Pages

Friday, October 18, 2024

Những tranh cãi về người nhập cư

 BM

Còn chưa đầy ba tuần nữa là đến ngày bầu của tổng thống Mỹ. Chủ đề nhập cư ngày càng trở nên nóng bỏng với đầy những câu chuyện, sự kiện được phổ biến và diễn dịch không đúng.


Xoáy vào nhập cư được xem là điểm mạnh của Đảng Cộng hòa và bất lợi cho Đảng Dân chủ hiện nay.


Chuyện ở công ty xây dựng


BM

Hơn 5 năm trước, tôi vào làm việc trong một công ty ở lĩnh vực xây dựng được thành lập từ năm 1957. Nhìn vào kỷ yếu, những hình ảnh lưu niệm ở phòng trưng bày về quá trình phát triển của công ty, tôi thấy trong những năm đầu đa số nhân viên, công nhân của công ty là người da trắng và số ít người da đen. Đến những năm 1990 thì trên các tấm hình có thêm những màu da, màu tóc khác. Và sau những năm 2000 thì người Mỹ trắng chỉ còn là thiểu số. Lúc tôi vào làm thì đa số nhân viên của công ty là người đến từ các quốc gia Nam Mỹ. Vài người Mỹ trắng còn lại chỉ làm ở bộ phận văn phòng, kỹ thuật và các giao dịch định giá bên ngoài.


Thời Covid, công ty còn phải tuyển thêm nhân viên bộ phận văn phòng nói tiếng Tây Ban Nha để truyền đạt những quy định về dịch bệnh cho nhân viên, bởi nhiều nhân viên không thể nghe hoặc nói được tiếng Anh.


Tại một công ty khác, tôi có một anh bạn đồng nghiệp người Mexico đến Mỹ từ 20 năm trước. Ban đầu anh làm công nhân sửa chữa đường sắt, sau đó làm nghề chăm sóc vườn và bây giờ là công nhân ngành xây dựng. Cha của anh vừa mất 6 tháng trước, nhưng anh không trở về tiễn cha lần cuối. Anh cho biết nếu về thì không trở lại Mỹ được, nên vẫn ở lại làm thêm ba bốn năm nữa rồi trở về cố hương hưởng già.


Diễn đàn Nhập cư Quốc gia, một nhóm vận động phi lợi nhuận về nhập cư đóng tại Washington DC, đã công bố một báo cáo hồi tháng trước cho biết có đến 30% lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng là người nhập cư.


BM

Một báo cáo khác do Đại học bang Michigan (University of Michigan) công bố hồi tháng 5/2024 cho thấy, ở lĩnh vực xây dựng, nước Mỹ phụ thuộc vào lao động nhập cư, chiếm khoảng 20%, đặc biệt là lao động không có giấy tờ. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng 63% lao động xây dựng của thành phố New York là người nhập cư. Trong số này có đến 40% là người không có giấy tờ. Bang Texas có một nửa số công nhân xây dựng (ước tính là 400.000 người) không có giấy tờ. California, bang đông dân nhất và giàu nhất nước Mỹ, trong một báo cáo khác cũng có tỷ lệ tương tự.


Nghiên cứu của Đại học Michigan còn cho thấy, lao động không có giấy tờ bị trả lương thấp hơn 3 đô la mỗi giờ so với lao động sinh ra tại Mỹ trong cùng một vị trí và kỹ năng. Cùng với đó, họ bị mất đi các phúc lợi trong công việc. Nhưng họ lại không biết hoặc không dám đứng ra để đòi quyền lợi cho mình.


Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đông không kém. Tôi đã vài lần đến các vùng trồng táo và cherry của bang Washington ở Yakima và các vùng lân cận. Những công nhân trực tiếp làm việc trong vườn mà tôi gặp đa số là người gốc Nam Mỹ.


Chợ người


BM

Tại cửa hàng vật liệu xây dựng Home Depot ở phía nam thành phố Tacoma nơi tôi đang sống rất dễ để tìm được một người làm. Ngay cổng vào luôn có hai hàng người đứng hai bên vỉa hè bất kể trời nắng hay mưa, sáng hay chiều. Họ đứng đó, khi thấy có người lái xe vào thì chạy ra vẫy tay, ra hiệu, môi mấp máy, chỉ vào người như lời chào hỏi, có cần thuê họ không.


Chỉ cần hạ kính xe, chạy chậm lại sẽ có nhiều người chạy theo. Sau đó là nói về công việc, thỏa thuận giá cả, trong lúc này chức năng dịch thuật của Google trên điện thoại trở nên vô cùng hữu dụng.


Những con người này làm việc theo kiểu “thợ đụng”, từ phụ trên công trường xây dựng, đến khuân vác, dọn dẹp vườn tược, nhà cửa… Đa số họ không có kỹ năng cao. Nhân lực của chợ người này đến từ Mexico và các quốc gia ở Nam Mỹ hoặc Trung Mỹ.


Họ đến đây từ các quốc gia khác nhau, dân tộc khác nhau, nhưng tôi thấy họ cùng nói một ngôn ngữ và cũng chỉ nhận tiền mặt sau một ngày lao động.


BM

Tình cảnh của họ, theo cảm nhận của tôi, ngày nào có người thuê là may mắn. Ngày nào chờ từ sáng đến chiều thì sự lo lắng còn hằn trên mặt khi màn đêm buông xuống.


Những người ở cửa hàng Home Depot làm tôi liên tưởng tới những chợ người ở Hà Nội, hay tại vùng Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng mà tôi đã chứng kiến ngày trước.


Ông Trump sẽ trục xuất hết người nhập cư?


BM

Theo Viện Chính sách và Di cư (MPI), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Washington DC, nước Mỹ đang có 11 triệu nhập cư bất hợp pháp. Con số này khớp với con số do Pew Research Center, một trung tâm nghiên cứu uy tín hàng đầu của Mỹ, đưa ra cùng thời điểm.


Tuy nhiên, con số này thường bị ứng cử viên tổng thống của Hoa Kỳ nói vống lên, lúc thì 15 triệu, lúc thì hơn 20 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Ông Trump đưa ra những con số này, vốn đã bị nhiều cơ quan uy tín kiểm chứng và xác định là không đúng, để tạo ra nỗi sợ trong dân chúng nhằm giành lợi ích chính trị.


Cùng với đó, ông thổi phồng tỷ lệ tội phạm ở người nhập cư bất hợp pháp.


Những điều ông Trump nói trái ngược với công bố của cơ quan Nghiên cứu, Phát triển và Đánh Giá (NIJ) của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hồi năm 2022 cho thấy: Tại bang Texas, cửa ngõ chính của nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, dữ liệu của Sở An toàn Công cộng Texas chỉ ra rằng người nhập cư không có giấy tờ bị bắt ít hơn một nửa so với công dân được sinh ra Hoa Kỳ về tội bạo lực và ma túy, chỉ bằng một phần tư so với công dân bản địa về tội phạm khác.


BM

Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa luôn đưa ra thông điệp trong suốt quá trình tranh cử, nếu thắng ông sẽ trục xuất hết lao động bất hợp pháp này ra khỏi nước Mỹ.


Vậy liệu ông Trump có thể trục xuất được hết số lao động này không?


Trước hết, cần phải có một khoản tiền khổng lồ, ước tính phải trên 300 tỷ USD để trục xuất số di dân này, từ việc dựng lên các trung tâm tạm giữ, đến những chuyến bay. Vấn đề kế tiếp là các quốc gia họ sinh ra có sẵn sàng nhận họ trở lại hay không? Và nhân lực lao động ở đâu để thay thế số người bị trục xuất?


Nếu việc trục xuất này được thực hiện theo cách nói của Donald Trump thì đó sẽ là sự chà đạp lên lòng nhân đạo và quyền con người mà nước Mỹ không ngừng rao giảng.


Ông Trump đòi trục xuất người nhập cư từ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi,… nhưng ông lại mời gọi người nhập cư da trắng từ Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, các quốc gia châu Âu, theo một tường thuật của báo New York Times hồi tháng 4/2024. Đây chính là một điều mâu thuẫn trong lập trường của ông.


Người nhập cư đến Mỹ để ăn bám?


BM

Đa số lao động nhập cư làm các công việc nặng nhọc, hoặc có mức lương không cao… những việc mà người sinh ra ở Mỹ không muốn làm.


Báo cáo hằng tháng của Bộ Lao động Mỹ vẫn có người thất nghiệp, nhưng thực tế quan sát của tôi thấy thông báo tuyển dụng khắp nơi, từ các trang tuyển dụng chuyên nghiệp, đến trước cổng doanh nghiệp, dán trên xe; từ các hãng, xưởng trung bình, đến công ty nhỏ hơn, tại các nhà hàng, trong các chợ…


Có thể nói, đa số người tìm cách vào Mỹ hiện nay vì lý do kinh tế. Họ đến Mỹ để được làm việc, từ đó có một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải để ăn bám. Vì thế họ làm việc chăm chỉ để tạo dựng cuộc sống ổn định. Họ chấp nhận làm nhiều giờ, làm thêm, với mức lương không cao. Và họ đã góp phần vào sự phát triển của nước Mỹ.


Điều này tôi thấy chính ở những người đồng bào của tôi tại tiểu bang Washington, nơi có người Việt đông thứ ba ở Mỹ. Quan sát trong khoảng chục năm trở lại đây, tôi thấy đa phần người Việt đến Mỹ gần như từ hai bàn tay trắng, nhưng ba đến bốn năm sau, nhiều người đã mua được nhà, dù giá nhà trung bình ở khu vực tôi không cao như ở California, nhưng lại không thấp như Texas.


Chưa thấy con số thống kê chính thức với người Việt, nhưng quan sát tôi thấy tỷ lệ người Việt sở hữu nhà riêng là khá cao so với mặt bằng chung dân Mỹ sở hữu nhà ở mức khoảng 66%.


BM

Nước Mỹ và giấc mơ Mỹ vẫn là điểm đến của nhiều người, kể cả bằng con đường hợp pháp lẫn bất hợp pháp.


Chỉ khi nước Mỹ không còn dẫn đầu, rơi vào khủng hoảng kinh tế hoặc phân biệt chủng tộc là hợp pháp thì người ta mới ngưng tìm cách vào Mỹ. Hoặc nước Mỹ phải có một luật nhập cư mới nghiêm ngặt, rõ ràng hơn so với hiện nay.




Võ Ngọc Ánh


BM
Tâm thư của nữ tù nhân Lê Vân
Cáp biển Việt Nam: Lệ thuộc Mỹ hay Trung cộng?
Truyện ngắn “Cô Sướng Cưới Vợ”
Israel hạ sát thủ lĩnh Hamas ở Gaza
Phiếu bầu của người Công Giáo 2024
Quen với tiếng bom nổ hơn tiếng đồ chơi
Đôi dòng về San Jose
Cảm nhận khi đọc truyện ngắn “Cô Sướng Cưới Vợ”
Báo chí Đảng _ Dĩ nhiên là khác báo chí Việt Nam
Nghe nhạc cuối năm
Người phát loa và Người phát ngôn
Mỹ sẽ điều hệ thống chống phi đạn và binh sĩ tới Israel
Thế giới Ả rập (Arab World)
Tâm sự người vợ H.O.
Chính sách của Kamala
Kamala Harris sử dụng máy nhắc chữ ?
Các cô gái Nga ‘AI’ trên TikTok vừa bán hàng, vừa tuyên truyền cho Trung cộng
Giải phóng thủ đô: Người ngán ngẩm, kẻ hào hứng
Ca sĩ Hanni làm chứng trước Quốc hội Hàn Quốc về hành vi quấy rối
Đi tìm sự sống ngoài hành tinh

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.