Pages

Thursday, May 10, 2012

Trịnh Kim Tiến: "Chị có về được không?"

image


Tôi cảm thấy công lý này cần tự mình giành lấy, và tôi sẽ đứng ra trước tòa để tranh luận công khai minh bạch trong phiên tòa sắp tới. Tôi sẽ nhìn thẳng vào các vị quan toà, những người đang nắm giữ trong tay cán cân công lý để khẳng định với họ một điều rằng: công lý không bao giờ chết, nó chỉ đang bị chèn ép. (Trịnh Kim Tiến)


"Chị có về được không?" - Kim Tiến đã hỏi tôi như thế ngay khi bạn ấy nhận được thông báo của tòa án về phiên tòa phúc thẩm vụ việc trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vào ngày 14/05/2012 sắp tới. 

Vậy là thêm một lần nữa, tôi lỗi hẹn với Kim Tiến. Để những người quan tâm đến vụ việc của gia đình ông Trịnh Xuân Tùng có thêm thông tin về phiên phúc thẩm sắp diễn ra, xin gửi đến mọi người, cuộc trò chuyện ngắn với bạn Trịnh Kim Tiến.

*

1. Kim Tiến thân mến, theo thông tin trên Facebook của bạn cho biết, phiên tòa phúc thẩm xét xử việc trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng sẽ diễn ra vào ngày14/05 tới. Bạn có thể biết rõ thêm chi tiết về phiên phúc thẩm này được không?

Trịnh Kim Tiến: Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án của bố tôi là ông Trịnh Xuân Tùng bị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh cùng dân phòng phường Thịnh Liệt đánh và mất vào ngày 8/03/2011 sẽ diễn ra vào ngày 14/05/2012 theo như giấy triệu tập mà Tòa án nhân dân tối cao gửi cho bà nội tôi là Nguyễn Thị Cúc.

image
ông Trịnh Xuân Tùng bi CA đánh chết.

Thật sự là đến giờ phút này tôi vẫn chưa hình dung được là phiên tòa sẽ diễn ra như thế nào! Ngay khi chưa xử tôi đã thấy có một số vấn đề về mặt pháp lý và quyền của người tố tụng. 

- Thứ nhất là đến giờ phút này - 5 ngày trước phiên tòa - chỉ có bà nội, một cụ già 90 tuổi, sức khỏe yếu, nhận được giấy triệu tập vào ngày 02/05. Trong khi đó, những thân nhân khác của người bị hại là mẹ tôi, tôi cùng em gái vẫn chưa  có giấy được phép tham gia phiên xử từ tòa án.

image

- Thứ hai là sau khi tìm hiểu tôi được biết chỉ có một nhân chứng đã nhận được giấy triệu tập từ Tòa án là ông Phạm Quang Hùng. Trong khi nhân chứng còn lại là ông Bạch Chí Cường - người chỉ chứng, nhìn rõ sự việc trong phiên Tòa sơ thẩm và ông Nguyễn Đức Minh, nhân chứng về việc hành xử vô trách nhiệm, thiếu tình người của những cán bộ công an trực ban phường Thịnh Liệt vẫn chưa nhận được giấy thông báo nào. Đây không thể là một sự thiếu sót vô ý của Tòa án được. 

2. Bạn và gia đình đã làm gì khi chỉ tòa phúc thẩm chỉ triệu tập mỗi mình bà nội bạn là người tham gia phiên tòa sắp tới?

Trịnh Kim Tiến: Nếu thực sự trong phiên Tòa phúc thẩm sắp tới đây, ba người trong gia đình chúng tôi là mẹ tôi, tôi và em gái không nhận được giấy triệu tập mà Tòa án chỉ triệu tập bà nội tôi thì họ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của bộ luật tố tụng. Vì sau phiên xử sơ thẩm ngày 13/01/2012, 4 người trong gia đình tôi cùng đồng loạt gửi đơn kháng cáo đến Tòa án, chứ không phải một mình bà tôi. Nếu họ không cho mẹ tôi, tôi và em gái tham dự phiên xử công khai thì đó là hành vi vi phạm nhân quyền cơ bản, tước đi quyền con người một cách bất chấp hợp pháp và vô lý. 

Chúng tôi sẽ làm gì ư? Điều chắc chắn rằng mẹ, em và tôi sẽ có mặt cho dù phải đứng ngoài cửa toà án để chứng kiến cánh cửa công lý đã đóng sập vào mặt chúng tôi. Chúng tôi sẽ có mặt để làm nhân chứng cho hành động tước đoạt quyền con người của những công dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ có mặt để xác định rằng ba người phụ nữ chân yếu tay mềm của gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ cúi đầu trước những phi lý và bất công. 

3. Bạn có nghĩ rằng, sẽ có sự thay đổi tội danh (hoặc thay đổi bản án) ở phiên phúc thẩm này không?

image

Trịnh Kim Tiến: Công lý đã không hiện hữu một lần trong phiên xử sơ thẩm khi mà các nhân chứng đã không được tham dự. Ông Bạch Chí Cường là một trong hai  người chứng kiến toàn bộ sự việc đã không nhận được giấy thông báo triệu tập của Tòa án. Ở phiên sơ thẩm, ông này bị gây khó khăn cản trở việc tham dự phiên tòa, mặc dù ở thời điểm đó trong phòng xét xử đang đọc danh sách những người liên quan có tên của ông. Sau đó, chúng tôi yêu cầu làm rõ việc này thì  ông mới được phép tham dự phiên sơ thẩm.

Nhân chứng Nguyễn Đức Minh thì không được tham dự vì không được tòa triệu tập. Những nhân chứng khách quan có lời khai mâu thuẫn là những người xe ôm hay bán hàng nước, nhà tại nơi xảy ra vụ việc thì không có mặt tại tòa để công khai đối chất. Phiên tòa diễn ra rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với những gì tôi và luật sư đã nghĩ. Tòa bỏ sót nhiều thứ, khiến luật sư của gia đình tôi không thể tranh luận đầy đủ. 

Tôi mong rằng không phải một lần nữa nhìn thấy công lý bị xem thường. Đó không phải là điều mong mỏi cho riêng gia đình tôi mà cho xã hội và đất nước thân yêu của tôi. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì sự thật vẫn mãi mãi là sự thật, không một bóng mây đen nào có thể mãi mãi che được ánh mặt trời và không một phiên toà nào trong một căn phòng xử bị đóng khung có thể lấn áp được phiên toà của dư luận ngày hôm nay và phiên toà của lịch sử ngày hôm sau.. 

4. Cảm giác của bạn trước phiên phúc thẩm lần này như thế nào? 

Trịnh Kim Tiến: Sau phiên toà sơ thẩm đến nay tôi đã đọc rất nhiều tin tức về những cái chết oan ức lại tiếp tục xảy ra trong đồn công an. Những cái chết đau đớn này đã làm cho tôi thấy rõ công lý dành cho gia đình tôi thật quá nhỏ nhoi so với công lý của cả đất nước. Tội ác đã không dừng lại vào ngày bố tôi bị đánh chết. Tội ác đã tiếp diễn sau bản án phi lý dành cho bị can công an đánh chết bố tôi. Từ đó tôi tâm niệm rằng những gì tôi có thể làm được, dù có thành công hay thất bại trong khả năng nhỏ bé của tôi, tôi tranh đấu để góp phần loại trừ tội ác, để không còn những thảm hoạ mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha mà gia đình chúng tôi đã phải trải qua.

image

Đối với phiên toà phúc thẩm, dù phiên xử chưa diễn ra nhưng tôi đã cảm thấy đây là một phiên xử kì lạ và không rõ ràng. Bởi một phiên xử người dân bị công an lạm quyền đánh chết, là một phiên xử công khai mà lại triệu tập một cụ già 90 tuổi đến tham gia tố tụng. Trong khi những thân nhân khác của nạn nhân có đủ khả năng tham dự thì lại bị tước đi quyền liên quan một cách khó hiểu.

5. Bạn có muốn chia sẻ gì thêm với tất cả mọi người, những người đã và đang quan tâm theo dõi vụ việc của gia đình bạn không?

Trịnh Kim Tiến: Nếu như được tham dự phiên tòa, tôi sẽ là người trực tiếp đứng ra tranh tụng vì chúng tôi không mời luật sư trong phiên xử phúc thẩm này. Tất cả những luận cứ, luận điểm chứng minh của luật sư không hề được Tòa án lắng nghe và xem xét đến dù một chút trong phiên xử sơ thẩm. Tôi cảm thấy công lý này cần tự mình giành lấy, và tôi sẽ đứng ra trước Tòa để tranh luận công khai minh bạch trong phiên Tòa sắp tới. Tôi sẽ nhìn thẳng vào các vị quan toà, những người đang nắm giữ trong tay cán cân công lý để khẳng định với họ một điều rằng: công lý không bao giờ chết, nó chỉ đang bị chèn ép.

image

Tôi tin rằng con đường tôi đi luôn có bạn bè và đồng bào tôi cùng đồng hành và chia sẻ. Thật sự đến giờ này, tôi chỉ biết cảm ơn mọi người. Mọi người đã cho tôi sức mạnh, đã cho tôi niềm tin. Niềm tin để cố gắng sống cho đúng nghĩa một con người, niềm tin rằng mỗi cá nhân, dù nhỏ bé đến đâu cũng có thể góp phần, góp sức, góp một viên gạch khiêm tốn nhưng cực kỳ cần thiết để xây dựng nhà Việt Nam thân yêu, không phải cho chúng ta mà cho thế hệ mai sau.

image

Trong ý tưởng đó, tôi mong ước vô cùng rằng mọi người sẽ luôn bên tôi, hỗ trợ tôi, dìu dắt tôi và cùng tôi bước đến phiên xử sắp tới đây để đòi lại sự cân bằng cho cán cân công lý.

Tôi cũng tin rằng trong phiên toà xử này, gia đình tôi sẽ nhận được nhiều hơn những sự đồng cảm, hỗ trợ của nhiều người để chúng ta cùng nhau tranh đấu cho công lý, công bằng và lẽ phải. Chúng tôi sẽ không cô đơn, tôi tin chắc là như thế.

image

Cám ơn bạn Kim Tiến đã giành thời gian để trò chuyện cùng tôi và mọi người, và hy vọng rằng bạn và gia đình sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đi tìm công lý cho người thân của mình.




Mẹ Nấm

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.