Pages

Wednesday, September 14, 2011

LM Nguyễn Văn Khải nói về Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam

image


Trong chuyến ghé thăm thân nhân, bằng hữu và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, vào ngày 11 tháng 9, LM Nguyễn Văn Khải đã có buổi nói chuyện với đồng hương Houston.

image
Linh mục Nguyễn Văn Khải và phóng viên Hiền Vy đài ACTD


Thực trạng

Trước hết  LM Nguyễn văn Khải cho biết về tình hình Tự do tôn giáo tại Việt Nam:
Nói cho đúng là tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện nay đang bị vi phạm nghiêm trọng, bởi vì theo chúng tôi thấy một cách tổng quát là Tự do Tôn giáo đang bị vi phạm ở sáu lãnh vực sau đây:

image

Thứ nhất là các sinh hoạt thuần túy mang tính tôn giáo vẫn bị nhà nước tìm cách kiểm soát và khống chế. Chẳng hạn như là chương trình các lễ lớn, chẳng hạn như việc đào tạo phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo.

Thứ hai là các các tổ chức của các tôn giáo không được tự do và bình đẳng trong lãnh vực kinh tế, không được làm kinh tế.

Thứ ba là các tổ chức tôn giáo và tín đồ của các tôn giáo không được tự do và bình đẳng trong lãnh vực chính trị, không được nắm các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Thứ bốn là tín đồ của các tôn giáo không được bình đẳng về mặt xã hội. Các tôn giáo cũng vậy. Thường bị coi là công dân hạng hai, hạng ba, hạng bốn, gì đấy…. Trong khi đó con dấu của tổ chức tôn giáo và chữ ký của người đại diện không được toàn thể các cơ quan, tổ chức nhà nước và xã hội công nhận.
Việt Nam không có tự do tôn giáo và nhà cầm quyền càng ngày càng tìm cách kiểm soát và xiết chặt các hoạt động của tôn giáo, một cách tinh vi và đôi khi rất trắng trợn.

Thứ năm là các tôn giáo bị phân biệt đối xử, không được tự do và bình đẳng, trong lãnh vực Giáo dục, Văn hóa, Thông tin, Y tế, Từ thiện. Các tôn giáo hầu như bị loại trừ ra khỏi các lãnh vực phục vụ này.

Thứ sáu, chúng tôi thấy không có tự do tôn giáo là bởi vì các tín đồ của các tôn giáo, và nhất là các chức sắc của các tôn giáo, không có được tự do cư trú và tự do đi lại.
Tôi thấy rõ là Việt Nam không có tự do tôn giáo và nhà cầm quyền càng ngày càng tìm cách kiểm soát và xiết chặt các hoạt động của tôn giáo, một cách tinh vi và đôi khi rất trắng trợn.

image 

Tu chui” và nhận chức “chui”

Hiền Vy: Thưa LM, tại Việt Nam thường nghe nhắc đến việc gọi là “Tu Chui”, xin LM giải thích cái hiện tượng này là như thế nào ạ ?

LM Nguyễn Văn Khải: “Tu chui” là danh từ người ta thường dùng để chỉ các tu sĩ, chủng sinh được tuyển chọn và được đào tạo bí mật, bất chấp lệnh cấm cản vô lý của nhà cầm quyền. Họ là những tu sĩ, chủng sinh, hợp pháp theo giáo luật, nhưng bị nhà nước Việt Nam coi là “bất hợp pháp” vì được tuyển chọn và đào tạo không phép nhà nước. Đấy cũng là điều cho thấy nhà nước Việt Nam luôn thò bàn tay lông lá vào việc nội bộ tôn giáo như thế nào.

Hiền Vy: Vâng, thưa LM còn phong chức chui thì sao ?

LM Nguyễn Văn Khải: Phong chức chui cũng thế. Nhiều tu sĩ, chủng sinh khi hoàn tất chương trình đào tạo đã bị nhà nước ngang nhiên cấm cản chịu chức. Tuy nhiên, trước nhu cầu của Giáo Hội, xét thấy các thầy đấy xứng đáng, thì các đức giám mục đã truyền chức linh mục cho các thầy để phục vụ Giáo Hội, bất chấp lệnh cấm cản của nhà nước. Ở Miền Bắc, nhiều chủng sinh và linh mục đã phải trả giá cho việc tu “chui” và nhận chức “chui” của mình hàng chục năm trong các nhà tù. Ngay tại làng Phúc Nhạc, quê tôi, cha Giuse Vũ Quang Điện, linh mục nghĩa phụ của tôi, cũng đã phải nếm cảnh tù đầy 2 lần trong hơn 10 năm trời chỉ vì đã tu chui và chịu chức linh mục chui.

Hiền Vy: Thế thưa bây giờ có bao nhiêu linh mục và giám mục chui ạ ?

LM Nguyễn Văn Khải: Thật ra chúng tôi không biết có bao nhiêu linh mục và giám mục thuộc diện gọi là chui trong Giáo Hội Việt Nam. Số linh mục chui trong DCCT chúng tôi khoảng 50 vị, trong đó bao gồm cả cha đương kim Giám Tỉnh Phạm Trung Thành hiện nay. Ngài thuộc lớp chui đầu tiên trong DCCT chúng tôi ở Miền Nam sau năm 1975. Còn số giám mục chui, thì chúng tôi biết ở Miền Bắc có ít nhất 5 vị được truyền chức bí mật, bất ngờ, không cần phép nhà nước. Có vị như Đức cha Phạm Văn Dụ, giáo phận Lạng Sơn mãi cho đến năm 1990-1991 gì đó mới được nhà nước công nhận là giám mục. Mặc dù là đã có sắc phong được bổ nhiệm từ năm 1960.

Có vị chưa được công nhận thì đã qua đời như Đức cha Mẫn ở giáo phận Bắc Ninh. Tôi nhớ có lẽ không lầm thì người truyền chức giám mục chui nhiều nhất là Đức Hồng y Trịnh Như Khuê, Ngài truyền chức cho 3 vị và tiếp theo là Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, truyền chức cho 2 vị.

Hầu hết những vị này về sau được nhà nước công nhận cả.

image

Hiền Vy: Thưa LM, theo như nhiều người nhận định thì hình như là ở Thái Hà được “dễ dãi” hơn tất cả những nơi khác ?

LM Nguyễn Văn Khải: Tôi không hiểu “dễ dãi” mà chị hỏi hiểu theo nghĩa nào. Nhưng thực tế thì Thái Hà là nơi gặp rất nhiều khó khăn. Thái Hà liên tục bị nhà cầm quyền bách hại trong gần 60 năm nay. Đã có 2 thầy ở Thái Hà bị chết trong trại tập trung, 2 cha đã bị tù đầy, hai cha khác bị trục xuất. Còn hiện nay thì hầu hết các cha các thầy ở đấy đều bị nhà cầm quyền gây khó dễ, sách nhiễu, đe dọa, khủng bố.

Trong khi đó, xưa cũng như nay, số giáo dân bị đánh đập, bị bắt giữ và bị tù đầy thì không tính được, nhưng chắc chắn là đông hơn các cha, các thầy. Còn hiện nay, toàn thể các cha các thầy ở đấy chẳng ai được nhà nước cho hộ khẩu cả. Cha chính xứ Nguyễn Văn Phượng hiện nay đấy cũng là một linh mục được truyền chức chui công khai. Nghĩa là truyền chức công khai mà không được nhà nước công nhận. Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt truyền chức đấy.


Thực ra là Thái Hà bị dồn ép tứ bề và vì thế chúng tôi phải vùng lên giành lấy quyền sống và quyền phục vụ của mình, những cái quyền mà Chúa Trời đã ban cho chúng tôi và cũng là những cái mà nhà nước cố tình cướp đoạt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, một khi chúng tôi có lý, một khi chúng tôi kiên định với lối sống của chúng tôi và sẵn sàng liều thân chấp nhận tù đầy, chết chóc để trả giá cho lối sống chứng tá của mình, nhằm bảo vệ sự độc lập và tự do của Giáo Hội thì chúng tôi cũng tạo lập được một không gian tự do hơn cho chính mình. Nói cho đúng, không phải chúng tôi được “dễ dãi” mà là nhờ ơn Chúa chúng tôi đã dám giành lấy quyền sống của mình và chấp nhận trả giá cho sự dấn thân của mình.

Tình yêu công lý thắng nỗi sợ hãi

image

Hiền Vy: Thưa LM, tại sao Thái Hà lại có thể thoát được sự sợ hãi như vậy ?
LM Nguyễn Văn Khải: Theo như chúng tôi thấy thì có lẽ không chỉ Thái Hà mà nhiều người Công giáo ở Hà Nội và rộng hơn là toàn Miền Bắc, đều đã ít nhiều vượt qua nỗi sợ hãi. Sở dĩ như thế là vì họ có lòng tin Chúa mạnh mẽ, có lòng yêu mến người khác, yêu mến Giáo Hội và quê hương rất mãnh liệt và vì trong một xã hội bất công, dối trá và bạo lực lan tràn, những giáo dân ấy có khát vọng cháy bỏng về tình yêu công lý, sự thật và hòa bình. Những điều ấy đã giúp họ vượt thắng nỗi sợ hãi và vượt thắng cả nỗi sợ chết để dấn thân làm chứng cho Chúa là được, là sự thật và là sự sống, để dấn thân đòi quyền sống cho mình và cho tha nhân.

image

Hiền Vy: Thưa LM có lo ngại là giáo xứ Thái Hà sẽ bị phiền phức hay khó khăn khi LM trả lời những câu vừa được hỏi hay không ạ ?

LM Nguyễn Văn Khải: Như chúng tôi đã nói và như nhiều người biết, Giáo xứ Thái Hà chúng tôi từ thời chế độ Cộng sản lên nắm quyền năm 54 đến giờ, thì chuyện bị gây khó dễ, bị sách nhiễu, bị khủng bố, bị bắt bớ, bị tù đày, bị sỉ nhục, giết chóc, đã trở thành cơm bữa, nghĩa là chuyện bình thường. Còn như nếu bây giờ nhà nước không có nói gì, không gây khó dễ gì Thái Hà, thì đấy mới lại là chuyện bất thường.
Vâng, chúng tôi chẳng ngại chuyện bị nhà nước gây khó dễ. Một khi chúng tôi đã tin rằng mình nói và làm đúng theo như thể Chúa muốn và người mong, thì dù hậu quả thế nào chúng tôi cũng bình an. Chúng tôi tin rằng càng chấp nhận chết với Chúa thì chúng tôi càng được sống với Người. Thái Hà xưa nay bị bách hại nặng nề nhưng cũng nhờ thế mà Thái Hà luôn sống dồi dào và làm chứng mạnh mẽ.

image


Hiền Vy: Lý do nào LM làm một trong những người tiên phong như vậy ?

LM Nguyễn Văn Khải: Chúng tôi chẳng phải là những người tiên phong. Thật ra, chúng tôi sống trong truyền thống của một giáo hội bị bách hại ở miền Bắc, có các đức cha, các cha, các thầy, các giáo dân đi trước dẫn dắt, lại có các người cùng thời đồng hành chia sẻ. Chúng tôi là những con người được giáo hội đó, được vùng đất đó sinh ra. Chúng tôi sống để rao giảng Tin mừng cho người nghèo, để làm chứng cho Chúa là đường, là sự thật và là sự sống trong miền đất đó. Đó là ơn gọi, là sứ vụ của chúng tôi.
Chúng tôi chẳng ngại chuyện bị nhà nước gây khó dễ. Một khi chúng tôi đã tin rằng mình nói và làm đúng theo như thể Chúa muốn và người mong, thì dù hậu quả thế nào chúng tôi cũng bình an.

image 

Hiền Vy: Thưa LM, những việc LM làm đó có phải là đang làm chính trị không ?

LM Nguyễn Văn Khải: Chúng tôi không nghĩ đấy là việc chính trị vì chúng tôi không có tham gia đảng phái chính trị. Chúng tôi cũng không có mục đích là giành quyền lãnh đạo và điều hành quốc gia. Chúng tôi không tham gia vào bộ máy lập pháp, không tham gia vào bộ máy tư pháp và hành pháp của một chính quyền, Những việc chúng tôi làm chỉ là việc làm chứng cho công lý, sự thật và hòa bình thôi. Thấy một đất nước mà bất công tràn lan thì chúng tôi phải đòi công lý cho những người khác và cho chúng tôi. Thấy một xã hội mà giả dối lan tràn thì chúng tôi đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng sự thật. Thấy một xã hội đầy rẫy bạo lực mà nhà cầm quyền là hiện thân của việc sử dụng bạo lực một cách bừa bãi thì chúng tôi lên tiếng đòi hòa bình và làm chứng cho hòa bình mà thôi.

Hiền Vy xin cảm ơn LM Nguyễn Văn Khải.
RFA

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.