Pages

Tuesday, February 28, 2012

Báo công an phê bình ca sĩ hải ngoại.

image 
 
Trong làn sóng hồi hương về nước biểu diễn, ngoại trừ trường hợp một số ca sĩ khi trở về quê hương biểu diễn - như tâm sự thực lòng của họ "được phục vụ khán giả quê nhà bao giờ cũng là ước vọng cả đời"; hoặc "cuộc trở về để giải tỏa nỗi nhớ mảnh đất chôn nhau cắt rốn"…thì cũng không thể phủ nhận một thực tế, có không ít ca sĩ trở về cố quốc vì mục đích mưu sinh...

Nhìn lại các chương trình ca nhạc trong vài năm qua, thấy nổi lên hình ảnh các ca sĩ hải ngoại ồ ạt về nước biểu diễn, với nhiều sô diễn lớn nhỏ, từ phòng trà đến sân khấu lớn ở Tp HCM tới các tỉnh xa. Khán giả không còn xa lạ gì với những cái tên như: Hương Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan, Chế Linh, Kim Anh, Lưu Bích, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh, Minh Tuyết, Họa My... Nghĩa là gần như hầu hết các ngôi sao ca nhạc hải ngoại, chưa kể những người đã về trước đó và ở hẳn quê nhà như Duy Quang, Evis Phương, Giao Linh, Jimi Nguyễn...

image
Tiền thù lao "cầm ca" của NCQ_CS có đổi được "tiếng thơm" ?

Vậy, làn sóng hồi hương ấy nói lên điều gì? Thị trường ca nhạc hiện đang đổi mới hay tụt hậu; hoài cổ hay bế tắc? Căn nguyên mọi chuyện từ đâu?
Câu nói của các cụ "cũ người mới ta" quả đúng với hiện tượng này. Với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đông nhất ở Mỹ cũng chỉ vài triệu người, tha phương hơn 35 năm nay cũng đã ngán các món ăn tinh thần của vài ba trung tâm ca nhạc như Thúy Nga, Vân Sơn, Asia. Loanh quanh vẫn chỉ từng ấy ca sĩ, vẫn một màu hoài hương, sầu muộn, chia ly qua những ca khúc quen thuộc từ ngày còn trong nước. Khán giả rất mệt mỏi vì lâu nay chẳng có mấy điểm mới. Một số gương mặt trẻ chạy theo dòng nhạc hiện đại thì lại không đến nơi đến chốn.
Mới đây, có tin trung tâm Thúy Nga có thể đóng cửa vì thua lỗ. Đó là một thực tế khó cưỡng. Tình trạng băng đĩa lậu ngày càng hoành hành làm cho trung tâm này luôn rơi vào khủng hoảng. Mỗi chương trình lỗ từ 300 đến 500.000 USD. Do đó nhiều show diễn đã không thể thực hiện được. Ngược hẳn cách đây dăm năm, cứ mỗi cuối tuần ca sĩ hạng sao đều kín lịch diễn, bây giờ thì họa hoằn lắm mới được mời. Có một bầu sô lý giải rằng, một phần vì kinh tế suy thoái và cũng một phần vì xu hướng âm nhạc trẻ đã đổi thay, tầng lớp khán giả theo dòng nhạc cũ không còn hồ hởi mua vé đến rạp.
Nỗi cám cảnh đó đồng thời cũng nói lên sự hụt hơi, "về chiều" của hàng loạt ca sĩ nổi danh bấy lâu nay. Họ không còn là sự mong mỏi của khán giả nữa. Dù có níu kéo đến đâu cũng không thể đánh đổ chân lý "thầy già con hát trẻ". Sự cạnh tranh đó đã đẩy bật họ ra khỏi guồng quay là điều tất yếu. Và nhiều ca sĩ đã quay về quê hương kiếm ăn với đúng nghĩa của nó.

image

Quả là họ đã gặp may khi thị trường ca nhạc trong nước cũng đang hết sức mệt mỏi với sự nhảy nhót, loăng quăng của nhạc trẻ và dòng teen. Trong khi đó, những khán giả hoài cổ lâu nay vẫn thường xuyên mua băng đĩa hải ngoại lại rất hồ hởi chào đón họ, với một tình cảm nồng ấm, mặc dù đều biết rằng những ca sĩ mà mình từng yêu thích giờ đây đã về già, kém cả thanh lẫn sắc. Không những thế, các ông bầu còn nhanh chóng đưa ca sĩ hải ngoại hướng ra Bắc, nhất là ở các thành phố lớn, lâu nay thị trường âm nhạc đang đóng băng để "thăm dò". Cách đây không lâu, thị trường âm nhạc ở Hà Nội bỗng lao đao vì hiện tượng Tuấn Vũ khi giá vé đội lên hàng triệu đồng, với mười đêm diễn. Sau đó ca sĩ này còn lang thang kiếm ăn ở các tỉnh phía Bắc, lịch trình cả thẩy kéo dài tới ba tháng trời. Thật là vụ thắng lớn. Tuấn Vũ đã làm gương cho một số ca sĩ khác nhao ra khuấy đảo khán giả Thủ đô một phen.

image

Ngoại trừ trường hợp một số ca sĩ khi trở về quê hương biểu diễn - như tâm sự thực lòng của họ "được phục vụ khán giả quê nhà bao giờ cũng là ước vọng cả đời"; hoặc "cuộc trở về để giải tỏa nỗi nhớ mảnh đất chôn nhau cắt rốn"…thì cũng không thể phủ nhận một thực tế, có không ít ca sĩ trở về cố quốc vì mục đích mưu sinh. Bao nhiêu năm kiếm ăn ở nơi xa xứ, đã đến lúc họ gặp khó khăn trong cuộc mưu sinh bằng chính nghề của mình, thì việc chuyển hướng về lại quê hương biểu diễn kiếm tiền là một nhu cầu rất tự nhiên. Thậm chí có những ca sĩ còn được nhận cátxê cao hơn ở xứ người. Vậy thì dại gì mà họ không về.
Dù đã về già nhưng các ngôi sao loại một như Elvis Phương, Hương Lan, Lệ Thu…cũng còn được trả trên dưới 1000 USD một show hát; dù chỉ hai bài cho một liveshow, hoặc một đêm hát ở phòng trà. Chủ phòng trà Tiếng Xưa ở Sài Gòn phải kêu trời vì có ca sĩ hạng sao không chịu giảm mức cátxê ngất ngưởng, mặc cho đêm diễn bán vé được hay không. Bà còn kể có show diễn của Tuấn Ngọc, đành chấp nhận lấy công làm lãi vì mức cátxê ca sĩ đòi rất cao so với mặt bằng chung, mặc dù mấy năm nay, khán giả nghe Tuấn Ngọc cũng đã thấy nhàm. Ấy là chưa nói đến trường hợp có ca sĩ còn đòi ở khách sạn hạng sao và đi ôtô xịn trong suốt hành trình "trở về" quê mẹ của mình.
Điều này ngược với ý nghĩa "hát cho quê hương" mà họ từng phát biểu khi trở về. Mặc dù cũng có người đã kết hợp hát và trích tiền làm từ thiện, nhưng trên thực tế, chuyện đòi hỏi cátxê quá cao đã làm lũng đoạn thị trường ca nhạc, đồng thời gây rất nhiều khó khăn cho khán giả bình dân đã từng mến mộ họ. Vé ở nhà hát tới 1.200.000 đồng, hoặc giá vé đêm diễn của Chế Linh tại Nhà hát Hoà Bình (Tp HCM) lên tới 5.000.000 đồng thì ít người dám mơ. Và, ngay đến phòng trà ca nhạc, thí dụ có Lệ Thu hát, tiền phụ thu cũng đã đến 350.000 đồng một người, thì quả là khán giả bình dân phải lắc đầu ngán ngẩm. Thực chất phải nhận thấy trong số đó, không ít giọng hát đã chẳng còn sức thu hút thật sự nữa, mà đây chỉ là những câu chuyện vớt vát cuối đời.

image

Ngay lập tức, sau những cơn sốt nhạc hải ngoại, đã xuất hiện bao hệ luỵ mà các nhà quản lý văn hóa phải ngó mắt tới. Trước hết, đó là việc trốn thuế thu nhập của nhiều ca sĩ. Ai cũng nhớ cách đây không lâu, có tới 9 ca sĩ về hát bị cấm biểu diễn vì không kê khai thuế thu nhập cá nhân. Có lẽ việc ký hợp đồng "tay bo" giữa bầu sô và ca sĩ đã làm nên những rắc rối khó bề kiểm soát.
Câu chuyện thứ hai mà các nhà quản lý dường như vẫn bị che mắt: Đó là việc ca sĩ hát các ca khúc chưa được phép biểu diễn. Ở đây chủ yếu là các ca khúc một thời bị quy là nhạc vàng. Mặc dù có tới hàng trăm ca khúc đã được biểu diễn, nhưng vẫn có hiện tượng đăng ký một đằng, hát một nẻo. Hoặc, sau khi biểu diễn, các ca sĩ trao tặng hay bán CD, trong đó nội dung ra sao, có bài hát bị cấm hay không cũng khó biết. Sự mập mờ còn xảy ra khi có đoàn đã đi địa phương, nhất là các vùng sâu biểu diễn với giấy phép đã hết hạn.
Cùng với các hệ lụy trên, không ít khán giả còn thắc mắc về một sự "nhập nhằng" cần giải tỏa, ấy là việc không ít ca sĩ từ lâu đã về ở hẳn quê hương, vậy có nên "quảng cáo" họ là "ca sĩ hải ngoại" nữa hay không? Danh sách này khá dài như Elvis Phương, Giao Linh, Hương Lan, Đặng Tuyết Mai (!!!!!), Duy Quang, Thái Hiền, Duy Cường, Thái Thảo, Julie…Kể cả trường hợp mới đây là Dương Triệu Vũ đã trở về và hiện đang là giọng ca độc quyền của công ty "Tiếng hát Việt" của Đàm Vĩnh Hưng. Hơn nữa, các ca sĩ trên hầu hết đều có những hoạt động kinh doanh khác ở Tp HCM, ngoài việc đi hát. Vậy có thể nói họ đã trở thành ca sĩ nội chính hiệu, chẳng còn sự khác biệt để các ông bầu câu khách với cái nhãn "hải ngoại".


image

Trong thời gian tới, chắc sự hồi hương của các ca sĩ hải ngoại sẽ còn sôi nổi hơn nữa. Thị trường ca nhạc rất sôi động tại quê nhà, với sự cởi mở của các cấp chính quyền sẽ là điểm tựa tinh thần cho nhiều ca sĩ có nguyện vọng trở về biểu diễn. Tuy nhiên, trong sự chuyển động khá rắc rối của thị trường ca nhạc hiện nay, sự quay lại ồ ạt của các ca sĩ hải ngoại thường nảy sinh những điều bất cập như trên đã nói. Đặc biệt là nội dung tác phẩm biểu diễn, đừng để các sàn diễn đã bị rối loạn những bài hát trẻ, đang có chiều hướng "hàng nhảm" như "Yêu bao nhiêu người mà ai cũng gian dối/ Yêu năm ba hôm rồi thôi...", giờ đây lại bị chết lụt bởi cái gọi là "hàng vàng" rên rỉ "Cay đắng bờ môi". Vẫn biết, để thị trường ca nhạc có loại "hàng sạch" thật không dễ dàng chút nào, song đó là đòi hỏi chính đáng của nhiều khán, thính giả phía sau những cuộc "trở về" này.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.