Pages

Friday, March 24, 2017

Về cái chết của ký giả Nguyễn Đạm Phong

image
Cố ký giả Đạm Phong (phải) từng là chủ biên của tờ báo 'Tự Do' trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên ba thập niên về trước

Tuần trước ở Little Saigon, Quận Cam, California, ông Nguyễn Thanh Tú đã có cuộc họp báo về việc đi tìm công lý cho người cha, là ký giả Nguyễn Đạm Phong, chủ báo Tự Do ở Houston, Texas bị ám sát chết năm 1982 mà tới nay thủ phạm vẫn còn lẩn trốn, cho dù Cục Điều tra Liên bang FBI đã bỏ ra nhiều năm điều tra nhưng vẫn chưa tìm ra được hung thủ.

Cái chết của ký giả Nguyễn Đạm Phong và của bốn người làm báo Việt ngữ khác tại Hoa Kỳ từ năm 1981 đến 1990, là chủ đề của phóng sự "Terror in Little Saigon" do ký giả A.C. Thompson thực hiện và chiếu trên hệ thống truyền hình PBS vào đầu tháng 11/2015.

image

Phóng sự đưa ra những dấu chỉ cho rằng Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam - thường được gọi là "Mặt trận" - do cựu Phó Đề đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hoàng Cơ Minh lãnh đạo - là tổ chức gây ra những cái chết của nhà báo Việt tại Hoa Kỳ.

Sau khi phim được chiếu đã có những phân tích, mổ xẻ cuốn phim cũng như phản ứng khen chê trong cộng đồng người Việt.

Sau đó đài PBS đã phổ biến một tường trình do ông Michael Getler viết để trả lời những chỉ trích và phản ứng từ cộng đồng người Việt cũng như từ tổ chức Việt Tân, mà trong phim cho rằng đó là cánh tay nối dài của Mặt trận.
Tuy thừa nhận những thiếu sót trong phim, ông Getler tin tưởng vào việc điều tra của A.C. Thompson và đặc biệt là những gì mà bà Katherine Tang-Wilcox, một cựu nhân viên FBI, đưa ra liên quan đến mặt trận. Ông cũng nhìn nhận là phim mang nhiều tính chít-chát và nhiều cảnh quay từ phía sau lưng, không như những phóng sự điều tra thường có trong chương trình Frontline của đài PBS.


'Việt Tân' và 'Việt Tân ma'

image

Riêng đối với ông Nguyễn Thanh Tú, hơn một năm kể từ sau khi phim "Terror in Little Saigon" được phổ biến, ông dồn nỗ lực thúc đẩy việc tìm ra thủ phạm đã giết thân phụ nên đã tìm gặp nhiều dân cử, giới chức chính quyền và truyền thông Hoa Kỳ.

Ông cũng lập ra trang mạng damphong.com để cập nhật thông tin về những việc ông đang theo đuổi.

Khi biết được Việt Tân là một tổ chức chưa bao giờ đăng ký hoạt động tại Mỹ, ông gọi đó là "Việt Tân ma" và chính ông đã đứng tên đăng ký làm chủ danh hiệu "Việt Tân" và từ nay cấm những ai muốn dùng tên này mà không có sự đồng ý của ông.

Cuộc họp báo ngày 17/3 vừa qua là dịp để ông tường trình cùng cộng đồng người Việt về một số việc ông đã làm.

image

Có hai điều gây nhiều chú ý trong cuộc họp báo. Thứ nhất, ông xác nhận cha ông làm việc với Cơ quan Tình báo Trung ương của Hoa Kỳ, tức CIA, từ trước năm 1975. Sau khi di tản gia đình qua Mỹ năm 1975, theo lời ông Tú thì cha của ông không còn làm việc cho CIA nữa.

Ông Tú biết được điều này, và bây giờ mới tiết lộ là vì sau khi cha của ông bị ám sát chết, người của CIA đã xác nhận với ông và có chia buồn cùng gia đình.

Ngạc nhiên thứ hai là khi ông Nguyễn Thanh Tú nói ông biết rõ thủ phạm là ai, do CIA cung cấp, nhưng khi chuyển hồ sơ qua cho FBI thì cơ quan này đã không làm đến nơi đến chốn, vì không hiểu văn hóa Việt, vì thiếu nhân viên biết tiếng Việt, nên giờ ông không còn tin tưởng vào FBI và ông chỉ hợp tác với Bộ Tư pháp, là cơ quan cấp cao hơn FBI.

image
Ông Nguyễn Anh Tú xuất hiện trong bộ phim 'Nỗi Kinh hoàng ở Little Saigon'

Việc hợp tác với Bộ Tư pháp, theo lời ông vì nếu đưa chứng cứ cho FBI, thủ phạm có bị truy tố, bị giam tù rồi cũng chết trong tù vì tuổi già, còn tổ chức Việt Tân, mà ông Tú gọi là một tổ chức ma, sẽ vẫn còn sống. Ông muốn cắt những chiếc vòi bạch tuộc của tổ chức này để diệt tận gốc rễ.

Để thực hiện điều này, ông hợp tác với Sở Thuế vụ IRS để tiến hành điều tra về hoạt động kinh tài mờ ám của "Việt Tân ma" và đã đưa ra một số tài liệu làm chứng cứ trên mạng damphong.com.

Trong buổi họp báo ông Tú cũng nêu đích danh một số người làm truyền thông mà ông mô tả là bị "Việt Tân ma" ảnh hưởng hay len lỏi vào.

Chủ đích của phim tài liệu "Terror in Little Saigon" là muốn tìm ra công lý cho những nhà báo gốc Việt bị giết chết là các ông Dương Trọng Lâm (1981), Nguyễn Đạm Phong (1982), Phạm Văn Tập tức Hoài Điệp Tử (1987), Đỗ Trọng Nhân (1989) và Lê Triết tức Tú Rua (1990).

Nhìn lại một số vụ bạo động khác

Trong thập niên 1980 còn những vụ bạo động khác nhắm vào một số người vì liên quan đến chính trị Việt Nam mà trong phim không nhắc đến.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long bị ném bom xăng khi đến nói chuyện tại Đại học Harvard năm 1981. Người ném bom bị bắt, bị đưa ra tòa xử với một bản án rất nhẹ. Giáo sư Long nổi tiếng là sinh viên Việt đầu tiên được nhận vào Đại học Harvard và đã tham gia các phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Lũy, chủ tịch Hội Việt kiều Yêu nước tại Mỹ, một tổ chức thân Hà Nội, và cũng là người chủ trương báo Thái Bình của hội. Năm 1984 hai ông bà bị bắn trước cửa nhà ở khu Sunset, San Francisco. Bà Lũy chết tại chỗ, ông Lũy bị thương. Kẽ nã súng đến nay vẫn còn lẩn trốn.

Cũng cần nhắc lại là báo của Hội Việt kiều Yêu nước được đặt tên "Thái Bình" là để tưởng nhớ sinh viên Nguyễn Thái Bình, người đã tham gia các phong trào phản chiến tại Mỹ. Năm 1972, trên đường về nước vì hết học bổng, ông Bình cướp máy bay của hãng PanAm đòi phi công bay ra Hà Nội nên đã bị an ninh bắn chết trước khi máy bay đáp xuống Sài Gòn.

Trong năm 1984 có một vụ giết người nữa vì liên quan đến Việt Nam. Giáo sư Edward Cooperman bị một sinh viên gốc Việt là Minh Văn Lâm, từng học môn vật lý với ông, gây ngộ sát với súng khiến ông tử thương ngay trong văn phòng tại Đại học California State University, Fullerton.

Giáo sư Cooperman dạy vật lý, nói được tiếng Việt, có những chương trình hợp tác và trao đổi kỹ thuật với chính quyền Hà Nội sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Tình tiết vụ án liên quan đến nhiều mặt, từ CIA đến chuyện đồng tính và bồi thẩm đoàn đã không thể đưa ra một bản án trong lần xét xử đầu. Qua lần xử thứ hai, ông Minh bị kết án 3 năm tù với tội ngộ sát. Tuy nhiên bạn bè và gia đình của giáo sư Cooperman tin rằng cái chết của ông là vì lý do chính trị.

Nhà văn Duyên Anh, sinh sống tại Pháp từ năm 1983, trong một chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1988 ông đã bị đánh trọng thương khiến bán thân bất toại. Đến nay vẫn chưa tìm ra kẻ hành hung. Có dư luận cho rằng vì ông làm ăng-ten trong trại tù cải tạo nên bị trả thù.

image
Gian hàng của Việt Tân trong hội chợ Tết Đinh Dậu ở San Jose

Năm 1989 ông Đoàn Văn Toại bị bắn nhưng thoát chết. Ông là một lãnh đạo của sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, sau đó qua Pháp đoàn tụ rồi định cư tại Mỹ. Tại hải ngoại ông đã viết tác phẩm "Vietnamese Gulag" về nhà tù dưới chết độ cộng sản Việt Nam. Có giả thuyết cho rằng ông bị bắn vì kêu gọi người Việt hải ngoại hợp tác với Hà Nội.

Giai đoạn đó, tình hình làng báo hải ngoại rất e dè với quyết định có nên đăng quảng cáo gửi hàng, gửi tiền, gửi thuốc về Việt Nam hay quảng cáo bán vé máy bay về quê nhà. Việc đăng hình cờ đỏ sao vàng, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Hồ Chí Minh cũng là một vấn đề gây tranh cãi.

Với những tờ báo chống đối Mặt trận như Văn nghệ Tiền phong, trụ sở ở Arlington, Virginia của ông Hồ Anh tức Nguyễn Thanh Hoàng; Việt Nam Hải Ngoại, trụ sở ở San Diego, California của luật sư Đinh Thạch Bích thì tòa soạn luôn có những biện pháp đề phòng an ninh.

Một người đã viết nhiều bài tố cáo Mặt trận, đăng trên Văn nghệ Tiền phong, và đã bị Mặt trận kiện ra tòa vì tội phỉ báng là nhà báo Cao Thế Dung. Nhưng Mặt trận thua kiện trong một vụ xử ở San Jose. Nơi cư ngụ của ông Cao Thế Dung ở Virginia cũng đã từng bị kẻ lạ mặt bắn đạn vào.

Một số nét chính trong cuộc họp báo của ông Nguyễn Thanh Tú

Không khí ám sát mang tính chính trị liên quan đến Việt Nam ngày nay không còn. Tuy nhiên những cái chết của những người làm báo, như cố ký giả Nguyễn Đạm Phong, mà người con của ông đã dồn công sức đi tìm công lý là điều đáng hoan nghênh và trân trọng.

Nhưng qua cuộc họp báo vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tú đã đưa ra những sự kiện hết sức ngạc nhiên.

Thứ nhất là việc CIA biết ai giết cha ông và đã cho ông biết. Thứ nhì là quyết định của ông không cho FBI mở lại hồ sơ, vì ông không còn tin tưởng vào cơ quan này và ông chỉ hợp tác với Bộ Tư pháp và Sở Thuế vụ Hoa Kỳ để chặt đầu con bạch tuộc và vây cánh của "Việt Tân ma".

Sau họp báo, ông Nguyễn Thanh Tú và cựu thám tử Douglas Zwemke đã trả lời phóng viên Quốc Phương của BBC Tiếng Việt và cũng không đưa ra điều gì mới hơn. Thám tử Zwemke của sở cảnh sát San Jose sau nhiều năm điều tra liên quan đến thu nhập và thuế nhưng cũng không đưa đến được việc kết tội bất cứ người nào của Mặt trận.

Trong Thông Báo 19 ngày 31/8/2016 ông Nguyễn Thanh Tú yêu cầu tổ chức "Việt Tân ma" kể từ ngày 26/8/2016 phải xóa bỏ và ngưng xử dụng bất kỳ tài liệu nào mang tên "Việt Tân". Nếu không ông sẽ nhờ đến pháp luật can thiệp.

Thông Báo 22 ngày 6/12/2016 ông Tú viết: "Việc ghìm đầu con bạch tuộc Việt Tân ma sắp hoàn tất. Ngày tàn của Việt Tân ma đang gần kề."

Có vẻ như ông Tú không còn muốn đi tìm thủ phạm đã giết cha mình, mà đang nhắm vào "Việt Tân ma" và những cơ quan hay những người ông cho rằng có dính dáng, hoạt động cho tổ chức này.

Sau cuộc họp báo, tìm trên FB thì trang của Việt Tân vẫn còn và ghi đó là một tổ chức cộng đồng (community organization).

Hội chợ Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua ở San Jose vẫn có gian hàng Việt Tân kỷ niệm 30 năm hoạt động.



Bùi Văn Phú

Khủng bố ở Little Saigon_tiết lộ gì?
image

Bí ẩn khủng bố ở Little Saigon
image

Frontline: Terror in Little Saigon
http://baomai.blogspot.com/2015/11/frontline-terror-in-little-saigon.html


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.