Pages

Tuesday, November 22, 2011

Người Việt Nam làm tăng thêm sự cạnh tranh cho xã hội Mỹ

image

Cuộc hội thảo về những đóng góp cho nước Mỹ của những người gốc Á trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật do Hiệp hội Công nghệ Khoa học, Cơ khí và Máy tính Việt Mỹ (VACSETS) tổ chức đã đánh giá cao vai trò của những nhà khoa học gốc Việt. Những đóng góp của họ làm tăng thêm sự cạnh tranh cho xã hội Mỹ.
1.000 người Mỹ gốc Việt có 3,5 bác sĩ

Trong số những người Việt Nam nhập cư, có khoảng 58,9% đã tốt nghiệp trung học, 15,9% có bằng tốt nghiệp đại học. Thống kê cũng chỉ ra trong số người Mỹ gốc Việt có 10,7% các chuyên gia và 20,8% là lực lượng lao động. Nhìn vào những thành tựu trên các lĩnh vực của nước Mỹ những năm gần đây, sẽ thấy một số người Việt có những thành tựu đóng góp đáng kể cho nước Mỹ. Ước tính có khoảng hơn 280 nhà phát minh người Mỹ gốc Việt được cấp bằng sáng chế của Mỹ. Tiêu biểu là TS. Đoàn Trung của Tập đoàn Micron ở Boise, Idaho với 72 bằng sáng chế.

Y tế là một trong những lĩnh vực mà những người Việt Nam trẻ thể hiện khả năng vượt trội. Trên khắp nước Mỹ, từ Đại học Harvard cho đến Đại học Chicago và Đại học California ở San Fransisco – những trường đứng đầu về đào tạo ngành y, có thể thấy những sinh viên y Việt Nam đang học tập. Chỉ riêng trong ngành dược, số người Việt Nam đã lên đến 2.500 người. Có nghĩa là cứ 1.000 dân Mỹ gốc Việt trung bình có 3,5 người làm bác sĩ, một tỷ lệ cao làm trong các cơ quan y tế. Có thể thấy một số các giáo sư Việt Nam tài năng ở nhiều trường y. Trong số này phải kể đến Tiến sĩ Nghiêm Đại Đạo, người tham gia vào một sáng kiến cấy ghép dịch tụy cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Ở thủ đô Washington,  mỗi năm đều có một danh sách những bác sĩ hàng đầu do các đồng nghiệp bỏ phiếu, có thể nhìn thấy cái tên Việt Nam, T.S Trịnh Đức Phương, bác sĩ chuyên khoa lây nhiễm.

Đóng góp cho sự thịnh vượng chung
Trong lĩnh vực khoa học hàng không, không gian, cũng thấy có người Việt nằm trong số những người tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên gia hàng đầu tại Viện Khoa học Hàng không nước Mỹ tại Colarado Springs. Đó là T.S Eugene Trịnh, người đã cùng tàu con thoi bay lên quỹ đạo thực hiện những thí nghiệm được đưa vào kỷ lục nghiên cứu. Người có đóng góp đáng kể nữa trong lĩnh vực này là Nguyễn Mạnh Tiến, người đã được trao tặng một số giải thưởng cao quý và là thành viên của Phòng nghiên cứu động cơ phản lực của NASA và tham gia vào hội đồng cố vấn hệ thống giữ liệu không gian CCSDS.

image

Trong ngành công nghiệp máy bay, T.S Cai Văn Khiêm là một tấm gương sáng của người Việt. Anh có nhiều bằng phát minh và trở thành kỹ sư trẻ nhất từ trước tới nay nắm giữ vị trí Chủ nhiệm gia về công nghệ tại Công ty chế tạo máy bay Hughes. Nhiều người tài năng trong số họ đã quyết định ở lại trường đại học và trung học để giảng dạy. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, có thể thấy những học giả người Việt trên các bục giảng của các trường đại học danh tiếng như Đại học Sorbone ở Paris, Đại học Havard ở Cambridge… Ngoài công việc nghiên cứu, họ còn dành rất nhiều thời gian đóng góp cho sự thịnh vượng chung của cộng đồng người Việt Nam. Đó là G.S Nguyễn Mạnh Hùng ở Đại học George Mason, G.S Cao Hữu Trí tại  Đại học bang California ở San Jose, G.S Nguyễn Hữu Xương ở Đại học California tại San Diego, GS. Hoàng Văn Đức ở Đại học Y Nam California… Phòng khám của G.S Nguyễn Hữu Xương chính thức được Viện Y tế quốc gia (NIH) công nhận là Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia (NRR). Phát minh nổi tiếng của ông đã đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu cấu trúc protein trong căn bệnh ung thư. Ở Canada, bà Hoàng Thiếu Quân đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ giám đốc tài chính của hội đồng thành phố Montreal. Ở Đại học Notre Dame tại South Bend, Indiana, T.S Lê Trãi là giáo sư nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm giáo viên chính ngạch của ngành luật, đã có thâm niên 20 năm trong ngành luật thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

image

Một tài năng khác không thể quên nhắc đó là T.S Nguyễn Tuệ, người giữ kỷ lục của Viện Công Nghệ Massachusetts (M.I.T) khi nắm tới 7 tấm bằng của viện chỉ trong vòng 7 năm học: bằng cử nhân trong các lĩnh vực khoa học vật lý, toán học, điện tử; bằng thạc sĩ và Tiến sĩ vật lý hạt nhân. Cũng đậu Tiến sĩ vật lý hạt nhân của M.I.T, ông Đoàn Liên Phùng đã lập ra một công ty riêng, chuyên cố vấn về năng lượng và môi trường. Hiện nay công ty này đã có 300 kỹ sư và nhà khoa học có bằng cấp làm việc ở 7 văn phòng trên nước Mỹ. Ông Phòng và vợ còn lập ra một Quỹ khuyến học trị giá lên tới hơn một triệu USD, mỗi năm có 500 suất học bổng dành cho sinh viên ở Việt Nam. Thí dụ khác là Đinh Đức Hữu hiện nay đã về Việt Nam đầu tư. Công ty Công nghệ Việt Mỹ ở Tennessee của ông rất phát đạt trong lĩnh vực năng lượng, và từng được nhận giải Doanh nghiệp nhỏ xuất sắc của năm 1995 với doanh thu lên đến 20 triệu USD… Nhìn vào thành công của AIT, ai có thể tưởng tượng rằng trước đó công ty này đã phải vật lộn khá vất vả trên thương trường trong vài năm liền, bắt đầu đi lên từ một hợp đồng trị giá vỏn vẹn 4.000 USD với một tập đoàn năng lượng ở New Orleans…

Cũng tại một cuộc hội thảo do VACSETS tổ chức trước đây, ông Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ William Winegard từng nói “Nước Mỹ sẽ không phải là một xã hội cạnh tranh nếu không có những người tạo nên sự cạnh tranh”. Những con số trên, dù chưa đầy đủ, đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam làm tăng thêm sự cạnh tranh cho xã hội Mỹ.


Hưng Bình

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.