Pages

Thursday, April 12, 2012

Giấc mơ Mỹ

image


Chuyện ông Phạm Đình Nguyên, tuần qua từ Sài Gòn bay sang Hoa Kỳ mua thị trấn Buford ở bang Wyoming, một vùng đất có dân số ít nhất nước Mỹ, với giá 900 nghìn đôla đã được truyền thông và giới buôn bán nhà đất chú ý.

Vụ mua bán này thu hút nhiều khách, không chỉ cư dân Mỹ mà cả người từ 46 quốc gia trên thế giới. Chủ nhân thị trấn là ông Don Sammons đã chấp bút giá mua một cách chóng vánh trong cuộc đấu giá diễn ra chỉ 11 phút, từ 100 nghìn ấn định ở mức đầu tiên lên đến 900 nghìn đôla.

Với giá đó, không biết ông Phạm Đình Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Phân phối Quốc tế (International Distribution Services) có trả quá cao không cho một cửa hàng bách hoá với trạm xăng, một căn nhà 3 phòng ngủ, lô đất rộng hơn 10 mẫu và một nhà kho, nhà đậu xe.

Báo chí trong nước đưa tin ông muốn phát triển cơ sở tại đây thành một nơi trưng bày và phân phối các mặt hàng Việt trên nước Mỹ.

Tìm hiểu giá nhà qua Zillow.com và thấy trong thị trấn Buford không chỉ có căn nhà duy nhất của ông Don Sammons được bán mà còn ít nhất hai nhà khác đang rao bán.

Một căn trên đường Von Lunen đã bị ngân hàng tịch thu và được rao bán từ hơn ba tháng qua. Nhà hai tầng, 3920 sq. ft (khoảng 435 mét vuông) có 5 phòng ngủ, 3 phòng tắm; xây năm 2006 trên một lô đất rộng 5.13 mẫu tây. Lúc đầu ra giá 414 nghìn đôla, nay xuống còn 345 nghìn.

Căn thứ hai trên đường Lone Tree, mới đề bán cách đây vài ngày, gồm 3 phòng ngủ, một phòng tắm, rộng 310 mét vuông; xây năm 1992 trên một khu đất 35 mẫu tây, giá 160 nghìn đôla. Căn này có lẽ được chủ nhân cho lên danh sách sau khi thấy ông Sammons bán được nhà quá nhanh.

Hai căn nhà ghi trên chắc đã không có người ở từ trước năm 2011 để chỉ còn mình ông Sammons ở lại Buford và biến nơi đây trở thành thị trấn có số cư dân ít nhất tại Hoa Kỳ.

Ngạc nhiên

image
Khủng hoảng tín dụng tại Hoa Kỳ khiến nhiều người bị tịch thu nhà vì vỡ nợ.

Việc người nước ngoài vào Mỹ mua nhà không phải là chuyện lạ vì luật ở đây cho phép dễ dàng. Sự việc bán một thị trấn nhỏ trong lúc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ còn kéo dài và được một doanh nhân từ Việt Nam mua với giá cao là điều ngạc nhiên cho nhiều người.

Trong thập niên trước, nhiều người nước ngoài đã mua nhà tại những khu mới xây cất ở ngoại ô Sacramento, thủ phủ bang California để đầu tư. Họ mua rồi cho thuê, khi giá nhà lên cao họ bán đi kiếm lời. Chuyện này cũng đã tạo chú ý vì bất thình lình nhiều người thuê nhận được giấy của chủ nhà yêu cầu rời đi.

Giới truyền thông truy tìm nguyên do và biết nhiều căn có chủ nhân là người Nhật. Nhưng luật là luật, chủ muốn lấy lại nhà chỉ cần thông báo bằng văn bản cho người thuê trong vòng 30 ngày để họ dọn đi.

"Ông Phạm Đình Nguyên đang làm chủ một công ty lớn ở Sài Gòn nay lại một mình chọn nơi đó làm quê hương, tôi thấy hơi lạ."

Ngoài người Nhật, nhiều người châu Á khác cũng qua Hoa Kỳ mua nhà, trong đó có người Việt.

Mới đây nhân vụ bà Phạm Thị Diệu Hiền, chủ tịch công ty hải sản Bianfishco bị vỡ nợ, các thông tin điều tra cho biết từ năm 2003 bà đã làm chủ một căn nhà giá hơn một triệu đôla trong khu sang trọng Beverly Hills gần thủ đô điện ảnh Hollywood. Hiện nay bà đang rao bán căn nhà đó với giá gần 3 triệu.

Theo số liệu của National Association of Realtors (NAR) thì doanh nghiệp bán nhà cho người nước ngoài trong năm 2010 có số thu 82 tỉ đôla, so với năm 2009 là 60 tỉ.

Người nước ngoài mua nhà ở Mỹ nhiều nhất ở bang Florida, với 31% số thương vụ. Đứng thứ nhì là California, sau đến Texas và Arizona. Phần đông họ đến từ những quốc gia Mexico, Philippines, China, India và Việt Nam.

Trong các giao dịch bán nhà cho người nước ngoài, cũng theo số liệu của NAR, 62% trả hết một lần bằng tiền mặt.

Không chỉ những người nước ngoài mua nhà giá vài trăm nghìn đôla và đã trả hết ngay, có doanh nhân mua cơ sở thương mại giá mấy chục triệu cũng trả hết bằng tiền mặt.

Ông Tràm Bê, chủ tịch công ty chế biến thực phẩm Son Son Co. ở Việt Nam vào năm 2009 đã mua khu thương mại Wallco Shopping Mall rộng 50 mẫu toạ lạc tại thành phố Cupertino, cạnh San Jose với giá 64 triệu đô. Ông trả số tiền lớn này bằng tiền mặt.

Khó khăn sắp đến

image
Cuộc bán đấu giá thị trấn Buford đã được chú ý

Một số công ty từ Việt Nam đã mua khách sạn, cơ sở thương mại ở California, Texas.

Nhiều người Việt Nam cũng đã mua nhà ở Mỹ. Với quan hệ hai nước phát triển, số sinh viên qua Mỹ du học ngày càng đông, nhiều sinh viên Việt chỉ sau thời gian ở Mỹ một đôi năm đã mua nhà.

Đó là cách tính có lợi tài chánh cho bản thân và gia đình vì ở Việt Nam phải là người giầu mới có khả năng cho con em qua Mỹ học, một năm tốn vài chục nghìn đôla, vì thế chuyện mua một căn nhà giá vài trăm nghìn ở Mỹ trong lúc này không phải là điều khó khăn. Mua nhà tiết kiệm được tiền thuê và cũng là cách đầu tư lâu dài.

Sống ở Mỹ đã gần 40 năm, tôi có lời chào mừng gửi đến ông Phạm Đình Nguyên và những người đã chọn Hoa Kỳ để làm thương mại, hay về lâu dài làm nơi sinh sống. Nước Mỹ quả thực là xứ sở của tự do và cơ hội, là giấc mơ của nhiều người như ông Nguyên đã nói với báo chí sau khi mua được thị trấn Buford.

"Nếu ông Nguyên trả tiền mua nhà hết thì mừng cho ông không vướng nợ nhà"

Khó khăn sắp đến là việc điều hành cơ sở thương mại ông vừa làm chủ, dù chỉ là một cây xăng và tiệm tạp hoá nhỏ. Nếu ông Nguyên trả tiền mua nhà hết thì mừng cho ông không vướng nợ nhà vì đó là một gánh nặng tài chánh trong đời sống Mỹ.

Nhưng còn nhiều thứ khác cần chi mỗi tháng là các khoản tiền ga điện nước, tiền bảo hiểm, bảo trì cơ sở, bảo hiểm sức khoẻ, tiền thuế, dù cơ sở làm ăn có phất lên được hay không.

Buford đã một thời có đến hai nghìn dân, nằm trên cao độ 2500 mét, với nửa năm lạnh buốt và xa chốn phồn hoa đô thị.

Ông Phạm Đình Nguyên đang làm chủ một công ty lớn ở Sài Gòn nay lại một mình chọn nơi đó làm quê hương, tôi thấy hơi lạ. Hy vọng đây không phải là lối chơi ngông của những đại gia ở Việt Nam ngày nay.

Dù sao cũng chúc ông mọi điều may mắn và thành công nơi xứ Mỹ.


Bùi Văn Phú

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.