Pages

Saturday, April 28, 2012

Bà Bùi Hằng được trả tự do

image

Nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ đã yêu cầu thả bà Bùi Hằng
Một nhà hoạt động nữ từng tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi chủ quyền biển đảo của Việt Nam và bị chính quyền thành phố Hà Nội cưỡng bức giam giữ cải tạo gần nửa năm mới được thả tự do, theo truyền thông nhà nước.

image

Hiện cũng có tin chưa kiểm chứng nói bà không chịu rời trại và cũng chưa về tới nhà.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, hay còn được biết tới là Bùi Hằng đã "được hưởng khoan hồng" theo tờ báo An Ninh Thủ Đô hôm 28/04/2012.

image

Tờ báo của cơ quan Công an Thành phố Hà Nội hôm thứ Bảy nói: "Bùi Thị Minh Hằng được bàn giao cho chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình tiếp tục giáo dục trở thành công dân tốt."
"Trong thời gian qua Bùi Thị Minh Hằng nhiều lần có hành vi gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra quyết định đưa Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục Thanh Hà (Vĩnh Phúc) từ ngày 28-11-2011."

image

Tờ báo giải thích thêm về quyết định thả tự do với bà Hằng:
"Thực hiện các chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn 30-4, 1-5; xét đơn đề nghị của gia đình; xét điều kiện hoàn cảnh cụ thể của trại viên Bùi Thị Minh Hằng và sau khi trao đổi, thống nhất với chính quyền địa phương nơi cư trú (phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cơ sở giáo dục Thanh Hà đã quyết định bàn giao Bùi Thị Minh Hằng cho chính quyền địa phương phối hợp cùng gia đình tiếp tục giáo dục Bùi Thị Minh Hằng trở thành công dân tốt."

image

Được biết trong thời gian bà Bùi Hằng bị giam giữ, bà và gia đình đã nhiều lần phản đối và khiếu nại về việc bị cưỡng bức cải huấn ở trại giáo dục Thanh Hà.
Bà đã có thời gian tuyệt thực và mới đây, trước khi được thả tự do, đã có đơn kiện chủ tịch thành phố Hà Nội vì quyết định giam giữ mà bà và gia đình, cũng như luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà cho là "vi phạm pháp luật" và "vi phạm nhân quyền."

'Kêu gọi thả tự do'

image

"Đại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc trước tin tức bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án đến hai năm ở một trại cải tạo ở Việt Nam mà không thông qua xét xử vì đã tham gia phản đối trong ôn hòa"

Thông cáo của ĐSQ Hoa Kỳ

Từ đầu tháng Mười Hai,Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch -HRW) đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả tự do ngay lập tức cho bà Hằng.
"Không gì có thể biện minh cho việc chính quyền Việt Nam đưa một người phản đối trong hòa bình đến một nơi trên thực tế là trại lao động cưỡng bức,” một tuyên bố ngày 5/12/2012 của HRW nói.

image

“Bắt giữ bà Bùi Thị Minh Hằng mà không thông qua một phiên tòa xét xử chứng tỏ việc không thèm đếm xỉa gì đến quyền con người của bà Hằng và quyền tự do bày tỏ ý kiến được ghi trong chính Hiến pháp của Việt Nam,” vẫn theo tổ chức phi chính phủ vì nhân quyền này.

Hoa Kỳ cũng nằm trong số các quốc gia, bên cạnh nhiều tổ chức quốc tế, phi chính phủ, đa chính phủ tỏ ra quan ngại về việc giam giữ bà Hằng và đã lên tiếng kêu gọi chính quyền thả tự do cho bà.
 image
Trong một thông cáo ngay đầu năm nay, Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội nói:
“Không ai có thể bị cầm tù chỉ vì thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến hay quyền tụ tập trong hòa bình hay bất cứ quyền con người nào khác được quốc tế thừa nhận.”

Đại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc trước tin tức bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án đến hai năm ở một trại cải tạo ở Việt Nam mà không thông qua xét xử vì đã tham gia phản đối trong ôn hòa,” thông cáo ngày 5/01/2012 viết.

image


Bà Bùi Hằng trong một lần xuất hiện xuống đường biểu tình vì chủ quyền của Việt Nam
“Việc thiếu vắng các trình tự pháp lý thích hợp đi ngược lại những cam kết của Việt Nam đối với bản Tuyên ngôn nhân quyền toàn cầu.”

Tòa đại sứ Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu thả bà Hằng và ‘tất cả các tù nhân chính trị’ và cho biết họ thường xuyên yêu cầu Chính phủ Việt Nam thả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị cầm tù vì bày tỏ chính kiến.

Mới đây nhất ngoại trưởng Anh, William Hague, trong một phỏng vấn ngay sau chuyến thăm Việt Nam hôm 26/4/2012, cũng khẳng định với BBC rằng "có khác biệt" quan trọng giữa Việt Nam và Anh trong vấn đề dân chủ và nhân quyền.

 image

"Tại Việt Nam không có tự do biểu đạt mà ở Anh được hưởng. Do đó rõ ràng là có những khác biệt quan trọng khiến Việt Nam trở thành một trong những nước mà Anh quan ngại về nhân quyền."

Tuy nhiên ngoại trưởng Anh cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam "sẽ có thay đổi theo thời gian."





Công an buộc phải thả chị Bùi Thị Minh Hằng?

Lúc 18:15, 29/04, chị Bùi Thị Minh Hằng đã về đến nhà. Trên người có nhiều vết thương. Chị gửi lời hỏi thăm tất cả mọi người. Những tháng ngày trong lao tù đã khiến chị Hằng giảm hơn 10 ký, sức khỏe đang rất yếu, nhưng chị vẫn vui vẻ mời mọi người ghé nhà chơi.

image
Trở về với những thương tích

Lúc 18 giờ, 29/04, tin từ bạn bè chị Hằng cập nhật trên Facebook cho biết: Cô Hằng bị áp tải bằng xe cứa thương mang biển số 80A từ Hà Nội vào Vũng Tàu với một lực lượng rất hùng hậu. Họ xích cô Hằng trên xe chứ không cho ngồi như bình thường. Đã khám tổng quát ở bệnh viện xong. Hiện nay tiếp tục quay lại phường làm việc.16 giờ 50, 29/04, gia đình, bạn bè đã gặp được chị Hằng. Sau những tháng ngày bị giam cầm, sức khỏe chị đã yếu đi rất nhiều, trên mái tóc xuất hiện nhiều sợi bạc... Tuy vậy, người phụ nữ của năm 2011 vẫn luôn tỏ ra duyên dáng, tinh thần mạnh mẽ, vững vàng như ngày nào.
Theo yêu cầu của chị, phía CA phải cùng đi với gia đình đến bệnh viện để làm thủ tục khám sức khỏe. Lúc 17 giờ, bạn bè và con trai chị đang ngồi chờ bác sĩ bệnh viện Vũng Tàu khám tổng quát.

image
Sau 6 tháng trong lao tù, 2 ngày bị xích trên xe, chị Hằng trông ốm yếu, tiều tụy đi rất nhiều. Người mặc áo hồng là một nữ An ninh tên Minh, chuyên theo dõi chị Hằng.

image
Vẫn mạnh mẽ giữa vòng vây CA

image
Nụ cười Bùi Thị Minh Hằng - Trở về từ chốn lao tù.

Tin cho biết, chị Bùi Thị Minh Hằng bị CA áp giải từ trại giam Thanh Hà về Vũng Tàu. Lực lượng áp giải gồm có CA trại giam, An ninh Hà Nội, An ninh Vũng Tàu và các thành phần ô hợp khác... Khi về đến địa phương tại trụ sở UBND Phường 4, theo quan sát thì lực lượng hỗn hợp áp giải đi trên 3 xe, tổng cộng khoảng 40 đến 50 mạng.





Bà Bùi Hằng bị buộc phải rời trại?

Bà Hằng là nhân vật được Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quan tâm
Bà Bùi Thị Minh Hằng, người bị chính quyền Hà Nội đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà vì tội gây rối trật tự công cộng, cáo buộc bà bị công an ‘cưỡng bức rời khỏi trại’.
Con trai bà, anh Bùi Nhân, đã dẫn lời mẹ đưa ra cáo buộc trên.

image

Bà đã được chính quyền Hà Nội thả tự do và về đến nhà chiều Chủ nhật ngày 29/4.
Lý do bà được thả, theo báo An ninh thủ đô một ngày trước khi bà được thả, là thực hiện ‘chính sách khoan hồng của Nhà nước’ nhân kỷ niệm ngày 30/4.
Sau khi bà Hằng về đến nhà hôm 29/4, BBC đã tìm cách liên lạc với bà nhưng bà nói lý do vì rất mệt và không trả lời điện thoại.

‘Yếu hơn rất nhiều’
Bùi Nhân, con trai bà, cho biết mẹ anh đã bị các cán bộ trung tâm Thanh Hà cưỡng chế rời khỏi trại.
Nhân cho biết mẹ anh không chấp nhận quyết định phóng thích của chính quyền Hà Nội là vì quyết định này dựa trên việc bắt giữ sai pháp luật.
"Mẹ không chấp nhận rời khỏi trại nhưng họ (công an) đã cưỡng chế và còng mẹ em lại."
Bùi Nhân, con trai bà Bùi Hằng
Anh cho biết biên bản khám sức khỏe sau khi bà Hằng về đến thành phố Vũng Tàu không ghi lại những vết bầm trên người bà mà anh cho là do bị công an dùng sức mạnh cưỡng chế.

image

Sau khi làm thủ tục ở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bà Hằng đã bị khoảng 20 công an trên ba ôtô áp giải từ Trại Thanh Hà ở Vĩnh Phúc về Vũng Tàu trong hơn một ngày, anh cho biết.

Khi về đến Vũng Tàu, những người áp giải bà Hằng đã đọc quyết định ngừng đưa bà vào cơ sở giáo dục và làm thủ tục bàn giao bà cho chính quyền địa phương.
“So với sáu tháng trước khi bị bắt, mẹ em đã yếu hơn rất nhiều,” anh nói và cho biết bà Hằng đã sụt đến 14 kg.
Anh Nhân mô tả là trước lúc bà Hằng về nhà khoảng ba tiếng thì trước nhà anh có những người ở bên cơ quan an ninh đến và đứng nhìn vào nhà rất dò xét.

image

Đơn bảo lãnh
Trước đó hai tuần, công an địa phương có đặt yêu cầu với anh Nhân viết đơn bảo lãnh cho mẹ được về, anh cho biết.
“Họ nói về vấn đề tình cảm là chính. Họ nói có nhớ mẹ không và nói cứ viết một lá đơn xin bảo lãnh cho mẹ còn việc ở ngoài đó người ta có đồng ý hay không thì tùy họ,” anh kể.
"Họ (công an địa phương) nói về vấn đề tình cảm là chính. Họ nói có nhớ mẹ không và nói cứ viết một lá đơn xin bảo lãnh cho mẹ còn việc ở ngoài đó người ta có đồng ý hay không thì tùy họ."

Bùi Nhân, con trai Bùi Hằng
“Em phải hỏi ý kiến của mẹ em nên chưa làm,” anh nói, “Hai tuần sau thì mẹ về đây.”
Tuy nhiên, báo An ninh thủ đô hôm 28/4 cho biết một trong những nguyên nhân thả bà Hằng là ‘xét đơn đề nghị của gia đình.”

Về lá đơn kiện Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về quyết định bắt giữ bà Bùi Hằng, anh Nhân cho biết chính quyền ‘đang câu giờ’.
“Sau một thời gian dài khoảng 2-3 tháng, họ trả lời ngắn gọn việc gửi đơn phải có chữ ký của mẹ em,” anh nói, “Nhưng mẹ em đã có giấy ủy quyền hoàn toàn cho luật sư.”
“Họ cũng ngăn cản việc em và mẹ em tiếp xúc với nhau tại cơ sở Thanh Hà để em lấy chữ ký của mẹ.”
“Thái độ của họ là hoàn toàn gây cản trở,” anh nói thêm.

image

Bà Bùi Thị Minh Hằng là một trong những người nổi bật nhất trong các cuộc biểu tình chống tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông vào mùa hè năm ngoái.
Việc bắt giữ bà đưa vào trại giáo dục cải tạo vào cuối tháng 11 năm ngoái mà không qua quá trình xét xử nào đã gây ra quan ngại từ phía Hoa Kỳ cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền.


image
Chị Hằng đi khám sức khỏe


image
Đây là chiếc xe mà CA đã xích chị Hằng trong quá trình áp giải từ trại giam Thanh Hà về
Hà Nội. Có lẽ đây là đòn trả thù của CA trước khi thả người yêu nước Bùi Hằng.






Bà Bùi Hằng tâm sự sau khi ra trại

image
Bà Hằng là nhân vật được Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quan tâm

Bà Bùi Thị Minh Hằng, người bị chính quyền Hà Nội đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà vì tội gây rối trật tự công cộng, bác bỏ tin tức cho rằng bà được thả vì làm đơn xin nhà nước khoan hồng.

Bà đã được chính quyền trả tự do và về đến nhà chiều Chủ nhật ngày 29/4.
Lý do bà được thả, theo báo An ninh Thủ đô một ngày trước đó, là để thực hiện "chính sách khoan hồng của Nhà nước" nhân kỷ niệm ngày 30/4.
Trong phỏng vấn với BBC từ Vũng Tàu ngày thứ Ba 1/5, bà cho hay năm tháng trong trại Thanh Hà là 'khoảng thời gian hãi hùng'.

Bùi Thị Minh Hằng: Thực tế đó là một khoảng thời gian rất hãi hùng đối với tôi, kể ra thì nó dài vô cùng. Nhưng phải nói một điều rằng tôi xác định tôi không có tội.
Tôi vẫn tin vào pháp luật cần phải có trong một quốc gia, nhưng quả thật thời gian mà họ giam giữ tôi một cách trái phép cho đến lúc họ thả ra thì tôi mới thấy họ không làm theo luật pháp.
Việc họ thả tôi ra hôm vừa rồi thì ngay đến giờ phút cuối cùng họ vẫn đối xử với tôi hết sức nhẫn tâm.

BBC: Vậy bà được thả ra theo đơn xin khoan hồng của nhà nước?

Không đúng. Tôi nhận được Quyết định miễn thời gian chấp hành còn lại. Gần một tháng trước đó, họ vận động tôi viết đơn xin khoan hồng.
Tôi trả lời là tôi không có tội gì mà viết đơn xin khoan hồng cả. Trong những lá đơn tôi gửi chỉ có đơn khiếu nại và tố cáo thôi.
Tôi khiếu nại Quyết định của UBND thành phố Hà Nội và tôi tố cáo những hành xử sai trái pháp luật trong việc bắt cóc tôi từ Sài Gòn đưa ra và những cư xử đến mức độ tôi phải hủy hoại thân thể và phải nhịn ăn vài ngày trong trại.
Sau đó, họ tiếp tục vận động là do cơ thể tôi quá yếu, vì thời gian tôi tuyệt thực chính thức trong đó chiếm gần hết thời gian tôi ở cơ sở nên tôi sút cân nhiều quá.
Tôi cho rằng họ không coi trọng tính mạng của tôi. Mặc dù tôi tuyệt thực rất nhiều lần, nhưng họ không có động tĩnh gì.
Đến khi biết rằng từ bên ngoài, sức đấu tranh của quần chúng rất cao, cộng với không chịu được cách hành xử của họ, ở trong đó tôi đã một lần rạch chân rạch tay, do vậy họ bắt đầu có động thái.
Tuy nhiên, đây không phải là những động thái sửa sai mà là vận động tôi làm đơn xin khoan hồng.
Sau khi tôi không chấp nhận làm đơn xin khoan hồng, họ vận động tôi làm đơn xin đi chữa bệnh.
Rất nhiều đơn khiếu nại, đơn từ tố cáo tôi đã làm trong thời gian ở trong trại nhưng tôi cho rằng có lẽ họ không gửi những đơn từ đó của tôi đi đâu cả.
Vì biết tôi hay làm đơn từ, cho nên khi vào trong trại họ thu giữ hết giấy tờ, sách bút. Và cũng vì vấn đề này mà giữa tôi và cơ sở giam giữ tôi đã xảy ra rất nhiều lần đối đầu.
Tôi cũng làm đơn tố cáo việc quản giáo thu giữ giấy tờ không cho tôi viết vì đây không phải là những việc bị cấm đoán theo quy định.

BBC: Có nhiều bài viết trên báo chí chính thống về bà. Vậy bà có đọc được những bài viết đó không?

Có, tôi có đọc được những bài viết đó.
Trong chỗ chúng tôi ở thì có TV và họ nói là cho đọc báo Pháp luật, nhưng thực tế họ không bao giờ cho chúng tôi đọc một loại báo gì.

image
Bà Bùi Thị Minh Hằng được biết đến qua việc xuống đường chống Trung Quốc năm 2011

Nhưng khi có những sự kiện như thế, cách họ thông tin là các cán bộ, quản giáo cho những trại viên gần gũi với cán bộ mang vào như một cách truyền tải đến tôi.
Họ gần như dàn xếp một lịch trình để cho tôi và trại viên trong trại được xem những sự kiện như thế.

Gia đình

BBC: Nhiều bài báo đã trích dẫn nhận xét của một số 'người thân' của bà, vậy xin bà cho biết nhận xét của mình?

Tôi chưa thể một lúc mà nói hết được. Nhưng tôi tin rằng bằng những hành xử không chính danh của chính quyền thì người dân sẽ tự phân tích điều đó.
Tôi rất tin tưởng vào chính nghĩa. Tôi đã viết ra thành những bài thơ rất đau xót trong những ngày tôi ở trong tù thông qua những lá thư gửi cho con tôi.
Từ những khổ đau như thế, tôi biết phải làm gì và làm gì nhiều hơn nữa để xã hội không còn những cảnh như gia đình tôi, không còn những nỗi đau như của con trai tôi trong những ngày tháng phải bỏ học đi nuôi tôi.
Tôi đã dặn con tôi là “một kẻ làm chó thì ta phải chịu khó để làm người”.
Cho phép tôi không nói sâu hơn về những gì thuộc về cá nhân tôi vì những điều đó tôi đã chịu đựng trong rất nhiều năm qua. Đó là điều mà tôi phải rời xa gia đình để đi tìm cuộc sống ở nơi khác trong cảnh mẹ góa con côi.
Đó là những nỗi đau mà tôi không bao giờ muốn một lần trong đời bởi vì chọn bạn bè thì chúng ta chọn được, người này không tốt ta chọn người khác ta chơi, nhưng không ai chọn được nơi mình sinh ra.
'Không phải chính trị gia'

BBC: Nhưng xin bà cho biết ý kiến riêng của bà trước sự tin cậy đằng sau những bài báo đó?

Tôi chưa nói đến độ tin cậy mà tôi nói đến độ bỉ ổi bởi vì bản thân tôi không phải là một chính trị gia cũng không phải là nhân vật trong giới kinh tế chính trị ở Việt Nam để họ làm điều đó nhắm vào tôi.
Tôi chỉ là một người rất bình thường từ những áp bức bất công trong xã hội. Những nền tảng duy nhất để chúng tôi đấu tranh là quyền của một người dân trong xã hội có luật pháp, có tôn ti trật tự.
Nhưng họ đã dùng những điều đó để trả thù tôi một cách điên cuồng đến mức tôi cho rằng họ lú lẫn. Đến bây giờ tôi nghĩ rằng họ biết là đã bị phản tác dụng. Bởi vì, từ hai hôm nay trở về đây, rất nhiều người dân từ Sài Gòn, Biên Hoà, Bà Rịa và những người xung quanh đây đến với tôi bằng tình cảm.
Có những anh xe ôm chỉ có mấy trái dừa, những lẵng hoa. Tôi tin là người dân bây giờ đã rất trưởng thành và vững vàng.
'Sẽ làm sáng tỏ'

BBC: Có nguồn tin cho biết bà có ý định tự vẫn?

Tôi từng có quyết định tự vẫn vì những bức xúc trước hành xử sai trái của chính quyền.
Nhưng trong những cuộc biểu tình tôi đi với bạn bè và chứng kiến cảnh họ đàn áp, bản thân tôi xuất phát là một dân oan, tôi từng nói rằng tôi sẽ tự thiêu nếu nhà nước này đối xử với dân như thế.

Cho đến giờ phút này, tôi đang dồn tâm huyết để viết lá thư cho chủ tịch nước và tổng bí thư rằng người dân trong chế độ hiện nay bị quá nhiều áp bức và chịu quá nhiều bất công đến mức không thể chịu đựng nổi.
Và nếu nhà nước không có được những động thái gần dân, vì dân, hoặc khắc phục những điều này thì tôi sẽ hiến tấm thân của tôi cho dân oan nhưng duy nhất tôi chỉ giữ ý định chọn cái chết là tự thiêu. Ngoài ra, nếu như có bất cứ sự kiện gì khác xảy đến với tôi thì đấy là sự tấn công từ bên ngoài.

BBC: Xin bà cho biết ý định của bà trong thời gian tới?

Tôi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi trong vòng 10-15 ngày để lấy lại sức khoẻ vì bản thân tôi đã sút trên 15 kg từ lúc vào trại đến lúc về, cộng với rất nhiều vấn đề xảy đến gia đình và con cái tôi.

Hiện nay, tôi vẫn còn một cháu phải bỏ học giữa chừng để đi nuôi mẹ bị bắt. Trước mắt tôi khắc phục những việc của cá nhân tôi.
Sau khi ổn định, việc đầu tiên là tôi sẽ cương quyết làm sáng tỏ về sự bắt giữ oan sai và những hành xử đối với tôi trong thời gian bị chính quyền giam giữ.

1 comment:

  1. Gửi tất cả những người bạn yêu quý của Bùi Hằng

    Lời đầu tiên, xin cho Bùi Hằng và gia đình được gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn, những người đã luôn lo lắng và lên tiếng bảo vệ cho Bùi Hằng trong 6 tháng qua. Xin cảm ơn những blogger, các cơ quan truyền thông, tổ chức quốc tế, tòa đại sứ và chính phủ các nước đã lên tiếng đòi trả tự do cho Bùi Hằng. Từ tận đáy lòng, xin các bạn hãy nhận từ Bùi Hằng lời cảm ơn chân thành nhất.
    Chiều hôm nay, Bùi Hằng trở về nhà trong một thân xác tiều tụy, đủ các vết thương trên người. Thế nhưng, đây sẽ là ngày trở về đầy niềm vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Niềm vui trào dâng cùng những giọt nước mắt vừa mừng, vừa tủi.

    6 tháng trong lao tù, cùng với bao nỗi cay đắng đã khiến bề ngoài Bùi Hằng thay đổi hẳn, nhìn lại trong gương không thể nhận ra mình. Dẫu vậy, Bùi Hằng sẽ vẫn luôn là Bùi Hằng mà các bạn đã biết đến như ngày nào.

    Dù những thế lực cầm quyền có vu cáo bịa đặt thế nào đi chăng nữa, Bùi Hằng sẽ luôn là một người con của Tổ quốc Việt Nam, là người đồng hành với tất cả những người dân Yêu Nước. Những cuộc đàn áp chỉ làm cho Bùi Hằng vững tin hơn vào con đường mình đã chọn. Những ngày sắp tới sẽ là cuộc chiến đầy cam go chống lại những thế lực đang phá hoại Tổ Quốc thân yêu của chúng ta. Dù chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, nhưng Bùi Hằng xin nguyện sẽ làm hết sức để đấu tranh cùng các bạn.

    Việc nhà cầm quyền buộc phải thả Bùi Hằng chính là thành quả từ nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của đồng bào trong và ngoài nước, đó cũng là nhờ vào sự lên tiếng của tất cả những người có lương tri trên toàn thế giới. Trong chốn lao tù cách biệt với thế giới bên ngoài, Bùi Hằng đã luôn chiến đấu và không lùi bước trước cường quyền.

    Trại Thanh Hà là một nhà tù nhỏ, còn đất nước Việt Nam là một nhà tù lớn hơn. Còn bao nhiêu người Việt Nam yêu nước khác vẫn đang bị giam cầm trong nhà tù nhỏ, gần 90 triệu người dân Việt Nam vẫn bị đày đọa trong nhà tù lớn hơn. Chính vì vậy, Bùi Hằng nghĩ rằng chúng ta vẫn phải luôn tiếp tục chiến đấu để đòi lại tự do cho đồng bào mình. Đó cũng là khát khao mà Bùi Hằng luôn hướng đến.

    Về dự định sắp tới, trước tiên Bùi Hằng sẽ cố gắng điều trị các vết thương, sau đó tiến hành các thủ tục cần thiết để khiếu nại. Trong thời gian đầu, do sức khỏe yếu nên việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy Bùi Hằng mến mời bạn bè nếu có điều kiện ghé thăm để dùng bữa cơm thân mật với gia đình.Về lâu dài, Bùi Hằng sẽ luôn theo con đường đã chọn, tiếp tục cùng các bạn đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn.

    Đường còn dài và khó khăn đang chờ đợi, nhưng chỉ cần có quyết tâm và sự đoàn kết, chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Một lần nữa, xin cho Bùi Hằng gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn đã quan tâm, xin cảm ơn mọi người đã giúp Bùi Hằng chăm sóc cho gia đình, giúp cháu Nhân có điều kiện thăm nuôi mẹ trong suốt 6 tháng vừa qua. Những ân tình sâu nặng không biết đến bao giờ Bùi Hằng mới có thể đền đáp.

    Cuối cùng, xin cho Bùi Hằng gửi lời chào thân ái và quyết thắng đến tất cả các bạn

    Bùi Thị Minh Hằng

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.