Chu Tất Tiến.
Trong tất cả các sự kiện chính trị nổi bật tại Việt Nam năm 2009, có lẽ vụ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ làm đơn kiện Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là sự việc đem lại nhiều ngạc nhiên nhất, và mang tính chất quan trọng nhất. So sánh với các việc Dân Oan khiếu kiện, Công An đến xúc Dân Oan và tống trở về quê, Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ xin xỏ thất bại rồi sang Tầu, nhận lệnh của đàn anh để về nước lột lon một loạt năm viên tướng chỉ huy tại quân khu trọng yếu nhất của chế độ vì nghi ngờ họ “chống Tầu”, hay vụ nhà nước ăn cướp đất đai của Tam Tòa và Thái Hà … thì vụ một Luật Sư dám kiện người lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà Nước có tính chất rộng lớn hơn, và mạnh mẽ hơn. Nhiều bài báo đã phân tích vấn đề này với sự phân rẽ rất rõ rệt. Một số cho rằng người Luật Sư công chính mang trái tim can đảm này đã hiên ngang thay mặt cho 80 triệu người Việt Nam để tẩy lại lịch sử đã bị bôi đen vì chế độ. Một số khác lại cho rằng Luật Sư Hà Vũ là miếng mồi mà chế độ đưa ra để nhử các nhà đấu tranh khác lộ diện.
Đến đầu năm 2011, vụ xử án Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù làm cho cả thế giới phẫn nộ. Từ Hoa Kỳ sang Âu Châu, đâu đâu cũng lên án chế độ Cộng Sản này như một nhóm người mọi rợ chỉ có vũ khí mà không nhân tình.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề mang tính cách lạ lùng và mới mẻ này, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Khối 8406, tôi xin trình bày lại cuộc phỏng vấn Luật Sư Cù Huy Hà Vũ được thực hiện trước khi Cù Huy Hà Vũ bị bắt.
Với giọng nói mạnh mẽ và lưu loát, Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã trả lời người viết bài này một cách rất nhiệt tình.
Để trả lời câu hỏi về dư luận hải ngoại đang xôn xao về sự kiện anh làm đơn kiện chính Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vi phạm luật pháp khi ký giấy cho phép Trung Cộng được khai thác Bâu xít ở Tây Nguyên, anh cho biết là vào ngày 16 tháng 6 năm 2009, anh đã đâm đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng ra tòa án Hà Nội khi Nguyễn Tấn Dũng với vai trò Thủ Tướng ra quyết định trái pháp luật cho phép Trung Quốc được thăm dò, khai thác, và chế biến Bâu Xít tại Tây Nguyên và các vùng khác. Sở dĩ anh làm việc này là vì chính quyền Việt Nam nói chung và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng đã làm việc hoàn toàn khuất tất. Cụ thể là chưa bao giờ báo cáo với Quốc Hội mặc dù đã có quyết định từ năm 2004. Việc làm của Nguyễn Tấn Dũng đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng xúc động, tai hại cho đất nước. Trước hết, là dẫn đến sự có mặt đông đảo của người Trung quốc tại Việt Nam một cách không kiểm soát, dẫn đến khả năng xâm lược của người nước ngoài, đặc biệt là dẫn đến việc ngoại bang chiếm mất nóc nhà Tây Nguyên. Từ thời Pháp, đã có câu: “Ai chiếm được Tây Nguyên, sẽ làm chủ cả Việt Nam”. Vậy mà Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 167 để cho hàng chục ngàn người Trung Hoa tràn vào Tây Nguyên bất chấp hàng ngàn nhân sĩ yêu nước đã ký kiến nghị phản đối. Trang mạng Bô xít Việt Nam, tiếng nói mới trong chính trường xã hội Việt Nam, đã nêu lên thực trạng đáng phẫn nộ về vấn đề này.
Theo Luật sư Cù Huy Hà Vũ, đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam đã quá phẫn nộ, tập hợp cả hàng nghìn người phản đối chính phủ, Nhà Nước, và Đảng trong việc sai trái này. Ngoài ra còn có ba lá tâm thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, một công thần của chế độ, cũng kiến nghị phải hủy bỏ việc khai thác bô xít này.
Anh cũng cho biết là sau khi các kiến nghị được gửi đi, cả Quốc Hội, Đảng, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ ngoài tai, không thèm để ý. Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi đã gửi thư thống thiết yêu cầu chấm dứt việc khai thác bô xít nhưng Quốc Hội, Đảng và Thủ Tướng cũng không thèm trả lời, không thèm đọc, không thèm để ý đến tất cả mọi kiến nghị. Đây là một sự xỉ nhục không phải chỉ với Quốc Hội, mà còn là sự xỉ nhục với nhân dân, với lòng yêu nước của nhân dân. Vì thế, để đối phó với thái độ khinh mạn nhân dân này, anh phải đứng ra tự làm đại diện cho hàng chục triệu người Việt Nam trước nguy cơ mất nước, tác hại đến đời sống dân chúng ở Tây Nguyên, nơi mà Đảng vẫn nói là phải lo chăm sóc cho đời sống nhân dân được ấm no. Từ trước, anh vẫn nghĩ Đảng và Nhà Nước làm việc vì quyền lợi của dân tộc, tưởng rằng họ vẫn lo cho nhân dân, nhưng trước thái độ bất chấp và đầy khinh bỉ với trí thức của Đảng, anh biết rằng không phải thế, nên anh quyết định phải dùng trình độ tư pháp để khởi kiện buộc Thủ Tướng phải ra quyết định chấm dứt việc khai thác bô xít này.
Để trả lời câu hỏi về những nguyên nhân khác khiến anh kiện Thủ Tướng, anh cho biết ngoài nguy cơ mất nước, còn nguy cơ môi trường bị hủy hoại, và phá hoại bản sắc dân tộc. Người Tây Nguyên vẫn sống hiền hòa tại đây từ trăm ngàn năm, nay phải di dời để sống trong những khu tập trung, thì sẽ mất hết bản sắc riêng của họ. Cho nên, anh đã dựa vào Hiến pháp để khởi kiện Thủ Tướng. Đầu tiên, anh khẳng định việc khai thác bô xít vi phạm nghiêm trọng luật môi trường. Khi khai thác bô xít, họ đã bất chấp mọi nguyên tắc căn bản, không hề có đánh giá môi trường chiến lược mà cho tập đoàn kinh tế gián điệp kia khai thác không giới hạn. Việc khai thác này lại chỉ gắn liền với lợi ích cá nhân của một số Đảng Viên mà thôi, trái với quy định về quốc phòng, và không hề nhắc nhở đến ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Thứ hai, đe dọa đến đời sống của các người bộ tộc. Theo luật di sản văn hóa, những người Tây Nguyên không thể bị xua đuổi như những loài sinh vật. Tóm lại, quyết định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là hoàn toàn sai phạm, phải xét lại, và phải cân bằng môi trường và bản sắc dân tộc trước khi quyết định.
Với câu hỏi về thái độ của nhà cầm quyền đối với anh sau khi anh gửi đơn thưa kiện đi, anh cho hay là sau khi đâm đơn kiện Thủ Tướng, một hành vi tư pháp chưa từng xẩy ra, những người lãnh đạo Đảng và Việt Nam cho rằng đây là một hành động thách thức chính quyền. Cô Phạm Đoan Trang, một nhà báo, đã viết một bài liên hệ đến vụ việc này liền bị cơ quan anh ninh bắt giữ. Anh phải can thiệp hết sức mình, yêu cầu trả tự do cho cô Phạm Đoan Trang ngay lập tức vì cô không phạm tội gì cả. Sau đó, cách đây 10 ngày, anh đã gặp cô và nhà giáo Phạm Toàn, (ông này sau đó cũng bị cơ quan an ninh xét hỏi), cô Đoan Trang đã cho anh biết là cơ quan an ninh cho rằng việc anh kiện Thủ Tướng là việc vô cùng, vô cùng nguy hiểm cho chế độ, cho rằng đó là hành vi thử thách quyền lực chính quyền, hành vi xâm phạm an ninh nguy hiểm nhất. Anh nói: “Người ta cho rằng tôi quả là lấy bàn tay che mặt trời của Đảng”. Sau khi nhận đơn, tòa án Hà Nội trả lại đơn, nói không có thẩm quyền. Anh đưa lên Tòa Án tối cao, cũng không nhận giải quyết, nói rằng không có quy định nào cho phép kiện Thủ Tướng. Anh nói rằng Hiến Pháp đã cho phép như thế. Anh là một công dân, anh kiện công dân Nguyễn Tấn Dũng vi phạm pháp luật. Anh sẽ không kiện Nguyễn Tấn Dũng nếu Nguyễn Tấn Dũng không phải công dân Việt Nam và sống ở nước ngoài. Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng không phải là công dân và sống ở nước ngoài, thì vụ kiện của anh mới trở thành ngớ ngẩn. Nếu tòa án tối cao mà cũng không dám thụ lý thì anh đề nghị nên xé Hiến Pháp đi, bỏ điều 52 đi, đừng giữ Hiến pháp làm gì nữa.
Để trả lời cho câu hỏi có sự trả thù từ phía nhà cầm quyền ảnh hưởng đến đời sống riêng anh không, anh nói:
“Tôi nghĩ là có sự trả thù. Hôm trước đây, chính Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch phường dẫn dân phòng đến phá nhà tôi, đập tường tôi. Tôi có hỏi lệnh của ai, thì họ cho biết là lệnh của Thủ Tướng. Có phải là trả thù không ư? Tôi nghĩ là chính Thủ Tướng đã trả thù.”
Luật Sư Cù Huy Hà Vũ còn nói thêm rằng bên cạnh các sự kiện nguy hiểm đến tiền đồ đất nước như anh vừa trình bầy ở trên, thời gian vừa qua, ở Biển Đông, dân ta bị cướp triền miên. Ngoài Hoàng Sa, Trường Sa đã dâng cho Trung Cộng, ngư dân ta còn bị cướp tầu, cưới cá, bị đánh, và bắt giam, đòi tiền chuộc mạng. Anh cũng đã kiện nhà nước về việc quy định bắt ngư dân phải tự trang bị vũ khí để bảo vệ mình. Thật là vô lý, khi còn quân đội, mà lại bắt dân chúng phải tự cứu lấy mình. Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ sự hèn yếu của mình trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Anh khẳng định chính Nguyễn Tấn Dũng là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Về tương lai dân tộc, anh tâm sự:
-Ngày 18 tháng 1, tôi đã viết một bài tham luận và đã trả lời đài BBC, khẳng định Đa Nguyên Đa Đảng là hợp pháp. Đó là một quyền lợi hoàn toàn xác đáng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.”
Để kết luận câu chuyện, anh nói với một giọng mạnh mẽ rằng:
-Đảng và Nhà Nước có hèn, Nguyễn Tấn Dũng có hèn, nhưng Dân Tộc Việt Nam không bao giờ hèn!
Chu Tất Tiến.
Phim 'Đại Họa Mất Nước' Cho Thấy VN Đã Quá Lệ Thuộc TQ
Mai Thanh Truyết
(Bài diễn văn của GS Mai Thanh Truyết đọc trong cuộc Hội Luận 9/4/2011 tại Báo Việt Herald, Quận Cam.)
Thưa Quý vị,
Cuốn DVD “Đại Họa Mất Nước” đã được Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy phổ biến nhiều nới trên thế giới cũng như trên internet.
Hôm nay, cá nhân chúng tôi hân hạnh được Ban Tổ chức mời phát biểu trong buổi hội luận và phân phối DVD nầy.
Thưa Quý Vị,
Tôi xin đóng góp vài ý kiến nhỏ về Đại họa Mất nước. Cuốn phim hầu như nói hết ý nghĩa của Đại họa nầy, cũng như những chỉ dấu báo hiệu một số hiện tượng xảy ra trong những ngày gần đây như sự vươn oai tác quái của Trung Cộng qua việc rượt bắt tàu đánh cá Việt trong hải phận của Việt Nam, cũng như sự nhu nhược của nhà cầm quyền cộng sản trước các việc lấn chiếm lãnh hải của “tàu lạ”, “nước lạ”… nói trên.
Chúng ta có thể xác quyết rằng những biểu tượng tiêu cực và nhu nhược trên của Việt Nam hiện tại thể hiện sự đồng thuận giữa hai đảng cộng sản Trung và Việt trong tinh thần cộng sản quốc tế nhằm tiến chiếm cả vùng Đông Nam Á.
Nhìn lại Việt Nam từ khi lọt vào tay của đảng CS Việt Nam, trong năm 2010, Việt Nam đã xuất cảng 6,8 triệu tấn gạo, nhiều nhứt từ trước đến giờ…mà người nông dân cũng không đủ ăn….vì lợi nhuận cao do tiền bán gạo đã vào tay thương buôn nhà nước,các hiệp hội lúa gạo cũng do nhà nước quản lý, cùng những thủ đoạn như ép giá khi gặt lúa vì nông dân không có đủ bồn chứa, phải bán đi thôi. Chưa kể những số nợ cần phải thanh toán khi vay mượn mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tất cả đều tăng vọt gấp nhiều lần hơn mức bội thu lúa cho năm nay. Như vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. Công lao động của nông dân vào tay tất cả nhóm người trung gian dưới sự che chở của cường quyền.
Tệ hơn nữa, những nhu cầu thực phẩm khác ngoài lúa gạo không được khuyến khích, cho nên phải nhập cảng từ phương Bắc, ngay cả những vật dụng thông thường như văn phòng phẩm, viết chì, viết mực, bao thơ, miếng bùi nhùi chùi xoong nồi, các miếng sponge để rửa chén…cũng phải nhập cảng từ bên Tàu qua.
Về hàng nông sản khác như cà rốt, cải bắp trong 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã nhập trên 21 ngàn tấn, giết chết vùng Đà Lạt, một trung tâm trồng cà rốt, cải bắp, su hào…nhờ khí hậu ôn đới. Ngay cả hành lá cũng nhập gần 8 ngàn tấn. Thậm chí tâm xỉa răng cũng phải nhập 1.118 tấn từ Trung Cộng.
Trên đây là những thông tin chính thức từ Hải quan Việt Nam, nhưng chắc chắn những mặt hàng nhập lậu qua các cửa biên giới sẽ còn cao hơn nhiều.
Quản lý một đất nước với 86 triệu dân mà phải nhập cảng luôn cả hành lá và tăm xỉa răng…thì quả thật là một xã hội xã hội chủ nghĩa siêu phàm theo đúng “định hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng đề ra.
Có thể nói 97% con dân Việt phải cật lực CÀY để cho 3% đảng viên, cán bộ đặt quyền đặt lợi HƯỞNG.
Ngày hôm nay, xã hội ngày càng băng hoại qua các tệ trạng do chính chính sách cai trị hiện hành để lại, chúng ta chẳng thấy gì ngoài tính tiêu cực, bi quan, sống không biết ngày mai của hầu hết người dân trong nước. Có thể nói tuyệt đại đa số đều chạy theo cuộc sống kinh tế cho cá nhân và gia đình, do đó, dù có bị kềm kẹp, đối xử bất công đi nữa, sức đề kháng của người dân hiện tại dường như không còn có khả năng chuyển đổi được thời cuộc.
Tuy nhiên, dù muốn dù không, cái nhìn tiêu cực trên vẫn không xóa nhòa được niềm tin tưởng của tôi vào tuổi trẻ Việt Nam ngày nay, vì xã hội Việt Nam đã thể hiện nhiều hiện tượng tích cực của tuổi trẻ trong những năm gần đây.
Tuổi trẻ Việt Nam chiếm trên 60% dân số. Đây là một tiềm lực rất lớn, một dân tộc non trẻ, thông minh, chăm chỉ, hiếu học, cần cù, và có tinh thần cầu tiến. Trên 90% dân số đều biết đọc biết viết. Con số nầy quá cao so với các nước đang phát triển và có điều kiện xã hội tương tự như của chúng ta.
Tuổi trẻ Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tự do-dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia dân tộc tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần nầy.
Tuổi trẻ Việt Nam mong muốn có một đời sống kinh tế-tinh thần- tâm linh tương xứng với các đóng góp của chính mình. Những rào cản ngăn cách trong tôn giáo-địa phương không còn là một chướng ngại để rồi cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia. Những cảm xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải nhường bước cho lối nhìn tích cực vefà triển vọng tương lai của quê hương.
Tuổi trẻ đã dám đứng lên nói lên tiếng nói của tự do, dân chủ, và nhân quyền bất chấp sự tra tấn, tù đày của cường quyền.
Do đó, các mỹ từ vì thế hệ mai sau, vì chủ nghĩa anh hùng...không còn là một xúc tác tốt để hấp dẫn tuổi trẻ Viêt Nam nữa.
Tuổi trẻ Việt Nam trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ của ông cha.
Tuổi trẻ hôm nay đã chuyển đổi chủng tử “sợ” sau bao nhiêu năm bị kềm kẹp, cấy vào tâm khảm của những người cộng sản đang ngự trị trên quê hượng Việt.
Tuổi trẻ Việt Nam đang lên đường.
Nhưng tại sao đất nước ngày hôm nay vẫn nghèo?
Đó là một sự nghịch lý lớn?
Dĩ nhiên là phải có cái gì bất ổn cho đất nước.
Đương nhiên nhà cầm quyền hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng ngày càng đi xuống hiện nay. Ba mươi sáu năm sống trong hoà bình, thiết nghĩ cũng đủ dài để thiết lập một xã hội ổn định cho Việt Nam. Nhưng tiếc thay điều đó không xảy ra.
Hiện tại, trong nhiều lãnh vực kinh tế-kỹ thuật-khoa học-môi sinh, thế giới đang biến thành một quốc gia lớn, một trật tự mới đang hình thành. Trong bối cảnh đó, càng ngày càng thấy rõ ràng mọi người đều có trách nhiệm. Những gì xảy ra tại Tây Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long.
Rốt ráo hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng thụt lùi của Việt Nam.
Thưa Quý Vị,
Càng thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm.
Trách nhiệm là nhận thức thực tiễn, và trên căn bản đó, có những thái độ và hành động tích cực hơn cho đất nước. Nói lên tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép, Mỗi người mỗi cách, không sao kể xiết.
Có làm được như vậy, cuộc cách mạng hoa lài chắc chắn sẽ xảy ra cho quê hương việt Nam một ngày không xa.
Và cuộc hành trình của Việt Nam để bước vào một kỷ nguyên mới, quyết định cho sự tái tạo nếp văn hóa, nền đạo lý đã bị đánh mất do cộng sản, và sự bình an cho một đất nước hiền hòa Việt Nam.
Xin cám ơn Quý Vị,
Mai Thanh Truyết
Westminster, 9/4/2011
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.