Pages

Monday, August 8, 2011

Điểm sử thấp có phải là “thảm họa”?

image


image
Lịch sử dường như không được học sinh ngày nay quan tâm.

Một trong những câu chuyện thời sự nóng sốt thu hút rất nhiều ý kiến tranh luận trên báo chí và các website trong suốt cả tuần nay là việc có hàng ngàn điểm 0 trong các bài thi của các thí sinh thi đại học năm nay. Nhiều người cho đó là thảm họa, thậm chí cho rằng thanh niên học sinh mà kiến thức lịch sử kém cỏi như vậy thì mất nước đến nơi.

Trước luồng dư luận chỉ trích gay gắt này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã phát biểu trên báo chí rằng điều này là “bình thường”, “điểm Sử thấp, môn Sử kém hấp dẫn là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động…” và vấn đề được nhiều người nhân đó phàn nàn rằng nhiều người thuộc lịch sử Tàu mà ít biết sử Ta được ông Luận lý giải “không phải là chuyện của giáo dục mà đó là vấn đề của xã hội".

Phát biểu này của ông Luận chẳng những không làm dịu đi bầu không khí tức giận mà còn như dầu đổ vào lửa, càng khiến cho người ta nổi xung lên. Thậm chí, trên nhiều trang mạng có nhiều ý kiến đòi phải cách chức ông.
Tôi thì cho rằng ở một mức độ nào đó ông Luận đã phát biểu khá thẳng thắn, và trong toàn bộ bài phát biểu của ông , không phải là không có những nhận xét có lý rằng đây là vấn đề chung của xã hội. Nhưng người bình thường nếu nói vậy thì dễ được chấp nhận, đằng này ông Luận lại là cán bộ cao cấp nhất của ngành giáo dục nên phát biểu của ông dễ bị “ném đá” cũng là điều dễ hiểu vì với phát biểu đó, người ta nghĩ ngay là người lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục tìm cách đối phó, cứ lấy “xã hội” ra để đổ trách nhiệm trong khi những người như các ông lại thuộc bộ phận chỉ đường dẫn lối, là “bộ phận ra quyết định” của cái “xã hội” ấy!
Nhưng mục đích của người viết bài này không nhằm chỉ trích cá nhân ông Luận, thậm chí còn đồng cảm với ý kiến của ông rằng bản thân cái việc hàng ngàn thí sinh điểm 0 về môn sử là điều rất “bình thường”.

Theo cách nhìn của người viết bài này thì những điểm 0 này không đáng ngại lắm, có khi lại hóa… hay vì nhiều sự kiện ghi trong “sử” mà các em đang học cũng đã bị “meo méo”, bị chính trị hóa theo quan điểm của các “nhà viết sử chính thống” rồi. Người lớn nhiều khi cứ lo xa này nọ cho bọn trẻ, nào là điểm sử thấp, nào là “thảm họa Vpop” (như báo chí vừa qua cũng kêu la om sòm). Tôi thì cho rằng bọn trẻ chẳng gây ra thảm họa gì đâu mà chính là rất nhiều người lớn, trong đó có nhiều ông “già đầu”, đang gây ra những thảm họa thật sự.

Người lớn mà tạo ra một môi trường trong sạch, công bằng, văn minh, không thành kiến thì chẳng cần bảo bọn trẻ cũng tự hướng đến những điều chân, thiện, mỹ. Người lớn không bảo “việc nước để chúng tao lo, không việc gì đến chúng mày”, thì bọn trẻ tức khắc sẽ quan tâm tìm hiểu đến những vấn đề của đất nước, trong đó có lịch sử vẻ vang mà cũng đầy thăng trầm của dân tộc.

Đừng đổ lên đầu con trẻ những vấn đề của người lớn!
“Điểm sử thấp” của bọn trẻ chưa gây ra tai họa gì đến nỗi “mất nước” đâu! Hãy nhìn những gương mặt bừng sáng của những thanh thiếu niên Hà Nội trong các cuộc biểu tình thể hiện tấm lòng yêu nước gần đây để mà lạc quan. Yên tâm đi các bạn!
Quan điểm này của tôi có thể bị nhiều người phản đối. Nhưng ý kiến cho rằng các môn văn, sử đang được dạy trong các nhà trường thực chất đã bị chính trị hóa để không còn là chúng nữa đã được chia sẻ bởi nhiều nhà sử học và văn hóa nổi tiếng, kể cả các giáo viên dạy sử tại các trường phổ thông. Và theo lời của chính các nhà văn và nhà giáo này thì đây là nguyên nhân học sinh chán ghét các môn văn, sử.

image 

Trong một bài báo đăng trên VietNamNet với tiêu đề: “Không thể lẫn lộn lịch sử với chính trị”, nhà văn Nguyên Ngọc viết: "Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác…”

Trên một diễn đàn khác, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phát biểu: “Rõ ràng sử học Việt Nam trong thời gian rất dài nó phục vụ chính trị. Cái nhiệm vụ chính trị tôi cho là không sai nhưng nó đã sơ cứng rồi, nó làm cho chương trình không tạo nên sự hấp dẫn cho bọn trẻ."

Còn nhà nghiên cứu lịch sử Đinh Kim Phúc thì nói: "Vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay đã bị bóp méo. Nó được xây dựng trên một nền tảng không khoa học. Chính vì vậy nên thầy thì không muốn dạy mà trò thì không muốn học."

Phản ứng tích cực?
Với cái môn học đã bị “bóp méo” nên” thầy thì không muốn dạy mà trò thì không muốn học" như ý kiến của ông Đinh Kim Phúc mà có hàng ngàn thí sinh được điểm 0 thì có gì mà đáng ngại nhỉ? Sao không thể coi đó là một phản ứng tích cực, một thông điệp của sự thật đáng để cho các nhà giáo dục và những người có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết một cách thỏa đáng.

image

Tôi cho rằng nếu một môn học có nhiều khuyết tật, bị “bóp méo” như các nhà văn nhà giáo đã phải thừa nhận như thế mà các thí sinh toàn được điểm 10 thì mới là điều bất bình thường, mới là điều đáng lo hơn nhiều và đó mới tiềm ẩn một thảm họa thực sự. Vì không có kiến thức thì vẫn còn có cơ may chữa được, chứ kiến thức bị méo mó thì khó chữa gấp trăm lần.
Các câu hỏi trong đề thi đặt ra không chuẩn cũng được một số nhà giáo nêu ra như là một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều thí sinh không biết đường nào mà trả lời, hoặc nếu có trả lời thì với lý sự khá “cùn”.

image
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội chứng tỏ giới trẻ cũng còn quan tâm chuyện nước nhà?

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, đồng thời cũng là người trực tiếp chấm thi môn sử nói rằng rất nhiều bài làm của các thí sinh làm ông cười ra nước mắt vì sự ngây ngô của chúng. Chẳng hạn như có thí sinh viết rằng "Nguyễn Tất Thành thuở nhỏ tính tình rất ngổ ngáo, người thường xuyên trốn học đi biểu tình, bị thực dân Pháp bắt được, đuổi học! Từ đó người căm thù thực dân, đế quốc mà ra đi tìm đường cứu nước” để trả lời cho câu hỏi vì sao Nguyễn Tất Thành lại ra đi tìm đường cứu nước.

Tình trạng các thí sinh viết ra những câu có vẻ ngây ngô như thế khi làm các bài thi về văn hay sử là khá phổ biến. Nhưng theo tôi thì đừng vội cho là tất cả các em đều ngây ngô khi viết ra những chuyện buồn cười đó. Biết đâu đây chỉ là một cách phản ứng, một kiểu giả vờ ngây ngô của những cô cậu học trò tinh quái đối với môn học mà các em không thích. Còn tại sao các em lại không thích môn học này thì Nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra lý giải khá xác đáng như đề cập ở trên.

image

Không thích nhưng vẫn phải làm bài, vẫn phải thi thì phản ứng bằng cách bịa. Và phải nói rằng bọn trẻ bịa rất giỏi! Ở một góc độ nào đó thì phải nói các em rất thông minh đấy chứ!

Điểm sử thấp chưa phải là thảm họa là như thế. Bởi vì như chính Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết trên VietNamNet đã dẫn ở trên cũng phát biểu “học sử học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm…”.

Vì vậy, một mặt người viết bài này xin chia buồn với các thí sinh nếu các em trượt đại học vì điểm sử thấp, mặt khác cũng xin các em và tất cả chúng ta đừng quá thất vọng về việc này. Vì những người như nhà văn Nguyên Ngọc mà đi thi bây giờ cũng có thể bị trượt cơ mà!

Trên trang blog có tên là “Lý Toét”, chủ blog đã có nhận xét vui vui mà rất khó bắt bẻ rằng để phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thì “về phương diện sự thật, không một ai có thể trả lời thay anh Thành hay là bất kỳ ai khác câu hỏi này. Bởi sự thật thì, rất tiếc chỉ có anh Thành mới biết là anh ấy ra đi vì nguyên nhân gì.”

image

Vì thế giả sử Cụ Hồ (tức là anh Thành khi còn trẻ) mà còn sống rồi đi thi sử mà gặp phải câu hỏi trên thì chắc gì Cụ đã có điểm!

Đáp án thay đổi
Hơn nữa, nếu một môn học, cũng như bất kỳ vấn đề gì, đã có hơi hướng “chính trị” thì điểm số không phải là chuẩn mực để đánh giá trình độ cao thấp nữa mà nó phản ánh mức độ phù hợp của bài làm so với quan điểm của người cho điểm.

Ví dụ như vừa qua, mục thăm dò ý kiến trên trang Ba Sàm, cho thấy có đến 98% số độc giả đồng ý với việc vinh danh các liệt sỹ thuộc quân lực VNCH hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và chỉ có 2% là không đồng ý.

"Đối với những vấn đề lịch sử thì các “đáp án” liên quan đến các quan điểm chính trị chỉ có tính tương đối và có thể thay đổi theo thời gian. Và với những sự thay đổi về đáp án ấy thì việc điểm 0 lúc này lại là điểm 10 lúc khác hoặc ngược lại là điều rất có thể xảy ra."

Điều ấy có nghĩa là giả sử nếu năm nay toàn bộ số độc giả ấy là thí sinh mà đề thi đại học có câu hỏi này và nếu đáp án trả lời do Bộ Giáo dục đưa ra là “không” thì sẽ chỉ có 2% là đạt yêu cầu, và 98% thí sinh còn lại sẽ được 0 điểm. Nhưng điều ấy có phải là “thảm họa” không?

Đối với những vấn đề lịch sử thì các “đáp án” liên quan đến các quan điểm chính trị chỉ có tính tương đối và có thể thay đổi theo thời gian. Và với những sự thay đổi về đáp án ấy thì việc điểm 0 lúc này lại là điểm 10 lúc khác hoặc ngược lại là điều rất có thể xảy ra.

image
lịch sử chống Trung Quốc

Ví như vào những năm của thập kỷ 70 của thế kỷ trước mà các thí sinh ở xứ Hungary đi thi viết rằng sự kiện xảy ra ở Hungary năm 1956 là “phản cách mạng” thì chắc họ sẽ được điểm 10. Thời ấy, ai mà biết được mấy chục năm sau những điểm 10 ấy sẽ trở thành những điểm 0 tròn trĩnh.
Vì vậy “điểm sử thấp” chưa phải là tai họa gì cả. “Mất nước” (nếu xảy ra) và “điểm sử thấp” không có mối quan hệ nhân – quả với nhau, mà chúng cùng là hậu quả của một nguyên nhân lớn khác. Nhưng chuyện ấy nếu bàn ở đây thì rất dài.

image

Tính hấp dẫn của lịch sử nằm ở sự thật mà nó cần phải phản ánh. Hãy trả lịch sử về đúng vị trí của nó là một môn khoa học với mục đích hết sức giản dị là “dạy cho con tiếng nói thật thà” – như lời ca trong ca khúc “Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn mà mỗi lần hát lên tôi lại thấy rưng rưng, lại như thấy lịch sử cả trăm năm, ngàn năm của đất nước đang hiện về, yêu biết mấy và cũng thương biết mấy!

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, một blogger ở Việt Nam.

Hà Hiển
8 tháng 8, 2011

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.