Pages

Sunday, July 17, 2016

Làm từ thiện vì động cơ gì?

image
Hồi đầu tháng này, diễn viên gốc Scotland sống tại California, Louise Linton, đã trở thành mục tiêu chế giễu của quốc tế sau khi đoạn trích dẫn hồi ký của bà trong thời gian nghỉ học một năm làm tình nguyện ở Zambia được đăng trên Telegraph.

Bài viết của bà bị chỉ trích vì những điểm thiếu chính xác và quảng bá những định kiến có hại cho châu Phi.

Thế nhưng hồi ký của Linton về thời gian tại Zambia cũng làm dấy lên câu hỏi về các chương trình tình nguyện ở nước ngoài dành cho sinh viên.

Theo truyền thống có từ những năm 1960 ở Anh, các sinh viên trẻ từ châu Âu thường nghỉ học một năm trước khi lên đại học, gọi là 'gap year', để tình nguyện làm việc ở những nước nghèo.

Tuy nhiên các chương trình tình nguyện có thể rất tốn kém, nhiều khi là đến cả nghìn đôla nếu các bạn trẻ muốn tham gia. Bên cạnh đó, điều gây tranh cãi còn là độ hiệu quả trong nỗ lực của các chương trình này nhằm tạo sự khác biệt đối với những nơi chúng muốn nhắm đến.

Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng chúng có thể có tác động xấu.

Vì vậy câu hỏi khó tránh đang được nêu lên đó là liệu toàn bộ việc 'chủ nghĩa tự nguyện' này, khi mà những người giàu mang danh nghĩa đi làm việc từ thiện, có thực sự mang lại đóng góp gì hay không.

Khoảng cách thu nhập

Chương trình tình nguyện trong gap year trên thực tế chỉ dành cho những người khá giả và những người thích 'đi du lịch ở những nơi nghèo' hơn là giúp đỡ những cộng đồng kém điều kiện trong các làng quê nghèo ở châu Phi, Á, hay Mỹ Latin, theo ý kiến của Sara Goldrick-Rab, một giáo sư về chính sách cao học và xã hội học tại Đại học Temple ở Philadelphia.

Cái gọi là 'du lịch ở những nơi nghèo khổ' là một xu hướng đang ngày càng thịnh hành, khi mà các khách du lịch từ những nước giàu có đến thăm những cộng đồng nghèo khi đi du lịch ở những nước đang phát triển để hiểu được đời sống nghèo khổ ở những nơi này.

"Có một sự cách biệt về tầng lớp xã hội trong cái gọi là gap year," Goldrick-Rab, tác giả của một nghiên cứu về gap year và những khoảng cách về kinh tế xã hội, nói. "Chỉ những người thực sự khá giả mới có thể đi ra nước ngoài để khám phá sự nghèo khổ. Thật là điên rồ."

image
Bà cũng chỉ trích cách mà gap year được đánh bóng: "Điều tồi tệ hơn cả là gap year được quảng bá như là cách tuyệt vời để đầu tư thời gian giữa trung học và cao đẳng."

Trên thực tế, nhiều học sinh nghèo không thể trả tiền đại học, và buộc phải nghỉ một năm để làm việc và tiết kiệm, bà nói.

Bên cạnh đó, chi phí cho các chương trình này cũng không hề thấp. Một cuộc phiêu lưu từ bốn đến năm tuần đến một nước châu Phi - vì nhiều mục đích, ở nhiều quốc gia khác nhau - có thể tốn từ 3.830 đôla đến hơn 6.000 nghìn, chưa bao gồm tiền vé máy bay.

Có nhiều lý do tốt để bào chữa cho chi phí đắt đỏ của một số chương trình gap year, Ethan Knight, giám đốc điều hành và là người sáng lập American Gap Association, Portland, Oregon, nói.

"Các tổ chức tình nguyện liên kết với các đối tác ở tận nơi và phải trả chi phí cho những người này ngay cả khi các sinh viên không có mặt ở đó," ông nói.

"Bên cạnh đó còn có chương trình quản lý rủi ro tốt và bảo hiểm để sơ tán, tư vấn y tế và sức khoẻ tinh thần trong những trường hợp xấu nhất. Bên cạnh đó, những chương trình này còn thuê nhân viên hoặc giáo viên để đảm bảo sự an toàn và giáo dục cho các sinh viên."

Tuy nhiên yếu tố mấu chốt để các chương trình tình nguyện có thể tạo sự khác biệt, là thời gian tham gia ở tận hiện trường.

"Thời gian các sinh viên ở địa phương càng lâu thì tác động tạo ra sẽ càng lớn, và ở càng ít thì sẽ càng dễ gây hại," Knight nói. Trong khi ông hy vọng rằng các sinh viên có thể tương tác và học từ những cộng đồng này, "có nhiều khả năng dự án tình nguyện không nằm trong một hoạch định lớn hơn cho cộng đồng và có thể không dẫn đến hiệu quả đáng kể," ông nói thêm.

Đó là chưa kể "nhiều khả năng các sinh viên Mỹ có thể gây rắc rối vì không hiểu rõ hơn về cộng đồng và phong tục bản xứ, không hiểu cộng đồng đó thực sự cần phát triển kỹ năng hơn là ai đó giúp họ sơn tường".

Chi phí

image
Ellan Dickieson đang hoàn thành năm cuối khoa tâm lý học tại Đại học Prince Edward Island ở Charlottetown, Canada khi cô quyết định dành ra 8 tháng ở Botswana vào năm 2008. Cô đã hy vọng có thể thu thập một số trải nghiệm bổ ích từ những công việc xã hội cho khoá thạc sỹ sắp tới.

Thế nhưng thách thức thực sự là khoản chi phí 3.050 đôla Mỹ, Dickieson, 30 tuổi, người hiện đang làm việc tại Credit Counseling Canada, nói.

Dickieson đã có được khoản tiền nói trên nhờ sự giúp đỡ của các nhóm cộng đồng bản xứ và tổ chức một vài buổi 'ăn tối từ thiện'.

Trải nghiệm tại Botswana đã giúp ích cho khoá thạc sỹ của cô và cho phép cô đóng vai trò lãnh đạo ở các tổ chức sau này.

Tình trạng của gap year thực sự đáng lo ngại ở Anh, Fabian Frenzel, giảng viên Đại học Leicester, nói. "Sẽ tốt hơn nếu chính phủ Anh tái khởi động các chương trình do nhà nước tài trợ để thay thế các chương trình được thương mại hoá khác, để nhiều người có thể tham gia hơn," ông nói.

Từ thiện vì động cơ gì?

Vẫn có một số ý kiến hoài nghi về động cơ khiến các sinh viên trẻ muốn đi làm công tác xã hội ở các nước xa xôi với văn hoá, tập tục và thời tiết xa lạ với họ.

Vì sao không làm từ thiện ở gần nhà hơn?

Dickieson, người đã đi đi về về Botswana trong 4 năm, đã trải nghiệm điều này.

Trong khi làm việc ở một câu lạc bộ dành cho trẻ em bản địa, cô đã nhận được nhiều yêu cầu xin tham gia từ những người tình nguyện ở nước ngoài.

"Tôi cảm giác như tất cả mọi người trong bọn họ đều muốn có một tấm hình chụp với trẻ mồ côi châu Phi," cô nói. "Tôi cảm giác như đó chỉ là một trong những nhu cầu họ muốn được đáp ứng và sẽ là vô đạo đức nếu để họ tham gia ở câu lạc bộ."

Những cáo buộc tương tự cũng đã được đưa ra nhằm về phía bà Linton, người bị cho là đã tìm cách gầy dựng hình ảnh cho chính mình, thay vì giúp đỡ những người bà đã gặp trong thời gian làm tình nguyện ở Zambia.

Frenzel thừa nhận rằng những lý tưởng đạo đức và xã hội từ công việc tình nguyện không thể bị tách ra khỏi những động cơ ích kỷ.

"Mỗi khi việc làm tốt được quảng bá, nó không còn thực sự là vì động cơ đạo đức," ông nói. "Triết lý đạo đức dạy cho chúng ta rằng cách duy nhất để làm điều thiện, đó là làm nó một cách thầm lặng."

image

Tính hiệu quả của các chương trình

Các ý kiến hoài nghi cho rằng những chương trình ngắn hạn khó lòng làm thay đổi đời sống của những cộng đồng nghèo.

Điều tệ hơn là chương trình càng đắt thì càng ít có trách nhiệm với xã hội, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Leeds Metropolitan University ở Anh.

Một số tổ chức sẽ lợi dụng động cơ tốt của nhiều người để kiếm lời, theo Rachel Harrison, giám đốc tuyển dụng, bàn giao và liên lạc tại Raleigh International, London - quỹ từ thiện giúp cung cấp những dự án tình nguyện cho các sinh viên muốn có gap year.

"Điều quan trọng là những người trẻ cần thực hiện nghiên cứu và suy nghĩ kỹ về lý do vì sao họ muốn làm việc tình nguyện," bà nói. "Họ cần làm việc với một tổ chức có những chương trình dài hạn, vốn là một phần của kế hoạch phát triển của khu vực và của quốc gia đó."

Lời khuyên tốt?

Nhiều người du lịch ra nước ngoài trong gap year muốn chia sẻ trải nghiệm qua blog hay sách - với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người khác. Thế nhưng điều này có thể phản tác dụng, giống như điều mà Linton đã phải bắt gặp khi sách của bà bị chỉ trích trên mạng xã hội, kèm hashtag #LintonLies.

Emma Harrison nhấn mạnh độ nhạy cảm và sự trung thực là yếu tố mấu chốt trong vấn đề giao tiếp về những trải nghiệm ở các nền văn hoá khác nhau. Và đó là điều mà nhiều tình nguyện viên gap year không có được.

"Sẽ rất ngây thơ để nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được một nền văn hoá trong thời gian ngắn," Dickieson nói. "Bạn cần rất cẩn thận về đối tượng mà bạn muốn chia sẻ trải nghiệm cùng."

Tuy nhiên, mối lo ngại sẽ xúc phạm ai đó không nên là điều ngăn cản chúng ta, Frenzel nói.

"Tất nhiên, có những cách viết tốt và xấu," ông nói. "Thế nhưng viết lách là một hành động cho phép người khác tranh luận với chúng ta, để đặt suy nghĩ của chúng ta vào một khuôn khổ logic. Một cuộc tranh luận về công lý và bình đẳng trong xã hội, ở phương diện toàn cầu, là điều không thể không có."

Để chương trình gap year của mình thực sự hiệu quả, các sinh viên nên chọn chương trình sau khi đã nghiên cứu kỹ.

"Một người tình nguyện đã nghiên cứu kỹ sẽ hiểu rằng tác động của chương trình cần phải nhiều hơn là chỉ xây một bức tường hay những dự án nhỏ khác," Knight nói. Bà cho biết bà hy vọng rằng chúng sẽ "xây dựng một mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các cộng đồng bản địa về dài hạn".



Vikram Barhat

water request ocean board indian

Những điểm chính của phiên tòa về Biển Đông
4 cuộc diệt chủng kinh hoàng trong lịch sử
Phản ứng các nước về phán quyết của PCA
Tòa Án Trọng Tài PCA bác bỏ 'đường chín đoạn'
Các anh, một chính phủ khốn nạn
Formosa chôn chất thải ở trang trại của GĐ môi trư...
Nhiều thủ thuật dùng để kiểm duyệt ký giả
Bồ Đào Nha vô địch Euro 2016
Summertime lời Ru Mùa Hạ
Hoa “Nữ hoàng độc dược” ở xứ Việt
Chuyện cán bộ ăn tục nói láo
Phán quyết của Tòa trọng tài và hệ lụy
Cưỡng chế chùa Liên Trì trước ngày 20/7?
16 biểu đồ cho thấy Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế g...
Cá chết và Đảng Cộng sản Việt Nam
Những biển báo cảnh cáo người Việt ăn cắp ở Nhật.....
Thư gửi Sơ vừa mới qua đời với nụ cười thật tươi!
Huế Xưa & Cầu Trường Tiền
Geneva: thành phố quốc tế
Đất nước của những thằng hèn

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.