Pages

Thursday, August 11, 2011

Văn hóa giao tiếp của người Việt

image


Quan hệ liên cá nhân trong giao tiếp

Liên quan đến việc giảng dạy văn hóa qua ngôn ngữ (ở đây cụ thể là tiếng Việt), tôi đã bàn đến mấy khía cạnh chính trong văn hóa giao tiếp: mức độ hoạt ngôn; các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữmức độ nghi thức hóa. Bài này xin bàn tiếp về khía cạnh thứ tư: các quan hệ liên cá nhân (inter-personal relationships).

image

Trong cái gọi là các quan hệ liên cá nhân ấy, có bốn vấn đề chính: gần gũi hay khoảng cách (proximity versus distance), có tính đẳng cấp hay bình đẳng (hierarchy versus equality), coi trọng tính công cộng hoặc riêng tư; và cuối cùng, chủ trương đồng thuận hay xung đột (consensus versus conflict). Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến khía cạnh thứ nhất: sự gần gũi và khoảng cách.

Mức độ gần gũi hay khoảng cách trong giao tiếp bao gồm hai khía cạnh: một, về phương diện vật lý, ở nhiều nơi, gặp nhau, người ta thường ôm nhau và hôn má nhau (hoặc hai hoặc bốn cái, tùy nền văn hóa); hai, về phương diện tâm lý, nó được thể hiện rõ nhất là qua cách xưng hô (terms of address) với việc dùng hay không dùng danh xưng (title) và việc gọi tên hoặc gọi họ của người mình đang đối thoại. Hai khía cạnh này không phải lúc nào cũng song hành với nhau.

image

Ví dụ, so với nhiều người Tây phương khác, người Úc thường giữ khoảng cách vật lý khi gặp gỡ (ít ôm và hôn má nhau), nhưng lại rất gần gũi nhau trong cách xưng hô (ngay cả giới lãnh đạo cao nhất nước cũng đề nghị người khác gọi mình bằng tên thay vì tên họ) (1).

Người Việt Nam, nói chung, thường thích sự gần gũi ở cả hai phương diện vật lý lẫn tâm lý. Về vật lý, họ thích vỗ vai, choàng vai hay bá cổ nhau (trừ với người khác phái); và về tâm lý, thích dùng những từ chỉ quan hệ thân tộc (anh./chị/em/chú/bác/cô...).

Liên quan đến cách xưng hô của người Việt, có một số đặc điểm đã được nhiều người phân tích: một, chúng ta không có hệ thống đại từ nhân xưng chuyên biệt (kiểu “I” để chỉ ngôi thứ nhất số ít; “we”, ngôi thứ nhất số nhiều; “you” cho ngôi thứ hai, cả số ít lẫn số nhiều; “he” hay “she” cho ngôi thứ ba số ít; và “they”, số nhiều); hai, thay vào đó, chúng ta sử dụng hệ thống danh từ chỉ thân tộc (hoặc thỉnh thoảng, chức vụ) để làm đại từ tạm thời; các đại từ tạm thời này thay đổi theo từng quan hệ, thậm chí, tình cảm của người phát ngôn.

Ví dụ, tương đương với chữ “I” trong tiếng Anh, ngoài chữ “tôi” (và tao, ta, tớ, mình) tương đối phổ biến nhưng chỉ được dùng với một số điều kiện nhất định, chúng ta còn có: anh, em, bác, chú, cô, dì, v.v... (tùy theo quan hệ với người nghe).
Tương đương với chữ “you”, chúng ta có: anh, chị, em, ba, mẹ, chú, bác, cô, dì, ông, bà, v.v... (tùy theo quan hệ với người nói).
Tương đương với chữ “he” hay ‘she”, để chỉ ngôi thứ ba số ít, chúng ta thường dùng từ chỉ thân tộc + nó (ba nó, mẹ nó, chị nó, anh nó); hoặc + ta/ấy (ông ta/ấy, bà ta/ấy, anh ta/ấy, chị ta/ấy, v.v...)

image

Từ góc độ văn hóa, cách xưng hô này có hai đặc điểm nổi bật:

Thứ nhất, nó biến xã hội thành một gia đình mở rộng, ở đó, ai cũng là bà con của nhau: người này là anh, người kia là chị, người nọ là bác hay là cô, v.v... Hai người hoàn toàn xa lạ với nhau, lần đầu tiên gặp nhau, gọi nhau là anh / em, hay chị / em, hay bác / cháu.... tự dưng có cảm giác thân thuộc ngay. Có thể nói, bằng cách xưng hô dựa trên quan hệ thân tộc như thế, người Việt coi trọng sự gần gũi trong sự giao tiếp, một sự gần gũi được hiện hình ngay trong ngôn ngữ.

Tuy nhiên, ngoài đặc điểm vừa nêu, cách xưng hô trong tiếng Việt còn có đặc điểm thứ hai, hạn chế bớt sự gần gũi và thân thuộc trong sự tương tác: nó nặng tính đẳng cấp, bao gồm ba khía cạnh chính: vai vế trong gia đình, tuổi tác và chức vụ trong xã hội. Hệ thống danh từ chỉ thân tộc tiếng Việt phân biệt nặng nề về phái tính và tuổi tác. Về phái tính: số lượng từ vựng chỉ phái nam - và bên nội - nhiều hơn phái nữ và bên ngoại. Ví dụ, với phái nam, chúng ta có “bác” và “chú”, nhưng với phái nữ, chúng ta chỉ có một từ “cô” chỉ cả chị lẫn em của bố/ba/cha; với bên nội, chúng ta phân biệt anh hay em của bố/ba/cha; nhưng với bên ngoại, anh hay em chỉ có một chữ: “cậu” (cho phái nam) và “dì” (cho phái nữ). Về vai vế và tuổi tác cùng cha mẹ, nhưng lớn hơn chúng ta, chúng ta phân biệt “anh” và “chị”, nhưng nhỏ hơn chúng ta thì chỉ có một từ: “em”; ở bậc ngang hàng với cha mẹ, chúng ta có “bác”, “chú”, “cô”, “cậu” và “dì”, nhưng dưới đó thì chỉ có “con” và ‘cháu” (bao gồm cả cháu ruột, grandchildren, lẫn cháu họ, niece hay nephew). Ngoài hệ thống danh từ chỉ thân tộc, người Việt Nam cũng dùng hệ thống danh từ chỉ chức danh hay chức vụ để xưng hô (thầy/cô/giáo sư/bác sĩ/tiến sĩ, v.v...):

Bản thân các từ này đều có tính đẳng cấp. Có thể nói, trong sự tương tác, qua cách xưng hô dựa trên quan hệ thân tộc và chức vụ cũng như chức danh, người Việt Nam vừa gần gũi lại vừa xa cách: xa cách ngay trong sự gần gũi. Điều này làm cho việc học cách xưng hô trong tiếng Việt trở thành một trong những khó khăn lớn nhất đối với người ngoại quốc cũng như đối với ngay cả trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Để quán triệt được cách xưng hô này, người ta cần phải có kiến thức liên văn hóa vững chắc.

Chú thích:

1. Thói quen này đã có từ lâu, nhưng trở thành công khai và phổ biến nhất chủ yếu kể từ khi Kevin Rudd lên làm Thủ tướng vào năm 2007. Trong một cuộc họp báo, khi các phóng viên gọi “Thủ tướng”, Kevin Rudd vọt miệng nói ngay “Cứ gọi tôi là Kevin” – Just call me Kevin. Mới đây, cũng trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi thắng cử ở tiểu bang New South Wales, khi các phóng viên bắt đầu câu hỏi bằng danh xưng “Thủ hiến”, Thủ hiến Barry O’Farrell cũng nói ngay: “Tôi còn có tên. Cứ gọi tôi là Barry”.

Giao tiếp không lời


image

Liên quan đến việc giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, trong bài trước, tôi đã trình bày về mức độ hoạt ngôn. Bài này xin trình bày khía cạnh thứ hai trong văn hóa giao tiếp là cách truyền thông phi từ vựng, hoặc, nói một cách dễ hiểu hơn, giao tiếp không lời (nonverbal communication):

Xin lưu ý: Truyền thông giữa người và người có thể được chia thành hai hình thức chính: có lời (verbal) và không có lời (nonverbal). Truyền thông không có lời bao gồm hai hình thức chính: bàng-ngôn ngữ (paralanguage) bao gồm giọng điệu, độ nhấn hay ngay cả những quãng im lặng trong cuộc đối thoại; và ngoại-ngôn ngữ (extralanguage) bao gồm ba yếu tố chính: môi trường (environmental language) như khung cảnh (setting), khoảng cách (distance/proxemics), phương tiện (mặt đối mặt hay qua điện thoại, v.v...); ngôn ngữ vật thể như quần áo, trang điểm, v.v... và cuối cùng, quan trọng nhất, ngôn ngữ thân thể (body language) bao gồm các yếu tố chính như: tiếp xúc bằng mắt, diễn tả trên khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ, v.v...

Xin lưu ý là ở đâu, trong xã hội và văn hóa nào, người ta cũng sử dụng ngôn ngữ thân thể. Chức năng chính của ngôn ngữ thân thể là:
Bổ túc vào ngôn ngữ bằng lời.
Tăng cường sức thuyết phục hay hiệu quả của lời nói
Bộc lộ cảm xúc
Dễ tạo nên sự giao cảm
Có tính chất nghi lễ (bắt tay, cúi đầu, v.v…)

Trong khi ngôn ngữ thân thể là điều phổ biến trong mọi nền văn hóa, việc sử dụng ngôn ngữ thân thể của người Việt Nam có ít nhất hai điểm khác biệt so với nhiều văn hóa khác:

image

Thứ nhất, trong khi người Tây phương, đặc biệt là nam giới, thường dùng tay để biểu lộ tình cảm hay ý nghĩa của mình (bắt tay, vung tay, chỉ tay, nắm tay… để làm thân, nhấn mạnh, sỉ nhục, đe doạ, etc.).

image

Nữ giới thường dùng các biểu hiện trên khuôn mặt (nhăn mặt, nhíu mày, chu miệng, thun mũi, trề môi, etc), người Việt thì thích dùng ánh mắt (nhưng không phải là eye contact, chủ yếu là liếc) và nụ cười. Nếu dùng tay, người Việt thường sờ hay xoa.

Nói đến cái liếc mắt, không thể không nhớ đến nhà văn Võ Phiến. Năm 1977, sau gần hai năm định cư tại Mỹ, quan sát đời sống và cách thức sinh hoạt của người Mỹ, Võ Phiến phát hiện ra một số sự khác biệt khá thú vị trong tâm tính của người Mỹ và người Việt. Một trong những phát hiện ấy là, theo ông, cách biểu lộ tình cảm của người Mỹ khác hẳn người Việt Nam. Trai gái Mỹ gặp nhau, hoặc tán tỉnh nhau ào ào hoặc cứ dửng dừng dưng, như không hề chú ý đến nhau. Rất hiếm thấy cái cảnh họ trố mắt ngắm nghía, họ trầm trồ về nhau. Còn người Việt Nam thì khác. Võ Phiến hồi tưởng:

“Bạn hãy nhớ lại những buổi chiều chúng ta ngồi ở Kim Sơn, ở quán Cái Chùa, ở những bàn nhậu bên lề đường Lê Lợi, vừa nhâm nhi vừa... rửa mắt. Chúng ta quấy nhiễu, nhảm nhiều chứ. Và những khi hoặc bát phố Lê Lợi hoặc có dịp lượn vào chợ, chen vô rạp hát, vào những nơi có lắm bóng hồng: bấy giờ ngay đến những đấng trượng phu tuổi tác, mấy ai tránh khỏi mắt la mày lém, thì thầm khúc khích với nhau?
So với những hoạt động nghịch ngợm ấy của chúng ta, người Mỹ xem có vẻ tỉnh bơ bên cạnh đàn bà con gái. Như không buồn để ý đến. Cho đến khi, thoắt cái, thuyền quyên bị đè ra ứ hự. Và báo chí tha hồ loan báo, và xã hội lo ngại, và thống kê tha hồ ghi nhận v.v...” (1)

image

Như vậy, có thể nói, trong giao tiếp, ít nhất là giao tiếp giữa những người khác phái, ở Việt Nam, con mắt chiếm một vị trí rất đặc biệt. Điều đó có thể dễ dàng được chứng thực trong thơ văn, từ Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Thiếp danh đưa tới lầu hồng
Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa

Đến bài “Tình già” của Phan Khôi:

Liếc đưa nhau đi rồi
Con mắt còn có đuôi

Thơ Huy Cận:

Ðứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

Và thơ Nguyên Sa:

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng, v.v...

Đó là trong thơ văn. Trong ngôn ngữ Việt Nam, mắt cũng rất nổi bật. Nổi bật ở số lượng thành ngữ: mắt thấy tai nghe, mắt nhắm mắt mở, mắt trước mắt sau, mắt la mày lét, mắt để trước trán, mắt ba vành sơn son (chỉ những người mắt toét), mắt thứ hai, tai thứ bảy (chỉ nếp sinh hoạt ở công sở tại Việt Nam hiện nay). Nổi bật ở số lượng từ ghép trong đó có từ tố “mắt”: ra mắt, đẹp mắt, nóng mắt, sướng mắt, bắt mắt, ngon mắt (nhớ hai câu thơ trong Cung oán ngâm khúc:

Ðoá lê ngon mắt cửu trùng
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.

Trong phần lớn các từ ghép vừa kể, từ tố “mắt” đều có thể được thay thế bằng từ tố “mặt”, tuy nhiên, ý nghĩa của chúng sẽ khác hẳn nhau, chủ yếu là ở chỗ: trong khi “mắt” nghiêng về khía cạnh thẩm mỹ (đẹp mắt/bắt mắt/sướng mắt...); “mặt” lại thiên về khía cạnh danh dự (đẹp mặt/nóng mặt). Nổi bật nữa vì số lượng các động từ liên quan đến hoạt động của mắt khá nhiều: nhìn, ngó, ngắm, trông, thấy, rình, xem, nom, dòm, nhòm, lườm, gườm, trợn, háy, nguýt, liếc ngang, liếc xéo, liếc dọc. Ngoài ra, còn một số từ ngữ khác cũng chỉ động tác của con mắt như đưa mắt, ghé mắt, liếc mắt. Những chữ ấy đều chỉ động tác của con mắt nhưng ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, nom là trông coi một cách cẩn thận, như nom nhà, nom con; còn dòm thì lại là cái nhìn một cách lén lút, là nhìn qua những khe hở., v.v..

Tương tự như đôi mắt, nụ cười của người Việt cũng vô cùng đa dạng và rất thường bị diễn dịch sai. Ngay cả người Việt Nam cũng sai. Chẳng hạn, học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), trong bài “Gì cũng cười” đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913, viết:

“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”

image
Lời phê phán ấy được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Theo tôi, ở đây, Nguyễn Văn Vĩnh đã “đọc” sai nụ cười và tiếng cười của người Việt Nam. Cái ông gọi là “hì một tiếng” ấy, thật ra, là một thứ ngôn ngữ của người Việt Nam. Cũng giống mọi ngôn ngữ khác, những tiếng “hì” ấy cũng có ý nghĩa nhất định. Cung bậc cũng “hì” thay đổi, ý nghĩa cũng thay đổi theo. Bởi vậy, người Việt Nam có nhiều kiểu “hì” khác nhau: Cười ba lơn, cười bả lả, cười ba ngoe (cười nịnh), cười bông phèng, cười buồn, cười cầu phong, cười cầu tài, cười chớt nhả, cười chua chát, cười cợt, cười dã lã, cười dê, cười duyên, cười đế, cười đểu, cười Đổng Trác, cười động cỡn, cười đú đởn, cười đón, cười đưa, cười gằn, cười góp, cười gượng, cười hợm (hĩnh), cười huề, cười khà, cười khảy, cười khê, cười khinh khỉnh, cười lẳng, cười lấy lòng, cười lén, cười lỏn lẻn, cười mát, cười mỉa, cười mơn, cười mũi, cười ngả ngớn, cười ngạo, cười ngạo nghễ, cười ngựa, cười nhả, cười nhả nhớt, cười nham nhở, cười nhăn nhở, cười nhạo, cười nhạt, cười nịnh, cười ruồi, cười thái sư, cười thâm, cười thầm, cười theo, cười tình, cười trâu, cười trây, cười trừ, cười xã giao, cười xí xóa, v.v...

image

Nhiều đến độ nhà văn Nguyễn Tuân nghĩ “e phải làm từ vựng từ điển Việt Nam đến nơi rồi cho tiếng cười giàu có của chúng ta”. Rồi, tiếp theo, ông trầm trồ: “Tổ tiên ta thiệt là những nghệ sĩ đã tạo hình cho tiếng cười Việt Nam, tạo cho tiếng cười bao nhiêu là bóng dáng, và có cả một cái gì như là biên chế đầy đủ thang bậc về tiếng cười.” (2)
Khi tiếng cười và nụ cười được sử dụng như một ngôn ngữ, nhiệm vụ của người đối thoại là phải học cách “diễn dịch” chúng. Có thể nói: không thể giao tiếp với người Việt Nam một cách trọn vẹn nếu không “đọc” được ý nghĩa của tiếng cười và nụ cười mà họ sử dụng.

Sự khác biệt thứ hai là, trong khi ở nhiều văn hóa khác, người ta vừa sử dụng loại ngôn ngữ bằng lời vừa sử dụng loại ngôn ngữ thân thể, ví dụ, vừa gật đầu cười vừa nói “hello”, người Việt Nam, ngược lại, trong rất nhiều trường hợp, người ta chỉ sử dụng ngôn ngữ thân thể mà không kèm theo loại ngôn ngữ bằng lời. Ví dụ, gặp nhau, khi đã gật đầu chào, người ta cảm thấy không cần phải nói thêm câu “chào anh/chị” nữa. Sự im lặng đi kèm theo cái gật đầu và nụ cười ấy phải được diễn dịch như một lựa chọn có ý nghĩa giao tiếp chứ không phải là sự trịch thượng hay thiếu lịch sự.

Chú thích:
In lại trong tập Tạp Luận của Võ Phiến, nxb Văn Nghệ, California, 1987, tr. 306.
Tuyển tập Nguyễn Tuân 2, Nguyễn Đăng Mạnh biên tập, nxb Văn Học, HN, 1982, tr. 393-4.


Nguyên tắc lịch sự trong giao tiếp

Vấn đề cuối cùng trong văn hóa giao tiếp của người Việt là vấn đề lịch sự.

image

Xã hội nào cũng có những nguyên tắc lịch sự nhất định. Các nguyên tắc ấy chi phối không những hành vi mà còn toàn bộ các loại hình ngôn ngữ, từ ngôn ngữ bằng lời (verbal language) đến ngôn ngữ không lời (nonverbal language), bao gồm cả bàng-ngôn ngữ (paralanguage) và ngoại-ngôn ngữ (extralanguage), trong đó có ngôn ngữ thân thể.

Theo Penelope Brown và Stephen Levinson, ý niệm về lịch sự bao giờ cũng gắn liền với ý niệm về thể diện vốn có tính phổ quát trong nhân loại (1). Nhưng ý niệm về thể diện thì bao giờ cũng gắn liền với những niềm tin và những bảng giá trị nhất định; các niềm tin và bảng giá trị này thay đổi theo từng nền văn hóa, và trong mỗi nền văn hóa, thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, do đó, nhiều khi cái được xem là lịch sự ở văn hóa này lại trở thành bất lịch sự ở nơi khác; hoặc lịch sự ở lúc này nhưng lại trở thành bất lịch sử ở thời điểm lịch sử khác.

Bởi vậy, hơn đâu hết, để có thể tiếp xúc liên văn hóa, người ta cần phải tìm hiểu, ngay từ đầu, các nguyên tắc lịch sự của cái ngôn ngữ mà mình đang học. Đó là lý do chính tại sao từ khoảng vài thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt sau khi cuốn Politeness của Brown và Levinson được xuất bản (1978), giới nghiên cứu tập trung thật nhiều công sức vào việc khai thác ý niệm lịch sự từ các nền văn hóa khác nhau.

Nhưng lịch sự là gì?
Về phương diện từ nguyên, nguồn gốc của chữ "polite" trong tiếng Anh hiện nay có thể là từ chữ "poli" (thành thị) hoặc "politizmos" (văn minh) trong tiếng Hy Lạp cổ hoặc từ chữ "politus" (chải chuốt) trong tiếng Latin. Thật ra, tất cả những từ gốc ấy đều có một số điểm giống nhau, và tất cả đều được phản ánh trong nội hàm khái niệm politeness hiện đang được sử dụng: đó là những sự giao tiếp có phong thái đẹp và có giáo dục, là dấu chỉ của người có văn minh và văn hóa.

image
Trong tiếng Việt, chữ "lịch sự" đã xuất hiện từ lâu (trong Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 đã có), tuy nhiên, tôi ngờ, thoạt đầu, nó chỉ có nghĩa là từng trải, có nhiều kinh nghiệm sống, biết cách giao thiệp. Vậy thôi. Để chỉ khái niệm lịch sự như chúng ta hiểu hiện nay, người xưa dùng chữ lễ phép. Chữ "lễ" trong lễ phép mang ba nội dung chính: một, đó là những khuôn phép và là những quy phạm có tính bắt buộc; hai, mang nặng ảnh hưởng của Nho giáo; và ba, như là hệ quả của nội dung thứ hai vừa nêu, thường chỉ có một chiều: từ dưới lên. Nói cách khác, trong sự tương tác giữa người bề trên và người bề dưới (về mọi phương diện: tuổi tác và đẳng cấp trong gia đình cũng như trong xã hội), chỉ có người bề dưới mới cần lễ phép, người bề trên thì được miễn. Sau này, chữ "lễ phép" thường chỉ được dùng trong quan hệ gia đình và học đường; chữ "lịch sự" dần dần chiếm ưu thế khi chỉ các mối quan hệ xã hội.

Tuy nhiên, trong cách nhìn của người Việt Nam, lịch sự vẫn chủ yếu là cách hành xử của người dưới đối với người trên hơn là ngược lại.
Trong phạm vi ngôn ngữ, nguyên tắc lịch sự của người Việt Nam thường được thể hiện ở mấy khía cạnh chính:

Một, cách xưng hô: phải đúng chức vụ, vai vế và tuổi tác.

Hai, sử dụng các từ thưa gửi ở đầu câu: Dạ/vâng/thưa/xin (ngày xưa còn có "bẩm" và "trình").

Ba, sử dụng ngữ khí từ ở cuối câu: “ạ” (So sánh hai kiểu nói: "Chào bác" và "Chào bác ạ".)

Bốn, lặp lại đại từ nhân xưng ở cuối câu (Ví dụ: "Bác khỏe không, bác?")

Chú ý: cả bốn biện pháp ngôn ngữ trên chỉ được áp dụng với người dưới. Với người bề trên hay cấp trên, tất cả các biện pháp ấy đều không cần thiết. Nói cách khác, trong tiếng Việt, lịch sự, với người dưới, là lễ phép, phải là lễ phép; với người trên, chỉ cần thân thiện.
***

Chú thích:
1.     Penelope Brown và Stephen Levison (1978), Politess: Some Universals in Language Use, Port Melbourne: Cambridge University Press.




Nguyễn Hưng Quốc

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.