Pages

Wednesday, June 8, 2011

Nghề 'Thợ Lặn'

image


Không biết tại sao cái nghề rửa chén rửa bát, muỗng nĩa, dọn dẹp  chùi rửa nhà bếp bên Tây và bên Canada họ gọi là plongeur (thợ lặn)? Có lẽ là tại vì suốt ngày phải ngâm đồ và thọc tay mò trong nước chăng?
Theo văn chương vỉa hè thì thợ lặn là từ để ám chỉ những tay tổ nào khôn mánh quá Trời. Mỗi khi có người nào cần mượn hay nhờ vả họ làm cái gì đó là
họ né liền, trốn biền biệt hoặc phịa ra đủ thứ lý do để khỏi làm đúng theo câu ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau. Hình như số nầy hơi nhiều.

Mà cũng ngộ, ngày xưa bên nhà, cái bếp là vùng bất khả xâm phạm, một thứ no man's land  đối với đàn ông con trai. Lỡ rũi có láng cháng xuống đó là bị mấy bà, biểu đi lên nhà trên đi, đi chổ khác chơi. Đây là chổ của đàn bà con gái, xuống đây làm gì.

Bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình

image

Đó là nói theo hoàn cảnh của riêng từng gia đình mà thôi. Nếu ở chung với gia đình bên vợ, có nhiều dì quá thì đàn ông, con trai được miễn xuống bếp. Các cậu có bộn phận ở nhà trên, coi đem phụ dọn chén dĩa dơ xuống bếp.  Rồi lau bàn, lau ghế, quét nhà cho sạch sẻ là đủ trách nhiệm rồi.
Trường hợp hai vợ chồng ở riêng thì mình chia sẻ nhau công việc bếp núc. Vợ biểu gì, mượn làm gì thì làm y vậy. Nói theo văn chương nình ông là làm theo lệnh bà, yes mam.

Theo Tổng Hội Thờ Bà VN  Hảì Ngoại,  nể vợ hay sovo là bí quyết  để bảo vệ hạnh phúc gia đình! Hội TBVNHN là một chi nhánh của The World Sovo Organization (WSO) thuộc LHQ.
Nhưng thường thì đa số các bà Việt Nam cũng biết giữ thể diện cho chồng mình nên ít khi nào áp dụng cái nguyên tắc cầm quyền chuyên chính mỗi khi có khách khứa đến chơi.
Mà cũng độc, có nhiều cha nội lợi dụng tình hình bỏ ngõ đó nên đôi khi họ làm bộ ra lệnh, nạt nộ vợ thế nầy thế nọ, sai biểu thế kia, chỉnh vợ trước mặt khách để bắt le và cũng để tỏ ra là ta đây mới đúng là nam nhi chi chí, mới xứng đáng mặt mày râu, tui đây mới là chủ gia đình nè.

Khách về thì biết tay bà! Tức lắm.

Ngày xưa, thời trước 75 lúc người gõ còn ở bên nhà, thì đàn ông vô bếp rửa chén và xách giỏ đi chợ là chuyện rất thiếm thấy. Xã hội chưa quen mắt. Quê lắm.
Rồi còn vụ đàn ông cưng vợ quá mức có thể bị mấy bà già trầu rủa tắt bếp, là ăn phải bùa mê thuốc lú, là đội q...nó. Chuyện nầy thường thấy xảy ra 50 năm về trước. Ngày nay thì không còn thấy nữa mà ngược lại con cái đặt đâu thì cha mẹ làm ơn ngồi đó, nhứt là cha mẹ già lẩm cà lẩm cẩm quá Trời. Ngồi yên, đừng có lộn xộn.
Mà cũng mâu thuẫn thật. Ngày xưa, mấy bà già lúc gả con gái thì căn dặn con gái mình đủ điều trong chiều hướng phải xỏ mũi nó ngay từ đầu, đừng để nó ăn hiếp, phải thống lãnh uy quyền trong tay để không thôi thì sẽ mất hết cả chài lẫn chì. Còn nếu bà cưới vợ cho con trai, thì đố khỏi bà không dặn cậu em đừng để vợ mầy bắt nạt, coi thường mầy và bên nhà chồng, phải dạy vợ từ thuở ban sơ mới dìa. Má ơi nát nước rồi, còn đâu mà dạy được nữa. Trể quá rồi.

Kẹt một cái là thằng con lại giống y chang tánh ông già tía của nó nên đành phải xếp ve, quập râu trước mặt vợ. Cha truyền con nối mà.
Giai cấp thầy chú càng hiếm thấy vô bếp hơn giai cấp bình dân. Đó là chưa dám nói tới giai cấp bác sĩ, luật sư, sĩ quan hét ra khói”. Mới đây, báo chí có đề cập đến cựu TT Tunisie Ben Ali ngán vợ hết cở thợ mộc. Chính mệnh phụ phu nhân Leila Trabelsi đã quyết định tất cả kể cả việc kéo mùi chồng ôm vàng đào tẩu.
Riêng người gõ thì nằm trong ngoại lệ. Chuyện bếp núc, rửa chén là một phần trong đời sống của mình. Mình quen quá rồi không xem việc đó là một hình phạt làm tổn thương đến cái tôi. Mà theo Phật giáo thì cái tôi, cái ngã làm gì có được. Tây thì nói cái tôi là cái thật đáng ghét.
Làm những gì mình thấy vui là được rồi.

Phải tiếp vợ một tay

image
Hình minh họa

Từ ngày đụng má sắp nhỏ thì mình cũng thường xuống bếp hay đi chợ lúc nào cần. Mượn anh làm cái gì thì anh làm cái đó. Lặt rau, lặt giá, rửa nồi, rửa chén và đấm lưng, đấm vai, cõng đi chơi v,v làm tuốt luốt hết. Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó.
Khi quê hương đổi chủ thì tình hình xã hội cũng có thay đổi. Hiện tượng đàn ông vô bếp và đi chợ có khuynh hướng tăng nhiều hơn thời trước 75. Ai cũng làm vậy hết, nên bớt mắc cỡ, bớt thấy quê. Chuyện gì cũng vậy, riết rồi cũng quen con mắt mà thôi.

Tại hải ngoại thì

Tại xứ người, vì hoàn cảnh của cuộc sống, vợ chồng đều đi làm hết nên chuyện nhà cửa, bếp núc và con cái là chuyện chung của cả hai người. Bắt buộc chồng có bổn phận phải san sẻ công việc nội trợ với bà xả.

image
Hình minh họa

Nình ông Tây và nình ông Việt đều đi chợ và vô bếp rửa chén hết. Đây là chuyện quá thường tình trong xã hội Tây phương. Bất luận ông gì cũng vậy. Từ bác sĩ, luật sư, giáo sư, thú y sỉ, dược sĩ, kỹ sư, đều phải a lê hấp xuống bếp hết, phải tiếp vợ, chia sẻ công việc với vợ.  Phải rửa chén, phụ một tay dọn dẹp, lo cho con cái tiếp vợ để bả đỡ mệt và bớt đổ quạu cái mặt cho một đống bất tử thấy rất tội nghiệp…và cũng đáng ngại lắm. Ráng chịu cho quen.
Đó cũng là thể hiện nguyên tắc nam nữ bình quyền mà thôi. Đó là mình biết yêu thương yêu vợ mình.

Người thiệt, việc thật

Mệt nhứt là khi nhà có đãi đằng hay làm đám giổ. Trước một hai tuần là mình được giao công tác. Coi quét dọn lại nhà cửa cho tươm tất. Đem chén dĩa, dao muỗng thứ xịn ra để sử dụng và để khoe của luôn một thể. Ngày thường thì không có đụng tới nó.
Mình thuộc môn phái “nhàn vi hưởng lạc thích sướng của nhà hiền triết  Épicure. Nói xin lỗi, mình là loại lè phè, tà tà, nhớt thây, xin hai chữ bình an nên đây là những dịp thử thách để mình tu tập, rèn luyện lại cái tính nhẫn.
Mình có đề nghị với má nó, sao hổng chịu xài ba cái đồ giấy cho tiện, ăn xong liệng bỏ vào bao rác, khỏe quá mà? Câu trả lời là, làm vậy coi sao được, lâu lâu có một lần mà, đồ mua về hổng xài thì chừng nào mới có dịp xài? Đúng quá. Hết ý. Yes mam!

image

Cái lệ của mấy bà là hể có đãi đằng, tiệc tùng thì có tật hay nấu đủ thứ và nấu quá nhiều.  Rồi còn đồ đạc, các món của bà con bưng lại nữa. Ăn làm sao cho hết. Tiệc xong, thì chia ra, năn nỉ khách take out, làm ơn làm phước đem bớt về nhà ăn tiếp. Để lại, tủ lạnh của em hổng có chỗ đâu mà chứa cho hết.

image

Mệt nhứt là khi tiệc tàn. Chén dĩa, nồi niêu xoong chảo, ly tách, ôi sao mà nhiều quá xá, tùm lum tùm la vậy. Thấy phát chóng mặt lắm. Cũng may là nhà có máy rửa chén tự dộng. Mấy đứa nhỏ phụ một tay chất vào máy và ấn nút thế là xong! Máy chỉ xài có vài ba lần trong năm mà thôi.
Đôi khi mấy em, cháu hay mấy chị khách tội nghiệp chủ nhà, hè nhau xông ra rửa chén bằng tay. Người rửa, người lau, vừa chem chép với nhau, rồi chất đống trên bàn. Chủ nhà đem cất sau đó. Đúng theo một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Mừng hết lớn!.
Nên duy trì cái truyền thống tốt đẹp nầy.

Nghề thợ lặn nhà dễ òm.

image

Ngày thường thì người gõ xin vô lông te nhiệm vụ rửa chén bằng tay. Vì nó vừa lẹ, vừa gọn, vừa dễ. Chỉ bỏ chén dơ vào bồn chứa, vặn nước nóng, lấy xà bông nước chà trong chà ngoài từng cái. Xong thì xả lại với nước sạch. Úp lên rổ cho ráo. Rửa chén không mất quá mười phút, vì nhà chỉ có hai vợ chồng mà thôi. Nước nôi đầy đủ, nóng và lạnh. Xong, thì xịt thuốc lên bàn, lên kệ bếp, chùi sơ qua là sạch trơn thơm phức.
 Đôi khi bà xả cũng muốn đổi tay, giành rửa chén để khỏi quên nghề.
Lệ thường thì đứa nào nấu và dọn ra thì đứa kia phải rửa chén và chùi nhà bếp. Còn muốn giành rửa thì cũng tốt thôi. Rất dân chủ. Ai làm cũng được mà.
Có người nói rửa chén là một lối thiền, nhưng người viết đã rửa mấy chục năm rồi nhưng cũng chưa ngộ được.?

Hiện mình đang nghiên cứu lối ăn của Tây, đó là ăn bằng dĩa. Mỗi người tự động múc lấy từ nồi trên bếp, để tất cả vào dĩa của mình giống như lúc ăn buffet trong nhà hàng. Như vậy, bớt được công việc phải dọn bàn, rửa quá nhiều chén bát, tô dĩa theo kiểu ăn thông thường của gia đình Việt Nam. Vừa tiết kiệm điện, nước và vừa đỡ tốn sức lao động, thời gian rửa chén và dọn dẹp nhà bếp.
Nếu các bạn cho rằng đây là kiểu làm biếng thì tui cũng hổng có dám cãi đâu. Nhưng cũng có thể xem đây là một lối tổ chức Taylor rất khoa học, và hợp lý hóa công việc (rationalisation du travail).
Taylorism is a theory of management that analyzes and synthesizes workflow processes, improving labor productivity

Canada có bao nhiêu cha và mẹ?

Xin nói rõ đây không phải là các Cha đáng kính trong nhà thờ. Cũng không phải là Cha nội trong xã hội, vì số nầy nhiều không có trong thống kê nhà nước.
Thống kê Statistique Canada năm 2010 cho biết tại quốc gia nầy có:
*Cha: 8,1 triệu người (kể cả cha đẻ, cha nuôi, cha vợ)
3,7 triệu cha có con dưới 18 tuổi
*Mẹ: 9,2 triệu mẹ (kể cả mẹ đẻ , mẹ nuôi, mẹ chồng)
3,9 triệu mẹ có con dưới 18 tuổi và sống với họ (kể cả mẹ đẻ, mẹ nuôi, mẹ chồng, nhưng không dược kể mẹ mìn vào danh sách)
Hèn chi, mỗi năm có hai lễ: lễ tía và lễ má. Nhà hàng và con buôn tha hồ hốt bạc là lẽ tự nhiên!

Kết luận

image

Tại Canada, nghề thợ lặn nhà hàng, tiệm ăn rất dễ tìm việc... Tuy nhiên, lương hưởng rất thấp, thường là lương tối thiểu 9.75$/giờ. Làm từ 11 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Nghe đồn có một số ít nơi chịu trả tiền mặt cash hay sú táp (sous table). Phải có quen biết, họ mới dám mướn. Đây là tiền không tính thuế. Lương tuy ít hơn nhưng người làm vẫn có thể lãnh tiền trợ cấp xã hội. Mánh không hợp pháp của cả người chủ lẫn của cả người làm công, nhưng trong thực tế vẫn có người làm, miễn sao cuối năm họ có đủ tiền về Việt Nam le lói trong đôi ba tuần là đã quá rồi.
Nghề thợ lặn nhà là một nghề thiện nguyện, làm chùa, làm vì bổn phận, vì yêu thương chia sẻ.
Cũng có một số bạn già nói là họ không bao giờ rửa chén, đó là nhiệm vụ và bổn phận của đàn bà con gái. Nói vậy thì tui nghe vậy, còn hư thật ra sao chỉ có vợ anh ta mới biết được mà thôi.
Hổng lẽ trên đời nầy chỉ có một mình tui cu ky mần cái nghề thợ lặn nhà nầy hay sao?
Người gõ rất tự hào là mình đã có được 35 năm hành nghề rửa chén nhà nhưng chưa dám nói là mình đã có nhiều kinh nghiệm đâu./.                                               


Nguyễn Thượng Chánh
Montreal, June 7, 2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.