Pages

Wednesday, October 19, 2011

Cũng vì… chó!

image

Chưa thời nào loài chó lại lên ngôi như ngày nay ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Công tác và giá trị của loài chó đã thay đổi theo chính thể. Vào các thời quân chủ phong kiến hay thời tư bản, chó chỉ có một phận sự là canh giữ an ninh cho tư gia và tài sản của chủ. Hoàn thành tốt nhiệm vụ này, chó được đánh giá là vĩ đại. Những thành phần chơi chó bằng cách vuốt ve, ôm ấp dù sao cũng chỉ rất ít, chưa đủ sức lực của một dòng thác cách mạng hầu tạo thành một giai cấp. Đến thời xã hội chủ nghĩa, giới trộm cướp quá cao tay ấn khiến chó tiên tiến cỡ nào cũng phải từ chào thua đến mất mạng. Thế nhưng giá trị của chó lại được chế độ nâng cấp - ở một vị thế duy nhất: Thịt!

image 

Thời xa xưa, vì chó thuộc hạ tầng cơ sở nên từ ngữ “chó” mang ý nghĩa sỉ nhục. Bởi thế người đời mỗi lần đấu võ miệng với nhau thì trong mười trận, cả mười trận đều ngập tràn tiếng… chó. Đủ loại, nhưng “ấn tượng” hơn cả là: Chó ghẻ! Chó cái! Chó đẻ! Chẳng cứ giới bình dân tức nhau liền gán nhãn hiệu - “Đồ chó” - cho nhau mà giới đại trí thức muốn chửi xéo nhau, nói bóng nói gió nhau hay muốn đá giò lái nhau, cũng cậy cục đến… chó.

Trong văn học sử Việt Nam, trận chiến châm biếm… chó gây “đau hơn hoạn” hơn cả thiết tưởng không trường hợp nào bằng giai thoại Cao Bá Quát, nhà thơ lừng danh của thế kỷ 19, bị vua Tự Đức bắt đóng vai chứng nhân. Số là vào thời kỳ Cao Bá Quát tự Chu Thần giữ một chức quan hạng bét ở bộ Lễ, đã xẩy ra một vụ đấu khẩu kịch liệt giữa hai đấng quan lớn. “Sự cố” lập tức được một nịnh thần tâu trực tiếp vào lỗ tai vua. Tên nịnh thần này vốn cũng chẳng ưa gì cái bộ mặt vẫn coi đời không to hơn cái lá tre của Cao Bá Quát, bèn vớ ngay dịp may hiếm có này để chơi xỏ họ Cao, xác nhận với vua là trong số khán giả có quan Cao Bá Quát đứng gần hơn cả. Vua Tự Đức lập tức ra lệnh cho Cao Bá Quát viết tờ trình. Không đầy 3 phút sau, vua nhận được bản báo cáo nóng hổi khiến vua vừa thổi vừa đọc:

image

“Tiền thần bất tri - Hậu thần bất tri. Đản kiến: Thượng bàn hô cẩu! Hạ bàn hô cẩu! - Thượng hạ giai cẩu - Lưỡng tương đấu ẩu - Thần gián bất đắc - Thần kiến thế nguy - Thần hoảng thần tẩu!”.

Bản dịch chữ Nôm:

image

“Trước, thần không biết gì cả - Sau, thần cũng chẳng hay chi. Chỉ thấy: Bàn trên hô: Chó - Bàn dưới hô: Chó! - Trên dưới đều là chó - Rồi hai bên đánh nhau - Thần can không được - Thần thấy thế nguy - Thần sợ quá, thần bèn chạy!”

Long nhan vua Tự Đức đang hồng hào nhờ sâm nhung đại bổ hải cầu hoàn từ từ chuyển sang mầu xanh xám của bộ mặt của một kẻ bị bệnh thiếu máu kinh niên hoặc suy thận, viêm gan. Vua Tự Đức đau điếng vì hiểu thâm ý của Cao Bá Quát muốn bóp nghẹt đường sinh mệnh của mình; nhất là câu “thượng hạ giai cẩu” - trên dưới đều là chó - à thì ra thằng… chó này nó muốn ám chỉ mình cũng là chó đây. Chữ “thượng” rành rành ra đó.

image

Chẳng thế mà các thần dân vẫn rạp mình mà “muôn tâu thánh THƯỢNG” là gì?! Ngầm biết vậy nhưng vua Tự Đức vẫn không thể công khai bắt bẻ được Cao Bá Quát, bởi “tác giả” tờ trình này có viết gì sai quấy đâu, dù có chẻ từng chữ ra làm tư cũng chẳng thấy cái khe hở nào mà chụp mũ. Cuối cùng vua Tự Đức đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho tới ngày bệ hạ di chuyển xuống tuyền đài.

image
Cao Bá Quát

Lại có nhiều tác giả văn học quả quyết giai-thoại-chó trên đây không phải là của Cao Bá Quát, nhưng của Nguyễn Công Trứ, một thi sĩ của hạ bán thế kỷ 18. Chuyện kể, khi Nguyễn Công Trứ “chen chúc lợi danh đã chán ngắt” rồi, hối hận vì “đám phồn hoa trót bước chân vào - Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết”, nên trước ngày dứt khoát “thoát vòng danh lợi”, cụ Trứ mời tất cả quan lớn ở trong và ngoài triều đình đến nhà đánh chén một bữa linh đình trước khi chia tay. Cụ sai gia nhân làm thịt chó để đãi các thượng khách, nhưng cấm họ không được bật mí thịt gì. Bàn kê chật ở nhà trên, bàn kê khít ở nhà dưới, dễ đến hơn hai, ba chục bàn.

Sau khi đã chuếnh choáng hơi men, một “cây đại thụ” trịnh trọng đứng lên phát biểu cảm tưởng: “Cụ Thượng hôm nay cho chúng tôi đớp, à quên ăn, à lại quên, cho thưởng thức món cao lương mỹ vị gì mà ngon quá sức tưởng tượng vậy, đến nem công chả phượng hay ‘dzấm-sủ’ của Hằng Nga cũng không sánh bằng”.

image
Cụ Nguyễn Công Trứ

Cụ Nguyễn Công Trứ bèn tỏ ra khiêm nhượng, vẫn giả bộ không dám tiết lộ, lại càng khiến thực khách bấn loạn, thi đua mà hò hét, gõ bát, đập cốc, khua đũa mà đòi gia chủ cho lòi ra bí mật. Sau khi nhận thấy các đấng “phụ mẫu chi dân” đã chịu hết nổi, cụ Nguyễn Công Trứ mới thong thả đứng dậy, lấy tông thỏ thẻ như thể của con gái trăng tròn nhưng nghe vẫn lanh lảnh như giọng thiếu phụ hàng cá: “Bẩm các quan, đáng lý mạn phép được giữ độc quyền món quốc hồn quốc túy này, nhưng vì các ngài ép quá nên kẻ hèn này đành phải thành khẩn khai báo vậy: “Thưa, thật sự chẳng có thịt gì khác lạ cả?” - rồi cụ Trứ chỉ tay lên dãy bàn trên: “Dạ, thưa trên đó là chó!” - rồi chỉ tay xuống: “Dưới này cũng là chó!” - rồi xoa hai tay vào nhau, giọng nói có vẻ hể hả, tự đắc: “Phải, trên dưới đều là chó cả, ạ!”

image 

Các bộ mặt bỗng xạm lại, mất hết khí thế do rượu đế tạo nên, các cửa “khẩu” (khẩu = miệng) liền mở banh ra như thể để tống ra hết tất cả những gì vừa được nhập “khẩu”. À thì ra nó gián tiếp cho mình là chó. Vậy là chó lại vừa ăn… thịt chó. Đau gấp trăm lần so với nỗi khổ vì bệnh trĩ. Ai bảo cứ nằng nặc hỏi cho bằng được nó cho ăn gì để nó có cớ chửi cả quan nhớn lẫn quan bé là đồ chó. Chẳng thể bắt bẻ nó được. Sách viết tiếp, thế là các quan, thượng trước, hạ sau, nối đuôi nhau mà ra khỏi nhà của cụ Nguyễn Công Trứ. Một vài cái miệng hàng ngày vẫn tụng kinh thánh hiền đã buột những tiếng “đèo” ai oán!

Được biết trong văn học sử, cả Công Trứ lẫn Cao Bá Quát đều là những nhà thơ đại tài có dư máu ngông trong huyết quản và ngòi bút. Cả hai đều là nạn nhân của thời đại nhiễu nhương - cả hai đều bị triều đình “đì sát ván” vì thái độ cao ngạo, bất khuất - và cả hai đều ghét cay ghét đắng từ hoàng triều thối nát đến lũ quan lại tham ô. Nên hậu thế có ngộ nhận giai-thoại-chó trên đây của cụ nào thì vẫn… có lý thôi! Tuyệt vời hơn nữa là giai-thoại-chó ấy mà mang áp dụng vào xã hội Việt Nam ngày nay, người ta vẫn có thể chỉ tay lên Ba Đình, vào bộ Trung Ương Chính Trị… rồi chỉ xuống hàng ngũ bộ đội, cán bộ Việt Cộng rồi hô to:

image
“Thượng hạ giai cẩu! - Trên dưới đều chó cả!”. Vẫn đúng!

Vâng, như ở phần đầu bài kẻ hèn này đã viết là chó hiện đã chiếm được thế thượng phong trong xã hội Việt Nam - và giá trị của loài chó nằm ở một vị thế duy nhất. Đó là thịt. Khắp trên lãnh thổ đất nước, từ thôn quê lên thành thị, trong bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào cũng có cửa hàng thịt chó. Đại Hàn vẫn vỗ ngực với thế giới khoe món thịt chó là món ăn truyền thống của họ, nhưng nếu so sánh tổng số cửa hàng thịt chó, thực khách thịt chó lẫn món thịt chó, đương nhiên vẫn thua đậm Việt Nam xưa kia đã đành, ngày nay lại càng bị bỏ xa hơn.

image

Ở Việt Nam bây giờ, giai cấp nào cũng ăn thịt chó. Chẳng lạ mắt tí nào khi một cặp tình nhân đưa nhau vào một tiệm thịt chó. Không ai còn chê một bầy con gái xẻ cho nhau một dĩa tiết canh chó hay “vô tư” gậm một khúc xương chả chìa. Vào bất cứ dịp nào, kể cả cưới hỏi, tang chế, đãi đằng… có thịt chó là có tất cả. Thời xưa, người ta còn phân biệt: “Nhất mực, nhị vàng, tam khoanh, tứ đốm” nay thì chó nào cũng quí, cũng ngon, bất kể là chó ghẻ, chó hoang, chó bệnh hay chó dại. Cũng ngày xưa, thiên hạ chỉ mong “hạ cờ tây”, tức hạ cầy tơ. Nay, từ chó sữa tới chó già… đều có giá. Đã nói, loài chó nay đã được bình đẳng trong quan niệm của dân nhậu thịt chó nói riêng, trước mắt “nhân dân ta” nói chung.

image 

Các món thịt chó cũng vì thế mà thi đua phát triển. Trước kia, việc làm thịt một con chó thường phải qua các giai đoạn chính yếu: Cắt tiết, đổ nước sôi để cạo lông, thui, mổ để lấy lòng rồi chặt từng phần để làm các món “chính qui” như: Luộc, nấu rựa mận, nướng chả chìa, làm dồi và đánh tiết canh. Ngày nay, “thịt chó 7 món” chỉ là… “chuyện nhỏ”. Cổ nhân thường lo lắng cho kiếp sau:

“Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó - Chết xuống âm phủ biết có hay không”

Nhiều cụ xơi thịt chó xong vẫn không chịu xỉa răng ngay, bảo để ba bốn hôm sau, lấy đầu cây tăm nậy chất thịt-chó-tàn-dư còn giắt ở kẽ răng rồi đưa lên mũi ngửi… Vẫn thơm! Phương pháp cổ truyền này nhằm lưu trữ thịt chó - y như nay ta cất trong tủ lạnh - để phòng ngừa trường hợp lâu mới được ăn lại. Đỡ nhớ! Bởi thế dân nhậu có câu: “Phòng cơ tích… nhục cẩu” để đối lại lời khuyên của tổ tiên: “Tích cốc phòng cơ”.

image

Cũng vì đâu đâu cũng “trăm hoa đua nở” quán thịt chó nên dân số chó ngày một xuống dốc không phanh. Chó chưa biết… mùi đời thì đã bị ngửi lá mơ, củ riềng, vậy thử hỏi làm sao loài cẩu sinh sôi nẩy nở kịp. Bởi thế hiện nay ở Việt Nam tình trạng hiếm chó không khác gì hoàn cảnh năm đói 1945. Dân buôn chó hàng ngày vẫn phải rong ruổi khắp mọi “con đường cái quan” để lùng chó mà mua, mà bắt trộm. Có người than, nhiều khi đi ba, bốn ngày không vớ được một con chó nào. Thiết nghĩ, đặt trường hợp Muammar al-Gaddafi có ẩn núp ở Việt Nam, chắc dân buôn chó cũng khám phá ra tương đối dễ, chứ tìm được một con chó ngon lành ngày nay khác chi “mò kim đáy bể”. Hàng nội cạn dần, nhiều tay buôn chó đã phải lặn lội sang tận các nước lân bang như Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Mã Lai hay Trung Cộng… để lùng hàng ngoại. Nghe nói, người ta đã ngấp nghé cả thị trường chó… Hoa Kỳ rồi đó! Trong lịch sử, đã có chiến tranh nha phiến, có giặc châu chấu… Nay nếu chiến-tranh-chó có xẩy ra, âu cũng là lẽ thường tình thôi.

image

Cũng vì cạn chó nên nhà nào ở Việt Nam có chó thì - thay vì chó canh nhà - chủ nhân phải canh chừng chó thường trực. Người lạ đi lang thang vào xóm làng hay ngõ hẻm dễ bị “đánh giá” là quân trộm chó. Xưa kia, người nào đi đến đâu cũng bị chó sủa ắt là tự tố cáo mình là kẻ mê ăn thịt chó. Nay khỏi cần đến sự đánh hơi hay bản năng tự nhiên của chó, nhưng lại là người. Chẳng bao giờ sai, bởi người người ăn chó, nhà nhà ăn chó, toàn dân ăn chó… thì đâu đâu cũng là chó. Dễ nhận ra nhau!

image

Ngày nay, người Việt nhìn nhau bằng cặp mắt nghi ngờ trộm chó. Chẳng thế mà thầy giáo Phạm Văn Tần (36 xuân xanh) ở Mã Thành, Nghệ An đã bị dân chúng huyện Yên Thánh đánh gần bể sọ não, lòi xuông sống, sưng vù cặp mắt và mặt mũi… Nguyên nhân chỉ vì người ta nghi Tấn đến đây trộm chó. Khổ quá, hai làng xã vốn cận kề nhau, Tấn được nghỉ dạy học ngày 2 tháng 9, nên muốn sang thăm một người bạn. Tấn bị lạc đường, phải dừng xe gắn máy lại để hỏi thăm một phụ nữ. Tấn chưa kịp mở miệng thì một người đàn ông đã bất ngờ xuất hiện, túm lấy cổ áo Tấn, hét: “Đéo mẹ, mày hỏi gì?”. Lại vẫn chưa có cơ trả lời, Tấn đã bị hai thanh niên khác phóng từ nhà ra, tấn công vừa bằng gậy gộc vừa bằng võ miệng: “Ăn trộm chó!”. Lúc đó khoảng 8 giờ tối, không hiểu dân chúng rảnh rỗi thế nào mà vừa nghe báo động “trộm chó”, rất đông người đã ứng chiến ngay. Tấn ôm được chân một người lớn tuổi, hy vọng được cứu, xưng là giáo viên nhưng thay vì “muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy”, ông này lại hô: “Đánh cho nó chết mẹ nó đi!”. Hơn chục người, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu hưởng ứng tận tình. Những trận mưa gậy gộc, dao rựa thi đua giáng xuống thân hình ông thầy giáo trẻ tuổi vốn ốm như “bộ xương cách trí” này.

image

Khi “ngọc thể” của Tấn đã mềm như sợi bún; máu me tuôn chẩy. Dân làng tiện tay châm lửa đốt luôn xe gắn máy của Tấn. Điện thoại di động, tiền bạc và giấy tờ tùy thân thì được bảo vệ, nhưng không biết người nào đã “cầm nhầm”.

Chị Đặng Thúy Hằng, vợ của thầy Phạm Văn Tấn đệ đơn lên chính quyền huyện Yên Thành  khiếu nại chồng bị vô cớ hành hung dã man. Quan lớn ở đây không xử, giải thích cho chị Hằng: Dân chúng bị mất chó quá nhiều nên bực tức, thành ra cứ thấy người lạ xuất hiện là nghi mò đến ăn trộm chó. Đánh!

Nghe nói, chính quyền đã ưu ái đưa cho chị Hằng 5 (năm) quả trứng gà, nói mang về cho anh Tấn… tẩm bổ. Nhưng vì bị chấn thương nặng ở sọ não, cột sống thắt lưng và lõm đốt sống 12… e rằng thầy giáo Tấn sống sót là đã phúc hơn bẩy mươi đời, chứ chẳng hy vọng có thể tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ” được nữa.

Ước mong khí thế của dân chúng Yên Thành được sử dụng vào công cuộc “đánh bỏ mẹ” bọn Tầu Cộng xâm lấn đất đai nước mình và vẫn bạo hành ngư phủ Việt Nam.

Người viết bài này mạn phép kể lại truyện trên đây, chỉ muốn truyền thông đến quí độc giả một kinh nghiệm khi về thăm quê hương: Ở Việt Nam ngày nay, có nhiều nguyên nhân dễ gây tử vong cho bất cứ người vô tội nào, cách riêng Việt Kiều, trong số đó chó luôn luôn đứng đầu bảng.


Hoài Mỹ


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.