Pages

Wednesday, December 19, 2012

Từ trận Mậu Thân tới Ngũ Giác Đài?

image
Thế hệ cựu chiến binh Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn tại Mỹ?


Cựu binh Mỹ từng bị thương trong cuộc chiến Việt Nam, ông Chuck Hagel đang là ứng viên sáng giá để làm Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama.
Ông Charles (Chuck) Hagel, năm nay 66 tuổi, cũng từng làm Thượng nghị sỹ bang Nebraska và là nhân vật ‘ôn hòa’ của đảng Cộng hòa, chủ trương rút quân nhanh khỏi Afghanistan.
Nếu chọn ông Chuck Hagel, tổng thống Obama sẽ chứng tỏ ông muốn duy trì một truyền thống ‘cân bằng lưỡng đảng’ như kỳ thắng cử lần đầu bốn năm trước.
Việc giữ ông Gates tại Ngũ Giác Đài năm 2009 cho tới khi thay ông bằng Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta từ tháng 7/2011, được cho là cách ông Barack Obama tin cậy một nhân vật của đảng Cộng hòa nắm Bộ Quốc phòng.

image
Chuck Hagel
Hai ông Gates và Hagel cũng có quan điểm giống nhau là cần dùng cách cách thức ‘toàn cầu’ để đối phó với thách thức mang tính khu vực.
Dù từng bị thương và được thưởng huân chương cho chiến tích tại Nam Việt Nam, ông Hagel được xem như là người ủng hộ rút quân nhanh khỏi Afghanistan.
Theo AP từ Mỹ hôm 16/12/2012, ông tạo dựng quan hệ tốt với ông Barack Obama khi cả hai còn làm việc tại Thượng viện.

image
Hai thượng nghị sỹ khi đó đã từng có nhiều chuyến công du nước ngoài cùng nhau.

Ông Hagel dù ủng hộ Hoa Kỳ đem quân vào Iraq nhưng sau trở thành nhân vật phản đối và phê phán mạnh cách tiến hành cuộc chiến của chính quyền Bush.
Ông cũng thường xuyên sang IraqAfghanistan để xem xét tình hình.
Ông từng gọi kế hoạch của Tổng thống George W. Bush khi đó muốn tăng 30 nghìn quân cho chiến trường Iraq là “vụ việc nguy hiểm nhất trong chính sách ngoại giao kể từ chiến tranh Việt Nam”.
Hiện nay, ngoài ông Chuck Hagel, một cựu binh từ cuộc chiến Việt Nam nữa, Thượng nghị sỹ John Kerry, đang là ứng viên cho chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Việc Tòa Bạch Ốc có thể chọn 'hai cựu binh Việt Nam' nắm hai bộ quan trọng nhất của Mỹ hiện là chuyện được báo chí nước này bàn thảo nhiều.

Trận chiến năm 1968

image
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Mỹ (historynet.com) về chiến tranh Việt Nam gần đây, ông Chuck Hagel kể ông được huấn luyện làm xạ thủ bắn hỏa tiễn Red Eye (dùng cảm ứng nhiệt tìm mục tiêu) và sang Nam Việt Nam từ tháng 12/1967.
Phục vụ trong trong tiểu đoàn cơ giới số 2 thuộc sư đoàn bộ binh số 9 ông được điều tới khu vực tác chiến tại vùng sông Mekong năm 21 tuổi.

image
Giai đoạn tham chiến ở Nam Việt Nam vẫn thường được gợi lại ở Hoa Kỳ
Điều thú vị, như lời kể Chuck Hagel là em trai ông, Tom Hagel (19 tuổi) cũng ở cùng đơn vị ông trong 10 tháng sau khi chuyền về từ đơn vị Khinh kỵ 11 gần giới tuyến DMZ.
Cả hai xung phong vào đơn vị tác chiến và cùng tuần tiễu ở một rừng cao su gần Long Binh khi trận Tết Mậu Thân nổ ra.
“Đơn vị của chúng tôi là nhóm đầu tiên vào Long Bình. Không ai biết chuyện gì xảy ra khi chúng tôi vào đó lúc 6:30 sáng. Cả khu vực nổ tung lên. Hai xe thiết giáp đi trước coi như tan biến thành khói. Đến cuối ngày đầu tiên thì gần như mọi sỹ quan và hạ sỹ quan bị giết hoặc bị thương. Tôi chỉ là binh nhì nhưng trong gần một tháng, tôi đóng vai trò của một trung sỹ và chúng tôi phải đánh cận chiến giành từng căn nhà để rút ngược ra lưu vực sông”.

image
Nhưng phải đến một cuộc hành quân ‘Tìm và Diệt’ vào tháng 3/1968 ông Chuck Hagel mới bị thương và cả hai người, ông và Tom nhận được huy chương Chiến thương Bội tinh (Purple Heart):
“Chúng tôi đi dọc một con sông trong rừng rậm nơi có Việt Cộng. Nhóm đi trước dẫm phải dây gài và làm nổ tung một loạt mìn Trung Quốc trong bụi cây, giết chết luôn ba người và làm một loạt bị thương. Tom bị trúng mảnh vào cổ và tay, còn tôi bị trúng vào ngực. Sau đó, Việt Cộng nổ súng vào chúng tôi. Khi tình hình ổn lại thì trực thăng y tế bay tới, quăng các túi từ trên qua vòng cây xuống cho người chết và người bị thương. Nhưng trời đã tối và cần phải rút nhanh nên đại uý chỉ huy ra lệnh cho tôi và Tom quay lại điểm tập kết. Khi đó Tom tìm thấy một quả lực đạn gài ngay ở dưới gốc cây và thật may là chúng tôi không gây nổ.”
Trả lời phỏng vấn, ông Hagel còn nói về trận đi tuần tra ‘truy tìm VC trong một làng” và lại gặp mìn. Cú nổ khiến em trai ông, Tom bị ngất còn ông bị bỏng nặng ở mặt, phải vào quân y viện và chỉ bỏ băng mặt sau sáu tuần.
Sang tháng 5/1968, ở trận gọi là ‘mini- Tết’ ông Chuck Hagel kể, Tom lại bị thương lần nữa khi trúng đạn lúc nhào xuống sông để cứu trung tá Frederick Van Deusen, em rể của Tướng William Westmoreland.

image
Phim về hai anh em nhà Hagel từ Nebraska nói về Tom (trái) và Chuck (phải) với các chiến tích tại Việt Nam

Ông Van Deusen bị rơi xuống nước khi trực thăng Huey chở ông trúng đạn và Tom Hagel cũng bị bắn trúng khi bơi ra cứu nhưng thoát chết.
Trung tá Van Deusen, năm ấy 37 tuổi, đã chết đuối dưới sông Vàm Cỏ Đông và được truy tặng huân chương cho tử sỹ.
Sau chiến tranh Việt Nam, cả hai anh em nhà Hagel quay về đời sống dân sự. Ông Chuck Hagel làm người bán bar, rồi nhà báo trước khi tham gia chính trị còn Tom Hagel hiện giảng dạy đại học Dayton.
Hồi năm 1999, tiểu bang Nebraska có làm bộ phim tài liệu về họ và các chiến tích vì tổ quốc trong thời gian ở Việt Nam.

image
Ông Chuck Hagel dùng kinh nghiệm chiến trường của mình để thuyết phục chính giới Mỹ nên có chính sách sát thực hơn tình hình bên ngoài Hoa Kỳ, và ủng hộ dùng vũ lực khi cần.
Ông cũng phủ nhận quan điểm rằng ông là 'nhân vật bồ câu' hay 'phi chiến tranh' (pacifist).

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.