Pages

Tuesday, December 4, 2012

Khám phá sao Hỏa cùng Curiosity

image

Curiosity (Hiếu kỳ) là máy thám hiểm phức tạp nhất mà Cơ quan không gian Hoa Kỳ (Nasa) gửi lên Hỏa tinh kể từ trước tới nay.

Máy có sáu bánh xe, dài 2,9m và cao cỡ một người đàn ông trung bình. Nó có thể di chuyển trên bề mặt và trèo qua các chướng ngại vật cao đến 75cm.


image
Được gắn các thiết bị khoa học, máy có khả năng đào đất và khoan đá. Máy có một cánh tay robot dùng để đưa mẫu phẩm thu được vào các khoang thí nghiệm nhằm phân tích thành phần hóa học.

Curiosity có sứ mệnh nhằm xác định xem nơi máy đáp xuống có phải nơi từng có - hoặc vẫn đang có - các điều kiện môi trường thích hợp cho sự sống hay không.


image
Phòng Thí nghiệm Hỏa tinh (MLS) được phóng vào không gian hồi tháng 11/2011.

Đích đến là một vùng áp thấp xích đạo có chu vi rộng 154km, bị đào khỏi mặt nền do tác động của thiên thạch hàng tỷ năm về trước.

Gale Crater được chọn sau cuộc khảo sát cặn kẽ đối với 60 địa điểm khác nhau. Quá trình chọn lựa diễn ra trong vòng 5 năm, với sự tham dự của chừng 150 nhà nghiên cứu.

Gale có nhiều dấu hiệu cho thấy nơi này từng có nước. Curiosity nghiên cứu các loại đất sét đa dạng và các khoáng chất liên quan đến nước ở nơi này.

image
Ngày nay bề mặt sao Hỏa lạnh lẽo và hoang vu. Nhiệt độ tại Gale Crater có thể xuống tới -90C. Tuy nhiên, dữ liệu từ các sứ mệnh trước đây trên sao Hỏa cho thấy hành tinh này từng có rất nhiều hồ nước và sông suối.

Các khoa học gia của Nasa tin rằng họ sẽ tìm được đủ bằng chứng về quá khứ có nước ở các lớp đá trầm tích phía chân Mount Sharp, một đỉnh núi nhô lên từ khu vực giữa hố lớn Gale Crater.

Do có thể di chuyển được chỉ vài chục mét mỗi ngày, Curiosity cần vài tháng mới đến được Mount Sharp và bắt đầu thám hiểm các lớp đất sét được cho là có dấu tích của một giai đoạn thú vị của sao Hỏa.

image
Nặng 900kg, Curiosity là máy thám hiểm nặng nhất từng được gửi lên bề mặt sao Hỏa.

Các kỹ sư của Nasa đã phải thiết kế một hệ thống mới, táo bạo nhằm đưa robot xuống bề mặt một cách êm thấm.

Curiosity đầu tiên rơi xuyên qua bầu khí quyển của Hỏa tinh trong một lớp vỏ bảo vệ. Sau đó nó bật dù để hãm bớt tốc độ rơi.

Cuối cùng, Curiosity thoát khỏi lớp vỏ bảo vệ và rơi xuống trên một cần trục do tên lửa đẩy đi. Thiết bị này nhẹ nhàng để máy thám hiểm đáp xuống bề mặt Hỏa tinh, với phần bánh xe xuống trước, vào hôm 6/8/2012 GMT

image
Một khi các bước kiểm tra ban đầu được thực hiện xong đối với máy thám hiểm, Curiosity bắt đầu hoạt động tìm kiếm đầu tiên nhằm khám phá các đối tượng đáng quan sát.

Thiết bị được gắn hai cặp camera định vị, Navcams, nhằm quét vùng lãnh thổ phía trước và giúp các chuyên viên Nasa từ Trái Đất điều khiển máy đi đúng hướng. Kết hợp với các camera tầm soát hiểm họa được gắn ở phần dưới, máy thám hiểm có thể tránh được các chướng ngại vật nguy hại.

MastCams là các camera khoa học. Chúng có thể chụp các hình ảnh màu lưỡng sắc và thậm chí cả các đoạn video về địa hình Hỏa tinh. Một chiếc camera có ống kính góc rộng còn một chiếc có ống kính tele.

image
Thiết bị Phân tích Hóa chất và Chụp hình (ChemCam) của Curiosity có thể phóng tia laser từ khoảng cách 7m tới một bề mặt đất đá rộng chưa đến 1mm.

Chùm tia này tạo ra plasma - một loại khí cực nóng. ChemCam theo dõi khí này bùng lên bằng một ống phóng đại và phân tích tia sáng đó để xác định các thành phần hóa chất có trong mẫu đá được ngắm tới.

ChemCam là một thiết bị khảo sát; đây là sự khởi đầu của tiến trình chọn lựa các mẫu đá thú vị, đáng được nghiên cứu thêm

image
Curiosity có một "bàn tay" ở cuối cánh tay, được gọi là 'turret - cái tháp'.

Tháp có một mũi khoan, một chổi quét để phủi bụi, một gàu xúc đất, một máy camera chụp cận cảnh, và một thiết bị khoa học để thu thập thông tin chi tiết hơn về hóa chất trong đá.

Camera - được gọi là Mahli - là thiết bị giống như loại kính lúp các nhà địa chất học sử dụng, và đem lại các thông tin chi tiết về các hình dạng tinh thể và các lớp khoáng chất trong đá.

Máy Quang phổ Hạt Alpha (APXS) đưa ra các thông tin tối thiểu về các thành phần hóa học trong đá, và thông báo việc quyết định khoan thêm mẫu để nghiên cứu tiếp.

image
Curiosity dùng hệ thống khoan để thu thập các mẫu đá nhằm nghiên cứu chuyên sâu tại các khoang thí nghiệm đặt bên trong thân máy thám hiểm.

Máy khoan có thể thu thập được mẫu vật nằm sâu tới 5cm dưới bề mặt đá.

Nó xuyên vào đá và tán mẫu phẩm thành bột với kích cỡ thích hợp. Bột được chuyển lên một mũi khoan đặt trong máy khoan để đưa vào bộ phận xử lý mẫu phẩm.

Khi bị kẹt trong đá, máy khoan có khả năng tách bỏ phần bị kẹt và lắp phần thay thế vào.

image
Curiosity có hai khoang thí nghiệm đặt trong thân máy.

Sam (Phân tích Mẫu phẩm Hỏa tinh) là thiết bị ba-trong-một: khối phổ kế, sắc phổ kế, và laser phổ kế.

Sam có nhiệm vụ quan trọng là xác định các hợp chất giàu carbon vốn có thể hỗ trợ sự sống; và đo lường sự hiện diện của khí hydro, oxy và nitro, là các thành phần cũng đi kèm với sinh học.

Thiết bị Hóa học và Khoáng chất học, tức CheMin, sẽ cho biết thông tin rõ ràng về các khoáng chất trong đá, về quá trình hình thành đá.

image
Curiosity được thiết kế để hoạt động trên sao Hỏa ít nhất hai năm.

Trong thời gian này, nó được trông đợi sẽ phân tích hàng chục mẫu phẩm khoan ra từ đá hoặc đào được từ bề mặt Gale Crater.

Vào lúc kết thúc sứ mệnh cơ bản, nó sẽ lăn một đoạn ngắn lên trên phần chân núi của Mount Sharp.

Nhưng robot được cài pin plutonium cho nên có đủ năng lượng để tiếp tục di chuyển trên 10 năm - đủ để khám phá mặt đáy của hố và trèo lên phía trên cùng của đỉnh núi.



Nhóm thực hiện: Jonathan Amos, John Walton, Marina Shchukina, George Spencer và Salim Qurashi.



Xe Curiosity tiến hành lấy mẫu, phân tích đất đá trên sao Hỏa

image
Hình ảnh và chuỗi hoạt ảnh xung quanh cho thấy phi thuyền Voyager 1 của NASA đang thám hiểm một khu vực mới được gọi là 'xa lộ từ tính' trong Thái Dương Hệ.

Xe thăm dò Curiosity của Cơ quan Hàng không Quốc gia Mỹ (NASA) đã lấy mẫu đá và đất trên sao Hỏa và phân tích chúng bằng cách sử dụng thiết bị trong phòng thí nghiệm lưu động.

Nhưng các nhà khoa học cho biết họ không tìm thấy bằng chứng kết luận có sự sống từ những thí nghiệm đầu tiên này.

Phát biểu với phóng viên tại một cuộc họp ở thành phố San Francisco hôm qua, các nhà khoa học cho biết họ đã không mong tìm thấy bằng chứng về những thành tố tạo nên sự sống trên sao Hỏa tại giai đoạn này của nhiệm vụ thăm dò.

Tháng trước, một nhà khoa học thuộc dự án này của NASA cho biết dữ liệu sắp có được từ sao Hỏa sẽ "được ghi vào sử sách."

Phát biểu này đã làm khơi ra những lời đồn đoán rằng, xe thăm dò chí ít đã phát hiện thấy những dấu hiệu cơ bản chứng tỏ sự sống từng tồn tại trên hành tinh này.

Nhưng các nhà khoa học giờ lại nói xe thăm dò Curiosity đã chỉ mới tìm thấy "những thành phần thú vị" mà một nhà khoa học gọi là "điển hình và bình thường trong đất sao Hỏa."

Các thiết bị của xe thăm dò đã phát hiện thấy những chất có chứa lưu huỳnh và clo, và cũng tìm thấy các phân tử nước.

Tuy nhiên, NASA nói điều này không có gì bất thường và không có nghĩa là khu vực này ẩm ướt.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.