Pages

Tuesday, May 24, 2011

Những cảnh đời người Việt homeless tại Little Saigon



image

BaoMai

Các cán sự xã hội Quận Cam trong một lần tiếp xúc homeless tại Little Saigon. Từ trái: Lance Lindgren, Mark Nguyễn (trực thuộc P.E.R.T.), đang nói chuyện cùng “Anh Ba,” một homeless Việt Nam.

image

Những ngôi nhà trong các lùm cây

WESTMINSTER, California - Ðó là một thế giới bình thường, của một nhóm người bình thường, như tất cả chúng ta. Bởi vì, cái thực tế “homeless,” hay “vô gia cư,” chẳng phải là một điều gì bất bình thường. Ðiều duy nhất khác nhau, giữa những người ngủ ngoài đường, và những người ngủ trong nhà, là trong khi một nhóm người cứ cùng nhau thẳng tiến trong cuộc sống, nhóm kia bị mắc kẹt lại đâu đó trong cuộc đời họ.

Và gánh nặng sẽ đặt nặng trên vai họ. Chính họ, không phải ai khác, sẽ quyết định có “đi” tiếp hay không, và đi đến đâu, trong cuộc sống!

Ðối với chúng ta, họ sẽ là một thế giới rất “lạ,” cho đến khi chúng ta, những con người được xem là “bình thường,” bước vào thế giới ấy. Sự hiểu biết lẫn nhau khiến chúng ta giật mình: phản ứng và hành xử của con người trước và trong hoàn cảnh bao giờ cũng giống nhau. Phản ứng ấy không phân biệt một con người đang sống trong nhà hay một con người đang sống nơi lề đường.

image

Trước hết, hãy cùng nhau thừa nhận một điều: homeless không phải là một cái tội; homeless không phải là một tình trạng bất hợp pháp. Sẽ chẳng một ai bị bắt, bị truy tố, hay bị bỏ tù vì “tội homeless” cả.

Là người không có nơi cư trú cố định; hoặc sống trong motel; hoặc bị đuổi khỏi nơi đang cư trú và không thể tìm được một nơi cư trú mới; hoặc đang sống tại các địa điểm không được thiết kế cho một cuộc sống bình thường (như xe, garage, công viên, nhà bỏ hoang...) Một người được xem là homeless thường xuyên nếu người ấy bị tàn tật, hoặc tâm thần, hoặc nghiện ngập... và lâm vào tình trạng vô gia cư liên tiếp tối thiểu một năm; hoặc lâm vào tình trạng vô gia cư tối thiểu bốn lần trong ba năm.

Homeless, đơn giản là không có nhà!

image

Không có nhà, điều này không đồng nghĩa với việc một con người không đi ngủ. Chính cái chuyện ngủ nghê sinh ra lắm điều phiền toái. Và hệ quả pháp lý tất yếu của một homeless là... ngủ ngoài đường.
“Homeless là một tình trạng. Tình trạng không có nơi ở.” Sĩ Quan Cảnh Sát Dave Bridgewaters, thuộc Sở Cảnh Sát Westminster, nói với Người Việt. “Luật không cấm homeless, nhưng luật cấm cắm trại nơi công cộng.” Bridgewaters cho biết. “Mà homeless dựng lều, hay mang mền gối ngủ ngoài đường thì xem như phạm luật.”

Cứ mỗi một lần cảnh sát đi tuần, một homeless, nếu bị bắt gặp ngủ ngoài đường, tức nơi công cộng, sẽ bị cho một giấy phạt (ticket) trị giá khoảng trăm đồng. Mà cái định nghĩa “nơi công cộng” nhiều khi cũng rất oái oăm cho những cảnh đời homeless. Cùng Bridgewaters và Lance Lindgren, một nhân viên Sở Xã Hội Quận Cam, chúng tôi lê la khắp hang cùng ngõ hẻm Little Saigon trong một buổi tối đầu Tháng Bảy. Những “nơi công cộng” mà giới homeless Việt Nam chấm điểm là những lùm cây thấp trong các khu chợ búa hay phía sau các cơ sở làm ăn. Vào buổi tối, đi xe, thậm chí đi bộ, ngang các lùm cây ấy, sẽ chẳng một ai biết được phía bên trong là “nhà” của một homeless. Ðiều bất hạnh, cho dù ngủ trong lùm cây kín đáo ấy, cái lùm cây lại thuộc về nơi công cộng, người homeless đương nhiên bị xem là “cắm trại nơi đông người.”

image

Ngay phía sau một cơ sở làm ăn của người Việt Nam trên đường Dillow, đoạn cắt ngang Bolsa, chúng tôi gặp một nhóm homeless đang ngồi tụm năm tụm ba. “Hi guys!” Bridgewaters lên tiếng trước. Nhóm homeless chào lại. Hóa ra, họ “quen” nhau từ nhiều năm qua. Bridgewaters là một sĩ quan cảnh sát được giao nhiệm vụ đặc biệt lo về homeless tại địa phương từ nhiều năm nay. Ông nhẵn mặt và biết tên từng “partner” của mình.

Sơn Phan, 33 tuổi, qua Mỹ từ năm 1991, cho biết: “Tôi homeless sau một thời gian ở tù vì hút.” Sơn hút xì ke nhưng đã bỏ từ lâu. Là con lai duy nhất trong một gia đình 4 anh chị em, Sơn cho biết anh quê Sóc Trăng, và tìm đến nhóm homeless này vì “thấy anh em thì mình đến chơi, làm quen, rồi nhập bọn.” Sơn có nghề sửa xe. Anh cho biết sẽ cố gắng tìm việc làm, chứ “sống như vầy không khá.”

Một người khác, ngồi cùng nhóm, tự xưng tên Mike, cho biết anh “đến chơi chung với bạn bè chứ bản thân không phải homeless.” Mike cho biết anh có nhà cửa, vợ con nhưng thích đi chơi. Quay sang Lance: “Rất có thể Mike không phải homeless. Nhìn anh ta xem: cạo râu sạch sẽ, mặc đồ và ăn nói... đàng hoàng.”
Bridgewaters cho biết cảnh sát không phải lúc nào cũng đi tuần để bắt homeless. “Cảnh sát ra quân khi City Counsel chỉ thị phải làm, hoặc khi các chủ doanh nghiệp phàn nàn nhiều quá.” Cảnh Sát Bridgewaters cho biết rằng đi tuần phạt ticket chỉ được thực hiện mỗi khi bị “pressure.” Ông nói thêm, mỗi homeless, sau khi nhận ticket, phải ra tòa để trả tiền. Thường thường, ít khi homeless trả tiền, đơn giản vì không có tiền. Trong trường hợp đó, “đương sự” sẽ vào tù chừng vài ngày đến một tuần. “Ra tù,” Bridgewaters tiết lộ, “đâu cũng vào đấy. Họ sẽ trở lại chỗ cũ.”

Lance, một chuyên viên tâm thần của Sở Y Tế, làm việc cho Psychiatric Emergency Response Team, cho biết anh được cơ quan cử xuống làm việc chung với Sở Cảnh Sát Westminster. Ðối với Lance, những người homeless là khách hàng của anh. Nhiệm vụ của Lance là tìm hiểu những người homeless bị tâm thần. Rất nhiều lần, anh vào trong tù, tìm những homeless tâm thần mang ra ngoài. Lance quan niệm Sở Y Tế như một doanh nghiệp mà khách hàng là homeless. “Nếu các bạn muốn chụp hình, các bạn phải xin phép những người homeless. Và tôi khuyên các bạn đừng chụp hình rõ mặt những khách hàng của tôi.”

Nhìn xung quanh “nơi ăn chốn ở” của nhóm người homeless sau đường Dillow, chúng tôi thấy một số chai bia đã uống xong được vất trong các lùm cây. Phía trên trần của mái hiên nhà là một số nồi niêu xoong chảo. Bridgewaters cho biết rằng các homeless Việt Nam thường “trang bị” đồ nấu nướng; và đặc biệt rất thích uống bia. Theo kinh nghiệm của mình, Bridgewaters nhận định: “Mỗi nhóm homeless có những đặc tính riêng. Homeless Spanish và da trắng rất thích hình khỏa thân và rượu. Trong khi đó, homeless Việt Nam thích thực phẩm, bia và... báo Việt ngữ.”

image

Trong bốn lần đi tìm homeless, gồm 3 buổi tại Little Saigon và 1 buổi trên đường Bolsa gần Hoover, nơi có đường xe lửa, được xem là ngoài Little Saigon, chúng tôi nhận ra rằng giới homeless không có khái niệm “lãnh địa,” tức là theo băng nhóm và khu vực riêng. Thường thường, mỗi homeless có một hoàn cảnh riêng. Bản chất của họ lương thiện. Do đó, cho dù tụm năm tụm ba theo nhóm, tính chất của họ không phải băng đảng. Bridgewaters cho biết vẫn có một số homeless Việt Nam buổi tối ngủ chung khu vực homeless không phải Việt Nam.

Một trong các lý do khiến Việt Nam về với Việt Nam, Mỹ về với Mỹ và Spanish về với Spanish là vì văn hóa chung. Những người cùng văn hóa, cùng hoàn cảnh thường dễ tìm về với nhau hơn.

Trong các chuyến tuần tiễu, Bridgewaters cho biết ông ít khi hỏi ID của homeless. “Ðiều đầu tiên mà họ muốn giấu là... ID. Ðơn giản vì ID tiết lộ nhiều điều về nhân thân.”

Về mặt tinh thần, giới homeless có thể được phân thành hai thành phần: những người tỉnh táo và những người mắc những triệu chứng tâm thần.

image

Lee Nguyễn, một homeless thường trực tại khu chợ ABC trên đường Bolsa, góc Magnolia, Westminster, California. Lee, gốc Nha Trang nhưng sinh tại Ðà Lạt năm 1963, qua Mỹ từ năm 1990.

Gặp Lee Nguyễn, một homeless lâu đời trong khu chợ ABC, Lee cho biết “Tôi đâu có thất nghiệp. Tôi làm việc cho... chính phủ.” Trong khi nói, Lee đưa tay chỉ lên trời, phát biểu: “Bây giờ chính phủ làm việc bằng computer không hà. Khi tôi ngồi đây, tôi đang làm việc, tôi làm việc bằng... voice.” Lee cho biết tháng này anh chưa được... lãnh lương. Thường thì, theo anh, chính phủ vẫn trả lương cho anh đều đặn bằng cách cho người mang đến đưa tận tay. Lee Nguyễn, gốc Nha Trang nhưng sinh tại Ðà Lạt năm 1963, qua Mỹ từ năm 1990. Lúc đầu anh ở tiểu bang Iowa, sau đó về California, để lại vợ ở Kansas City. Anh nói: “Từ hồi qua California đến giờ tôi chưa gặp lại vợ, vì “chương trình làm việc chưa... cho phép.” Lee không bao giờ tắm rửa, nhưng dùng “chemical để clean up.” Anh cho biết thêm, để trau giồi tiếng Việt, anh thường đọc kinh. Mặc dầu “làm việc cho chính phủ,” Lee vẫn bị “ticket” như thường. Anh cho biết đã bị giấy phạt vài lần nhưng không trả. Ngay trước mặt, Lee để một nhành hoa giả do chính tay anh nặn từ... giấy báo. “Tôi bán nhành hoa này giá $370. Ðể kiếm thêm, tôi làm hoa giả bán cho bà con.”

image

Joshua Hứa, tên Việt Nam là Quang, một homeless trong khu chợ ABC.

Chỉ cách Lee vài chục thước, cũng trong khu chợ ABC, là “điểm hẹn” của một homeless khác: Joshua Hứa. Có lẽ, Joshua là homeless sang nhất trong giới của mình. Joshua đi xe Jeep màu đỏ, đeo nhiều đồng hồ, thích bánh cuốn và đặc biệt, rất thích... ống dòm. Joshua nói rất nhiều, có khả năng nói không bao giờ ngưng và rất tự hào rằng mình... hát hay. Joshua cho biết tên Việt Nam của anh là Quang, và anh đã từng là một technician, đã từng làm nghề kế toán trong bốn năm. Anh qua Mỹ từ năm 1975, trạm dừng chân đầu tiên là trại Pendleton, nơi anh khẳng định rằng “ông Nguyễn Cao Kỳ cũng có ở đó và ngủ gần cái lều của ông anh tui.” Joshua bị ám ảnh bởi “một cây cung và một cục đá.” Không hiểu cây cung và cục đá có vai trò gì, nhưng chắc chắn, với Joshua, đó là những hình ảnh linh thiêng. Trong lúc nói rất nhanh, và không bao giờ muốn ngưng nói, Joshua đề cập đến nhiều tên gọi mà một người bạn đi cùng cho biết toàn là tên gọi trong Thánh Kinh. Khi chia tay Joshua lúc gần nửa đêm, anh nói nhỏ: “Hôm nay tôi có thể nói nhiều.” “Tại sao?” “Hôm nay trời không có sao. God không biết!”

image

Cuốn sổ ghi chép và giải toán đại số của ông Phan Như, hay ngồi trước nhà hàng Hương Giang trên đường Brookhurst.

Vòng qua khu chợ có Phở 86 và nhà hàng Hương Giang trên đường Brookhurst, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông vào độ trên 50 ngồi trước Hương Giang. Kế bên ông la liệt tàn thuốc lá, một ly cà phê sữa, và đặc biệt là một cuốn sách đại số. Ông tên Phan Như, sinh tại Quảng Ngãi, cho biết trước đây đã từng là homeless nhưng gần đây được tiền SSI nên đã “share” một phòng trong khu mobile home. “Tôi đi homeless được 49 tháng. Bây giờ được SSI một tháng $836 nên thuê nhà ở.” Ông Như cho biết đã từng là một công chức hồi còn ở Việt Nam. “Trước 1975, tôi làm tại Phòng Học Vụ của Cao Ðẳng Nông Lâm Súc.” Ông Như, sinh năm 1951, khi qua Mỹ đã làm nhiều việc khác nhau. Ông đã từng làm nghề điện tử, làm thợ cho một công ty sản xuất ống nhựa, làm cho một tiệm nữ trang. Sau nhiều lần bị sa thải, ông ly dị vợ, hiện đang sống tại Colorado, để về California.
Trường hợp của ông Như nhắc chúng tôi về giải thích của Bridgewaters và Lance: “Ðôi khi, những người bị đẩy vào hoàn cảnh homeless vì những điều rất bất chợt; một lần bị sa thải, một lần cãi nhau với vợ con. Một số khác, do hút xách mà lâm vào thế vô gia cư.”
Ông Như khẳng định một tổ chức quốc tế còn nợ mình một số tiền... $30 triệu. Ông vẫn còn đợi số tiền ấy, và trong khi chờ đợi, mỗi tối, ông ra trước nhà hàng Hương Giang giải toán qua ngày. Trên cuốn vở, chúng tôi thấy nét chữ rất đẹp. Ông Như đang giải những phương trình bậc 3, và cả bậc 4. Nhìn cách ông lấy đạo hàm, tôi đoán ông Như là người có căn bản về toán. Một lần, chiếc xe cũ kỹ của ông bị “tow” vì đậu qua đêm tại một parking lot. Sau 14 ngày không có tiền trả, chủ nhà hàng Hương Giang quyết định cho ông mượn tiền lấy xe ra. Sau khi trả hơn $800, ông Như lấy xe, ít hôm sau, người em của ông từ San José về trả lại số tiền nợ của anh mình.

image

Ông chủ nhà hàng Hương Giang, một người Huế tốt bụng, nói về ông Như: “Ông ấy chỉ hút thuốc, gạt tàn lung tung, ngoài ra chẳng phá phách gì.” Mỗi tối, trước khi đóng cửa nhà hàng ra về, ông “Hương Giang” thường tặng ít tiền cho ông Như. “Thỉnh thoảng có tiền, ông Như vào trong nhà hàng, ngồi đàng hoàng như mọi người. Ăn xong, ông nhất định trả tiền và lưu lại ít tiền tip.”
Ông Như là một trường hợp may mắn. Nhờ có ông Hương Giang và người em trai giúp tiền để có xe chạy. Ða số các homeless đều đi xe đạp. Từ xe hơi chuyển sang xe đạp là cả một quá trình! Lance giải thích rằng, đa số homeless, khởi thủy, đều có xe hơi. Nhưng dần dần về sau, do không có tiền đóng thuế, mua bảo hiểm, hoặc phạm luật bị thâu bằng lái nên bắt buộc chuyển sang xe đạp.

Cảnh sát không “đối đầu” homeless

WESTMINSTER, California - Sĩ Quan Bridgewaters cho biết ông đã trải qua nhiều khóa huấn luyện dành cho người làm việc với homeless, nhất là những homeless bị tâm thần. “Những người ấy thường nghe một thứ âm thanh mà chúng ta không nghe ra.” Bridgewaters giải thích.

Ông nói rằng ông không biết âm thanh ấy có tồn tại hay không, nhưng một thực tế là những người tâm thần khẳng định họ “nghe” được. Những người không có kinh nghiệm, khi gặp những người này, trong lúc nói chuyện lại thấy họ quay sang... không khí nói với một ai đó. “Lúc đầu tôi tưởng họ không tôn trọng mình. Về sau, khi được huấn luyện, các giáo sư cho biết việc nghe những “âm thanh vô thanh” là có thật.” Từ đó Bridgewaters có cái nhìn khác về nhóm người này.

Tuy nhiên, viên cảnh sát cảnh cáo chúng tôi phải cẩn thận khi đứng gần những người nghe “âm thanh vô thanh.” “Bạn sẽ không bao giờ ngờ được sự thay đổi trong suy nghĩ của những người này. Một phút trước, họ có thể là những người hiền nhất thế giới. Và chỉ phút sau đó, họ trở nên vô cùng nguy hiểm. Vì trong đầu họ và trong tai họ là những hình ảnh và âm thanh mà chúng ta không thấy và không nghe được.” Những khi họ đột nhiên trở nên hung dữ, nên hiểu là họ hung dữ với những âm thanh và hình ảnh ấy. Lance giải thích rằng những trường hợp như thế, những người trong nghề như anh, hiểu rằng khách hàng của mình là những người bị bệnh. Trong khi đa số những người khác nghĩ rằng cái con người đang la hét trước mặt mình là một người hung dữ, và vì vậy thường xem họ như một “criminal.”

Trở lại với nhóm homeless trên Dillow, Lance cho biết khi đi cùng cảnh sát, anh không tin những gì homeless nói là thật. “Rất nhiều lần tôi nổi nóng vì ‘khách hàng’ của tôi nói dối tôi.” Lance cho biết. Về sau, chính Lance rút ra kinh nghiệm: “Họ không nói dối tôi, họ nói dối với bộ đồng phục cảnh sát của cảnh sát viên đi cùng. Từ đó tôi không xem vấn đề nói dối là một vấn đề cá nhân nữa. Tôi hết giận!”

image

Một homeless Mỹ, trong tư thế nằm, trả lời những câu hỏi của sĩ quan cảnh sát Dave Bridgewaters và Lance Lindgren

Từ lời nhận xét của Lance, tôi quyết định sẽ làm những cuộc interview độc lập; có nghĩa là không đi cùng cảnh sát. Kết quả có khác thật. Những người homeless tâm sự nhiều hơn, và nói những điều khác với lần tôi đi cùng cảnh sát.
Trong một hẻm tối trên đường McFadden, chúng tôi gặp một homeless đang ngủ say. Lúc ấy đã hơn 10 giờ tối. Cùng Bridgewaters và Lance tiến vào, tôi bất ngờ: hóa ra một homeless... da trắng. Bridgewaters đánh thức ông ta, yêu cầu rút hai tay ra khỏi mền. Người homeless làm theo, nhưng vẫn điềm nhiên nằm tư thế cũ. Trao đổi qua lại, chúng tôi được biết người này có việc làm hẳn hoi. Giọng ngái ngủ, ông nói: “Ngày mai 5 giờ phải dậy đi làm.” Bridgewaters chúc “khách hàng” của mình ngủ ngon rồi đi ra. Tôi hỏi: “Sao ông ấy không ngồi dậy?” “Tại sao phải ngồi dậy?” “Vì ông là... cảnh sát!” Viên cảnh sát lão luyện cười cho biết “không nhất thiết phải bắt ông ta ngồi dậy.” Bridgewaters giải thích: “Phá giấc ngủ là điều không nên. Lại bắt ông ta lấy tay ra khỏi mền, bây giờ lại bắt ông ta ngồi dậy thì thật là không hay.” Bridgewaters kết luận “điều quan trọng là tránh tạo nên tình huống đối đầu. Rõ ràng chẳng cần thiết phải như vậy.” Ông nói thêm rằng mặc dầu vậy, một số cảnh sát viên vẫn chọn phương pháp yêu cầu người homeless ra khỏi... mền.

image

Dave Bridgewaters, vào Tháng Mười này, vừa tròn 23 năm kinh nghiệm làm cảnh sát. Là người được giao làm việc trực tiếp với homeless, ông tỏ ra rất hiểu biết về giới homeless Việt Nam. “Tôi biết từng lùm cây có homeless trong địa phương này.” Bridgewaters nói rằng trước đây Little Saigon không nhiều homeless, về sau, khi cộng đồng Việt Nam phát triển mạnh, homeless Việt Nam kéo về đông hơn. “Một phần vì văn hóa Việt Nam của quý vị.” Bridgewaters nói rằng vì “người Việt Nam hay cho (giving) nên sinh ra homeless. Hơn nữa, văn hóa Việt Nam là tự 'take care' nên mỗi khi va chạm trong gia đình, một người bỏ nhà ra đi và thành... homeless.” Ông kết luận: “Little Saigon là một thành phố trong một thành phố với một lối sống và văn hóa riêng của người Việt Nam. Những người có cùng văn hóa sẽ hội tụ về với nhau.”

image

Lance Lindgren, một “partner” gần gũi của Bridgewater, nói thêm rằng “đôi khi hoàn cảnh sinh ra vô gia cư. Một số người khác lại chọn kiếp sống vô gia cư.” Lance nói rằng Quận Cam có nhiều “shelter” dành cho homeless. Chính anh đã đưa nhiều homeless Việt Nam vào các shelter, nhưng chỉ ít hôm sau lại thấy họ xuất hiện chỗ cũ. “Vào shelter có nơi ăn, chốn ở nhưng người homeless không thích vì muốn tự do, và có thể... uống bia.” Bridgewaters nhận định rằng cuộc sống homeless có quán tính. Có nghĩa là, một khi một người đã “tạo dựng” được một nơi để ngủ và chứa đồ cá nhân, đối với người ấy, đó là nhà. “Nhìn vào đồ đạc, trang bị, có thể biết một người đã đi homeless bao lâu. Ðiều quan trọng là đừng để họ 'established,' tức là định cư quá lâu một chỗ, thành quen.” Ông cho biết một lần nọ cảnh sát tìm giúp gia đình một homeless ở mãi tận Georgia bên miền Ðông. Gia đình gởi một vé máy bay sang và nhờ cảnh sát đưa người homeless ấy lên máy bay về nhà. Mọi chuyện suôn sẻ. Một tuần sau, Bridgewaters thấy người ấy xuất hiện đúng “ngôi nhà” cũ của mình. Hóa ra, người này chấp nhận lên máy bay, bay một mạch về Georgia. Vừa đến nơi, anh ta ra thẳng trạm xe bus Greyhound, đón xe về lại... California. “Nó như cái nhà của mình. Ở lâu, có cảm tình, đi thấy nhớ và nhất định trở lại.”

image

Trong vai trò cảnh sát, đôi khi, quan niệm của Bridgewaters khá “thoáng.” Vòng từ một khu thương mại Việt Nam ra đường Bolsa, đèn xe chúng tôi chiếu sang bên kia đường, có một quán nhậu. Một hình ảnh thật tức cười: một thanh niên sau khi ngà ngà say, đang đứng “câu cá” ngay trên lề đường, mặt xoay vào tường. Viên cảnh sát chĩa đèn pin vào người thanh niên, nói lớn: “Bring it in!” Anh chàng chạy vội vào trong. Tôi làm bộ ngây thơ, hỏi: “Câu cá ngoài đường có bị ticket không?” ông cười, trả lời: “Ðủ yếu tố cho ticket” nhưng ông quyết định thôi, vì “đôi khi những người tốt, rất tốt lại làm một điều xằng bậy!”

Trong khu vực thuộc chi nhánh Bưu Ðiện trên đường Bolsa, chúng tôi gặp một nữ homeless tên Phương Nguyễn. Thoạt đầu, Phương bỏ chạy vì thấy cảnh sát. Khi thấy có nhiều người mặc đồ dân sự đi cùng, Phương có cảm giác không phải một cuộc “ra quân” của cảnh sát nên dừng lại, dáng hơi ngại ngùng. Cô cho biết năm nay đã 27 tuổi. Qua Mỹ từ lúc 4 tuổi và “không biết gì, cũng không nhớ gì về Việt Nam.” Phương, dáng dong dỏng cao, sống với thân phụ. Một ngày nọ, cô cho biết “tham gia đánh lộn ngoài đường, vào tù. Sau khi ở vài tháng, ra tù, cha đã bỏ đi xuyên bang” tự bao giờ. Từ đó, cô đi vào con đường homeless. “Em ăn đồ của bà con cho. Tối ngủ lòng vòng không nhất định.” Phương kể thêm rằng cô đã từng có bạn trai, đã đi học đến lớp Bảy, đã từng làm nghề nhà hàng nhưng “chủ trả thấp quá nên thôi.” Phương cho biết cô đọc được tiếng Việt, hay đọc mục rao vặt Người Việt để kiếm việc làm.

Trước khi kết thúc câu chuyện, Bridgewaters nói với Phương: “Lần sau gặp cảnh sát, cô đừng bỏ chạy. Bởi vì cô không làm gì sai trái cả.” Phương lí nhí: “I am sorry, sir.” Bridgewaters nói với chúng tôi: “Những người homeless hay mặc cảm do bị đối xử không tốt.” Theo ông, đó là điều đáng buồn. Trường hợp của Phương Nguyễn cũng vậy, Bridgewaters cho rằng cô bỏ chạy, một cách không cần thiết, vì sợ.

image

Lúc hơn 9 giờ tối, trong bóng tối nhá nhem của dãy nhà kho trên đường Dillow, chúng tôi thấy lố nhố vài bóng người đang đẩy một chiếc xe dùng để đi chợ, hóa ra là nhóm homeless gặp ban chiều, có cả Sơn Phan và “Anh Ba,” một người đàn ông cao to, cũng là homeless. Họ đang hè nhau đẩy một chiếc xe đi chợ, bên trên chất đầy gỗ và mấy tấm ván lót đồ. Một người trong nhóm, ra dáng thích thú, cho biết: “Chúng tôi đang đi làm! Anh Dzũ cho mấy chục, nhờ dọn giùm mấy cái này.” Hóa ra, anh Dzũ tức doanh gia Trần Dũ, chủ nhân nhiều siêu thị tại Little Saigon. Lance có vẻ thích thú khi thấy những “khách hàng” của mình có việc làm. Ðiều này chứng minh điều anh nói với tôi hồi chiều: “Không có tiền, họ không thể thay đổi được cuộc sống.”

Công việc của Lance, ngoài việc tìm hiểu và giúp đỡ những homeless bị tâm thần, anh thường mang theo quần áo, giầy dép đến cho họ. Lance nói: “Homeless rất cần thẻ xe bus, thẻ thực phẩm, và đặc biệt là... vớ.”
Lance không hiểu tại sao homeless lại rất cần vớ. Anh tin rằng vì trời lạnh, và vì vớ dễ dơ nhất.

“Hãy đi thăm Người Nhìn Mặt Trời!”

image

Ông Lai Phan, biệt danh “Người Nhìn Mặt Trời,” một homeless lâu đời trước tiệm cơm chay Vạn Hạnh trên đường Bolsa

Bridgewaters nói với Lance. Cả hai giải thích với tôi rằng Người Nhìn Mặt Trời là một homeless Việt Nam, trụ trì quanh năm trong khu cơm chay Vạn Hạnh trên Bolsa. Lai Phan, với biệt danh Người Nhìn Mặt Trời, có lẽ là một trong những homeless im lặng nhất. Ông ngồi bên tiệm cơm chay Vạn Hạnh từ năm này qua năm khác, tai lúc nào cũng đeo một dây nghe radio. “Xưa giờ 10 năm rồi không có nhà.” Ông Lai cho biết. Trước 1975, ông Lai ở đường Kỳ Ðồng, Quận 3. Ông qua Mỹ từ năm 1975, lúc mới 21 tuổi. Lúc đầu ông ở Texas, làm nghề “Food To Go,” sau về Minnesota, cuối cùng dọn về California vì “nơi đây đông người Việt Nam.”
“Người Nhìn Mặt Trời” Lai Phan có một cuộc sống “vương giả:” ông, từ nhiều năm nay, chỉ tắm biển mà thôi. “Hai, ba tuần tôi đón xe bus một lần, đi thẳng ra Huntington Beach... tắm biển.” Những ngày không tắm, ông Lai dùng... dầu thơm. Lục trong túi xách, ông rút ra một chai dầu thơm, hiệu Jordache. “Mua ở chợ 99!” Ông Lai đã bị 10 giấy phạt vì ngủ nơi công cộng; cả 10 lần, ông đều không đóng tiền, vào tù 4 ngày lại ra. Thú vui duy nhất của ông bây giờ là “nghe radio để theo dõi tin tức.” Ông Lai là một trong những homeless có vẻ điềm tĩnh nhất khi cảnh sát lại gần. Một phần vì ông đã quen quá với Bridgewaters và Lance, phần khác vì ông tin cảnh sát ở Mỹ tốt hơn ở... Việt Nam. “Ở Việt Nam,” ông nói, chắc nói về Việt Nam trước 1975, “bắt homeless vào trại tế bần. Ở Mỹ ‘cao’ hơn, nói thôi, không bắt.” Ông quả quyết rằng ông không sợ cảnh sát.

Ðược hỏi vì sao, ông Lai nói chậm rãi: “Cảnh sát cũng... thường thôi.”
Mỗi ngày, nhu cầu của ông Lai là... một đồng. “Một đồng bạc là có cơm ăn.” Ông đưa tay chỉ tiệm Vạn Hạnh. Cũng như bao nhiêu người khác, ông mơ ước có tiền, làm giàu. Và ông mua vé số. “Con người trao đổi với nhau bằng tiền. Có tiền thì sẽ có tiền nhiều thêm.” Rồi ông nhìn lại ông, cười cười, nói: “Như tui,... khó giàu.” Thỉnh thoảng, ông Lai mua vé số, và ông tâm nguyện nếu trúng sẽ cúng chùa một ít, còn lại mang gởi vô bank. Thời giờ rảnh, ông dùng để sám hối vì tin rằng con người sống cần có đạo đức.

image

Hoàng Trọng Vũ, một “cựu” homeless, hiện nay rất thỏa mãn với cuộc sống bình thường của mình. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)

Chui xuống gầm xa lộ thăm homeless

WESTMINSTER, California - Ðó là lần đầu tiên tôi được chui xuống gầm một xa lộ! Ngoài trời nắng chang chang, nóng kinh khủng. Nhưng vừa chui xuống bóng mát gầm xa lộ, nhiệt độ giảm hẳn, gió mát hiu hiu. Ðó là gầm xa lộ 405, đoạn song song Bolsa gần Hoover. Ðây là “nhà” của cả một đội quân homeless Mỹ.

image

Vào buổi tối, đi xe, thậm chí đi bộ, ngang các lùm cây này, sẽ chẳng một ai biết được phía bên trong là “nhà” của một homeless.

Một buổi sáng yên tĩnh, không một bóng người, nhưng có bóng dáng của sinh hoạt thường nhật. “Chắc đi làm hết rồi.” Bridgewaters nhận xét. Lance cho biết cuộc sống của homeless, về giờ giấc, cũng từa tựa người thường: tối về “nhà” ngủ, sáng... đi làm. Chúng tôi len lỏi trong các đám cây chạy dọc bức tường xa lộ 405. Lance chỉ một bụi rậm: “Trong đó có homeless.” Anh quả quyết như thế vì thấy đám cỏ xẹp xuống. Leo lên sát gầm cầu xa lộ, chúng tôi quan sát từng ngăn, được ngăn cách bởi các dầm bê tông đỡ xa lộ. Cứ cách vài ngăn lại có một “nhà.” Quan sát một căn nhà vắng chủ: quả có sự khác biệt với homeless Việt Nam. Trong “nhà,” chủ đã sắp xếp ngay ngắn các vật dụng: một cẩm nang đi xe bus, một cuốn sổ tay, một cây viết và một gói thuốc rê hiệu TOP. Có cả nước cam và thực phẩm! Trong góc nhà là một tự điển Webster. Nếu không có tiếng xe vọng từ trên xuống, có lẽ đây là một địa điểm lý tưởng để ngủ trưa vào mùa Hè.


Những đô thị nhiều homeless nhất Hoa Kỳ


image

Detroit: 1.65%
Orange County: 1.17%
Boston: 1.02%
Los Angeles County: 0.92%
San Francisco: 0.84%
King County (Seattle): 0.47%
Santa Clara County: 0.45%
(Tài liệu: Institute for the Study of Homeless and Poverty at the Weingart Center)

Trên con đường dẫn vào khu vực homeless, trên các vách tường, người ta có thể thấy đầy những hình vẽ “graffiti.” Bridgewaters cho biết các hình vẽ nguệch ngoạc này không phải là tác phẩm của homeless. “Mấy tay homeless thường chẳng bao giờ tham gia vào các trò vẽ bậy này.” Ông nói, như đinh đóng cột:

“Mấy tay phá phách và thích vẽ bậy vào mấy chỗ vắng vẻ này để... thi vẽ graffiti.”


image

Trên con đường về lại Little Saigon, chiếc xe đi ngang qua nhiều ngã tư có những người Mỹ đứng ôm bảng “Homeless” để xin tiền. Bridgewaters cho biết ôm bảng đứng giữa đường là phạm luật. Theo luật, một tấm bảng của một cơ sở làm ăn, muốn được trương ra nơi công cộng, phải có giấy phép thành phố.

Người homeless ôm bảng đứng ngoài đường thì chắc chắn không có giấy phép. Ðiều lạ, trong số những người xin tiền ở các ngã tư đường tại Little Saigon, không thấy một người Việt Nam nào cả; toàn là Mỹ. Có người tự xưng là... cựu giáo sư đại học Berkeley, một số khác là cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về chuyện có nên cho tiền những homeless này. Có người cho rằng, đối với những homeless từng là cựu chiến binh tại Việt Nam, người Việt Nam nên giúp đỡ. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do có nhiều homeless Mỹ tại Little Saigon. Có người, ngược lại, phản đối việc cho homeless tiền, vì tin rằng họ không chịu đi làm.

Một người bạn, rất thường dừng xe nơi các ngã tư tại Little Saigon, để... cho tiền homeless, lại có một lý luận rất khác. Anh nói: “Mỗi lần đi ngang ngã tư hay ghé qua cây xăng, tôi hay cho homeless 1 đồng, có khi mua lon bia cho ông già lở lói ngồi cây xăng Shell góc Magnolia và Bolsa.” Anh bạn tôi không nghĩ mình là người tốt bụng, ngược lại, anh nói, “dù mới qua Mỹ hơn 3 năm, tôi luôn cảm thấy mắc nợ mấy người homeless này, đưa chút tiền cho họ là một bổn phận đương nhiên.” Anh bạn tôi giải thích rằng, mấy người homeless đó có khi đã từng đi làm, đóng thuế, chính phủ lấy tiền thuế đó vớt H.O. qua, cho trợ cấp, cho Medical, cho chữa bệnh “chùa,” cho đi học, cho housing, cho tiền già. Anh bạn này cưới con của một H.O. rồi cô vợ bảo lãnh anh qua hồi 2003, anh nghĩ rằng, về “nhân-quả,” sự hiện diện của anh nơi đất Mỹ này, có phần tiền, mồ hôi nước mắt của mấy anh homeless anh hay gặp.

Chỗ thân tình, anh than, có ý như trách:

“Một số người quen của anh, lớn tuổi, hưởng nhiều thứ của nước Mỹ, nhưng mỗi khi con cái chậm xe ở ngã tư để cho tiền homeless, thì cứ bực bội rầy rà.” Anh kết luận: “Nhiều người chỉ thích sự vẻ vang, trọng vọng trong cộng đồng mà không chú ý tới điều nhỏ nhặt; homeless không phải là nơi để thực hành sự tiếng tăm.”

Thành phần homeless tại Quận Cam (2005)
Người già: 14%
Nạn nhận bạo hành trong gia đình: 9%
Thanh, thiếu niên: 7%
Cựu chiến binh: 7%
Phụ nữ đang mang thai: 4%
Người nhiễm AIDS/HIV: 2%
(Tài liệu: InfoLink Orange County, County of Orange Housing and Community Services Department, OC Partnership)


image

Số lượng homeless đang ngày càng gia tăng tại Quận Cam. Theo một thống kê của Trung Tâm Weingart, chuyên nghiên cứu về homeless và nạn nghèo đói, Quận Cam là khu vực có số lượng homeless cao thứ nhì toàn quốc, chỉ sau Detroit, và đứng trên Boston. Riêng tại Little Saigon, theo lời Bridgewaters, “có khoảng 70 homeless, đa số là người Việt Nam.” Theo thống kê của Sở Cảnh Sát Westminster, cứ 307 cú điện thoại gọi vào cảnh sát, hết 186 cú liên quan đến homeless. Một chi tiết thú vị hơn nữa, thành phố Westminster, vào buổi tối, 80% người đi ngoài đường là cư dân đến từ các thành phố lân cận. Lance nói với Người Việt:

“Ðiều khó khăn của những người homeless là không có cơ hội. Ðiều chính yếu là cho họ cơ hội. Và chính họ phải biết tận dụng cơ hội để trở lại cuộc sống bình thường.”

Bridgewaters đồng ý với nhận định ấy, ông nói: “Vấn đề homeless không bao giờ có điểm kết thúc. Ðây là vấn đề muôn thuở.” Và ông thêm rằng, chẳng ai cho ai con cá, điều quan trọng là dạy người ta câu cá, và cho người ta cần câu. Ý Bridgewaters, và cả Lance, giống nhau: để trở lại cuộc sống bình thường, chính cá nhân mỗi homeless phải tự cố gắng. Sơn Phan, người homeless 33 tuổi đã được đề cập, cũng thừa nhận điều ấy: “Sống như vậy không khá!”

image

Sơn biết chắc chắn như vậy, và Sơn đã cố gắng để khá hơn. Chúng tôi trở lại gặp Sơn vào một ngày giữa Tháng Mười, trông anh có vẻ tươi tỉnh và tự tin hơn. Sơn, ngồi chung với 4 người bạn khác, cho biết anh vừa tìm được việc làm hôm qua, tại một tiệm sửa xe. “Tuần sau sẽ đi mướn nhà. Có nhà là có tất cả.” Sơn mãn nguyện.

image

Có nhà là có tất cả! Thật vậy, cái nguyên tắc căn bản để một người được xem là sống “bình thường,” là “Foods, Clothes, and Shelter:” đồ ăn, quần áo và nơi để ngủ. “Hồi tôi đi homeless lần đầu, người ta dạy tôi muốn thoát khỏi homeless phải biết tự lo liệu ba điều: đồ ăn, quần áo và nơi ngủ.” Anh Hoàng Trọng Vũ, 48 tuổi, một “cựu” homeless giải thích. Anh Vũ, trông dáng rất đẹp so với tuổi 48, nụ cười rất hiền, ngồi trước quán Kang Lạc trên đường Bolsa, nói chuyện với chúng tôi về khoảng thời gian 2 năm vô gia cư của anh.

Hoàng Trọng Vũ không uống bia, chỉ hút thuốc lá. Nhớ về những ngày đi lang thang, Vũ nói, rất chững chạc và rất đàn anh:

“Không bao giờ nên ra đường sống. Mất hết tuổi trẻ thôi.”

Vũ hiện đang phải uống thuốc an thần, anh cho biết. “Hồi trước, lúc nào cũng nghe tiếng o, o, o... trong đầu.” Khi được bác sĩ chứng nhận tình trạng sức khỏe, Vũ được cho vào “bording house,” và được chu cấp thuốc uống liên tục. Uống thuốc đều, Vũ thấy người trở lại bình thường, từ đó sinh ra “đi chơi liên tục. Mà bác sĩ và quản lý bording house cũng chẳng phàn nàn chuyện tôi đi sớm về trễ. Chắc họ nghĩ Hoàng Trọng Vũ còn đi chơi được là... còn khỏe.” Anh cười thật tươi. Mỗi ngày Vũ hít đất 200 cái. Khi khỏe, tăng lên 300. Vũ không uống bia, chỉ hút thuốc lá. Nhớ về những ngày đi lang thang, Vũ nói, rất chững chạc và rất đàn anh: “Không bao giờ nên ra đường sống. Mất hết tuổi trẻ thôi.”

Theo Vũ, ra đường là điều chẳng đặng đừng, một số người trẻ tuổi ỷ lại vào sức khỏe, cứ sống lang thang. “Ðến khi giật mình nhìn lại thì đã già.”
Bây giờ, Vũ ra nhà hàng Kang Lạc là để tránh việc “ở nhà nhiều quá, ngủ nhiều sẽ bị sleeping disorder.” Anh đến ngồi trước Kang Lạc, làm quen với mấy người làm tại đây. Một thanh niên làm việc tại Kang Lạc, có vẻ thân với Vũ, cho biết “Anh ấy chỉ ngồi đó thôi, không phá phách gì hết.” Rồi anh chỉ tay vào bộ đồ Vũ đang mặc, chọc quê: “Chơi hàng hiệu hẳn hoi.”

Bao nhiêu người sẽ may mắn như Sơn Phan và Hoàng Trọng Vũ? Bao nhiêu người sẽ có nhà ở, hoặc có việc làm và sẽ đi mướn nhà? Câu chuyện của Sơn và Vũ cho thấy những may mắn ấy, thật ra, tùy thuộc vào chính người homeless.

Bridgewaters đã nói: “Ðừng để họ đi homeless lâu quá. Ðừng để họ established.”

Ngồi chung với Sơn Phan trong một con hẻm tối om om sau lưng tiệm “7-Eleven” ngay góc Magnolia và Bolsa, Trần Quang Bình, 33 tuổi, chỉ vừa “bước vào cuộc đời homeless được một tháng.” Trước khi mở đầu câu chuyện, Bình nói ngay:

“Em muốn đi rehab.” Hóa ra, Bình chơi xì ke. “Em chơi xì ke, có problems với vợ nên bỏ nhà ra đi. Bây giờ em muốn đi cai.”

Bình, qua Mỹ năm 1989, đã học trung học tại Mỹ, đã làm người bán furniture trong 5, 6 năm. Bình có vẻ hối hận về chuyện hút xách của mình. Anh cho biết anh không còn hy vọng về lại với vợ, nhưng chắc chắn sẽ đi cai. Khi Bình lâm vào cuộc sống homeless, bố mẹ anh ở tiểu bang khác chưa biết gì về việc này! Cuộc sống của Bình bây giờ, giống như tất cả các homeless khác: sống nhờ vào đồng hương, không có chỗ tắm rửa nên “ở dơ luôn,” ngủ ngoài đường, bị giấy phạt và chẳng bao giờ trả tiền phạt.

Bình trái ngược hẳn với Sơn. Trong khi Bình trông lúng túng, mang cái vẻ của người mới sa cơ, Sơn ngồi vắt vẻo trên một thùng rác, dáng tự tin: “Có việc làm, mướn được cái phòng là thoát!” Anh nhấn mạnh chữ “thoát.” Tức là thoát khỏi kiếp homeless. Tôi hỏi anh có happy không. Anh trả lời ngắn gọn: “Bắt buộc!”


image

Chỉ ba tháng trước đó, tâm trạng của Sơn giống hệt Bình. Ba tháng trước, Sơn ngồi bệt dưới đất trên vỉa hè đường Dillow, trông cũng “sa cơ” như Bình bây giờ. Lúc ấy, Sơn nói anh sẽ đi kiếm việc làm. Nhưng cái kẹt của Sơn, là “bộ vó.” Anh nói: “Trông tướng tá như thế này ai cho việc làm.” Cán sự xã hội Lance, lúc đó hỏi tôi: “Sơn mang giầy số mấy?” Hóa ra, Lance hiểu được hoàn cảnh của Sơn. Anh muốn Sơn trông tươm tất hơn, để dễ tìm việc làm hơn!


Thiện Giao & Nhơn Thành


1 comment:

  1. Toi co mot dua chau trai ten MAI HOANG VU nam nay cung 48 tuoi vuot bien ngay 8-3-1985, den nay khg tin tuc .Nay doc duoc tin nguoi Homelessco ten HOANG TRONG VU cung cung ten va 48 tuoi o trang tin nay .Mong duoc tim hieu them de biet duoc thong tin ro hon .Xin qui vi vui long giup do , gia dinh chung toi rat mang on .
    Tran trong kinh chao.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.