Pages

Wednesday, April 27, 2011

"Cuốn Theo Chiều Gió" & 150 năm nội chiến Mỹ

Cuốn Theo Chiều Gió và kỷ niệm 150 năm nội chiến Mỹ
Trong tuần lễ từ 12 tháng Tư, nước Mỹ đã bắt đầu những tiết mục kỷ niệm ngày nội chiến bùng nổ 150 năm trước đây. Cũng vào dịp này cuốn sách và cuốn phim "Gone with The Wind" (Cuốn Theo Chiều Gió) với bối cảnh là cuộc nội chiến đã được những người ái mộ, những "Windies" nhắc nhở đến nhiều, nhất là tại Atlanta và vùng phụ cận, nơi có viện bảo tàng Gone With the Wind.



Clark Gable và Vivien Leigh (vai Rhett Butler và Scarlett O'Hara) trong bộ phim Cuốn theo chiều gió, 1939


Sau khi quân đội miền nam thất trận, tướng Lee nói với các hàng binh dưới quyền ông rằng: "Hãy từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quí vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của nước Mỹ."
Trước rạng đông ngày thứ Ba 12 tháng Tư năm nay, tiếng đại bác nổ rầm trời tại thành Sumter, thuộc hải khẩu Charleston, bang South Carolina, diễn lại cảnh nội chiến bùng nổ cách nay 150 năm.

Đó là một giờ khắc sâu xa nhất của định mệnh trong lịch sử nước Mỹ, và theo nhiều phương diện, đó cũng là giờ phút mà nước Mỹ hiện đại đã hình thành.

Trong suốt nhiều thập niên qua, một số đông dân Mỹ hằng năm vẫn đến đây để chứng kiến việc diễn lại giờ phút lịch sử đó.

Đúng vào 4 giờ 30 phút sáng ngày 12 tháng Tư năm 1861, đại úy George S. James chỉ huy tiểu đoàn pháo binh của quân miền nam hạ lệnh nã đại bác tấn công vào đồn binh của quân miền bắc đóng trong thành.

Trong lúc giờ khắc lịch sử này được diễn lại, ở gần đó một ban kèn đồng tấu bản "When Jesus Wept" (Khi Chúa Ki Tô nhỏ lệ).

Cuộc nội chiến để lại những cảm nghĩ khác nhau trong lòng người dân và những lý giải khác nhau cho những nhà sử học.

Nguyên nhân chính xác của cuộc nội chiến hiện còn trong vòng tranh cãi, một số chuyên gia cho rằng cuộc chiến xoay quanh quyền của các tiểu bang được tách khỏi liên bang. Nhưng những người khác cho rằng 11 tiểu bang miền nam đòi ly khai vì muốn bảo vệ chế độ nô lệ mà Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln thời đó muốn bãi bỏ.

Ngày đó kinh tế miền nam nặng về nông nghiệp. Nô lệ là lực lượng lao động quan yếu để làm việc trên những đồn điền rộng lớn trồng bông vải và những hoa màu khác, cũng như để giúp việc nhà.

Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm với chừng 600 ngàn người tử vong.

Tướng bại trận miền nam Robert E. Lee đã đầu hàng quân đội miền bắc tại Appomattox, bang Virginia và được phe thắng trận đối xử với tất cả cung cách hết sức kính trọng.

Người ta vẫn thường nhớ đến những câu chuyện được thuật lại trong sử sách về quyết định khó khăn của tướng Robert E. Lee khi ông từ chối lời mời giữ quyền chỉ huy trong quân đội miền bắc để chọn phục vụ cho miền nam vì quê quán ông ở Virginia, một bang miền nam, cùng những câu chuyện về đức khiêm tốn của ông trước những chiến tích lừng lẫy cũng như những thất bại mà ông trải qua. Sau khi quân đội miền nam thất trận, ông nói với các hàng binh dưới quyền ông rằng: "Hãy từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quí vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của nước Mỹ."

Những gì mà vị tướng lãnh này đạt được nhưng lại ít được người Mỹ biết đến là những thành quả trong những năm sau khi cuộc chiến đã tàn. Ông nhận chức Viện trưởng một viện đại học nghèo đang bên bờ vực khánh tận, đại học WashingtonLexington, bang Virginia. Ở chức vụ này, ông không nhấn mạnh đến những môn học từ chương, cổ điển nữa, mà chú trọng nhiều đến việc giảng dạy cho sinh viên những kỹ năng thực tiễn để có thể giúp tái thiết miền nam.

Chương trình đầu tiên của nước Mỹ giảng dạy về ngành báo chí được đem áp dụng ở đại học này là một thí dụ điển hình. Các lớp dạy về kinh doanh, khoa học và nông nghiệp là những thí dụ kế tiếp. Được đặt tên là "Washington and Lee University," giờ đây trường đại học tư và nhỏ này phát triển thật tốt đẹp.

Cũng liên quan đến cuộc nội chiến nam bắc kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865, 75 năm sau, nhà văn miền nam Margaret Mitchell đã cho ra đời cuốn "Gone with the Wind" (Cuốn Theo Chiều Gió). Đây là một tiểu thuyết lồng trong bối cảnh trước, trong và sau cuộc nội chiến với mối tình ảo tưởng và vô vọng của nhân vật chính Scarlett O'Hara, một cô gái đẹp tuyệt, con nhà trưởng giả miền nam trước khi chiến tranh bùng nổ và một hôn nhân đổ vỡ với  người chồng, khi cô nhận thức được thực tế là cô yêu chồng, Rhett Butler, vào lúc mà Rhett Butler không còn kiên nhẫn để chịu đựng cuộc hôn nhân trong đó người vợ ôm một ảo tưởng về một người đàn ông khác. Rhett Butler là một thương nhân miền nam từng trải, giàu có, lanh lợi nhưng bị người miền nam khinh thường vì đã "vượt rào" làm ăn với miền bắc. Điểm chính mà tác giả muốn nêu bật là ý chí sắt đá của con người thắng vượt mọi nghịch cảnh để vươn lên từ những lầm lỡ và hoang tàn đổ nát. Cuốn tiểu thuyết của Margaret Mitchell ra đời năm 1936 và tức khắc chinh phục được độc giả không những tại nước Mỹ mà còn khắp thế giới. Vào năm 1946, tức là 10 năm sau, cuốn tiểu thuyết này đã bán được gần 4 triệu ấn bản, đến năm 1965 số bán lên đến 10 triệu chỉ nội ở nước Mỹ không thôi. Gone with the Wind còn được dịch ra 25 ngôn ngữ ở 29 quốc gia.

Không những thế, 3 năm sau khi được xuất bản, Gone with the Wind đã được quay thành phim, gần như đây là cuốn phim màu technicolor đầu tiên của điện ảnh Hoa Kỳ, và chiếm được 10 giải Oscar, làm say mê khán giả khắp năm châu với hai diễn viên gạo cội Clark Gable và Vivien Leigh. Cuốn phim được chiếu ra mắt tại thành phố Atlanta, bang Georgia, quê hương của Margaret Mitchell và cũng là thành phố lớn của miền nam từng bị thiêu rụi trong cuộc nội chiến.

Cho đến nay, du khách đến viếng Atlanta thường ghé xem viện bảo tàng Gone with the Wind tại Marietta, cách Atlanta chừng 25 kilomét, trưng bày những tài liệu, vật dụng liên quan đến cuốn phim Gone with the Wind.

Sự thành công của cuốn tiểu thuyết cũng như cuốn phim là một niềm hãnh diện cho người dân miền nam, nhất là cư dân tại Atlanta. Cho tới nay vẫn còn một số khá đông người say mê cuốn tiểu thuyết và cuốn phim, họ thích những trang phục, cách bài trí của miền nam thời đó được thể hiện trong cuốn phim, rồi họ lập ra những hội để gặp gỡ nhau, để khoác lên người chiếc áo mà nhân vật Scarlett đã mặc trong phim, diễn lại một số cảnh trong phim, trần thiết nhà cửa theo như căn nhà của đồn điền miền nam trong phim; người ái mộ như thế được gọi là "Windy". Những chi tiết mới nào về cuốn tiểu thuyết hay cuốn phim được tiết lộ đều được họ quí như vàng. Trong những dịp hội họp của các "Windies", người ta thấy những diễn viên từng có mặt trong cuốn phim Gone with the Wind xuất hiện để tham gia và ký tặng. Hầu hết các diễn viên chính trong phim đã qua đời, những người xuất hiện là những vai phụ còn rất nhỏ khi đóng phim. Cô bé 4 tuổi, diễn viên Cammie King Conlon, thủ vai con gái nhỏ của Rhett Butler và Scarlett O'Hara, cũng đã qua đời năm ngoái, thọ 76 tuổi.

Hiện nay chỉ còn một diễn viên quan trọng trong phim còn sống là Olivia de Havilland, từng đóng vai người vợ hiền Melanie của Ashley, mối tình vô vọng của Scarlett O'Hara. Người ta không thấy bà xuất hiện tại những buổi hội họp của các "Windies" vì hiện bà sống ở Paris và năm nay đã 94 tuổi.

Lan Phương

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.