Pages

Friday, June 15, 2012

Du khách Việt Nam ra nước ngoài

image


Tôi tin là những điều của vài hướng dẩn viên du lịch VN ghi trong bài là hoàn toàn đúng sự thật. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi thường hướng dẫn đoàn đi công tác có kết hợp du lịch, có nhiều điều còn hơn thế nữa !

1. Những du khách trong đoàn Việt Nam có thái độ trịch thượng:

Hay đòi hỏi như khi ở trong nước, hoặc nặng lời với hướng dẫn viên thì phần lớn là các "quan chức" ở các cơ quan trong nước... Thái độ hống hách đó ở VN thường bị phê bình là "quan liêu", "hách dịch". Thông thường trong một đoàn mà những du khách là người dân thường, ít ra nước ngoài, không thông thạo ngoại ngữ hay mới đi lần đầu v.v.. thì họ rất nghe theo lời của hướng dẫn viên, trừ các vị thuộc thành phần "quan chức" nói ở trên.

image
Hình minh họa


2. Có một người trong đoàn của tôi đã dùng chiếc khăn ăn dành cho từng thực khách ở bàn ăn, thay vì lót trên người trong khi ăn, đã tự nhiên trải trên mặt ghế để ngồi lên khi ăn. (bài học rút ra sau chuyến đi là: cái gì không biết thì nên nhìn người chung quanh mà làm theo họ)

Đúng như vậy, không biết thì bắt chước. Trong restaurant thường bày trước mặt thực khách hai ba cái ly thủy tinh, hai ba con dao và muổng nĩa đặt bên trái và bên phải ngay ngắn. Tôi hoàn toàn không biết là cái con dao nào dùng vào việc gì, cái ly nào dùng vào lúc nào. Có lần tôi hỏi anh bồi, anh chỉ cho tôi rất minh bạch, dao cầm tay nào, để làm sao, ăn xong muốn người bồi bàn lấy dĩa dơ đi thì để dao và nĩa cách nào vân vân và vân vân… lúc đó còn nhớ ít ngày sau quên mất.

image
Hình minh họa

Có lần vào tiệm bán crawfish thấy trên bàn có miếng khăn nilon có hai cái quai, tôi đoán là để choàng trước ngực cho đừng dơ áo, nhưng không biết choàng hai cái quai đó cách nào. Không lẽ hỏi mấy người chạy bàn Việt Nam không nói được tiếng Việt, tôi bèn nhìn bàn bên cạnh coi khách làm sao, nhưng cũng chẳng mò ra máng vào cổ cách nào. Lật tới lật lui cái khăn, tôi mới biết là bứt một đầu của hai cái quai, choàng qua cổ và buộc chúng lại.

3. Đi lạc: Trước khi đi, các thành viên, nhất là những người không biết tiếng Anh, được căn dặn nhiều lần về việc này, mọi người nên đi chung theo đoàn, hoặc đi chung theo nhóm nhỏ 3-4 người trong đó có 1 người biết sơ sơ tiếng Anh... Nhưng trong thực tế, khi đi mua sắm thì họ thường đi theo ý thích riêng và mải mê chọn lựa hàng, khi sực nhớ lại thì đã bị lạc xa mọi người... Rất khổ cho chúng tôi khi phải đi tìm những thành viên đi lạc, nhất là ở các siêu thị nhiều tầng hay tại các sân bay quốc tế.
- Tại sân bay, có mấy quý bà đang đi trong dòng người trong đoàn, bỗng thấy cái WC nên có nhu cầu tự nhiên, tức thì quẹo luôn vào mà không nói với ai trong đoàn... Đến khi trở ra thì bị lạc mất đoàn !

image
Hình minh họa


Nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề khá vất vả và khó khăn. Dù có dặn dò chi li, nhưng đông người thế nào cũng trục trặc. Chuyện kách hàng trễ giờ hay đi lạc là thường tình. Cái khổ của người hướng dẫn viên là phải bảo đảm đi tới nơi về tới chốn vui vẻ cả làng. Xứ lạ quê người mà phải đương đầu với những bất ngờ ngoài dự liệu hay phải đương đầu với khách hàng khó tính thì mệt lắm.
Tôi cũng thường hướng dẫn nhóm bạn bè đi chơi, có khi lên tới 25 người. Không ai là hướng dẫn viên cả, nhưng trong đoàn đi như vậy thì phải có một người chịu trách nhiệm đứng ra lo cho cả nhóm cho nên tôi biết nghề hướng dẫn viên tuy là được đi chơi đây đó nhưng thực sự thì đâu có thưởng thức được cảnh đường xa xứ lạ như khách hàng, mà phải sắp đặt lo lắng đủ điều, tối về tới phòng mọi người được ngủ chớ hướng dẫn viên có khi phải thức để giải quyết những chuyện khách hàng gây ra hay phải sắp xếp cho ngày hôm sau.

4. Trong khách sạn:

- Lấy thức ăn rất nhiều vào đĩa trong các bữa ăn buffet, lấy cho mình rồi lấy thêm mấy đĩa chung cho nhóm mình. Cuối cùng là bỏ thừa lại trên bàn ăn. Chúng tôi là những người chịu trách nhiệm hướng dẫn rất xấu hổ, mặc dù đã có nhắc nhở và giải thích nhiều lần.

image
Hình minh họa


- Hút thuốc lá trong phòng ngủ, làm cho chuông alert rú lên ...

- Gác thuốc lá đang hút trên cạnh bàn, làm cháy sém khăn trải bàn, bị khách sạn phạt tiền.

- Không biết điều khiển các vòi nước trong phòng tắm, nhất là loại vòi có nút ấn vào mới có nước, hoặc loại vòi gạt lên/xuống (thay vì gạt qua trái/phải), rồi la lối om sòm là vòi nước bị hư.

- Dùng giỏ đựng quần áo dơ yêu cầu khách sạn đem giặt để đựng quà cáp mua về.

- Đánh mất chìa khóa phòng, đổ thừa cho nhân viên khách sạn làm mất.

Ngoài ra, còn rất nhiều điều khác gây khó khăn cho người hướng dẫn hoặc cho cả đoàn như:

- Không đúng giờ tập họp theo qui định sau khi đi mua sắm, tham quan chụp ảnh tự do hoặc không đúng giờ ra xe các buổi sáng từ khách sạn. (
Hình như vấn đề không tôn trọng giờ giấc là thói quen xấu của người Việt Nam !)

- Cười nói rổn rang nơi công cộng tự nhiên như ở nhà mình.

Hình minh họa


- Hút thuốc lá bất kỳ nơi nào (trong xe, shops, khách sạn có máy điều hòa không khí)

- Vứt rác bừa bãi bất kỳ nơi nào.

- Làm mất hộ chiếu, tài sản cá nhân rồi tranh cãi với khách sạn.

- Quý bà khi đi mua sắm ở siêu thị nhiều tầng, diện rất mode, mang giày cao gót, cuối cùng chịu không thấu đã phải lột giày ra xách ở tay và đi chân đất, mặc dù đã được nhắc nhở vấn đề giày dép này nhiều lần...

Tôi nghĩ rằng một số hành vi nói trên đây cũng không được chấp nhận ngay tại Việt Nam, chứ không hẳn ra nước ngoài mới không được phép làm. Vấn đề ở đây thuộc về sự giáo dục và ý thức cá nhân của từng người...

Nguyen van

Nhập gia nhưng không tùy tục

Có những du khách ra nước ngoài nhưng vẫn mang theo cách hành xử “làng xã” sang xứ người để rồi những hướng dẫn viên như Hiếu – công ty du lịch Nam Việt – chỉ biết muối mặt giải quyết hậu quả. Khách là một kế toán trưởng của một công ty, đến Singapore nhưng vẫn còn rất thèm ăn sầu riêng nên hết chương trình tour mang về khách sạn một hộp to đùng. Hiếu đã nhắc rằng ở khách sạn đã có biển thông báo không được mang sầu riêng vào sảnh, thang máy và đặc biệt cấm tuyệt đối không được mang vào phòng.


image
Hình minh họa

Thế mà khách cứ thản nhiên mang vào phòng để ăn rồi vứt phần còn lại vào thùng rác. Nhân viên khách sạn phát hiện, nhắc nhở và phải vào phòng dọn dẹp lại, phun thuốc khử mùi…Nhưng ngày hôm sau, cô này lại tiếp tục mang về ăn. Đến ngày trả phòng, khách sạn tính vào tiền phòng 500 đô Singapore (1 đô Singapore tương đương 16.700 đồng) phạt vi phạm qui định thì bà này giãy nảy lên, la hét om sòm trong khách sạn đại loại: “phòng tôi thuê, tôi muốn làm gì trong phòng là quyền của tôi….”. Cãi vã không xong, bà ta vẫn phải trả tiền phạt nếu không cả đoàn phải trễ chuyến bay.

Có ông khách nọ, mới ngày đầu đến khách sạn ở Pattaya (Thái Lan) đã bị nơi này phạt 1.500 baht (1 baht khoảng 775 đồng VN) vì làm bẩn khăn tắm trong phòng. Số là ông này dùng khăn tắm trong phòng khách sạn lau giày da, khổ nỗi xi-ra đen trộn với bụi bẩn trên giày của ông bết chặt vào khăn, làm hỏng cả khăn của khách sạn. Nguyên – hướng dẫn viên công ty du lịch PIT – kể có lần nọ một vị quan chức tỉnh A đi sang Singapore du lịch, nhà hàng đã yêu cầu hướng dẫn viên nhắc nhở khách không được mang rượu vào nhà hàng nhưng ông này rất thông minh đổ rượu vào chai nước suối và ung dung ngồi uống cùng chiến hữu.

Vòng đầu không sao, đến vòng thứ hai không hiểu sao ông nổi hứng lên cụng ly. Nhân viên phục vụ nhà hàng nhã nhặn lại nhắc nhở không được uống rượu trong nhà hàng, ông và nhóm bạn tiếp tục phớt lờ, lần này quản lý nhà hàng đến ngửi chai nước suối rồi nhắc lần hai. Ông xẳng giọng chửi bằng tiếng Việt: “đ.m, rượu tao tao uống, mày là cái đ…gì cấm tao?”. Người quản lý tuy không hiểu tiếng Việt nhưng dứt khoát cầm chai rượu tiến thẳng về phía thùng rác và vứt tõm vào đó.

Khổ vì… ăn

Đi du lịch ở Mỹ, bữa ăn sáng kiểu Mỹ trong khách sạn gồm: 2 quả trứng, 1 lát thịt hun khói hoặc xúc xích, vài lát bánh mì nướng với mứt, bơ, bánh pancake (một loại bánh bột mì mỏng)…, nước hoa quả, trà, cà phê… nhưng với nhiều du khách Việt đây là cực hình, có người cũng chấp nhận thưởng thức như một cách thử ẩm thực nước ngoài nhưng có nhiều người không chịu nổi. Nguyên kể: có một nhóm quan chức ở miền Tây đến ngày thứ hai đã không chấp nhận ăn như thế và mắng anh như té nước, xưng hô “mày tao” tại nhà hàng: “trong cuộc đời tao chưa bao giờ ăn cái gì dở và cực như vầy, ngay cả hồi tao học ở Nga cực khổ là thế mà vẫn chưa ăn dở như vầy. Sao mày không cho tụi tao ăn phở?” rồi đùng đùng bắt cả đoàn lên xe đi chừng 30 phút để được ăn phở và Nguyên phải móc tiền túi ra chi cho khoản ăn sáng không có trong kế hoạch.

Nhiều đoàn khách ra khỏi VN là đòi ăn ngay cơm Việt, hoặc tìm nhà hàng Tàu chứ dứt khoát không dùng ẩm thực địa phương.
Nhiều hướng dẫn viên kể trong chương trình tour, các anh phải tranh thủ cho xe dừng ở chợ để vào mua nào là rau, cà chua, trứng… để về nhà hàng dấm dúi cho ông đầu bếp chút tiền rồi mượn bếp để chế biến vài món ăn truyền thống: rau luộc, canh dầm cà chua, trứng chiên, thịt luộc… Có vị còn tỏ ra bực mình: “sao có gà đó nó không chặt ra, nửa con kho mặn, nửa con luộc cho mình chấm muối…sao sang tới Mỹ rồi mà ăn uống khổ sở thế này”.

Nói đến thói quen ẩm thực, nhiều hướng dẫn viên bảo họ chỉ biết chui xuống đất vì nhiều đoàn tham quá. Ăn buffet, chủ nhà hàng dường như hiểu thói quen này nên cũng gắn bảng thông báo bắt phạt nếu lấy đồ ăn còn dư. Thực khách Việt thì “dũng cảm” chen ngang hàng người đang xếp hàng chờ đến lượt và bưng ra lần nào cũng đĩa đầy ú hụ toàn là thức ăn nhưng cuối cùng ăn không hết. Giải pháp là: trút hết vào nồi lẩu rồi cho khăn giấy phủ lên trên để tránh những cặp mắt khó chịu của nhiều người gần đó.

Chủ yếu là… chụp hình


image
Hình minh họa

Du khách Việt đi du lịch nước ngoài chủ yếu là chụp hình, shopping… ít người biết được nơi mình đến có những gì đặc biệt về văn hóa, lịch sử. hướng dẫn viên Hiếu – công ty du lịch Nam Việt – kể có lần đến Rome (Ý) khi nghe đến Vatican, cả đoàn nhao nhao đòi đến ngay. Khi xe đến nhà thờ St Peter nhiều người chạy xuống chụp hình lấy chụp để rồi rất đông khách lên lại xe, chỉ còn vài người đứng chờ để tiếp tục hành trình trong khi hướng dẫn viên mời gọi xuống để tham quan. Nhóm người trên xe nói vọng xuống: “tui có đạo đâu mà vào đó, chụp hình cho biết là được rồi”.


image
Hình minh họa

Lại kể chuyện ông khách quan chức nọ, sau khi ăn phở xong ông này nói với Nguyên: “bạn tao nói ở New York có tòa nhà gì cao lắm, đến đó đi”. tuy không có trong chương trình nhưng Nguyên cũng đưa đoàn khách đến. Khi đến nơi, cũng chính ông này lại bảo với cả đoàn: “có mẹ gì trên đó đâu mà phải mất tiền lên xem!”, nói rồi ông bước xuống hút thuốc. Có lần đoàn xe đang đi trên xa lộ ở Mỹ, xe chẳng may bị trục trặc, phải nằm chờ hỗ trợ, khách thì nhao nhao đòi xuống xe chụp hình trong khi hướng dẫn viên nhất quyết không cho xuống vì khả năng bị tai nạn và qui định ở đây không cho hành khách xuống đường cao tốc, cả đoàn chửi bới đòi thay hướng dẫn viên…!!!

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.