Pages

Monday, December 10, 2012

Nhân sĩ Sài Gòn phản đối 'trấn áp’

image
Cảnh biểu tình ở Hà Nội hôm 9/12


Một loạt nhân sĩ, trí thức ở TP. HCM công khai chỉ trích chính quyền thành phố “bắt bớ, trấn áp, bao vây” những người dẫn dắt cuộc biểu tình sáng Chủ nhật 9/12.
Ông Lê Hiếu Đằng, từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và ông Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nói họ đã bị công an “trấn áp thô bạo”.
Hành động lên án của hai người gây chú ý trong dư luận vì đây đều là những người nhiều năm gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thư đăng trên mạng internet, ông Lê Hiếu Đằng, từng là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM, nói ông muốn “tố cáo trước công luận trong và ngoài nước hành động bắt bớ, trấn áp, bao vây các thành viên đứng tên trong thông báo tổ chức cuộc mitting vào sáng ngày Chủ nhật”.

'Vũ lực cưỡng ép'
Ông nói GS. Tương Lai, “đã bị công an phường Tân Phong, Q7 dùng vũ lực cưỡng ép bắt về phường và sau đó truy đuổi đến tận nhà”.
“Đây là một hành động trấn áp vô nhân đạo đối với một trí thức đã có nhiều cống hiến như GS. Tương Lai, lại đang bị bạo bệnh.”
Theo ông Lê Hiếu Đằng, bản thân ông cùng các ông Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Cao Lập “đã bị lực lượng công an chìm nổi bao vây không cho ra khỏi nhà”.
Ông Đằng dẫn thêm tên một số người khác mà theo ông “trên đường đi đều bị công an chặn lại, dùng vũ lực khống chế ‘áp tải’ về đến tận nhà”.
Trong khi đó, GS. Tương Lai, từng cố vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ra tuyên bố “phản đối hành động trấn áp thô bạo” của công an.
Vị giáo sư từng nhận Huân chương Kháng Chiến Hạng Nhất kể lại việc công an “quyết liệt” đòi đưa ông về trụ sở phường trong khi ông có dự tính đi đến quảng trường Nhà hát thành phố.
Theo lá thư, ông “phẫn nộ lên án hành vi phạm luật của những người trấn áp tôi trước công luận”.
“Là một công dân, tôi đề nghị các cơ quan hữu quan tại TP. HCM cần kiểm tra và có giải pháp thích đáng đối với những cán bộ phạm pháp, vi phạm quyền công dân đối với tôi, một cán bộ về hưu đã gần kề tuổi 80.”
Còn ông Lê Hiếu Đằng “xin hỏi ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBNDTP: những hành động trấn áp, bắt bớ nói trên là như thế nào, ai chủ trương và ai chịu trách nhiệm?”

'Chuyện của dân'
Sự kiện ngắn ngủi ở TP. HCM có điểm nhấn khi ông Huỳnh Tấn Mẫm, thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trước 1975, xuất hiện.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm nói với BBC: "Nếu như mà Đảng và Nhà nước tuyên bố chống thì đó cũng chỉ là Đảng và Nhà nước thôi, còn nhân dân phải được quyền nói lên tiếng nói của người ta chứ."
"Vậy thì tại sao nhà cầm quyền Việt Nam không cho biểu tình mà lại coi chuyện đó là của Đảng và Nhà nước, mà không phải là chuyện của dân?"
"Theo ý kiến một số người nói biểu tình là vô bổ, không có ích lợi gì cả, nhưng nói thế là không đúng, vì nếu như mà Đảng và Nhà nước tuyên bố chống thì đó cũng chỉ là Đảng và Nhà nước thôi, còn nhân dân phải được quyền nói lên tiếng nói của người ta chứ."
"Và tiếng nói đó là góp phần ủng hộ cho đấu tranh của dân tộc, thì không có lý do gì ngăn cản cả."
Còn nhà văn Phạm Đình Trọng, cũng đang sống ở TP. HCM, viết trên mạng về việc ông bị ngăn cản không cho tham gia sự kiện.
Vị đại tá quân đội, đã xin ra khỏi Đảng Cộng sản năm 2009, cảm thán: “Thật buồn cho cách ứng xử của nhà nước với người dân có nỗi lòng đau đáu với nước và thật cám cảnh cho người dân Việt Nam sống trong xã hội cộng sản độc tài đến quyền yêu nước cũng không có.”
Trên bình diện truyền thông chính thống, một ngày sau khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM, báo chí trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng.



Truyền thông VN im lặng về biểu tình


image
Cuộc biểu tình ở Hà Nội có sự tham gia của hàng trăm người

Một ngày sau khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM, báo chí trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Hai cuộc biểu tình ở các thành phố lớn nhất Việt Nam có sự tham gia của hàng trăm người, cho dù bị giải tán một cách nhanh chóng.
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài, với hầu hết các đài báo quốc tế lớn đều có tin, bài.
Thế nhưng ngay ở trong nước, không thể tìm thấy một dòng nào về các cuộc biểu tình.
Các báo điện tử sáng thứ Hai 10/12 chạy tít lớn khác nhau, báo của Đảng Cộng sản dẫn đầu bằng bài viết về chuyến viếng thăm Gia Lai và khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một số báo khác chạy tin Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012, tổ chức tại Hà Nội.
Dường như có chỉ thị của ngành tuyên huấn, không báo nào đả động tới hoạt động phản đối chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam, vốn đã dẫn tới việc bắt giữ khoảng 20 biểu tình viên tích cực ở Hà Nội.
Những người này nay đã thả về nhà.

Chỉ trích người biểu tình
Báo chí Việt Nam đã hành xử tương tự trong các đợt biểu tình chống Trung Quốc cuối năm 2007 và giữa năm 2011.
Đúng 5 năm trước, khi biểu tình nổ ra để phản đối việc Trung Quốc thiết lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, các báo dè dặt phản ứng sau sự kiện đầu tiên hôm 9/12.
Ngày 10/12/2007 báo Tuổi Trẻ chạy bài tựa đề 'Người dân tụ tập bày tỏ bất bình', dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó, ông Lê Dũng, nói: "Đây là việc làm tự phát, chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam".
"Khi vụ việc trên xảy ra, lực lượng bảo vệ của Việt Nam đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt việc làm này."
Kể từ số báo nói trên, Tuổi Trẻ không có bài nào thêm về 'việc làm tự phát' này.
Trong khi đó, một số đài báo của chính quyền TP Hà Nội, sau các cuộc biểu tình liên tục trong địa bàn thành phố năm 2011, đã chạy bài chỉ trích người biểu tình.
Tờ An ninh Thủ đô bản điện tử ra hôm 21/8/2011 viết:"Những ngày gần đây, lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành tự phát gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô".
"Có thể khẳng định, nhiều kẻ trong số những người tham gia biểu tình, tuần hành tự phát trong thời gian qua đã khoác “vỏ bọc” yêu nước, đứng đằng sau kích động và trực tiếp tham gia tuần hành nhằm gây rối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự..."
Chính quyền Hà Nội cũng thực hiện việc 'thu gom' người biểu tình và đưa bằng xe bus tới trại cải tạo Lộc Hà như một biện pháp đối phó.




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.