Pages

Friday, June 30, 2017

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?

image

Trước Trump nước Mỹ là đất nước của di dân và tị nạn. Đó là đất nước đã tiếp đón chúng tôi 42 năm trước. Biểu tượng nước Mỹ là Nữ Thần Tự Do đứng sừng sững ở hải cảng New York tiếp đón và mừng di dân đến xây dựng nước Mỹ. Dân tứ xứ khắp thế giới bị đất nước họ ruồng bỏ, không sống được ở quê hương, cũng đến đây xây dựng lại cuộc đời, tìm giấc mơ Mỹ, Tự Do, Hạnh Phúc và No Ấm.

Nhiều bạn hỏi tôi làm sao đi Mỹ. Thú thật với các bạn đi Mỹ là một cơ duyên, trời định. Chính tôi không bao giờ mơ có ngày được đi Mỹ, và trở thành một người Mỹ trung bình như ngày hôm nay. Kỷ niệm 42 năm sống tại Mỹ, tôi tự hỏi, mình được gì, và mất gì? Càng gần đến tháng Tư, câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu tôi. Nếu năm 1975 tôi ở lại, bây giờ tôi và con cháu tôi ra sao?

Một người bạn thân của tôi tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn là Giáo sư Lê Trong Vinh, cựu Khoa Trưởng trường Đại Học Sư Phạm Huế, đã ở lại vì tin đất nước sắp hòa bình và trung lập, sau bỏ nước ra đi, cả gia đình đã chết ngoài biển khơi, chỉ trừ một cháu còn may mắn sống sót.

Tôi ra đi cũng khổ lắm. Mặc dầu nước Mỹ trước Trump rộng lượng và tốt với di dân, tôi cũng phải tranh đấu nhiều năm, mới sống được vững vàng, có chân đứng vững chắc trong xã hội mới. Điểm đầu tiên cần là phải quên quá khứ, và bắt đầu lại.

image

Quên quá khứ, sống vì hiện tại và tương lai. Cực khổ đến đâu cũng chịu. Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Nếu không có tình thương gia đình, vợ con, và tình người Việt Nam với nhau, những người Việt Nam do tình cờ lịch sử trôi dạt đến đây, sống gần nhau trong xóm, thương yêu và ủng hộ lẩn nhau, tôi không đủ can đảm tiếp tục dấn thân, bắt đầu lại.

Trong nhiều năm tôi cố gắng quên quá khứ, để có thể tiếp tục sống với hiện tại và tương lai ở Mỹ. Cố gắng riết rồi tôi quên hẳn luôn quá khứ của mình. Có lúc tôi cũng quên luôn mình là ai, mình đã làm gì trước khi đến Mỹ. Tên Le Thanh Hoang Dan, hay Lê Thanh Hoàng Dân, tôi chỉ nhớ lại khi gặp người quen ở Cali, hay Sài Gòn. Lúc đi làm việc, tôi tên là Dan Le, hay Dan H. T. Le. Tên Dan dễ gọi cho bạn Mỹ của tôi, Dan giống như tên viết tắt Daniel của Mỹ.

Những ngày hưu trí, đặc biệt sau khi Tổng Thống Clinton bỏ lệnh cấm vận, vợ chồng tôi đã trở về thăm lại quê hương, gia đình và bạn bè. Quá khứ từ từ trở về. Từ từ tôi thấy rõ những gì tôi được, và những gì tôi mất. Khi trở về gặp lại bạn bè, hiểu được cuộc sống của họ, tôi mới hiểu rõ nếu tôi ở lại, có lẽ tôi cũng như họ mà thôi. Nói ra thì xấu hổ, lúc ở New York tôi nhớ quê hương, nhưng về thăm quê hương, lúc máy bay cất cánh bay về Mỹ, tôi thở phào nhẹ nhõm, thấy mình may mắn quá.

image

Tôi vẫn nhớ mình đã từng dạy học, viết văn và làm sách ở Sài Gòn. Thời tuổi trẻ tôi cũng nhiều lý tưởng, nên đã theo các đàn anh Giáo Sư Nguyễn Văn Bông và GS Nguyễn Ngọc Huy chống đối chánh phủ, mong muốn một chế độ tốt hơn cho quê hương. Thời ấy đã qua rồi.

Tôi cố gắng quên quá khứ đó, để thích nghi với cuộc sống mới. Nhiều bạn cũ của tôi thời dạy học rất nổi tiếng, khi tôi may mắn gặp lại lúc đến Cali, đều ngạc nhiên thấy tôi thay đổi, hoàn toàn thay đổi. Thân xác vẫn là tôi, tâm hồn hoàn toàn khác, đặc biệt những hiểu biết tôi học được ở Mỹ hoàn toàn khác thời còn ở Sài Gòn. Lúc đó tôi mới ý thức mình đã thật sự trở thành một con người khác, và thật sự đã từ bỏ quá khứ oanh liệt đó rồi.

Qua Mỹ, các bạn tôi vẫn còn làm báo tiếng Việt, viết văn, dịch sách, và liên hệ với giới văn nghệ hải ngoại. Họ nổi tiếng. Khi gặp lại họ, tôi cảm thấy mắc cở, như đã làm điều gì tội lỗi vậy. Tôi thấy họ hay quá. Tôi đã bỏ cuộc, chịu thua, và thật sự bắt đầu lại. Thay vì tiếp tục sống như một người Việt Nam thời ở Sài Gòn xa xưa, tôi đã đổi mới, đã thích nghi, đã sống như một người Mỹ trung bình.

Quyết định bỏ hết quá khứ để bắt đầu lại không phải dễ. Bỏ hết quá khứ có nghĩa bỏ hết những gì làm nên giá trị cá nhân mình trong quá khứ. Lúc sống ở Sài Gòn, đi đâu người ta cũng chào hỏi, thưa Thầy. Đi đâu cũng có người nhận ra tôi, là ông Quê Hương Mến Yêu, là chương trình TV tôi làm MC. Đi đâu người ta cũng nói về sách vở, và nhà xuất bạn Trẻ do tôi chủ trương. Bỏ hết, bắt đầu lại.

Sau hơn 40 năm cố quên quá khứ và đám con tinh thần ngày xưa, lần đầu tiên tôi cầm lại trong tay một cuốn sách do tôi dịch, viết và xuất bản, là vừa rồi về thăm quê hương ăn Tết, một vài bạn FB của tôi ở Hà Nội và Sài Gòn đã gởi tặng một vài quyển sách cũ. Đám con tinh thần của tôi đã tự sống tự chết 42 năm qua, tôi không quan tâm và không để ý tới chúng nữa. Tôi quên hết, để bắt đầu lại. Tôi đã sống dưới đáy xã hội Mỹ, nhưng tôi đã đi lên.

image

Trong bài 1 tôi trình bày tâm trạng những ngày mới qua Mỹ, sống lận đận dưới đáy xã hội. Năm 1975, Cộng Sản mạnh lắm. Lúc đó tôi nghĩ sẽ không có ngày tôi trở về thăm lại quê hương, như hiện nay. Tâm trạng thế hệ chúng tôi lúc đó là quên quá khứ, và bắt đầu lại. Tuy nhiên mỗi năm khi tháng Tư trở về, bông hoa nở đầy khắp nước Mỹ, lòng tôi xôn xao nhớ lại quê hương, và những ngày thơ ngây thời tuổi trẻ đã mất.

Ngày nay các bạn đến Mỹ thăm bà con, bạn bè, du lịch, hoặc du học, các bạn sướng hơn tôi. Các bạn đến đây rồi trở về. Quê hương Việt Nam vẫn là quê hương của các bạn. Ở Mỹ, các bạn có một cộng đồng Việt Nam mạnh khắp nước Mỹ chào đón các bạn. Các bạn có thể đi ăn phở, cơm gia đình, canh chua cá kho tô, bánh xèo, bún chả Hà Nội, bún bò Huế v.v.. dễ dàng. Lúc tôi đến đây, không thấy người Việt Nam nào. Phải mấy tháng sau tôi mới biết được nơi mua nước mắm, cuộc đời năm 1975 bơ vơ, khổ lắm. Không còn quê hương để trở về, phải sống bơ vơ và cô đơn dưới đáy xã hội, tranh đấu ngoi lên, vừa làm vừa học, mệt và chán nản vô cùng.

Các bạn nhớ lại quá khứ dễ dàng không? Đối với tôi quá khứ và kỷ niệm những năm sống ở Sài Gòn khó nhớ quá. Tôi cố gắng nhớ lại quá khứ mỗi lần tháng Tư trở về, triệu người vui và triệu người buồn, hoặc mỗi lần gặp bạn bè ở Cali hay Việt Nam. Nhưng hình như có một cái gì đó trong tôi muốn chôn vùi quá khứ, nhớ không được, nói đúng hơn nhớ đại khái, quên hết chi tiết. Muốn thích nghi với đời sống mới tôi phải quên, nhưng thỉnh thoảng tôi lại muốn nhớ. Đúng như một người nào đó nói, có một thời để quên, và một thời để nhớ.


image

Năm 1975 lúc chúng tôi ra đi, tâm trạng thế hệ tôi là ra đi không trở lại. Tìm một nước chấp nhận mình, và cố gắng sống, nuôi con, gây dựng lại cuộc đời bị Cộng Sản cướp mất. Bây giờ họ gọi chúng tôi là Việt Kiều Yêu Nước. Lúc đó họ coi chúng tôi là kẻ thù. Cái gì ở miền Nam cũng xấu, cũng Ngụy. Gia đình nào trong Nam cũng có người đi tù cải tạo. Sách vở, văn hóa, tất cả những gì của miền Nam cũng Ngụy, cần tiêu diệt. Sách vở bị đốt ngoài đường. Văn hóa miền Nam bị chế diễu. Tiền của mất trắng qua đêm do đổi tiền, nhà cửa bị mất vì nạn đi vùng kinh tế mới v.v.. Với cách hành xử như vậy của Kẻ Chiến Thắng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn, là đi, đi luôn, không trở lại. Bây giờ thì khác, nhiều người đã trở về thăm lại quê hương, trong đó có chúng tôi. Lúc đó khác.

Năm 1975 chúng tôi đến Mỹ với quyết tâm sống, làm lại cuộc đời, nuôi con, dạy dỗ con thành người, sống cuộc đời hạnh phúc chúng tôi không có. Chúng tôi bắt đầu lại, sống dưới đáy xã hội, nhưng chúng tôi quyết tâm đi lên, cần cù làm việc, vừa làm vừa học. Chúng tôi cực khổ, nhưng nhìn nụ cười của đám con, tôi thấy mình đã đi đúng đường. Trong lúc bên nhà Cộng Sản xúi dục con cái chống lại cha mẹ, rình rập xem cha mẹ có nói xấu gì Đảng và Chế Độ không, ở đây cha mẹ và con cái yêu thương nhau, sống trong tình thương, thay vì hận thù. Chúng tôi nhất quyết thích nghi với đời sống mới, tranh đấu ngoi lên. Muốn thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ, điều cần thiết là quên quá khứ. Quên được quá khứ, con tim mới vui trở lại, như lời một bài ca.

Bây giờ muốn nhớ quá khứ, tôi thấy có một rào cản trong tâm linh muốn đè nén và chôn đi quá khứ, không cho tôi nhớ. Lạ thật. 42 năm trước khi chúng tôi vừa đặt chân đến Mỹ, tôi cũng ở trong tâm trạng này, muốn quên quá khứ, để bắt đầu lại. Phải quên quá khứ mới có thể thích nghi được với cuộc sống hiện tại, và xây dựng tương lai. Nói thì dễ, nhưng phải hơn 7 năm sau khi đến Mỹ, tôi mới quên được quá khứ, và xây dựng được cuộc sống ổn định trên đất nước này.

Chúng tôi may mắn đến Mỹ rất sớm. Chúng tôi thuộc đợt người Việt Nam đầu tiên đến New York vào năm 1975. Sài Gòn mất (được giải phóng) ngày 30 tháng Tư. Ngày 2 tháng 5 chúng tôi đã có mặt ở New York. Vợ tôi làm việc cho ngân hàng Chase Manhattan ở Sài Gòn. Chase đã gởi một phó Giám Đốc ở Bangkok qua Sài Gòn đưa tất cả nhân viên ở đây di tản. Từ Sài Gòn chúng tôi bay qua phi trường Clark bên Phi Luật Tân, từ đó đi Guam, California, và rốt cuộc New York. Nếu không có ngân hàng Chase giúp đỡ, cuộc đời tôi sẽ khổ lắm.

Lúc chúng tôi đến đây, chưa có Cộng Đồng Việt Nam. Về điểm này, tôi không được như các bạn đến sau này, hoặc các cháu đến đây du học. Các bạn có một cộng đồng người đồng hương qua trước. Họ có kinh nghiệm sống ở đây. Những việc dễ như mua gạo, nước mắm, mua thức ăn Việt Nam ở đâu họ đều biết. Họ sẽ hướng dẫn các bạn. Khi chúng tôi đến, phải gần 2 tháng sau một người Việt Nam mới khám phá được nơi bán nước mắm, và gạo. Cô đã thông báo cho cả đoàn biết. Ai cũng mừng.

image

Mỗi năm khi mùa xuân trở về, hoa nở rộn ràng, lòng tôi bồn chồn, nhớ tới quê hương, và những ngày vui thời tuổi trẻ. Trong bài 1 và 2, tôi đã trình bày tâm trạng những ngày đầu đến Mỹ sau sự kiện 30 tháng Tư năm 1975. Các bạn ngày nay may mắn hơn tôi. Các bạn đến thăm viếng nước Mỹ, thăm gia đình và bạn bè, làm việc, kiếm tiền, hoặc du học, các bạn còn đất nước để trở về. Các bạn có một cộng đồng người Việt ở đây, muốn ăn món Việt Nam nào cũng có, muốn mua món Việt Nam nào cũng được. Các bạn không cô đơn, cực khồ, tuyệt vọng và sống dưới đáy xã hội Mỹ như chúng tôi năm 1975. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm, gần như đô hộ phân nửa thế giới, nên chúng tôi đến Mỹ với tâm trạng đi không trở về, chọn nơi này làm quê hương, cố quên quá khứ ở Việt Nam, và dấn thân hội nhập, tranh đấu để sống và chết ở đây.

“…Cái thu ban đu lưu luyếy
Ngàn năm h d my ai quên…”

(Thế Lữ)

Năm 1975 khi chúng tôi ra đi, tôi chỉ biết mình phải đi, không biết đi đâu và làm gì, cuộc đời sẽ ra sao. Lúc đó Cộng Sản bao vây Sài Gòn và chuẩn bị tấn công. Chúng tôi tránh lằn bom lửa đạn, tìm đường sống cho các con, thế thôi. Vợ tôi làm việc cho ngân hàng Chase ở Sài Gòn, nên chúng tôi đi New York nơi có Trụ Sở Trung Ương của ngân hàng nầy, và sống ở đây 41 năm và dọn về Florida hơn 7 tháng nay. Chase sponsor (bảo trợ) chúng tôi, nhưng cử một Vice President nhà băng Host (tiếp đãi) chúng tôi trong những bước đầu sống ở Mỹ. Sự khác biệt văn hóa giữa người Việt và Mỹ quá lớn, nên ở nhà Host một thời gian giúp chúng tôi nói tiếng Mỹ khá hơn, hiểu rõ hơn cách người Mỹ sống, giúp chúng tôi thích nghi dễ dàng hơn.

Chúng tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng, gia đình 6 người, vợ chồng và 4 con, trong túi có vài chục đô la Mỹ. Tất cả những gì tôi có ngày nay là do nước Mỹ đã cho chúng tôi. Tôi mất tất cả khi ra đi, tiền, đại gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, những gì tôi yêu quí nhất đời những năm dạy học, viết văn làm sách ở Sài Gòn. Tôi được một cuộc đời yên bình với con cháu ở Mỹ, và những năm gần đây, tình đại gia đình, tình người Việt Nam những lần về thăm lại quê hương.


image

Lúc ra đi, điều tôi tiếc nhất là đám con tinh thần ngày xưa của tôi, mấy chục quyển sách tôi đã cùng nhiều bạn hữu viết, dịch và xuất bản, trong Tủ Sách Giáo Dục do Trần Hữu Đức chủ trương, Tủ Sách Tâm Lý và Sư Phạm do tôi điều khiển, Tủ Sách Văn Học Thế Giới, Tủ Sách Khoa Học Nhân Văn v.v… Khi ra đi tôi đã bỏ đám con này ở lại tự sống tự chết. Lần đầu tiên tôi cầm lại trong tay một quyển sách do tôi viết, hay dịch về Tư Tưởng Sư Phạm, Lịch Sử Giáo Dục, Tâm Lý Giáo Dục, và Các Vấn Đề Giáo Dục, là hai năm trước khi về thăm lại quê hương, một vài bạn FB của tôi ở Sài Gòn và Hà Nội đã gởi tặng. Rất vui. Trong đám con tinh thần này, có đứa chưa chết, chưa bị tiêu diệt hoàn toàn trong cơn hồng thủy ngày 30 tháng Tư năm 1975. Còn nhiều đứa khác tôi chưa thấy mặt, không biết bây giờ ở đâu.

Ai sponsor (bảo trợ) cho nhân viên Chase? Chính nhà băng (ngân hàng) Chase bảo trợ. Chase đề cử một số nhân viên có chức quyền trong ngân hàng, mỗi người làm host (chủ nhà) đón nhận một gia đình nhân viên từ Sài Gòn.

"Host" giống như một chủ nhà tiếp đãi khách. Trong trường hợp chúng tôi chân ướt chân ráo từ một nước kém phát triển như miền Nam Việt Nam, rớt vô một xã hội văn minh, kỹ nghệ hóa, tiến bộ như Hoa Kỳ, host còn có nhiệm vụ giúp chúng tôi hiểu và hội nhập. Có nghĩa là giúp chúng tôi hiểu văn hóa, và tổ chức xã hội ở đây, cũng như hiểu một số kỹ năng để sống tự lập.

Sự khác biệt về văn hóa lớn quá. Lấy một thí dụ. Một ngày mùa hè nóng nực, Host rủ chúng tôi (vợ chồng con cái) đi chơi. Hôm đó host muốn cho chúng tôi đi thăm West Point trên núi. Đây là một trường quân sự nổi tiếng của Mỹ. Ở đây cảnh vật rất đẹp. Thấy Host ôm một đóng áo lạnh, vợ chồng con cái tôi xanh mặt, chạy vô nhà, ai cũng ôm một vài áo lạnh ra xe. Hóa ra Host ôm áo lạnh đi giặt. Chúng tôi tưởng trên núi lạnh lắm, giữa mùa hè, cả nhà ôm áo lạnh đi. Còn nhiều chuyện buồn cười như vậy, cho thấy những ngày đầu ở Mỹ khó như thế nào.

Như trên đã nói mấy tháng sau khi đến New York, một nhân viên Chase đã tìm được nơi bán gạo và nước mắm. Vợ chồng tôi ở rất xa thành phố. Muốn đi New York, chúng tôi phải đi xe lửa, xong lấy xe điện ngầm (Subway), xong đi bộ xa xôi mới mua được chai nước mắm đầu tiên. Nhân cơ hội host đi vắng, vợ chồng tôi nấu cơm, luộc hột gà (không biết hột vịt bán ở đâu) dầm nước mắm, ăn ngon quá. Mấy tháng chưa ăn cơm. Buổi cơm đạm bạc đầu tiên ở Mỹ ngon quá sức.


image

Nước mắm thơm với người Việt Nam chúng ta. Nhưng đối với người Mỹ họ không chịu nổi mùi này. Chúng tôi rất kỹ lưỡng mỗi khi rót nước mắm. Nhè nhẹ mở nút. Đổ một vài nhiễu nước mắm. Đậy nút lại chắc chắn. Lấy giấy lau kỹ miệng chai. Tình cờ người nhà của Host thấy được, kể lại cho Host. Tao thấy tụi nó ăn cái gì quí lắm. Chúng mở chai rất trịnh trọng. Còn lau chai sau khi đổ nước đó ra chén. Tụi nó quí nước này lắm. Không biết nước gì.

Có lần vợ tôi làm chúng tôi hú vía. Mấy tháng đầu tiên ở Mỹ tôi suốt ngày ngồi xem TV để tự học tiếng Mỹ. Host nói gì tôi cũng không hiểu. Tôi nói gì host cũng đoán chừng ý tôi thôi, lúc đúng lúc sai. Vợ tôi đã từng làm việc cho ngân hàng Chase ở Sài Gòn, nên tiếng Mỹ giỏi hơn tôi.

Mỗi ngày Nàng đi xe lửa xuống New York làm việc, chiều tối mới trở về. Hôm đó Nàng ngủ quên (hay lo ra không xuống đúng trạm?). Xe lửa chạy tới trạm cuối cùng ở tiểu bang Pennsylvania. Đó là chuyến xe lửa cuối cùng. Một người Mỹ thấy Nàng lạc lõng ở sân ga, tội nghiệp, giúp gọi về Host ở New York. Host cũng không biết ga đó ở đâu, nên phải lấy bản đồ tìm đường đến đón Nàng về. Hôm đó tôi hú vía.

Kể từ đó Nàng nổi tiếng trên chuyến xe lửa giờ đó. Mỗi lần xe lửa ngừng ở trạm của Nàng, ai cũng nhắc nhở Nàng xuống xe. Người Mỹ rất hiếu khách. Họ thật tình thương và giúp đỡ người Việt Nam mình hội nhập vô xã hội.


image


Một vài bạn nói, thôi, 42 năm đã trôi qua rồi, hãy xoá bỏ hận thù, và hòa giải, hòa hợp. Nhớ lại ngày 30 tháng Tư năm 1975, và những ngày đầu lập nghiệp ở Mỹ, tôi không hận thù Kẻ Chiến Thắng, hay những gì họ đã làm. Đó là lịch sử, quá khứ. Mục đích của tôi là nhớ lại chặn đường đã qua, để cảm ơn nước Mỹ, đã tạo cơ hội cho chúng tôi người Việt ra đi, sống được, và hạnh phúc.

Các bạn mới đến Mỹ, định lập nghiệp ở đây, hãy xem trường hợp của tôi. Nếu các bạn chịu khó làm việc, chịu khó hội nhập, và sống hòa động với xã hội, tôn trọng pháp luật, làm việc cần cù, đóng thuế đầy đủ, không gian trá, xã hội Mỹ sẽ cho các bạn cơ hội thực hiện giấc mơ Mỹ. Cố công mài sắt, có ngày nên kim.

Các bạn đến sau sẽ dễ dàng hơn chúng tôi. Các bạn không bị sốc tâm lý như chúng tôi, vì các bạn còn quê hương để trở về, các bạn có thể liên lạc nói chuyện với gia đình và người quen bên nhà bất cứ lúc nào các bạn muốn. Năm 1975 chúng tôi không được vậy. Các bạn có sẵn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ với đầy đủ quán ăn, vả tiệm tùng đủ loại, khác với thời năm 1975, chúng tôi sống cô đơn, và thiếu thốn, không thấy tiệm tùng Việt Nam nào, không biết đi đâu mua gạo và nước mắm v..v... Tôi vượt khó khăn được, các bạn sẽ thành công dễ dàng hơn tôi. Hãy giữ vững niềm tin. Đừng để ai nói ngược lại, làm các bạn chán nản. Đường đi chỉ khó tại lòng người sợ khó, ngại núi e sông..

image

Kể lại những ngày sống ở Mỹ, tôi không thấy hận thù hay ghét Cộng Sản. Thật tình mà nói, tôi thấy thương họ hơn. Họ cũng là người Việt Nam như tôi. Họ nghe lời ngoại bang trong Quốc Tế Cộng Sản, cổng rắn cắn gà nhà, đập chết thằng anh em ruột thịt trong Nam, để được gì? Kết quả là gì? Một nước Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu, mất nhiều miền đất biên giới, nổi tiếng nhất là ải Nam Quan, mất Hoàng Sa và Trường Sa, Đồng Bằng Sông Cửu Long hạn hán, ngập mặn, vựa lứa đất nước bị đe dọa.

Bị ức hiếp như vậy, họ cũng không dám phản đối, không dám phẫn nộ, lúc nào cũng ôm kẻ thù truyền kiếp mấy ngàn năm gọi họ là anh em môi hở răng lạnh, anh em 16 chữ vàng v.v.. Ngư dân của họ bị người anh em đâm tàu chìm, họ cũng không dám nói là Trung Quốc đã gây thảm cảnh, nói mù mờ là tàu lạ đã gây sự. Thật tình tôi tội nghiệp họ, và người dân Việt Nam đang sống trong chế độ toàn trị của họ. Tôi không hận thù. Tôi chỉ thương họ thôi. Tôi phải nói rõ điểm này vì nhiều bạn comment thắc mắc trong mấy bài trước, hỏi tôi có hận thù Cộng sản không.

Trở lại những ngày đầu tị nạn ở Mỹ, chúng tôi sống với Host trong hơn 2 tháng, sau đó dọn nhà ở riêng. Hai tháng đầu tiên sống chung với một gia đình người Mỹ trung lưu, giúp tôi hiểu nhiều hơn về người Mỹ và nước Mỹ. Kiến thức này rất quí, theo tôi suốt đời, giúp tôi kiên trì đeo đuổi giấc mơ Mỹ, lèo lái gia đình tôi xuyên qua sóng gió, đạt tới bến bờ hạnh phúc ngày nay, 42 năm nhìn lại.

Gia đình của Host là di dân đời thứ 2. Có nghĩa là cha mẹ Host đã như tôi, được sanh ra ở nước ngoài, và tới Mỹ với giấc mơ nhỏ bé, như tôi, tìm một cuộc đời hạnh phúc cho mình và vợ con. Tôi có đến thăm cha mẹ họ, cũng như tôi nói không rành tiếng Mỹ. Cũng như tôi họ phải làm việc chân tay để sống. (42 năm sau, tôi đã đậu hai bằng Thạc Sĩ, nên địa vị xã hội không tệ).

Người chồng góc Pháp. Người vợ góc Ý. Họ được sanh ra và lớn lên ở Mỹ, như đám cháu nội và ngoại của tôi sau này. Nhìn họ sống, hiểu hoàn cảnh của họ và gia đình họ, ở Mỹ và ở nước ngoài, rọi ánh sáng vào hoàn cảnh của chúng tôi, giúp tôi thấy rõ được con đường phải đi, những việc phải làm, để đổi đời, thực hiện giấc mơ Mỹ. Càng ngày tôi càng quyết tâm hơn, sẵn sàng tìm việc làm, nhất quyết bắt đầu lại.

image

Nước Mỹ thật tuyệt vời. Nếu các bạn là di dân đến đây, sẵn sàng làm việc, cố gắng học hỏi, tôn trọng pháp luật, làm việc hợp pháp, các bạn được đảm bảo một đời sống dễ chịu. Làm việc được lương tối thiểu. mất việc được tiền thất nghiệp. Gia đình đông con, hay lương không đủ sống, có trợ cấp gọi là phiếu thực phẩm, để mua thịt. Ngày già được bảo đảm một nếp sống khả quan. Ai cũng được bảo đảm một đời sống đầy nhân cách.

Chúng tôi bình đẳng với nhau, da trắng, da đen hay da vàng, da nâu. Như Obama nói, đây là đất nước của di dân, và sẽ mãi mãi là đất nước của di dân. Ở đây, dù các bạn từ Việt Nam tới, các bạn cũng có cơ hội đồng đều như tất cả mọi người, không phân biệt màu da, tôn giáo, hay góc gác từ đâu tới. Thời Trump khác, nhưng Trump chưa phá bỏ nổi truyền thống mấy trăm năm của nước Mỹ. (Lẽ dĩ nhiên nếu các bạn còn ôm giấc mơ cụ Hồ, vượt Trường Sơn đánh Mỹ, các bạn có thể gặp khó khăn với dân Mỹ).

(Về điểm này xã hội Mỹ khác với xã hội Cộng Sản. Trước khi Cộng Sản giải phóng (chiếm) Sài Gòn, nhà nào ở đây cũng có tiền. Năm 1975 Cộng Sản vô, đấu tố, đổi tiền, đánh tư sản, chiếm tài sản nhân dân ở đây, ai cũng nghèo, ăn bo bo mà sống. Ngày nay thời đổi mới, chỉ người Cộng Sản mới được quyền nắm giữ chức vụ chỉ huy, có quyền, và có tiền. Xã hội Mỹ tạo cơ hội đồng đều cho dân chúng. Xã hội Cộng Sản có lợi cho đảng viên Cộng Sản, gia đình họ, và nhóm bạn bè quen biết và làm ăn với họ. Họ nắm hết quyền, và nhờ quyền họ nắm hết tiền.).

image

Trong hơn 2 tháng sống với Host, tôi học được nhiều kỹ năng sống, để có thể ra riêng sống cuộc đời độc lập. Tôi hiểu tiếng Mỹ nhiều hơn, nói nhiều hơn. Tôi hiểu nhiều hơn cách cư xử ở Mỹ, phép lịch sử tối thiểu để sống chung với nhau. Tôi biết ăn “hot dog” và “hamburger”, là hai thức ăn phổ biến, ở đâu cũng có bán. Tôi biết cách mua vé xe lửa, xe subway v.v.. Tôi biết xếp hàng đứng chờ tới phiên mình, biết nhường nhịn người già, người tật nguyền v.v..

(Văn hóa của Mỹ khác với văn hóa Việt Nam hay Trung Quốc. Vừa rồi tôi mổ cột sống, phải cầm gậy mà đi. Tới cửa, người Mỹ mở cửa nhường tôi đi trước. Một vài người có lẽ du khách từ Trung Quốc tới, chen lấn với tôi. Đó là sự khác biệt lớn lao về văn hóa của người dân Mỹ, và dân nước khác.

Người Mỹ không xả rác ngoài đường. Người Trung Quốc đến đây du lịch xả rác tùm lum, dơ dáy. Đi xem hoa, người Mỹ tôn trọng bông hoa, chỉ ngắm vẻ đẹp của hoa. Người Trung Quốc bẻ hoa, chà đạp lên hoa mà đi. Hai nền văn hóa Mỹ và Trung Quốc rất khác biệt. Nhờ sống chung với gia đình Host 2 tháng, chúng tôi sẵn sàng hơn trên con đường sống trên đất Mỹ).

Và chúng tôi dọn nhà về thành phố New York, để bắt đầu cuộc sống ở đây 42 năm nay. Nói theo kiểu Kim Dung, chúng tôi đã được các Sư Phụ truyền dạy Cửu Âm Chân Kinh. Và bây giờ đã tới lúc chúng tôi xuống núi, hành hiệp giang hồ, tranh giành một địa vị khả quan trên đất Mỹ.

Nói đúng hơn, định nghĩa cho thế giới biết thế nào là một người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi là thế hệ đầu tiên đến đây. Chúng tôi có bổn phận sống ra hồn, cho thế giới nể phục chúng ta. New York là một thế giới thu nhỏ, di dân tứ xứ đến đây sanh sống. Như lời trong một bài ca về New York, nếu các bạn thành công ở đây, các bạn có thể sống được bất cứ đâu trên đất Mỹ. 

image

 Sống ra hồn. Sống cho thế giới nể phục người Việt Nam. Định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Nói thì dễ.  Làm rất khó.  Khi các bạn đọc những Trang FB của tôi như "Du lịch thế giới",  "Nước Mỹ nơi tôi đang sống",  "Việt Nam, Quê hương mến yêu", và "Lê Thanh Hoàng Dân đi tìm hạnh phúc", các bạn chỉ thấy kết quả của 40 năm sống ở Mỹ. Con đường đến đó mới gian nan và khó khăn.

Nhiều bạn nghĩ nước Mỹ là thiên đàng. Đây không phải là thiên đàng. Đây không phải là nơi các bạn đến để ở không hưởng phúc lợi xã hội. Ở Mỹ chỉ những người chịu khó làm việc, tuân thủ pháp luật, sống cuộc đời cần cù, chịu khó ăn học, mới thành công. Giấc mơ Mỹ chỉ đến với người làm việc, không bao giờ đến với người đến đây ăn bám xã hội, ở không muốn người khác cho tiền.

(Nước Mỹ cũng không phải địa ngục như báo chí Cộng Sản đã mô ta trước đây, thời còn chống Mỹ. Mỹ không phải là thiên đàng, nhưng chưa có nước nào cho cơ hội đồng đều cho dân chúng, bằng nước Mỹ. Chỉ tại Mỹ một người con của di dân một nước da đen xa xôi (Kenya) mới có thể được bầu làm Tổng Thống. Chưa có nước nào trên thế giới chấp nhận hơn 1600000.00 người Việt Nam sống, như Mỹ. Trung Cộng đô hộ Việt Nam 1000.00 năm. Pháp đô hộ Việt Nam 100.00 năm. Các nước này không có được một cộng đồng Việt Nam như ở Mỹ.  Mỹ chỉ là một đồng minh chống sự bành trướng của Cộng Sản Tàu và Nga thôi, không  phải là một nước đô hộ chúng ta).

Tháng 7 năm 1975, hai tháng sau khi đặt chân đến Mỹ, vợ chồng tôi đã mướn nhà sống riêng, bắt đầu cuộc đời độc lập và tự do ở đây. Tôi đi tìm việc làm, xong vừa làm vừa học, xong làm việc Phố Wall, cần cù làm việc suốt đời. Ngày hưu trí tôi ở không chu du thiên hạ. Con cái của tôi đều sống riêng. 40 năm nhìn lại thấy cuộc đời ở đây hay quá. Giấc mơ Mỹ đã đến với tôi.

Nếu các bạn chỉ nhìn điểm bắt đầu và kết thúc, các bạn thấy tôi sướng quá. Nhưng vấn đề khó là quá trình làm việc và tranh đấu để đạt được ngày hôm nay. Một người nào đó đã nói rất đúng. Đời là một hành trình. Thú vị nằm ở hành trình, ở những việc làm hàng ngày, không phải ở điểm bắt đầu, hay điểm kết thúc. 

Lúc ra riêng gia đình tôi nghèo lắm. Tôi đã ra đi với hai bàn tay trắng. Lúc dọn nhà, tôi vẫn chưa có việc làm. Xin việc làm đầu tiên thật gian nan. Đi tới đâu cũng bị chê. Xin việc lao động, cũng bị chê,  "Over-educated", thiếu kinh nghiệm. Không dám xin việc văn phòng, vì chưa đủ ngôn ngữ, kinh nghiệm.

image 

Tuyệt vọng quá, tôi đi xin "Welfare" và "Food Stamps". Đó là những món tiền cho người nghèo nhất trong xã hội, giúp họ sống qua ngày, chờ lúc có việc (có job). Tuy nhiên khi tôi được chấp nhận những phúc lợi an sinh xã hội này, tôi đã tìm được Job (việc làm). Đó là một việc làm lương tối thiểu, làm nhiều, lương ít, làm việc rất cực khổ.

Tôi làm việc cho một công ty bảo vệ (security guards). Nói cho oai, chớ thật ra chúng tôi đâu có sức bảo vệ ai. Chỉ mặc đồng phục rất oai vệ,  đứng gác hãng bánh, bến tàu, các cao ốc ở đảo Manhattan mà thôi. Khổ nhất là những lúc đi gác bến tàu. Lúc đó tôi phải làm việc một ngày 12 tiếng. Đi từ New York qua bến tàu ở tiểu bang New Jersey là 2 tiếng. Trở về cũng 2 tiếng. Mỗi ngày tôi chỉ ở nhà có 8 tiếng, để tắm rửa, ăn uống, và ngủ. Lúc tôi đi, ở nhà không có ai, vợ đi làm, con đi học. Lúc tôi về, ai cũng đã ngủ.

Ngồi gác bến tàu, mỗi ngày tôi ngó lưng của bà Nữ Thần Tự Do, nên những lúc chán nản, tôi thường nói Nữ Thần nầy ngó về phía Âu Châu, thiên vị người da trắng, không bao giờ chịu ngó về phía một người Việt Nam xấu số, do tình cờ của lịch sử được sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nên phải đến đây chịu cực khổ như vầy.  (Bây giờ Cộng Sản gọi chúng tôi là khúc ruột ngàn dặm, nhưng lúc mới vô, họ coi chúng tôi như Mỹ-Ngụy, gia đình nào con cái cũng đấu tố cha mẹ, cũng có người đi trại tập trung cải tạo, cũng mất hết tiền xuyên qua các đợt đổi tiền, đánh tư sản).  

Hãng tôi làm có nhiều trí thức các nước khác, đặc biệt những nước Đông Âu. Những lúc chán nản, tôi nói chuyện với họ. Người nào cũng kỹ sư bác sĩ hay giảng sư đại học, cũng như tôi đang vừa làm vừa học lại.  Anh chàng tôi thích nhất đã từng là giảng sư ở Tiệp Khắc, đã đậu bằng PhD Tâm Lý Học. Anh học cao hiểu rộng, lại giỏi về môn tôi từng dạy ở Sài Gòn, nên tâm đầu ý hợp. Nhờ nói chuyện với họ, tôi mới đủ can đảm mạnh dạn tiếp tục làm việc. Vừa làm vừa học như họ.

Hai năm đầu tiên ở Mỹ, tôi chưa dứt khoác hẳn với quá khứ. Tôi vẫn còn luyến tiếc thời dạy học, viết văn, làm sách ở Sài Gòn. Nên tôi đã học hơn 60 credit PhD Triết học ở đại học CUNY. Ngồi trong chòi canh ở bến tàu, tôi có nhiều thời giờ đọc sách. Học đại học ở đây đọc sách rất nhiều, nhất là môn Triết Học. Hơn 37 năm bỏ triết học, tôi đã quên gần hết những gì đã học, chỉ còn nhớ mình vất vả với Triết học Mỹ, hoàn toàn chú trọng đến những vấn đề về logic và ngôn ngữ (philosophy of language), tôi chưa bao giờ nghe nói tới ở Sài Gòn.




GS Lê Thanh Hoàng Dân

image

Hai người Việt hành hung một anh Tây chảy máu mũi
Tường thuật phiên xét xử sơ thẩm Blogger Nguyễn Ng...
Giạt vào bờ
Cuộc di cư vĩ đại chạy trốn Cộng Sản 1954-1955
Hình ảnh về Mỹ bị thay đổi lớn vì Trump?
Nội các Trần Trọng Kim: 5 thành tựu trong 4 tháng...
Con người có con mắt thứ ba?
Sự khác biệt giữa “Chiếm” và “Giải Phóng”
Để sống vui mạnh
Khi chuột không còn biết sợ mèo
Cần bỏ biên chế như sổ gạo thời xưa
Về Việt Nam không nên xài số điện thoại ở Mỹ
Tranh luận về “PARIS AGREEMENT”
Trẻ béo phì ở Trung Cộng: nhiều nhất thế giới
Điều trần FBI: Bạch hóa TT Trump?
Nhận thức di sản văn học miền Nam
Hải sâm, vú nàng, máu và nước mắt
Cùng một sự việc: phản ứng khác nhau trong xã hội
TT Ngô Đình Diệm dưới cái nhìn của các lãnh tụ
Vì sao người Tây Ban Nha ăn tối vào 10 giờ đêm?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.