Pages

Thursday, October 27, 2011

Phong trào viết hồi ký

image

Chưa bao giờ phong trào viết hồi ký lại nở rộ như bây giờ, đặc biệt là những hồi ký viết về Việt Nam , về những biến cố liên quan đến nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Mỹ viết hồi ký. Ta viết hồi ký, và Tây cũng viết hồi ký.

Mỹ viết hồi ký, thì gồm những nhân vật liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới việc làm sụp đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, và việc giết chết anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, như các cựu Tổng thống Nixon, Johnson, cựu Bộ trưởng Kissinger, cựu Tướng lãnh Taylor, Westmoreland, Cựu Đại sứ Nolting, và đặc biệt nhất là cựu Đại sứ "đồ tể" Cabot Lodge với cuốn : "The storm has many eyes".

Ta viết hồi ký, thì trước hết phải kể tên cuốn hồi ký bằng tiếng Tây : "Le dragon d'Annam". Cuốn hồi ký này có giá trị, vì tác giả đã viết trung thực về những biến cố, những sự việc xảy ra trong một giai đoạn lịch sử, không thiên kiến, không bè phái, không chạy tội, không bóp méo sự thật, như những cuốn hồi ký của mấy ông phản tướng, phản loạn như : Đỗ mậu, Tôn Thất Đính, Nguyễn Cao Kỳ, nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Đôn. Hồi ký của mấy ông này toàn là những chuyện chạy tội phản loạn. Riêng ông Đỗ Mậu, thì chửi bới lung tung, hết chửi ông Ngô Đình Diệm, rồi chửi Thiên Chúa Giáo. Có người thắc mắc, với lực học lớp ba trường làng, làm sao ông Đỗ Mậu có thể viết được cuốn hồi ký đao to búa lớn như cuốn : "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" ? Chả có gì khó hiểu. Nếu ông không đủ chưởng lực để đâm chém, thì ai có quyền cấm ông thuê mướn du đảng đâm chém dùm ông, Ai cấm nhóm Ấn Quang viết hồi ký đó, để rồi cho ông đứng tên ? Ông đã từng là "Phó thủ tướng đặc trách văn hóa" chớ đâu phải… dân ngu khu đen !!!
Nhưng cường điệu hơn cả, là cuốn hồi ký viết bằng tiếng Anh của cựu Đại sứ Bùi Diễm với tựa đề : "In the jaws of history", và đã dịch sang tiếng Việt là : "Gọng kìm lịch sử".
Cuốn hồi ký này được trình làng chỗ tôi ở, và đã được tới bốn ông VIP xúm vào bốc thơm. Bốc thơm hăng nhất là ông VIP Nguyễn Mạnh Hùng.

image
Ông Bùi Diễm tại buổi hội thảo hôm 9/4/2010

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bốc rằng :
"Ông Diễm là một người có biệt tài cá nhân, đã được lịch sử đặt vào một vị thế đặc biệt, để hành động và chứng kiến nhiều điều mà những người khác không có được. Ông làm việc mật thiết với nhiều nhân vật lịch sử và văn học Việt Nam . Ngoài những nhận xét sâu sắc về chính trị, ông Diễm còn đưa ra một số kết luận khiến người đọc rút ra những bài học lịch sử. Ông Diễm là người lý tưởng. Cuốn sách được viết với một giọng văn trong sáng, bình thản, không cường điệu, với những lời khen, tiếng chê đứng đắn, chừng mực. Đây là một trong những cuốn sách, nếu không muốn nói nó là cuốn sách tiếng Việt súc tích nhất, xuất sắc nhất trong số những hồi ký chính trị về cuộc chiến tranh Việt Nam".

Riêng ông ký giả Lô Răng, ngoài chuyện ca tụng ông Bùi Diễm, còn tỏ ra tôn kính ông Bùi Diễm đặc biệt, chỉ dám gọi là ông Bùi, chứ không dám động đến cái tên cúng cơm của ông ta, e rằng phạm thượng. Ông đã viết :
"- Ông Bùi thuộc loại đàn anh của tôi.
- Tôi thường gặp ông Bùi đi với những người bạn lớn của chúng tôi.
- Tôi nghĩ ông Bùi thuộc nhóm Quan Điểm".

Bùi đây là Bùi Diễm, con cụ Bùi (tức Bùi kỷ), cháu nội cụ Bùi (tức Bùi Thức), nghĩa là nhất gia tam Bùi.
Cứ như cái tên Lô Răng mà suy ra, thì ông ký giả này phải là Tây lai. Tây lai thì mới dùng tiếng Việt ngây ngô như vậy chứ. Còn người Việt chính cống không dùng tên họ mà gọi như vậy, mà luôn luôn dùng tên cúng cơm. Không ai gọi ông Dương văn Minh là ông Dương, ông Nguyễn văn Thiệu là ông Nguyễn, ông Cao văn Viên là ông Cao bao giờ. Ngoại trừ một vài người nổi tiếng, có thế giá đặc biệt, thì đôi khi được gọi cái họ thay cho cái tên cúng cơm như ở trong Nam gọi ông Ngô Đình Diệm là Ngô Tổng Thống, là Cụ Ngô, và dân Bắc Kỳ gọi Hồ Chí Minh là "Hồ chủ tịch", là "cụ Hồ". Thế thôi. Còn ông Bùi Diễm là cái thứ gì mà không dám gọi cái tên cúng cơm của ông ta, mà chỉ dám gọi là "ông Bùi" ? Sợ phạm thượng chăng ? Có tâng bốc nịnh bợ, thì cũng vừa vừa thôi. Bốc thơm quá lố, người ta buồn nôn.

Sau mấy chuyện bên lề trên đây, bây giờ xin bàn tới vấn đề chính yếu, đó là giá trị đích thực cuốn hồi ký của ông Bùi Diễm.
Điểm đặc biệt trước hết là, tuy bàn về những sự việc của Việt Nam, được viết bởi một người Việt Nam, nhưng lại viết bằng tiếng Anh. Điểm đặc biệt thứ hai là được viết bởi ông Bùi Diễm, một chuyên viên đấm bóp thời cuộc, tuần chay nào cũng có nước mắt.
Thôi cũng được đi, hồi ký của người Việt Nam mà lại viết bằng ngoại ngữ, thì càng le lói, có chi mà phải eo sèo. Với lại chủ trương của ông là viết cho Mỹ đọc, nên ông viết bằng tiếng Anh, chứ người Việt làm sao đủ trình độ mà hiểu nổi những điều cao siêu của ông. Cũng may, về sau ông có dịch ra tiếng Việt, để cho người Việt đọc, tuy bản dịch sang tiếng Việt có nhiều chỗ ông láu cá, thêm bớt, chứ không giống nguyên bản tiếng anh. Làm chính trị mà không láu cá, thì ở nhà rửa chén cho vợ.

Ông Bùi Diễm Với Nhóm Caravelle
Ngày 20 tháng 4 năm 1960, một nhóm mười tám người tự xưng là "thân hào nhân sĩ trí thức, đại diện cho các gia đình tinh thần đất nước", viết một "bản tuyên ngôn" lên án ông Ngô Đình Diệm không biết cách cách lãnh đạo đất nước, để đến nỗi :
"Dân nghèo thất nghiệp, của hết, tiền khan, lúa đầy đồng không bán đặng, hàng đầy chợ không ai mua, dân chúng sống chán nản trong vòng nguy khốn, trại giam khám đường không lúc nào đầy chật như lúc này".

image
New York 1968 - Ô. Bùi Diễm, Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ.

Rồi mấy ông ra "Bản tuyên ngôn" chuyển đạt tới tổng Thống Ngô Đình Diệm những thỉnh nguyện như sau :
"Đem dân tộc ra khỏi vòng nguy khốn, trả tự do cho đời sống người dân, giải tỏa khám đường cho khỏi chật chội, để các giáo phái được tự do hoạt động, giải tán các đoàn thể, phá hủy những khu trù mật hữu hình vô dụng, bỏ lối cai trị tàn ác giống như cộng sản khát máu độc tài…"

Đọc "Bản tuyên ngôn" Caravelle người ta thấy gì, Hầu hết toàn là những chuyện vu khống, đặt điều, không tưởng, lươn lẹo.

Mở đầu, "Bản tuyên ngôn" viết :
"Chúng tôi, đại diện một nhóm thân hào, nhân sĩ, trí thức, đại diện cho các gia đình ba miền đất nước…"
Các ông đã tự xưng "đại diện một nhóm gia đình ba miền của đất nước", mà trong nhóm có được bao nhiêu người là người miền Trung, bao nhiêu người là miền Bắc ??? Bất lương là chỗ đó.
Rồi toàn bóp méo sự thật. Chưa bao giờ đời sống dân chúng lại sung túc như dưới thời ông Ngô Đình Diệm. Thế mà "bản tuyên ngôn" viết : "Tình thế nguy ngập, dân tộc nguy khốn".
Và người soạn thảo "Bản tuyên ngôn" vu khống, đặt điều này lại là ông Bùi Diễm. Một người có tư cách không bao giờ đặt điều, vu khống người khác, nhất là người đó lại là một vị nguyên thủ Quốc Gia, được cả thế giới nể vì.

Ông Bùi Diễm với cuộc phản loạn 1963
Vụ Phật giáo năm 1963, đến nay đã rõ trắng đen. Rất nhiều nhân vật có tiếng tăm của Hoa Kỳ, nhiều nhà báo có tầm vóc và nhiều nhà viết sử danh tiếng đã lên tiếng, họ quả quyết đó chỉ là mưu kế chính trị của những kẻ muốn hãm hại anh em ông Diệm. Vạch trần những cái bẩn thỉu của biến cố "Pháp nạn" 1963, và những mưu sĩ của chính quyền Mỹ hồi đó ; trước hết, phải kể đến cố tổng thống Nixon, rồi đến cố hoàng đế Bảo Đại, rồi nhiều nhà báo mỹ nỗi tiếng như : Allen Hammer với cuốn "A death in November", Marguerite Higgins với cuốn "Our Viet Nam nightmare", như Anne Claire với cuốn "Lodge in Viet Nam", và những tác phẩm "The year of the Hare" của giáo sư Xavier Ưinter, tác phẩm "The Side of Camelot" của Semuar M.Hersch.
Phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam điều tra cũng đã phúc trình rõ ràng là : "Không có đàn áp hay kỳ thị tôn giáo ở Việt Nam ".
Với những tài liệu rành rành như thế, mà ông Bùi Diễm vẫn cố tình bóp méo lịch sử, để kết tội anh em ông Diệm. Ông bảo ông Diệm là con người "astute" (có nghĩa là sắc sảo, tinh khôn, nhưng cũng có nghĩa là ranh mãnh, láu cá). Khi tường thuật vụ Phật giáo, luận điệu của ông y hệt luận điệu của những nhà báo Mỹ thiên cộng, và luôn luôn đầy ác cảm với "nhà Ngô".

Vụ Phật giáo 1963, rành rành là một dựng đứng của những kẻ muốn hãm hại anh em ông Diệm, của những kẻ mắc mưu, hoặc toa rập với cộng sản, cố tình làm suy yếu hàng ngũ Quốc Gia, để đi đến chỗ mất nước sau này. Ông Bùi Diễm đã không cứu nước thì tốt hơn là hãy câm miệng. Thế mà nay ông lại đề cao cái chuyện làm mất nước đó, quả thực ông đã "can đảm" có thừa.
Trong khi mọi người Quốc Gia đều lên án Hồ Chí Minh, thì ông Bùi Diễm đã ca tụng Hồ Chí Minh như sau:

"But I thought to myself nevertheless that this was a truly capable man, relaxed and unflappable, a consummate politician". (Tuy nhiên, tôi tự nghĩ rằng ông này - Hồ Chí Minh - quả thực là người có khả năng, bình thản, không gì có thể làm cho bị lúng túng, một chính trị gia tài giỏi tuyệt vời).

Trong bản tiếng Anh (trang 88) ông Bùi Diễm viết là ông Ngô Đình Diệm chỉ tin người trong gia đình. Đọc đoạn này, chắc hẳn có nhiều người vạch ra cái sai trái của ông. Những người được ông Ngô Đình Diệm trọng dụng lúc bấy giờ như giáo sư Bửu Hội, ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, giáo sư Tôn Thất Thiện, các ông Nguyễn Ngọc thơ, Võ Văn Hải, Đỗ Thọ… và còn rất nhiều người khác được trọng dụng mà không thuộc gia đình họ Ngô. Có lẽ vì thấy bị hố quá, nên 13 năm sau, ông bùi Diễm đành phải sửa đổi trong bản tiếng Việt như sau :
"Ngoài những người trong gia đình ông hay một vài người thân cận với ông, ông không tin và không cần tới ai".
Sửa sai đấy, nhưng ông Bùi Diễm vẫn ngoan cố. Ông Diệm trọng dụng cả trăm người không thuộc gia đình ông để giữ những chức vụ quan trọng, nhưng ông Bùi Diễm nói là "một vài người thân cận". Nói quá sai sự thật như thế, hình như đó không phải là tác phong của người thành thực, một đức tính cần thiết của người cầm bút.

image

Chạy tội hèn nhát
Hồi năm 1963, Mỹ ép buộc Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải để cho Mỹ đổ quân vào Việt Nam . Vì bảo vệ chủ quyền Quốc Gia, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không chịu và bị Mỹ thuê mấy tướng lãnh phản loạn giết chết. Nhiều người đã ca ngợi cái uy dũng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, coi chủ quyền Quốc Gia trọng hơn cả mạng sống.
Ít lâu sau cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh, bác sĩ Phan Huy Quát giữ chức thủ tướng, và ông Bùi diễm giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, tức là cánh tay mặt của của bác sĩ Quát. Mỹ đòi đưa quân vào Việt Nam . Thủ tướng Phan Huy Quát cũng như Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Bùi Diễm đã ngoan ngoãn vâng lời Mỹ, rồi sau lại chạy tội là "miễn cưỡng thỏa thuận" cho mỹ đem quân vào Việt Nam".

image

Thầy trò ông hèn, thì cứ chịu hèn đi, có lẽ còn được thông cảm. Hèn vì không có cái uy dũng của tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hèn vì không bảo vệ chủ quyền Quốc Gia, để mặc cho Mỹ lũng đoạn. Hèn vì coi trọng cái miếng đỉnh chung - coi cái ghế Thủ tướng và cái chức Bộ trưởng là ngon lành, nên đã không dám hé răng, rồi sau còn muối mặt chạy tội là "miễn cưỡng thỏa thuận". Ai bắt được các ông miễn cưỡng, nếu không phải là cái Miếng Đỉnh Chung quá béo bở ngon lành ???

image 

Ảnh hưởng của ông Bùi Diễm tới số phận nhân dân Việt Nam
Ngoài chuyện khoe khoang về thân thế và sự nghiệp của ông Bùi Diễm, ông còn nói xa nói gần rằng, cuộc đời hoạt động chính trị của ông có tính cách quyết định đến số phận nhân dân Việt Nam hiện nay. Mà số phận nhân dân Việt Nam , tức sau ngày 30-4-1975 là gì ? Thưa là tù đày, là tra tấn dã man, là đói khổ cơ cực, là lê lết tấm thân tàn ma dại trong các nhà tù "cải tạo", là bị hãm hiếp, bị vùi thây nơi đáy biển cả, là đưa cả nước xuống hố lầm than chưa từng có trong xã hội loài người. Đấy, cái số phận nhân dân Việt Nam hiện nay là như thế đó. Nếu đích thực ông Bùi Diễm cố ý khoe rằng cuộc đời hoạt động chính trị của ông có tính quyết định đến số phận nhân dân Việt Nam ; thì nhân dân Việt Nam phải xin cảm ơn ông như nhân dân Do Thái phải cám ơn Hitler, như bà Ngô Đình Nhu phải thay mặt gia đình họ Ngô để cám ơn tên đồ tể Cabot Lodge và nhóm tướng lãnh phản loạn, như những thiếu nữ bị hãm hiếp trên đường vượt biển phải cám ơn bọn hải tặc Thái Lan.

image

Những điều giống nhau và khác nhau giữa hai ông Đại sứ

Giống nhau:
Cả ông Cabot Lodge và ông Bùi Diễm có những điểm giống nhau : Cả hai ông đều là nhà ngoại giao vào cuối cuộc đời chính trị, cả hai ông đều có quyền thế, cả hai ông đều là mưu sĩ, tinh ranh, cả hai đều chống ông Diệm.

Khác nhau :
- Ông Cabot Lodge đã can đảm thú nhận là ông sai lầm khi chủ trương lật đổ ông Diệm.
- Ông Bùi Diễm chưa có một lời nào hối hận, hoặc tiếc thương ông Diệm, có lẽ vì ông nghĩ rằng ông không có hành động nào công khai hay trực tiếp trong cái chết của ông Diệm, mà ông chỉ ngấm ngầm, đứng đằng sau lưng mà giật dây.
- Ông Cabot Lodge hối hận vì thấy sự việc ông Diệm bị giết chết, là một điều tai hại cho nước ông.
- Ông Bùi Diễm, thì hí hửng, vì thấy sự việc ông Diệm bị giết có lợi cho cá nhân ông. Nếu ông Diệm không bị giết, thì ông Diễm làm gì có cơ hội làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, rồi làm phụ tá đặc biệt cho tướng Kỳ, đặc trách kế hoạch và ngoại viện, làm Đại sứ tại nước Hoa Kỳ, rồi làm Đại sứ lưu động. Đi tới đâu là yến tiệc tới đó. Quê nhà tang tóc, đồng bào đói khổ, chết choc, mất hết tự do, bị hành hạ không bằng súc vật, ông đâu có cần. Cho đến cuối đời, ông vẫn ung dung nhàn hạ. Ông Bùi Diễm thật là Diễm Phúc.



Gàn Bát Sách


image
Cựu Đại Sứ BÙI DIỄM

Tiểu Sử Sơ Lược

Sinh năm 1923 tại Phủ Lý, Hà Nam, Bắc Việt Nam.
Thời trung học, như đa số thanh niên Việt Nam lúc ấy, ông Bùi Diễm tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp với tinh thần quốc gia.
1945, Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt khi Bùi Diễm vừa tốt nghiệp Đại Học Hà Nội.
Trong giai đoạn này, Trần Trọng Kim, chú của Bùi Diễm, trở thành Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam trong chính quyền Bảo Đại.
Bùi Diễm rất gần với Trần Trọng Kim và liên lạc chặt chẽ với nhiều lãnh đạo của các phong trào quốc gia kháng chiến chống Pháp. Điều này khiến ông càng ngày càng dấn thân sâu hơn vào con đường chính trị Việt Nam.
Trong suốt 7 năm sau Thế Chiến II, ông hoạt động mạnh mẽ cho đảng Đại Việt, một đảng quốc gia lúc ấy trở thành nhóm bị Việt Minh săn đuổi và tìm cách triệt hạ vì cho là không theo đường hướng Cộng Sản của họ.

Từ năm 1954 đến 1963, Bùi Diễm tiền phong tờ báo Anh Ngữ đầu tiên tại Việt Nam, tờ Saigon Post.
Sau năm 1965, ông đi sâu hơn nữa vào chính trị miền Nam, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền. Ông là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng dưới thời Thủ Tướng Phan Huy Quát, Cố Vấn Đặc Biệt về Ngoại Vụ cho Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và là Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong vai trò này, ông Bùi Diễm là nhân vật chính trong cố gắng cuối cùng vận động Hoa Kỳ thông qua ngân sách 700 triệu đô la cần thiết để chống lại sự xâm lăng ồ ạt của Cộng Sản miền Bắc với sự hỗ trợ của hai cường quốc Cộng Sản Nga Xô và Trung Cộng. Sự thất thủ của miền Nam năm 1975 đã cho thấy sự tổn thất về sinh mạng, kinh tế, văn hóa, xã hội, tương lai bao thế hệ Việt kéo dài suốt 30 năm sau đó là một giá vô cùng đắt so với 700 triệu đô la.
Khi miền Nam Việt Nam thất thủ ngày 30/4/1975, Bùi Diễm và gia đình tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.