Pages

Thursday, June 29, 2017

Nội các Trần Trọng Kim: 5 thành tựu trong 4 tháng

image
Nội các Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng

Chỉ trong bốn tháng làm việc với chủ quyền và độc lập rất hạn chế, Chính phủ Trần Trọng Kim đã tạo biểu tượng, đặt nền tảng về pháp lý và giáo dục cho Việt Nam nhiều năm sau.

Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) tồn tại từ ngày 17/04 đến 25/08 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư.

Đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.

Nhân chuyện một cuốn sách của Trần Trọng Kim vừa bị thu hồi ở Việt Nam, các bạn tìm hiểu ít nhất năm việc lớn chính phủ của ông làm được năm 1945:

1. Lập lại quốc hiệu Việt Nam

image

Đây là tên nước 'ước mơ' của Hoàng đế Gia Long nhưng không được Thanh triều công nhận.

Tên nước Đại Nam do Vua Minh Mạng đặt đã bị Pháp xóa để lập ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong Liên bang Đông Dương.

Được Nhật Bản trao trả 'độc lập', vua Bảo Đại và chính phủ đã nhanh chóng tuyên bố quốc hiệu là Việt Nam.

Đây cũng là cái tên mà Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu đặt cho các đảng phục quốc, cách mạng.

Riêng phái cộng sản chưa dùng tên này cho ba đảng đầu tiên của họ mà từ 1930 đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Quốc hiệu Việt Nam do chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố với thế giới sau đã thành tên nước cho cả hai chế độ ở Nam và Bắc đến 1975 và ngày nay.

Đế quốc Việt Nam năm Bảo Đại 20 chọn cờ vàng ba sọc đỏ với một sọc đứt quãng theo quẻ Ly của Kinh Dịch làm quốc kỳ.

Nhà Nho học Trần Trọng Kim dẫn sử để nói đó là màu cờ vàng của Triệu Thị Trinh khi khởi nghĩa chống quân Ngô.

2. Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục

Dù có một số nỗ lực dùng tiếng Nhật thời Nhật Bản chiếm Đông Dương, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Việt và một số văn bản Hán ngữ đến năm 1945.

image
Hà Nội thời Pháp: phố mang tên nhà thám hiểm thực dân Jean Dupuis ở lối vào Ô Quan Chưởng

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, đóng vai trò chính trong việc ra quyết định dùng tiếng Việt hệ quốc ngữ thay tiếng Pháp.

Ông soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt và đưa bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Đây là cơ sở cho chương trình trung học trên toàn Việt Nam ở cả hai miền dưới hai chế độ đối nghịch.
Các sách giáo khoa chịu ảnh hưởng của giai đoạn Hoàng Xuân Hãn vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu từ 1936 đến 1947.

Đó là thời gian ông xuất bản tiểu sử Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử, soạn từ vựng danh từ khoa học Toán Lý Hóa cho người Việt Nam.

3. Đòi lại miền Nam để thống nhất lãnh thổ

Theo sử gia Lê Mạnh Hùng, ngày 16/06, Vua Bảo Đại ra tuyên bố thống nhất tương lai của ba kỳ về một.

Chính phủ Trần Trọng Kim cũng ngay lập tức đàm phán với Nhật để đòi lại ba thành phố trực trị của người Pháp trước đó là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Cuộc gặp của Trần Trọng Kim với gặp Trung tướng Yuitsu Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 của Nhật tại Đông Dương trong tháng 7 đã đem lại kết quả quan trọng.

image
Quân Nhật đi xe đạp qua cầu Long Biên vào Hà Nội tháng 9/1941

Tân chính phủ Việt Nam được bổ nhiệm lãnh đạo ba đô thị lớn: Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, Vũ Trọng Khanh làm Thị trưởng Hải Phòng và Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng Tourane (Đà Nẵng).

Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên phố từ tên Pháp sang tên những vị anh hùng dân tộc Việt Nam.

Sang tháng 8/1945, Nhật Bản đồng ý trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Trần Trọng Kim và ông Nguyễn Văn Sâm được bổ nhiệm làm Khâm Sai Nam Kỳ.

Không có quân đội riêng, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ dựa vào tình thế và quyết tâm của các trí thức để đàm phán với Nhật Bản.

Nhưng về mặt chính trị, tâm lý dân tộc và hành chính, nhận lại Nam Kỳ là thành tựu có tính biểu tượng quan trọng.

Hành động này không chỉ xóa nỗi nhục bại trận - cuộc chiến mất nước của Đại Nam bắt đầu từ Nam Kỳ - mà còn duy trì giấc mơ thống nhất ba miền các bậc tiền bối nuôi dưỡng.

4. Soạn hiến pháp nhấn mạnh tự do và độc lập

Dù không có thực quyền và không được các đại cường công nhận - bởi là chính quyền có quan hệ mật thiết với Đế quốc Nhật - Trần Trọng Kim, đã lập ra Hội đồng dự thảo Hiến pháp.

image
Sau khi trao quyền lại cho chính phủ Việt Minh, cựu hoàng Bảo Đại khi đó ngoài 30 tuổi, giữ chức Cố vấn tối cao một thời gian với cái tên công dân Vĩnh Thụy

Hội đồng gồm các trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường.
Hiến pháp công nhận tự do lập nghiệp đoàn, các hội nghề nghiệp.

Tổng hội Công chức ra đời để làm lực lượng chính trị ủng hộ cho tân chính phủ.

Các hội đoàn thanh niên sau là cơ sở cho các phong trào vũ trang chống Pháp của cả phe cộng sản và cộng hòa.

Trong Tuyên chiếu 03/05/1945, vua Bảo Đại đã viết:
"Muốn cải-tạo quốc-gia, chính-phủ cần hành động cho quy-củ nghĩa là phải có hiến pháp.

Hiến pháp tương lai của Việt-Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc-gia, sự quân dân cộng tác, và những quyền tự do chính-trị tôn-giáo cùng nghiệp-đoàn của nhân-dân."

Đặc biệt, theo lời nhà vua, "Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả."
Tuy nhiên, hoạt động lập pháp này đã không hoàn tất được vì các công việc cấp bách hơn như cứu đói cho miền Bắc.

Theo sử gia Trần Gia Phụng, chính phủ Trần Trọng Kim tuy được Nhật hậu thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán, đã hoạt động độc lập và không lệ thuộc người Nhật.

5. Rút lui và trao quyền cho thế hệ cách mạng

Các hạn chế của chính phủ Trần Trọng Kim đã được nói đến nhiều, gồm cả việc không có Quốc hội, không có quân đội và không được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản.

Nội các này đã tan rã trong làn sóng cách mạng nổi lên và mục tiêu giành giật vùng ảnh hưởng của các đại cường.

Ý thức được những vấn đề đó, các trí thức trong chính phủ này đã chọn con đường trao lại quyền lực không đổ máu cho một chính quyền do Việt Minh lãnh đạo.

Được biết vua Bảo Đại đã không cho binh lính mai phục bắn vào nhóm thanh niên theo Việt Minh trèo lên kỳ đài ở Huế hạ cờ vàng và kéo cờ đỏ sao vàng lên cột ngày 21/08.

image
Nội các Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam rút lui để cũng khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cách mạng và cộng hòa

Tại Hà Nội, tuần hành của Tổng hội Công chức ngày 19/08 bị 'cướp cờ' biến thành biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo.

Dù vậy, Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại đã không cho Bảo an binh bắn vào đoàn biểu tình và cũng không yêu cầu quân Nhật can thiệp.

Là chính phủ chuyên viên đầu tiên của Việt Nam thời hiện đại, nội các Trần Trọng Kim đã rút lui trong hòa bình để trao quyền lại cho thế hệ các chính khách và nhà làm cách mạng chuyên nghiệp.

Theo chính lời ông Trần Trọng Kim kể lại, quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào giai đoạn tàn sát lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng trong các năm 1945-46.

Về thể chế, Đế quốc Việt Nam rút lui đã khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cộng hòa với các tiến bộ và hệ lụy như đã biết về sau.

image

Con người có con mắt thứ ba?
Sự khác biệt giữa “Chiếm” và “Giải Phóng”
Để sống vui mạnh
Khi chuột không còn biết sợ mèo
Cần bỏ biên chế như sổ gạo thời xưa
Về Việt Nam không nên xài số điện thoại ở Mỹ
Tranh luận về “PARIS AGREEMENT”
Trẻ béo phì ở Trung Cộng: nhiều nhất thế giới
Điều trần FBI: Bạch hóa TT Trump?
Nhận thức di sản văn học miền Nam
Hải sâm, vú nàng, máu và nước mắt
Cùng một sự việc: phản ứng khác nhau trong xã hội
TT Ngô Đình Diệm dưới cái nhìn của các lãnh tụ
Vì sao người Tây Ban Nha ăn tối vào 10 giờ đêm?
Khách Tây rỉ tai nhau trước khi tới Việt Nam
Người Việt 'ganh tị' vì Campuchia có bầu cử đa đản...
Trump sa thải tôi để làm suy yếu cuộc điều tra về ...
Bạn có thể mua được quốc tịch những nước nào?
Rửa tay và làm khô tay sai cách ?
Ông Ricky Best, "vị tử đạo" thời nay

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.