Pages

Friday, September 2, 2011

Hiến Tuỷ, Đôi Bên Cùng Có Lợi

image


Tôi đang theo dõi tin tức về sinh viên học sinh trong nước biểu tình đòi TC trả lại Trường Sa, Hoàng Sa, đồng bào biểu tình đòi “tham quan” quan tham trả lại đất hương hỏa, các tín đồ đòi lại những cơ sở tôn giáo đã bị đảng mượn dài hạn thì nghe tiếng gọi của nhà tôi:
- Anh ơi, chuẩn bị chở em đến hội chợ y tế kẻo trễ rồi.
-  Còn sớm quá mà, 9 giờ sáng họ mới khai mạc mà, để anh nghe tin tức ...
- Thôi ông ơi, tin tức gì, đã 7 giờ rồi, tới trễ  lại lỡ dịp cho tôi khám bác sĩ.
Đang từ “anh, em” chuyển sang “ông, tôi” là biết sắp có chuyện, tôi vội nói:
- Đi thì đi, nhưng hôm nay em định “khám ông BS” nào vậy?
- Đừng có nham nhở, tôi đi khám bệnh chứ không khám bác sĩ.
Mặc dù là dân Mêdi-Mêdi nhưng mỗi khi nghe có hội chợ y tế ở đâu là bả lại bắt tôi chở đến để chếch co-lét-te-ârôn, mỡ và gai-sơ-rai trong máu, đường trong nước tiểu và lượng nước ‘xỏn tiếu”, đo số trên số dưới (áp huyết) bao nhiêu thì tốt v.v.. Thực ra những chi tiết này đã có trong hồ sơ bệnh lý của bả cả rồi, bả muốn đến hội chợ y tế là để “họp chợ” cùng các bạn cho vui ấy mà.
Bả nói đúng, tuy còn quá sớm nhưng số người đến xếp hàng chờ giờ khai mạc đã khá đông, đủ mọi thành phần nữ nam phụ lão ấu. Hội chợ nào cũng đông vui, vừa tới là bà nhà tôi và những người “đồng thuyền, đồng ghe” hội chợ ngay. Họ kể cho nhau nghe tất cả mọi hình thức đau nhức và những loại thuốc tốt xấu, những linh dược (hẹc), lại còn truyền cho nhau phương pháp chữa mẹo theo kiểu “sơn đông mãi võ”, đau trước ngực thì dán sau lưng, tê chân thì xoa hông, đau mông thì xoa..v.v.. Đứng ngoài nghe các bà chỉ cho nhau cách chữa mẹo mà tôi hồi hộp, bà nhà tôi thường bị đau lưng thì .. làm sao đây? Tìm không ra câu trả lời tôi bèn cười trừ. Thấy tôi liếc tới liếc lui cười một mình, bà nhà tôi sinh nghi bèn đến vỗ vai nhỏ nhẹ:
- Thôi, em cho anh tự do, đi đâu thì đi, lát xong hội chợ thì chị bạn sẽ chở em về. Nhưng này, anh về nấu cho em nồi bún riêu để trưa nay đãi mấy chị bạn, mua ghẹ vể giã ra rồi lọc lấy nước thì mới ngon, nhớ thêm 2 muỗm mắm tôm cho nước lèo đậm đà, mua thêm kinh giới và chẻ cho ít rau muống ..!
Không gì quý hơn “độc lập tự do”, khi nghe bả tha là tôi phóng đi liền, thay vì đi mua những vật liệu cần thiết cho nồi bún riêu để chiều lòng nhau như đã từng xẩy ra trong quá khứ. Nhưng hôm nay tôi quyết vùng lên, khoan làm theo ý vợ mà làm theo ý mình trước đã là ghé vô gian hàng ghi danh hiến tủy trong parking lot trước chợ ABC.
Gọi là gian hàng cho có vẻ .. chứ thực ra chỉ có mấy cọc sắt chống đỡ miếng vải nhựa xanh đang phần-phật muốn sụp đổ trước tứ bề lộng gió. Các bạn trẻ nam nữ thiện nguyện viên co ro trong cái lạnh mùa Đông để sẵn sàng giúp đồng hương ghi danh, nhưng dường như khách đến ghi danh còn ngại ngùng điều gì đó nên chưa đông! Khi thấy tôi bước vào thì các cô vội quay ra chào hỏi lộ rõ nét vẻ vui mừng, nhưng tôi lắc đầu từ chối khiến các cháu có vẻ buồn lắm tuy vẫn giữ nụ cười tươi trên môi và nói lời cám ơn. Bất ngờ trông thấy luật sư Vân Khanh, ái nữ của vị cựu Tư Lệnh TQLC, trong đám thiện nguyện, tôi hỏi cô Vân Khanh
- Từ sáng đến giờ các cháu đã ghi danh được nhiều người tình nguyện chưa?
Mỉm cười nhưng không được tươi như thường lệ, Khanh ngập ngừng:
- Cũng tàm tạm chú ạ, chú đến ghi danh phải không? Để cháu giúp.
- Hỏi cho có chuyện vậy thôi chứ nhìn qua cũng biết kết quả rồi. Chú và gia đình đã ghi danh vào hội hiến tủy từ lâu lắm rồi, nay tuổi chú đã ra ngoài tuổi giới hạn mà vẫn chưa một lấn được hội nhắc đến tên. Hôm nay chú đến với một mục đích khác nhưng chưa biết ngỏ cùng ai. Cháu có biết lý do tại sao số người đến ghi danh hiến tủy vắng như thế này không?
- Cháu cũng không biết nữa, chúng cháu đã khẩn thiết kêu gọi trên radio, nhờ báo chí đăng lá thư cầu cứu của con bệnh nhân xin giúp mẹ, chính xác là của cháu Jonathan 6 tuổi và Jude 4 tuổi, con của chị Hằng, người bị ung thư máu, mà mạng sống đang bị đếm từng ngày.. nhưng không hiểu tại sao ..
Cô thiện nguyện viên ngập ngừng như không muốn nói tiếp câu “sao lại vắng thế!”, cô quay sang hướng khác đưa nép-kin lên khóe mắt! Tính tôi cũng yếu đuối lắm, hễ thấy phái nữ ứa lệ là tôi cũng muốn khóc theo nên tôi vội chữa thẹn bằng cách góp ý với cô Khanh một vài chi tiết..
 Chỉ trong vòng nửa giờ mà tôi chứng kiến 2 hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn, mặc dù 2 nơi chỉ cách nhau một vài dãy phố. Tại hội chợ y tế cộng đồng XYZ thì đồng hương vui vẻ ồn ào, gọi nhau í-ới đến rất đông để “khám bác sĩ”! Còn nơi đây, ghi danh hiến tủy thì lưa thưa, vắng tự “chùa bà Đanh” (?) Tôi nói với cô Khanh:
- Chung quy cũng tại bởi 4 chữ: “tình nguyện hiến tủy”.
Tủy thì nằm trong xương, mà tủy dùng để chữa bệnh ung thư máu thì nghe nói lại phải rút ra từ xương sống xương chậu! Cứ tưởng tượng đến lúc phải nẵm co người lại như con tôm luộc để các đốt xương sống dãn ra rồi người ta dùng cây kim to bằng cái đũa đâm, chích vào để rút chất tủy sền sệt ra thì ..ớn quá, nghe lạnh cả người.!
 Người viết từng húp cháo ở bệnh viện nhiều năm, nằm trên bàn mổ nhiều lần, đã từng được các y tá “chích một mũi, tặng một mũi, chích one, get one free”, có nghĩa là chích nhiều quá, mông chai lại, bơm thuốc nó không vào, phải rút kim ra chích chỗ khác. Như vậy là tôi đã quá quen thuộc với “chích-choác” rồi mà mới chỉ nghe tới “hiến tủy” cũng sợ hết hồn thì nói chi tới những người chưa bao giờ bị dao kéo đụng vào da thịt. Họ sợ lắm, nhất là không được giải thích tường tận. Dẫu cho lòng nhân từ có đủ nhưng chỉ nghe vắn tắt “hiến tủy” là đủ ngập ngừng rồi, “bụng bảo dạ muốn đi, nhưng chân nói đừng đi”. Đến chỗ ghi danh hiến tủy mà làm chi? Đi khám bác sĩ zui hơn!
Trước 1975 tại quê nhà thì đa số chúng ta còn rất mù mờ về các nguyên nhân gây ra bệnh hoạn và cách chữa trị. Mấy ai biết về áp huyết có số trên số dưới, có biết chăng là số đo chỗ khác. Chuyện gì cũng cho là “trúng gió”, nặng hơn là “thương hàn” hoặc giận thì bảo “đồ phải gió”. Và phương pháp chữa bình dân là véo, bẹo, cạo gió ..
Khoa học ngày nay tiến bộ khá nhanh, nhất là về ngành y khoa thì càng phát triển quá nhanh, dụng cụ mới, thuốc mới, phương pháp mới và tìm ra nhiều ..bệnh mới. Những bệnh nan y không còn là vấn đề nan giải nữa mà có phương pháp mới để trị, bệnh ung thư máu cũng nằm trong trường hợp đó. Từ chỗ bó tay tiến sang giai đoạn thay tuỷ và nay đã tiến thêm một bước quan trọng và dễ dàng hơn nhiều. Vậy thì sao hội giúp người bị ung thư máu cứ “khư khư” giữ mãi cái danh xưng “tình nguyện hiến tủy” để làm nản chí những “anh hùng” sợ chích. Đã đến lúc thay đổi danh xưng cho phù hợp với phương pháp mới để có nhiều người mới.
Theo thầy lang tây TQLC Phạm Vũ Bằng thì trước 1975 ai dính vào bệnh này thì thầy lang khoanh tay để tử thần làm việc! Rồi tiến lên một bước khá quan trọng là tới giai đoạn cấy tủy của những người “cùng tủy” với bệnh nhân. Nay thì dễ dàng hơn là lọc lấy tế bào gốc (stem cells) từ trong máu. BS Bàng nói:
- “Phương pháp này đơn giản giống như ta đi cho máu, nhưng cho mà không phải là cho, mà máu từ tay này đi ra qua máy để giữ lại tế bào gốc, còn máu vẫn tiếp tục đi vào tay kia đễ trở về tim như cũ v.v..”
Quan đốc Bằng còn giải thích nhiều chi tiết hơn nữa nhưng quan quên rằng ông đang gảy đàn “tai Trâu Điên” nên tôi xin ngắt lời và yêu cầu ông hay “mẹ hiền lương y” nào đó viết một bài chi tiết và đễ hiểu để phổ biến trong cộng đồng, còn người viết chỉ có thể hiểu vắn tắt phương pháp mới trong khoa chữa trị bệnh ung thư máu mà Bằng Phong nói ở trên là:
 “Cho tay nọ rồi lấy lại ngay bằng tay kia”.
Có nên thay danh xưng “tình nguyện hiến tủy” bằng danh xưng nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn bằng câu âu yếm: “cho xin tí nước miếng” để số người đến ghi danh được khấm khá hơn. Chuyện này là của giới chức có thẩm quyền của hội.
Còn một vấn đề mà tôi mong được góp ý là 2 chữ “tình nguyện”. Nó có hàm ý “cho không biếu không”. Mà phàm điều gì “cho không biếu không” cũng không hấp dẫn bằng “đôi bên cùng có lợi”. Xin kể sơ câu chuyện “đôi bên cùng có lợi” liên quan tới chứng bệnh ung thư máu mà tôi được biết.
Tôi làm việc trong căn cứ Sóng Thần nên thường đến thăm chị tôi và các cháu trong trại gia binh TĐ1/TQLC ở Rừng Cấm Thủ Đức vào cuối tháng, lúc hết tiền, vì biết tính em “tiền lính tính liền” nên lần nào chị cũng cười hỏi:
 “Cậu ăn cơm chưa, chị dành phần cho cậu trong gạc-măng-dê đó.”
Rồi một buổi chiều cuối tháng 11/71 tôi đến thăm, thấy các cháu ngồi lột vỏ khoai mì ngoài sân, hỏi “mẹ đâu, lột củ mì để làm gì” thì các cháu cho biết chị tôi bị cảm cúm cả tuần nay, không đi chợ được, nhà hết gạo nên luộc củ mì ăn thay cơm! Chị tôi bị cảm đã hơn tuần lễ, chỉ nhờ bà hàng xóm cạo gió mà chưa có thuốc men gì cả vì anh rể tôi thì đang đi hành quân ngoài Quảng Trị, nên tôi vội vàng đưa chị tôi vào bệnh viện Lê Hữu Sanh trong căn cứ Sóng Thần.
Sau khi tiếp nước biển và thử máu thì bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh cho biết chị tôi có triệu chứng bị bệnh ung thư máu và sẽ chuyển ngay lên bệnh viện ung thư Nguyễn Văn Học Gia Định và BS Hạnh còn dặn tôi nên tìm gặp bác sĩ Khánh, cựu y sĩ TQLC, nay thuyên chuyển về BV Nguyễn Văn Học. Sau vài lần thử nghiệm, bác sĩ Nguyễn Trùng Khánh, trưởng khoa ung thư, vốn là đồng đội thân thiết khi ông còn phục vụ ở TQLC, gọi tôi ra nói nhỏ:
- Chị bạn đúng là bị ung thư máu rồi, với phương tiện hiện tại ở đây “moi” đành bó tay, hãy chuẩn bị tinh thần để lo hậu sự cho bà ấy, trừ khi ..
- Trừ khi cái gì?
Tôi vội ngắt ngang lời và Khánh nói:
- Hiện nay ở Đức và Pháp họ điều trị hữu hiệu bằng cách cấy tủy, nếu như.. .
Tôi hiểu ý Khánh muốn nói “nếu như”!
Chuyện một người vợ lính mà đi ngoại quốc chữa bệnh là chuyện hoang đường, thôi đành để chị tôi về nước “Thiên Đường” còn dễ hơn, và chuyện ấy đã xảy ra vào tuổi 36, tuổi của chị H ..người đang bị bệnh.
Sau khi chị tôi mất một thời gian thì anh rể tôi tử trận, những đứa con côi lên đường màn trời chiếu đất. Rồi 30/4/1975 ập xuống, do tình cờ nhạc phụ tôi làm việc ở tòa đại sứ Pháp và nhờ hồ sơ quân bạ của bố các cháu là gốc lính Pháp, là “Commando Du Nord” nên các cháu được định cư tại miền Nam nước Pháp.
Năm1995, nhân chuyến đi dự đại hội VB ở Paris, tôi đi xe lửa GVT xuống thăm các cháu, do đó tôi biết nơi các cháu ở có một hội hiến tủy của cộng đồng gốc Á Châu. Nhớ chuyện của chị ngày trước, tôi kể lại cho các cháu nghe nỗi đau xưa và khuyên chúng nên ghi danh để một lúc nào đó nếu cần thì có thể giúp người.
Chuyện đời éo le, chưa có dịp giúp người thì bất ngờ tôi được tin một trong các cháu, có lẽ do di truyền, nên vướng bệnh ung thư máu! Nhưng may mắn thay, nhờ có sẵn “lý lịch” về tế bào gốc do hội hiến tủy lưu giữ và thật bất ngờ một người trong số những “hội viên” lại có cùng một loại tế bào tủy với cháu nên hội và vị “ân nhân” đã đồng ý và mau chóng giúp cháu chữa trị, cháu đã được cứu sống. Nếu cháu không ghi tên “tình nguyện hiến tủy”, và vị ân nhân kia cũng không có sẵn hồ sơ lưu giữ ở hội thì chuyện gì sẽ đến với với đứa cháu? Lại kêu gọi đồng hương đến ghi danh hiến tủy chăng? Sẽ có bao nhiêu người dáp ứng lời kêu gọi? Và rồi cháu cũng sẽ bị ra đi cùng một thứ bệnh giống như mẹ!
Tôi đem câu chuyện may mắn của cháu kể cho một bạn trẻ chuyên viên y tế tốt nghiệp ở Hoa Kỳ và hỏi điều đó đúng hay sai, thì chuyên viên này viết cho tôi:
“Please know that if you get tested, it may save your life one day. Should the day come (and I pray it does not) when you need a donor, your information would have already been in the database and doctors may immediately find a match for you”.
Tôi có thể đánh máy sai, nhưng hiểu đại khái rằng nếu đã ghi danh hiến tủy thì một ngày nào đó nếu chẳng may gặp bệnh ..thì những chi tiết về máu đã ghi danh này sẽ cứu chính chúng ta. Chuẩn bị sẵn sàng thì khi bị “lâm sàng” việc chữa trị dễ dàng hơn.
Đây mới là nguyên nhân chính mà tôi phải cãi lệnh vợ, tạm hoãn nấu nồi rún riêu vì có lý do chính đáng để đến thăm gian hàng “tình nguyện hiến tủy” để mạo muội đưa ra một vài góp ý với những chuyên viên thiện nguyên xem sao.

image

Đã đến lúc quý vị phải giải thích thật rõ ràng, thường xuyên và phổ biế rộng rãi về phương pháp mới hiến tế bào gốc (stem cells). Phương pháp này nhẹ nhàng hơn và nhất là để giảm bớt đi yếu tố tâm lý sợ sệt đau đớn, nguy hiểm của 2 chữ “hiến tủy”.
Đến ghi danh vào chương trình này, các chuyên viên chỉ cần dùng vài cái Q-tip (que bông gòn) xin một tí nước miếng, thế là xong. Cái lý lịch “nước miếng” được lưu giữ và vô cùng hữu ích để cứu sống một người. Nhưng trước hết và trên hết là TỰ CỨU MÌNH trước đã như trường hợp của cháu tôi.

image
Bệnh ung thư máu đến thăm bất cứ ai, không phân biệt nam nữ tuổi tác, vậy thì có nên tình nguyện đi cho “nước bọt”, nói đúng hơn là gửi nước bọt của chính mình vào “ngân hàng” để cứu mình khi “phá sản”, nói theo niềm tin của một tôn giáo thì “ai cho thì sẽ được nhận”. Đừng để khi lâm bệnh rồi mới nhờ đến hội đi kêu gọi lòng hảo tâm của người khác thì mất thời gian tính. trễ rồi!
Vậy thì tại sao mỗi người trong chúng ta, con cái chúng ta không mau mau đến gặp các chuyên viên phòng ngừa bệnh ung thư máu để xin ghi danh, xin gửi nước bọt, thiết lập một hồ sơ cho chính mình và con cháu mình để nếu một mai ..
“When you need a donor, doctors may immediately find a match for you.”
Một ngàn người ghi danh là có sẵn một ngàn hồ sơ, một trăm ngàn người cùng ghi danh, cùng có sẵn trăm ngàn hồ sơ. Nếu chẳng may một người nào đó trong số một trăm ngàn hồ sơ có sẵn mắc bệnh thì hội chỉ còn một công việc “điều đình” thay vì khản giọng kêu gọi tình nguyện nhưng vẫn “ế khách” như hiện nay.
Làm thế nào để có sẵn hằng trăm, hàng triệu số lượng hồ sơ phòng ngừa bệnh hoại huyết trong số hơn triệu người Việt ở Hoa Kỳ, theo thống kê dân số năm 2010? Đó là nhiệm vụ của mọi người, nhưng trước nhất vẫn là cùa hội “Người Việt Hiến Tủy” với sự tiếp tay của truyền thông, của giới y sĩ người Việt hải ngoại.

Philato
 

2 comments:

  1. Cảm ơn BM với bài viết hữu ích nhé

    ReplyDelete
  2. Kính thưa quý vị trong ngành Y ,
    Công việc tìm 1 hồ sơ phù hợp cho việc hiến tủy có ích cho cả người cho và người nhận như vậy , vì sao các vị Bác sĩ không tiến hành lấy mẫu nước miếng mỗi khi sinh 1 bé ra đời , vì em bé nào cũng sinh trong bảo sanh , lấy mẫu đó , lưu vào trong sổ y bạ của em bé , thế là không phải kêu gọi hiến tủy sau này khi lớn lên , ai sinh ra cũng có sẵn hồ sơ rồi. Chỉ cần họ đồng ý cho tủy hay không , khi cần đến , tìm được người có tủy phù hợp , chỉ cần gửi 1 thư yêu cầu xin tủy của người đó.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.