Pages

Monday, December 24, 2012

Chuyện “Thiên đàng súng” ở Mỹ

image


Trong tuần qua, người Mỹ đã tỏ ra xúc động mạnh về vụ tên Adam Lanza vác súng vào trường tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, bang Connecticut, bắn chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em, vào ngày 14.12.2012. Vấn đề quyền xử dụng súng lại được đặt ra.
Trước những xúc động mạnh và những đòi hỏi của quần chúng, những người có trách nhiệm đã nói rất mạnh miệng. Hội Súng Toàn Quốc (National Rifle Association - NRA) cũng giả vờ dịu giọng. Nhưng những người hiểu rõ quyền lực tối thượng và thủ đoạn của NRA không tin vấn nạn này có thể giải quyết được trong vài chục năm trước mắt.

image
Trước khi nói đến các biện pháp mà các nhân vật có thẩm quyền “dọa” đưa ra, chúng tôi xin nói qua về quyền xử dụng súng tại Hoa Kỳ, quyền lực tối thượng và thủ đoạn của NRA và tình trạng buôn bán vũ khí tại Hoa Kỳ. Đọc những chuyện này đọc giả có thể ngạc nhiên: Tại sao ở một nước “dân chủ pháp trị” như Hoa Kỳ lại có thể xẩy ra những chuyện như thế?

QUYỀN SỬ DỤNG SÚNG
Các nhà đại tư bản về súng đã dựa vào đâu để bảo vệ quyền tối thượng của họ? Có hai căn bản chính mà lúc nào họ cũng xử dụng, đó là Tu Chính Án II của Hiến Pháp Hoa Kỳ và “Học Thuyết Lâu Đài” (Castal Doctrine).

1.- Hiến Pháp Hoa Kỳ
Tu chính án II của Hiến Pháp Hoa Kỳ ban hành năm 1791 đã quy định:
“Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và xử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.”
(Bản dịch của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam)

image
2.- Học Thuyết Lâu Đài
Đây là một học thuyết dựa trên một thành ngữ trong luật phổ thông (common law) của Anh là“một nhà của người Anh là lâu đài của người đó”(an Englishman's home is his castle). Học thuyết này cho rằng nơi ở là nơi con người được bảo vệ và miễn trừ trách nhiệm khi chống lại những kẻ xâm phạm, kể cả xử dụng vũ lực đưa tới chết người.

Dựa vào học thuyết này, NRA đã vận động các tiểu bang ban hành những đạo luật được gọi là“Luật Lâu Đài” hay “Luật Bảo Vệ Nơi Cư Ngụ”(Castle Law hay Defense of Habitation Law), cho phép người dân được xử dụng vũ lực, kể cả súng, để bảo vệ nơi ở của họ mà không bị truy tố.
Đây là chiến dịch “Nhà nhà có súng”. Tài liệu kiểm kê năm 2010 cho biết nước Mỹ có khoảng 130 triệu hộ gia cư, trong đó có đến 54% có súng. Hiện nay đã có 31 tiểu ban ban hành luật bảo vệ lâu đài. Riêng tiểu bang Texas không chỉ bảo vệ nơi ở mà còn bảo vệ cả nơi làm việc và trong xe hơi. Ai xâm phạn là có quyền bắn.

image

QUYỀN LỰC CỦA HỘI SÚNG
Nói đến súng người ta nghĩ ngay đến Hội Súng Toàn Quốc (National Rifle Association) ở Hoa Kỳ. Đây là một hội được thành lập năm 1871 dưới hình thức một tổ chức bất vụ lợi với mục tiêu được nói là bảo vệ Tu Chính Án II của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Trong thực tế, đây là một tổ chức vận động hậu trường để các cơ quan lập pháp đưa ra các đạo luật nhằm bảo vệ thị trường súng và ngăn chận tất cả nhưng chủ trương giới hạn quyền xử dụng súng.

Hiện nay NRA có khoảng 4 triệu hội viên với ngân sách 2012 là khoảng 300 triệu USD. NRA được coi là một tổ chức quyền lực lớn tại Hoa Kỳ.
Hai nhân vật có quyền lực nhất hiện nay của hội NRA là Chris W. Cox, giám đốc chấp hành của Viện Hành Động Pháp Lý của NRA, và Wayne LaPierre, Phó Chủ Tịch Chấp Hành của Hội NRA.
Với tư cách là trưởng nhóm vận động hậu trường, Chris W. Cox chỉ huy 8 đơn vị vận động hậu trường trên khắp nước Mỹ. Ông ta thành công lớn trong kế hoạch đưa các nhà chính trị vào các cơ quan công quyền. Một tài liệu cho biết năm 2004, có đến 95% ứng củ viên vào các chức vụ liên bang và 86% ứng cử viên các chức vụ tiểu bang được NRA ủng hộ đã đắc cử. Tài liệu cũng cho biết hai ứng cử viên tổng thống năm 2000 và 2004 là Phó Tổng Thống El Gore và Thượng Nghị Sĩ John Kerry đã bị NRA đánh bại vì chủ trương hạn chế xử dụng súng.

image
Ngoài việc đưa người vào các chức vụ công để bảo vệ quyền lợi của NRA, Chris W. Cox còn có nhiệm vụ ngăn chận các đạo luật bất lợi cho việc buôn bán và xử dụng súng và đưa ra các đạo luật bảo vệ các nhà sản xuất và buôn bán súng. Cụ thể năm 2003, NRA đã thành công trong việc vận động Quốc Hội thông qua một đạo luật cấm các cơ quan điều tra không được tiết lộ thông tin về nguồn gốc các loại vũ khí được các hung thủ xử dụng. Năm 2004 NRA đã ngăn chận không cho Đạo Luật Liên Bang Cấm Các Võ Khí Tấn Công (Federal Assault Weapons Ban) được ban hành ngày 13.9.1994 hết hiệu lực kể từ 13.9.2004 được tiếp tục áp dụng. Đây chỉ là hai thí dụ điển hình thôi.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2012, NBA đã gặp khó khăn trong việc làm cho Đảng Cộng Hoà thắng thế. Chris W. Cox đã báo động:
“Cuộc bầu cử năm nay đang quyết định tương lai quyền tự do (tức quyền xử dụng súng) của chúng ta, có lẽ hơn bất kỳ thời kỳ nào khác trong lịch sử chúng ta.”
Còn Wayne LaPierre nhấn mạnh: Obama âm mưu phá hủy Tu Chính Án II trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ta (destroy the Second Amendment during his second term). Tuy nhiên NRA đã đại bại, vì Đảng Cộng Hòa không còn được ủng hộ nữa.

THIÊN ĐÀNG CỦA SÚNG
Tài liệu cho biết hiện nay ở Mỹ có khoảng 129.817 cửa hàng buôn bán súng được cấp giấy phép, trong đó có 51.438 tiệm bán lẻ, 61.562 người sưu tầm súng. Số người buôn lậu không thể biết được.
Các chuyên gia ước lượng hiện nay có khoảng 270 triệu khẩu súng các loại đang lưu hành trong quần chúng ở Mỹ. So với số súng lưu hành tại 178 quốc gia trên thế giới, nước Mỹ đứng đầu, Serbia đứng thứ hai, Yemen đứng thứ ba. Việt Nam đứng thứ 128. Tunisia đứng hạng chót.
Trong 50 tiểu bang ở Mỹ, hai tiểu bang TexasArizona được coi là “Thiên Đàng của Súng”(Gun Paradise). Đây là hai tiểu bang nằm tiếp giáp với Mexico nên việc buôn bán súng rất phát đạt.

image
Texas là bang có nhiều cửa hàng bán súng nhất: Có 29 cơ sở sản xuất súng, 6.492 cửa hàng bán lẻ. Trong 12 cửa hàng buôn súng đứng hàng đầu nước Mỹ, có đến 8 cái nằm ở tiểu bang Texas, trong đó có 2 cái mang bảng hiệu Carter's Country của ông trùm Carter. Năm nay 78 tuổi, ông Carter được coi là một tay lái súng cự phách nhất nước Mỹ. Ông ta quản lý 4 cửa hàng lớn ở Houston, 1 ở California, và 4 cửa hàng bán lẻ trong thung lũng Rio Grande. Các cửa hàng của ông ta từng dính vào nhiều vụ buôn bán súng trái phép (bán cho đối tượng buôn lậu xuyên biên giới) nhưng Carter vẫn ung dung không hề hấn gì.
Nạn buôn bán súng lậu ở Mỹ đã gây thảm họa cho Mexico, một nước được coi là có luật lệ về súng rất khắt khe. Theo tờ Washington Post, trong 4 năm qua, hàng trăm ngàn khẩu súng các loại từ Mỹ đã được các tổ chức buôn lậu súng chuyển sang Mexico. Hernan Ramos, một công dân Mỹ 22 tuổi, một tên buôn súng cắc ké, khi bị bắt đã khai trong vòng 3 tháng đương sự đã mua 112 khẩu súng tại các cửa hàng ở Tucson, Arizona, với giá hơn 100.000 USD, trong đó có 30 khẩu mua tại cửa hàng Mad Dawg nổi tiếng nhất ở bang này. Số súng đó đã được Ramos giao cho các “gunrunners” chuyển cho tập đoàn ma túy ở bang Sinaloa của Mexico. Nhà chức trách Mexico cho biết họ đã tịch thu được trên 93.000 súng các loại do Mỹ sản xuất.

BỊ TƯ PHÁP CHẬN CỔ
Cơ quan có nhiệm vụ quản lý việc kiểm soát súng tại Hoa Kỳ hiện nay là Cục Quản Lý về Rượu, Thuốc Lá, Súng Đạn và Chất Nổ (The Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives, viết tắt là ATF). Cơ quan này hiện nay do ông B. Todd Jones giữ chức vụ Quyền Giám Đốc và ông Thomas E. Brandon làm phụ tá. Cơ quan có khoảng 5.000 nhân viên với ngân sách là $1,12 tỷ (2010).
Năm 2006, cơ quan đã triển khai một kế hoạch phá vỡ các đường dây buôn lậu súng từ Mỹ qua Mexico gọi là Project Gunrunner (Dự án Truy Lùng Bọn Vận Chuyển Súng) với chi phí $60 triệu. Cơ quan đã huy động hơn 220 nhân viên điều tra và 165 kiểm tra viên để thực hiện.
Cuối năm 2007, các nhân viên bí mật của ATF đã thành công trong việc giả làm "dân buôn súng cắc ké" (straw purchaser) và bắt quả tang chủ hiệu buôn súng X-Caliber tên là George Iknadosian ở Phoenix, Arizona, đã bán súng trái phép cho các đối tượng buôn lậu súng qua biên giới Mexico.
Qua kiểm tra ATF phát hiện cửa hàng X-Caliber đã bán trên 1000 khẩu súng cho bọn tội phạm ở Mexico, trong đó có hơn 700 khẩu AK-47, hơn 200 khẩu SKS và cả loại súng Barrett cỡ nòng 50 có thể bắn thủng xe bọc thép. Toàn bộ hồ sơ vụ án đã được Bộ Trưởng Tư Pháp Arizona là Terry Goddard duyệt xét và truy tố Iknadosian 21 tội danh.

image
Tuy nhiên, vào tháng 3/2009, khi vụ án sắp được chuyển đến cho đoàn bồi thẩm xem xét thì thẩm phán Robert Gottsfield của Tòa Superior Court ở Maricopa County, Arizona, ra án lệnh hủy bỏ vụ án. Án lệnh tuyên bố Ikanadosian, 47 tuổi, vô tội vì “trong khi những tài liệu đã được làm sai lệch, người mua có đủ tư cách pháp lý để mua vũ khí, do đó sự lừa dối không dẫn đến việc "giả mạo các tài liệu" theo luật pháp.”
Nói một cách giản dị, tòa không chấp nhận nhân viên an ninh làm cò mồi để gài bắt đối tượng phạm pháp và tuy tố. Trong khi đó tại nước Mỹ này các vụ nhân viên FBI thường làm cò mồi đề gài bắt các vụ phạm pháp khác lại được công nhận!

RỒI SẼ ĐI TỚI ĐÂU?
Dân Biểu John Yarmuth, thuộc đảng Dân Chủ từ Kentucky nói rằng ông cảm thấy thối thúc cần phải nói lên một vấn đề vốn được xem là “cấm kỵ” đối với nhiều dân cử. Ông phát biểu:
“Trong hơn sáu năm qua, tôi hầu như hoàn toàn giữ im lặng về vấn đề bạo hành do súng đạn, nhưng nay tôi lấy làm hối tiếc cho chính mình cũng như đau buồn đối với các gia đình bị mất mát quá nhiều qua biến cố gần đây nhất... Hiệp hội súng National Rifle Association đã âm thầm chi ra hằng triệu dollar để làm cho người dân cũng như chính trị gia của chúng ta phải sợ hãi.”
Ông nói thêm: “Theo tôi, nỗi sợ về súng mới đáng sợ hơn cái thế lực chính trị ảo tưởng của NRA.”
Thị trưởng New York, Michael Bloomberg, một người quyết tâm ủng hộ việc kiểm soát súng đã nói:
"Chúng ta đã nghe toàn những lời hùng biện. Nhưng điều chúng ta chưa nhìn thấy là vai trò lãnh đạo, chưa thấy từ Tòa Bạch Ốc và từ Quốc hội. Chuyện này phải chấm dứt ngày hôm nay.
"Ông ta (Obama) cần phải làm gì đó trong nhiệm kỳ thứ hai này nhằm giải quyết vấn nạn đã khiến 48 ngàn người Mỹ bị giết do súng - một con số xấp xỉ số người Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam."

image
Hôm 19.12.2012, khi đến thăm các gia đình nạn nhân tại Newtown, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội hành động để lập lại lệnh cấm vũ khí loại tấn công và khép lại các lỗ hổng của luật pháp từng giúp người Mỹ có thể mua súng mà không cần kiểm tra quá trình trước đây. Ông giao cho Phó Tổng thống Joe Biden nghiên cứu một dự án để giải quyết vấn đề bạo lực do súng ống gây ra.
Thượng Nghị Sĩ Feinstein của California cho biết ngày 1.1.2013 tới đây bà sẽ đệ trình một dự luận cấm các vũ khí tấn công (assault weapons) tại Thượng Viện và Hạ Viện. Đạo luật này sẽ “cấm bán, chuyển nhượng, nhập cảng và sở hữu các vũ khi tấn công”, nhưng không có hiệu lực hồi tố, chỉ có hiệu lực về tương lai (not retroactively, but prospectively).

Nếu chỉ có thế thì chẳng đi tới đâu. Tài liệu cho biết trong số vũ khí giết người tịch thu được tại phạm trường chỉ có 8% thuộc loại hợp pháp. Như vậy 92% còn lại là vũ khí lậu. Vậy nếu Tổng Thống Obama và Đảng Dân Chủ chỉ phục hồi lại đạo luật “Federal Assault Weapon Ban” ngày 13.9.1994 cấm xử dụng võ khí tấn công như bà Thượng Nghị Sĩ Feinstein đã xác định thì vấn đề xử dụng súng bừa bải vẫn chưa giải quyết được, vì với số vũ khi tấn công còn lại trên thị trường, kẻ phạm pháp có thể tìm kiếm dễ dàng. Phải vài chục năm nữa cơ quan an ninh mới có thể lượm được đa số loại súng này.

image
Quyền “giữ và xử dụng vũ khí” trong Hiến Pháp và “Học Thuyết Lâu Đài” chỉ cần thiết cho một thời xa xưa, khi những người đến định cư trên đất nước này còn phải đối phó với nhiều bất trắc và các phương tiện bảo vệ an ninh chưa bảo đảm. Ngày nay tình trạng đó không còn. Nếu bảo rằng phải có súng để chống lại những kẻ dùng súng uy hiếp mình là đi vào cái vòng lẫn quẩn: Súng cứ tiếp tục đẻ ra súng.
Vấn đề là phải xét lại quyền giữ và xử dụng súng trong Hiến Pháp. Nhưng, như Dân Biểu John Yarmuth cho biết hội NRA đã “làm cho người dân cũng như chính trị gia của chúng ta phải sợ hãi” nên chẳng ai dám làm cả. Đó mới là vấn đề.



Lữ Giang
Ngày 18.12.2012

9 comments:

  1. Bài viết của tác giả này chỉ phản ảnh một chiều nhằm mục tiêu vào NRA và Súng. Mà quên mất hoặc thiếu hiểu biết và lý lẽ về phương diện tâm lý mới là điểm mấu chốt trong vụ việc , đồng thời nó liên quan đến tình trạng kinh tế và luân lý tại Hoa Kỳ hiện nay.
    Vì sao là tâm lý ?
    Vì súng hay xe, bàn ghế, dao, búa v.v. đều là vật vô tri giác. Đơn thuần không tự giết người được. Chỉ có con người với tình trạng tâm lý mới xử dụng đồ vật để giết người. Thiết nghĩ một chiếc ghế, cái bàn cũng có thể được dùng để đánh chết một ai đó được. Hoặc lái một chiếc xe tông vào đám đông cũng có thể giết mấy chục người. Thậm chí một sợi dây cũng có thể giết người. Chẳng lẽ xã hội phải cấm mọi thứ ? Cấm súng hay giới hạn súng không ngăn chận được sự giết người do tâm lý con người tác động và gây ra.
    Vì sao liên quan đến kinh tế và luân lý ?
    Người ta vẫn nói : "bần cùng sanh đạo tặc"
    Nếu đời sống gia đình trong xã hội không lâm vào hoàn cảnh kinh tế suy xụp thì tệ nạn xã hội sẽ giảm thiểu đi rất nhiều, gia đình không chia rẽ, ly dị vì cuộc sống khó khăn thì sẽ không có ảnh hưởng nặng nề lên con cái như trường hợp của Adam Lanza. Bố mẹ ly dị, cuộc sống chật vật, mẹ con cãi nhau, để rồi đi đến tình trạng cậu bé giết chết mẹ và sau đó vào trường giết hàng loạt người với ý định "trả thù nhân loại" tại sao quá bất công. Trong khi người khác được no ấm đầy đủ mà hoàn cảnh mình thì túng thiếu.
    Chính vì lý do kinh tế có phần ảnh hưởng đến tình trạng đưa đến luân lý suy xụp nên ngay sau đó tòa bạch ốc đã lên tiếng chia buồn và nhận một phần trách nhiệm của nguyên do vụ việc đối với gia đình của những nạn nhân.
    Đừng vội trách những vật vô tri giác, hãy trách những kẻ đưa đẩy xã hội vào con đường khó khăn.
    Đừng vội nhìn vấn đề với chỉ một phía mà phải công minh nhận xét từ hai phía. Đó mới là con người sáng suốt xứng với cái danh làm báo.

    ReplyDelete
  2. @ Kenny: Không đồng ý về quan điễm trên, nếu đứng trên phương diên "công minh nhận xét từ 2 phía" thì phãi nhìn nhận là súng có khã năng và phương tiện giết người hàng loạt một cách nhanh nhất . Bạn có thễ dùng dao búa hoăc bàn, ghế, xe cộ làm vũ khí giết người, thâm chí một sợi dây ... tuy nhiên trong những hoàn cãnh mà kẽ giết người có chũ tâm giết cho nhanh, giết càng nhiều càng tốt (trước khi cãnh sát tới kip đễ giãi cứu nạn nhân) thì họ luôn luôn chọn súng là phương tiện hàng đầu vì đócũng là cái mốt đang thịnh hành nhất hiện nay ỡ Mỹ là "Giết người rồi tự sát " đễ khõi phãi chịu hình án trước pháp luật một cách dây dưa rồi trước sau gì cũng đi đến tữ hình hoăc tù chung thân. Thữ hõi bạn dùng một cái búa , một con dao , hoặc một sợi dây đễ vào trường học mà giết người thì bạn sẽ bị chống cự một cách mãnh liệt, vì tâm lý chung người ta không sợ dao búa hay sợi dây mà sợ nhất là ...Súng.
    Phãi mất bao lâu khi dùng dao hoặc búa hoặc sợi dây đễ giết một người trong khi còn phãi chống chõi với những người xung quanh sẽ xáp vô tước đoạt vũ khí cũa bạn vì muốn bão vệ nạn nhân ? Nếu bạn có súng , thữ hõi có ai dám xáp vô giựt súng hay vây hãm đễ tước đoạt vũ khí ? Cho nên phãn ãnh về vấn đề hạn chế súng đạn là rất hữu lý .
    Tóm lai khi giết người xong, súng lai là một phương tiện nhanh nhất đễ tự sát khi muốn tránh bị kết thúc mạng sống bỡi đọ súng với cãnh sát rồi ăn nhiều viên đạn môt cách đau đớn trước khi chết hoặc đi qua vòng lao lý rồi bị xữ tữ hoăc bị tù suốt đời trước khi chết. Bạn có con dao, cái búa , muốn tự sát phãi bũa mấy nhát vào đầu? Đâm vào tim gan bao nhiêu và phãi chịu đau đớn đến bao lâu trước khi chết ? Hoặc dùng sợi dây tự treo cỗ thì thời gian bao lâu ? Hay không kịp chết thì đã bị cãnh sát lôi xuống và còng đi cho đến ngày bị xữ chết ?
    Suy nghĩ sâu thì sẽ thấy người làm báo có lý do chính đáng đễ đặt ra vấn đề khúc mắc hiện nay.

    ReplyDelete
  3. Mr. Kenny Nguyen's argument is based on principles, basically inanimate objects don't do arm and that rather than punishing the objects themselves (by banning them in this case)we should look into the reasons behind why someone misused it. Perhaps there is a disease brimming in this society we're living in which caused the violence.

    Mr. Anvan, despite his statement that he does not agree with the argument presented by Mr. Kennedy, offers no counter argument but rather resorts to subjective reasoning. It is very easy to adopt Mr. Anvan's point of view because it appeals to our emotions, in fact it's hard for an average person to oppose it. But this same methodology, as history has shown, will lead to totalitarian, because the government ends up banning everything. History also shows that once you give away your rights to the government, it is impossible to get it back.

    Regards,

    ReplyDelete
  4. Anvan, lý đó phân tách rất đúng theo tâm lý của kẻ giết người thì sẽ chọn vũ khí nào nhanh gọn. Tuy nhiên vấn đề quyền sử dụng súng của mọi công dân đã thành Hiến Pháp từ xưa thì vĩnh viễn không bao giờ có thể xóa bỏ được. (Có nhiều người không biết điều này) cái mà người ta có thể làm được là lập Tu Chính Án bổ xung cho điều hiến pháp đó. Bằng cách hạn chế loại súng liên thanh, và điều tra khó khăn hơn, thủ tục rườm rà hơn làm cho kẻ đi mua súng phải nản lòng bỏ cuộc. Nhưng vẫn không có quyền cấm mua bán súng. Thế thì ta có lên án NRA hay súng cách mấy đi nữa thì được gì ? Và cũng có chữa được căn bệnh tâm lý không ? Tâm lý là tại sao càng ngày càng có nhiều người đi vào tuyệt vọng và giết người rồi tự sát ?
    Hiến pháp cho phép quyển xử dụng súng đâu phải mới có đây ? Nó đã có từ khi nước Hoa Kỳ mới lập quốc đến nay. Bao năm qua đâu có sao, tại sao bây giờ là vấn đề của súng ? Đừng nói gì đâu xa, chỉ mới cách đây vào thập niên 60, 70 tư tưởng của dân chúng mỹ còn rất hồn nhiên, lạc quan, cuộc sống sung túc và tệ nạn xã hội thấp hơn bây giờ đến 60%. Lúc đó hiến pháp quyền sử dụng súng cũng không hề thay đổi và đâu có khác gì bây giờ.
    Tại sao càng ngày càng có nhiều kẻ giết người ?
    Càng bần cùng thì càng sanh đạo tặc.
    Đó mới là vấn đề cần giải quyết.
    Đào sâu vào tâm lý của kẻ giết người để tìm nguyên do ngăn chận cho những trường hợp khác.
    Ta lùa một bầy khuyển đi lùng bắt ngăn chận tên sát nhân thì nó cứ nhằm cây súng hay con dao mà sủa thì có ích gì ?
    Nhà báo muốn đặt ra vấn đề hiện nay thì trước hết phải công minh trong tư tưởng, không được thiên vị , phải hiểu rõ vấn đề và phân tách mạch lạc , sau đó để cho quý đọc giả suy nghĩ và chọn lựa cân nhắc.
    Đó mới xứng danh làm báo , truyền thông báo chí, chuyển đạt lại thông tin.
    Chứ không phải đứng một bên rồi lên án bên kia. Hãy giữ đúng tinh thần ..làm báo.. chứ không phải....làm chửi...
    Chân thành thân chúc quý vị một năm mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp cho cá nhân và cho cộng đồng.

    ReplyDelete
  5. I totaly agreed with the unknown responder. You have clearly understood the concepts of the issue. Rather beating the wrong bush like others.

    ReplyDelete
  6. Thiết nghĩ công dân Mỹ có quyền tự về với loại vũ khí self defense, chớ không phải bằng các loại vũ khí tấn công được dùng ngoài chiến trường.

    HL

    ReplyDelete
  7. Hoàn toàn đồng ý với HDL.

    ReplyDelete
  8. Tại sao trong hiến pháp Hoa Kỳ lại có điều 2 cho phép người dân tàn trử và xử dụng vũ khí "firearm"

    1. Để người dân có thể đứng lên chống độc tài, cứ coi mấy nước cộng sản là biết.

    2. Để tự bảo vệ mình và tài sản của mình. Đừng nói là cảnh sát sẽ bảo vệ bạn nếu nhà bạn bị cướp, họ chỉ đến để thu dọn tàn cuộc thôi.

    3. Đây đã là hiến pháp, bạn có quyền tự do không mua súng, không xử dụng súng nhưng bạn không thể áp đạt cách sống của bạn lên người khác.

    4. Chỉ có con người giết con người, khi người ta muốn giết nhau thì họ có thể dùng bom, dùng dao,....

    5. Bạn luôn được hiến pháp bảo vệ, nếu bạn không thích súng thì hãy tìm nơi nào bạn thích và chuyển tới đó ở. Đây là Hoa Kỳ, không ai ngăn cản bạn.

    ReplyDelete
  9. Hoàn toàn đồng ý với Kevin Bùi 100%.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.