Pages

Wednesday, May 23, 2012

Tệ nạn mua bán dâm ở Đông Nam Á

image


Cuộc chiến chống buôn lậu người và mại dâm gây nhiều tranh cãi tại các nước Đông Nam Á, trong đó có câu hỏi liệu tất cả các cô gái mại dâm có phải đều là nạn nhân hay không.

image
Theo Somaly Mam, nhà hoạt động chống nô lệ tình dục, tất cả phụ nữ mại dâm đều là nạn nhân.

Bị bán khi còn là một đứa trẻ, nhà hoạt động người Campuchia, Somaly Mam, đã trở thành một trong những khuôn mặt dễ nhận biết, nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi của phong trào chống nô lệ tình dục.

Nhà vận động đầy năng động này khoe đã có được sự ủng hộ của một loạt những người nổi tiếng và đã từng được kênh CNN nêu danh là nhân vật được biểu dương của năm.

Nhưng Somaly Mam vừa là người gây tranh cãi trong số các nhà vận động chống buôn lậu người, vừa là người được giới báo chí quốc tế yêu thích.

Mới đây nhất Mam đã gây một cuộc tranh cãi lớn khi cô cho phép "bạn cũ" của cô, phóng viên tờ New York Times Nicholas Kristof, được phép "tweet trực tuyến" một cuộc truy lùng nhà chứa tại thị trấn Anlong Veng ở mạn bắc Campuchia hồi tháng 11.

image

"Các cô gái được giải cứu nhưng vẫn còn rất sợ hãi. Những em gái trẻ nhất trông khoảng 13 tuổi, được đưa lậu từ Việt Nam sang," Kristof viết cho hơn một triệu người đăng ký nhận tin từ tài khoản Twitter của ông.

Những bình luận này khiến các chuyên gia chống buôn lậu người nói đã đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn và việc phải xin phép đương sự.

Đối với Mam, người thành lập tổ chức AFESIP chống buôn lậu người và nay đang điều hành một quỹ cùng tên, thì lợi ích từ những quan tâm đối với vấn đề buôn lậu người mà Kristof đã mang lại đã vượt lên trên những quan ngại về an ninh.

image

"Thậm chí nếu không tweet thì nó cũng nguy hiểm... nhưng nếu (Kristof) làm như vậy thì nó còn tốt hơn vì đã khiến nhiều người biết đến và hiểu thêm," Mam nói với hãng tin AFP trong một cuộc phỏng vấn khi đi thăm Việt Nam.

Bà Tania DoCarmo thuộc tổ chức Chab Dai, một tổ chức chống buôn lậu người làm việc tại Campuchia, cho biết việc tường thuật cuộc truy lùng đó là một hành động quảng bá "phi đạo đức", vi phạm luật chống buôn lậu người của Campuchia và "giật gân hóa" một vấn đề rất phức tạp.

"Tường thuật 'ngẫu hứng' về trẻ em trong các tình huống bị kinh hoàng không được nhìn nhận là có đạo đức hay có thể được chấp nhận ở phương Tây ... nó là không đúng, và thậm chí làm điều này ở các nước đang phát triển như Campuchia có thể bị coi là để thỏa mãn thói thích xem hình ảnh khiêu dâm."

"Điều này đặc biệt đúng với trẻ em và thanh thiếu niên đằng nào cũng không thể đồng ý cho phép làm việc đó một cách hợp pháp," bà nói.

Tổ chức AFESIP nói họ đã tham gia giải cứu khoảng 7.000 phụ nữ và trẻ em gái tại Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam từ năm 1997.

image

Chỉ riêng ở Campuchia, có hơn 34.000 người làm nghề mại dâm, theo một ước tính của chính phủ Campuchia năm 2009.

Đường ranh giới giữa "nạn nhân" và "kẻ buôn lậu người" thường không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những phụ nữ đã bị lừa phải làm việc trong nhà chứa có thể tiến tới làm việc tuyển dụng những người khác vào cùng một con đường.

Mam, hơn 40 tuổi nhưng không biết chính xác năm sinh của mình, đã bị một người đàn ông mà cô nói hoặc là ông hoặc là chú bác bán vào nhà chứa và sau đó bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục nhiều lần cho tới khi chứng kiến một người bạn bị giết chết ngay trước mặt cô, và cô đã tìm cách trốn thoát.

image

"Tôi hoàn toàn tuyệt vọng," và cô nói rằng kinh nghiệm của một nạn nhân là điều không thể quên được và nó đã thúc đẩy chiến dịch chống buôn lậu người của cô.

Quan điểm cứng rắn

Trong lĩnh vực chống buôn lậu người, Mam có quan điểm cứng rắn gây nhiều tranh cãi: tất cả các nhân viên tình dục đều là nạn nhân, cho dù vì bị buôn bán hay do hoàn cảnh, không có phụ nữ nào thực sự chọn làm việc trong một nhà chứa.

"Đôi khi một người phụ nữ nói với tôi cô ấy chọn làm gái mại dâm (nhưng nếu bạn hỏi) thế còn con gái của chị thì sao. Cô ấy sẽ nói: Không, không, không," Mam nói. "(Họ) không có lựa chọn".

image
Các điểm massage nhiều khi là tụ điểm mại dâm trá hình

Quan điểm này, vốn dẫn tới việc Mam dựa vào các cuộc truy lùng nhà chứa như một công cụ để chống buôn lậu người, đã gây phẫn nộ trong số các nhà vận động khác, như Mạng lưới nhân viên tình dục Châu Á Thái Bình Dương, một tổ chức có lập luận rằng các nhân viên tình dục tự nguyện là người lớn "cần quyền chứ không cần giải cứu."

Các hoạt động truy quét, giải cứu và vây bắt chớp nhoáng của cảnh sát đối với các nhân viên tình dục đứng đường không chỉ không có hiệu quả, các chuyên gia nói, mà còn dẫn đến "những vi phạm nhân quyền một cách hệ thống," tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York nói trong báo cáo năm 2010.

image

Tổ chức của Mam, AFESIP, cũng đã bị chỉ trích vì đã nhận các cô gái mại dâm bị cảnh sát Campuchia bắt giữ mà HRW nói việc này cũng là "bắt và giam giữ tùy tiện những người vô tội".

Mam đã bác bỏ đánh giá đó của HRW.

"Khi một cô gái bị giết chết trong nhà chứa thì HRW có đi vào nhà chứa không? Khi tôi ở trong nhà chứa, một người bạn tôi đã bị giết chết. HRW có vào đó không? Không," cô nói.

Những người lớn tình nguyện làm nghề mại dâm bị giam giữ trong các cuộc truy lùng của cảnh sát - những người nói họ không phải nạn nhân của nạn buôn lậu người và cũng không cần dịch vụ của AFESIP - có tin đã bị giữ tại nơi tạm trú của AFESIP trái với ý nguyện của họ.

image

"Lần đầu tiên một gái điếm đến nơi tạm trú, cô ấy không muốn ở lại ... bởi vì cô ấy không biết chúng tôi," Mam cho biết và nói thêm rằng phụ nữ bán dâm bị "tuyệt vọng" tới mức họ muốn ở lại trong môi trường nhà chứa quen thuộc.

"Tôi luôn nói rằng: xin hãy ở lại đây một hoặc hai ngày thôi, coi nó giống như một kỳ nghỉ vậy", cô nói và rằng nếu họ chọn ở lại nhà chứa, cô tôn trọng quyết định đó của họ.

"Tôi sẽ không ép buộc họ. Tôi đã bị cưỡng bức suốt cả cuộc đời mình rồi. Tùy họ thôi," và cô nói thêm rằng và điều này cũng áp dụng trong các nơi tạm trú, không cô gái nào bị buộc phải nói chuyện với báo chí hoặc phải chia sẻ kinh nghiệm của mình với bất cứ ai khác.

image

Mam nói cô sẽ cố gắng lắng nghe và học từ những chỉ trích về các chiến thuật và cách tiếp cận của cô, và rằng cô "đã mắc nhiều sai lầm trong đời", và chưa bao giờ nhận là có tất cả các câu trả lời làm thế nào để chấm dứt tình trạng nô lệ tình dục.

"Những gì tôi biết là làm thế nào để giúp đỡ phụ nữ," cô nói.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.