Pages

Thursday, March 30, 2017

Mẹ Nấm: từ ‘tội nhân’ tới giải thưởng quốc tế

image
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Phụ nữ Can đảm Quốc tế

Những hoạt động đẩy một phụ nữ trẻ tại Việt Nam vào vòng lao lý lại mang về cho cô Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế từ nửa vòng trái đất bên kia. Đó là hành trình chông gai, đẫm nước mắt, đánh đổi sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cả sự tự do của bà mẹ đơn thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được thế giới biết đến với bút danh blogger Mẹ Nấm.

Như Quỳnh là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 13 phụ nữ trên toàn cầu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017.

Khác với những người bạn trong danh sách được vinh danh Giải thưởng năm nay, người phụ nữ Việt Nam này khiến mọi người quan tâm không chỉ vì cô là người nhận Giải vắng mặt duy nhất trong buổi lễ vinh danh, mà cô là người duy nhất trong số những người nhận Giải năm nay đang bị giam cầm.

image

Phát ngôn nhân Văn phòng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Grace Choi, nhấn mạnh sự dấn thân của Quỳnh phơi bày tham nhũng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và báo cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam truyền cảm hứng cho giới hoạt động khắp nơi, và nhờ đó, cô trở thành một trong những nhà hoạt động trên mạng nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Bà Choi cho biết Hoa Kỳ nhất mực kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích Quỳnh ngay lập tức. Vẫn theo lời bà, sự công nhận quốc tế dành cho lòng can đảm của Quỳnh sẽ giúp mọi người lưu tâm đến việc làm của cô và hy vọng Giải thưởng này sẽ càng nêu bật vấn đề về tự do ngôn luận tại Việt Nam.

‘Tội nhân’ tại Việt Nam

image

Cách đây vài tháng, cái tên Mẹ Nấm từng khuấy động chú ý công luận khi cô bị công anh tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt tạm giam hôm 10/10/2016 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Trong số những ‘chứng cứ phạm tội’ thu giữ tại nhà Mẹ Nấm được truyền thông nhà nước đăng tải có những biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch”, “Khởi tố Formosa”, những khẩu hiệu chống Trung Cộng  xâm lược, cùng tập hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường” với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo chí nhà nước.

Vụ bắt giữ ngay lập tức khơi dậy làn sóng phản đối từ giới hoạt động nhân quyền trong lẫn ngoài nước và cộng đồng quốc tế.

Hoa Kỳ và các nước Châu Âu ngay lập tức đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ Mẹ Nấm và kêu gọi phóng thích cô ngay lập tức.

image


Mẹ Nấm là ai?

Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, cô gái sinh năm 1979 của thành phố biển Nha Trang theo đuổi niềm đam mê học ngoại ngữ và mộng đi đây đi đó làm hành trang vào đời.

Cảnh nhà đơn chiếc, một mẹ một con, khiến Quỳnh phải bỏ ngang ngành học báo chí ở Sài Gòn về học khoa Anh Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Tốt nghiệp cử nhân Anh Văn, cô chấp cánh ước mơ chu du và khám phá thế giới xung quanh bằng nghề hướng dẫn viên du lịch trước khi mở công ty lữ hành cùng với một người bạn.

image

Vốn tiếng Anh từ 4 năm đại học, cơ hội được tiếp xúc nhiều người nước ngoài trong nghề tour guide đã thôi thúc cô gái miền biển làm quen với internet để trao dồi kiến thức. Và internet chính là bệ phóng đưa cô vượt khỏi không gian thông tin bó hẹp, trải tầm nhìn ra thế giới xung quanh, mở rộng hiểu biết và nhận thức về những gì bị bưng bít.

Từ sự tìm hiểu đó, cô bắt đầu thực hiện những chuyến đi tự mình khám phá thực-hư. Những chuyến đi trốn nhà, tự bỏ tiền túi, dù là thăm các nạn nhân bị tra tấn nhục hình hay đi thực tế tận Lý Sơn để chứng kiến ngư dân Việt chống chọi với tàu Trung Cộng  đều đã góp một phần không nhỏ trong quyết tâm của Quỳnh phải lên tiếng vì lẽ phải.

Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đấu tranh cho những người không có tiếng nói trong xã hội.

image

Những hoạt động này đã khiến Mẹ Nấm bị ‘nhập kho’ rất nhiều lần, nhưng có thể nói lần bắt giữ vào tháng 9 năm 2009 với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ sau các hoạt động chống Trung Cộng  là một ‘dấu mốc.’

Cũng từ đó, sự nghiệp kinh doanh của Quỳnh suy sụp, công ty lữ hành phải dẹp tiệm, hạnh phúc gia đình đổ vỡ lúc con gái đầu lòng, bé Nấm, vừa lên 3. Mẹ con, bà cháu dắt díu nhau làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ bán nước mía, bò bía, cá kho, cho tới phở gõ. Cuộc sống chật vật nhưng Quỳnh không sống cho riêng mình, cô vẫn lặn lội, vẫn dấn thân vì một xã hội có nhân quyền. Bé Gấu, kết quả cuộc hôn nhân thứ nhì, cũng không được sống trong vòng tay bố mẹ như người chị Nấm, cũng bởi vì Mẹ Nấm vẫn tất bật với những hoạt động bị xem là ‘ăn cơm nhà gác ngà voi’ trong xã hội Việt Nam.

Những chuyến con đi lặng lẽ không hề báo trước, những lần đi tìm con ở các đồn công an, những đêm dài thao thức vì sự an nguy của con ‘thân gái dặm trường’ là tất cả những gì bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, có thể xâu chuỗi lại khi kể về con gái mình.

image

Bà Lan kể từ ngày công an ập vào nhà bắt Quỳnh, bà cháu luôn sống trong nỗi sợ hãi. Bà ngoại của Quỳnh, năm nay ngoài 90, luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động ngoài cửa. Bé Nấm trở nên lầm lũi ít nói. Còn bé Gấu liên tục khóc đòi mẹ và giục bà gọi mẹ về. “Cuộc sống của chúng tôi thật sự khó khăn và bị đe dọa khi thiếu vắng Quỳnh,” bà Lan chia sẻ.

Những hình ảnh cuối cùng của Mẹ Nấm trước khi bị bắt lần này là những bức hình chụp với hai con, bé Nấm 10 tuổi, bé Gấu 4 tuổi, mang khẩu hiệu phản đối Formosa, kêu gọi bảo vệ môi trường, và yêu cầu giải quyết minh bạch thảm họa hủy diệt môi trường biển miền Trung.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh năm 1979, điều phối viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, cũng là phụ nữ Châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển hồi năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.

Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế là giải thưởng hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh các phụ nữ trên thế giới đã chứng tỏ lòng quả cảm ngoại hạng cũng như khả năng lãnh đạo trong việc cổ súy nhân quyền và đặc biệt là nữ quyền, bất chấp gian nguy cho cá nhân. Giải này được thành lập từ năm 2007. Năm 2013, blogger Tạ Phong Tần của Việt Nam từng được vinh danh Giải này khiếm diện trong lúc bà đang thọ án tù 10 năm tại Việt Nam vì tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước.’

Từ nước mắt đến vinh quang, con đường đầy chông gai của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xem ra đích đến vẫn còn xa.

image

Bà Lan nói con bà sẽ không có tội nếu được sống trong một quốc gia tự do, tôn trọng nhân quyền. Và đối với bà, đó cũng chính là ý nghĩa cốt lõi của Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế mà Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng con gái bà năm nay.



Trà Mi

image

Con người cần ngủ và phải ngủ bao lâu
Trần Vũ Quỳnh Anh 'Hotgirl Xứ Thanh'
Làm sao bỏ được thói quen vào mạng liên tục?
Về cái chết của ký giả Nguyễn Đạm Phong
Linh mục Nguyễn Viết Chung
Dự luật 'trừng phạt Trung Cộng gây hấn biển Đông'
Thành phố lớn chống ô nhiễm không khí bằng cách nà...
Tranh cãi về 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành
Tại sao tôi phản đối Tom Hayden?
Những bàn tay đã nắm
Lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ
Những nhà máy lay lắt và đô thị không thể ra đời ở...
Những bí mật thú vị của phụ nữ
Chính trường Mỹ sôi động, dân chúng hoang mang
Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại
Xe cũ sẽ bị thu hồi, có khả thi?
Trấn Thành và... Con đường xưa em đi
Tác giả, nhạc sĩ nói về vụ cấm ca khúc trước 1975
Hà Nội và những mảnh đời bám vỉa hè
Làm sao để biết 'tin vịt' dạy cách chữa bệnh

Monday, March 27, 2017

Con người cần ngủ và phải ngủ bao lâu

image
Chúng ta đang ngủ nhiều hơn tổ tiên mình?

Mặc dù có mối sợ rằng công nghệ gây hại giấc ngủ, chúng ta hiện có thể đã ngủ nhiều hơn bao giờ hết và có thể ta đã hiểu lầm mục đích của giấc ngủ.

Người ta bảo rằng con voi không bao giờ quên. Và người ta cũng thường nói rằng một trong những chức năng của ngủ là để củng cố trí nhớ. Nếu cả hai điều này đều đúng thì voi phải ngủ rất nhiều, nhưng sự thật là voi, có não lớn nhất trong các động vật có vú, chỉ ngủ hai tiếng một đêm.

Mặc dù gần như đêm nào ta cũng ngủ, nhưng giấc ngủ cũng là một trong những khía cạnh hoạt động bị hiểu lầm nhiều nhất. Hóa ra là rất nhiều quan niệm chung về giấc ngủ, giống như ở thí dụ nói trên, là không đúng.

Chẳng hạn đã bao giờ bạn nghe nói rằng do ánh sáng điện và ánh sáng yếu của mặt màn hình smartphone mà ta nhìn vào trước khi đi ngủ làm ta ngủ được ít hơn tổ tiên săn bắt hái lượm của chúng ta?

image
Liệu nhìn vào smartphone ngay trước khi bạn ngái ngủ có ảnh hưởng đên giấc ngủ của bạn không?

"Nhiều người đã được nghe điều này rất nhiều lần trên truyền thông nên họ tin như vậy," Jerry Siegel, giám đốc trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Los Angeles của Đại học California, nói. Ông thừa nhận đó là một câu chuyện hấp dẫn, mặc dù nó có thể hoàn toàn không đúng. "Điều rắc rối là thực sự chúng ta không có số liệu gì về việc này," ông nói. "Máy mà ta dùng để đo giấc ngủ đã không được sáng chế ra rất lâu sau khi sáng chế ra ánh sáng điện."

Do không thể mường tượng được tổ tiên ta ngủ bao lâu, ông Siegel đã quyết định làm điều tốt nhất có thể sau đây. Ông đã tới Tanzania, Namibia, và Bolivia, theo dõi các nhóm người săn bắt hái lượm. Những người này được sinh ra trong môi trường gần nhất với môi trường sống của tổ tiên chúng ta.

Trong suốt cuộc đời họ, các xã hội săn bắt hái lượm đã sống và ngủ mà không có những thiết bị hiện đại mà ta nghĩ là nó ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta. Nhiều nghìn dặm đã cách biệt giữa hai nhóm người ở châu Phi, trong khi nhóm thứ ba là nhóm có nguồn gốc từ một nhóm đã di cư khỏi Châu Phi, di chuyển qua châu Á, đi qua giải đất nối Alaska, rồi sang Bắc Mỹ, xuống Nam Mỹ. Mặc dù có sự khác biệt rất lớn, cả ba nhóm mỗi đêm đều ngủ khoảng thời gian như nhau, trung bình là 6,5 tiếng. Theo ông Siegel, không có lý do gì để cho rằng tổ tiên ta ngủ nhiều hơn thế.

image
Giống như với người, khỉ tinh tinh thường ngủ một giấc dài.

Đa số người, sống trong xã hội hiện đại với tất cả các trang bị kỹ thuật và điện, thì thời gian ngủ trong là khoảng từ 6 đến 8 tiêng một đêm. Do vậy, không những tổ tiên chúng ta không ngủ nhiều hơn ta mà có thể họ còn ngủ ít hơn một số người trong chúng ta.

Chúng ta cũng thường ngủ thoải mái trong ngôi nhà có điều hòa nhiệt độ, trên đệm êm ái có gối mềm mịn, ta chỉ còn lo là ai kéo dành chăn hoặc có cho con chó cưng ngủ chung hay không. Thay vì thế, tổ tiên ta ngủ trên đá, đất hoặc cành cây, không có các đồ tiện dụng như chăn ấm hoặc lò sưởi. Họ có thể không có rèm che để ngủ nám thêm khi mặt trời mọc, cũng như không thể tránh được thời tiết và côn trùng. Họ cũng lo bị thú ăn thịt tha đi hoặc bị nhóm người đối địch tấn công trong khi họ ngủ. Chẳng lạ gì là mỗi đêm họ chỉ ngủ được hơn 6 tiếng một chút.

Lại còn điều hoang đường nữa về cách ngủ của tổ tiên ta là họ ngủ thành những giấc ngắn thay vì ngủ một mạch dài. Theo ông Siegel, điều này là sai. Giả thuyết sai này là do ta nhận thấy ở những thú cưng ta.

image
Thú cưng của ta thường chỉ ngủ không sâu không có nghĩa là tổ tiên chúng ta cũng ngủ như vậy.

"Tôi nghĩ nguồn gốc của ý kiến này là do người ta nuôi mèo và chó, và thấy chúng ngủ kiểu đó," ông nói. Chúng ta chỉ là loài cuối cùng trong dãy các loài có xu hướng ngủ thành một giấc dài liên tục về đêm. Đó là không kể đến vượn và khỉ, chúng không có giấc ngủ ngày, hoặc không thỉnh thoảng thức giấc giữa ban đêm. Nhưng, giống như loài người, điều này không thành lệ.

Thực vậy, việc nghiên cứu nhiều nền văn hoá của Siegel cho thấy những nhóm người săn bắt hái lượm hiện đại gần như không bao giờ ngủ ngày vào mùa đông, và chỉ ngủ ngày đôi chút vào mùa hè, có lẽ là một biện pháp để tránh cái nóng tệ nhất vào ban ngày. Và ngay cả như vậy, ông nói, một người trung bình chỉ ngủ ngày khoảng 5 ngày một lần.

Nhưng có một điều nhỏ mà những đồn đại hoang đường là đúng. Tất cả những người mà ông Siegel nghiên cứu đều sống khá gần xích đạo. Nếu càng đi tới các vĩ tuyến cao hơn thì đêm có thể kéo dài tới 16 tiếng về mùa đông, do vậy sống môi trường như thế có thể làm tổ tiên ta ở Bắc Âu chia nhỏ giấc ngủ đêm vào thời gian này trong năm. Nhưng do chúng ta đã chia mô hình ngủ theo chu kỳ tự nhiên về mùa nên ngay cả những người ngày nay ở Bắc Âu vẫn ngủ một mạch qua đêm, có lẽ chỉ thức dậy tý chút để qua phòng vệ sinh.

image
Loài gấu ngủ đông để không phải tốn nhiều năng lượng vào thời gian hiếm thức ăn.

Giải quyết xong hai chuyện hoang đường được đồn đại nhiều nhất về hoạt động ngủ, ông Siegel bây giờ chuyển sang những câu hỏi khác, cơ bản hơn, về bản chất giấc ngủ. Vì sao ta phải ngủ?

Nếu nó đóng vai trò trong việc củng cố trí nhớ hoặc trong một số chức năng khác của bộ não, thì bạn sẽ chẳng nghĩ rằng loài dơi nâu lớn sẽ ngủ tới 20 tiếng một ngày, trong khi loài voi châu Phi lớn hơn nhiều và có nhận thức phức tạp vẫn sống bình thường với 2 tiếng ngủ.

Thế nhưng ông Siegel cho rằng phải chăng giấc ngủ không phải là một nhu cầu sinh học mà là cách tiến hóa để có năng xuất tối đa. Như ông đã viết trong Nature Reviews Neuroscience (Tạp chí Khoa học Thần kinh) năm 2009, có thể là giấc ngủ cung cấp một biện pháp để "tăng hiệu xuất hoạt động bằng cách điều chỉnh lịch biểu và giảm sử dụng năng lượng khi hoạt động là không có lợi."

Đó là thủ thuật chung trong cả hai giới động vật và thực vật. Một số cây rụng lá vào mùa thu và ngừng quang hợp mà ta có thể coi đó là một kiểu ngủ thực vật. Gấu ngủ đông vào mùa đông, một phần là để tránh sự tiêu hao không hiệu quả năng lượng săn tìm vào thời gian ít có thức ăn.

Những loài có vú khác, như nhím, chuyển sang trạng thái buồn ngủ được gọi là lờ đờ, khi đó sự chuyển hóa giảm thấp tới mức chỉ còn là hơi thở để giúp chúng sống qua được thời kỳ khó khăn. Có lẽ giấc ngủ chỉ đơn giản là một phiên bản của chúng ta về sự "giảm hoạt động để thích nghi" như vậy, nó cho phép ta có năng xuất tốt vào ban ngày đồng thời tránh sự gắng quá sức (và bị nguy hiểm vì thú dữ như thời xưa) về ban đêm, trong khi vẫn có thể thức dậy một cách dễ dàng nếu cần.

Hoặc là, hiểu một cách khác, có thể đó là sự lười biếng có chọn lọc.



Jason G Goldman

image

Trần Vũ Quỳnh Anh 'Hotgirl Xứ Thanh'
Làm sao bỏ được thói quen vào mạng liên tục?
Về cái chết của ký giả Nguyễn Đạm Phong
Linh mục Nguyễn Viết Chung
Dự luật 'trừng phạt Trung Cộng gây hấn biển Đông'
Thành phố lớn chống ô nhiễm không khí bằng cách nà...
Tranh cãi về 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành
Tại sao tôi phản đối Tom Hayden?
Những bàn tay đã nắm
Lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ
Những nhà máy lay lắt và đô thị không thể ra đời ở...
Những bí mật thú vị của phụ nữ
Chính trường Mỹ sôi động, dân chúng hoang mang
Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại
Xe cũ sẽ bị thu hồi, có khả thi?
Trấn Thành và... Con đường xưa em đi
Tác giả, nhạc sĩ nói về vụ cấm ca khúc trước 1975
Hà Nội và những mảnh đời bám vỉa hè
Làm sao để biết 'tin vịt' dạy cách chữa bệnh
Tại sao ta thấy đau khi quá nóng hoặc lạnh?

Sunday, March 26, 2017

Trần Vũ Quỳnh Anh 'Hotgirl Xứ Thanh'

image
Bí thư Trịnh Văn Chiến lên tiếng vụ Trần Vũ Quỳnh Anh

Một vài tuần nay, dư luận trong nước lại bàn tán xôn xao về câu chuyện liên quan đến bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hoá.

Cách đây sáu tháng, khi báo chí “lề dân” đăng tải những thông tin nhạy cảm rằng “hot girl” sở hữu nhiều tài sản khủng này là “bồ nhí” của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đã có con riêng với ông ta, cả Bí thư lẫn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đều công khai lên tiếng bác bỏ. Thậm chí, Tỉnh uỷ Thanh Hoá còn gửi công văn lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị xử lý những thông tin “sai sự thật” về Bí thư Tỉnh ủy trên “các blog, mạng xã hội phản động”.

image

Tuy nhiên lần này câu chuyện về bà Quỳnh Anh lại được chính báo chí “lề đảng” khơi mào. Một loạt tờ báo đã đưa tin về sự thăng tiến “quá thần tốc”, “chỉ có thần tiên mới làm được” của người đẹp xứ Thanh. Thiên hạ thì kháo nhau rằng việc “hot girl” Quỳnh Anh bị bêu danh trên báo chí chính thống là dấu hiệu cho thấy không chỉ Bí thư Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến bị tấn công, mà quan trọng hơn là thế lực nào đó hậu thuẫn cho ông ta ở trung ương.

…đến vấn đề quyền lực trong xã hội

Các nhân vật dính dáng đến câu chuyện bà Quỳnh Anh cùng có chung một đặc điểm: họ là những kẻ lạm dụng quyền lực mà hệ thống hiện hành đã trao cho họ theo cách này hay cách khác.

Quyền lực là vấn đề căn cốt nhất trong xã hội loài người, vì con người về bản chất là một sinh vật chính trị, như Aristotle đã nói cách nay hơn hai ngàn năm. Chính vì vậy, mức độ thành công của việc giải quyết vấn đề quyền lực trong xã hội quyết định mức độ phát triển của xã hội đó. Ở các quốc gia dân chủ, quyền lực không bị tập trung mà được phân tán trong xã hội. Không một người hay nhóm người nào được phép nắm giữ quyền lực tuyệt đối so với người khác hay nhóm người khác. Quyền lực nhà nước được kiểm soát nhờ định chế tam quyền phân lập và được giám sát bởi các quyền lực khác trong xã hội: báo chí, xã hội dân sự, giáo hội, đảng phái, v.v. 

Nhờ xử lý tốt vấn đề quyền lực, đặc biệt là việc kiểm soát quyền lực nhà nước, nên nhìn chung các nước dân chủ đều phát triển lành mạnh.

image

Ở các chính thể độc tài thì ngược lại. Quyền lực trong xã hội luôn bị thâu tóm vào trong tay một cá nhân hay một nhóm thiểu số, mà ở các quốc gia cộng sản là Đảng Cộng sản. Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, chẳng hạn, thường trưng câu thần chú “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” để biện minh cho việc tập trung quyền lực vào tay mình, kể cả trong lĩnh vực… sinh đẻ.

Cuối thế kỷ 19, triết gia chính trị người Anh Lord Acton đã đúc kết: “Quyền lực dẫn đến tha hoá. 

Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối.” Những gì diễn ra trong các xã hội cộng sản thế kỷ 20 đã chứng minh cho nhận định đó. Sự tha hoá của quyền lực tuyệt đối trong tay Đảng Cộng sản khiến các quốc gia cộng sản suy thoái toàn diện, xã hội rối ren và cuối cùng đi đến chỗ sụp đổ. Đó là những gì đã xẩy ra ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu trước kia, và đang diễn ra ở nhúm quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

image

…và cái gọi là ‘lồng cơ chế, pháp luật’ của ông Nguyễn Phú Trọng

Vụ lùm xùm Trần Vũ Quỳnh Anh – Trịnh Văn Chiến xẩy ra cùng thời điểm với vụ thông tin về những tài sản khủng của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị phơi bày trên báo chí nhà nước, hay việc một số quan chức cao cấp bị nêu đích danh trong vụ bê bối MobiFone mua AVG của anh em nhà Phạm Nhật Vũ - Phạm Nhật Vượng. Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đang đến gần, vì thế không khó để nhận ra đây là những màn “so đấu” giữa các phe phái trong đảng trước thềm một hội nghị mà người ta dự đoán là sẽ chú trọng đến vấn đề nhân sự cấp cao.

Khi các quyền lực nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay Đảng Cộng sản và các quyền lực xã hội khác thì bị họ thao túng, khống chế hoặc vô hiệu hoá, việc quyền lực nhà nước bị lạm dụng là kết cục tất yếu. Dĩ nhiên, những kẻ lạm dụng quyền lực kia hầu như 100% là đảng viên cộng sản. Trong bối cảnh đó, sự đấu đá giữa các phe nhóm trong đảng, thể hiện qua các vụ lùm xùm vừa nêu, gần như là cơ chế hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực trong tay họ.

image

Tuy nhiên, như chính TBT Nguyễn Phú Trọng từng hồn nhiên thừa nhận: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”, các cuộc “so găng” giữa các phe phái trên đấu trường chính trị nhiều lắm cũng chỉ dẫn đến kết cục “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Các “đấu sỹ” luôn quán triệt tinh thần “đánh chuột đừng để vỡ bình” mà người đứng đầu Đảng CSVN thường xuyên nhắc nhở. Nguyễn Việt Tiến bị mất chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhưng kẻ che chắn cho ông ta là Nông Đức Mạnh vẫn an vị trên chiếc ghế Tổng Bí thư. “Gã đầu bạc” Nguyễn Đức Kiên phải lãnh án 30 năm tù, nhưng “ông trùm” đứng sau lưng ông ta là “đồng chí X” vẫn bình an vô sự. Hà Văn Thắm bị bắt và đối mặt với bản án lên tới 30 năm tù nhưng quan thầy của anh ta là Nguyễn Sinh Hùng chỉ chịu rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội khi hết nhiệm kỳ. Trịnh Xuân Thanh bị truy nã rồi truy tố ra toà, nhưng trong số những kẻ đỡ đầu cho ông ta chỉ có Vũ Huy Hoàng là bị “cách” cái ‘chức danh’ “nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương” (!).

Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 17/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von là để kiểm soát quyền lực thì phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”. Dưới chế độ XHCN “dân chủ gấp triệu lần tư bản”, Đảng Cộng sản vừa là hiện thân của quyền lực vừa là hiện thân của pháp luật. Vì vậy, câu nói đó nếu không phải là trò lừa bịp thì cũng thể hiện sự hoang tưởng điển hình của quyền lực.

image

Với quyền lực gần như không bị kiểm soát, giới “công bộc” cộng sản sẵn sàng dẫm đạp lên thứ “pháp luật” do chính họ nặn ra để vơ vét của cải, mồ hôi xương máu của nhân dân. Và cho dù xung đột giữa các băng nhóm hành nghề cướp bóc là điều không tránh khỏi, họ cũng luôn nêu cao ý thức “giữ bình” để tiếp tục “sự nghiệp cao cả” của mình.

Nhiệm vụ của chúng ta, vì thế, là sử dụng ánh sáng của lương tri và trách nhiệm để soi rọi mọi góc khuất của các cuộc “tỷ thí” giữa các “đấu sỹ” trong cái “lồng” mà ngài Tổng Bí thư khả kính kia tưởng tượng ra, không phải là để ủng hộ phe này hay phe nọ, mà để giúp quần chúng nhân dân nhận ra bản chất buôn dân bán nước của họ, hầu góp phần thúc đẩy sự ruỗng mục của hệ thống cũng như quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong bộ máy.



Lê Anh Hùng

image

Làm sao bỏ được thói quen vào mạng liên tục?
Về cái chết của ký giả Nguyễn Đạm Phong
Linh mục Nguyễn Viết Chung
Dự luật 'trừng phạt Trung Cộng gây hấn biển Đông'
Thành phố lớn chống ô nhiễm không khí bằng cách nà...
Tranh cãi về 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành
Tại sao tôi phản đối Tom Hayden?
Những bàn tay đã nắm
Lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ
Những nhà máy lay lắt và đô thị không thể ra đời ở...
Những bí mật thú vị của phụ nữ
Chính trường Mỹ sôi động, dân chúng hoang mang
Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại
Xe cũ sẽ bị thu hồi, có khả thi?
Trấn Thành và... Con đường xưa em đi
Tác giả, nhạc sĩ nói về vụ cấm ca khúc trước 1975
Hà Nội và những mảnh đời bám vỉa hè
Làm sao để biết 'tin vịt' dạy cách chữa bệnh
Tại sao ta thấy đau khi quá nóng hoặc lạnh?
Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa

Làm sao bỏ được thói quen vào mạng liên tục?

image
Những cảm giác tiêu cực và kéo dài về sử dụng truyền thông xã hội và việc không thể giảm sử dụnng có thể làm tăng cảm giác chán nản,

Chúng ta đều biết là dành nhiều thời gian vào mạng làm giảm năng suất, ấy vậy mà ta vẫn bị. Việc hoàn toàn bỏ vào mạng, ngay cả ít ngày thôi, cũng có thể giúp ta có thói quen tốt hơn.

Khi David Erickson rời nhà ở Long Beach, bang California để tới bờ biển nam Panama trong vài ngày, ông cũng không muốn rời bỏ chiếc điện thoại cầm tay.

Ở đây không có internet và băng truyền để tải tin, do vậy không thể xem truyền thông xã hội và email. Ông thậm chí phải đến một chỗ khác trong khu nhà để gọi điện thoại. "Smartphone của tôi chỉ còn chức năng như chiếc đồng hồ," Erickson, người sáng lập một công ty có dịch vụ họp trực tuyến, nói.

image

Trong 1,5 ngày đầu của chuyến nghỉ 4 ngày, ông lo lắng về tình trạng bị ngắt mạng này. Ông thường dò hỏi trong vùng về dịch vụ mạng, bàn bạc đi xe tới một khách sạn gần đó có kết nối internet chậm. Ít nhất thì lúc đầu cũng rất khó khăn: "Tôi cảm giác như trời sập, lo lắng vô cùng vì bị tách biệt," ông nói.

Chưa bao giờ con người lại nghiện smartphone như bây giờ, theo một nghiên cứu năm 2016 của Deloitte.

Có tới 1,86 tỷ người tích cực dùng Facebook (cứ 7 người thì có gần 2 người). Và 24% người sử dụng internet dùng Twitter, 29% dùng LinkedIn, theo nghiên cứu của Pew Research. Quan trọng hơn là Facebook cho hay những người sử dụng dành 50 phút mỗi ngày trên các trang đó.

image
Nhiều người muốn giảm thời gian vào mạng nhưng lại thấy lo lắng một khi rời xa smartphone.

Nhưng ngay cả khi ta không muốn để mình sa vào các tranh luận rối rắm trên Facebook lúc làm việc hoặc mải mê gọi điện thoại trong bữa ăn thì nhiều người vẫn thấy lo lắng khi cố gắng bỏ những thói quen này. Bị dứt khỏi truyền thông xã hội có thể làm ta thấy lo lắng, Stefan Hofmann, giáo sư tâm lý của Đại học Boston và là chuyên gia nghiên cứu cảm xúc, nói.

Hãy gọi nó là mối lo internet. Những cảm giác tiêu cực và kéo dài về sử dụng truyền thông xã hội và việc không thể giảm sử dụnng có thể làm tăng cảm giác chán nản, giáo sư Hofmann nói.

Một số người thấy sốt ruột khi mất kết nối theo smartphone là vì họ cảm thấy họ phải theo dõi một mối đe dọa trong tương lai, hoặc các tin tức chính trị, ông Hofmann nói thêm. "Đây là kỷ nguyên của lo lắng," ông nói.

Những lý do để lướt mạng

image
Một số người thấy sốt ruột sợ mất kết nối cùng với smartphone vì họ cảm thấy phải theo dõi một mối đe dọa trong tương lai, hoặc tin tức chính trị.

Nhiều người muốn giảm thời gian vào mạng nhưng lại có biểu hiện lo lắng khi phải xa smartphone. Khoảng 3/4 số người trung niên khi phải rời smartphone trong một thời gian ngắn cảm thấy như bị thay đổi chỗ ở, nghĩa là sốt ruột hoặc bồn chồn, theo các nhà nghiên cứu ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Hungary và Đại học Eotvos Lorand ở Budapest. Phân tích một cách kỹ lưỡng vì sao bạn muốn thay đổi việc sử dụng truyền thông sẽ có thể là một cách mạnh mẽ để chống lại mối lo internet, Christina Crook, tác giả cuốn Joy of Missing Out, nói.

Vậy có phải giải pháp là bạn có thể chỉ cần tự nhắc mình là giảm thời gian cho truyền thông xã hội thì bạn sẽ có thêm thời gian hơn với một số người trong gia đình và bạn bè.

Hiểu rõ ràng về việc đánh đổi lớn lao sẽ làm bạn ít sợ và lo lắng là mình đã rời xa mạng, bà Crook nói. "Nếu bạn không có một lý do chính đáng thì bạn sẽ không có đủ ý chí để tách khỏi internet," bà nói.

Có nhiều lý do để người ta không muốn rời mạng. Một số sợ để lỡ những lời mời dự sự kiện và sự đàm thoại của bạn bè hoặc người quen, hoặc thấy lo lắng khi nghĩ rằng đã sao lãng việc gìn giữ ấn tượng về mình. Những người khác thì bị ràng buộc vì họ cần phải có sự hiện diện trên truyền thông xã hội vì lý do công việc. Việc thành thực với bản thân về lý do bạn phải vào mạng và mức có lợi cho bạn cũng sẽ có ích trong việc này.

Kris Dugan, tổng giám đốc Betterworks, một công ty phần mềm ở Redwood City, California, đã có lần sử dụng Facebook để giảm sức ép trong thời gian giữa các dự án. Nay ông không còn làm thế nữa, ông nói. "Nó gần giống như một đợt xả hơi hoặc đợt nghỉ ngắn," ông nói. Nay, với rất nhiều chức vụ chính trị hiện tại, ông cảm thấy "điên đầu và căng thẳng."

image
Thành thật với bản thân về lý do mình vào mạng, và nó có lợi cho mình hay không, có thể giúp ta không vào mạng nữa.

Mặc dù ông vẫn còn quan tâm đến một số nội dung mà ông thấy trên mạng, Dugan phải thừa nhận rằng diễn đàn truyền thông xã hội không còn giúp ông làm dịu đầu óc được nữa. Do vậy ông dễ dàng rời mạng mà không bị cảm giác rời cuộc chơi. Tháng trước, công ty của Dugan có làm một cuộc điều tra và thấy rằng người lao động dành khoảng 2 tiếng một ngày để lướt xem tin tức chính trị và gần 1/4 số người dành từ 3 tiếng trở lên.

Giải độc hoặc không giải độc

Dừng hẳn việc sử dụng truyền thông xã hội có thể làm bạn lo lắng về điều bạn bỏ lỡ. Tuy nhiên, hoàn toàn không vào mạng (ngay cả trong thời gian ngắn, qua cái gọi là giải độc mạng) có thể giúp bạn có được thói quen mới và kiểm soát được sự thôi thúc của mình, Crook nói.

image
Một số người không muốn rời bỏ mạng vì họ sợ rằng họ có thể để lỡ việc trò chuyện của bạn bè hoặc người quen, hoặc làm sao lãng hình ảnh xã hội đã gây dựng của mình.

"Một việc giải độc mạng thực tế làm giảm sự lo lắng vì khi các thông số là rất rõ ràng thì tất cả những lựa chọn riêng biệt này không còn nữa," bà nói. Sử dụng các công cụ được thiết kế để bạn không vào được mạng, hoặc gỡ bỏ một số ứng dụng trong điện thoại, có thể giúp kiểm soát được việc sử dụng truyền thông của bạn đồng thời hạn chế tác động lo lắng của việc làm này. Do khó nhất là việc rời mạng vào buổi tối, Crook đêm nào cũng không dùng điện thoại sau 10 giờ đêm.

Nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Đối với người sử dụng truyền thông xã hội mong muốn giảm bớt vào mạng thì Hofmann khuyên họ nên xem xét nguyên nhân chính khiến họ vào mạng, và xác định thể loại nào mà họ nghiện xem để chống trả chúng trong tương lai. Việc này có thể khó. Những diễn đàn này có thể thu hút nhiều người để chống sự cô đơn, nhưng người ta bắt đầu thấy đó là sự tương tác giả tạo trên mạng, ông nói.

Thường thì truyền thông xã hội làm cho người sử dụng có cảm giác gần gũi mà không cần phải tương tác trực diện. "Nó đơn giản là một cách để kết nối với những người suy nghĩ giống mình để thấy mình có giá trị," ông nói. Có thể giải pháp sẽ là tìm cách để có thêm nhiều tương tác trực diện để bàn những chủ đề đó, đồng thời cân nhắc chúng trên mạng.

image
Hoàn toàn không vào mạng (ngay cả trong thời gian ngắn, qua cái gọi là giải độc mạng) có thể giúp bạn có được thói quen mới và kiểm soát được sự thôi thúc của mình.

Tự tha thứ cho những thất bại của bản thân cũng có thể có ích. Thay vì tự trách mình thiếu tự chủ, ta hãy thừa nhận rằng nhiều ứng dụng và diễn đàn truyền thông xã hội được thiết kế để dễ gây nghiện và lôi kéo bạn quay trở về khi không thấy bạn lướt xem, thí dụ Facebook và Twitter sẽ gửi email cho những người sử dụng lâu không thấy nhập. Nói cho cùng, biết được những thói quen khó gỡ này là khó lìa bỏ (nhưng không phải là không thể) cũng có thể làm ta mạnh thêm.

"Nhiều khả năng là bạn sắp sửa không thực hiện được cam kết," bà Crook nói. "Nhưng, theo tôi, bạn nên luôn tin rằng việc rời bỏ mạng xã hội là có thể làm được."



Alina Dizik

image 

Về cái chết của ký giả Nguyễn Đạm Phong
Linh mục Nguyễn Viết Chung
Dự luật 'trừng phạt Trung Cộng gây hấn biển Đông'
Thành phố lớn chống ô nhiễm không khí bằng cách nà...
Tranh cãi về 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành
Tại sao tôi phản đối Tom Hayden?
Những bàn tay đã nắm
Lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ
Những nhà máy lay lắt và đô thị không thể ra đời ở...
Những bí mật thú vị của phụ nữ
Chính trường Mỹ sôi động, dân chúng hoang mang
Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại
Xe cũ sẽ bị thu hồi, có khả thi?
Trấn Thành và... Con đường xưa em đi
Tác giả, nhạc sĩ nói về vụ cấm ca khúc trước 1975
Hà Nội và những mảnh đời bám vỉa hè
Làm sao để biết 'tin vịt' dạy cách chữa bệnh
Tại sao ta thấy đau khi quá nóng hoặc lạnh?
Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa
Những bức tranh do tử tù vẽ