Pages

Monday, September 10, 2012

Nhịp nối cuộc đời

image


Hồi còn nhỏ, tôi thường say mê nghe các chị lớn trong họ tả về mẹ tôi thời còn con gái.

“Cô đẹp lắm, cả dáng đi cũng đẹp. Chiều chiều tụi chị hay ra trước cửa để chờ cô đi dạy về. Cô mặc áo dài, đi nhẹ nhàng từ đầu ngõ vào… Cả ngõ ai cũng nhìn …”

Dĩ nhiên trong mắt tôi thì mẹ tôi lúc nào cũng đẹp, ngay cả khi Mẹ đã có sáu đứa con. Nhưng tôi vẫn mê nhất là những câu chuyện về Mẹ thời mới di cư vào Nam, ở chung với đại gia đình ở Xóm Lách. Hình ảnh mẹ tôi đeo găng tay lái xe Solex, vạt áo dài gài ở yên sau bay phồng lên như một cụm mây hay hình ảnh mẹ đi khoan thai uyển chuyển trong con ngõ nhỏ đã thành những “huyền thoại” trong lòng tôi.

Chị em tôi có nét pha trộn giữa Bố và Mẹ… Các cô, các bác hay ngắm nghía chúng tôi rồi nói nét này cuả Bố, nét kia của Mẹ. Có điều… đôi khi người lớn không đồng ý với nhau nên thời nhỏ có vài nét tôi cũng chẳng biết tôi đã nhận từ ai. Nhưng, có một điều tôi luôn biết chắc – đó là tôi thừa hưởng từ Bố tôi lòng yêu thơ.

Bố tôi yêu thơ lắm. Ông nhớ rất nhiều bài, nhất là của các thi sĩ nổi tiếng trước thời chia cắt đất nước 1954. Ông sưu tầm nhiều sách thơ, ông hay ngâm thơ ru chúng tôi ngủ. Ngoài những bài ca dao như “Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao …”, Bố còn ngâm các bài rất dài như Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị do Phan Huy Vịnh dịch... Kỷ niệm dễ thương nhất là em út tôi, mới có hơn một tuổi, nằm trên xích đu vưà mút tay vưà lim dim nghe thơ rồi ngọng nghịu nói vuốt theo “áo xăng“ khi bố đọc tới “Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư Mã ngậm ngùi áo xanh…”

Để dạy chúng tôi tập đọc, tập viết, Bố không mua sách in sẵn mà ông viết những bài thơ vào vở cho chúng tôi tô lên. Tô xong rồi đọc, học thuộc, và trả bài.

Mẹ tôi không đồng ý lắm với các lớp vỡ lòng lạ lùng này, nhưng bà cũng quá bận rộn nên không phản đối nhiều. Mẹ còn mỉm cười trong những khoảnh khắc ngộ nghĩnh như khi con bé bốn tuổi – tôi - trả làu làu bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu bằng tiếng Hán. Dĩ nhiên là Bố tôi có giảng nghĩa, nhưng nếu không tôi cũng chẳng thấy phiền khi không hiểu rõ mhữnng câu “Trình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”. Tôi thấy âm điệu nó hào sảng, nhịp nhàng; vậy là đủ cho tôi thích thú.

Tuy vậy, cũng có lần Mẹ tôi cằn nhằn. Đó là lần Bố dạy tôi bài Mưa Cẩm Giang của Trường Anh với những câu

“Thăm thẳm đường trường tôi người cô độc
Mòn gót giầy trong quán trọ đêm nay
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc
Đường xụt xùi qua mấy nẻo truông lầy…”


Mẹ nói “Sao Bố chọn bài thơ gì nghe thảm vậy? Thơ buồn quá, ảnh hưởng tâm hồn trẻ con, không tốt đâu!”

Bố tôi chắc không tin điều đó và tôi cũng… theo bố. Bởi vì thơ buồn chỉ là một phần nhỏ những gì Bố dạy, ngoài ra chúng tôi còn học được rất nhiều thứ. Qua những bài thơ, chị em tôi - sinh ra ở miền Nam và lớn lên nhờ nước máy Sài Gòn bỗng hiểu những danh từ xưa của miền Bắc, bỗng như quen với những địa danh xa tít, thấp thoáng trong thời thanh niên bôn ba cuả Bố, chẳng hạn như “đất tề”, “sông Đáy”.

“Rét mướt muà sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ thương ta?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều Xuân lạnh đất tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ”
(1)

Bố còn dạy tôi học Sử bằng thơ. Thời đó, tới lớp Năm thì chương trình Việt Sử mới dạy tới “Vua Quang Trung Đại Phá Quân Thanh”. Tôi thấy học sử thật là dễ, vì những trang sử oai hùng đó tôi đã thuộc làu từ thời còn … nói ngọng

Đang lúc đoàn binh tướng Mãn Thanh
Vui cùng rượu ngọt, gái xuân xanh
Thì muôn pháo lệnh tưng bừng nổ
Và tiếng quân reo dậy khắp thành

Quân ải Phú Xuyên vội lạy hàng
Hà Hồi tiếp vỡ, Ngọc Hồi tan
Và quân tướng Việt cùng hăm hở
Tràn đến Thăng Long tựa thác ngàn

Sĩ Nghị đang đêm trốn khỏi thành
Sông Hồng cuốn xác vạn binh Thanh
Chiến bào đẫm máu, Ngô Văn Sở
Truyền lệnh bêu đầu Hứa Thế Hanh!

Dưới nắng hồng quân sĩ ngất ngây
Tung hô chủ tướng tiếng vang dày
Quang Trung vui vẻ nhìn trong gió
Cờ Việt huy hoàng, phất phới bay.
(2)

Sau khi chúng tôi đi học, Bố ít còn dịp dạy thơ. Khi rảnh rỗi, chị em tôi tự lục sách đọc và thưởng thức. Tôi thích nhất quyển Thi Nhân Việt Nam với bià sách màu xanh nhạt, với lời bình của hai nhà sưu tầm Hoài Thanh- Hoài Chân cho mỗi bài thơ.

Tôi yêu nước Việt vì văn hoá Việt, và tôi yêu văn hoá Việt qua những tác phẩm văn thơ.

Tôi chưa kịp trưởng thành thì cuộc đổi đời năm 1975 xảy ra. Cuộc đổi đời khốc liệt đã dập vùi bao cuộc đời, xé tan bao hy vọng, cuốn phăng bao ân tình, và làm băng hoại bao nhiêu giá trị xã hội, nhưng vẫn không xoá được tấm tình của tôi cho Việt Nam. Tấm tình bắt đầu từ những bài thơ thưở vỡ lòng.

Cuộc đổi đời cũng làm những ước mơ của Bố cho chúng tôi đi vào những ngả rẽ bất ngờ. Biết tôi thích văn học, Bố đã từng mơ cho tôi sau này được đi du học để được mở tầm nhìn ra văn chương thế giới. Sau năm 1975, giấc mộng thành xa vời, nhưng tôi lại làm quen với thơ tiếng Anh một cách không ngờ.

Ngày đó, bạn bè tôi hay chia sẻ với nhau những lá thư từ những người đã vượt biên. Những lá thư thơm phức trên giấy trắng tinh như mở ra một kẽ nhỏ xíu cho chúng tôi nhớ rằng ngoài kia có một thế giới không bị thống trị bằng tàn nhẫn, nghi ngờ và đói khổ. Bài thơ tiếng Anh đầu tiên tôi đọc là trong một tấm thiệp gởi về cho cô bạn cùng lớp

“Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
And so are you!
Roses are red
Violets are blue
I am so happy
That I love you!”

Bài thơ mộc mạc mà thật dễ thương. Tôi thích lắm và đó là lần đầu tiên tôi dịch thơ tiếng Anh ra tiếng Việt

“Hồng đỏ thắm
Bích hoa xanh
Đường dịu ngọt
Giống như anh!
Hồng đỏ thắm
Bích hoa xanh
Lòng rộn rã
Vì  thương anh!”


Sau đó, tôi cũng vượt biển sang Mỹ. Tôi đã được đọc nhiều bài thơ tiếng Anh và tôi thấy rõ rằng thưởng thức thơ cần một cái gì sâu xa hơn là chỉ hiểu ngôn từ. Có những bài thơ rất nổi tiếng nhưng tôi đọc qua và không rung động. Khi thì tôi không đồng cảm với ý thơ, lần thì không thấu hiểu được cái hay của cách dùng chữ, đặt câu quá cao siêu, có lúc lại vì âm điệu không nhịp nhàng giống như những thanh âm mà tâm hồn tôi yêu thích.

Tuy vậy cũng có khi tôi gặp được những bài thơ tiếng Anh gần gũi như bài Chain of Pearls của Tagore, nhà thơ Ấn độ từng đoạt giải Nobel văn chương 1913.

Chain Of Pearls
By: Rabindranath Tagore

Mother, I shall weave a chain of pearls for thy neck with my tears of sorrow.

The stars have wrought their anklets of light to deck thy feet, but mine will hang upon thy breast.

Wealth and fame come from thee and it is for thee to give or to withhold them.
But this my sorrow is absolutely mine own, and when I bring it to thee as my offering
thou rewardest me with thy grace.


Chuỗi Ngọc
Người dịch: Khôi An

Thưa mẹ, con xin dâng chuỗi ngọc
Kết bằng bao nước mắt ăn năn
Thiên thu sao sáng vòng chân mẹ
Bầu sữa con xin bé dại nằm

Tiền của, hào quang có ở đời
Đều từ tay mẹ rộng ban thôi
Món quà duy nhất đem về mẹ
Mảnh hồn con cô đơn tả tơi

…Thương con lòng mẹ vẫn mời
Lời ru vẫn ngọt như thời ấu thơ


Thơ cho tôi nhiều kỷ niệm. Thích nhất là những khi thơ nối liền biên giới ngôn ngữ.

Có lần một người bạn trong nhóm Việt Bút (nhóm của một số tác giả Viết Về Nước Mỹ) gởi một bài thơ tiếng Anh của Donna Hoover, tôi đọc và bồi hồi muốn rơi nước mắt. Tôi ước là bài thơ được dịch sang điệu lục bát để đem về ngâm nga dạy con cháu, nhưng việc làm lúc đó đang bận nên tôi đành bó tay.

Tiếc rẻ, tôi viết thư “òn ỉ” xem trong nhóm có ai cao hứng dịch dùm.

Thật là vui và ngạc nhiên khi chiều hôm đó tôi nhận được bản dịch của Donna Nguyễn. Cô Donna người Việt dịch bài thơ cuả cô Donna người Mỹ một cách “thần sầu”, vừa gần gũi tiếng Việt vừa chuyên chở được hết ý thơ và cái ngây thơ đến đau lòng của đứa bé trong tác phẩm.

Is Heaven In The Yellow Pages?
By: Donna Hoover

Mommy went to Heaven, but I need her here today,
My tummy hurts and I fell down, I need her right away.
Operator can you tell me how to find her in this book?
Is heaven in the yellow part, I don't know where to look.
I think my daddy needs her too, at night I hear him cry.
I hear him call her name sometimes, but I really don't know why.
Maybe if I call her, she will hurry home to me.
Is Heaven very far away, is it across the sea?
She's been gone a long, long time she needs to come home now!
I really need to reach her, but I simply don't know how.
Help me find the number please, is it listed under "Heaven"?
I can't read these big words, I am only seven.
I'm sorry operator, I didn't mean to make you cry,
Is your tummy hurting too, or is there something in your eye?
If I call my church maybe they will know.
Mommy said when we need help that's where we should go.
I found the number to my church tacked up on the wall.
Thank you operator, I'll give them a call.

Thiên Đàng Số Mấy
Người dịch: Donna Nguyễn

Mẹ con đã dọn về trời
Nhưng con cần mẹ bên đời hôm nay
Bụng đau, con lại té trầy
Con cần mẹ với bàn tay dịu hiền

Tổng đài: xin hãy cảm phiền
Cho con xin số mẹ hiền, được không?
Thiên Đàng số mấy hả ông?
Sao con tìm mãi mà không được nào

Cha con buồn bã làm sao
Trong đêm gọi mẹ, nghẹn ngào tiếc thương
Ước gì số mẹ tỏ tường
Con gọi, mẹ sẽ lên đường về thăm

Thiên Đàng một cõi xa xăm
Cách bao nhiêu biển? Bao năm xa rồi
Về mau hỡi mẹ yêu ơi
Con tìm số mẹ, giữa đời bơ vơ

Con đang tìm mẹ ngẩn ngơ
Con đang cần mẹ từng giờ, mẹ ơi
Thiên đàng số mấy? hỡi đời
Con mới lên bảy, chữ thời quá to

Tổng đài xin hãy cùng lo
Giúp cho con nhé, gọi cho mẹ về
Hay ông cũng thấy ê chề?
Ruột gan đau thắt, não nề, chơ vơ?

Hay con phải gọi nhà thờ
Như lời mẹ dặn, Chúa chờ giang tay?
Ô hay! số ấy đây này
Cám ơn ông nhé, con đây gọi liền

Thiên đàng, với bóng mẹ hiền
Xin mau bôi xóa ưu phiền con mang

Bài thơ trong điệu lục bát nghe thân thương như một bài hát ru, mang đầy hồn thơ Việt.

Tôi rất thích hai chữ “hồn thơ”. Theo tôi, mỗi bài thơ đều có hồn và người cảm được cái hồn thì mới thích bài thơ đó. Có lẽ vì thế mà thưởng thức thơ bằng ngoại ngữ bao giờ cũng khó hơn. Vậy mà gần đây nhóm Việt Bút vừa đón nhận một thành viên mới, một người Mỹ làm thơ tiếng Việt.

Tôi gọi ông là chú Sáu  thay vì Mr. Steve Brown. Chú Sáu đã từng đóng quân ở Việt Nam, nơi đó chú đã gặp thím Sáu. Vài ngày sau khi gia nhập nhóm, chú Sáu ra mắt mọi người bằng một bài thơ lục bát. Thơ chú Sáu đặc biệt với cách dùng chữ là lạ của một người rất giỏi tiếng Việt nhưng không phải là người Việt, nghe vưà độc đáo vưà ngộ nghĩnh. Chẳng hạn như trong bài thơ tả cảnh của chú:

Hoa màu đỏ nở trước nhà
Nhưng nàng hay ngắm đi xa vắng rồi
Đi qua một chỗ xa xôi
Màu hoa thật đẹp trên đồi chung quanh
Em ơi, hãy đến cùng anh
Đôi ta thưởng thức gió hanh một hồi
Những điều giản dị mà thôi
Thỏa lòng cuộc sống, lôi thôi khỏi cần


Tôi đã cười vì thấm ý với hai câu kết, nhất là khi tưởng tượng chú Sáu nói “lôi thôi khỏi cần” bằng giọng Bình Định của quê thím Sáu...

Sau đó, anh Trần Quốc Sỹ chỉ cho nhóm Việt Bút làm thơ Đường. Anh tóm tắt niêm, luật bằng những câu vè ngắn, dễ nhớ làm cho mọi người thích thú. Người thích nhất có lẽ là chú Sáu. Chú áp dụng những quy luật một cách thật chính xác và hăng hái tập luyện. Đối với chú Sáu, việc theo sát niêm luật như theo công thức toán có vẻ không khó lắm, nhưng chú khá chật vật trong việc tìm ý đối cho các câu thực (câu 3,4) và câu luận (câu 5,6). Cũng là chuyện tự nhiên thôi, ngay cả chúng tôi - những người nằm mơ bằng tiếng Việt - mà còn phải vò đầu với phần đối khi làm thơ Đường. Tuy vậy, với lòng yêu tiếng Việt thật đậm đà và óc cầu tiến, chú Sáu đã kiên nhẫn trau giồi và tiến bộ rất nhanh.

Bài thơ Đường mới nhất của chú vừa đúng niêm luật, vưà chỉnh ý mà vẫn có những câu mộc mạc, dễ thương.

Muôn màu tàn hết có ngờ đâu
Đến cuối mùa Thu cảnh nhuốm sầu
Hãy chớ nản lòng, đừng tuyệt vọng
Không cần đổ lệ, khỏi cần lau
Cứ xem lúc đó như thời vận
Hãy thấy mùa qua tựa chiếc cầu
Để chở mình qua mùa quá đẹp
Khi đôi ta dạo chơi cùng nhau

Người Mỹ mà thích làm thơ Việt và làm giỏi như chú Sáu thật là hiếm có. Đôi khi tôi có ý nghĩ dí dỏm rằng không biết chú Sáu có duyên với thím Sáu nên yêu thơ Việt, hay vì chú có duyên “tiền định” với thơ Việt nên ông Tơ Hồng cho chú gặp vợ Việt Nam

Ngày trước, khi có giờ rảnh, Bố tôi ngâm một vài bài thơ và ghi âm vào băng nhưạ. Cái máy thâu âm lúc đó có hai băng nhựa to như hai cái điã, và tôi đã nhiều lần ngồi bên Bố, chăm chú nhìn những vòng băng nâu nhạt quay quay, nín thở giữ im lặng cho Bố ghi lại những bài thơ ông thích nhất.

Ngày đi Mỹ, Bố Mẹ tôi không đem theo cái máy cũ kỹ, nặng nề đó.

Bố tôi bây giờ đã lẫn rồi. Ngay cả tôi ông cũng ít nhận ra, nói gì tới nhớ được thơ. Những bài thơ đã phai ở trên băng nhựa, đã nhoà ở trong óc Bố nhưng may thay chúng vẫn còn ở trong tôi. Những bài thơ vẫn dẫn đường cho tôi về thăm lại miền tuổi thơ, có Mẹ tôi ngồi mỉm cười nghe Bố tôi ngâm thơ ru chị em tôi ngủ.

Con gái cuả tôi bây giờ cũng thích thơ và làm thơ giỏi lắm. Thơ của cháu đăng trên các diễn đàn từ lúc mười tuổi được nhiều người khen. Ngược lại với tôi, cháu rành thơ tiếng Anh và chỉ biết chút ít thơ tiếng Việt. Nhưng, theo những gì tôi thấy chung quanh, thế hệ sinh ra ở Mỹ thường trở về gần gũi với nguồn Việt Nam khi các cháu trưởng thành.

Ngạn ngữ Mỹ có câu “Quả táo chẳng thể nào rơi xa gốc cây” (The apple never falls far from the tree), cho nên dù diễn tả bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, thơ đã được nối từ tôi qua con gái. Cây táo được nuôi lớn bằng những lời ru của Bố tôi, của bà nội tôi, và những đời xa hơn nữa, đang kết trái đơm hoa trên xứ Mỹ. Tôi hy vọng cây luôn luôn mạnh mẽ, tươi tốt để một ngày mang trái ngọt về bồi lại làng quê nơi Bố đã ra đời. Tôi tin là chuyện đó sẽ xảy ra. Sẽ xảy ra nếu tôi chăm chỉ tưới cây bằng những câu ca dao, những bài thơ, bài văn, âm nhạc, và những trang sử Việt… Và các con tôi cũng làm như thế.


Khôi An



Chú thích

(1) Đôi Bờ - Tác giả: Quang Dũng. “đất tề”: thời chiến tranh Việt Pháp, vùng tề là - - những vùng là những vùng do quân đội Pháp kiểm soát.
Sông Đáy là ranh giới giữa Sơn Tây và Hà Nội. Khi bài thơ Đôi Bờ ra đời, Hà Nội thuộc về quân đội Pháp, còn Sơn Tây là vùng tranh chấp giữa Việt Minh và Pháp.

(2) Xuân Chiến Thắng – Tác giả: Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.