Pages

Friday, September 23, 2011

Từ cá mập đến chuyện ăn sơn hào hải vị

image

Cuộc vận động của cựu cầu thủ bóng rổ Diêu Minh, và tỷ phú Anh Richard Branson ở Thượng Hải tuần này, kêu gọi người Trung Quốc ngưng ăn vây cá mập đang được dư luận chú ý.
Được biết tại Trung Quốc một kilo vây cá mập đã chế biến được bán với giá 1500 USD, và chỉ một bát súp vây cá mập, món không thể thiếu cho các đại yến của người Hoa, đắt tới 80 đô.

image
Vây cá mập bán trong tiệm của người Hoa ở San Francisco, Hoa Kỳ

BBC News vừa chạy phóng sự từ Trung Quốc ghi cảnh các nhà hàng sang trọng quảng cáo món 'vi cá mập' nhưng không để khen thói quen 'ăn sang' này mà là minh họa cho câu chuyện cá mập bị giết nhiều.

Giới vận động chống ăn vây cá mập, nay gồm cả anh Diêu Minh, nói cách khai thác vây cá vừa phí phạm, vừa tàn bạo.
Ngư dân thường chỉ cắt lấy vây rồi vứt cả con cá còn sống xuống biển, mặc nó chết chìm.

Khác với cá sấu và rắn hoặc nhiều loài cá tôm, người ta cũng không nuôi cá mập, hoặc chưa nuôi được nên nạn săn khiến một số giống cá mập sẽ bị tuyệt chủng.
Sự có mặt của Diêu Minh trong cuộc vận động này có mấy ý nghĩa quan trọng mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc Việt Nam.
Từ xưa tới nay, người châu Á thường dễ 'dị ứng văn hóa' hoặc lôi truyền thống ẩm thực 'quốc hồn quốc tuý' ra bào chữa mỗi khi có lời chê từ Âu Mỹ về cách ăn uống của họ.


Châu Âu phê châu Á nướng chó vàng quay cả lên thì châu Á tố cáo châu Âu mổ thịt một con vật cũng thông minh là ngựa.
Bên này ghê sợ bên kia xơi cả chuột bọ thì bên kia bới móc bên này hấp ốc sên để nhắm rượu.
Cứ thế mà chê nhau thì cũng chỉ gây chia rẽ và không tác động gì tốt hơn cho thiên nhiên.
Tôi không rõ có phải vì ảnh hưởng của thời Bắc Thuộc và các thói quen từ giới quý tộc Trung Hoa hay không mà người Việt Nam cũng khoái tìm ăn các món rùa rắn, chim rừng cá biển.
Nay Diêu Minh, một nhân vật nổi tiếng Trung Quốc, người gốc Thượng Hải, quê hương của nhiều sơn hào hải vị lừng dang, nêu ra lời kêu gọi bảo vệ động vật biển thì chắc người châu Á cũng cần nghĩ lại về thói ẩm thực gây hại cho môi trường của họ.
Về nét tiến bộ của xã hội dân sự, rõ ràng là về độ khả tín khi nói đến môi sinh, vai trò của chỉ một người như Diêu Minh như có tác động hơn cả Nhà nước Trung Quốc.
Bạn thử hình dung một ông quan chức cấp cục nào đó ở Bắc Kinh công bố lệnh kiểm soát buôn bán vây cá mập.
Báo chí chắc cũng đăng vài dòng và thế là chấm hết.
Nhưng Diêu Minh là ngôi sao bóng rổ thành công ở Mỹ và được cả Trung Quốc biết nên thông điệp của anh được chú ý nhiều hơn.
Ở một góc độ khác, lời kêu gọi của Diêu Minh được chú ý chính là vì các danh nhân của châu Á ít khi vào cuộc tương tự.
Ừ thì các diễn viên xinh đẹp, các nghệ sĩ tài năng từ Hong Kong, Đài Bắc hay Hà Nội, Sài Gòn có thể làm từ thiện, thăm trẻ mồ côi, hô hào dã ngoại và lối sống gần thiên nhiên nhưng tôi nghe thấy ai dứt khoát, kiên quyết lên tiếng bảo vệ môi sinh và động vật như Diêu Minh.
Đó là chưa kể, giới văn nghệ sĩ thường có thể là vô ý thức hay để hình ảnh, tên tuổi của họ gắn liền với đại tiệc của giới quý phái châu Á, nơi các món 'đặc sản' được tiêu thụ.
Với họ, các nhà hàng, quán nhậu có thịt thú rừng, có thực đơn nằm trong Sách Đỏ cũng không phải là chốn lai vãng xa lạ.
Vì ngoài giới quan chức thì chính tầng lớp văn nghệ sĩ, cầu thủ, vận động viên thể thao mới có tiền để chơi sang, hoặc thường nhờ danh tiếng mà được mời đến các đại tiệc.
Hiện chưa rõ thông điệp của anh Diêu Minh có thể thẩm thấu vào cả xã hội Trung Quốc rộng lớn hay lan ra khu vực.
Và với Việt Nam thì chắc không dễ.
Báo chí trong nước mới đây còn đăng tin thịt khỉ săn ngay tại khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng rẻ hơn cả thịt lợn và được bán đầy rẫy.
Các hàng quán đua nhau quảng cáo, nào yến sào, bào ngư, vi cá... tăng cường sinh lực, bổ dương, bổ âm đủ loại và thật giả lẫn lộn.

Các vận động viên thể thao hay văn nghệ sĩ nào của Việt Nam hay những người có uy tín với xã hội chắc cần lên tiếng về các tệ nạn này.
Thông điệp chung, như các nước châu Âu nêu ra về chuyện đánh bắt cá ở Đại Tây Dương chỉ đơn giản là ta vẫn mua bán, tiêu thụ nhưng phải chú ý đến các chủng loại tôm cá, thịt động vật, độ tuổi của chúng để nguồn tự nhiên không bị cạn kiệt.
Ham ăn uống món lạ để 'tẩm bổ', hoặc bám vào tín điều từ cổ xưa để ăn mặc sức, khoái khẩu, thiếu trách nhiệm với môi trường xung quanh không phải là nếp sống văn minh, ít ra theo quan niệm trên thế giới ngày nay.



Nguyễn Giang


image
Tại Thượng Hải hôm 22/9, cựu ngôi sao bóng rổ người Diêu Minh và triệu phú Richard Branson, người Anh, cùng kêu gọi ngưng ăn và buôn bán vây cá mập.

image
Cuộc vận động của Diêu Minh nhắm vào người tiêu dùng ở Trung Quốc, thị trường chính khiến hàng tuần có 1.5 triệu cá mập bị giết trên thế giới chỉ để lấy vây.

image
Món 'vi cá', nhất là vây cá mập, ăn tươi hoặc sấy khô được người Hoa và một số dân châu Á cho là ngon và có đặc tính tốt theo Đông Y.

image
Thực tế thì thịt cá mập cũng từng được dân châu Âu ăn như ở Cadiz, Tây Ban Nha.

image
Thổ dân Inuit tại Greenland cũng thường săn cá mập lấy thịt.

image
Nhưng chính châu Á bị cáo buộc là nơi ngư dân câu và giết cá mập vô tội vạ, chỉ để lấy vây và vứt xác cá xuống biển.

image
Lời kêu gọi của Diêu Minh không phải là mới vì giới vận động như tại Hoa Kỳ đã nêu bật sự tàn bạo của nghề săn cá mập từ lâu nay.

image
Ở San Francisco hôm 24/8 năm nay, nghệ sĩ Alice Newstead treo mình để phản đối việc dùng vây cá trong nghề mỹ phẩm. Bang California sẽ cấm buôn bán vây cá mập từ 2013.

image
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng cá mập bị giết nhiều và một số giống có nguy cơ tuyệt chủng.



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.