Pages

Friday, November 4, 2011

Duyên tiền định

image

Cuộc gặp gỡ duyên tiền định.
 
Chín năm trước, Michael sang Việt Nam làm tình nguyện viên cho một tổ chức của Anh. “Khi nộp đơn làm tình nguyện viên sang Việt Nam, tôi ghi danh hai năm và dự định hết hạn sẽ quay về Anh”, Michael nói. Nhưng rồi ông đã quyết định gắn bó những năm tháng còn lại với Việt Nam vì đã tìm thấy Bình - người phụ nữ ông tìm kiếm hơn nửa đời người.

Michael khẳng định: “Khi mới gặp Bình, tôi không nghĩ cô ấy là người mình đang tìm kiếm. Nhưng sau đó tôi biết đây chính là người có thể chia sẻ với mình mọi việc, người sẽ là một phần tâm hồn tôi. Tôi thích sự giản dị, chu đáo và biết quan tâm đến gia đình của Bình. Cô ấy nhẹ nhàng, nhân hậu, chăm chỉ lo toan cho con cái, dù vất vả nhưng lúc nào cô ấy cũng vui vẻ, dễ chịu, không kêu ca phàn nàn”.

Bà Bình kể: “Michael là khách quen của quán phở phía bên kia đường. Từ khi tôi mở gánh phở vỉa hè thì quán kia chuyển đi nơi khác. Anh ấy sang chỗ tôi ăn, chắc chỉ cho qua bữa nhưng thấy hợp khẩu vị nên đến thường xuyên hơn”. Khi ấy Michael đã 52 tuổi, chỉ biết nói “xin chào” và “cảm ơn” bằng tiếng Việt.
Rồi dần dần vị khách cao lớn ấy cứ 19g30 đến ăn, uống bia tới... 22g mới chịu về. Ông lặng lẽ đến, lặng lẽ ăn và lặng lẽ quan sát người phụ nữ bán phở cho khách.

Đêm mùa đông rét căm căm, quán gần biển nên lạnh tím tái cả da thịt. Thấy bà Bình ngồi co ro, Michael lẳng lặng về khách sạn lấy áo rồi ra dấu bảo bà mặc vào. Lần khác, ông mang cho bà đôi vớ...

Bà Bình cười bối rối khi nhớ lại: “Lúc ấy tôi xấu hổ quá. Tôi chỉ nghĩ anh ấy tốt, thấy mình khổ nên động lòng thương. Với lại mình cứ lụi cụi nấu nướng, chẳng để ý đến đầu tóc, mặc toàn quần áo cũ, sao dám nghĩ người ta yêu mình”. Thật ra cuộc hôn nhân quá nhiều đau khổ với người chồng trước và những lo toan cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học đã khiến trái tim bà gần như chai sạn.

Sau đó, Michael hay trò chuyện với những người con nhỏ của chủ quán bằng việc hỏi thăm chuyện  học và sức khỏe. Những lúc bọn trẻ bận học, Michael lại giúp mẹ chúng lấy cái bát, đôi đũa cho khách.

“Tôi cứ thắc mắc chồng cô ấy đâu mà không gặp lần nào. Một lần gặp người bạn của Bình từ Hà Nội xuống, tôi nhờ hỏi giúp. Lúc đó tôi mới biết Bình đã ly dị từ năm 1999”, Michael kể.

Một năm sau (2001), Michael đề nghị được đóng tiền cho mỗi bữa cơm tối chung với mẹ con Bình. Thương người đàn ông nước ngoài lủi thủi một mình nơi đất khách, bà Bình đồng ý. Mấy tháng sau, Michael lại đề nghị bà chỉ bán phở từ thứ hai đến thứ sáu, hai ngày cuối tuần nghỉ ngơi, tiền bán phở của hai ngày đó Michael sẽ gửi. Bà Bình từ chối: “Tôi có sức khỏe nên vẫn phải làm để phòng những lúc con cái ốm đau”. Michael thuyết phục mấy lần nhưng bà vẫn không chịu.

Một thời gian ngắn sau, bà nhận lời Michael đi ăn nhà hàng mỗi trưa thứ bảy hằng tuần. Ngôn ngữ của họ chủ yếu vẫn là... ra dấu và thứ tiếng Việt bập bõm của Michael. “Anh ấy bảo tôi phải ăn nhiều cho khỏe và chỉ thích tôi làm việc ít thôi. Đến lúc này tôi mới nhận ra tình cảm của anh ấy - nhất là qua ánh mắt - nhưng cũng không dám mơ mộng gì xa xôi. Mình không còn trẻ trung, lại một nách ba con, đời sống thì khó khăn. Chẳng ai dại mà chuốc vất vả vào thân” - bà Bình kể.

Lời tỏ tình không giống ai
“Anh thích là chồng em” - lời tỏ tình được Michael thốt ra bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu sau một buổi cơm trưa làm bà Bình ngỡ ngàng. Bà Bình không trả lời. “Tôi phân vân vì không biết người ta yêu thương mình thật lòng hay không” - bà giải thích. Tối, Michael lại hỏi, bà chỉ cười. Tuần sau, Michael lặp lại câu nói ấy, đáp lại vẫn là sự im lặng. Mỗi đêm, Michael vẫn lẳng lặng giúp mẹ con bà dọn bàn ghế rồi mới về.

Một buổi tối của ngày thứ 30, Michael đưa cho bà mảnh giấy. Bà Bình không nén được xúc động trước dòng chữ tiếng Việt viết không tròn nét: “Anh thích là chồng em”. “Tôi nghĩ mãi. Ở cái tuổi 46 này mà đi bước nữa...” - bà Bình bỏ lửng câu nói. Mấy ngày sau, Michael lặp lại câu nói đó. Bà Bình gật đầu.

image
Michael & Bình cùng nhau làm thức ăn và đường đến trái tim đàn ông thông thường vẫn đi qua bao tử...

Từ đó, Michael thường xuyên tới nhà bà ăn cơm, gặp gỡ người thân trong gia đình bà nhiều hơn. “Nhìn cách anh ấy trò chuyện, quan tâm những đứa con của mình, tính ít nói và hiền lành của anh ấy, tôi nghĩ đây là người mình có thể gửi gắm”, bà Bình kể.

Sau khi kết hôn, Michael về Anh bán hết tài sản của mình. Ông đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Tìm nhà thuê (Kiôt) cho  ba mẹ con bà Bình ở bến Đoan chỉ hơn 10m2. Michael bảo vợ phải mua nhà, ông sẽ lo tiền. Ngôi nhà đầu tiên rộng 18m2 ở phường Hạ Long, Michael ra vô phải khom người. Thấy vẫn chật chội, Michael sau đó đi tìm một căn nhà khác, là ngôi nhà hai tầng khang trang, yên tĩnh họ đang ở bây giờ trong một con hẻm rợp bóng ngọc lan của khu 6A (tổ 2, P.Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Michael còn lo cả việc làm cho các con riêng của vợ, thậm chí đứng ra làm đám cưới cho chúng. Nhìn cảnh ông sui mắt xanh tóc vàng đứng cạnh bà sui Việt Nam trao nhẫn cho cô dâu, chú rể... nhiều người rất ngạc nhiên và xúc động.

“Lúc mới lấy nhau, tôi có gợi ý chuyện sinh con thì Michael bảo: Bình - Michael đã có ba đứa con rồi. Nghe anh nói thế, tôi chỉ muốn khóc và thương anh nhiều hơn” - bà Bình tâm sự. Hỏi Michael, ông cười rất nhân hậu và bảo: “Với tôi bây giờ việc có con không quan trọng bằng cuộc sống bình yên và hạnh phúc với Bình. Bình đã vất vả quá nhiều rồi. Nếu có con cô ấy sẽ khổ thêm”.

“Tôi rất hài lòng với cuộc sống bây giờ của mình”, Michael nói. Bà Bình rạng rỡ nói thêm: “Thỉnh thoảng bạn bè của tôi đến nhà chơi hoặc hai vợ chồng đi đám cưới, anh ấy gặp được nhóm bạn của vợ là cứ như sáo sậu, đến cụng ly chúc mừng hỏi han. Michael rất vui tính, hiền lành và nhẹ nhàng. Nhiều khi tôi đang lúi húi làm việc, anh ấy lẳng lặng đến ôm và vỗ vỗ nhẹ vào vai làm tôi rất xúc động. Tôi thấy bình yên và hạnh phúc bên chồng mình”.


My Lăng
 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.