Pages

Friday, October 28, 2011

Trầm hương & kỳ nam

image

Thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh giới “đi điệu” trúng đậm trầm, kỳ. Chuyện trúng quả trầm, kỳ diễn ra nhiều nhất ở các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, đặc biệt là Quảng Nam. Các xã như Đại Phong (huyện Đại Lộc), Đại Nghĩa (Mỹ Lộc, Quảng Nam) liên tục khiến cả nước bị sốc vì những tin đồn trúng 10 tỷ, 50 tỷ, 100 tỷ và gần đây nhất là 1.000 tỷ đồng!

imageGS. Đinh Xuân Bá và một khối kỳ nam khổng lồ.

Kỳ nam là thứ siêu đắt, là sản vật có thể nói là vô giá của rừng già, nhưng vì sao kỳ nam lại đắt như vậy, người ta mua để làm gì, và sự thực có phải nhóm người đi tìm trầm trúng cả ngàn tỷ hay không là những câu hỏi rất cần có sự giải đáp.

Kỳ 1: “Giáo sư trầm, kỳ” Người hiểu biết nhất về trầm hương, kỳ nam ở nước ta có lẽ là GS-TS. Đinh Xuân Bá (nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty SECOIN). Giới nghiên cứu về trầm hương, kỳ nam thường gọi ông là “giáo sư trầm, kỳ”. GS-TS. Đinh Xuân Bá đã nghỉ hưu mấy năm nay, ông không còn tham gia hoạt động giảng dạy và kinh doanh nữa. Mọi việc của doanh nghiệp ông giao cho con trai và con gái. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì hoạt động của Trung tâm Sinh học ứng dụng SECOIN, mà ông là giám đốc. Trung tâm này quy tụ rất nhiều nhà khoa học có tiếng ở Việt Nam và trụ sở đặt tại nhà riêng của ông.

image
GS-TS. Đinh Xuân Bá bên một cây dó lớn.

Tòa biệt thự giữa khu vườn mênh mông ở làng Báo Đáp (Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) là nơi nhà khoa học đã ngoài 70 tuổi này trồng đủ các loại cây cỏ, thậm chí nuôi cả… giun quế để nghiên cứu. Tòa nhà và khu vườn nằm trên mỏm đất ngã ba sông, trồi hẳn ra con sông Bắc Hưng Hải. Quanh nhà, ông trồng một số cây dó và thường xuyên đo đạc, theo dõi, nghiên cứu.

image
Gian hàng giới thiệu trầm, kỳ của Việt Nam ở hội chợ nước ngoài.

Tuy nhiên, mấy cây dó trồng quanh nhà là để cho vui, để người đến nhà ông chơi, các nhà khoa học không có điều kiện vào miền Trung được biết nó thế nào, chứ nơi ông nghiên cứu về trầm kỳ, về cây dó bầu nhiều năm nay là ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tại đây, ông có một trang trại khổng lồ, rộng cả trăm ha với hàng vạn cây dó bầu đã chục năm tuổi.

image
GS. Đinh Xuân Bá trong một hội thảo về trầm, kỳ ở nước ngoài.

Từ khi cả nước còn mù mờ về cây dó, trầm, kỳ, thì ông đã bắt đầu gieo giống, trồng trọt và cung cấp giống cho người dân phát triển loài cây này. Từ loài cây quý hiếm, có mặt trong Sách đỏ Việt Nam, giờ có lẽ Sách đỏ nên loại cây này ra, vì khắp miền Trung người dân trồng nó, với số lượng lên đến vài chục triệu cây. Với tình trạng phát triển cây dó bầu như hiện tại, trong tương lai, Việt Nam sẽ thành vương quốc của dó bầu, của trầm, kỳ. Thế nhưng, vị GS này lại đưa ra một cảnh báo quan trọng, rằng trong tương lai, Việt Nam có thể dùng cây dó bầu để… đun bếp. Bởi vì, nếu để tự nhiên, thì cả ngàn cây mới có một cây cho trầm, hàng triệu cây mới có một cây cho kỳ nam và thời gian tạo trầm, kỳ kéo dài vài chục đến cả trăm năm, chứ không phải chuyện trồng cây rồi hái quả như sung, như vải.

image
Cây dó gần 100 năm tuổi ở Quảng Nam.

Các nhà khoa học ở Thái Lan, Malaisia, Ấn Độ và cả Việt Nam đã thử nghiệm đưa khoa học hiện đại vào việc tạo trầm. Họ khoan thân cây, cấy vi sinh vào vết thương, rồi kết hợp nhiều công đoạn nữa để tạo trầm. Thậm chí, các nhà khoa học Nhật Bản tại Đại học Kyoto đã dùng Methyl Jasmonate và Jasmonic acid (chất giúp tăng cường năng lực tự vệ của cây) tác động lên các tế bào của cây dó theo phương pháp nuôi cấy treo có thể tạo ra các chất chính của trầm hương chỉ trong vòng… 7 ngày.  Ông Bá gọi đây là phương pháp “kích cảm”. Việc tạo trầm bằng phương pháp này đã có hiệu quả, song chưa có kiểm chứng về chất lượng của trầm. Theo GS. Đinh Xuân Bá, nhiều khả năng, việc tạo trầm bằng phương pháp khoa học này sẽ chỉ cho ra đời một loại trầm dùng để làm… nhang.

image
Trầm hương Thái Lan bán rẻ như... củi.

GS. Đinh Xuân Bá đã trao đổi với rất nhiều nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp thu mua, chế biến trầm của nước ngoài và họ đều tuyên bố sẽ không thu mua trầm nhân tạo. Sản phẩm trầm hương nhân tạo chưa biết có hiệu quả không, chất lượng ra sao, mà có thể còn không bán được. Nếu không xác định được thị trường tiêu thụ mà cứ phát triển ồ ạt giống cây dó bầu sẽ là đại họa với người nông dân.   GS. Đinh Xuân Bá đã hoàn thành hàng loạt đề tài khoa học cấp Nhà nước về trầm, kỳ. Số lượng bài viết mang tính chất nghiên cứu khoa học thì có đến cả trăm.

image
Sản phẩm vòng đeo tay làm từ trầm hương.

Ông lên phòng làm việc ôm xuống một đống tài liệu cho tôi ngồi đọc để hiểu về trầm, kỳ. Cầm đống tài liệu mà theo ông là rất quan trọng, tôi chỉ có nước… bó tay. Bởi vì, tất cả các tài liệu, các công trình nghiên cứu đều được ông viết bằng tiếng Anh. Tôi hỏi có tài liệu nào bằng tiếng Việt không thì ông bảo không có. GS. Đinh Xuân Bá là người đầu tiên lập trang web giới thiệu về trầm, kỳ, các nghiên cứu, sáng chế, công nghệ chiết xuất tinh dầu từ khi Việt Nam chưa có internet. Trang web này ông lập ở nước ngoài, viết cho người nước ngoài đọc, nên phải viết bằng tiếng Anh.

image
Kỳ nam - thứ vàng ròng của rừng già.

Vì thế, nên dù là nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực trầm, kỳ, song ở Việt Nam ít người biết đến ông, trừ giới buôn bán, tìm hiểu sâu về trầm, kỳ. Nhưng với giới nghiên cứu ở nước ngoài thì GS. Đinh Xuân Bá rất nổi tiếng. Mỗi năm ông ra nước ngoài cả chục lần để tham dự các hội thảo, các buổi giảng dạy về trầm, kỳ. Các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trầm ở Thái Lan, Malaisia, Ấn Độ thường xuyên mời ông với tư cách nhà khoa học cấp cao. Chính vì vậy, không thể phủ nhận tài năng của GS. Đinh Xuân Bá trong lĩnh vực đầy sự kỳ bí, khó hiểu này. Theo GS. Đinh Xuân Bá, có rất nhiều loài thuộc chi Aquilaria, nhưng chỉ có 28 loài có thể cho trầm. 28 loài này có mặt ở 15 nước trên thế giới. Việt Nam chỉ có 6 loài thuộc chi Aquilaria. Aquilaria Crassna là loài quý nhất trong nhóm, chỉ có mặt ở 4 nước, trong đó Việt Nam có nhiều nhất và cho chất lượng cao nhất. Sở dĩ loài Crassna quý nhất là vì nó sản sinh ra trầm tốt, mà người đời vẫn gọi bằng cái tên khác là kỳ nam. Nhắc đến kỳ nam, chỉ có thể nhắc đến Việt Nam. Không có nước nào cho loại kỳ nam tốt hơn Việt Nam. Vì thế, kỳ nam có nguồn gốc từ Việt Nam luôn đắt nhất. Vậy kỳ nam của Việt Nam là thứ gì?

Sự bí ẩn của kỳ nam: Đau thương dó biến thành trầm
Theo lời đồn thì một kg kỳ nam, chỉ là gỗ và tinh dầu mà có giá tới 9 tỷ đồng, đắt hơn cả vàng ròng. Vậy kỳ nam là thứ gì và dùng để làm gì mà đắt khủng khiếp như vậy?

image
Cây gió bầu trên trăm năm tuổi ở Tiên Phước, Quảng Nam.

Kỳ 2: Đứng bên cây dó bầu trồng trước nhà, GS-TS Đinh Xuân Bá nói câu rất hình ảnh: “Trong đau thương dó biến thành trầm”. Sự hình thành của trầm, kỳ khiến con người suy tư về lẽ sinh tồn.  Theo dân gian, cách tạo trầm, kỳ của cây dó rất đặc biệt. Theo đó, hương trời theo gió quấn quýt thân cây dó bầu. Thứ hương trời đó cứ ngấm dần vào da, ăn dần vào thịt cây. Trầm, kỳ chính là thứ hương trời thấm đẫm trong lõi cây gió.

image
GS. Đinh Xuân Bá và công nhân trong trang trại dó bầu của ông ở Hà Tĩnh.

Chuyện khác kể rằng, do thân cây dó bị bọng, loài ong, kiến làm tổ ở đó, tha mật về ăn. Hương mật ngấm vào thịt cây dó lâu ngày rồi hòa trộn với nhựa cây mà kết thành trầm hương, kỳ nam. Đấy là chuyện kể của dân gian, còn khoa học đã lý giải cặn kẽ quá trình tạo trầm. Trầm hương và kỳ nam là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó bầu. Nhưng không phải cây nào cũng cho trầm. Cả ngàn cây mới có một cây cho trầm, cả triệu cây mới có cây cho kỳ. Những cây cho trầm, kỳ thường là những cây bị thương tích. Khi cơ thể cây dó bị thương, cây sẽ tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, và thứ nhựa đó là trầm, kỳ. Việc cây dó tạo trầm như thế nào vẫn là điều bí hiểm, đã có cả trăm lý giải, song chưa lý giải nào hoàn thiện. Tuy nhiên, theo GS. Đinh Xuân Bá, qua nghiên cứu tài liệu từ các nhà khoa học đầu ngành về trầm, kỳ ở nước ngoài thì nhiều khả năng trầm là một bệnh phẩm hay sản phẩm của sự nhiễm bệnh. Nói cách khác, nó là sản phẩm của phản ứng tự vệ của cây chống lại sự nhiễm bệnh.  Nếu chỉ giải thích như vậy thì cây dó bầu nào cũng có thể cho trầm, kỳ nếu cây bị thương tích. Mà để cây bị thương tích, là chuyện rất đơn giản. Một người khua dao múa kiếm trong một ngày có thể khiến cả ngàn cây dó thương tích đầy mình.

image
Vết thương trên những cây dó bầu có thể tạo trầm.

Ngoài vết thương, thì sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích ở chỗ nào, do nguyên nhân nào, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc nhiễm các loài ký sinh nào trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó... Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó bầu hình thành trầm nên trong điều kiện tự nhiên rất khó để có thể tìm thấy một cây dó bầu cho trầm. Cùng với việc nghiên cứu các tài liệu khoa học nước ngoài, GS. Đinh Xuân Bá cũng thường xuyên gặp gỡ những người trực tiếp đi tìm trầm để tìm hiểu thực tế. Những người có kinh nghiệm tìm trầm giải thích với ông rằng, những cây dó bầu nào cao 30-50m, lá đã vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu như tổ kiến, hoặc gốc có gò mối đóng thì cây dó đó có thể cho trầm hoặc cả trầm lẫn kỳ.


image
Một cục kỳ nam xịn, đắt hơn cả vàng ròng.

Khi gặp những cây dó bầu có đặc điểm đó, người ta sẽ chặt hạ cây, đào hết cả rễ rồi xả nát ra để tìm trầm. Trầm, kỳ có thể ở ngọn cây, thân cây, gốc cây, thậm chí ở rễ cây. Cũng có khi, bằng những kinh nghiệm dân gian, không cần thấy cây dó bầu, nhưng nghi ngờ quanh vùng từng có dó bầu, họ cũng tiến hành đào bới dưới lòng đất để tìm trầm, kỳ. Nếu cây dó bầu từng có trầm, nhưng cây đã chết, mục ruỗng, bị phân hủy hoàn toàn từ cả trăm năm trước, thì trầm, kỳ sẽ vẫn còn tồn tại trong lòng đất.

image
Kỳ nam loại chất lượng khá.

Giới tìm trầm thường gắn những truyền thuyết, thần thoại vào thứ gỗ đặc biệt này. Họ tin rằng, trầm, kỳ là hóa thân của vị thần Thiên Y Ana. Vì thế, trước khi đi tìm “vị thần”, họ thường ăn chay mấy ngày, ngủ riêng với vợ, không gây gổ đánh nhau, không có ý nghĩ xấu. Tìm thấy cây dó bầu rồi, họ thường nhịn đói để giữ mình thanh khiết, tắm rửa sạch sẽ dưới suối, cúng thần rừng để tạ ơn trước khi hạ cây. Trầm hương và kỳ nam đều hình thành trong lõi cây dó bầu và có cơ chế hình thành gần như nhau. Nếu tích tụ tinh dầu đậm đặc thì là kỳ. Do đó, kỳ nam nặng hơn trầm hương. Việc phân biệt trầm hương và kỳ nam vừa dễ lại vừa khó. Với trầm hương loại 4, loại 5, thì có thể phân biệt dễ dàng, nhưng trầm hương loại 1 thì chả khác gì kỳ nam, thậm chí, trầm hương loại 1 cũng chính là kỳ nam.

image
Kỳ nam chất lượng thấp.

Các nhà khoa học phân biệt dựa vào chiết xuất tinh dầu và các nghiên cứu đo đạc cụ thể, song giới mua bán, săn trầm thì dựa vào kinh nghiệm dân gian. Trầm hương có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nhẹ nhàng, khi đốt khói lên hình vòng rồi tan nhanh trong không khí. Kỳ nam có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt. Kỳ nam chứa đậm đặc tinh dầu nên khi cháy khói lên thẳng và cao, bay lững lờ trong không khí rất lâu. Tôi hỏi liệu trầm, kỳ có phải dược liệu hay không, GS – TS Đinh Xuân Bá lắc đầu không chắc chắn, vì chưa có nghiên cứu cụ thể về lĩnh vực này, cũng chưa thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, một số sách cổ có nhắc đến tác dụng chữa bệnh của trầm hương.

image

image
Chế tác trầm hương, kỳ nam.

Theo đó, các thầy thuốc dùng trầm hương làm thuốc bổ thận, tráng dương, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều trị tiêu chảy, chống nôn mửa, hen suyễn, đau bụng, khó thở, thấp khớp. Ngoài ra, trầm hương còn có tác dụng giảm đau, hạ sốt, tăng sức đề kháng cho phụ nữ sau khi sinh. Kỳ nam cũng có một vài tác dụng như trầm hương, như lợi tiểu, chữa đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, cảm mạo… Với những khả năng phòng và chữa bệnh như vậy, nên đồng bào ở vùng có trầm kỳ thường sắc loại dược liệu này với nước uống hàng ngày như trà. Một số làng bản ở vùng cao tỉnh Khánh Hòa, đồng bào còn dùng cả cục kỳ nam bọc vào tấm vải treo ở cửa sổ với ý nghĩa trừ tà khí. Trẻ em thì được đeo một miếng ở cổ hoặc tay và người ta xem đó như "bùa hộ mệnh".

image
Mẩu kỳ nam nặng 42,6g, được định giá 1.883USD

Trong các sách Đông y còn nói cả đến tác hại của trầm, kỳ. Theo đó, những phụ nữ mang thai mà uống tinh dầu trầm, kỳ sẽ bị trụy thai và những người suy nhược, suy gan, hỏa tính mà dùng trầm, kỳ sẽ có hại cho cơ thể...   GS – TS. Đinh Xuân Bá cũng thử ngâm trầm hương với rượu để dùng, song thực sự chất lượng và tác dụng thế nào thì chưa thấy rõ. Hiện ông mới chỉ dùng trầm hương vào 2 việc là làm nhang và chiết tinh dầu ngửi cho… vui. Ông thường làm đủ các loại hương vòng, hương que và những thỏi hương bé xíu, ngắn như đầu lọc thuốc lá tặng mọi người đốt cho thơm nhà. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tặng mọi người những lọ tinh dầu trầm nhỏ bằng ngón tay và tặng luôn chiếc máy phát tán hương trầm. Khi cắm điện, chiếc máy sẽ phát tán tinh dầu khiến căn phòng thơm mùi trầm.  Với người Việt, trầm, kỳ chỉ có những tác dụng vô cùng đơn giản như vậy mà thôi. Vậy người nước ngoài mua kỳ nam để làm gì mà chúng đắt hơn cả vàng ròng, trị giá đến gần chục tỷ đồng/kg?

Tại sao kỳ nam lại có giá đắt khủng khiếp?
Với người Việt Nam, công dụng của trầm, kỳ rất khiêm tốn. Tính dược liệu thì chỉ là nấu nước như trà uống hàng ngày để hỗ trợ điều trị một số bệnh đơn giản. Về mặt mỹ nghệ thì cũng không có gì đặc sắc, chỉ được điêu khắc làm tượng, một số sản phẩm trang trí, chế tác đồ trang sức, nhiều nhất là vòng đeo tay, tràng hạt cho những người tu hành dùng. Phần lớn trầm hương ở Việt Nam được dùng để làm nhang đốt cho thơm.

imageKỳ nam loại cấp độ giá 5.

Kỳ 3: Theo nghiên cứu của GS-TS. Đinh Xuân Bá, thị trường trầm hương trên thế giới khá rộng lớn, khắp các châu lục đều dùng. Trung Đông là nơi dùng nhiều trầm hương nhất vì họ thích mùi trầm. Người theo đạo Hồi bôi trầm hương vào người như nước hoa. Vào các nhà thờ thì thấy mùi trầm đặc quánh. Đến tấm thảm để quỳ khi hành lễ cũng được tẩm tinh dầu trầm.

image
GS. Đinh Xuân Bá giữa trang trại dó bầu của mình ở Hà Tĩnh.

Người Trung Đông tin vào khả năng trừ tà khí của trầm hương, nên công nhân, kỹ sư trong các hầm mỏ, khu vực khai thác, chế biến dầu đều sử dụng tinh dầu trầm. Trước khi làm việc, họ bôi dầu trầm lên người như phụ nữ bôi kem dưỡng da khi ra nắng. Ngoài ra, trầm hương được dùng để bảo quản xác chết, chống lại sự phân rã, bốc mùi trong điều kiện rất nóng của vùng Trung Đông. Tóm lại, với người Trung Đông, trầm hương là thứ thông dụng, dùng hàng ngày, nên không thể nói nó đắt đỏ, hoặc có tác dụng thần thánh gì cả. Họ thường sử dụng trầm hương loại 6,7 thậm chí là 8, giá chỉ vài USD đến vài chục USD một lít.  Ấn Độ cũng là thị trường tiêu thụ trầm hương rất lớn, và cũng là nước xuất khẩu loại hương liệu này. Nhưng tác dụng chính của trầm hương là sử dụng trong… thiêu xác. Khi hỏa thiêu gần xong, họ rắc bột trầm vào đống tro cốt đang nóng rẫy cho mùi thơm bốc lên, rồi mang tro cốt về thờ.

image
Cây gió bầu cho nhiều trầm trưng bày ở triển lãm sinh vật cảnh 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thị trường châu Âu dùng trầm hương trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, đặc biệt là nước hoa. Trong những lọ nước hoa đắt tiền của Pháp không thể thiếu trầm hương, nhưng tinh dầu trầm không phải là thứ trọng tâm, mà nó chỉ là chất định hương, có tác dụng giữ mùi hương lưu lại lâu hơn khi sử dụng. Vậy nên, một lọ nước hoa chỉ cần sử dụng vài giọt tinh dầu trầm. Một nhà máy, một năm sử dụng lượng trầm hương không đáng kể. Trong hoàn cảnh nguồn nguyên liệu khá dồi dào, mà sử dụng lượng trầm hương ít như vậy, thì khó có lý do gì để trầm hương đắt đỏ. Theo GS. Đinh Xuân Bá, kỳ nam hầu như không được biết đến ở Trung Đông, Ấn Độ và châu Âu, bởi vì họ không có nhu cầu sử dụng. Qua theo dõi của ông Bá, kỳ nam được xuất chủ yếu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông và một ít sang Trung Quốc.

image
GS. Đinh Xuân Bá và khối kỳ nam lớn.

Tìm hiểu từ giới buôn kỳ nam sang các thị trường này, thì có tin đồn rằng, Đài Loan, Trung Quốc dùng kỳ nam để chế thuốc Bắc, còn họ chế thuốc gì thì những người buôn bán kỳ nam thạo tin nhất cũng không biết. Thị trường Nhật Bản có một thời rộ lên phong trào dùng rượu ngâm với kỳ nam, mà người Nhật gọi là “kỳ nam tửu” và dùng bột kỳ nam tẩm ướp gà để nướng ăn, gọi là “kỳ nam kê”. Như vậy, kỳ nam được dùng ở những thị trường này cũng rất bình thường, không có gì đặc sắc, do đó cũng khó có thể ngờ được rằng, kỳ nam lại đắt khủng khiếp như vậy.

image
Ở Việt Nam, kỳ nam được chế tác thành chuỗi đeo tay hoặc chuỗi đeo cổ.

Như đã nói ở kỳ trước, GS-TS. Đinh Xuân Bá đã có hàng chục công trình nghiên cứu về trầm, kỳ. Các công trình khoa học của ông được viết bằng tiếng Anh và chủ yếu để người nước ngoài sử dụng. Ông và các nhà khoa học cũng đã thành công trong việc kích cảm tạo trầm bằng phương pháp nhân tạo từ rất lâu rồi. Các nhà khoa học trên thế giới tìm ra chất gì có trong trầm hương, ông cũng đã tìm ra, thậm chí tìm được nhiều hơn họ.  Mấy chục năm nghiên cứu, GS. Đinh Xuân Bá đã có tương đối đầy đủ cơ sở dữ liệu về các hoạt chất của tinh dầu trầm. Cơ sở dữ liệu hoạt chất được thống kê từ các trung tâm nghiên cứu uy tín của Mỹ, Nhật, Thái Lan, Malaisia, Ấn Độ… cũng không khác mấy với cơ sở dữ liệu các hoạt chất ông tìm ra. Dựa vào cơ sở dữ liệu về các hoạt chất này, sẽ thấy được tác dụng, giá trị của trầm hương. Thế nhưng, có một thực tế là các hoạt chất sinh học này cũng không có giá trị lớn.

image
Đục lỗi trên thân cây dó bầu để tạo trầm.

image
Cây gió bầu tiết nhựa bảo vệ vết thương và tạo thành trầm.

Hầu hết các hoạt chất sinh học có trong trầm hương thì cũng có trong kỳ nam. Riêng kỳ nam, duy nhất một hoạt chất sinh học mà nhà khoa học Nhật Bản vừa tìm ra, thì GS. Đinh Xuân Bá chưa tìm thấy.  Từ trang web www.sciencedirect.com, GS. Đinh Xuân Bá bỏ ra 30USD, để tải về một công trình nghiên cứu của các giáo sư Nhật Bản. Theo đó, tháng 12-2001, các nhà khoa học của Instilute of Natural Medicine, University of Toyama (Nhật Bản) đã mua 4,52g kỳ nam (trầm hương loại tốt nhất) của sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa.  Mới đây, các giáo sư của cơ quan này đã tìm ra một sesquiterpene mới cùng với cấu trúc và chứng minh trong phòng thí nghiệm hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của “chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh” BDNF.

image
Ông Jitsuo Tanaka (người Nhật) và khối trầm hương của ông Bá.

GS. Đinh Xuân Bá và các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thấy 7 sesquiterpene trong 19 hoạt chất sinh học có trong trầm, kỳ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa tìm thấy sesquiterpene mà các nhà khoa học Nhật công bố mới đây.  Theo các nhà khoa học Nhật Bản, hoạt chất này có khả năng điều trị một số bệnh liên quan đến thiếu hụt BDNF khiến con người bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, tự kỷ ám thị, mất trí nhớ, Parkinson… Không cần các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra chất này, ông Bá cũng tin rằng kỳ nam có tác dụng an thần. Tác dụng an thần được ghi rõ trong một số sách Đông y, chỉ có điều ông chưa chứng minh được bằng khoa học mà thôi. Việc các nhà khoa học tìm thấy hoạt chất này trong mẩu kỳ nam mua ở Khánh Hòa không có nghĩa là hoạt chất này sẽ có ở trong các loại trầm, kỳ. Rất nhiều cây có hoạt chất sinh học. Nhưng quá trình sinh tổng hợp và tích lũy các hoạt chất sinh học không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố di truyền (họ, chi, loài, thứ…) mà còn phụ thuộc vào điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, sinh thái, thảm thực vật và môi trường sống. GS. Đinh Xuân Bá coi đây là tín hiệu mừng, bởi nhờ vào sesquiterpene mà các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra, có thể là một dấu hiệu để phân biệt kỳ nam với các cấp độ trầm hương khác, hoặc phân biệt trầm hương Việt Nam với các nước khác một cách rõ ràng, chính xác và khoa học. Mặc dù các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra chất bí ẩn trong kỳ nam Việt Nam, song điều đó cũng không khẳng định giá trị đắt như vàng ròng của thứ lâm sản vô cùng quý hiếm này.  Thông thường, khi loại cây cỏ gì đắt, người ta thường nghĩ ngay đến tác dụng thần kỳ của nó trong việc chữa những căn bệnh quái ác, chẳng hạn như ung thư, HIV… Người giàu sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để mua cốt mong chữa khỏi bệnh. Nếu có khả năng chữa những loại bệnh mà nền y học hiện đại bó tay, thì quả thực, giá trị của những thứ đó là không đo đếm được. Mới đây, ngày 30-6-1011,văn phòng bằng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã công bố một phát minh mới của 4 nhà khoa học tại Đại học Y Đài Bắc với nội dung: “Dùng chất chiết của vỏ cây dó trầm để điều trị ung thư”. Tác giả của các phát minh này là Chinh – Chiung Wang, Lih – Geeng Chen, Ting – Lin Chang và Chi – Ting Hsieh.  Các nhà khoa học này chứng minh được rằng có thể phân lập cucurbitacins trong vỏ cây dó trầm (Aquilaria Agallocha Roxb) và chỉ ra phương pháp dùng chất chiết trong vỏ cây dó trầm nói trên để diệt tế bào ung thư, đề phòng và chữa ung thư.

image
Mẩu kỳ nam nhỏ bằng ngón tay này cũng có giá cả ngàn USD.

Ngoài ra, các nhà khoa học của Việt Nam cũng mới tìm ra hoạt chất mangiferin có khả năng tiêu diệt trực tiếp viruts Herpes simlex, virus Sitomegalo, kích thích cơ thể sản sinh interfevon, giúp cơ thể tăng khả năng chống lại các bệnh có nguồn gốc viruts. Ngoài ra, hoạt chất này còn có tác dụng hạ đường huyết.  Như vậy, hai phát hiện này rất quan trọng, bởi nó điều trị những căn bệnh nguy hiểm và phổ biến. Tuy nhiên, các hoạt chất trên được phát hiện không phải trong trầm hương và kỳ nam, mà ở vỏ cây và lá cây dó bầu. Vậy thì vỏ và lá cây dó bầu phải có giá trị hơn trầm, kỳ chứ nhỉ?

Sự thật về gốc dó bầu trị giá 1.000 tỷ đồng!
Công dụng duy nhất của kỳ nam, khiến kỳ nam đắt khủng khiếp, là làm bùa hộ mệnh. Ý nghĩa tâm linh đã đẩy giá trị của kỳ nam lên mức phi thực tế.

imageÔng Bá cho rằng kỳ nam rất ít tác dụng.

Suốt nhiều năm trời bôn ba Nam – Bắc, ra nước ngoài hàng trăm lần để nghiên cứu về kỳ nam, rồi viết rất nhiều công trình khoa học, GS-TS. Đinh Xuân Bá vẫn không thể trả lời được câu hỏi: Vì sao kỳ nam đắt hơn cả vàng ròng?  Giá trị của kỳ nam cứ tăng lên từng ngày và thật sự chóng mặt. Cách đây độ 10 năm, một kg kỳ nam thượng hạng có giá hơn 100 triệu đồng, rồi tăng lên 300 triệu, 500 triệu, 1 tỷ, và giờ đây đang là thời kỳ đỉnh cao của loài lâm sản này, khi mà người ta có thể bỏ ra ngót 10 tỷ đồng để mua một 1kg, thứ mà chính GS-TS Đinh Xuân Bá chỉ coi là… củi!

image
Đối với GS. Đinh Xuân Bá, giá trị thực sự của kỳ nam rất thấp

Chuyện một GS-TS hàng đầu Việt Nam nghiên cứu về trầm, kỳ lại coi kỳ nam là… củi thì cũng khá hài hước. Khi tôi hỏi ông về giá trị của kỳ nam so với số tiền mà người nước ngoài bỏ ra mua, GS. Đinh Xuân Bá bảo: “Mình đặt vào vị trí của họ, mình cóc mua làm gì, vì nó đắt lòi mà lại kém giá trị sử dụng!”. Chính vì lẽ đó, cách đây mấy năm, GS. Đinh Xuân Bá tuyên bố trên báo chí rằng, kỳ nam chẳng có mấy tác dụng ngoài việc ngâm rượu uống chơi và tẩm gà nướng ăn như người Nhật Bản vẫn sử dụng. Ông cũng khuyên người dân cẩn thận, kẻo bị giới buôn bán lừa đảo, giống như trò lừa đảo đồng đen. Thậm chí, các nhà khoa học Ả-rập mời ông sang thỉnh giảng về trầm hương, kỳ nam, khi họ hỏi kỳ nam có giá trị gì, ông cũng bảo chẳng có mấy giá trị! Một người nghiên cứu về trầm, kỳ, buôn bán trầm, kỳ, có cả một trang trại 10 vạn cây dó bầu lại tuyên bố như vậy, là một sự nghiêm túc và thực lòng. Suốt bao năm trời nghiên cứu ở Trung tâm Sinh học ứng dụng SECOIN tại 59 Hàng Chuối (Hà Nội), không chứng minh được giá trị tối cao của kỳ nam, nhưng từ khi về ngôi nhà bên con sông đào Bắc Hưng Hải ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm), thì ông Bá lại trả lời được câu hỏi kỳ quái này. Hóa ra, kỳ nam đắt là vì các đại gia mua để làm… bùa. Ông là một nhà khoa học, chỉ tin vào các giá trị khoa học, không tin vào mấy trò mê tín dị đoan, nên ông cũng không thể nghĩ ra chuyện này. Nhưng điều này lại là sự thực, chỉ vì quan niệm tâm linh, giá trị của kỳ nam đã bị thổi phồng một cách ghê gớm.

Ngoài việc kỳ nam dùng vào vấn đề tâm linh, thì kỳ nam đắt cũng vì một số tin đồn chữa bệnh.  GS. Đinh Xuân Bá phát hiện ra giá trị tâm linh của kỳ nam là bởi vì mấy năm nay các đại gia nước ngoài thường tìm đến mua kỳ nam của ông. Họ coi ông là địa chỉ tin cậy, nên thường tìm đến tận nhà ông để mua.

image
Chế tác kỳ nam thành đồ trang sức.

GS-TS Đinh Xuân Bá chia kỳ nam làm 5 loại, mà ông gọi là cấp độ giá. Cấp giá cao nhất từ 350.000 đến 400.000USD/kg (7-8 tỷ đồng/kg) và cấp giá thấp nhất là từ 35.000-40.000USD/kg (700 đến 800 triệu đồng). Sở dĩ ông không chia kỳ nam thành loại 1, loại 5 rõ ràng như trầm hương là vì rất khó có cơ sở khoa học vững chắc. Vả lại, ông có phân loại cũng chẳng ai công nhận. Việc phân chia chỉ là trực quan, dựa vào tỷ trọng, hương thơm, hàm lượng tinh dầu và đưa ra giá trị. Ngay cả giới buôn kỳ nam cũng chỉ dựa vào cảm quan để mua bán, chứ không có cơ sở khoa học nào để tính chính xác giá trị của kỳ nam. GS. Đinh Xuân Bá sở hữu khá nhiều kỳ nam, song ông chỉ có loại cấp độ giá 4 và 5. Loại cấp độ giá 3 ông cũng có thể kiếm được từ giới buôn bán, thu mua mà ông quen biết, song rất ít. Riêng loại cấp độ giá 1 thì không phải muốn là có được.

image
Chuỗi hạt bằng kỳ nam.

Hồi năm ngoái, vợ chồng doanh nhân cỡ lớn của Hồng Kông, khoảng 40 tuổi, đến nhà ông để tìm hiểu về kỳ nam. Thấy có mẩu kỳ nam loại cấp độ giá 5, anh này đã hỏi mua. Ông Bá đã bán mẩu kỳ nam đó cho anh ta với giá 1.400USD. Ông Bá hỏi anh ta mua về làm gì? Anh ta bảo, mua mẩu kỳ nam đó về chế tác chiếc chuỗi đeo tay cho vợ. Cách đây mấy tháng, anh này lại đòi mua một mẩu loại 3 bằng 2 đầu ngón tay. Ông Bá lại bán cho anh ta với giá chưa đến 1 ngàn USD. Anh này bảo mua miếng kỳ nam để ở túi áo ngực nhằm tránh tai ương, bảo vệ sức khỏe. Theo anh ta, ở Hồng Kông, những người đi công tác nhiều thường mang theo mẩu kỳ nam như lá bùa hộ mệnh.

image
Người Hồng Kông để những mẩu kỳ nam nhỏ như thế này ở ngực để trừ tà, may mắn.

Rất nhiều doanh nhân Đài Loan sang gặp ông mua kỳ nam đều nói mua kỳ nam về làm chuỗi đeo tay, đeo cổ để từ tà khí. Duy nhất một doanh nhân Đài Loan, cách đây 5 tháng, gặp ông Bá mua một cục kỳ nam to bằng nắm tay với giá 92 triệu đồng để trưng bày trên… bàn thờ tổ tiên. Anh ta bảo, cứ để nguyên cục kỳ nam như thế trên bàn thờ, không chế tác gì cả.  Ông T. và bà L., cặp vợ chồng đại gia buôn bán trầm hương, nhà ở đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) cũng học người Đài Loan làm bùa đeo. Ông T. mua của ông Bá mẩu kỳ nam chế tác thành tượng Phật, nạm vàng bên ngoài rồi hai vợ chồng cùng đeo lủng lẳng ở cổ.

image
Ông Bá và anh D., một đại gia chuyên thu mua kỳ nam của dân "đi điệu".

Trong số những người đến mua kỳ nam của GS. Đinh Xuân Bá, chỉ có 2 trường hợp mua về làm thuốc. Một trường hợp là doanh nhân người Ý. Anh này nghe đồn trầm hương và kỳ nam có khả năng chữa đau nửa đầu nên đã mua tinh dầu trầm loại xịn giá 30 ngàn USD/lít để uống. Uống tinh dầu trầm không ăn thua, anh này gặp ông Bá để mua kỳ nam. Ông Bá mô tả nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu, cách điều trị và giải thích rõ cho anh này là kỳ nam không chắc chắn có tác dụng chữa bệnh đó, tuy nhiên anh ta không nghe, cứ nhất định đòi mua uống thử. Sau khi mua được kỳ nam của ông Bá, anh này mài uống hùng hục cả ngày. Uống hết cục kỳ nam thì thông báo cho ông Bá rằng… chả có tác dụng gì.
image

image
Miếng kỳ nam loại quý nhất, trị giá 8 tỷ đồng/kg mà bà Huỳnh Kỳ H. mua được từ giới săn trầm ở Quảng Nam.

Vị doanh nhân Đài Loan thì cứ đôi ba tháng lại đến nhà ông Bá để mua kỳ nam. Anh này cứ mua ít một. Mới đây, anh ta nhờ ông lấy hộ kỳ nam loại tốt để chữa rối loạn giấc ngủ và tăng cường năng lực… giường chiếu. Theo anh này, nếu uống kỳ nam, rồi phun tinh dầu vào giường chiếu, thì sẽ nâng cao khả năng làm cho phụ nữ sung sướng. Ông Bá cũng giải thích kỳ nam chả có tác dụng đó, song anh ta không nghe, cứ đòi mua. Ông Bá cũng dặn rằng, nếu có tác dụng thì báo cho ông. Thế nhưng, hơn tháng nay không thấy anh ta quay lại, cũng chưa thấy gọi điện báo kết quả cho ông. GS. Bá tin rằng kỳ nam chẳng có những tác dụng đồn thổi đó. Cho đến lúc này, công dụng duy nhất của kỳ nam, khiến kỳ nam đắt khủng khiếp, là làm bùa hộ mệnh. Ý nghĩa tâm linh đã đẩy giá trị của kỳ nam lên mức phi thực tế.

image
GS. Bá và bà Huỳnh Mỹ H.

Về chuyện những người dân ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), đào một gốc cây dó bầu trúng 100kg kỳ nam, bán gần 1.000 tỷ đồng, GS. Đinh Xuân Bá bác bỏ hoàn toàn. GS. Bá quan hệ với hầu hết dân buôn kỳ nam, thậm chí cả người nước ngoài buôn kỳ nam.  Chuyện người dân ở xã Đại Nghĩa trúng kỳ nam là có thật, song số lượng và giá trị không phải như thế. Người mua được kỳ nam trong vụ dân làng trúng là anh M., người quen của ông Bá. Anh này chỉ mất vài tỷ để mua số kỳ nam đó thôi. Một gốc cây dó bầu có thể cho vài chục kg trầm hương, chứ không thể cho vài chục kg kỳ nam. Trong số vài chục kg trầm, có một vài kg kỳ nam đã là hiếm lắm, phải cả triệu cây mới có một cây như thế. Nhưng trong số vài kg kỳ nam đó, có 1 kg kỳ nam giá cấp độ 1 thì lại càng hiếm. Có thể, người dân ở đó trúng ổ trầm hương, gồm có cả kỳ nam, song họ không phân biệt rõ ràng được, thế là, theo tin đồn, người ta cứ nhân 9 tỷ với ngót tạ kỳ nam, thành ra tin đồn trúng gần ngàn tỷ đồng. Cứ cho là họ trúng mấy chục kg kỳ nam, nhưng toàn loại cấp độ giá 4 và 5, thì cũng chỉ được vài chục tỷ đồng là cùng. Hầu hết kỳ nam ở Việt Nam đều qua các đầu nậu mua bán, rồi lại đến tay bà Hoàng Kỳ H., người Quảng Bình, lấy chồng là thương nhân Đài Loan. Bà này thường xuyên về Việt Nam thu mua kỳ nam cung cấp cho thị trường Đài Loan, Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông. Mỗi năm, bà H. gom được lượng kỳ nam giá trị 2 triệu USD. Năm thu gom được nhiều nhất là 5 triệu USD. Như vậy, số lượng kỳ nam ở Việt Nam tìm được mỗi năm không nhiều lắm, nên không thể có chuyện người dân đi một chuyến, đào một gốc cây dó bầu mà trúng đến 1 tạ kỳ nam, bán được gần 1.000 tỷ đồng.




Tango & MÙA THU Trong Tình Ca Việt



image

http://baomai.blogspot.com/2011/04/tango-mua-thu-trong-tinh-ca-viet.html


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.