Pages

Sunday, July 17, 2011

Lựa chọn luật sư

image


Sống trong một xã hội tập chủng như xã hội Hoa Kỳ hiện nay là một xã hội pháp trị, chính quyền lấy pháp luật để cai trị người dân nên chúng ta thường thấy những người chung quanh đối xử với nhau bằng lý nhiều hơn bằng tình, không giống như người Việt-Nam chúng ta khi còn ở quê nhà, là nếu lỡ có đụng chạm đến quyền lợi của nhau một chút không đáng gì, thì cũng đòi thưa kiện nhau ra Tòa.

Nhiều trường hợp xảy ra không có một yếu tố pháp lý xác đáng nào để buộc tội đối phương, hoặc đôi khi rõ ràng như ban ngày là nếu có thưa kiện nhau ra Tòa cũng chẳng đi tới đâu, ấy thế mà họ vẫn đưa nhau ra tranh tụng trước Tòa. Nhiều khi bên nguyên cáo bị thua đứt đuôi con nòng nọc, phải trả án phí và tiền thuê mướn luật sư cả năm cũng chưa hết nợ. Nhưng nhiều người vẫn thích đi kiện để thỏa mãn tự ái cá nhân, nghĩ rằng ta đây hiểu biết nhiều về luật lệ hơn người khác. Chính vì thế mà Tổng Thống quá cố Abram Lincoln Hoa Kỳ cũng là một vị luật sư nổi tiếng nhất trong thời kỳ Hoa Kỳ lập quốc, đã phải thốt lên rằng:

Hãy cố tránh vấn đề tranh tụng trước Tòa. Hãy thuyết phục những người bạn láng giềng của chúng ta nên hòa giải với nhau bất cứ khi nào chúng ta có thể thuyết phục họ được. Hãy chỉ cho họ hiểu rõ thế nào là người thắng kiện thường cũng là người thật sự bị thua kiện vì phải trả các chi phí, án phí và còn lãng phí thời giờ của mình. Là một người đứng ra hòa giải,người luật sư có một cơ hội uy thế để tỏ ra là một người tốt, thì đừng bao giờ khơi động lên sự tranh tụng. Thật khó có thể kiếm ra một người xấu hơn là kiếm ra một người hành xử việc tranh tụng này.

(Discourage litigation. Persuade yourneighbors to compromise whenever you can. Point out to them how the nominalwinner is often the real loser in fees, expenses and waste of time. As apeacemaker, the lawyer has a superior opportunity of being a good man. Neverstir up litigation. A worse man can scarcely be found than one who does this).

image

Tuy nhiên vấn đề tranh tụng nhau trước Tòa, rất ít xảy ra trong các cộng đồng người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ nói riêng và tại quốc ngoại nói chung. Vì chúngta đã quen đối xử với nhau bằng tình cảm theo câu châm ngôn:

Chín bỏ làm mười

hoặc:

Vô phúc cho những ai phải đáo tụng đình.

Cực chẳng đã chúng ta mới phải đưa nhau ra Tòa nhờ pháp luật phân xử mà thôi. Cũng chính vì lẽ đó mà trong nhiều trường hợp xảy ra, quả thực làm cho chúng ta phải gánh chịu nhiều điều thiệt thòi mỗi khi có sự va chạm về quyền lợi cá nhân giữa người đồng hương của chúng ta đối với người bản xứ. Chẳng hạn như trẻ con của chúng ta nghịch ngợm, lỡ tay vất rác sang nhà bên cạnh, mở tiệc mời bạn bè về nhà ăn mừng ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, rồi ca hát hay nói chuyện to tiếng vang sang nhà hàng xóm v.vcũng đều có thể bị đe dọa thưa ra Tòa về tội làm ồn ào mất trật tự công cộng. Vậy thì, mặc dầu trong thâm tâm chúng ta thật sự không muốn kiện cáo ai, nhưng xin đừng quên câu:
Nhập gia tùy tục, chúng ta nên sẵn sàng trong tư thế phòng thân, tự bảo vệ quyền bình đẳng tối thiểu trước pháp luật (Due process) để chúng ta tập làm quen với một số vấn đề pháp lý thường thức nhất mà nó có thể xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào và bất cứ trong hoàn cảnh nào. Vì đôi khi Cây muốn lặng mà gió không muốn ngừng và dù cố tình hay vô ý bởi một hành động của một người khác gây ra, có thể dẫn đưa chúng ta đến tình trạng bị thưa kiện trước Tòa nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ càng trước để đối phó với vấn đề pháp lý này. Phản ứng đầu tiên của chúng ta để đối phó với tình trạng này là đi tìm kiếm một luật sư chuyên môn về vấn đề mình bị kiện.

image

Thật vậy, luật pháp xứ này quá mênh mông như biển cả và phức tạp hơn bất cứ luật pháp của một quốc gia nào khác trên thế giới. Luật pháp Hoa Kỳ thay đổi nhanh chóng như gió bão để kịp thời thích ứng ngay tức khắc với hoàn cảnh xoay chiều của một xã hội văn minh tạp chủng. Hơn thế nữa, luật pháp Hoa Kỳ cần thay đổi để thích ứng với môi trường sinh sống của mỗi địa phương, có những tập quán khác nhau tại mỗi Tiểu Bang. Đó là Luật Hiến Pháp Hoa Kỳ,

Luật Liên Bang, Luật Tiểu Bang, luật lệ của các địa phương như cấp Quận (District), Hạt (Country), Tỉnh (Town) và Thành Phố (City). Do đó, nhiều luật sư ở xứ này vì muốn thành công trên phương diện nghề nghiệp chuyên môn của mình, nhất là để đề phòng trong tương lai không bị rút bằng hành nghề tạm thời hoặc bị rút bằng hành nghề vĩnh viễn vì hành sử nội vụ không đúng với khả năng chuyên môn và trách nhiệm của một người luật sư theo luật lệ và nội quy của Hội Luật Sư Đoàn Liên Bang hay Tiểu Bang đã quy định. Có 2 ngành chuyên môn chính để cho người luật sư tự mình muốn lựa chọn: Luật Hình Sự (Crimial Law) và Luật Dân Sự (CivilLaw), rồi trong luật hình sự lại được chia ra làm 2 nhánh: Đại Hình (Felony) vàTiểu Hình (Misdemeanor) cũng như trong luật dân sự lại bao gồm rất nhiều môn khác biệt nhau mà trong phạm vi của bài này, chúng tôi không thể kể rõ các chi tiết của từng môn được, cũng giống như bên ngành y khoa, có bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên về tim, về thận, về dạ dày, về phổi v.v

image 

Giả thử khi chúng ta bị thưa kiện ra Tòa, việc đầu tiên chúng ta hãy tự tìm hiểu hoặc nên tham khảo với bạn bè có khái niệm về luật pháp, để xem chúng ta bị thưa kiện về vấn đề gì. Nếu về xe cộ, chúng ta nên tìm đến luật sư chuyên về tai nạn giao thông, nếu về khế ước, về mua bán nhà cửa, sang nhượng tiệm buôn, thì nên tìm các luật sư chuyên môn về ngành thương mại. Có như vậy, chúng ta mới thực sự có một luật sư đại diện cho chúng ta về pháp lý đúng mức, hữu hiệu và có như thế chúng ta mới có thể vững tin và nghe theo lời chỉ dẫn của vị luật sư này mà không sợ bị sai lầm mỗi khi chúng ta phải đối diện với bị cáo hay đương cáo trong các phiên Tòa xử án. Ngược lại, nếu chúng ta không biết chọn lựa một luật sư chuyên môn về vấn đề pháp lý mà chúng ta đang gặp phải, thay vì phải tìm một luật sư chuyên môn về ngành thương mại như khế ước (Contract), thì chúng ta lại nhờ một luật sư chuyên về ly dị (divorce) hay di trú (Immigration) chẳng hạn, là chúng ta đã đi theo con đường phiêu lưu mạo hiểm, có khi tiền mất tật mang, đôi khi không còn đủ thời gian để cứu vãn tình thế thua thiệt. Đúng như câu người đời thường nói:

Chọn mặt gửi vàng.

image

Sau đây là một trong những trường hợp điển hình đã xảy ra:
Có một người định mua một căn nhà mới xây cất gồm 4 phòng ngủ và đã ký hợp đồng với một công ty địa ốc. Trong hợp đồng có ghi rõ hạn định trong vòng 90 ngày, nếu người mua bán được căn nhà cũ của họ đang ở, thì họ sẽ ký giấy tờ lãnh nhận căn nhà mới này. Sau đó 2 tháng đương sự lại ký một hợp đồng bán căn nhà cũ của đương sự cho một người mua khác, cũng qua trung gian cùng một công ty địa ốc và trong hợp đồng này cũng ghi rõ hạn định 30 ngày để cho người mua căn nhà cũ này tiến hành thủ tục vay tiền và người mua sẽ ký nhận căn nhà ngay sau khi được sự chấp thuận của cơ quan cho vay tiền. Nhưng sau 30 ngày, người mua căn nhà cũ vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của cơ quan cho vay tiền. Công ty địa ốc yêu cầu đương sự mua căn nhà mới hãy ký gia hạn hợp đồng thêm một thời gian nữa, để người mua căn nhà cũ có thêm đủ thời giờ bổ túc hồ sơ xin vay tiền. Dù bị công ty địa ốc dùng mọi thủ đoạn làm áp lực mạnh, cố ép đương sự phải bằng lòng ký hợp đồng gia hạn cho căn nhà cũ, nhưng đương sự nhất quyết không chịu ký vì nhận thấy công ty địa ốc đã không thành thật trong vấn đề này, đã cố tình đánh giá căn nhà cũ của đương sự xuống thấp hơn giá thị trường rất nhiều, so với giá căn nhà có cùng một tình trạng trong cùng một khu vực của cănnhà cũ đang được để bảng bán. Lý do công ty địa ốc này làm như vậy cốt làm sao bán căn nhà cũ của đương sự cho mau chóng, để bán được căn nhà mới cho đương sự trong thời gian hợp đồng mua căn nhà mới vẫn còn hiệu lực. Nhờ người Mỹ hàng xóm chỉ dẫn cho biết, là quyền hạn gia hạn hay không gia hạn hoàn toàn tùy thuộcvào người bán, chứ không tùy thuộc vào công ty địa ốc. Do đó, hợp đồng đầu tiên đương sự ký với công ty địa ốc để mua căn nhà mới đương nhiên hết hiệu lực sau 90 ngày mà người mua không bán được căn nhà cũ và cũng không đồng ý gia hạn hợp đồng cho người mua căn nhà cũ có thêm thời giờ bổ túc hồ sơ xin vay tiền để mua căn nhà cũ của đương sự.

Sau khi biết chắc đương sự tháo lui không muốn mua căn nhà mới nữa, công ty địa ốc báo cho đương sự biết, là sẽ tiến hành thủ tục truy tố đương sự ra Tòa về tội bội ước, để đòi bồi thường sự thiệt hại như tiền quảng cáo in trong sách bán nhà, tiền xăng nhớt, thì giờ đưa đón khách đến coi căn nhà cũ, tiền lời cộng với tiền nhà trả 3 tháng cho căn nhà mới để không, tiền thiệt hại vì phải rút tên căn nhà mới ra khỏi thị trường trong 3 tháng, làm mất dịp may bán cho người khác, tiền phí tổn thuê luật sư tiến hành thủ tục giấy tờ truy tố đương sự ra Tòa v.v

Tới đây chúng tôi cần lưu ý thêm là nếu đương sự mua nhà mới là người Mỹ, chắc chắn công ty địa ốc sẽ không dám đòi kiện đương sự ra Tòa như vậy. Vì mọi yếu tố pháp lý đều rõ rệt như sự việc đã xảy ra.

image

Thoạt tiên khi nghe công ty địa ốc cho biết như vậy, đương sự rất băn khoăn và lo lắng, không biết phải giải quyết cách nào đây? Sau đó, qua sự giới thiệu của một người bạn, đương sự đến gặp một luật sư chuyên về tai nạn xe cộ để hỏi ý kiến. Sau khi đọc bản hợp đồng đã ký với công ty địa ốc, vị luật sư này đã khuyên đương sự nên thương lượng với công ty địa ốc, dù có phải thiệt thòi đền bù thêm một số tiền nhỏ cho công ty, còn tốt hơn là để bị kiện ra Tòa vừa tốn kém mà có thể bị thua kiện. Trong lúc đương sự còn đang phân vân do dự, không biết có nên nghe theo lời khuyên của vị luật sư này hay không, thì được một người bạn Mỹ cùng sở đến nhà chơi, biết được câu chuyện này nên đã sẵn lòng giới thiệu đương sự đến gặp một vị luật sư, là bạn thân của ông ta để yêu cầu được giúp đỡ mà không cần phải trả tiền thù lao. Sau khi đã gặp được vị luật sư chuyên về di trú và vị luật sư này cũng có những lời khuyên tương tự, giống như những lời khuyên của vị luật sư chuyên về tai nạn xe cộ trước đây. Vì nhận thấy lời khuyên của 2 vị luật sư đều giống nhau nên đương sự thấy chẳng cần gì phải nghĩ ngợi thêm cho mệt óc. Do đó đương sự đã dự trù vào tuần lễ kế tiếp, sẽ đến gặp công ty địa ốc để thương lượng vấn đề này cho ổn thỏa. Thế nhưng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ đi gặp công ty địa ốc, thì vừa tan Lễ ở Nhà Thờ ra về, đương sự đã gặp Cha Chánh Xứ họ đạo ở cuối của Nhà Thờ, liền tâm sự cho Cha Chánh Xứ nghe câu chuyện này, Cha đã giới thiệu đương sự đến gặp một luật sư cũng là một giáo dân trong xứ đạo, vị luật sư này đang làm cho một hãng luật (Law Firm), lớn vào hàng thứ 3 trongTiểu Bang của đương sự ở và là một luật sư chuyên phụ trách về các loại khế ước hoặc các loại hợp đồng về thương mại, đặc biệt hơn nữa ông ta chuyên biệt về các giao kèo địa ốc cho hãng.

image

Sau khi đọc xong bản hợp đồng và nghe đương sự trình bày tất cả các sự kiện tuần tự đã xảy ra xong, ông bảo đương sự là không cần gì phải thương lượng cả (Vì khuôn khổ tờ báo có hạn nên chúng tôi không thể kể lại hết ra đây những lời giải thích chi tiết của vị luật sư này). Ngay sau đó,vị luật sư đã gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với công ty địa ốc của đương sự, với một giọng nói ôn tồn nhã nhặn, nhưng không kém phần cương quyết, ông ta đã thay mặt đương sự để yêu cầu công ty địa ốc phải hoàn toàn trả lại cho đương sự số tiền $500 đặt cọc mua căn nhà mới trước đây. Thế rồi chỉ vài tuần lễ sau đương sự đã nhận được chi phiếu hoàn trả đủ số tiền đặt cọc của công ty địa ốc gửi tới.

Như quý vị độc giả đã nhận thấy: 2 vị luật sư trước đương sự nhờ cậy, một vị chuyên về tai nạn xe cộ, còn một vị về di trú nên những lời khuyên của hai vị luật sư này đã không giúp giải quyết được vấn đề rắc rối giữa đương sự và công ty địa ốc và xuýt tí nữa, nếu nghe lời khuyên của hai vị này, đương sự không những đã mất số tiền đặt cọc mà còn phải trả thêm một số tiền khác nữa để khỏi bị truy tố ra Tòa như công ty địa ốc cho biết.

Ngay phần đầu của bài này, chúng tôi đã nêu lên là luật pháp của Hoa Kỳ quá phức tạp và uyển chuyển mau lẹ để thích ứng với trào lưu tiến hóa nhanh chóng của một đại xã hội được coi là văn minh nhất thế giới. Thế nên chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy đại đa số các luật sư tại Hoa Kỳ đều đi chuyên biệt một ngành, để họ nắm vững được những yếu tố pháp lý chính yếu của từng vấn đề trong mỗi trường hợp xảy ra cho bị cáo (Defendant) cũng như cho đươngcáo (Plaintiff). Có như thế, vị luật sư chuyên biệt này mới dám tự tin vào khả năng chuyên môn của mình, để đáp ứng đúng mức với các nhu cầu và sự tín nhiệm của quần chúng nói chung và của thân chủ nói riêng. Có nhiều người cho rằng hễ một luật sư nổi tiếng tài giỏi là có thể đem lại sự thắng lợi cho thân chủ của mình. Nói như thế chỉ đúng về một phương diện chuyên biệt của vị luật sư do khi nhận lãnh bênh vực cho thân chủ về một vụ kiện nằm trong sự chuyên biệt của mình. Chẳng hạn như một vị luật sư chuyên về hình sự, đang tranh luận bênh vực trước Tòa cho một tội phạm giết người có chủ mưu, để hy vọng bị cáo khỏi bị lãnh án tử hình. Nhưng khổ một nỗi, vị luật sư này chưa bao giờ có kinh nghiệm để tranh luận, bênh vực cho một tội phạm giết người có chủ mưu như thế này, thì chúng ta hãy thử tự hỏi mình xem vị luật sư này sẽ đem lại sự hy vọng thắng lợi cho bị cáo được bao nhiêu phần trăm so với một vị luật sư đã từng kinh nghiệm nhiều lần tranh cãi trước Tòa cho những vụ án tử hình?

image

Để kết thúc bài này, chúng tôi thiết nghĩ chắc mọi người cũng đồng ý rằng việc tìm kiếm một luật sư tài giỏi và nổi tiếng hầu như không quan trọng bằng tìm cho đúng một luật sư hành nghề chuyên biệt cho từng sự việc có nội dung khác nhau xảy ra mới là điều quan trọng. Thật rất đúng như câu tục ngữ Việt Nam của chúng ta là:

Trăm Tay Không Bằng Tay Quen.


Phó tế Nguyễn Mạnh San



Nghề Luật sư tại Việt Nam

image

Ls. Huỳnh Văn Đông - Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi nhận ra một sự thật rất đau đớn mà đã có lần tôi muốn từ bỏ nghề Luật sư. Pháp luật Việt Nam được các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam áp dụng một cách vô pháp. Đặc biệt, đối với những vụ án chính trị.

Tôi đã được tham gia nhiều vụ án chính trị từ Bắc đến Nam, tất cả đều có một đặc điểm chung là:

Vụ án không có chứng cứ hoặc chứng cứ không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo;

Bản án dành cho các bị cáo không dựa trên các chứng cứ khách quan và trên cơ sở tranh luận;

Lối suy diễn mang tính chủ quan được cơ quan Công An, Viện Kiểm Sát, Tòa Án Việt nam áp dụng một cách triệt để nhằm kết tội những người đấu tranh đòi tự do, dân chủ cho Việt nam.

Chính phủ Việt Nam đã đi ngược hòan tòan với những gì đã được quy định trong Hiến pháp và Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự. Ở Việt Nam quyền được bày tỏ những quan điểm không giống nhà nước hầu như bị truy tố và xét xử bằng những điều luật hết sức mơ hồ (điều 88, 79 BLHS) hay nói một cách cụ thể, ở Việt Nam các quyền con người không được Nhà nước tôn trọng.

Một thực tế rõ ràng mà ai cũng nhận thấy ngày càng nhiều các nhà trí thức, luật sư, luật gia đi tù chỉ vì bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, thậm chí quyền yêu nước cũng phải chờ được nhà nước cho phép.

Các đòi hỏi về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do thành lập đảng... là những đòi hỏi mang tính “xa xỉ” hiện tại ở Việt Nam.

Các thuật ngữ; “duyệt án”, “án bỏ túi”, “án định sẵn”... không xa lạ với người quan tâm đến nền tư pháp Việt Nam.

Trước thực tế như thế, Luật sư khi tham gia các vụ án chính trị luôn bị hạn chế về quyền khi thực hiện nhiệm vụ. Vai trò tích cực nhất của Luật sư trong các vụ án này chỉ là cầu nối giữa gia đình với bị can, bị cáo đang bị giam giữ nhưng rất ít Luật sư đủ can đảm để làm công việc này. Bởi một lẽ, (trong một giai đọan dài kể từ sau năm 1975 người ta đã quen phiên tòa không luật sư, và sau thời gian đó, người ta lại hiểu Luật sư chỉ là người chạy án hoặc xin giảm nhẹ, khoan hồng) hậu quả cho những Luật sư có tâm huyết với nghề khi tham gia các vụ án này đều không sáng sủa; nhẹ thì bị tước quyền hành nghề, nặng thì bị đi tù (Ls Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, TS Cù Huy Hà Vũ, LG Tạ Phong Tần...)

Trên quan điểm của mình, tôi không chấp nhận Luật sư chỉ là cây cảnh, vật trang trí để cho cơ quan tư pháp sử dụng nhằm phô diễn nền dân chủ giả hiệu và càng không chấp nhận trở thành diễn viên để cùng hợp diễn vở tuồng dựng sẵn. Vì thế, tiếp nối các bước cha, anh đi truớc tôi đã chấm dứt tư tưởng bỏ nghề. Tôi vẫn tiếp tục tham gia các vụ án để đạt được mục đích; Công lý phải được thực thi, pháp luật phải được đưa vào cuộc sống.

Không thể nào Hiến pháp lại chịu sự chi phối và áp đặt của luật cũng như các văn bản dưới luật. Không thể nào, trong một xã hội dân chủ, văn minh khi công dân thực hiện quyền căn bản của mình theo quy định tại điều 69 của Hiến pháp lại phải bị tù đày bởi các điều 79.88, 257, 258... của LHS

Nhà nước là của dân, do và vì dân nhưng khi người dân lên án những hành vi trái luật của cơ quan nhà nứơc một cách ôn hòa lại bị chính quyền đàn áp một cách dã man rồi nhà nước lại gán cho những con người đó có hành vi gây rối, hủy họai tài sản. Nếu chính quyền hành xử đúng luật, theo nguyện vọng của nhân dân thì làm gì có chuyện hàng chục người được Cao ủy LHQ cấp quy chế tỵ nạn, đâu có 2 vuờn hoa ô nhục như nhiều người đã thấy, đã nói. Thái Hà, Cồn Dầu là hai vụ án điển hình minh chứng cho sự đàn áp thô bạo nhất ở đầu thế kỷ XXI mà mọi người đã thấy. Khi nạn nhân lên tiếng tố cáo, phê phán việc bị hành xử trái luật của Công an, phê phán thái độ hèn nhát trước sự xâm lăng của ngọai bang thì bị cho là tuyên truyền chống nhà nước. Quyền gia nhập tổ chức, đảng phái không phải là đảng cộng sản theo hiến pháp và luật pháp quốc tế bị quy kết họat động nhằm lật đổ chính quyền.

Qua những vụ án trên cho thấy, công dân Việt Nam muốn “yên thân” thì phải biết im lặng trước mọi bất công của xã hội hoặc phải hùa theo chúng. Nếu muốn bài trừ phải được sự cho phép của Nhà nước ngay cả biểu thị thái độ và tinh thần yêu Tổ quốc cũng phải chờ nhà nuớc “cấp phép” nếu không sẽ bị cho rằng nghe theo lời xúi dục, kích động của các thế lực thù địch, chống phá. Dưới con mắt của Nhà nước, công dân Việt thật là trẻ con, ngô nghê nếu không muốn nói là ngu dốt.

Nước Việt thật oai hùng và Dân Việt thật bất hạnh.

Tôi là con dân Nước Việt nên tôi có quyền và có nghĩa vụ yêu tổ quốc mình, yêu dân tộc mình nên khi Tổ quốc mình bị tổn thuơng, dân tộc mình bị bách hại dù với trình độ của người Luật sư còn kém cỏi như tôi nhưng tôi vẫn phải có nghĩa vụ bênh vực, cổ xúy cho lẽ phải dù việc làm này mang đến cho tôi nhiều rủi ro mà ai cũng có thể biết trước.

Ai đó đã nói rằng: “Tự do, công lý không phải là món quà từ Trời rơi xuống, muốn có được nó, cần phải có sự đấu tranh”. Và chẳng có sự đấu tranh nào không mất mát.

Sống trong một đất nước còn thiếu tự do và công lý đang bị chà đạp một cách thô bạo thì nghĩa vụ của người Luật sư có lương tâm cần phải lên tiếng. Tiếng nói có thể đơn lẻ, tiếng nói có thể lạc lõng giữa đám người đã đạt tới “đỉnh cao trí tuệ” nhưng tiếng nói đó thật cần thiết vì nó đúng với lương tâm và trách nhiệm.


Ls. Huỳnh Văn Đông

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.