Pages

Wednesday, June 22, 2011

Câu chuyện trẻ lai ở Đông Dương thuộc địa

image


Trong một hành động tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã chia lìa các gia đình hai chủng tộc, và cách ly những người mẹ Việt, Lào và Campuchia khỏi con của họ.

image

Trẻ lai được sắp chỗ ngồi không chỉ theo tuổi mà theo cả làn da, màu tóc
Chính quyền thực dân Pháp rất quan tâm đến những trẻ em lai của thuộc địa, đặc biệt những trẻ có mẹ người Đông Nam Á và bố người da trắng, da đen, hoặc gốc Ấn – nhiều người vốn là lính lê dương Pháp. Trong nhiều trường hợp và vì nhiều lý do – qua đời, ly dị, chuyện tình chấm dứt, quay lại Pháp, hoặc vì đứa con là kết quả của vụ hãm hiếp – người cha để con lại cho các bà mẹ người Việt, Campuchia, hay Lào.
Các quan chức Pháp - viện dẫn luật của Pháp năm 1889 về tội từ bỏ trẻ em, và nói việc để trẻ lớn lên ở Đông Nam Á ngang bằng việc bỏ bê các em – tìm cách giữ lại các bé lai “bị bỏ rơi”. Từ khoảng 1890 đến 1956, các viên chức dân sự, quân sự và chính phủ Pháp tiến hành tìm kiếm các em bé này ở vùng nông thôn Việt Nam, Lào và Campuchia. Cảnh sát tách các em khỏi mẹ, rồi đưa vào trại mồ côi nhà nước để trở thành, như lời một nhà quản lý Pháp, “những người Pháp nhỏ”.

Vũ lực

Người Pháp có nhiều giải thích cho hành động của họ, mà phổ biến nhất là xem các bà mẹ người Việt, Campuchia và Lào có đạo đức thấp kém.
Một số bà mẹ chạy trốn trước khi nhà chức trách kéo đến làng. Có những người lại không trốn, và giới chức phát chút tiền cho những bà mẹ đồng ý trao con. (Nếu đứa trẻ vẫn trong giai đoạn bú mẹ, nhà chức trách cho họ tiền với thỏa thuận rằng nhà nước sẽ kiểm soát nhà và lấy đi đứa trẻ ngay khi nó thôi bú mẹ.) Những người mẹ chấp nhận thường là xuất phát từ sự khó khăn tài chính và những hứa hẹn đổi đời và nền giáo dục Pháp cho con. Trong những trường hợp khác, người Pháp dùng vũ lực cướp đứa trẻ khỏi mẹ. Mặc dù không thể có thống kê chính xác, nghiên cứu của tôi trong kho tài liệu Pháp và Việt Nam cho thấy trong thời kỳ thuộc địa, hàng chục ngàn phụ nữ Việt, Campuchia và Lào đã bị tách lìa khỏi con. Nhiều người không bao giờ còn nhìn thấy con của họ nữa.
Người Pháp có nhiều giải thích cho hành động của họ, mà phổ biến nhất là xem các bà mẹ người Việt, Campuchia và Lào có đạo đức thấp kém. Đánh đồng bản sắc Pháp với đạo đức, giới chức lấy bằng chứng là các em không được thụ hưởng nền giáo dục và ngôn ngữ Pháp. Chuyện phụ nữ quan hệ với người khác chủng tộc còn bị xem là bằng chứng lang chạ hoặc bán dâm – cho dù nhiều cô gái đã yêu, thậm chí kết hôn với lính Pháp hoặc lính lê dương, và nhiều người có thai sau khi bị cưỡng hiếp. Dĩ nhiên một số người mẹ là gái bán dâm, nhưng nghề của họ không ngăn cản họ yêu thương con mình trong lúc cố gắng sống còn. Có một số trường hợp bỏ bê con cái, nhưng hồ sơ, trong phần lớn sự vụ, vẽ nên bức tranh về những người mẹ lo lắng cho hạnh phúc của con.

Trong các trại mồ côi nhà nước, văn hóa Việt, Lào, Campuchia của các em sẽ bị xóa đi. Các em được dạy ngôn ngữ và văn hóa Pháp, cùng những kỹ năng giúp các em tìm việc làm và kết hôn. Thực tế, mục tiêu tối hậu của các trại này là chuyển hóa trẻ lai thành những phụ nữ, đàn ông Pháp, là thành viên đóng góp kinh tế cho xã hội thuộc địa Pháp và là thần dân thuộc địa trung thành. Các văn bản thực dân Pháp cho thấy, những “người Pháp nhỏ” này rồi sẽ là một phần của “dân số thuộc địa Pháp lâu dài”, làm bớt lo ngại rằng dân số thực dân Pháp tại Đông Dương đang tụt giảm.

Nguyên do

image
Một trại mồ côi ở Hải Phòng

Có bốn lý do khiến viên chức Pháp và chính quyền thuộc địa dành nhiều công sức để lấy đi các em bé lai. Trước hết, người Pháp tin rằng các em – đặc biệt những người có vóc dáng “da trắng” – là đe dọa tiềm ẩn cho uy tín da trắng và trật tự thuộc địa. Nếu các em gái dính vào mại dâm và quan hệ tình dục với đàn ông châu Á, điều đó sẽ làm các công dân da trắng bẽ mặt. Nếu những người con trai tham gia hoạt động chống thực dân, nó sẽ khiến uy quyền của người Pháp bị nghi ngờ.

Lý do thứ hai: là vì chính quyền thực dân Pháp nghi rằng các em này dễ tiêm nhiễm ảnh hưởng chống thực dân. Có gốc châu Âu nhưng bị luật pháp xếp vào “thần dân” thuộc địa hay “người được bảo hộ”, các em có thể trông đợi những đặc quyền mình không được hưởng, và rồi sẽ nổi loạn chống chính quyền thực dân. Nỗi lo của người Pháp gia tăng năm 1931 khi có tin đồn Hoàng thân Cường Để kêu gọi những người mang hai dòng máu tham gia phong trào chống thực dân.

Lý do thứ ba: những nhà cai trị muốn tăng dân số người định cư da trắng (hoặc trông có vẻ da trắng). Tin rằng trẻ em lai đóng vai trò quan trọng cho sự có mặt của Pháp tại thuộc địa, giới chức đặc biệt kiếm tìm những em có vóc dáng da trắng để tăng dân số Pháp và củng cố quyền lực Pháp.

Cuối cùng, trong những năm cuối của chế độ Pháp, giới chức quân đội cũng lấy đi những trẻ mang dòng máu nửa Á nửa Phi hoặc Ấn – những em không có gốc da trắng Pháp – vì họ tin rằng nếu các em còn có mặt ở Đông Dương, thì đó sẽ nhắc người ta nhớ về thất bại của quân Pháp ở Đông Dương và có thể làm bẽ mặt đế chế thuộc địa Pháp.

Theo sau Hiệp định Geneva 1954, những quan chức cuối cùng của chính quyền thuộc địa Pháp rời khỏi Việt Nam, Campuchia và Lào năm 1956 – thời điểm quân Pháp di tản phần lớn trẻ lai sang Pháp. Một số người mẹ thực tế yêu cầu việc di tản vì tin rằng con của họ sẽ có tương lai tươi sáng hơn ở Pháp. Có những người thì không cho chính quyền Pháp đưa con họ ra khỏi Việt Nam. Một số trẻ em lại tự trốn khỏi các trại mồ côi và vì thế không đến Pháp.

Ngày nay, đa số các trẻ được đưa tới Pháp đã là những người trưởng thành có giáo dục tốt, hòa nhập vào dân số Pháp. Nhiều người kết hôn với các đàn ông, phụ nữ Pháp, trở thành bác sĩ, y tá, luật sư, nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ có tài. Nhiều người vẫn nói tiếng Việt, cho dù phần lớn từ vựng của họ không thay đổi từ thời thuộc địa và vì thế là sự nhắc nhở hoàn cảnh ra đi khỏi Việt Nam của họ. Có những người mẹ sau này di cư sang Pháp và tìm thấy con, trong khi một số trẻ khi đã lớn, lại đi thăm Việt Nam, Campuchia hay Lào để tìm gia đình.

Đa số trẻ lai nay đã lớn vẫn không biết về hoàn cảnh khiến họ bị tách khỏi mẹ. Chính phủ Pháp và những cựu viên chức thuộc địa không tham dự thảo luận công khai về việc tước đoạt trẻ lai khỏi mẹ trong thời thuộc địa. Một viên chức đã già mà tôi gặp, từng làm ở các trại trẻ mồ côi ở Lào, vẫn khẳng định việc tách mẹ khỏi con là tốt cho nhà nước thuộc địa Pháp và cho hạnh phúc của các em.

Đạo lý

Câu chuyện về những trẻ em lai bị bỏ rơi ở Việt Nam thuộc địa không chỉ là một mẩu quan trọng của lịch sử Việt Nam, Campuchia và Lào mà còn là một mẩu lịch sử quan trọng của Pháp và lịch sử chủ nghĩa thực dân.
Pháp không phải là nước duy nhất đã tách trẻ khỏi mẹ. Ví dụ, các chính phủ thực dân của Mỹ, Canada và Úc cũng cách ly trẻ lai và trẻ thổ dân khỏi gia đình và văn hóa nhằm ngăn cản cái bị xem là đe dọa tương lai cho chính quyền thuộc địa. Trẻ em có một bố/mẹ là thổ dân Mỹ, Canada hay Úc bị đưa tới các trường nội trú hay trại mồ côi. Tại đó, họ được giáo dục theo văn hóa thực dân và theo kế hoạch, được dạy dỗ để trung thành với chính quyền, tương tự trải nghiệm của trẻ lai ở Đông Dương thuộc địa.

Là những người học sử, chúng ta phải đặt câu hỏi về đạo lý của việc tước trẻ khỏi tay mẹ, dù hoàn cảnh ra đời của các em có thế nào. Bằng chứng tôi có từ dữ liệu cá nhân của hơn 1000 trẻ lai cho thấy đa số người mẹ rất lo lắng cho con họ. Không phải người phụ nữ nào quan hệ luyến ái với ngoại nhân đều giống hình ảnh người phụ nữ tham tiền, lạnh lùng như trong truyện kinh điển “Kỹ nghệ lấy Tây” của Vũ Trọng Phụng. Trong nhiều trường hợp, những người mẹ này yêu người đàn ông Pháp mà họ cưới hay sống cùng và thề duy trì quan hệ lâu dài. Nhiều người khác bị cưỡng hiếp – một thực tế rõ rệt cho dù ít khi được thảo luận của thời kỳ thuộc địa. Như được thể hiện trong thư của những người mẹ viết cho chính quyền thuộc địa cùng các văn bản chính quyền khác, rất nhiều người mẹ cho phép chính quyền lấy con đi là vì bản năng yêu thương của người mẹ và sự tuyệt vọng kinh tế - họ hy vọng chính quyền sẽ cho con họ thức ăn và nền giáo dục mà mẹ khó đem lại.

image
Hình chụp trẻ lai Campuchia được tuyển mộ vào lính tham chiến ở Thế chiến thứ Nhất

Khi tình hình tài chính khá hơn, một số bà mẹ viết thư cho giới chức, khẩn nài trả con lại cho họ. Theo phong tục Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi gặp khó khăn tài chính, việc cho con hay gửi người khác nuôi hộ là giải pháp tạm thời. Khi cha mẹ đã khá hơn về tiền bạc, họ có thế lấy lại quyền nuôi con. Nhưng trong trường hợp các trẻ lai, người Pháp hiếm khi đồng ý trước yêu cầu của những người mẹ này.
Câu chuyện về những trẻ em lai bị bỏ rơi ở Việt Nam thuộc địa không chỉ là một mẩu quan trọng của lịch sử Việt Nam, Campuchia và Lào mà còn là một mẩu lịch sử quan trọng của Pháp và lịch sử chủ nghĩa thực dân. Như chuyện kể đau đớn này cho thấy, chủ nghĩa thực dân là một sứ mạng gắn liền bạo lực. Chính sách tách trẻ lai khỏi mẹ - dù cưỡng bức hay không – phản ánh quan niệm đế quốc và gia trưởng rằng phụ nữ Việt, Lào và Campuchia không xứng đáng nuôi dạy con của họ.

Khi nghiên cứu giai đoạn thuộc địa trong lịch sử Việt Nam, Lào, Campuchia và Pháp – hay bất kỳ nước nào – chúng ta phải rất thận trọng chú ý ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân lên phụ nữ và trẻ em, những người ít được bàn đến hơn trong nghiên cứu về thuộc địa và hậu thuộc địa. Vai trò nuôi dạy trẻ của phụ nữ khiến họ trở thành quan trọng về chính trị và chủng tộc cho dù vai trò của họ trên chính trường không được công nhận hay ca ngợi. Mượn một ý của Nira Yuval Davis và Floya Anthias, phụ nữ thường được xem là người tái tạo sinh học của dân số. Tương tự, trẻ em được xem là tương lai quan trọng của dân số và vì thế thường là đối tượng để chính quyền lôi kéo. Khi các chính quyền thực dân tìm cách tái tạo chủng tộc và quốc gia, giống như cố gắng của người Pháp, phụ nữ và trẻ em thường bị nhắm đến và có vai trò cốt yếu cho chính trị thực dân của việc tái tạo dân tộc. Những người học sử có trách nhiệm nhận ra tầm quan trọng của phụ nữ, trẻ em và tình cảm chủng tộc trong chính trị, và sự phức tạp trong trải nghiệm của họ dưới sự cai trị của thực dân, tân thực dân và chiến tranh nói chung.

Tiến sĩ Christina Firpo là giáo sư dự khuyết (Assistant Professor) ngành Lịch sử tại Đại học CalPoly ở San Luis Obispo, California. Tác giả hiện đang viết cuốn sách có tựa đề "Những em bé 'bị bỏ rơi': Việc tách rời trẻ lai ở Đông Dương thuộc địa, 1870-1956." Độc giả có thể liên lạc với bà qua địa chỉ: christina.firpo@gmail.com

image
Tiến sĩ Christina Firpo

1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.