anh Sơn đáng lý ra phải được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn
gồm những người giống như anh (a jury of peers). Nói một cách lý tưởng theo lý thuyết, nó phải gồm có 12 bồi thẩm viên là những người di dân gốc Việt giống như anh, thì họ mới có thể hiểu được cái tâm trạng bị đè nén trước cái áp lực nặng nề từ phía cha mẹ, cho dù anh đã vượt qua cái tuổi 18 từ lâu, mà xã hội Hoa Kỳ đều coi như là cái dấu mốc chính thức và hợp pháp để xác nhận sự trưởng thành và độc lập của con cái trong gia đình, và cha mẹ coi như không được quyền can thiệp vào những quyết định trọng đại của con mình.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khó cho luật sư Rob Harley thực hiện bởi lẽ hiển nhiên là toà án tại thành phố Santa Ana sẽ khó tìm ra được một vài người gốc Việt để được lựa chọn vào trong bồi thẩm đoàn, nói gì đến việc có cả 12 bồi thẩm viên đã sống qua tình trạng của những người di dân có một nền văn hoá và tập tục khác xa với cái văn hoá và truyền thống bình thường tại đây.
Cảm nhận đầu tiên khi đọc qua bản tin này, sẽ có nhiều bậc làm cha mẹ đều sẵn sàng lên án việc làm của bà mẹ Nguyễn Thu Nương là một người đàn bà ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến sự vinh hạnh cho chính cá nhân của mình (trong lúc nhân danh làm chuyện tốt đẹp và hướng dẫn con mình theo những lựa chọn khôn ngoan) thay vì chịu nghĩ đến quyền lợi thực sự của con cái.  Trong thực tế, gần như đa số những bậc làm cha mẹ người Việt đều có những nhận định và thói quen không khác gì bà Nương, và có khác chăng chỉ là ở mức độ lớn nhỏ mà thôi. Và chúng ta cũng thường biện minh cho những quyết định của mình là những điều đứng đắn, dựa theo kinh nghiệm khôn ngoan và từng trải nên chỉ muốn cho con cái sớm đạt được những điều ích lợi cho chúng trong tương lai. Vì thế nên bậc làm cha mẹ thường khó khi nào chấp nhận quyền tự do của con cái khi nghĩ rằng những quyết định tự do đó có phần thiếu khôn ngoan và chín chắn, chẳng hạn như cứ đòi theo đuổi những ngành khoa học nhân văn chẳng có thực tiễn và chẳng dễ kiếm ra tiền như các nghề bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ v.v. . .
Hai kinh nghiệm riêng tư mà kẻ viết bài này đã chứng kiến xác nhận tình trạng cởi mở hay bảo thủ của các bậc làm cha mẹ thuộc thành phần có học với kiến thức quảng bác nhưng đã có hai cách hành xử khác nhau trước quyết định của con cái. Người đầu tiên là một người bạn lâu năm từng là bác sĩ quân y thời VNCH. Khi con anh còn nhỏ, có lúc vợ anh đến đút cơm cho con (một thói quen thường thấy của các bà mẹ Việt Nam nuôi con) thì bị cháu bé từ chối không chịu ăn vì đang ham chơi với bè bạn trong nhà. Vợ anh cằn nhằn và than
phiền là cháu nó ham chơi nên không chịu ăn, một thói quen không tốt mà các bà mẹ thường không thích và có phần hơi lo ngại. Tuy nhiên anh bạn bác sĩ này tỏ ra không quan tâm, còn nói rằng con nó không thích thì đừng bắt ép nó, dù biết rằng việc bắt nó phải ăn cho đầy đủ trước khi mê mải chơi cũng là việc đúng và tốt mà thôi.
Anh kể lại rằng anh đã thử nghiệm bằng cách đe doạ con là hãy lựa chọn giữa việc phải ngồi ăn tiếp (vì thấy nó chưa ăn đầy đủ và hết thức ăn) hoặc là bị phạt đánh đòn. Sau vài giây chần chừ suy nghĩ, đứa bé đã trả lời là chịu đòn thay vì chịu ăn cơm tiếp. Vì thế nên anh đành chịu thua và lý luận rằng con nó đã quyết định như vậy thì chẳng lẽ mình lại áp đặt điều ngược lại lên chúng.
Một người bạn thứ hai chuyên hoạt động trong các công tác văn hoá và xã hội, tích cực tổ chức hàng năm những buổi hội thảo hướng dẫn các em học sinh trung học sắp bước vào đại học để nghe các chuyên gia đưa ra
một số các lời khuyên và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cũng hướng dẫn cho các phụ huynh biết thêm một số những kiến thức quý báu cần biết khi có con đang lựa chọn các ngành trên đại học. Nói chung, đây là những khoá hội thảo hướng dẫn hữu ích giúp cho học sinh và phụ huynh thu thập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm rộng rãi để dễ thích ứng trước những thử thách mới sắp đến khi các em sẽ bước vào ngưỡng cửa đại học. Và
chuyện này chỉ có mục đích tốt đẹp và nhân bản một cách tổng quát chứ không nhằm đề cao một ngành nghề nào, cũng như không có nhu cầu hoặc áp lực cần phải sắp xếp để cho con em học thành công hầu có thể tránh bị bắt đi quân dịch như trong thời chiến tranh của mấy thập niên về trước thời VNCH.
Tuy vậy, khi kể về kinh nghiệm riêng, anh bạn này cũng cho biết là anh ta cũng có phần hơi ngỡ ngàng và lo ngại khi nghe cậu con trai (trong số nhiều người con) đề nghị là sẽ theo học một ngành nhân văn (để ra làm chuyên viên viết kịch bản), một ngành có lẽ chẳng lấy gì làm khích lệ đối với đại đa số người Việt. Vì thế nên anh đã mất nhiều thì giờ và công sức để giảng giải về những khó khăn trong tương lai khi kiếm việc làm trong ngành này (trong lúc một mặt vẫn không nói rằng bố mẹ chống việc lựa chọn này của con), với dụng ý là con
sẽ thay đổi ý nghĩ để lựa những ngành khác. Sau đó không lâu, chính anh cũng là người đã ca ngợi thành tích của một cô gái gốc Việt là Choe Ðào đạt được thành quả vẻ vang và nổi tiếng trong ngành thời trang của Hoa Kỳ tại New York sau khi đã can đảm từ bỏ những ngành học khác khi mới bước vào đại học để đeo đuổi bộ môn vẽ kiểu thời trang mặc dù không được sự ủng hộ hay chấp thuận của bố mẹ lúc ban đầu. Sự kiện này cho thấy là anh bạn này, tuy có nhiều con và đáng lý ra phải có tinh thần cởi mở hơn, vẫn có thói quen như đa số các bậc cha mẹ người Việt khác, luôn tìm nhiều cách gián tiếp hoặc trực tiếp để ngăn cản những lựa chọn hay ý muốn của con cái vì nghĩ rằng nó không hay, không tốt đẹp hoặc danh giá như những gì mình mong muốn hoặc suy nghĩ cho con mình. Phải chăng đó cũng là thái độ của bà Nguyễn Thu Nương, tuy rằng không có phần cực đoan bằng?
Trong một chừng mực nào đó, nếu có thương yêu con thực sự, phải chăng chúng ta cũng phải chấp nhận luôn tất cả những quyết định của con cái, dẫu rằng nó có đi ngược lại những gì chúng ta từng ao ước hay ôm ấp. Bởi vì nói cho cùng, con cái chúng ta cũng vẫn là một con người trong xã hội, đã trưởng thành theo đúng với luật pháp sở tại, và từ đó phải được hưởng quyền tự do đúng nghĩa đích thực của nó.
Vì thế nên việc này xét ra là một việc nói dễ nhưng khó làm. Mong rằng câu chuyện thương tâm của mẹ con bà Nương cũng giúp chúng ta hiểu thêm phần nào sự việc và có thể cởi mở hơn đối với con cháu trong nhà.

Minh Thu

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.