Pages

Friday, October 14, 2011

Nỗi Buồn Xanh

image

Thiên nhiên cho con người trăm hồng, ngàn tía, bảy sắc cầu vồng: Xanh da trời, đỏ, trắng, tím, vàng, xanh lá cây, nâu. Mỗi màu, con người mang ra xử dụng theo đòi hỏi và lòng yêu thích của mình. Nhưng chỉ cần ba màu chính: Xanh da trời, đỏ, vàng có thể mang ra hòa trộn với màu khác làm nên một màu thứ ba. Họa sĩ dùng trắng trộn với đỏ để có màu hồng; dùng vàng trộn với xanh da trời để có xanh lá cây, dùng xanh da trời trộn với đen,với trắng để có màu xam xám.

Nhưng không biết từ bao giờ và từ huyền thoại nào, con người dùng màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, cho tình yêu, cho đam mê, để rồi khi rơi vào chính trị, chiến tranh và lòng hung bạo của con người, màu đỏ bỗng thành máu và chém giết; màu vàng cho hào quang, danh vọng và phú quý, còn tượng trưng cho tình bạn và hòa giải. Người ta đón chiến sĩ trở về từ mặt trận với chiếc nơ màu vàng gắn trước hiên nhà; màu xanh của nước, của bầu trời cho hy vọng và niềm tin, nhưng cộng vào một cơn gió thoáng qua, nó cho ta những nỗi buồn không rõ rệt. Cả nhân loại sống mỗi ngày, quay cuồng trong đám màu sắc muôn hồng ngàn tía đó và những họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, họ đã phà vào màu sắc một linh hồn, mang những mảng màu có linh hồn vào văn chương, vào những tác phẩm nghệ thuật cống hiến cho đời.
Mỗi người lại chọn cho mình một cách pha màu riêng trong đời sống. Làm nên đỏ hay xanh, cười ít hay khóc nhiều, đôi khi tự hỏi mình: Có phải hoàn toàn do Trời định, hay do ta chẳng biết cách pha màu từ nhát cọ đầu tiên.

image

Màu xanh nhà hàng xóm
Tôi nghe tiếng chuông cửa reo, nhìn ra ngoài khung kính cửa, thấy một người mặc quần áo cảnh sát. Lòng hơi lo lo, không biết cảnh sát thật hay giả. Nhìn kỹ lại lần nữa thấy huy hiệu trên áo, súng đeo ngang hông, tay cầm phôn đang nói. Tôi hé cửa. Người cảnh sát chào tôi, trước khi hỏi:
Bà có biết ông hàng xóm ở căn nhà phía dưới dốc nhà bà không?
Có, ông Don.
Bà có số phôn của ông ấy không?
Lúc đó tôi mới dám mở rộng cánh cửa, nói:
Ông chờ tôi đi lấy cho ông.
Tôi lên lầu tìm số phôn của ông Don đem xuống, hỏi người cảnh sát.
Có chuyện gì quan trọng xẩy ra cho ông Don không?
Người cảnh sát ghi số phôn xong cho tôi biết, không có gì xẩy ra với ông Don cả, chỉ là chuyện gia đình của ông ở xa, cần tìm ông để thông báo, thì ông không có nhà.
Nguyên một tuần, cửa nhà ông Don không thấy mở. Cửa nhà xe không nghe tiếng động ra vào. Tôi gõ cửa ông Jim ở căn nhà bên phải cùng trên con dốc với tôi. Hai ông bà cũng không biết chuyện gì đã xẩy ra cho gia đình ông Don.

Hàng xóm ở Mỹ là như thế: Khóc, cười gì họ cũng khóc, cười một mình. Mặc dù ngày thường thỉnh thoảng gặp nhau trên dốc, dưới đường, gặp nhau khi bất chợt cùng Walk for Health cũng cười, nói, hỏi han một đôi câu. Chuyện nhà ai nhà đó giữ sau cánh cửa. Nhất là ở những khu xóm da trắng trung lưu thì cánh cửa càng đóng kín hơn nữa. Mùi nấu ăn chỉ bay quẩn quanh trong bếp nhà mình. Không có cảnh bưng bát thức ăn sang mời hàng xóm nếm thử, hay chạy sang hỏi quả trứng, chén đường khi làm bánh chẳng may bị thiếu. Hạnh phúc hay khổ đau không chia sẻ sang nhà bên cạnh. Thoảng đôi khi mùa hè, nghe mùi thịt nướng từ hàng xóm bay sang trong không gian của cái lò nướng thịt ngoài sân, hay đôi khi nghe tiếng còi của xe Ambulance dừng lại trước cửa của nhà có người già cư ngụ, thế thôi.

Tôi dọn về đây gần mười năm, có sẵn tính tò mò và thân thiện của một người đàn bà Á Đông, khi ông Don cắt cỏ hay xén tỉa hàng rào giữa hai nhà, tôi thường ra hỏi chuyện làm quen. Tôi được biết ông góa vợ đã hai năm (khi tôi tới) ông có ba người con trai, hai người ở cùng tiểu bang Washington và một người ở xa.
Sáu bẩy năm hàng xóm của nhau, thỉnh thoảng gặp nhau trên dốc, dưới đường hay nơi lấy thư tôi hay hỏi ông cho vui câu chuyện:
Ông đã tìm được bà nào chưa? Có muốn tôi giới thiệu cho không?
Ông đều trả lời: Tôi cũng đang kiếm đây, cũng hẹn hò, cũng vào mấy cái hội Độc thân nhưng tìm mãi chưa được người hợp với mình. Cho tôi một thời gian nữa tôi sẽ cho bà biết.
Và ông vẫn sống một mình trong căn nhà ông đã sống hơn ba mươi năm, từ hồi căn nhà mới xây. Căn nhà vợ chồng ông đã nuôi dạy ba đứa con khôn lớn.
Ông Don đi hai tuần rồi, chưa về. Thỉnh thoảng tôi bắt chợt thấy mình trông ngóng, không biết chuyện gì xẩy đến cho các con ông? Một buổi sáng của tuần lễ thứ ba tôi nghe tiếng máy cắt cỏ dưới đồi, nhìn xuống thấy mái tóc bạc phơ của người đàn ông luống tuổi, tôi biết người hàng xóm độc thân của tôi đã về. Tôi vội chạy xuống, ân cần hỏi thăm, ông ngưng tiếng máy, cho biết:
Người con trai lớn nhất của ông qua đời.
Nó bị heart attack, ở một mình trong nhà, không có ai bên cạnh khi tim lên cơn tấn công nó.
Ông ngậm ngùi nói tiếp: Điều đau buồn là khi nó chết, người ta không biết ai là thân nhân của nó, ai là cha nó, ai là em nó. Cả bao nhiêu năm nay cha con, anh em, không liên lạc với nhau. Cảnh sát phải vất vả lắm mới tìm ra tôi. Tôi với hai thằng em nó tìm đến nơi thì người ta đã mang nó xuống nhà xác rồi. Chúng tôi ở lại dọn dẹp; cho đi tất cả những gì trong gian chung cư của nó; không còn lại cái gì thuộc về nó, không còn cả nó. Tôi mất nó từ ba mươi năm về trước. Nó chết ở tuổi bốn mươi tám.
Người con trai đó đã ra khỏi gia đình khi bước vào tuổi 18. Anh đi biền biệt theo những mảnh mầu anh tự pha, anh nghĩ là mầu hồng. Anh có về nhà một lần khi mẹ anh qua đời, rồi anh lại đi, rồi lại mất liên lạc với gia đình.
Anh mất đi, để lại cho người cha những mảnh mầu xanh buồn bay bay trong không gian.

image

Màu xanh trong Gia Đình.
Ông anh tôi góa vợ ba năm nay. Tháng Sáu vừa qua, anh mang tro của chị hạ xuống lòng đất, tôi không đến được trong tháng đó vì còn bận chôn cất bà dì bên chồng.
Tháng Chín, tôi thu xếp đi Virginia gặp bè bạn, thăm chơi với anh ít hôm và cũng nhân dịp giỗ chị. Buổi sáng Chủ nhật vào ngày thu phân, nắng mềm mại và gió nhẹ nhàng, không gian như bối rối giữa khí hậu của nóng và lạnh, chúng tôi cùng ra nghĩa trang. Tôi đi với anh, với con trai, con dâu, cháu nội và một người bạn gái của anh. Chúng tôi cắm hoa, lau chùi mộ, đọc đôi lời kinh nguyện. Chúng tôi đứng chụp hình trước ngôi mộ đã có tấm bia khắc tên cả hai anh chị. Khi nhìn anh và người bạn gái mới, ôm cô bé cháu nội đứng chụp hình trước mộ chị, tôi bỗng ứa nước mắt. Tôi không biết tôi mừng cho anh hay tôi thương xót nắm tro vừa đặt xuống. Khi người ta nhỏ lệ cho một điều buồn vui không rõ rệt, thì những giọt lệ đó có mầu xanh. Tôi chẳng từng mong cho anh có một người bạn tương đối hòa hợp với anh, cùng hoàn cảnh đơn chiếc, cùng trình độ hiểu biết để nương vào nhau đi trong tuổi già hay sao? Các cụ ngày xưa đã chẳng thường nói:“Con nuôi cha, không bằng bà nuôi ông.” Con trai, con dâu anh, họ có đời riêng của họ. Thương anh cách mấy họ cũng chỉ chia sẻ được một phần rất nhỏ những suy nghĩ, những nhu cầu của người già.
Trong hai tuần ở Virginia, có khi cùng đi chơi chung với người đàn bà mới trong đời anh, có khi chỉ riêng tư hai anh em, tôi vẫn bắt gặp một nỗi buồn thoáng qua trong mắt anh, trong giọng nói, nụ cười của anh.
Người ta cũng gọi những nỗi buồn không rõ rệt này là nỗi buồn xanh.

Màu xanh của Nước
Chưa đến tháng Mười một, mưa lũ đã về, tỉnh Quảng Bình đã có hơn 3,000 căn nhà lềnh bềnh trong nước. (Theo bản tin trên nhật báo Người Việt 10-01-2011.) Người dân quê tôi, ở những miền lũ lụt đã nghèo lại nghèo thêm. Trong khi đó thì ở Sài Gòn, người ta đang nói đến chuyện “vàng”. Nếu ai không phải là người Việt mà nghe thấy những bản tin về vàng như thế này thì không bao giờ có thể tưởng tượng ra nước Việt Nam là một nước nghèo: “Người Việt Nam có niềm tin mãnh liệt vào giá trị của vàng. Niềm tin ấy thể hiện rõ rệt ở hai ngàn tiệm vàng trên địa bàn thành phố Sài Gòn, và tạo thành một thị trường độc đáo hiếm thấy ở đất nước này: Hiệu quả nhất, minh bạch nhất, và tự do nhất! Vàng còn là ‘nơi trú ẩn an toàn’ cho nền kinh tế Việt Nam. Người dân giữ vàng để tích trữ tài sản, và người dân dùng vàng để đối phó với bất ổn của nền kinh tế.(Đông Bàn-Người Việt 10/01/2011)

image
Mưa lũ gây ngập lụt ở Quảng Bình 10/2011

Không biết có bao nhiêu người Việt trong Nước Việt có điều kiện tích trữ vàng làm tài sản, để đối phó với nền kinh tế bất ổn, để kiếm được một nơi trú ẩn an toàn nhất, khi nước kéo đến thềm nhà. Khi một người dân nghèo kiếm ăn từng bữa, chuyện giá vàng lên xuống từng ngày không phải là chuyện của họ. Chuyện giá thịt, giá cá, giá rau mới là điều họ quan tâm. Chuyện có tiền đóng học phí cho con tháng này hay không mới mang lại nỗi buồn hay niềm vui thực tế.
Những người ở vùng “Trời hành, Trời làm con lụt mỗi năm hai lần,” thì con số người dân Việt có niềm vui mạ vàng chắc chắn phải rất nhỏ so với những nỗi buồn xanh của những người dân đang bơi trong nước. Vì mầu xanh bây giờ không còn là nỗi buồn mơ hồ nữa. Nó đã trở mầu, thành mầu xám xịt của giông bão, lũ lụt, cuốn phăng đi những mảnh đời.



TRẦN MỘNG TÚ
Tháng 10/2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.