Pages

Thursday, December 27, 2012

Lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo ở giáo xứ Cầu Rầm bị cấm hoạt động

image
Lớp học tiếng Anh của các em học sinh nghèo ở giáo xứ Cầu Rầm


Các lớp học hè miễn phí hằng năm do nhà thờ tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Vinh năm nay bị cấm hoạt động, gây thiệt thòi cho hàng trăm học sinh cả lương lẫn giáo không có điều kiện theo học các lớp rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ.

image
Ước muốn

Từ năm 2010, giáo xứ Cầu Rầm thuộc giáo phận Vinh ở tỉnh Nghệ An đều đặn mở các lớp học này vào dịp hè với mục đích tạo điều kiện cho các trẻ em nghèo Công giáo và ngoại đạo ở địa phương có cơ hội được nâng cao trình độ Anh ngữ qua các buổi thực tập miễn phí với sự cộng tác của các thiện nguyện viên trẻ từ Mỹ về giảng dạy, trong đó có cả các bạn trẻ gốc Việt.

Những buổi học chủ yếu giúp các em tập luyện kỹ năng nghe, nói, phát âm chuẩn tiếng Anh bằng cách tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài ngày càng thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ địa phương, từ con số chừng 800 học viên trong năm 2010 đã tăng lên gần 1000 trong hai tuần đầu của mùa hè năm nay, trước khi bị chính quyền giải tán.

Ủy ban Nhân dân thành phố đòi giáo xứ phải đăng ký xin phép chính quyền để các lớp học này được hoạt động, nhưng giáo xứ đã từ chối yêu cầu đó. Linh mục Hoàng Sỹ Hướng, quản xứ và quản hạt Cầu Rầm, trưởng ban tổ chức các khóa học, giải thích lý do:

image
Đã biết bày tỏ ước muốn bằng một ngôn ngữ thứ 2

“Lớp học này xuất phát từ thao thức của chúng tôi cho các bạn trẻ con cái nhà nghèo không có tiền đi học ở các trung tâm, nên chúng tôi tổ chức. Hai năm qua, chẳng có sự ngăn cản nào. Đặc biệt năm nay, chưa tới khóa học, chúng tôi đã nhận được công văn của Ủy ban Nhân dân thành phố bảo rằng vì các tình nguyện viên này thuộc một tổ chức nước ngoài phi chính phủ chưa được hoạt động tại Việt Nam, nên họ yêu cầu tôi phải báo cáo với Tòa Giám mục để Tòa Giám mục đăng ký cho hội đó sinh hoạt. Chúng tôi không làm vì thứ nhất, đây là một hoạt động văn hóa bình thường, chứ không phải là hoạt động tôn giáo mà công văn của Chủ tịch Ủy ban thành phố quy rằng theo pháp lệnh tôn giáo là phải đăng ký. Thứ hai, hội nào ở bên Mỹ sinh hoạt thế nào, chúng tôi không biết. Ở đây, chúng tôi mời những tình nguyện viên tôi quen biết về vừa thăm quê, vừa giúp tôi, không phải sinh hoạt với quy chế một hội. Cho nên chúng tôi không đăng ký. Lý do thứ ba, khóa học này mang tính một khóa luyện tập theo kiểu gia đình, như chị bày cho em theo kiểu ‘học thầy không tày học bạn’. Chúng tôi ra sáng kiến này để cho các em tiếp xúc thực tế, chứ không phải là một khóa học quy củ như nhà nước quy định. Khi đăng ký mở một lớp học, người ta sẽ đòi giấy phép hành nghề và đòi đủ thứ, mà chúng tôi không có ý định mở một khóa học quy củ như thế, nên chúng tôi không đăng ký.’

image 
Sau khi ngăn cấm giáo xứ tiếp tục các lớp dạy tiếng Anh miễn phí này, chính quyền đã yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh quản lý các bạn trẻ từ Mỹ tình nguyện về đây dạy tiếng Anh cho các học sinh nghèo trong mùa hè năm nay. Kết quả là nhóm tình nguyện viên cả người nước ngoài lẫn người gốc Việt lần lượt bị an ninh mời lên làm việc.

Một tình nguyện viên gốc Việt trong nhóm tên là Linh Lê, sinh viên đại học UCI ở California, cho biết công an cáo buộc các tình nguyện viên về tham gia lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các học sinh nghèo ở giáo xứ Cầu Rầm với visa du lịch là vi phạm pháp luật Việt Nam:

“Mình muốn tập cho các em phát âm tiếng Anh cho đúng vì các em ở Việt Nam không có tiếp xúc với người nước ngoài nhiều nên phát âm sai lắm, nhưng công an nói việc đó là sai pháp luật. Lần trước, các nhóm trứơc về thì không sao, nhưng nhóm tụi em về thì bị quấy nhiễu nhiều quá. Họ yêu cầu chúng em phải ngừng ngay.”

Ngoài ra, các thiện nguyện viên cho biết trưởng nhóm của họ là cô Natalie Xuân Văn đã bị trục xuất về Mỹ ngay khi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.


image
Công an cấm gần 1000 người học Anh ngữ


Linh nói bạn cùng các tình nguyện viên trong nhóm hè này về Việt Nam không chỉ để vui chơi như du khách, mà còn với tấm lòng muốn giúp cho các bạn trẻ nghèo hiếu học được trao dồi sinh ngữ. Trong hai tuần đầu của chuyến đi, các bạn đã dành toàn thời gian của mình cho hàng trăm bạn trẻ ở Cầu Rầm (Vinh), với các buổi trao đổi luyện nghe-nói-phát âm Anh ngữ liên tục mỗi ngày khoảng 6 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, thiện chí đó đã không được chính quyền hoan nghênh, mà ngược lại, còn gặp khó khăn-sách nhiễu, làm đánh mất cảm tình của các bạn với Việt Nam.

“Đây là lần đầu tiên em về Việt Nam kiểu này. Nói thật, về Việt Nam thấy vui, nhưng bị chuyện đó thì lần sau cũng ngại về vì mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Thấy cũng kỳ cục. Mình sống bên Mỹ này họ khuyến khích giúp kiểu đó, nhưng về Việt Nam mình muốn giúp kiểu đó lại nói là không được, thấy cũng tức cười. Mình muốn giúp nhưng không cho giúp thì thôi, cũng phải bó tay thôi. Cái ngày phải kết thúc buổi học, ai cũng khóc, khóc hết cả nhóm.”

image

Gần 1000 học viên cùng với phụ huynh ngồi trong nhà thờ nghe cha chánh xứ Cầu Rầm thông báo khoá học Anh ngữ hè 2012 tiếp tục bị cấm.

Cảm giác hụt hẫng đó khiến Linh không muốn trở lại Việt Nam nữa và bạn rút ra bài học rằng:

“Nếu về Việt Nam với tính cách làm việc thiện nguyện phải chịu khó một tí vì về với một hội hoặc với một nhóm thì bảo đảm sẽ bị phiền.”

Giáo xứ nói sự cản trở của chính quyền không gây thiệt hại cho phía những người tổ chức và thực hiện các lớp học thiện nguyện này mà cho chính những người nghèo, nhất là giới trẻ không có điều kiện học tập tiếng Anh. Vị quản xứ Cầu Rầm nhấn mạnh:  

“Tôi làm việc thiện, làm việc cho xã hội, cho quê hương đất nước, lẽ ra phải khích lệ, nhưng ngược lại, còn quy cho là phạm pháp thì chúng tôi dừng. Cũng nên nhớ rằng sự cản trở này gây thiệt hại cho con em không phân biệt lương hay giáo và gây bức xúc cho phụ huynh, gây phản cảm lớn lắm. Dừng khóa học này, xét về chính trị, chính quyền bị thiệt hại nhiều hơn giáo xứ. Tất nhiên là thao thức cho giới trẻ, chúng tôi có, chúng tôi cần phải giúp cho giới trẻ nghèo. Trong hiện tình đất nước như thế này thì chúng tôi còn phải chờ đợi đã.”

Việc ngăn cấm không cho giáo xứ Cầu Rầm tiếp tục các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo địa phương diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa giáo xứ với chính quyền về tranh chấp đất đai và quyền tự do tôn giáo đang ngày một gia tăng. Phía giáo xứ cho rằng:

“Sở dĩ người ta gây khó dễ là vì tình hình tôn giáo ở giáo phận Vinh, đặc biệt là giáo xứ Cầu Rầm chúng tôi, lâu nay có những điều căng thẳng với phía chính quyền. Chúng tôi thu hút các học viên không phân biệt lương-giáo về đây thì giáo xứ Cầu Rầm có ảnh hưởng tốt đối với cộng đồng dân cư.  Vì không ưa chúng tôi, nên họ tìm cách phá mà thôi. Hiện tại giáo phận Vinh đang còn phải chịu đau thương vì nạn bách hại, đàn áp tôn giáo.”

image

Bà Hằng, một phụ huynh có con theo học các lớp tiếng Anh miễn phí mùa hè của giáo xứ từ khi mới mở năm 2010, nói về hiệu quả của các buổi học này:

“Việc học của cháu hai năm vừa qua rất tốt đẹp và đạt kết quả. Các cô, thầy người nước ngoài dạy con em mình phát âm rất chuẩn và họ kể về văn hóa các nước khác cho các em biết. Đó là chưa kể sự gắn kết giữa người lương và người Công giáo với nhau. Em thấy khóa học này rất bổ ích.”

Cùng với rất nhiều phụ huynh khác có con em theo học các lớp bồi dưỡng Anh ngữ miễn phí này, bà Hằng rất bất bình trước việc chính quyền ngăn cấm một việc làm tốt, hữu ích cho xã hội trong khi học hành là quyền chính đáng của mọi công dân mà nhà nước cũng luôn hô hào khuyến học:

image
“Em rất bức xúc. Việc làm của họ là không chính chánh. Khóa học này không phải lần đầu tiên được tổ chức, mà là năm thứ ba. Nếu họ ngăn cản thì sao không ngăn cản từ đầu, mà tới năm thứ ba mới ngăn cản. Việc làm của họ rất mờ ám. Phụ huynh học sinh rất bức xúc. Việc học tiếng Anh này rất tốt cho con em, không có gì gây hại cho chính quyền cả mà chính quyền ngăn cản. Làm việc tốt thì không việc gì mình phải xin phép chính quyền cả. Họ cấm bên Công giáo, nhưng về phía chính quyền, các cô-thầy mỗi dịp hè họ cứ mở ra dạy tràn lan đó, họ có xin phép ai đâu. Bộ Giáo dục cũng cấm việc dạy thêm-học thêm, nhưng họ đâu có thực hiện? Đây là một việc làm không tốt đẹp của chính quyền đối với bên tôn giáo. Đáng lẽ những việc này chính quyền phải hoan nghênh, mà ngược lại, lại áp bức như vậy. Em mong những sự việc này không xảy ra và chính quyền phải biết những việc làm của họ ghi hình ảnh rất xấu đối với nhân dân, đặc biệt là đối với người Công giáo. ”

image
Em Nguyễn Thành Công, một học sinh lớp 9 theo học các lớp tiếng Anh miễn phí của giáo xứ đã 2 năm nay cho biết cảm nghĩ khi không được tiếp tục đến các lớp học này:

“Em cảm thấy rất buồn vì đây là một khóa học rất bổ ích cho chúng em, bồi dưỡng thêm tiếng Anh, một môn học rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Một khóa học bổ ích mà chúng em lại bị ngăn cản vô lý. Việc học của chúng em là rất quan trọng mà sao các chú lại cấm một cách vô lý như vậy? Đây là một việc tốt, rất đáng khuyến khích. Bác Hồ ngày xưa vẫn dạy là mọi học sinh đều có quyền được học tập. Sao nay các chú công an lại ngăn cản việc học của chúng em? Em mong mỏi những người có trách nhiệm sẽ suy nghĩ lại, nhìn thấy việc sai trái của mình và cho chúng em được tiếp tục học các lớp tiếng Anh này tiếp như những năm trước.”

Tạp chí Thanh Niên vừa gửi đến quý vị câu chuyện về các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo ở giáo xứ Cầu Rầm (Vinh) bị cấm hoạt động.





Trà Mi-VOA


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.