Pages

Wednesday, June 1, 2011

Trật tự dưới sức ép

image

BaoMai

Hòa bình và hợp tác đã mang lại tăng trưởng kinh tế, và sự tăng trưởng này giờ đây đang hủy hoại các nền tảng của trật tự tạo ra nó.
Tại châu Á ngày nay, lực lượng chính tạo ra thay đổi trong trật tự quốc tế là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Sức nặng kinh tế của Trung Quốc trên thế giới đã thay đổi đáng kể từ năm 1972, khi Nixon đến Bắc Kinh và các nền tảng của trật tự hậu chiến tranh Việt Nam ở châu Á được tạo ra, không chỉ là trong so sánh GDP, mà còn ở quy chế nước chủ nợ của Trung Quốc và tầm quan trọng của nền kinh tế nước này trong vai trò là một động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, sự thay đổi trong tương quan quyền lực sẽ hủy hoại trật tự hậu chiến tranh Việt Nam.

Nhằm duy trì hòa bình, một trật tự mới sẽ cần được tạo ra, phản ánh tương quan quyền lực mới, và thích nghi tốt với lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm chính của các cường quốc chính. Nếu điều đó không xảy ra, không có lý do gì để hy vọng là hòa bình sẽ được gìn giữ.

Những người theo thuyết thực tế của trường phái Mearsheimer tin vào định mệnh lịch sử, rằng tất cả các cường quốc lớn đang nổi đã tạo ra các cuộc chiến tranh cơ học khi thách thức của họ đối với trật tự hiện nay vấp phải sự chống cự của các cường quốc được xác minh. Như vậy theo quan điểm này, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là không tránh khỏi.

image

Quan điểm này có vẻ quá bi quan. Tất cả các nước lớn ở châu Á, kể cả Mỹ và Trung Quốc, đều có lợi trong việc gìn giữ hòa bình, vì hòa bình rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu hóa. Nhưng chúng ta phải thận trọng để không mắc lỗi ngược lại, là tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và giải thoát khỏi tính tư lợi sẽ ngăn cản nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trong hơn 200 năm qua, ảo tưởng dễ chịu này đã đánh lạc hướng mọi người vào ý nghĩ là không cần điều chỉnh chính sách để ngăn chặn chiến tranh.

Trọng tâm của vấn đề là sự song tồn, bất ngờ nhưng không thể phủ nhận, của chủ nghĩa dân tộc và toàn cầu hóa. Về lý thuyết, việc sáp nhập dân tộc trở nên kém quan trọng khi toàn cầu hóa thay đổi cuộc sống người dân, và các nhà nước mất quyền lực và tầm ảnh hưởng và không còn hành xử như trước đây. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra: những nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng trưởng mạnh hơn nhờ toàn cầu hóa, họ đã hành xử như các quốc gia truyền thống, và khi người dân trên thế giới kết nối với nhau nhiều hơn, họ càng gắn bó với quốc tịch của mình hơn. Thay vì làm biến mất quốc gia-dân tộc, toàn cầu hóa dường như dẫn tới một thế giới gồm một số lớn các nhà nước hùng mạnh hơn bất cứ lúc nào trước đây.

image

Chắc chắn điều này đang xảy ra tại châu Á, và không chỉ vì Trung Quốc. Ấn Độ, Nhật Bản, và trong tương lai là cả Nga, Triều Tiên và Indonesia, có thể đều đưa ra đòi hỏi quy chế cường quốc chính trong những thập kỷ tới. Trên thực tế, chúng ta dường như hướng tới kiểu trật tự đa cực ở châu Á mà một số người tiên đoán trong những năm 1960. Điều đó đã không xảy ra khi đó, và một số người có thể hỏi tại sao bây giờ nó lại xảy ra. Trong những năm 1960, tương quan quyền lực đã thay đổi ít hơn so với ngày nay, và đặc biệt sức mạnh kinh tế tương đối đã thay đổi ít hơn ngày nay (và có thể tiếp tục như vậy trong những thập kỷ tới).
Các mô hình cho một trật tự mới

Vậy hệ thống quốc tế nào có thể thay thế trật tự hậu chiến tranh Việt Nam theo hướng ngày càng đa cực hóa châu Á? Các mô hình không có nhiều (thế giới đã chứng kiến tương đối ít ví dụ về các hệ thống quốc tế bao gồm một số quốc gia-dân tộc hùng mạnh), và những mô hình tồn tại hiện nay có từ trong lịch sử châu Âu.

Thật không khôn ngoan khi đưa ra tiền lệ châu Âu cho các vấn đề của châu Á, nhưng dường như không có cách nào tốt để đặt ra các câu hỏi về tương lai châu Á hơn là dưới dạng quá khứ của châu Âu. Cách này đã được áp dụng nhiều lần trước đây (nổi tiếng nhất là Aaron Friedberg trong cuốn tiểu luận Liệu quá khứ của châu Âu sẽ là tương lai châu Á?).

Nhưng các phân tích như thế thường giới hạn ở một trong nhiều quá khứ của châu Âu trong khi có ít nhất 4 mô hình trong lịch sử châu Âu có thể dành cho tương lai châu Á.

image

Thứ nhất, đó là mô hình Đế chế La Mã từ thế kỷ đầu tiên của Giáo hội Anh. Đây dường như là mô hình mà Washington chọn lựa. Gần đây người ta viết nhiều về so sánh nước Mỹ hiện đại với La Mã thời hoàng kim. Hầu hết đều không nói nghiêm túc, nhưng ý tưởng cho rằng Mỹ có thể duy trì mãi mãi - hoặc ít nhất trong những thập kỷ tới - vai trò bá chủ của mình ở châu Á đã khắc sâu trong suy nghĩ của chính giới Mỹ.

Vả lại ý tưởng này không phải là không nhận được sự ủng hộ ở Tây Thái Bình Dương: nhiều người ở Nhật Bản, Đông Nam Á và Australia chắc chắn sẽ thấy đây là một mô hình hấp dẫn cho tương lai châu Á, hoặc ít nhất là mô hình được ưa chuộng hơn để có thể thay thế hiện trạng. Nhưng liệu nó có đáng tin? Mô hình này giả định rằng trật tự châu Á sẽ không thay đổi theo hướng sức mạnh của Trung Quốc và các nước châu Á khác đang dần đuổi kịp Mỹ.

Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vì một lý do nào đó duy trì ở mức nhỏ hơn nhiều so với kinh tế Mỹ, hoặc Trung Quốc phải chấp nhận vai trò lãnh đạo chiến lược và chính trị của Mỹ ngay cả khi sức mạnh kinh tế và thậm chí cả quân sự của họ đuổi kịp và vượt của Mỹ. Khả năng này không phải là không thể xảy ra, nhưng sẽ là khó thành công, vì thế sẽ là một nền tảng không chắc chắn cho chính sách tương lai.

image

Mô hình thứ hai cho tương lai châu Á đến từ thế kỷ 21 của châu Âu, dưới dạng trật tự hậu-quốc gia, hậu-chiến lược và hội nhập sâu sắc của mô hình Liên minh châu Âu, trong đó việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề quốc tế dường như bị cấm đối cả với những kẻ thù truyền kiếp. Chúng ta có thể hy vọng rằng đây là tương lai của châu Á, nhưng đó là một tương lai xa.

Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy việc xây dựng một trật tự hậu-chiến lược đòi hỏi một truyền thống hợp tác chính trị lâu dài để chứng tỏ cái gì là có thể, cần một lịch sử gần đây xung đột gay gắt để chứng tỏ cái gì cần tránh, và cần sự hiện diện của một mối đe dọa tiềm tàng để thúc đẩy thỏa hiệp và hợp tác. Chỉ khi hội tụ tất cả các điều kiện trên Pháp và Đức mới phối hợp cùng nhau trong những thập kỷ qua. Không ai có thể đảm bảo rằng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ có thể làm điều tương tự trong thời gian trước mắt.

image

Mô hình thứ ba là châu Âu của thế kỷ 19: châu Âu của sự phối hợp quyền lực. Động lực cho sự phối hợp này là sự tồn tại từ năm 1815-1914 của một trật tự được hình thành từ việc thiết lập quan hệ giữa các nước lớn, dù thường cạnh tranh quyết liệt nhưng vẫn hiểu rõ các giới hạn của sự cạnh tranh này. Những nhận thức này bao gồm sự tôn trọng tính hợp pháp của các thể chế chính trị, các lợi ích quốc gia và các lực lượng quân đội của tất cả các cường quốc chính khác, và sự thừa nhận tầm quan trọng của việc tránh một cuộc chiến tranh tổng lực giữa họ. Đối với những người sống trong đó, sự phối hợp này chắc chắn ít hòa bình hơn trước, nhưng vẫn là một thành quả lớn mà nhờ đó sức mạnh kinh tế, vị thế trên toàn cầu và các thể chế chính trị và an sinh xã hội của châu Âu đều đã tăng lên đáng kể.

Cuối cùng, mô hình thứ tư là hệ thống cân bằng quyền lực đã định hình các vấn đề chiến lược của châu Âu trong đa phần chiều dài lịch sử hiện đại của họ, trong suốt các thế kỷ 16, 17, 18 và 20. Hệ thống cân bằng quyền lực này hiệu quả trong việc duy trì các lợi ích của đa số quốc gia trong đó, bằng việc ngăn cản một nước đơn lẻ nắm quyền bá chủ; khi được quản lý tốt, hệ thống này có thể giúp duy trì hòa bình, nhưng với cái giá là cuộc cạnh tranh chiến lược liên tục và một số cuộc chiến tranh cơ học thường thảm khốc, nhất là xảy ra giữa các cường quốc hạt nhân. Lịch sử châu Âu cho thấy đây là sự mặc định cho một trật tự đa cực - chính là trật tự mà chúng ta nhiều khả năng sẽ chứng kiến ở châu Á sau khi trật tự thời hậu chiến tranh Việt Nam sụp đổ. Nếu chúng ta đi theo chiều hướng này, một trật tự đang nổi lên trong đó một cuộc chiến tranh lớn là hoàn toàn có thể xảy ra./.

Châu Giang trích từ cuốn "Why War in Asia Remains Thinkable" của tác giả Hugh White, do Nhà xuất bản Survival phát hành.


Nguyên tác : HUGH WHITE
Dịch giả : Châu Giang

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.