Pages

Friday, March 30, 2012

Phải làm gì khi đơn xin thẻ xanh bị từ chối?

image


Từ trước đến nay, khi Sở di trú Hoa Kỳ từ chối một hồ sơ xin Thẻ Xanh, ta có thể đoán ngay hồ sơ này liên quan đến một ngoại kiều đã kết hôn với một công dân Mỹ và sau đó nộp đơn xin Thẻ Xanh kèm theo một đơn bảo lãnh xin chiếu khán di dân. Sở di trú đương nhiên nghi ngờ những hồ sơ tương tự và họ sẽ tìm kiếm những chỉ dấu cho thấy cuộc hôn nhân này hiện hữu chỉ vì mục đích di trú mà thôi.

Trong tiến trình đưa đến kết luận từ chối đơn xin Thẻ Xanh, bước đầu tiên là Sở di trú sẽ gửi cho đương đơn một Thông Báo Ý Định Từ Chối. Thông Báo này bao gồm những lý do tại sao Sở di trú nghi ngờ mối liên hệ vợ chồng là giả mạo. Trong một thời gian cho phép rất ngắn, đương đơn phải đưa ra sự phản bác thuyết phục với nhiều bằng chứng hỗ trợ đầy đủ.

Chẳng hạn như trong một hồ sơ, Sở di trú không thoả mãn về cách giải thích của hai người về lý do tại sao họ không sống chung với nhau trong vài tháng; tại sao họ lại có nhiều chương mục riêng tư khác, ngoài một chương mục ngân hàng có tên chung; tại sao họ lại trả lời không giống nhau về việc ai ngỏ lời cầu hôn; tại sao họ trả lời khác biệt về việc sống chung với nhau trước khi cưới; tại sao người chồng ngoại kiều không thể nhớ tên nhà thờ làm nghi lễ hôn phối ở thành phố Las Vegas; và tại sao họ lại trả lời khác nhau về vị trí khi ngủ trên giường?, v.v...

image

Nếu đương đơn không thể đưa ra sự phản bác thuyết phục trong Thông Báo Ý Định Từ Chối, Sở di trú sẽ gửi thư Từ Chối chính thức, và cho phép đương đơn điền mẫu đơn EOIR-29. Đơn này sẽ được Sở di trú gửi đến Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú để phản đối quyết định của một viên chức di trú có thẩm quyền. Đương đơn sẽ phải đóng lệ phí 110 Mỹ kim kèm theo mẫu đơn EOIR-29.

Nếu Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú không đồng ý với quyết định của văn phòng di trú thụ lý hồ sơ này, Hội Đồng sẽ yêu cầu văn phòng này tái duyệt xét lại. Nhưng nếu Hội Đồng đồng ý với quyết định của văn phòng di trú sau khi duyệt xét hồ sơ EOIR-29, đơn xin Thẻ Xanh chính thức bị từ chối, và những bước kế tiếp là đương đơn phải nộp đơn I-290B, tức đơn Thông Báo Phản Đối hoặc đơn Kiến Nghị, với lệ phí 630 mỹ kim. Mục đích của tờ đơn này là thông báo cho Sở di trú biết qúy vị nộp đơn kiến nghị để xin tái mở hồ sơ hoặc xin tái duyệt xét quyết định của văn phòng di trú liên hệ, hay qúy vị phản đối quyết định không đúng liên quan đến hồ sơ của mình. Nếu việc phản đối này không thành công, hồ sơ này chỉ còn một cơ hội sau cùng là nhờ đến một luật sự di trú nhiều kinh nghiệm giúp đỡ.

image

Nỗ lực thuyết phục Sở di trú về mối liên hệ vợ chồng trong sáng có thể phải trải qua một thời gian rất mệt mỏi, vô vọng. Chúng tôi được biết đã có một cặp vợ chồng đã hết hy vọng hồ sơ của họ được chấp thuận và đã trở về Việt Nam sinh sống với nhau. Nhưng sự việc này không thể được xem là cách đề nghị giải quyết vấn đề.

Với những đôi vợ chồng đang ở trong tình trạng này, chúng tôi xin góp ý như sau:
1- Đừng quá tự tin khả năng của mình khi đọc những hướng dẫn trên đơn của Sở di trú. Qúy vị cần sự giúp đỡ ngay từ đầu từ những chuyên viên về lãnh vực di trú giàu kinh nghiệm.

2- Sở di trú khi đưa ra những quyết định, họ chỉ dựa trên sự kiện và bằng chứng. Phản bác bằng tình cảm không bao giờ thành công.

3- Ở lại Mỹ luôn luôn là cách tốt nhất để thực hiện tiến trình kháng cáo với Sở di trú. Không nên nghe lời khuyên trở về Việt Nam để giải quyết vấn đề này.

image

Hỏi Đáp Di Trú:

- Hỏi: Tôi là một sinh viên du học có chiếu khán J-1 và đã kết hôn với một công dân Hoa Kỳ. Vợ tôi sắp sinh đứa con đầu tiên của chúng tôi. Việc kết hôn và con của chúng tôi sẽ không thể cho phép tôi ở lại Hoa Kỳ, mà không cần thi hành luật ràng buộc phải trở về quê hương 2 năm hay sao?

- Đáp: Bạn sẽ phải chứng minh với Sở di trú rằng sẽ rất khó khăn cho bạn, vợ của bạn và cháu bé nếu bạn phải trở về Việt Nam trong 2 năm. Tuy nhiên, Sở di trú ít khi chấp thuận điều bạn cho là "tình trạng khó khăn" vì bạn đã biết rất rõ về quy định đòi hỏi bạn phải  trở về nước trong 2 năm trước khi bạn đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị trục xuất, bạn nên quan tâm đến việc nộp đơn I-601 xin miễn thực hiện điều luật này để giúp bạn có thể ở lại Hoa Kỳ.

image

- Hỏi: Nếu Sở di trú luôn tin rằng một cuộc hôn nhân thường không thành thật, liệu có nên trở về Việt Nam để tham dự cuộc phỏng vấn xin chiếu khán di dân tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn không?
- Đáp: Chẳng có bằng chứng nào cho thấy tiến trình duyệt xét hồ sơ của Lãnh sự sẽ dễ dàng hơn cách làm việc của Sở di trú. Nếu một hồ sơ bị từ chối trong cuộc phỏng vấn ở Việt Nam, có thể sẽ phải chờ đợi từ 6 đến 12 tháng để Lãnh sự có quyết định sau cùng. Nếu họ quyết định rằng mối liên hệ không thành thật, đơn bảo lãnh sẽ bị trả về Sở di trú ở Hoa Kỳ để tái duyệt xét, mất thêm từ 6 đến 12 tháng nữa. Không nên trở về Việt Nam để phỏng vấn, mà nên nộp đơn xin chuyển diện Thường trú nhân với Sở di trú tại Hoa Kỳ.


Robert Mullins International

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.