Pages

Monday, August 29, 2011

Tôi Dạy Vỡ Lòng Tiếng Việt

image


Mùa đông năm rồi, đứa cháu nội của tôi vừa tròn ba tuổi. Tôi muốn cháu học tiếng "mẹ đẻ" ngay từ lúc này, vì sợ sau khi bước chân vào trường, cháu sẽ không có cơ hội và thời gian để trau dồi tiếng Việt nữa. Sẵn nhà thờ Chúa Cứu Thế Phục Sinh vừa mở các lớp dạy tiếng Việt và họ cần một số giáo viên tình nguyện, tôi liền mạnh dạn ghi tên. "Nhất cử lưỡng tiện", vừa giúp ích cộng đồng, vừa có cơ hội mang thằng cháu đến trường, tập nó làm quen với không khí tập thể.


image
Hình minh họa

Ngày đầu tiên đến lớp, bà nội chuẩn bị cho cháu đủ thứ, từ : sách, tập, bảng,viết, gôm, phấn…đến kẹo, bánh, xe hơi, xe lửa, bình sữa…Tất cả chia làm hai phần. Phần liên quan đến ăn chơi thì cho vào túi xách để bà nội kè kè bên hông. Phần liên quan đến học hành thì cho vào backpack, bắt thằng cháu quẩy phía sau lưng. Tội nghiệp, đêm qua bà nội thức tới khuya để lo cho cháu, mãi tới khi lên giường ngủ, bà vẫn còn khều tôi bày tỏ sự băn khoăn :
- Này, ông đừng xếp Golden vào lớp ông dạy nha! Học với ông, nó không nên người đâu! Xếp nó vào lớp khác. Học với người lạ, vậy mà nó tiến bộ.
Đang mơ màng, bỗng nghe những lời chạm tới tự ái, tôi cựa mình thức dậy, nổi khí xung thiên :
- Bà nói cái gì? Tại sao học với tui, nó không nên người? Cái lớp vỡ lòng dạy ráp vần dễ ẹt như ăn cơm bữa, ai mà không dạy được. Chưa chi bà chê tui quá mạng, tự ái nha bà!
- Không phải, tui chỉ e " bụt ở nhà không thiêng". Học với người lạ, nó sợ nó nghe lời, đương nhiên sự học hành sẽ đến nơi đến chốn. Còn học với ông, nó biết ông thương ông chìu nó, nó sẽ ngồi trơ mắt ếch ra đó, hoặc giống như "vịt nghe sấm" mà thôi!



image
Hình minh họa

Ngày ghi danh xếp lớp rộn ràng như một ngày hội. Ngoài con cháu của các tín hữu trong Hội Thánh ra, cộng đồng người Việt ở Mira Mesa và các vùng phụ cận cũng lũ lượt đưa con cháu họ đến xin nhập học. Để làm theo ý mụ vợ, tôi đưa Golden vào lớp cô Trang - một cô giáo trẻ từng có bằng Sư Phạm ở Việt Nam. Nhưng thằng cháu có bao giờ trật tự cho bất cứ sự sắp xếp nào đâu? Nó vừa nhào theo tôi như một cái đuôi, vừa cằn nhằn cửi nhửi dai như một miếng giẻ rách :

- Con muốn theo ông nội. Con muốn về với bà nội…
Tôi kéo thằng cháu ra ngoài sân, năn nỉ :

- Con lớn rồi, cần phải đến trường, cần phải học. Học xong, ông nội sẽ chở con đi Chuck E Cheese chơi tới tối.

Nó vừa mếu máo, vừa trợn mắt nhíu mày nhìn tôi một cách thắc mắc :

- Học? Học để làm gì?
Tôi không thể dùng những chữ hoàn toàn khái niệm diễn tả cho nó hiểu, như : học để trở thành người tốt, học có ích cho xã hội…vân và vân… Chợt nhìn thấy chiếc xe đang nằm trong tay cháu, tôi vội chỉ vào đó giải thích :
- Muốn làm bất cứ điều gì, con đều phải học. Ví dụ như muốn lái xe, con cần học lái.
- Học lái để làm gì?
- Để biết lái chiếc xe, để đọc được tên đường, hiểu được dấu hiệu, để biết nơi mình đến và nơi mình về…
- Như thế…con học làm chi cho mệt.
Tới lúc này, tôi trợn mắt nhìn nó, nóng nảy :
- Sao vậy?
- Vì có Ba và Mẹ con rồi. Con chỉ việc leo lên ngồi kế bên cho Ba Mẹ chở đi thôi.

Tôi đưa tay lên trời, lắc đầu chịu thua, chỉ còn cách chạy qua cô Trang, nhờ miệng lưỡi ngon ngọt của cô kéo nó vào lớp học. Không biết có phải do lời nói mát như đường phèn ngọt như mía lau của cô giáo, hay đứng trước bóng dáng thướt tha cũa phụ nữ - thằng cháu tôi bỗng mềm ra như bún, ríu ríu theo bước chân cô Trang một cách ngoan ngoãn.


image
Hình minh họa

Có lẽ Ban Giám Hiệu Hội Thánh cho tôi là một người già, dù sao cũng không còn khả năng "bay bướm" như mấy ông giáo trẻ, nên đã giao cho tôi lớp có số học sinh lớn tuổi nhất để phụ trách. Cậu bé nhỏ nhất tên là Kevin 10 tuổi. Lớn nhất có hai cô Marissa và Amanda, năm nay gần tròn 17 tuổi. Hai cô này hoàn toàn không biết tiếng Việt, chỉ dùng tiếng Anh để đàm thoại với nhau. Bây giờ, tôi mới bắt đầu "phục" mụ vợ tôi. Dạy vỡ lòng tiếng Việt quả thật không dễ, nhất là dạy cho các cô cậu Việt Nam sinh ra ở Mỹ và học trường Mỹ từ nhỏ tới lớn như thế này.



image


Phải kiên nhẫn và mềm mỏng lắm mới đưa lớp học tiến lên được. Dạy tiếng Việt mà phải giảng bài bằng tiếng Anh, nếu không, Marissa và Amanda cứ đưa tay lên thắc mắc "We don't understand". Viết lên bảng các chữ cái đơn giản : B,C,D…Đọc là : BỜ,CỜ,ĐỜ…Lập đi lập lại nhiều lần, rồi bắt cả lớp đọc to lên cũng nhiều lần. Vậy mà khi chỉ từng em đọc lại, em nào em nấy cứ: BI,XI,ĐI…loạn xà ngầu. Đến khi ráp vần : CỜ A CA SẮC CÁ = CÁ, CỜ A CA HUYỀN CÀ = CÀ, DỜ Ê DÊ = DÊ, DỜ Ê DÊ NẶNG DỆ = DỆ…Cả lớp lại đưa tay lên : What do they mean? Tôi lại lật đật chuyển sang tiếng Anh. CÁ, CÀ, DÊ thì dễ ợt, đến chữ DỆ…thì tía tôi cũng bí, chứ đừng nói chi tới tôi…
Nhân nói đến tiếng Việt tiếng Anh, tôi chợt nhớ đến một ông bạn HO. Ông này qua Mỹ khoảng 1993, lúc đó cô gái út của ông chỉ vừa vài tháng tuổi. Đến năm cháu lên ba, ông vội đưa cháu học tiếng Anh, chuẩn bị cho cháu vào Preschool. Khi gặp tôi ở chợ Việt Nam, ông hết lời khoe khoang :
- Con gái tôi thông minh vô cùng. Nó làm quen với ngôn ngữ Mỹ một cách nhanh chóng.

Chưa vào Preschool mà nói tiếng Anh như gió. Nó nói ào ào…cả nhà cứ ngẩn tò te.
Đi tới đâu, ông cũng đem "học vấn tiếng Mỹ" của con gái làm đề tài. Ông rất hãnh diện và tự hào về điều này. Thấy vậy, tôi khuyên ông một câu :
- Ông nên cho cháu học thêm tiếng Việt. Dù sao đó cũng là tiếng "mẹ đẻ" của mình.
Bất chợt, ông rống cổ cãi lại :
- Tiếng Việt có sẵn trong máu huyết, trong tâm hồn của nó. Dễ ợt, lúc nào học không được. Chỉ có tiếng Mỹ là xa lạ với nó, cần phải học, học, học…Tụi nhỏ hơn nhau là ở chỗ đó, ông bạn ạ!
Bẵng đi một thời gian, tình cờ gặp lại ông bạn HO trong tiệc cưới. Cà kê dê ngỗng một lát, tôi mới hỏi thăm đến cô gái út của ông. Ông im lặng vài giây, rồi bùi ngùi nhìn tôi, thèn thẹn trả lời:
- Đau khổ lắm ông ạ! Bây giờ, tôi với con nhỏ như hai người khách lạ ở chung một nhà. Tôi loay quay ngoài phòng khách, trong lúc nó đóng kín cửa phòng lại làm bạn với cái computer suốt ngày. Nói tiếng Việt, nó lắc đầu không hiểu. Ngược lại, nó nói tiếng Anh, tôi cũng chẳng biết nó nói gì? Hai cha con không bao giờ tâm sự được với nhau, thành ra những nguyện vọng của con, chỉ là những thầm kín riêng tư mà thôi. Không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt, trống trải một cách lạnh lùng.



image

Thế đấy, tiếng Việt cần thiết như thế đấy! Biết bao gia đình người Việt trên  đất Mỹ lâm vào tình cảnh trống trải, lạnh lùng. Biết bao cha mẹ và con cái không hiểu được nhau, luôn luôn xa cách nhau vì hai bên không chung một ngôn ngữ.
Ngày lại ngày qua, lớp học của tôi càng lúc càng sinh động. Học trò và thầy gắn bó với nhau như một đại gia đình. Rồi có một lúc, tôi đặt câu hỏi để tìm hiểu các cháu : " Tại sao chúng ta phải học tiếng Việt?" . Các cháu nhỏ tuổi, đa số, bập bẹ trả lời một cách dễ thương : " Vì Ba Mẹ bắt đi học…" Còn các cháu lớn tuổi cũng trọ trẹ từng tiếng : " Vì chúng cháu là người Mỹ gốc Việt". Sẵn trớn, tôi tiến xa hơn một chút : " Các cháu biết nước Việt Nam không? Quê hương của các cháu đó!". Allysa cãi lại ngay :
- Việt Nam là quê hương của Ba Mẹ, không phải quê hương của cháu.
Tôi ngạc nhiên :
- Sao vậy?
- Quê hương là nơi chôn nhao cắt rốn, là nơi sinh ra của người nào đó. Chúng cháu sinh ở Mỹ, thì quê hương chúng cháu phải là nước Mỹ chứ!



image


Tôi cứng họng, rồi chợt nhớ đến câu nói của một danh nhân nào đó : " Home is where the heart is." (Gia đình ở nơi nào thì quả tim ở nơi đó). Vâng, các cháu nói đúng. Quê hương các cháu là nước Mỹ, nhưng vì quê hương Ba Mẹ ở Việt Nam, nên đương nhiên các cháu  có tất cả là hai quê hương.


PHẠM HỒNG ÂN
(Escondido, 24/08/2011)


Tâm Sự Người Hàng Xóm

Gia đình bà Hai dọn tới căn nhà mới mua ở cạnh nhà tôi đã vài tháng nay. Bà khoảng hơn 60 tuổi, nhìn dáng vẻ bề ngoài, bà có vẻ cằn cỗi, từng trải nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp thanh tú và nói năng một cách lịch sự, hiểu biết của người đàn bà có học.

Bà Hai sang Mỹ đã gần 2 năm do Tuấn, con trai bà bảo lãnh. Tuấn làm nghề chạy Taxi, vợ thì làm việc cho một hãng mỹ phẩm của người Nhật, hai đứa con còn nhỏ mới vào học tiểu học. Vì nhu cầu chi phí của gia đình cũng như muốn kiếm thêm tiền để sắm sửa và bù đắp vật chất cho mẹ mới từ Việt Nam qua, nên cả hai vợ chồng làm việc ngày đêm, để lại hai con nhỏ cho bà Hai chăm sóc.

Một hôm đi làm về, tôi nhìn thấy hai đứa nhỏ đang đùa giỡn ngoài sân, chúng nói năng gì đó tíu tít, vui vẻ. Bà Hai thì ngồi buồn thiu, đôi mắt ngó mông lung về một phương trời xa xăm vô định. Thấy vậy tôi dừng lại chào hỏi với bà.
Mừng vì có người để tỏ bầy tâm sự, bà nói:

- Thú thật với ông, tôi biết được tuổi già mà sống cái cảnh này thì tôi không bao giờ qua Mỹ cả!

Tôi ngạc nhiên hỏi lại bà:
- Tại sao vậy? Tôi thấy vợ chồng cháu Tuấn đều hiếu thảo với bà, hai đứa nhỏ này cũng ngoan đấy chứ.

- Đúng, vợ chồng thằng Tuấn rất thương tôi. Hai đứa nhỏ cũng ngoan lắm, nhưng nếu chúng nói tiếng Việt được với tôi thì tôi sung sướng biết bao. Đằng này, chúng nói chúng nghe, tôi nói gì chúng cũng chẳng hiểu mà chỉ cười khúc khích với nhau rồi bỏ đi. Từ ngày qua đây tôi chỉ hiểu được hai tiếng Răng Ma (Grandma) tức là chúng kêu tôi khi cần thiết. Nhiều khi tôi muốn bộc lộ những lời lẽ yêu thương mà tôi hằng mong ước nhưng không biết cách nào nói cho chúng nó hiểu được, thật buồn bực vô cùng!

Ông nghĩ coi, dù là đàn bà tôi cũng thiết nghĩ, với tình trạng con em Việt Nam không nói được tiếng Việt là một vấn nạn hàng đầu của các gia đình người Việt cần được quan tâm và giải quyết. Nếu không nói được tiếng Việt thì làm sao các em giao tiếp được với người Việt khi trở lại quê hương. Làm sao học hỏi được phong tục, tập quán và phục vụ đất nước hữu hiệu khi cần thiết. Đặc biệt làm sao để những người lớn tuổi chúng ta không rành tiếng Mỹ có thể truyền đạt những ý niệm, tư tưởng, lý tưởng cho chúng, để chúng hướng về cội nguồn dân tộc, và hiểu những hy sinh bằng máu và nước mắt của cha ông đã phải vất vả, khổ cực như thế nào, để chúng có mặt hoặc được sinh ra và lớn lên trên xứ sở tự do, tiên tiến này.

Bà Hai thốt ra những lời lẽ, băn khoăn ấy với những vết nhăn cằn cỗi trên mặt của bà càng rõ nét hơn, trông thật là tội nghiệp.

Tôi đang tìm cách lựa lời an ủi thì bà tiếp:
- Được biết ông bà là gia đình HO (cựu tù nhân chính trị) nên nhiều lúc tôi lại nhớ và thương xót cho ông nhà tôi. Ông ấy trước kia cũng là sĩ quan cấp tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi đi "cải tạo" ở miền Bắc được gần hai năm thì nghe tin ông ấy chết. Có lẽ không chịu nổi sự đầy đọa, tàn ác của Cộng Sản trong trại tù. Trong khi ấy thì tôi không đủ điều kiện thăm nuôi, tiếp tế, cho nên ông ấy đã chết vì khổ cực và đói khát, bỏ lại tôi và thằng Tuấn lúc đó mới có 13 tuổi.
Không thể nào ngồi yên nhìn đứa con nối nghiệp duy nhất của mình sống trong cảnh vô vọng dưới chế độ phi nghĩa, phi nhân của Việt Cộng, nên tôi đã cố gắng gom góp, vay mượn tiền bạc để lo cho thằng Tuấn theo một người bà con đi vượt biên. Năm đó nó mới vừa 15 tuổi. Khi nó ra đi lòng tôi đau như cắt, không biết gian nguy, sống chết của nó thế nào nhưng cũng đành phải liều vì tương lai của nó. Những ngày tháng chờ đợi tin con trong lòng tôi phập phồng lo sợ không sao kể siết. Cho đến khi được tin nó đã qua đến Mỹ tôi mới yên lòng. Ngày nó cưới vợ tôi cũng buồn vì không có mặt trong ngày vui nhất đời của nó. Đến năm được tin nó có đứa con trai đầu lòng làm tôi vui mừng, hớn hở và mong sớm có ngày đoàn tụ để chăm sóc các con, lo lắng, vỗ về đứa cháu nội yêu quí. Với tuổi già, còn gì an ủi cho bằng được sống lo cho con, bên cạnh những đứa cháu nội, ngoại để bồng ẵm, tâng tiu chúng và được nghe chúng bi-bô những tiếng nội, ngoại mà chúng thốt ra hàng ngày. Thế nhưng với tôi, mong ước đoàn tụ đã thành, nhưng trong lòng tôi cảm thấy buồn tẻ, chán chường trong cảnh sống này.

Ông nghĩ coi, thằng Tuấn thì chạy Taxi từ sáng sớm đến khuya mới về, nhiều đêm phải ngủ luôn tại bến chờ khách. Vợ nó thì làm việc sáu ngày một tuần, chỉ nghỉ ngày Chúa Nhật với bao việc nhà cần giải quyết. Chỉ có hai đứa nhỏ thường ngày gần gũi bên cạnh, nhưng chúng nó giống như những đứa trẻ Mỹ ngoài đường, vì chúng đâu có nói chuyện được với tôi, ngược lại tôi nói gì nào chúng có hiểu. Suốt ngày bà cháu coi như người xa lạ và tôi cứ tha thẩn, lủi thủi một mình.

Những lời tâm sự đơn thuần của bà Hai thật sự đã làm tôi suy nghĩ và xúc động. Đành rằng vợ chồng Tuấn rất hiếu thảo với mẹ, nhưng vì mải mê kiếm tiền đã quên bổn phận gần gũi, phụng dưỡng mẹ già khi bà mới tới xứ lạ quê người. Đã thiếu sót trong việc giáo dục con cái, để những đứa con của mình quên đi tiếng Việt, làm tình cảm gia đình, ruột thịt bị sút giảm và sẽ trở ngại nhiều cho các con khi đất nước không còn Cộng Sản, trở về giao tiếp với người thân, đem tài năng phục vụ xứ sở, kiến tạo một quê hương tự do, dân chủ và phú cường mà toàn dân đang mong đợi.

Nỗi lòng của bà Hai kể trên cũng là nỗi lòng của rất nhiều bà mẹ Việt Nam đã gặp ở hoàn cảnh này, nhất là những bà mẹ ấy thật sự không bao giờ muốn con cháu mình quên đi tiếng mẹ đẻ, xa nguồn cội dân tộc... Là người Việt, dù có mang quốc tịch Mỹ, nói tiếng Anh lưu loát cũng vẫn chỉ là công dân Mỹ chứ chẳng bao giờ thành người Mỹ chính gốc được. Một nhà thơ nào đó đã viết ra những vần thơ vô cùng chí lý như sau:

Ở đây cho đến mãn đời,
Cũng chưa thành Mỹ, vẫn người Việt Nam
Da này còn mãi da vàng,
Tóc này vẫn mãi hàng hàng tóc đen

Là người Việt, chúng ta có quyền hãnh diện về dân tộc Việt của mình với trên 4000 năm văn hiến; với phong tục tập quán, đạo đức cổ truyền; với nền văn hóa nhân bản; với ngôn ngữ mẹ đẻ, một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, thống nhất chống ngoại xâm, giữ vững giang san, bờ cõi mà cha ông ta đã tốn bao công lao, xương máu để giữ gìn. Việc làm sao để con em của chúng ta đừng quên tiếng Việt là một trong những vấn nạn hiện nay vẫn chưa được mọi gia đình, tổ chức của người Việt đặt nặng và quan tâm. Cũng như các cộng đồng người Việt ở các địa phương hầu như tới nay vẫn chưa có kế hoạch, chương trình, trường lớp thực hiện việc giảng dạy cho con em của chúng ta cả về trí dục lẫn đức dục theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Giải quyết được vấn nạn con em của người Việt không biết tiếng Việt là trách nhiệm của mọi gia đình, đoàn thể và cộng đồng chúng ta ở từng địa phương. Đây là một trong những việc làm cấp thiết để đầu tư cho tương lai của cộng đồng và dân tộc trước khi quá trễ, và cũng là để thể hiện tấm lòng yêu nước mến quê hương của tất cả người Việt tỵ nạn Cộng Sản chúng ta.

Ngô Xuân Tâm


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.