Pages

Wednesday, October 31, 2012

Sứ quán Mỹ có tài khoản trên Zing

image
Trang Zingmp3 bị cáo buộc đăng tải nhiều nhạc không có bản quyền


Tình trạng vi phạm bản quyền trên các trang mạng của Việt Nam mà tiêu biểu là Zing là một vấn đề gây nhiều sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây.
Hãng thông tấn AP ngày 29/10 đăng bài của cây bút Chris Brummitt với tựa đề "Mỹ dựa vào trang mạng vi phạm bản quyền để kết nối".

BBC xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết này:
Đây là một trang web cực kỳ phổ biến, với những bài hát và phim Hollywood không có bản quyền; điển hình cho tình trạng vi phạm bản quyền đang bao trùm lên ngành âm nhạc Châu Á và xói mòn doanh thu bán hàng trên mạng khắp thế giới.
Thế nhưng chỉ một vài cú nhấp chuột vào sâu hơn phía trong khu vực cho tải nhạc miễn phí - yếu tố giúp trang Zing.vn của Việt Nam lọt vào nhóm 550 trang web đứng đầu thế giới lại đem lại một điều bất ngờ: Sự hiện diện của Chính phủ Mỹ qua một tài khoản mạng xã hội trên trang này.

image

Washington luôn đi đầu trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như toàn cầu, và một trang giống như Zing chắc chắn sẽ bị đóng cửa ở Mỹ.
Tuy vậy, trong hoàn cảnh ngoại giao công khai bị hạn chế ở một Việt Nam dưới thể chế Cộng sản, Sứ quán Mỹ lại phải sử dụng tài khoản Zingme để tiếp cận với thế hệ trẻ của Việt Nam giữa lúc chính phủ của họ tìm cách thắt chặt mối quan hệ với kẻ thù trong quá khứ.

Câu hỏi cho Washington

Sự hiện diện của Sứ quán Mỹ trên trang web cho thấy các trang mạng vi phạm bản quyền đã trở nên phổ biến thế nào ở Việt Nam, và chính phủ không làm bất cứ gì để ngăn chặn tình trạng này.
Mặc dù vậy, điều này cũng làm dấy lên câu hỏi liệu chính phủ Mỹ có đang hợp thức hóa một trang mạng vi phạm bản quyền có tiếng, địa chỉ mà các nhà phát hành bản quyền, ca sỹ và những người trong ngành nói đã làm ngơ trước yêu cầu tháo gỡ những dữ liệu vi phạm bản quyền?
Vấn đề đã trở nên cấp thiết sau khi Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo khỏi trang web này hồi đầu tháng trước quan ngại về vi phạm bản quyền và nghi vấn mà AP đặt ra.
Động thái này đã thách thức mô hình kinh doanh của Zing và được hoan ngênh bởi các nhóm trong ngành.

image

Tuần trước, Samsung thông báo đóng tài khoản Zingme, cũng vì cùng lý do.
Sứ quán nói rằng mặc dù thừa nhận quan ngại về vi pham bản quyền từ phía Mỹ đối với trang Zing, nhưng cơ quan này tin rằng việc "tiếp cận người sử dụng trang web" có thể làm giảm lượng người xem hoặc các hoạt động vi phạm bản quyền tại đây.
Sứ quán Mỹ thỉnh thoảng sử dụng trang Zingme của mình để đăng các thông tin về nạn vi phạm bản quyền.

Trong một tuyên bố, Sứ quán cũng ghi nhận rằng sau khi có yêu cầu của Sứ quán, trang mạng đã gỡ bỏ những đường dẫn vi phạm bản quyền ở trên những trang Zingme.
Sứ quán cũng lưu ý rằng cơ quan này không có nhiều lựa chọn tại một đất nước mà chính quyền cộng sản kiểm soát phương tiện truyền thông:
"Có rất ít không gian cho tranh luận công khai và đường vào Facebook cũng hay bị gián đoạn", ám chỉ đến việc chính phủ thỉnh thoảng chặn đường dẫn vào trang mạng xã hội của Mỹ.

Có phải là cách tốt nhất?

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều nghĩ rằng tiếp cận qua Zing là điều tốt nhất có thể làm.
"Ở Mỹ, các công ty của chúng ta đang tìm cách xử lý những trang mạng vi phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam, vậy mà sứ quán Mỹ lại đang hỗ trợ cho trang này bằng cách hiện diện trên đó," Mimi Nguyen, một người Mỹ đã có nhiều cố gắng trong việc buộc Zing phải tháo gỡ khoảng 10 nghìn bài hát thuộc sở hữu của công ty gia đình cô hơn một năm nay nói.
"Việc sứ quán Mỹ sử dụng trang web này là một điều đáng buồn."
Hiệp hội ngành ghi âm của Mỹ, tổ chức đã hoan nghênh quyết định của Samsung và Coca rút khỏi Zing, đồng thời xếp Zing vào dạng trang mạng "vi phạm bản quyền trắng trợn", nói họ không khuyến khích cũng không chỉ trích hành động của sứ quán.

image

Neil Turkewwitz, phó chủ tịch cao cấp của hiệp hội nói ông nghĩ rằng sứ quán Mỹ đã tìm cách duy trì cân bằng giữa việc gửi các thông điệp chống vi phạm bản quyền tới nhóm người dùng thạo công nghệ với việc duy trì sự hiện diện của mình trên trang web.
"Tôi nghĩ rằng đó không phải là một quyết định dễ dàng," ông nói.

'Kẻ thù' ngành âm nhạc

image
Nhạc sỹ Quốc Trung là người đi đầu trong phong trào chống vi phạm bản quyền âm nhạc

Ngành âm nhạc toàn cầu đang gặp khó khăn trong việc kiếm doanh thu từ mô hình phát hành qua mạng, trong khi đó nạn tải nhạc trái phép vẫn đang hoành hành.
Những nghệ sỹ và nhà sản xuất ở Châu Á càng bị dày vò nhiều hơn khi các chính phủ thất bại trong việc thông qua hoặc áp đặt các điều luật chống lại vi phạm bản quyền.
Những đĩa nhạc, phim có bản quyền có thể tốn một ngày lương, khiến cho việc ngăn cấm sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền khó khăn hơn nữa.

Tại Việt Nam, việc chính phủ bất động, không trừng phạt thứ mà nhiều người cho là vô hại đã đẩy ngành âm nhạc đến bờ vực sụp đổ.
Zing được xem là kẻ thù số một trong mắt những người công khai chống lại thòng lọng mà trang web này đặt lên cả ngành âm nhạc ở VIệt Nam.
"Zing đang phá hoại ngành âm nhạc và họ biết điều đó", nhạc sỹ Quốc Trung, người dẫn đầu phong trào chống lại vi phạm bản quyền trên mạng nói.
"Chúng ta cần người dân trả tiền để mua nhạc, chứ không chỉ nhấn lên nó. Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ."

image

Zing, trang web liên tục làm ngơ trước yêu cầu bình luận về bài viết này, và bài viết trước đó, đã sử dụng hình thức tải nhạc miễn phí làm công cụ đưa trang này lên xếp thứ sáu trong danh sách những trang nhiều người xem nhất, và trang tải nhạc phổ biến thứ nhì ở Việt Nam.
Khoảng 15% số người sử dụng trang này là từ nước ngoài.
Đây không phải là trang vi phạm bản quyền duy nhất ở Việt Nam, nhưng lại là trang được xem nhiều nhất.

Những trang web giống như Zing cũng nằm khắp nơi trên thế giới và cũng chịu nhiều chi trích nhất, theo Hiệp hội ghi âm của Mỹ.
"Họ muốn xuất hiện như là các tổ chức hợp pháp, với các chức năng không liên quan đến vi phạm bản quyền, tuy nhiên lại vận hành hệ thống cố tình vi phạm bản quyền," hiệp hội này viết trong một lá thư gửi đến đại diện Phòng Thương Mại Mỹ, yêu cầu chính phủ Mỹ sử dụng tất cả công cụ trong tay để đảm bảo Zing không được phép xâm hại đến thị trường mạng hợp pháp.
"Những dịch vụ này cố tình chiếm thị phần bằng cách mở đường vào đến dữ liệu vi phạm bản quyền, mở ra các dịch vụ âm nhạc mà không có hình thức đăng ký bản quyền nào, đồng thời liên tục không hợp tác trong việc giải quyết các chỉ trích xuất nguồn từ vi phạm."

Không có sự lựa chọn?

Zingme gần giống như Facebook, trang mạng vừa qua đã vượt mặt trang này về số lượng người sử dụng, theo một hãng nghiên cứu.
Facebook thỉnh thoảng vẫn bị chặn ở Việt Nam vì chính phủ lo sợ rằng trang này có thể được sử dụng để chống lại thể chế độc đảng.
Zingme không bao giờ bị chặn, và rất phổ biến với thế hệ trẻ, ít kiến thức hơn của Việt Nam.

Các công ty và tổ chức thường có tài khoản ở cả hai trang. Sứ quán Mỹ hiện tại có hơn 18 nghìn bạn trên trang Zingme, so với 12 nghìn trên Facebook.
Nhiều người trong ngành âm nhạc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hợp tác với Zing mặc dù trang này phát hành nhạc và phim của họ miễn phí.
Không đưa nhạc lên trang này đồng nghĩa với việc không thể đem lại khán giả cho các buổi công diễn, hoặc tìm kiếm nhà tài trợ, những người trong ngành nhận xét.
Tuy nhiên một số người khác đang chống lại điều này, trong đó có ca sỹ nổi tiếng Lệ Quyên, người đang kiện Zing và tám trang mạng vi phạm bản quyền khác.
"Tôi chắc chắn rằng Zing biết những việc họ làm là sai, và họ sợ rằng các ca sỹ khác cũng sẽ gia tăng áp lực với họ nếu tôi thắng kiện," cô nhận xét trước buổi công diễn tại một sân khấu mà chồng mình sở hữu.
"Đó là lý do tại sao họ né tránh yêu cầu của tôi. Chiến thuật của họ là kéo dài vụ việc ra cho đến khi đối thủ cảm thấy mệt mỏi và bỏ cuộc."

Thay đổi mô hình

Một số người trong ngành cho rằng Zing và một số trang khác sẽ sử dụng mô hình hợp pháp hơn, như Baidu ở Trung Quốc.
Trang này cũng đã hứng chịu chỉ trích và khiếu nại từ các nhà phát hành bản quyền trong khu vực cũng như quốc tế về vi phạm bản quyền và cuối cùng đã phải chịu ký bản quyền.
Nhiều nhà phát hành bản quyền lớn ở phương Tây đã tìm cách bán nhạc cho đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới này đã tìm cách đối thoại với Zing và một sô trang khác, tuy nhiên hiện cho có thỏa thuận nào được đưa ra.

image

Hiện tại các trang mạng này không bị gỡ bỏ vì các nội dung vi phạm bản quyền bởi vì điều này đồng nghĩa việc người sử dụng sẽ chuyển đến một trang của đối thủ cạnh tranh khác.
Những trang đang bán dịch vụ tải phim không giới hạn ở giá 2 đôla/tháng đang thu hút lượng lớn người sử dụng và đang tìm cách tăng độ phổ biến của mình để có thể trở thành nhà cung cấp hợp pháp.
"Tại Việt Nam, bạn phải xây dựng mạng lưới khách hàng trước, sau đó hãy đàm phán," Phùng Tiến Công, quản lý tại MVCorp, tập đoàn đang tìm cách xây dựng mô hình mua bán nhạc giữa trang Zing, và một số trang khác với nhà phát hành bản quyền bình luận.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.