Trong
cuộc gặp gỡ với 40 doanh nhân trẻ vào chiều 12 tháng 8 vừa qua, sau khi nghe
những lời than thở về những bất cập trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
tại Việt Nam của họ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta
tốt mà vẫn cứ nghèo?” Rồi ông nhấn mạnh: “Nhất định phải đổi mới mạnh mẽ hơn.”
Trong
câu hỏi của Vũ Đức Đam có một nhận định chính xác: Việt Nam nghèo.
Chúng ta không những nghèo hơn các nước phát triển trên thế giới mà còn nghèo
hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Trong khu vực, chỉ giới hạn trong khối
ASEAN, chúng ta nghèo hơn Singapore ,
Brunei , Malaysia , Indonesia ,
Philippines ,
Miến Điện và Thái Lan, đã đành. Chúng ta còn có nguy cơ bị hai nước láng giềng
vốn thường bị xem là nghèo hơn và yếu hơn, Campuchia và Lào, qua mặt.
Nhưng
toàn bộ câu hỏi của Vũ Đức Đam, “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo?” lại sai.
Sai
ở nhiều điểm.
Thứ
nhất, cách đặt vấn đề sai. Chuyện tốt hay xấu không có quan hệ gì đến chuyện
giàu nghèo. Để giàu, người ta cần óc sáng kiến, năng lực lao động, sự cần cù
cùng với một số điều kiện thuận lợi và may mắn nữa chứ không dính líu gì đến
tính cách hay đạo đức. Trên thế giới, không ai đặt vấn đề như vậy với các tỉ
phú hay với các cường quốc kinh tế.
Thứ
hai, sai ở mệnh đề “chúng ta tốt”. Cái gọi “chúng ta” ở đây là ai? Là những
người tham dự cuộc hội thảo ư? Căn cứ vào đâu để khẳng định họ tốt? Rộng hơn,
“chúng ta” đây là người Việt Nam
nói chung chăng? Lại càng mơ hồ. Không có dân tộc nào là tốt cũng như không có
dân tộc nào là xấu.
Dân tộc nào cũng bao gồm những người tốt và những kẻ xấu.
Một sự khái quát hoá, cho dân tộc này tốt hơn những dân tộc kia không những sai
lầm về logic và thực tế mà còn dễ có nguy cơ dẫn đến những thái độ kỳ thị chủng
tộc, điều mà giới học thuật Tây phương cho là cấm kỵ.
“Chúng
ta” ở đây là đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền chăng? Khẳng định như thế không
những sai mà còn là sai lầm một cách lố bịch. Từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa
cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, khi những sự tàn ác của các đảng Cộng sản ở
những nơi ấy bị vạch trần, người ta thấy rõ là không có chế độ cộng sản nào là
tốt cả. Tất cả đều giả dối, độc tài và tàn bạo. Số nạn nhân bị giết chết hoặc
đoạ đày cho đến chết dưới tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhiều hơn tổng
số người bị giết chết dưới tay phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ
hai.
Riêng ở Việt Nam, chế độ cộng sản cũng đã gây ra biết bao nhiêu tang
thương, từ các chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc đến các phong trào đánh
tư sản mại bản và xua người dân đi kinh tế mới ở miền Nam, từ các vụ thảm sát ở
Huế trong Tết Mậu thân đến các trại cải tạo sau năm 1975. Đó là chưa kể đến
cuộc chiến tranh kéo dài cả hai mươi năm mà họ gây ra đã khiến cho ít nhất ba
triệu người bị mất mạng ở cả hai miền. Như vậy là tốt ư?
Nếu
cái nghèo của Việt Nam
hiện nay không xuất phát từ chuyện tốt hay xấu, nó xuất phát từ đâu?
Câu trả
lời, thật ra, với đa số người dân Việt Nam , khá hiển nhiên: do chế độ Cộng
sản. Điều này đúng không những chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi toàn thế giới:
Có quốc gia cộng sản nào thực sự giàu có? Rõ nhất là ở những quốc gia bị chia
đôi: Đông Đức nghèo hơn hẳn Tây Đức; Bắc Hàn thua xa Nam Hàn. Riêng tại Việt Nam , trước năm 1975, điều kiện sinh sống ở miền Nam cũng bỏ xa
miền Bắc.
Nhưng
điều gì khiến chế độ Cộng sản làm kiềm hãm sự phát triển đất nước? Có ba lý do
chính: các chính sách sai lầm, tham nhũng và độc tài.
Trước
phong trào đổi mới, các chính sách sai lầm về kinh tế và xã hội, đặc biệt cái
gọi là chính sách giá - lương - tiền, đã biến Việt Nam thành một trong những
quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Lạm phát tăng cao. Dân chúng bị ngập chìm
trong đói khổ, không có đủ cơm ăn; trong nhiều năm liền, phải ăn bột mì và bo
bo do Nga viện trợ. Sau thời đổi mới, được ít nhiều cởi trói, kinh tế phát
triển khá nhanh, nhưng không nhanh đủ để giúp Việt Nam tiến bộ so với các quốc gia
láng giềng. Các đại công ty hay tập đoàn kinh tế quốc doanh liên tục thua lỗ,
có khi bị phá sản, để lại những gánh nợ nặng nề kéo dài tận đến các thế hệ mai
sau. Ngay trong cuộc gặp gỡ với các doanh nhân trẻ ngày 12 tháng 8 vừa qua,
trước mặt Vũ Đức Đam, nhiều người cũng lên tiếng phê phán các chính sách sai
lầm của chính phủ khiến công việc làm ăn của họ gặp rất nhiều khó khăn. Những
sự sai lầm trong chính sách này khiến các nỗ lực gọi là đổi mới tại Việt Nam
chỉ là những sự vá víu, lẩn quẩn, từ cái sai này đến cái sai khác theo kiểu
tổng kết của dân gian: “Sửa sai rồi lại sửa sai / Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ
sai.”
Nguyên
nhân thứ hai làm kiềm hãm sự phát triển kinh tế tại Việt Nam là tham
nhũng. Tham nhũng thể hiện ở hai khía cạnh: Một là, mọi quyết định về kinh tế
đều không xuất phát từ lợi ích chung mà chỉ tập trung vào quyền lợi của một số
cá nhân. Phong trào xây tượng đài hoặc các công trình kiến trúc ào ạt ở Việt Nam là một ví
dụ: Người ta xây dựng như vậy không phải vì công việc ấy thực sự cần thiết mà
chỉ vì, với những công trình xây dựng ấy, người ta có thể kiếm chác để bỏ tiền
vào túi mình. Lớn hơn, chính sách đề cao vai trò của các công ty quốc doanh mặc
dù hiệu quả kinh tế của chúng rất kém cũng xuất phát từ cùng một lý do: để dễ
chia chác quyền lợi. Hai là, với tệ nạn tham nhũng, người ta khai khống và rút ruột
các công trình xây dựng để cuối cùng, tất cả các công trình xây dựng đều có kết
quả cực kém: Nhiều con đường mới xây xong đã lún; nhiều công trình mới dựng
xong đã bị đổ, v.v… Hậu quả của nạn tham nhũng tràn lan này là cán bộ càng lúc
càng giàu trong khi đất nước thì càng lúc càng nghèo nàn và kiệt quệ.
Nguyên
nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất là độc tài. Giành độc quyền
lãnh đạo, chế độ Cộng sản loại trừ hai yếu tố quan trọng nhất cho sự phát
triển. Một là, loại trừ những trí tuệ và tài năng không nằm trong hệ thống đảng
trị. Hai là, nó cũng loại trừ sự minh bạch và cùng với nó, sự phản biện của các
trí thức độc lập. Hậu quả của cả hai sự loại trừ này là, một, chính quyền chỉ
quy tụ được những kẻ bất tài, hoặc phần lớn là những kẻ bất tài; và hai là, nó
mất khả năng tự điều chỉnh và đổi mới thực sự.
Nói
một cách tóm tắt, để trả lời cho câu hỏi của ông Vũ Đức Đam, “tại sao chúng ta
nghèo?”, chúng ta có thể khẳng định dứt khoát: Chúng ta nghèo, cứ nghèo mãi là
vì sự thống trị độc tài và độc đoán của đảng Cộng sản. Biện pháp khắc phục, do
đó, không phải là “đổi mới” mà là dân chủ hoá.
Một
bài học hiển nhiên trên thế giới: Không có quốc gia dân chủ thực sự nào mà
nghèo cả.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.